Truyện ngắn của PHẠM TRƯỜNG THI
1.Chiến tranh phá hoại miền Bắc của không quân Hoa Kỳ kết thúc, ga Nam Định còn lại như một bãi chiến trường tan hoang giống như Thành cổ Quảng Trị mùa hè đỏ lửa năm 72.
Ngành đường sắt đã phải tập trung nhiều nhân lực khẩn trương lao động bất kể ngày đêm để sửa chữa những trạm ghi bị đánh nát, những đoạn đường ray bị bóc trụi, cong vênh, do bom đạn Mỹ bắn phá, để nhanh chóng khai thông tuyến đường huyết mạch nối liền Bắc Nam.
Giờ này trên sân ga chỉ duy nhất có một đoàn tàu đón khách. Nằm thẳng rẵng trông giống như một con trăn đất khổng lồ, mốc thếch. Nó được ghép lại bởi các toa xe gom về từ các ga lẻ sau những trận máy bay Mỹ oanh kích còn sót lại. Toa bị lửa cháy tróc sơn, toa bị mảnh bom, mảnh đạn xuyên thủng lỗ chỗ.
Đoàn tàu rúc một hồi còi dài chát chúa rồi ình ịch rời khỏi sân ga, không cần thông báo cho hành khách.
Trong cái toa đen cuối đoàn tàu, người ta quen gọi là toa hàng chợ chỉ có hai dãy ghế chạy dọc thân tàu, khoảng giữa để trống dành cho những người buôn chuyến để những đồ cồng kềnh và thợ mộc, thợ nề, thợ đào đất đi làm ăn xa với lủng củng đồ nghề cuốc xẻng, cưa đục, dao bay… Đây là toa nhốn nháo nhất. Đàn ông, đàn bà đủ mọi thành phần, lứa tuổi, tay sách, nách mang bao túi, quang sọt lỉnh kỉnh đủ các thứ hàng hóa từ rau quả đến gạo thóc, vải vóc, quần áo, giầy dép chen lấn, cãi chửi nhau chí chóe. Một thứ mùi chua nồng đậm đặc lan tỏa khiến buồn nôn. Trong cái toa đen này đáng chú ý có ba vị hành khách, không phải là dân buôn bán vì không nhìn thấy họ mang theo thứ hàng hóa gì. Ba người ngồi cạnh nhau trên ghế băng ở một góc của toa tàu. Người đàn ông tuổi cỡ sáu lăm, sáu sáu có mái tóc bạc trắng, sức còn vật ngã trâu có lẽ là trưởng nhóm. Người ngồi phía tay phải ông hơi mập, trán hói hai mắt lờ đờ như thiếu ngủ. Người thứ ba ít tuổi hơn, tác phong nhanh nhẹn, lanh lợi, vẻ phong trần, ôm trong tay chiếc ba lô con cóc lép kẹp. Cả ba đều có chung một màu da nâu xậm, màu quen thuộc của những người sống ở vùng đồng chiêm trũng từng trải sương gió, nắng mưa, bùn đất quanh năm.
Lâu lâu mới thấy họ nói với nhau một vài lời bâng quơ không chủ ngữ theo nhịp lắc lư của con tàu. Người có mái tóc bạc hắng giọng:
- Tàu chạy như rùa thế này liệu có đến kịp không các “giai”?
- Kịp bác ạ.
- Bao nhiêu cây số nhỉ?
- Cũng khoảng dăm sáu trăm gì đó.
- Xa vấy!
- Bằng nửa chiều dài của đất nước đấy ạ.
- Mà sao tao thấy trong bụng nóng rần rật như ăn khoai luộc ấy…
- Đúng thôi! Bác phải tin anh Thông chứ ạ.
Người đàn ông tóc bạc ngáp dài một cái, rồi quay sang hỏi anh chàng đang ôm khư khư chiếc ba lô con cóc trong tay, tì cằm lên cửa sổ, mắt dõi về phía dãy núi mờ xa.
- Chắc chứ anh Thông!
- Bác Đức yên tâm. Cháu đã đến nơi, sờ tận tay, nhìn tận mắt rồi ạ.
