Thứ sáu, 04/10/2024

Người mẹ làng Đừng

Thứ tư, 07/04/2021

Truyện ngắn của TRẦN DUY ĐỚI

Bốn mươi mốt năm tôi với Đình mới gặp lại nhau. Ở cái tuổi trên dưới lục tuần, nhận ra mặt người quen không dễ, huống hồ những chuyện cách đây cả mấy thập kỷ. Vậy mà Đình lại kể cho tôi nghe một câu chuyện quá bất ngờ - bất ngờ hơn cả cuộc gặp gỡ bất ngờ này! 

 

            - Trần Duy! Trần Duy! Ông có dám chắc là chuyện tôi nói đây không đến tai người thứ ba chứ?

            Nhìn nét mặt đã điểm đôi nét nhăn, hàm răng cửa trồi thụt vài ba chiếc, nhất là đôi mắt mở to lại trợn tròn lên của Đình, tôi phần nào hình dung ra mức độ vấn đề. Thay vì lời hứa hẹn, tôi nhoài người sang hàng bà bán dưa hấu, ôm một quả đặt lên bàn giải khát, tay lăm lăm con dao phay sáng loáng, chăm chăm nhìn Đình:

            - Trần Duy này chưa thề bao giờ, nhưng coi đây: nếu “thâm tâm bí truyện” mà miệng này bay ra thì – Tôi giơ cao lưỡi dao và bập một nhát sắc gọn, quả dưa bửa ra làm hai nửa, nước mật tứa ra đỏ au như máu.

            Vẫn đôi mắt mở to và trợn tròn lên ấy, Đình nhìn tôi gật đầu, tủm tỉm cười:

            - Vậy thì được!

            Đình vào ngay câu chuyện:

            - Trần Duy còn nhớ chị Hiền Thư, cùng họ với cậu – Trần Hiền Thư.

            Như một tia chớp vụt lóe lên trong tôi, tôi cắt ngang lời Đình:

            - A, chị Hiền Thư, hoa khôi đã từng làm nghiêng ngả bao tu mi nam tử một vùng thuở chúng mình còn là lũ học trò, quên sao được!...

            Đến lượt Đình lại ngắt lời tôi:

            - Bây giờ phải gọi là bà Trần Hiền Thư, bà mẹ Việt Nam Anh hùng, Hội trưởng Hội Chữ thập đỏ, vẫn như Phật Bà Quan Âm đấy!...

            Rồi như đẩy cái tuổi đã vào hàng ông bà vào một xó, chúng tôi sống lại cái thời trong những năm giữa thế kỷ.

            …Ngày ấy ba đứa chúng tôi trọ ở một gia đình tại làng Đừng. Duy là tôi, Hải Phúc, tóc quăn, da bánh mật cả ngày chả nói nên có biệt hiệu: Phúc lì, giỏi toán hơn giỏi văn, được cái hay làm. Chị chủ nhà cứ khen “chú Phúc chịu khó nhất đám”. Hoàng Đình trắng trẻo, dáng vẻ thư sinh, có khiếu làm thơ, thỉnh thoảng lại mượn bác phó may chiếc Măng-đô-lin về “biểu diễn” cho vui ngày chủ nhật xa quê (nhà Đình ở xa hơn chúng tôi cả chục cây số). Đi trọ học, đứa nào cũng lủng lẵng một gánh, đầu này là bó củi, túi gạo, đầu kia là cặp sách với chai tương.

            Nhà mẹ Tần có ba gian, một chái. Nhà ngoài kê bàn thờ và một chiếc phản gỗ sung, một giường tre cho bọn tôi nằm và học. Trong buồng vừa là kho, vừa là chỗ nằm của mẹ và chị Thư – con dâu. Bà cụ năm ấy đã ngoài sáu mươi, mắt mờ, lưng còng, đi đâu cũng phải chống gậy, hay ốm vặt, rất sùng đi lễ chùa.

