Truyện ngắn của NGUYỄN ĐĂNG TRÌNH
Nhiều năm rồi tôi mới có dịp về thăm chị. Chị là vợ một người bạn rất thân đã quá cố của tôi. Chị ở trong một ngôi nhà khang trang, thoáng mát, nhiều cây xanh, rất thơ mộng ở trung tâm một thành phố miền đồi rất trẻ và đang khởi sắc từng ngày.
Cơ ngơi của chị thật đẹp và rộng. Bao bọc chung quanh là một bức tường xây bằng đá xếp cao hơn đầu người trông rất ngoạn mục. Chính giữa là một ngôi nhà ngói năm gian do các con chị vừa mới làm theo kiến trúc truyền thống toàn bằng gỗ xoan ngâm. Phía trước là sân gạch đỏ và kế tiếp là một hệ thống hòn non bộ tự nhiên được hình thành bởi chuỗi những ngọn núi đá lô nhô như mọc lên trên mặt nước xanh trong văn vắt. Tôi hỏi chị một câu hơi vô duyên nhưng thành thật:
- Chị có thấy thoải mài khi được ở trong một không gian đẹp đẽ và yên tĩnh như thế này không.
Chị trả lời trong tiếng cười hóm hỉnh:
- Chưa thấy thoải mái một chút nào chú ạ. Chú có biết vì sao không. Vì tôi vẫn còn phải phụ thuộc vào các con. Tôi có lương hưu. Không nhiều lắm nhưng tằn tiện thì vẫn đủ ăn đủ tiêu. Đứa nào cũng muốn đón mẹ lên ở với chúng nó nhưng tôi không đi. Tôi còn phải ở đây để hương khói cho ông ấy. Để thỉnh thoảng còn về thăm quê nữa chứ. Mẹ không đi thì con sẽ tìm cho mẹ một người giúp việc vậy. Mẹ tám mốt rồi. Không thể để mẹ ở một mình được. Đứa còn gái út đẻ thêm vào năm tôi đã ngoài bốn mươi tuổi nói với tôi như vậy. Thế là mỗi tháng nó gửi cho tôi bốn triệu để trả công cho chị ôsin. Còn các anh chị của nó, mỗi lần về thăm thì mua cho mẹ đủ thứ. Thực tình là tôi không bao giờ muốn làm phiền đến các con đâu. Chúng nó còn có ông bà bên nội, còn có con có cháu nữa.
Nghe chị nói như vậy, tôi lại thấy thương chị, thương những người mẹ suốt đời chỉ biết có cho đi, nhưng không bao giờ đòi lại:
- Trẻ cậy cha, già cậy con. Chị phải nhận để mừng cho tấm lòng hiếu thảo của các con chứ.
Chị là vậy, một cô thôn nữ ưa nhìn sinh ra ở quê miền chiêm trũng, lấy chồng từ năm mười tám tuổi rồi theo chồng về làm công nhân ở nông trường cà phê. Chồng chị là một ông giáo làng, được điều về nông trường làm giáo viên dậy bổ túc văn hoá. Ông giảng văn rất hay, lại có chút năng khiếu về hội họa nên cuộc sống ngày thường của ông tuy khó khăn những vẫn đượm màu bay bổng của tâm hồn nghệ sĩ. Năm bảy tám, nông trường có chủ trương cho công nhân làm nhà riêng để an cư lạc nghiệp. Lúc ấy tôi là bạn thân cuả ông, lại đang làm đội trưởng một đội sản xuất dưới chân đèo Ba Dội. Một buổi chiều đã hết giờ làm việc, ông dẫn tôi đi đến một khu đất hoang lởm chởm đá lồi đầu và có ý muốn làm một ngôi nhà riêng ở đây. Tôi ngạc nhiên đến sửng sốt:
- Ông điên à. Nông trường thiếu gì đất mà ông phải đến một nơi khỉ ho cò gáy, chó ăn đá gà ăn sỏi này.
Ông thủng thỉnh:
- Từ lâu tôi đã thích vùng đất này rồi. Tuy có nhiều đá đôi chút nhưng rất bằng phẳng, lại có nhiều mạch nước tự nhiên. Gần quốc lộ. Gần khu trung tâm nông trường. Bây giờ thì chưa có ai đến, vì người ta bị ám ảnh bởi những câu chuyện thần bí đồn thổi về người khách yểm bùa để giữ vàng. Chính vì thế mà ngọn núi kia mới có tên là núi Vàng. Tôi tin rằng sau tôi sẽ có rất nhiều gia đình đến làm nhà ở đây cho mà xem. Và biết đâu trong tương lai không xa nữa vùng đất này sẽ là một thành phố trẻ và năng động đấy.