- Thế thì được. Cuộc chuyện trò của ba người bị ngắt quãng do cánh buôn hàng chuyến làm náo loạn cả toa tàu bởi thời tiết giá cả lên xuống thất thường. Họ đã biến nơi đây thành cái chợ di động để “buôn dưa lê” với đủ thứ chuyện trên trời, dưới đất. Chuyện làng xóm, chuyện nhà cửa, chuyện gia đình riêng tư. Ví như chuyện cái thằng muốn nhờ đỏ đen để rỡ nhà người ta về làm bếp nhà mình ai ngờ lại bị người ta rỡ lại nhà mình. Cái con bé gặp lại người yêu cũ từ bên Tây về liền bỏ phéng thằng chồng mới cưới biến luôn không thấy sủi tăm. Chuyện cái tay chủ nhiệm hợp tác xã, nghiện lòng lợn tiết canh, ngủ với bà chủ quán bị bọn nó rình bắt quả tang, tuột sạch chức quyền, về chăn vịt. Chuyện đứa con nít chưa đầy mười sáu tuổi đẻ hoang không ai nhận, tuyên bố sẽ ở vậy nuôi con đến già… Bao chuyện vòng vo đại loại như vậy cuối cùng cũng quay về với chuyện buôn bán lỗ lãi. Rồi một cậu choai choai kết luận một câu xanh dờn: sau chiến tranh khu bốn, khu năm bom đạn, sắt thép bỏ lại thừa bứa, không lãi nào bằng buôn đồng nát. Các cụ bảo rồi “Buôn đồng nát lãi quan viên” chẳng sai. Mấy lò cơ khí ở quê không có nguyên liệu thì làm gì có nồi xoong, mâm chậu, vành xe đap, xe bò để mà bán. Vậy nên đem về “hét” giá bao nhiêu mà họ chẳng chịu. Làm giầu ở đó chứ ở đâu...
Chuyện của cánh buôn hàng chuyến bỗng thành liều thuốc hữu hiệu làm vơi đi sự mệt mỏi của khách đường xa. Làm cho con đường ngắn lại.
Tàu đã vượt qua ga nào rồi không biết. Người đàn ông tóc bạc mà Thông gọi là bác Đức nghiêng điếu cày vỗ vỗ mấy cái cho rơi bã thuốc cũ, rồi vê vê mồi thuốc mới nhét vào nõ, bật diêm đánh xoẹt châm lửa rít một hơi thật dài, phun khói ra ngoài cửa sổ. Quay lại ông hỏi anh chàng mập, trán hói:
- Này chú Mật! Đồ đoàn thế đủ không?
Ký ức Quảng Trị 1972 (Sơn dầu) Tác giả: ĐINH ĐỨC HƯNG
- Đủ! Chỉ cần hai cái xẻng thôi ạ. Cháu một, anh Thông một là ổn. Áo mưa, ba lô, nước ngũ vị hương, khăn lau, đèn pin sẵn sàng.
- Anh Thông phải xem lại cái đèn pin nhé. Tậm tịt là không ổn đâu đấy.
- Sáng nay cháu đã mua bốn củ pin sịn. Mặt kính dán kín chỉ để một lỗ vừa đủ chiếu sáng thôi ạ.
- Tốt! Anh từng là thằng lính có khác.
- Chỉ lo vào cuộc ông bác thèm thuốc lào, xòe lửa bắn một điếu thì chết cả nút.
- Đừng có xem thường tôi. Tôi đã từng mặc áo lính trước khi anh khóc chào đời đấy. Sao lại không biết yếu tố bí mật, bất ngờ nhỉ?
- Là cháu cứ phải nhắc nhở vậy, không thừa mà.
- Nhưng này tôi hỏi nếu gặp tình huống xấu thì sao hả?
- Cháu đã có cách.
- Tôi tin anh… À mà tàu chạy đến đâu rồi vậy?
- Sắp tới bác ạ. Xuống ga ta dừng lại nghỉ ngơi cơm nước đâu đấy, rồi thong thả đi bộ, miễn sao đến nơi trước giờ tí là được. Nếu thuận buồm xuôi gió chậm cũng chỉ non tiếng là xong. Gói ghém đồ đoàn nhảy chuyến tàu sớm là vừa.
2. Đông về, miền Trung đã chớm lạnh, nhưng cái lạnh ở đây không thấm vào đâu so với miền Bắc. Đêm nay trời vẫn có trăng mờ và chi chít những vì sao. Gió nhẹ mang hơi ẩm rất thích hợp với những người đi bộ. Vai trò trưởng nhóm của ông Đức giờ đã chuyển sang cho Thông, người ôm chiếc ba lô vốn đã lép kẹp, giờ lép kẹp hơn bởi mấy thứ đồ ăn đựng trong đó đã được phân phát cho mấy cái dạ dày quá bữa. Cả nhóm cứ lặng lẽ bước theo bóng của Thông. Từ con đường cái rải đá răm đến chỗ mọi người dừng lại chỉ dài ba bốn trăm mét, nhưng phải lách qua một con mương, những bụi sim, mua, cỏ dại, gai góc.
Thông quỳ đầu gối xuống đất trước một phiến đá nửa chìm, nửa nổi và lấy tay phủi nhẹ đất cát phủ trên mặt, dưới ánh đèn pin dọi thẳng, mấy chữ nghệch ngoạc được đục bằng những dụng cụ thô sơ đã hiện ra. Thông khẽ kêu lên: “Thằng Phúc đây rồi.”. Ông Đức bỗng hực hực lên mấy tiếng như người trúng gió khiến Mật phải lao đến ôm chặt để ông khỏi ngã:
- Kìa bác. Bác làm sao thế...