            Chị Thư bán hàng xén. Không biết chính xác, nhưng chắc chắn chỉ hăm sáu hăm bảy tuổi là cùng. Thời ấy con gái nông thôn nhà giàu còn vấn khăn nhung, tóc đuôi gà, áo cổ tím cài khuy bấm. Nhưng chị Thư thì “tân thời” hơn, mỗi khi đi chợ chị mặc áo lụa rua ở cổ và viền đăng ten ở gấu. Tóc búi gọn phía sau, phía trước hơi lượn một chút. Nước da trắng hồng, mịn màng và đúng là “cổ kiêu ba ngấn”. Nhiều hôm ở nhà, chị mặc áo cộc tay, chít bồng kết tóc đuôi sam, khi cười để lộ chiếc răng khểnh rất duyên. Trong bồ hàng lúc nào cũng có quyển Kiều hoặc Nhị Độ Mai. Chị có cái nhìn sâu thẳm nhưng đượm vẻ buồn. Chồng chị là anh Nguyễn Đức Quyền. Nghe đâu anh đi bộ đội trước năm năm mươi. Hòa bình rồi anh vẫn bặt tin. Có người bảo: anh bị bắt rồi mất tích. Có người lại đoán: cỡ ấy khéo đi hoạt động tình báo cũng nên. Bà cụ Tần rất buồn nhưng luôn tin là con mình còn sống. Thực hư thế nào chắc chị Thư biết nhiều hơn, nhưng chị vẫn sống bình thường, hết lòng chăm sóc mẹ chồng, xóm làng, anh trên em dưới không chê vào đâu được.

            …Cũng năm năm tư, hòa bình lập lại, đời sống nhân dân còn lắm khó khăn. Học sinh cấp hai nhớn kều cả, anh nào còn đi học được là có chí lắm, thắt lưng buộc bụng để mà có chữ nghĩa. Thấy chúng tôi ngày nào cũng chỉ rau muống chấm tương hoặc nước cà chua đổi món, chị Thư lắc đầu và… một hôm mới sáng sớm, chị bưng về cho chúng tôi một âu nước luộc lòng.

            Sáng nào chị cũng dậy sớm sắp hàng đi chợ và chuẩn bị thức ăn cho mẹ chồng. Cách nhà chúng tôi ở vài ngõ có lão hàng seo (nghề mổ lợn), nghe nói khá giàu nhưng vào loại “vô sinh”. Từ cái lần chị Thư sang mua cho bà cụ đôi bầu dục, không hiểu sao mà đứa con gái nuôi lão hàng seo, sáng nào cũng bưng sang cho bọn tôi một âu nước xáo: “Bố cháu bảo mang sang biếu bà, các anh nhận hộ”. Còn chị Thư thì dặn: “Các cậu ở nhà cứ dùng cả. Thức ăn của bà, chị đã có rồi…”. Nhiều lần vội quá chúng tôi chỉ thổi cơm, thức ăn đã có nước xáo, khi khoắng ở trong âu thì có cả một quả tim, hoặc đôi bầu dục, có khi là một tảng thịt nạc. Mỗi lần như vậy chúng tôi đều vớt ra và để vào chạn. Biết chuyện, chị Thư phàn nàn:

            - Các cậu rõ thật! Ở đây mà còn khó tính thế làm chị mất vui!

            - Chúng em sợ họ nhầm…

            - Nhầm gì đâu. Ông ấy đã có ý thì cứ dùng. Các cậu tưởng chị không biết à?

            Để chữa thẹn, tôi đùa thằng Phúc:

            - Khéo cô con nuôi ông hàng xeo lại ngầm bồi dưỡng anh Phúc lì! Chỉ béo bọn tao!

            Chị Thư cũng cười, đôi má lúm đồng tiền đỏ bừng lên, nom mới duyên làm sao.

            Cũng vui! Trước đây khó chịu với tiếng kêu của lợn lúc nửa đêm thì bây giờ lại như một thứ đồng hồ báo thức. Chúng tôi dậy học bài và sáng ra lại đón âu nước xáo. Còn chị Thư dậy giặt giũ cho bà cụ, dọn dẹp nhà cửa và chuẩn bị đi chợ. Nhà mẹ Tần bớt đi cái buồn tẻ, quạnh quẽ.

            Chúng tôi bảo nhau bắc cái cầu ao. Bể nước lúc nào cũng đầy ắp. Phên dậu được rào buộc kín đáo. Vài tháng lại quét mạng nhện trên mái nhà.

