Truyện lịch sử của NGUYỄN KHẮC THIỆU
Những ngày đầu mùa hạ, bầu trời kinh thành Hoa Lư lúc nào cũng xám xịt như màu chì. Tiết Tiểu mãn, mưa rơi mau hạt hết ngày này qua ngày khác làm cho nước ở những cánh ruộng trong Thành nội cũng như thành Ngoại đã duềnh lên.
Ở đây hễ có mưa là nước từ trên các dãy núi xung quanh như những mái nhà lớn dội xuống cộng với nước triều cường từ sông cái đổ về làm cho sông Sào Khê mấy hôm nay như to lên, rộng ra. Thỉnh thoảng có lúc trời tạnh thì trên các đỉnh núi, các cây cổ thụ lũ quạ lại kêu đến khản giọng, nghe càng thêm não lòng.
Đúng là lòng người và lòng giời sao mà hợp nhau đến vậy. Trong lúc cả kinh thành Hoa Lư xôn xao về cái chết đột tử, khó hiểu của Thái tử Đinh Hạng Lang trong cung cấm. Mới hôm nào giao thừa đón tết Nguyên đán Mậu Dần, mọi người trong triều còn thấy Thái tử với nét mặt tươi tỉnh trong bộ quần áo thụng màu vàng thêu kim tuyến theo sau vua Đinh và Hoàng hậu ra điện Bách bảo Thiên tuế dựng ở chân núi Đại Vân, đáp lễ chúc mừng năm mới của các quan lại trong triều. Ai cũng khen Thái tử có khuôn mặt thông minh dĩnh ngộ. Thế mà mới vừa vài tháng Thái tử đã băng hà. Thi hài của Thái tử còn quàn trong cái hang mà theo quy định của Triều đình thì những người trong Hoàng tộc, tôn thất, các quan lại của triều đình Hoa Lư khi chết đều đem về đó quàn chờ ngày tốt, giờ tốt đưa đi an táng.
Cái chết khó hiểu chỉ sau một năm, những ngày này của cuối mùa xuân năm trước Kinh thành vừa qua một trận động đất rồi mưa đá làm thiệt hại người và của, gây nên sự hoảng loạn trong dân chúng. Thiên tai xảy ra như vậy, vua Đinh lại công bố đưa Đinh Hạng Lang lên làm Hoàng Thái tử, có ý dần thay thế vị trí của Đinh Liễn. Vì vậy dân chúng trong kinh thành thì thào với nhau, họ cho rằng không ai khác, đây chính là do sự bất bình của Đinh Liễn trước quyết định của Vua cha, nên đã sai người ngầm giết Hạng Lang. Việc làm ấy của Đinh Liễn số ít thì chê trách, nhưng số đông thì đồn đại nhau rằng: "Nối ngôi dùng con đích là đạo thường muôn đời, bỏ đạo ấy, chưa từng gây loạn. Nam Việt vương Đinh Liễn là con trưởng, lại có công, chưa thấy lầm lỗi gì lớn, vua Đinh yêu con thứ mà quên con trưởng, không biết như thế là làm hại con..." (1)
Những người giúp việc cho Đinh Liễn nhiều năm cũng thấy Đinh Liễn là người có công trong việc giúp vua cha dẹp loạn 12 sứ quân, thống nhất giang sơn về một mối. Thời kỳ chinh chiến xảy ra liên miên. Để tạm thời hoà hoãn với các sứ quân còn mạnh, Đinh Liễn được vua cha đưa đi làm con tin cho nghĩa quân Ngô Xương Văn ở Bình Kiều, có lần đã bị Xương Văn kéo quân đến đánh Hoa Lư và đã treo Đinh Liễn trên cột buồm doạ giết, nếu Bộ Lĩnh không hàng. Trước tính mạng của Đinh Liễn ngàn cân treo sợi tóc, vua đã sai những tay nỏ thiện xạ chực bắn để tỏ rõ sự quyết tâm hy sinh tình nhà, lo việc nước. Sứ quân Bình Kiều phải run sợ trước hành động đó của Đinh Bộ Lĩnh và tha cho Đinh Liễn được trở về.