Tôi không biết câu nói của ông có phải là tiên tri không, nhưng tự nhiên tôi thấy thú vị vì nó đã nhen nhóm trong tôi một cảm giác vui và hy vọng đang bắt đầu. Rồi ngày hôm sau, ông bạn tôi xin nghỉ phép về quê huy động đến năm sáu người thanh niên khoẻ mạnh là anh em thân thích vào nông trường để giúp ông khai hoang, đánh đá, nung vôi xây nhà. Cách làm ấy thời nay đã trở thành dĩ vãng và được coi là một chiến công hiển hách. Bởi vì tất cả là sức người, là búa rìu, là cuốc xẻng. Ấy thế mà chỉ trong vòng ít ngày, cả một hệ thống tường nhà cao ba mét xếp hoàn toàn bằng đá và một ít vôi vữa đã được hoàn thành. Ông chở về từ quê hơn năm mươi cây luồng. Còn chị thì dành cả một ngày chủ nhật cùng hai bà bạn thân trong tổ đi cắt tranh để lợp nhà. Từ đó gia đình ông đã có chỗ ở để che mưa che nắng. Và cũng từ ngôi nhà đá này, bốn đứa con ông, hai trai hai gái đã lớn lên, trong đó có một đứa con gái út đẻ thêm. Nhiều năm nay, chị đã nhờ được chính từ cô con gái đẻ thêm này. Nó sinh năm Tân Dậu 1981. Tân biến vi toan, thiên hạ nói rất đúng. Những người đẻ vào năm Tân, tức là năm có số một ở ngoài cùng, đều phải gánh vác lo toan mọi công việc cho cả đằng nội lẫn đằng ngoại.
Chỉ ít ngày sau khi đã an cư ở ngôi nhà mới, ông bắt đầu tô thắm để cho nơi ở của ông thêm phần hưng phấn. Trước nhà, liền kề với cái sân rộng, ông dành hẳn một khoảng đất chừng hơn trăm mét vuông để làm vườn cảnh. Người ta thì chán ngán khi trong vườn có nhiều đá lồi đầu, còn ông thì lại vô cùng thích thú. Chiều nào cũng vậy, cứ hết giờ làm việc là ông lại đem cuốc xẻng hì hục đào đất chung quanh những hòn đá ấy. Rồi ông lại dùng xe cút kít chở số đất đào được đem đi đổ vào sau nhà để trồng rau, trồng bí. Đào sâu chừng hơn hai mét, khi thấy nước mạch đã bắt đầu phun ra ông vui sướng đến quên cả mệt nhọc. Ông lại miệt mài đào bới từ ngày này sang ngày khác. Để rồi nhiều ngày sau nữa ông đã tạo nên một hòn non bộ khổng lồ ngay trước nhà của mình. Những hòn đá có màu xanh nhẹ nằm lâu ngày trong lòng đất đã lộ ra, lung linh soi bóng xuống những khe nước trong vắt, đẹp đến nao lòng. Mỗi hòn non bộ của ông đều có một sắc thái riêng và có ý nghĩa nhân văn sâu sắc. Ông ưng ý nhất là tác phẩm “song sơn đồng vọng” tạo nên từ hai hòn đá mang hình tượng của hai vợ chồng cùng nhìn về một hướng như cùng nuôi chung một nguyện vọng giản đơn trong cuộc đời. Trên một phiến đá khá rông, ông dựng lên một căn nhà nhỏ mái tròn lợp lá cọ, nối với sân bằng một chiếc cầu gỗ rất xinh. Ông gọi đó là “lầu thơ” để mỗi khi có những suy nghĩ không vui về cuộc đời ông lại ra ngồi đó để chuyện trò với cây xanh và suối nước.