            Chị Thư mua về một chiếc đèn tọa đăng thắp sáng choang. Dầu đốt không bao giờ thiếu. Thỉnh thoảng chị lại đưa cho mấy tập giấy: “Các cậu dùng hộ chị, nó bị thấm rồi đấy”. Thực ra là giấy tốt, chị nói vậy để chúng tôi khỏi băn khoăn. Những ngày rằm mồng một chị hay đồ xôi, khi thì chuối khi thì hồng, thắp hương. Trước là khấn cầu sức khỏe cho mẹ chồng, sau là buôn bán gặp may cho mình. Còn cái phần thụ lộc thì cả nhà, chúng tôi chiếm đa số.

            Cứ như vậy suốt ba năm trời. Nếu nói chúng tôi đã có một gia đình thật hạnh phúc, thì cũng không quá.

            Chuyện ấy chỉ có thế thôi thì cuộc gặp Đình hôm nay cũng không ấn tượng, mà cũng chẳng có “bất ngờ” nữa! Đình kể rằng: Chính cái ngày thi tốt nghiệp xong, anh em hẹn nhau đến liên hoan để chia tay với gia đình. Vì nhà xa nên Đình phải đến từ chiều hôm trước. Nhân lúc bà cụ Tần lên chùa làm chay ngày “xá tội vong nhân”, các cụ cầu kinh thâu đêm, chị Thư quét dọn buồng và đưa chiếc giường ra ngoài, hai chị em kỳ cạch sửa lại. Chả hiểu đẽo gọt luống cuống thế nào, Đình băm phải ngón tay cái. Chị Thư cứ nắm chặt bàn tay Đình để cầm máu rồi rịt thuốc lào, lấy vải mềm quấn lại. Chị cứ xuýt xoa mãi “vì chị mà em nên nỗi…, rồi chị bắc nồi nấu cháo – “để bồi dưỡng chú thương binh!” – Chị bảo thế. Chị em ăn xong, kê lại chiếc giường vào chỗ cũ, thấy còn sớm, Đình đi chơi với mấy thanh niên trong xóm. Đến tận mười một giờ khuya mới về, chưa thấy Duy – tức là tôi – và Phúc lên, chỉ thấy ngọn đèn vặn nhỏ để trên bàn. Đình rón rén vặn to ngọn đèn, mắc màn. Xong vừa toan tắt đèn đi ngủ thì chi Hiền Thư từ trong buồng nói vọng ra:

            - Chú cứ để đèn đấy, đã ngủ được một lúc rồi, chị dậy sửa soạn hàng, mai đi chợ sớm.

            Chi bê đôi bồ hàng ra nhà ngoài, đặt chiếc đèn lên ghế, mở nắp cả đôi bồ, lặng lẽ xếp xếp gói gói hàng chục thứ tạp phẩm. Đèn sáng, tiếng lột sột, loạt soạt ngay bên cạnh, Đình làm sao mà ngủ được! Nhưng cậu ta cũng cứ nhắm mắt để đấy.

            Không biết đến mấy giờ chị Thư mới thu gọn ghẽ đôi bồ, chị lặng lẽ bê đặt vào một góc nhà. Vẫn cứ để ngọn đèn sáng, chị ngồi lên mép giường Đình đang nằm. Đình “phát ra” tiếng ngáy đều đều nhưng vẫn thấy chị Thư, qua giây phút bần thần, chị xổ búi tóc đen dày ra và búi lại. Đôi vai tròn, cái gáy cao cao, cánh tay trần lộ ra trước ánh đèn mờ mờ, tỏ tỏ. Búi tóc xong chị ngồi thừ ra. Bỗng nhiên chị khẽ nhoài người thổi tắt ngọn đèn. Chị nhẹ nhàng vén màn, nhẹ nhàng đặt lưng xuống bên cạnh Đình “đang ngáy”. Chị đưa tay khẽ lay lay:

            - Chú Đình! Chú Đình! Ngủ gì mà say thế? Tỉnh dậy chị dặn này.

            Đình vờ như ngái ngủ, ậm ừ nhưng thực ra đang run bắn người lên vì “sự kiện” này. Chị Thư nói cũng như hụt hơi:

            - Ngày mai… ngày mai các chú chia tay… Biết còn lúc nào gặp nhau… chuyện gia đình, chị không muốn làm ảnh hưởng đến học tập… của các chú, mà cũng chả biết chia sẻ cùng ai!...