Khi đã trưởng thành Đinh Bộ Lĩnh lại sai Đinh Liễn cùng các tướng như Nguyễn Bặc, Đinh Điền, Lê Hoàn... đi chinh phục các sứ quân. Trong trận tiến quân vào Cổ Loa, quân của Đinh Liễn xông pha như đi vào chỗ không người, Lữ Xử Bình và Kiều Trị Hựu bất tài, chưa đánh đã tan. Đúng là hổ phụ sinh hổ tử như lời đồn đại là không ngoa. Lần ấy sau khi chiếm được Cổ Loa, chúa Nam Hán là Lưu Xưởng vì đang lo đối phó với nhà Bắc Tống nên không tính chuyện xâm lược nước ta được. Nhưng khi nghe tin Đinh Liễn đã dẹp yên Cổ Loa, Lưu Xưởng liền sai sứ sang phong cho Đinh Liễn làm "Giao Châu tiết độ sứ" để dễ bề ràng buộc.
Biết chuyện đó Bộ Lĩnh đã đem quân đến Cổ Loa hỏi Đinh Liễn:
- Ta nghe nói có sứ Nam Hán, hắn đến để làm gì?
Đinh Liễn lúng túng tâu:
- Thưa cha chúa Nam Hán mang sắc sang phong cho con làm Giao Châu tiết độ sứ.
Vừa nói Đinh Liễn vừa đưa cho cha xem tờ chiếu của Lưu Xưởng. Bộ Lĩnh đón tờ giấy, liếc qua một lượt rồi xé nát tờ chiếu làm nhiều mảnh và nói với Đinh Liễn:
- Có phải đất đai của chúng đâu mà chúng có quyền phong cấp. Từ nay những việc hệ trọng như vậy con phải trình báo ngay và chờ ta quyết định. Là con của nhà tướng con phải khôn ngoan một chút. Muốn vậy trước mỗi việc con hãy biết nhìn xa, trông rộng. Con có biết đây là một âm mưu ngầm đánh vào tình cảm của cha con ta, hòng từng bước phân hoá sức mạnh của ta sau này...
Vẫn chưa hết cơn giận dữ, Bộ Lĩnh đòi bắt chém sứ bộ nhà Nam Hán. Nhưng đoàn sứ bộ ấy đã kịp đi xa, về nước.
Đinh Liễn, người con trai mới ngoài hai mươi tuổi đang say sưa với chiến công, bừng tỉnh trước cơn thịnh nộ của cha, có lẽ cũng là điều làm cha không vui lòng từ đấy.
Về kinh thành Hoa Lư, Đinh Liễn vẫn được vua cha trọng dụng và được cử nhiều lần đi sứ sang nhà Tống. Lúc này ở bên Tầu, Triệu Khuông Dẫn đã bình định được nhà Nam Hán, lên ngôi vua lấy hiệu là Tống Thái Tổ, đặt tên nước là Tống Khai Bảo. Những lần đi sứ sang nhà Tống, Đinh Liễn cũng thu thập được nhiều kinh nghiệm về quản lý đất nước. Đặc biệt là về văn hoá xã hội. Từ thời Đường Huyền Tông, cách đó hơn ba trăm năm Đạo Phật đã được truyền vào Trung Nguyên, được Đinh Liễn công phu nghiên cứu...
Chuyến đi nhớ nhất là năm Nhâm Thân 972, Đinh Liễn được cử đi sứ sang nhà Tống, đến năm Quý Dậu 973 thì về đến Hoa Lư. Năm Ất Hợi 975 nhà Tống sai Vương Ngọc Phủ đem chế sách sang phong Nam Việt vương Đinh Liễn làm Khai phủ nghi đồng Tam Ty, Kiểm hiệu Thái sư, Giao chỉ Quận vương(2). Những việc làm đó khiến cho Đinh Tiên Hoàng Đế trong thâm tâm lấy làm không vui, nhất là những lúc ngồi một mình đưa tay lên vuốt đầu thấy tóc đã rụng đầy hai bàn tay. Thế nhưng hình như Đinh Liễn không hiểu được điều đó, lại có phần sa đà vào việc hưởng lạc, xây cất chùa chiền, phủ tự, chưa thấy rằng đất nước tuy đã thu về một mối, nhưng trăm họ còn lầm than. Những kẻ không phục thiện đây đó vẫn còn nổi lên chống lại triều đình. Vua Đinh vẫn phải dùng nhiều hình phạt hà khắc để trấn áp kẻ có tội.