Sáu mươi tuổi, khi chưa kịp làm thủ tục nghỉ hưu thì ông bị một trận ốm thập tử nhất sinh. Hơn hai mươi ngày dòng dã ở bệnh viện, khi ra về cũng là ông phải sống với cuộc sống rất khổ sở, vì căn bệnh tai biến mạch máu não. Ông liệt cả hai chân hai tay. Mọi sinh hoạt đều phải nhờ vào người thân trong gia đình. Rồi việc gì đến sẽ phải đến trong cái hạn “họa vô đơn chí” của con người. Thằng con trai thứ của ông, cậu con trai khôi ngô tuấn tú, niềm hy vọng của ông, ba năm nay được nhà nước cấp học bổng sang một nước ở Bắc Phi để học ngôn ngữ Ả Rập, bỗng trở về đột ngột trong niềm đau đớn đến tận cùng của ông và gia đình. Nó bị bệnh máu trắng không phương cứu chữa. Ba ngày sau, trong một đêm khuya thanh vắng, mưa rả rích rơi đều trên mái ngói, nó đã đến bên ông, ngồi sụp trên nền nhà. Nó lậy ông ba lậy, mong cha tha tội cho đứa con bất hiếu này. Cũng cái đêm hôm ấy nó qua đời. Từ đó ông chỉ còn sống như thực vật, không còn biết gì nữa. Hai năm sau, ông cũng đi về giời cùng cậu con trai thứ.
Ngồi chuyện trò với chị mà tôi cứ mải mê nhớ về những ngày đã qua như đang sống theo thời gian hai chiều. Thì ra người già là vậy. Bỗng nhớ đến chuyện về người giúp việc, tôi hỏi chị:
- Chị đã tìm được ôsin chưa. Bà ấy đâu rồi.
- Về quê giỗ họ, chiều lên. Chuyện về người ôsin cũng hay đáo để. Tôi kể cho chú nghe nhé.
- Vâng. Chị kể đi.
- Tôi đã quá quen ở một mình trong ngôi nhà này từ lâu rồi, nên tôi không muốn có thêm người giúp việc, vừa tốn kém vừa phiền hà. Nhưng chúng đã quyết, tôi phải nghe theo. Đang trong mùa dịch không về với mẹ được nên chúng đã nhờ các bạn tìm cho một người giúp việc tử tế. Lúc đầu chúng dẫn về cho tôi một người mà chúng bảo là hết ý, không chê vào đâu được. Đó là một bà goá chừng ngoài bốn mươi, ăn mặc kiểu cách sáng sủa, các con đều đã trưởng thành. Tôi dãy nẩy lên. Không được. Đây không phải sự lựa chọn của mẹ. Người của mẹ phải là một bà không còn trẻ, có hoàn cảnh khó khăn và nghèo túng. Mẹ muốn làm được một chút gì đó mang tính thiện nguyện, có ích cho đời. Cứ để mẹ đi tìm người của mẹ. Thế là tôi về quê đánh tiếng nhờ cậy và tìm được một người như ý. Bà này ngoài sáu mươi, nhỏ nhắn, có khiếm khuyết về giọng nói và không được nhanh nhẹn cho lắm. Thời còn trẻ bà theo người anh trai vào làm ăn sinh sống ở miền cao su Chư Prông thuộc tỉnh Gia Lai. Lấy chồng mười năm không có con. Người chồng bỏ đi. Bà ở một mình. Cách đây vừa tròn mười tám năm, lộc trời cao quý nhất trong cuộc đời đã đến với bà. Đó là một buổi sáng tinh mơ bà thức giấc và nghe thấy tiếng khóc o oe ở đâu đấy vọng về. Ra ngoài mở cổng nhìn ra, bất chợt bà thấy một đứa trẻ sơ sinh quấn đầy tã lót nằm lọt trong một cái thùng cát tông. Không kịp suy nghĩ gì cả, bà vội bế đứa bé vào nhà ủ ấm và cho uống sữa. Bà gọi điện thoại nhờ ông thôn trưởng báo lên xã. Khi bà Phó Chủ tịch xã mang tiền và sữa đến thăm, bà khẩn khoản xin xã cho bà được nuôi dưỡng đứa con gái bé bỏng này. Xã đồng ý và nói rằng sau một tuần nếu không có ai đến nhận thì xã sẽ làm thủ tục và giấy khai sinh cho bé. Một năm sau hai mẹ con bà quyết định về quê hương bản quán để sống trong tình yêu thương đùm bọc của họ hàng làng xóm. Bà cấy một sào lúa để có gạo ăn. Không đi làm thuê được thì bà mò cua bắt ốc để nuôi con ăn học.
Nói đến đây chị ngừng lại, nghe thấy tiếng mở cổng quen thuộc, chị nhìn ra ngoài:
- Hại mẹ con đã về rồi đấy à. Đi bằng gì, có mệt lắm không.