            - Chị dặn gì cứ nói… em nghe – Đình cố trấn tĩnh, đáp lại.

            Lúc này giữa Đình và chị Thư vẫn có một khoảng cách, không một cử chỉ suồng sã, không một lời nói gợi tình. Vẫn chỉ là câu chuyện thổ lộ tâm can của hai người khác giới.

            - Chồng chị, anh Quyền đã hy sinh rồi. Chị xin với ủy ban đừng vội báo tử, vì bà cụ đang ốm yếu nhưng nếu khi bà cụ qua đời, chị cũng không muốn rời khỏi đây. Ông cụ anh Quyền hy sinh, anh Quyền cũng hy sinh, nhà hai liệt sỹ, rồi bà cụ lại khuất nữa, lấy ai hương khói phụng thờ… Mà chị ở đây một mình thì làm sao đứng được! Phải chi, chị có một đứa con thì mọi chuyện sẽ êm xuôi tất cả. Đàn ông ở làng thì chả thiếu, nhưng người có học và tử tế như các em có dễ đâu. Trao thân cho họ chị tủi lắm. Em… hãy giúp chị đi…

            Nghe đến câu cuối. Đình bàng hoàng không còn tin ở tai mình nữa và… không biết phản ứng bằng cách nào khác, cậu ta bật ra câu: “Em ra ngoài” – rồi chạy vụt ra sân giữa tiếng gà gáy dồn báo sáng.

            Ngày hôm sau, ba đứa chúng tôi làm một bữa thịnh soạn để chia tay gia đình. Chị Thư không đi chợ. Bà cụ Tần nước mắt ngắn nước mắt dài. Bữa cơm chia tay nặng nề không khí ly biệt.

* * *

            Bẵng đi bằng ấy năm trời, bây giờ Đình mới nói ra chuyện này.

            - Thế bây giờ bà Thư sống thế nào – tôi hỏi.

            - Chuyện vẫn cứ như thực lại như mơ ấy, cậu ạ! – Đình kể tiếp – Cũng là tình cờ mình đi trong đoàn điều tra hậu quả chiến tranh hóa học mới có dịp trở lại làng Đừng. Nhận ra chị Thư không mấy khó khăn, nhưng điều lạ lùng là chiếc ảnh trên bàn thờ nhà chị. Mình cứ chằm chằm nhìn người trong ảnh. Không thể lẫn vào đâu được, đúng là thằng Phúc lì. Nhưng sao lại thế này? Mình dụi mắt nhìn lại: vẫn thằng Phúc lì! Bà Thư điềm tĩnh hỏi:

            - Sao chú Đình lại ngơ ngác thế? Chú biết ai đấy không?

            - Sao… giống thằng Phúc thế. Em cứ ngỡ…

            - Có giống không? Cháu Đức con trai của Phúc đấy.

            Như bước hẫng, mình không sao hiểu được ngọn ngành! Bà Thư để chén nước vào tay mình, rồi nói rất tự nhiên:

            - Cả làng này đều nghi cháu Đức nó không phải là con ông hàng seo. Chỉ hôm nay có chú về đây, chị mới nói đúng bố nó là ai – Bà Thư kể tiếp – Ngày ấy các chú đi được một tháng thì bà cụ mất. Chị buồn quá nghỉ bán hàng mấy tháng trời. Rồi một lần chú Phúc về thăm với bộ quân phục chỉnh tề, có dáng lắm. Chú nói đã an dưỡng xong chú chuẩn bị vào Nam chiến đấu. Và… chị đã… trước khi chú ấy lên đường. Khi biết rằng mình có thai, chị quyết định lấy ngay ông hàng seo. Bao nhiêu điều ong tiếng ve, họ hàng làm tình làm tội! Nhưng chị bất cần. Họ đuổi chị ra khỏi nhà, chị xin: “Sinh nở xong sẽ đi, dẫu sao thì chồng tôi đã hy sinh”. Vì gia đình liệt sỹ nên sau này cũng không ai gây khó dễ gì nữa.

            - Thế sao chị không đến ở với ông hàng seo?