Một hôm Đinh Liễn gọi người Lão Bộc vào và nói:
- Ta năm nay cũng đã gần tứ tuần. Ở cái tuổi trẻ chưa qua, già sắp tới, nhưng cuộc đời cũng đã từng trải quá nhiều những biến cố, vui có, buồn có, gian nan vất vả cũng nhiều, chiến công hiển hách cũng lắm. Nói rồi Đinh Liễn xoè hai bàn tay gân guốc và đầy chai sạn tiếp - đã biết bao kẻ gục ngã dưới bàn tay của ta. Có nhiều kẻ chết là đáng đời, nhưng cũng không hiếm người theo vào quân ngũ rồi đi chinh chiến cũng chỉ vì miếng cơm manh áo. Thật thương thay! Bởi vậy để sửa tội cho mình và cầu nguyện cho những linh hồn ấy được siêu thoát, ông hãy tìm cho ta một đội thợ, lấy đá xanh ở dãy Đại Vân tạc 100 cây cột đá.
Nói đến đây Đinh Liễn dừng lại cầm chén rượu nâng lên tợp một ngụm. Trong lúc ông còn đang như suy nghĩ điều gì chưa nói ra được thì người Lão Bộc hỏi:
- Thưa Giao Chỉ quận vương...
Vừa nghe tâu đến đó, Đinh Liễn đã chau mày giơ tay gạt đi và nói:
- Từ nay Lão Bộc đừng gọi ta như vậy. Đấy là cái tước ta được vua Tống sắc phong hồi đầu năm. Vua cha ta không muốn ai gọi ta như vậy đâu...
Người Lão Bộc như sực nhớ ra điều gì hệ trọng lắm, vội đón lời:
- Vâng thưa Nam Việt vương. Kẻ già nua này xin ghi lòng tạc dạ lời khuyên bảo của Ngài. Xin Ngài cho biết kích thước của những cột đá ấy và nội dung khắc trên cột đá, với thời gian hoàn thành.
Nam Việt vương Đinh Liễn giơ hai tay lên trời và nói: Mỗi cột có hình lục giác tức là sáu cạnh có chiều cao hai thước rưỡi, mỗi cạnh rộng gần ba tấc. Trên mỗi một cạnh khắc bài văn chữ Hán nhan đề: "Phật đỉnh tôn thắng Đà La Ni". Bài văn ấy là một bài thần chú, dịch âm tiếng Phạn nghĩa là tiếng Ấn Độ cổ Sa Ri sang tiếng Hán. Ngừng một lát, Đinh Liễn tiếp:
- Việc tạc 100 cột đá phải xong trước tết Nguyên đán này.
Lão Bộc vẫn cảm thấy như khó hiểu nên hỏi thêm:
- Thưa ngài, nội dung cụ thể là thế nào?
Nam Việt vương trả lời:
- Đối với những người theo đạo Phật, nhất là phái Mật Tông thì bài chú này có ý nghĩa bí mật gọi là châm ngôn Đà La Ni, gia cú đỉnh Nghiêm bản, Phật đỉnh tôn thắng có nghĩa là Đức Phật tôn quý chiến thắng tất cả... còn vì sao có bài thần chú này và nội dung của bài thần chú ấy ra sao thì cứ cho tạc xong cột đá, khi nào khắc chữ thì ta sẽ nói cho ông hiểu. Sau khi tạc xong ông cho tiến cúng và dựng ở các chùa trong kinh thành. Đặc biệt là những ngôi chùa lớn.
Lão Bộc cúi xuống cung kính:
- Dạ thưa Nam Việt vương, lão già này xin nhớ và xin làm theo những việc Người đã dạy.
Lão Bộc đi theo Đinh Liễn đã mấy chục năm nay. Là người cùng quê, cùng họ hàng với Bà Đàm (bà nội của Đinh Liễn) vốn tính là người chăm chỉ, thật thà, lại có võ nghệ nên được Vua Đinh tin dùng, cho theo giúp việc Đinh Liễn. Khi chiến chinh thì xông pha trận mạc, đỡ giáo, mài gươm cho chủ tướng, lúc thanh bình thì chăm lo đời sống, sự an huy cho Nam Việt vương. Ông coi đây là vinh hạnh của cuộc đời con người đã được làm tôi làm tớ cho một bậc đế vương. Vì vậy chưa có việc gì là ông dám từ nan trước sự sai bảo của Đinh Liễn.