- Cháu chào ông, cháu chào bà. Hai mẹ con cháu đi xe buýt, không mệt đâu bà ạ. Trong khi cô con gái tươi cười chào hỏi thì người mẹ vì nói không được tròn tiếng nên đã cúi rạp mình xuống để thay cho lời chào nói thông thường. Chị vừa nói vừa ra hiệu cho người mẹ đi tắm trước để còn làm bữa cơm chiều đãi khách. Rồi bảo cô bé ngồi xuống ghế để nói chuyện với tôi. Tôi thân mật bắt chuyện:
- Cháu bao nhiêu tuổi rồi, đã học hết phổ thông chưa.
- Cháu mười tám, vừa mới tốt nghiệp lớp mười hai xong ông ạ.
- Cháu dự định vào trường đại học nào.
- Cháu đủ điểm khối C. Đăng ký vào Khoa Ngữ văn của trường Đại học Sư phạm Hà Nội. Học sư phạm không phải đóng học phí, nhưng cháu cũng không thể đi học được ông ạ. Nhà cháu nghèo lắm. Mẹ cháu tuổi đã cao lại đau nhức xương khớp liên miên, không làm gì ra tiền để nuôi cháu ăn học. Cháu buồn lắm nhưng không thể nào làm khác được. Ít ngày nữa cháu sẽ xin làm cô nuôi dậy trẻ ngoài biên chế ở quê để nuôi mẹ cháu và chờ cơ hội được đi học tiếp.
Chị ngắt lời cô cháu gái như để lảng sang chuyện khác:
- Cháu nó chăm học và là học sinh giỏi văn của trường cấp ba đấy. Mẹ nó kể cho tôi nghe một câu chuyện cảm động làm tôi thấy cay cay nơi khoé mắt. Một buổi trưa hè nắng gắt. Các học sinh đã về nhà đầy đủ mà vẫn chưa thấy con mình, bà mẹ lo lắng vội vã đi tìm. Đang đi xe đạp trên đường làng, bỗng nghe thấy tiếng con gọi: Mẹ ơi con đang ở đây kia mà. Nắng như đỏ lửa làm cho người mẹ lóa mắt, không nhìn thấy gì. Định thần một lúc, người mẹ mới nhận ra con gái mình đang bì bõm lội trong ruộng lúa để bắt cua. Người mẹ hét lên. Nắng như thế này mà con đi bắt cua thì chỉ có chết thôi con ạ. Không việc gì đâu mẹ ơi. Con làm theo bài thơ của Trần Đăng Khoa đấy. Mẹ quên rồi à. Này nhé: “Hạt gạo làng ta/ Có bão tháng bảy/ Có mưa tháng ba/ Giọt mồ hôi sa/ Những trưa tháng sáu/ Nước như ai nấu/ Chết cả cá cờ/ Cua ngoi lên bờ/ Mẹ em xuống cấy”. Con thì cứ hồn nhiên, cười vui như nắc nẻ. Còn người mẹ thì cứ như ai xát muối vào ruột gan của mình vậy. Đam mê văn chương nên nó kiên quyết không đi vào ngành nào khác. Chỉ có một ước muốn là trở thành một cô giáo dạy văn ở trường phổ thông. Một đứa trẻ như thế mà không được học lên nữa thì thật tội nghiệp.
Nghe chị nói đến một cô bé ở làng quê như thế, tôi thấy hơi lạ. Bởi vì ở thời nay những trường hợp ấy là hiếm lắm, chỉ đếm được trên đầu ngón tay. Chắc chắn phải là một học sinh có bản lĩnh khác thường. Tôi nhìn cháu bằng sự thiện cảm của mình rồi tiếp lời chị để chuyện trò với cháu:
- Cháu đến với văn chương từ khi nào vậy.
- Từ đầu những năm cấp hai. Cháu nhớ lắm. Ở một tiết học bình thường, khi cô giáo đang say sưa giảng bài “Tôi đi học” của nhà văn Thanh Tịnh, cháu thấy các bạn trong lớp thờ ơ cứ như bỏ ngoài tai những lời của cô giáo, trong khi đó cháu lại chăm chú lắng nghe như uống lấy từng lời một. Cháu cứ tự hỏi sao người ta lại viết được những câu văn hay và đẹp như thế về tuổi thơ của chúng cháu. Cháu đọc để ông và bà cùng nghe nhé. “Hằng năm cứ vào cuối thu lá ngoài đường rụng nhiều và trên không có những đám mây bàng bạc, lòng tôi lại nao nức những kỷ niệm mơn man của buổi tựu trường. Buổi mai hôm ấy, một buổi mai đầy sương thu và đầy gió lạnh, mẹ tôi âu yếm dắt tay tôi đi trên con đường dài và hẹp. Con đường này tôi đã quen đi lại nhiều lần, nhưng lần này tự nhiên tôi thấy lạ. Cảnh vật chung quanh đều có sự thay đổi. Bởi chính lòng tôi đang có sự thay đổi lớn. Hôm nay tôi đi hoc”.