            Bà Thư nhún mình, cười:

            - Chị lấy ông ta chỉ cốt để khỏi liên lụy đến chú Phúc, chứ yêu đương gì mà về với lão. Cái thứ tỏ tình bằng tim lợn với lưỡi lợn ấy mà! Chú Phúc bặt tin từ hồi ấy. Sau này chị có tìm về quê mới biết chú ấy đã hy sinh từ năm sáu nhăm. Cháu Đức đi bộ đội năm bảy bảy, lúc cháu mười tám tuổi. Năm bảy chín cháu hy sinh ở Campuchia.

            - Thế gia đình Phúc có biết chuyện này không?

            - Đang định để gia đình Phúc biết thì nhận được giấy báo tử cháu Đức nên chị lại thôi. Đã mất con lại mất cả cháu thì lớn quá, sợ gia đình không chịu nổi!

            - Ông hàng seo cũng im lặng à, chị?

            - Biết nhưng không đòi hỏi gì cả, khi cháu Đức chưa đầy tuổi thì ông ấy chết vì chó dại cắn.

            - Vậy là chị lại sống một mình với ba, bốn bát hương như thế này ư?

            Bà Thư chống gối đứng dậy rút một nắm nhang châm và cắm vào từng bát: năm chiếc bát hương chỉ có một của bà cụ Tần, còn bốn là của đàn ông – của những người lính hai thời đánh giặc.

            - Cái số chị nó phải vậy chú ạ. Bố chồng liệt sỹ. Chồng hy sinh ngoài mặt trận. Bố của con chị cũng tử trận. Được một đứa con cho ra trận, rồi nó cũng chẳng trở về! Rồi bao nhiêu người đàn ông đến cầu thân. Chị nghĩ chả nên đi bước nữa. Những gì có được thì đã có rồi, chị hối hận: vì chị mà Phúc phải tự dằn vặt, tự trách cứ mãi. Có lẽ đến lúc hy sinh Phúc vẫn không biết rằng mình có con.

            Cũng lạ, nói chuyện “quan hệ nam nữ” mà bà Thư cứ thản nhiên như chuyện cơm áo đời thường, không một chút e dè, giấu giếm. Mình hỏi:

            - Thế hồi làm thủ tục phong danh hiệu Bà mẹ Anh hùng, chị có gặp trở ngại gì không?

            Bà Thư ngồi im, đưa tay vuốt mái tóc đã bạc quá nửa, mắt lơ đãng nhìn ra ngoài sân và giọng buồn buồn:

            - Cái đận ấy thật nhọc nhằn, truân chuyên hết chỗ nói. Hết thôn lại đến xã, ngáng trở đủ điều. Chị quyết không chịu. Hy sinh cả chồng cả con còn chịu nổi, sợ gì khó khăn, phải làm cho rõ trắng đen. Có phải lên đến Trung ương chị cũng không bỏ cuộc… Vài ông trong họ, mượn hơi men bới móc: “Nhà chị đã tái giá với ông hàng thịt thì hưởng quyền lợi nhà ông hàng thịt. Có đâu bằng Vẻ vang cũng muốn, nước xáo lòng lợn cũng ưng. Khôn thế, tranh hết phần thiên hạ”. Vừa lè nhè, vừa ngất ngưởng bước vào sân, chị cầm tay kéo ra, chân nam đá châm chiêu làm lũ trẻ cười ré cả lên. Cực chẳng đã chị lên ủy ban xã. Ông Phó Chủ tịch phụ trách thương binh xã hội, mặt lạnh như tiền, lại nói bừa:

            - Bố chồng chị với chồng chị là liệt sỹ chống Pháp thì đủ điều kiện truy tặng danh hiệu Bà mẹ Anh hùng cho bà cụ Tần rồi, còn ý kiến gì nữa?

            Chị hỏi lại:

            - Vậy chồng tôi là anh Quyền, con tôi là thằng Đức có giấy báo tử, ủy ban đưa về. Chả lẽ tôi không đủ điều kiện sao?

            Ông ta lý sự lại: “Anh Quyền là chồng chị, nhưng là con trai bà Tần, vậy chị chỉ có phần nửa suất thôi. Mẹ đã được rồi thì con dâu không tranh chấp! Còn cháu Đức là liệt sỹ thực, nhưng bố nó là ai, chưa rõ ràng…”.