***
Đến hôm nay, trong bầu không khí ảm đạm của kinh thành, cùng cái chết khó hiểu của Thái tử Hạng Lang. Lão Bộc ngồi nhớ lại, một lần như hẹn, ông được Đinh Liễn kể lại, sở dĩ có chuyện niệm bài thần chú Đà La ni là vì: Xưa có ông vua tên là Thiện Chú sống xa xỉ, hưởng lạc. Một đêm nọ nghe tiếng nói trong không trung bảo rằng: Bảy ngày nữa ông ta sẽ chết, sau đó hoá kiếp bảy lần thành các thú vật như: Lợn, chó, cáo, khỉ, rắn độc, chim thứu, quạ, rồi phải chịu khổ hình ở địa ngục; hoặc nếu có thành người thì cũng mù mắt. Thiện Chú hoảng sợ vội đi cầu cứu Đế Thích. Đế Thích đến kêu xin đức Phật bấy giờ đang ở thành Sá Vệ. Sau khi toả ánh hào quang, Phật mỉm cười và nói cho Đế Thích biết có một bài chú gọi là "Phật đỉnh tôn thắng Đà La Ni" có thể trừ được mọi khổ não, sinh tử; mọi ác nghiệp tiền kiếp và các khổ hình địa ngục. Người niệm bài chú Đà La Ni đó còn được tăng tuổi thọ, được thiên thần là Bồ Tát phù hộ độ trì... Sau đó Phật đọc bài chú cho Đế Thích nghe để ông này truyền lại cho vua Thiện Chú và phổ biến cho chúng sinh. Đó là một bài chú tiếng Phạn mà hồi đi sứ nhà Tống, Đinh Liễn đã chép được, bí mật lưu giữ.
Hình như khi hiểu nghĩa của bài chú, Đinh Liễn tự liên hệ thấy mình trong cuộc đời cũng có nét gì đó giống vua Thiện Chú xưa kia. Vì vậy ông cho tạc 100 cột Kinh Lăng Nghiêm và cho dựng ở các chùa như để sám hối với Đức Phật từ bi.
Nghĩ đến đây Lão Bộc thở dài và thấy chỉ vì bất bình với vua cha mà Đinh Liễn đang tâm sát hại Đinh Hạng Lang thì thật là tội lỗi, nói một đằng, làm một nẻo, để lại cho đời tiếng xấu đến vạn năm sau không gột rửa được. Hoàn thành xong việc tạc 100 cột đá, bỗng nhiên người ta thấy Lão Bộc bỏ nhà Đinh Liễn ra đi không trở lại nữa.
***
Sau khi triều đình đã tổ chức xong việc mai táng cho Thái tử Đinh Hạng Lang thì những cơn mưa đầu hạ cũng tạnh dần. Không khí Kinh thành Hoa Lư như càng oi bức. Cái oi bức đáng sợ là bốc lên từ trong lòng người. Không biết từ đâu một bài sấm truyền tụng nhau khắp kinh thành rằng: "Đỗ Thích thí Đinh Đinh, Lê gia xuất Thánh Minh, cạnh đầu đa hoành nhi, Đạo lộ tuyệt nhân hành. Thập nhị xưng Đại vương, Thập ác vô nhân thiện, Thập bát tử đăng tiên, Kế đô nhị thập thiên". Đúng mùa thu năm sau Vua Đinh Tiên Hoàng và Đinh Liễn bị Đỗ Thích giết hại thì những người có chữ ghé vào tai những người không biết chữ dịch ra rằng: "Đỗ Thích giết hai Đinh, Nhà Lê nối Thánh minh, tranh nhau nhiều hoành nhi. Đường sá người vắng tanh, mười hai xưng đại vương, toàn ác không một thiện, mười tám con lên tiên, sao kế đô hai chục ngày"(3).
Nghe xong người đời ai cũng thở dài và nói "Hoạ, phúc hữu môi phi nhất nhật" (nghĩa là không phải một ngày đã làm nên phúc, hoạ). "Đinh Liễn nhẫn tâm đến nỗi giết em. Thiên đạo nhân luân mất hết, chuốc hoạ chết thiệt thân, còn liên luỵ cả cha nữa. Há chẳng rùng rợn lắm thay! Không thế thì tội đại ác của Đỗ Thích do đâu nảy ra để hợp với lời sấm vậy".(4)
Chú thích: 1.Đại Việt sử ký toàn thư tập I trang 217; 2,3,4. Đại Việt sử ký toàn thư tập I trang 218.
N.K.T