Truyện ngắn của THANH THẢN
Quỳnh và Đậu là đôi bạn có nhiều cái cùng. Cùng làng, cùng tuổi. Suốt thời học sinh phổ thông đều cùng trường, cùng lớp. Khi đi bộ đội lại được vào cùng một tiểu đội. Rồi đến khi đi B, mấy năm lăn lộn ở chiến trường, hai người lại cùng ở với nhau suốt trong một đơn vị. Tình bạn, tình đồng đội của hai người vì thế mà càng thêm thắm thiết.
Ngày tham gia chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, đơn vị của Quỳnh và Đậu tiến đánh vào thị xã Xuân Lộc, một trận địa vô cùng ác liệt. Đây là cửa ngõ Sài Gòn nên địch tập trung rất nhiều binh lực, hỏa lực mạnh và luôn luôn lên gân cho binh sỹ và dân chúng là "Quyết tử thủ Xuân Lộc"...
Trận đánh kéo dài đến cả tuần. Địch chống trả quyết liệt. Không chỉ quân chủ lực của chúng quyết "tử thủ" mà mọi lực lượng dân binh, dân vệ đến nhiều già trẻ, gái trai cũng điên cuồng chống trả. Quân ta cũng luôn giữ vững tinh thần "Quyết chiến, quyết thắng", nhất định không lùi bước, không chịu mất một tấc đất ... mặc dù đơn vị bị tổn thất cũng đã khá nặng nề...
Khi mũi tiến quân của tiểu đội trưởng Quỳnh chỉ huy diệt xong ổ phục kích trong một tòa nhà lớn, quay ra thì anh mới biết Đậu đã bị thương rất nặng và anh em cứu thương đã kịp đưa đi Đội phẫu tiền phương cấp cứu. Lòng Quỳnh như có lửa đốt. Anh chỉ muốn lao đi gặp Đậu ngay, nhưng lúc ấy nhất nhất chưa ai được rời vị trí chiến đấu.
Sau đấy một hôm, mãi đến sáng ngày Thị xã Xuân Lộc hoàn toàn được giải phóng, mặc dù còn bề bộn công việc sau một trận chiến đấu lớn, Quỳnh mới báo cáo trung đội muốn đi thăm Đậu xem thế nào. Trung đội trưởng cũng đang sốt ruột vì tình hình của Đậu và đội phẫu cũng gần đấy nên đồng ý cho Quỳnh đi ngay.
Đến đội phẫu, Quỳnh mới hay Đậu đã được sơ cứu và đưa vào một Quân y viện đóng ở ấp Suối Tre cũng gần đó. Quỳnh liền tức tốc đi ngay. Mặc dù đã hàng tuần liên tục chiến đấu, thiếu ăn, thiếu ngủ, người mệt rã rời và trời thì còn sớm mà đã nóng như nung, người Quỳnh đầm đìa mồ hôi, nhưng nỗi mong gặp bạn đã làm cho Quỳnh vẫn thấy khỏe như thường. Chỉ có cái bụng là cứ sôi èo ẹo. Nhớ đến tấm lương khô 702, anh Trung đội trưởng dúi cho khi nãy, Quỳnh mới móc túi ra vừa đi vừa nhai và vừa ngửa cổ dốc ngược bình tông hớp ngụm nước cho trôi chút lương khô như kẹo dính trong họng. Cứ vậy, vừa đi vừa ăn vừa uống, Quỳnh đi mà như chạy...