            Nghe chối tai, “ba máu, sáu cơn”, chị dồn cho lão một hồi:

            - Này! Tôi nói cho ông Phó Chủ tịch biết! Chồng tôi, con tôi hy sinh có dân xã truy điệu, có Bằng Tổ quốc ghi công, có chính sách của Đảng, Chính phủ. Ai cho ông cái quyền chia liệt sỹ ra mấy phần cho người thân, tôi tranh chấp cái gì? Sao ông hồ đồ thế? Bố cháu Đức là ai thì có ảnh hưởng gì đến quyền lợi liệt sỹ của nó? Vậy sao khi nó làm nghĩa vụ quân sự, ủy ban không bảo: “Bố anh chưa xác định rõ ràng, anh chưa đủ điều kiện bảo vệ Tổ quốc!”? Với lại, thằng Đức là đứa con duy nhất của tôi. Ông trả lời đi nào!

            Biết “qua lại mỏi mồm” ở xã cũng chẳng giải quyết được việc gì, chị lồng thẳng lên huyện. Trời phật run rủi thế nào lại vớ được ông Bí thư Huyện ủy đang có mặt ở phòng thương binh xã hội. Chị vờ như không biết, cứ nói toáng lên:

            - Bao nhiêu năm nay chưa có danh hiệu, chúng tôi vẫn sống. Chẳng qua đây là sự tôn vinh đền đáp đối với những người mẹ đã chịu hy sinh cống hiến. Ai muốn nhà mình nhiều liệt sỹ để được làm danh hiệu anh hùng? Chẳng lẽ sự thiệt thòi mất mát của những người mẹ lại là thứ đem ra đánh đổi lấy danh hiệu chăng? Nghĩ như vậy chả phải tội với vong linh bao nhiêu người ngã xuống ư?

            Không cầm được nước mắt, chị òa lên khóc. Mấy bác, mấy chị ngồi bên cũng xúc động sụt sịt theo. Cả phòng lặng đi như phút mặc niệm. Ông Bí thư vội đến cầm tay chị, đấu dịu:

            - Thôi xin bà. Chúng tôi hứa sẽ giải quyết việc này thấu lý đạt tình. Đây là một trường hợp đặc biệt, anh em chưa được quán triệt đầy đủ.

            Sau lần ấy, huyện đưa đoàn quay phim của truyền hình tỉnh về tận nhà. Đứng trước camera, chị cứ luống cuống nói câu nào cũng vấp váp…

            Nhìn bà Thư vui vẻ, hào hứng, mình nói:

            - Em thấy còn một tiêu chuẩn nữa để phong danh hiệu Bà mẹ Anh hùng. Phúc và con nó hy sinh cũng là vì dân vì nước. Trên thực tế thì chị cũng sống trọn đời với cha con cậu ấy còn gì.

            Bà Thư lặng đi một lát rồi bùi ngùi nói:

            - Thôi! Anh hùng như thế là quá đủ rồi. Nhận nhiều nữa làm sao chịu nổi. Chị đang định chuyển giấy tờ của Đức về cho ông bà nội cháu để địa phương họ làm chính sách. Tiền tuất, tiền phụ cấp hàng tháng của cháu, chị vẫn giữ nguyên để có dịp là chuyển về cho gia đình Phúc… Rồi bà đột ngột hỏi mình – À! Thế bây giờ chú và gia đình sống thế nào?

            - Ngồi trước bà Thư, mình cảm thấy như nhỏ lại. Bà chân thành mà quyết liệt. Mình đã nói thật mọi chuyện: “Hoàn cảnh của em cũng dích dắc lắm. Ông bà cụ thế là đã qua đời. Các em nó có cuộc sống riêng. Gần ba chục năm quân ngũ, em bị nhiễm độc hóa học nên không xây dựng gia đình, tình nguyện ở lại đoàn an dưỡng phục vụ đồng đội đến hết đời.

            Chị Thư trào nước mắt:

            - Vậy là chú còn khổ hơn chị. Không gia đình, không con cái. Cô đơn thế làm sao chịu được? – Rồi bà cũng rất bình thản bảo – Thôi về đây, chị em ta lại ở với nhau. Đừng lo chị nghèo, chị già yếu mà không chăm sóc được cho chú. Ngày xưa nhát quá, bây giờ có… sợ nữa không?

            Tự nhiên cái cảm giác bàng hoàng trong mình lại bật dậy. Bà Thư vẫn quyết liệt như xưa.