Thấy câu chuyện của hai ông cháu đã vào đề, tôi hỏi thêm:
- Cháu có đọc được nhiều sách chưa.
- Cô giáo cháu bảo so với các bạn cùng tuổi trong lớp thì cháu đọc nhiều đấy, nhưng so với yêu cầu chung thì còn khiêm tốn. Ở gần nhà cháu có một ông giáo già về hưu nhiều sách báo lắm. Ông quý báo Văn nghệ một cách lạ thường. Hết năm ông lại đóng những tờ báo ấy và xếp lại cao đến sát trần nhà. Còn sách văn học của ông thì nhiều hơn thư viện của một huyện. Có sách nào mới hay ông lại khoe và rất vui vẻ cho chúng cháu mượn. Đọc sách, cháu mới thấy cuộc sống của con người trong các tác phẩm văn học sao mà phong phú, sao mà đẹp và đáng yêu đến thế. Cháu mê văn chương nhưng cháu không viết được. Vì vậy cháu vô cùng cảm phục các nhà văn đã sáng tạo ra những tác phẩm và những nhân vật để đời. Cháu đã đến với văn chương như vậy đấy ông ạ.
Nghe chuyện của cô cháu gái đến đây, hình như đang nghĩ đến chuyện gì đó, chị chủ nhà dừng lại rồi gọi người mẹ của cô bé ra ngoài nói chuyện. Bà giúp việc thẹn thùng rồi chậm chạp ngồi xuống bên con gái. Chị nói:
- Mẹ con cháu đã đến rồi thì cứ ở đây với bà. Bà có cơm thì mẹ con cháu ăn cơm với bà. Bà có cháo thì mẹ con cháu cũng ăn cháo với bà. Mẹ cháu sẽ giúp bà ăn uống, ngủ nghê trong sinh hoạt hàng ngày để các con các cháu của bà nó yên tâm công tác. Công việc chẳng có gì là nặng nhọc, bà lại dễ tính nên mẹ cháu sẽ làm rất tốt công việc của mình thôi. Ở với bà, mẹ cháu không phải chi tiêu gì đâu. Số tiền bà trả công bốn triệu một tháng, mẹ cháu cứ giữ lấy để giúp cháu ăn học nên người. Sống ở thủ đô đắt đỏ lắm, lại phải thuê nhà trọ nên số tiền ấy không đủ đâu. Cháu phải cố gắng nhiều hơn nữa. Nhìn cháu xinh xắn, ngoan hiền, nhà nghèo lại học giỏi mà không được bước chân vào trường đại học bà thấy đau lòng lắm. Đang mùa dịch covid nên các trường chưa đón học sinh tựu trường đâu. Cháu cứ ở đây với bà để nghỉ ngơi ôn luyện. Cháu thích văn chương mà nhà bà lại có một tủ sách văn học phong phú do ông để lại thì hợp thời quá rồi còn gì. Bà mong mẹ con cháu sẽ coi bà như ruột thịt của mình. Đến khi bà không còn sống trên cõi đời này nữa, nếu muốn thì bà cũng dành cho một miếng đất ở phía tây để mẹ cháu làm căn nhà nhỏ mà sinh sống. Đất nhà bà rộng lắm.
Nhìn thấy bà chủ nhà như đang run lên sau lời nói chân tình, hai mẹ con người giúp việc chạy đến ôm chặt lấy bà trong tiếng khóc như nghẹn lại nơi cổ họng:
- Trời ơi. Bà là cứu tinh của mẹ con con. Bà đã làm lại cuộc đời cho con. Con không biết nói gì để cảm tạ tấm lòng thơm thảo của bà. Con chỉ biết cầu phúc cho bà sống vui khoẻ đến hết đời.
Có lẽ vì quá đột ngột, quá sung sướng nên người mẹ đã quên mình là người ngọng nghịu mà nói được những câu suôn sẻ đến thế. Còn cô con gái ngoan hiền thì cứ mân mê bàn tay nhăn nheo của bà chủ mà nghẹn ngào trong tiếng nấc:
- Bà ơi. Cháu đang mơ hay tỉnh đây. Bà là ông bụt là bà tiên của cháu rồi.
Tháng 10/ 2021
(Nguồn: TC VNNB 257-11/2021)