Đến bệnh viện, Quỳnh hỏi thăm Đậu khá dễ dàng. Đậu được đặt nằm trên một chiếc giường cũ như vừa mới tiếp nhận ở nhà dân. Anh cởi trần, ngực băng bó trắng lốp. Vậy mà máu vẫn còn thấm ra đỏ bông băng. Anh hỏi bác sỹ trực. Người bác sỹ còn khá trẻ nhìn Quỳnh vẻ ái ngại. Rồi anh khẽ lắc đầu, giọng buồn buồn: "Cậu ấy bị nặng quá... Viên đạn găm vào ngực... Chúng tôi đã gắp viên đạn ra...Nghe nói khi bị thương, cậu ấy còn tiêu diệt thêm được mấy tên địch nữa...Thật là quả cảm...Nhưng....". Bỏ giở mấy lời, người bác sỹ trẻ lại nhìn Quỳnh lắc đầu ... Quỳnh nắm tay bác sỹ, khẩn khoản: "Mong các đồng chí tập trung cứu chữa... Đó là một chiến sỹ ưu tú của đơn vị tôi... Sau trận Xuân Lộc này, nhất định cậu ấy sẽ được kết nạp Đảng đấy..." .
Anh bác sỹ nắm chặt tay Quỳnh như muốn cất một lời hứa rồi xin phép bước đến với các thương binh khác.
Quỳnh ngồi xuống mép giường, khẽ nắm tay Đậu lắc lắc, lên tiếng:
- Đậu!...Đậu!... Quỳnh đây....
Đậu vẫn nằm bất động. Quỳnh lại phải đành ngồi yên nhìn Đậu. Trời! Nó sút quá. Cái thằng bảnh trai, vẻ thư sinh, khỏe mạnh thế mà giờ hai má tóp lại, da dẻ sạm đen như vẫn còn ám mùi khói lửa chiến trận. Mấy ngày liên tục chiến đấu, thiếu ăn, thiếu ngủ ... lại bị thương nặng, mất máu nhiều thế... còn gì...
Khá lâu Quỳnh mới lại lên tiếng. Bỗng Đậu khẽ cựa mình. Quỳnh như muốn reo lên. Đôi mắt Đậu từ từ hé nhìn Quỳnh. Và bàn tay phải Đậu cũng khẽ cử động và lặng sờ soạng tìm tay Quỳnh, nắm chặt. Tim Quỳnh đập rộn. Quỳnh mừng quá. Thế là nó đã nhận ra bạn rồi. Nhưng Đậu vẫn còn mệt quá nên miệng cố mấp máy mà vẫn không thốt được ra lời. Thỉnh thoảng Đậu lại cựa mình, nhíu trán như cố nén vết thương đau.
Một lát rời tay Quỳnh, Đậu cố nhấc tay lên rồi chỉ chỉ xuống dưới giường. Quỳnh ngó xuống chỉ thấy có một chiếc bồng vải lép kẹp. Quỳnh nhấc lên giơ trước mắt Đậu khẽ hỏi "Cái này à?". Đậu gật gật. Rồi như cố gắng lắm, Đậu mới nói được mấy tiếng rời rạc:
- Về...về... bố... mẹ....
Quỳnh đọc được qua ánh mắt của Đậu "Nếu còn sống về ...thì trao cho bố mẹ ...". Rồi hai mắt Đậu lại nhắm nghiền và khò khè thở...
Ngồi bên Đậu khá lâu, Quỳnh mới thẫn thờ ra về.