            - Chị lại trêu em. Ngày ấy chị nói đùa làm em tưởng thật, sợ quá! Bây giờ thì không còn cơ hội để sửa chữa lầm lỗi nữa rồi. Nhà mình giờ có hai Bà mẹ Anh hùng, làng xã quan tâm như thế này cũng thỏa đáng lắm.

            Lời an ủi của mình chừng như không mấy tác dụng. Bà Thư quay lại, vẫn cái ánh mắt sâu thẳm như ngày nào:

- Cái sự Anh hùng này tự nhiên nó đến, ai mong làm gì. Nếu bốn người đàn ông ấy trở về được một thì đời chị đã khác đi nhiều. Danh hiệu tôn vinh là tấm lòng của nhân dân, của nhà nước. Còn với chị mong sao quãng đời còn lại khỏi tai ương, khỏi ốm vặt cũng là may. Giá số phận đừng nghiệt ngã, ban cho chị được một năm, một tháng thực sự sống trong hạnh phúc gia đình, thì chị sẵn sàng đánh đổi tất cả.

            Nghe Đình kể, tôi không giấu nổi xúc động. Một người mẹ kỳ lạ, yêu thương và lẽ sống đều rất quyết liệt. Tất nhiên, cả tôi và Đình không dám nghĩ đến lời mời của bà Thư. Nhưng nếu làm được như thế mới vượt ra khỏi cái ý nghĩ tầm thường vốn đã thành khuôn phép.

            - Đình ơi! Duy thấy tủi thân quá, hóa ra tao là đứa ngốc nghếch, vô tình và… thiệt thòi nhất. Mấy chục năm gặp lại nhau. Duy thì thân thể trọn vẹn. Đình thì mất quá nửa đời người. Phúc thì mất cả bố lẫn con. Tất cả những cái đó gộp lại mới chỉ bằng một phần nhỏ sự mất mát, chịu đựng của chị Hiền Thư. Bây giờ hai đứa phải làm gì để chuộc tội?

            Đình nhờ bà hàng bổ nhỏ quả dưa, rồi quay sang tôi:

            - Nếu Trần Duy không bận thì chúng mình đến thăm bà Thư vào dịp này đi!

            - Để mình tính xem đã – Tôi thận trọng nhìn Đình rồi quyết định – phải làm ngay thôi. Ông Quyền, thằng Phúc và cháu Đức hiện nay đang nằm ở đâu? Chả lẽ cứ để bà Thư chỉ biết nhìn mấy bát hương mà nhang khói? Nhưng mà trước khi làm việc ấy, phải làm rõ Phúc cũng có đứa con trai liệt sỹ, để ông bà nó được hưởng chính sách. Còn chị Thư đấy, có hai chúng mình đây. Thế nào anh Phúc lì chả có thư về cho bà chị, lo gì không có chứng cứ, nhất là bà Thư cũng đã có ý về việc này.

            Nét mặt Đình rạng rỡ hẳn lên như vừa giải xong một bài toán khó. Đình để một miếng dưa ngon nhất sang một bên rồi trịnh trọng nói:

            - Nhất định thằng Phúc cũng có mặt ở đây, “lì” vậy mà thiêng lắm, miếng này khấn nó linh thiêng thì về ăn với chúng tao. Nhất định Hoàng Đình và Trần Duy sẽ đưa con mày về với ông bà nó, về với chị Thư. Chúng tao sẽ đi tìm anh Quyền, và mày, đưa về với người phụ nữ tuyệt vời đã từng trao thân gửi phận…

            Tôi thấy vui nhưng không dám cười. Trước khi đưa miếng dưa lên miệng, còn giao hẹn với Đình:

            - Việc đó khi nào gặp chị Thư bàn thêm, bây giờ xin giải lời thề ban nãy. Mình sẽ viết chuyện này thành văn và nhắn tin trên đài để toàn quốc và đồng đội biết, giúp đỡ…

            Đất nước có hàng vạn Bà mẹ Anh hùng. Mỗi mẹ là một ngôi sao vằng vặc. Nhưng cái sự anh hùng như bà mẹ làng Đừng thì không biết có mấy người như thế.

T.D.Đ

(Nguồn: TC VNNB 249-3/2021)

 

Bài viết khác