Quỳnh về đến đơn vị, anh em xúm lại hỏi han tình hình của Đậu. Quỳnh kể sơ qua rồi người nào lại vào việc ấy. Sau mỗi trận đánh, nhất là sau một trận đánh lớn mà ta đã hoàn toàn làm chủ đất giải phóng thì có biết bao việc phải làm, nên mãi đến cuối chiều Quỳnh mới lục bồng của Đậu xem có những gì. Trong bồng chỉ có một bộ quần áo bộ đội đã bạc mầu. Quỳnh giở bộ quần áo ra định gấp lại cho phẳng phắn thì thấy còn có chiếc khăn mùi xoa trắng như vẫn còn in dấu vân tay của Đậu. Góc bên phải chiếc khăn có thêu đôi chim bồ câu. Hai con chim bồ câu xinh xinh cùng ngậm một sợi chỉ đỏ, cánh dang rộng như đang bay về một hướng. Dưới hình đôi chim có hai chữ hoa Đ và T lồng nhau. Cuối chiếc khăn có dòng chữ đỏ "Chúc chiến thắng"...Góc cuối bên trái còn thêu một bông hồng đỏ tươi, cuộng hoa uốn cong theo mép khăn và xòe hai lá xanh tươi... Hồi ấy các cô gái tiễn người yêu ra trận thường hay tặng những chiếc khăn kỷ niệm do chính tay mình thêu thùa như vậy. Thì ra đó là chiếc khăn của Trúc. Trúc là người yêu của Đậu. Trúc cùng làng và học dưới Quỳnh và Đậu hai lớp. Trúc là một cô gái xinh xắn, duyên dáng và nết na, lại luôn là một học sinh giỏi của lớp, của trường. Hai đứa thầm yêu trộm nhớ thầm từ năm học cuối cấp ba. Hôm tiễn anh em đi chiến trường, lúc tầu sắp chạy Trúc mới dụt dè dúi vào tay Đậu chiếc khăn ấy. Suốt những năm ở với nhau Quỳnh luôn được nghe Đậu kể về Trúc. Hai đứa hẹn hò nhau ghê lắm. Người nào cũng mong mỏi ngày chiến thắng trở về để nên đôi, nên lứa...Vậy mà ...Chẳng may Đậu có mệnh hệ gì thì đây thực là kỷ vật thiêng liêng của những người lính. Trách nhiệm đã ở Quỳnh. Quỳnh tự hứa với mình sẽ mang về đến nơi, trao cho bố mẹ Đậu và Trúc ...
Ngắm chiếc khăn xong, Quỳnh lục tiếp chiếc bồng Quỳnh còn thấy một gói vải nhỏ. Anh lật đật mở xem. Anh bỗng giật thót mình khi thấy có một sợi dây chuyền vàng và ba chiếc nhẫn vàng tươi gói bọc kỹ càng. Anh bỗng giận điên người. Ôi!... một chiến sĩ, một người bạn chí cốt của mình vốn xưa nay là một người vô cùng chất phác, thật thà, trung thực và có ý thức kỷ luật cao mà sao lại thế này?... Định giấu diếm, biển thủ chiến lợi phẩm hòng đem về biếu bố mẹ và tặng người yêu ư? Là người lính chiến trường ai không nhớ đi đánh trận dù thu được chiến lợi phẩm gì cũng phải nộp lại hết cho đơn vị. Mà sao Đậu lại thế! Một thằng bạn thân, đã rất hiểu nhau mà giờ Quỳnh lại thật không ngờ. Đậu ơi...mày có xứng đáng là một chiến sỹ đơn vị anh hùng của chúng ta nữa không? Bao lần mày đã là Dũng sỹ quyết thắng, Dũng sỹ diệt ngụy, là chiến sỹ ưu tú kia mà! Mày còn đáng mặt với một cô gái hậu phương chung thủy vẫn coi mày là một người yêu lý tưởng nữa không? Một nhà thơ nào đó đã viết "Trong cuộc chiến tranh này/ Đừng để ngượng với nhau khi gặp mặt..." (*) cơ mà! Nếu nhận sợi dây chuyền, biết thế này thì Trúc nó còn coi mày ra gì? Hơn nữa, mày lại còn sắp được kết nạp đấy... Còn tao... như thế này thì tao còn có thể giúp mày được không? Nếu không giúp mày thì tao sẽ là một thằng bạn thất hứa ...Còn nếu giúp mày thì hóa ra tao cũng lại là kẻ tòng phạm ư?
Thêm một đêm Quỳnh gần như mất ngủ, dù giấc ngủ sau chiến thắng là giấc ngủ ngon nhất. Trong đầu Quỳnh luôn giằng xé giữa hai nỗi niềm. Một là giúp bạn đưa về tận tay cho bố mẹ và người yêu của Đậu. Hai là sẽ thẳng thắn nộp lại cho đơn vị...Lan man suy nghĩ mãi, Quỳnh thiếp đi lúc nào không hay. Khi Quỳnh chợt giật mình thức dậy thì trời đã sáng rõ. Quỳnh lại nghĩ đến Đậu, sốt ruột về tình hình của bạn và muốn biết ý tứ của bạn về chút chiến lợi phẩm kia...Thế là Quỳnh vội rửa mặt, đánh răng rồi tức tốc đến gặp trung đội trưởng xin đi thăm Đậu lần nữa. Nhưng Trung đội trưởng bảo còn nhiều việc bề bộn...Thôi ăn cơm trưa xong, tranh thủ giờ nghỉ hãy đi...Thế là trưa ấy vừa cơm nước xong, uống vội ngụm nước, chụp vội chiếc mũ tai bèo lên đầu, chỉnh trang nhanh lại quân phục là Quỳnh vụt đi ngay...
Vậy mà Quỳnh vẫn bị chậm...
Quỳnh không được gặp Đậu nữa rồi. Khi anh đến nơi thì Đậu đã mất. Đậu mất từ chiều qua. Sáng nay bệnh viện đã lo mai táng chu đáo. Quỳnh lại nhào ra viếng mồ bạn. Trước linh hồn bạn, Quỳnh vẫn còn giận giận, thương thương...Mãi khi gặp người bác sỹ trực để chào ra về thì người bác sỹ mới kéo tay anh và móc túi áo đưa cho một mảnh giấy, nói:
- Cậu ấy nghị lực lắm...Trước lúc tắt thở còn mượn bút và xin tờ giấy, gắng gượng viết cho đồng chí đây...Cậu ấy bảo hôm qua còn đang lơ mơ bất tỉnh không nhớ ra, không kịp nói với bạn...
Quỳnh đón tờ giấy, tay run run mở xem. Đó là mấy dòng nguệch ngoạc của Đậu "Sợi dây chuyền vàng và ba chỉ vàng tao thu được...Giờ mới sực nhớ ra... Đó là chiến lợi phẩm... mày nhớ nộp lại đơn vị cho tao nhé... Đậu..."...
Mắt Quỳnh bỗng nhòe đi. Nhiều giọt lệ đã trào ra... Có thế chứ...Vậy mà suốt đêm qua tao cứ liên miên nghĩ về mày... Chả nhẽ... Được, về tao sẽ đề nghị đơn vị lại truy tặng danh hiệu Dũng sĩ quyết thắng cho mày... Rồi Quỳnh lại bỗng sững người, đứng chết lặng... Đã nhiều lần vĩnh biệt đồng đội mà chỉ có lần này anh thấy đau buồn nhất... Vậy là nó mãi mãi đi xa, mình mãi mãi mất một người bạn thân thiết rồi...
Một lát, tĩnh tâm lại anh mới buồn bã ra về. Bước về sao mà nặng nề. Nhiều lúc đôi chân Quỳnh như muốn khụy xuống, cứ như có người níu giữ phía sau. Biết làm sao được nữa... Thôi, vĩnh biệt mày, Đậu ơi...Nhưng được mấy lời của mày đây là tao vui rồi. Tao biết mày vẫn là một con người, một chiến sỹ như thế mà...Rồi Quỳnh bỗng cảm thấy như trên đường về vẫn có Đậu nhịp bước về theo. Bỗng anh lại nóng ruột muốn có mặt ngay tại đơn vị để anh em biết tin. Ngoảnh nhìn lại phía sau như chào vĩnh biệt bạn một lần nữa, Quỳnh mới tiếp tục phăm phăm rảo bước về đơn vị...
T.T
-----------------------
(* ) Thơ Hữu Thỉnh.