Im lặng. Thông ngoái cổ lại nói với hai người:
- Chính xác rồi nhé. Giờ thì ta đào thôi chú Mật.
Trăng khuya, tãi xuống sườn đồi một thứ ánh sáng mờ ảo soi rõ ba cái bóng người nhấp nha, nhấp nhô, lúc ẩn, lúc hiện. Không có tiếng nói, chỉ có tiếng lưỡi xẻng lia trên đất sỏi nghe lạo sạo. Gió… Gió khuya ràn rạt lướt trên những bụi cỏ dại, tạo nên một không gian mờ ảo, liêu trai..
3. Khi đi thì chậm mà khi về thì nhanh. Đó là cảm giác của người nóng lòng muốn được mau chóng trở về nơi mình xuất phát, thực ra con đường vẫn thế, không dài thêm hay ngắn đi một mét. Ông Đức khua khua cái điếu cày trong tay, vòng đi,vòng lại xung quanh mấy lần, hối hả giục hai cộng sự nhanh chóng thu đồ đoàn xuống ga để về cho sớm. Vì tiếc cái xẻng cũ không chịu vứt đi nên Mật cứ lúng túng khiến ông Đức bực mình. Thông khoác chiếc ba lô lên vai lẫn vào đám hành khách xăng xắng định bước qua cửa soát vé thì đột ngột bị nhân viên đường sắt giữ lại. Ông Đức hốt hoảng. Mật thì mặt tái mét.
- Khách vui lòng cho kiểm tra hành lý.
- Tôi là thương binh đi kiếm cơm thiên hạ về. Có buôn bán hàng hóa gì đâu mà khám xét!
- Đó là nguyên tắc ạ.
Người xưng là nhân viên phòng thuế có dáng người cao dỏng, mặt xương xương, lùng thùng trong chiếc áo màu xanh, tay trái đeo chiếc băng đỏ. Miệng thì hỏi nhưng mắt anh ta thì cứ lia đi, lia lại dọc theo dòng người nhốn nháo chen lấn nhau vào cửa.
Mật không giấu được vẻ hốt hoảng, đặt cái bao tải xuống đất lôi từ trong ra hai cái xẻng, và mảnh áo mưa đã cũ:
- Chỉ có thế này thôi ạ.
Thật bất ngờ, chiếc ba lô Thông đeo trên vai bị kéo tuột xuống đất.
- Thế cái gì đây? Anh này!
Bị xúc phạm, máu lính trong người Thông bốc lên, anh sấn đến sáp mặt nhân viên phòng thuế, giọng lạc đi:
- Mày! Mày là thằng nào mà dám tinh tướng hả? Khám đi. Sờ vào đi… Ông cụ nhà mày ở trong này đấy…
- Đừng có giở cái trò đầu gấu ra đây nhé... Tôi nói cho anh biết, tôi là người của nhà nước đấy nhá.
- Nhà nước! Nhà nước làm gì có thằng cướp giật như mày. Nào muốn gì?
- Xin mời các vị vào trạm chúng tôi làm việc.
- Vào thì vào, sợ đếch gì…
Theo yêu cầu, chiếc ba lô được đặt lên bàn, rồi Thông từ từ cởi dây buộc. Nhanh như chớp nhân viên phòng thuế thọc tay vào miệng túi khua khoắng, bỗng giật thót người như bị điện giật, ngã ngửa ra ghế, mặt tái nhợt, lưỡi líu lại khiến khách buôn xung quanh hốt hoảng, nhào đến xem. Rồi như có một luồng gió mạnh vô hình hất mọi người ngược trở lại, trong sự sợ hãi tột độ... “Ôi khiếp quá! Là bộ hài cốt...”. “Thì ra một ông thương binh cõng một ông liệt sỹ...”
Thông lạnh lùng:
- Hài cốt liệt sỹ có phải là hàng cấm không ông phòng thuế?
- Không phải là hàng cấm nhưng vẫn bị phạt hành chính!
- Lý do? Thông cự lại.
- Vì... Vì đã vi phạm quy định giữ vệ sinh trên tàu!
Thông vung nắm đấm định tương vào mặt hắn nhưng kìm lại được. Giọt nước mắt hiếm hoi của người lính đã từng chứng kiến bao cái chết thương tâm của đồng đội lăn dài trên gò má rám nắng của anh. Tự nhiên Thông lắc lắc đầu mấy cái, mắt đờ ra. Ngay lập tức những người xung quanh nhận thấy thái độ của anh tự nhiên khác hẳn. Không còn giận dữ như mấy phút trước. Anh nói nhỏ nhẹ, như tâm tình với nhân viên phòng thuế: “Này chú. Tôi rất thông cảm với chú vì người ta bảo chú làm thế thì chú phải làm thế... Chú không biết tôi đấy thôi, mấy năm trước đây tôi đã cùng đồng đội lên tàu, chính từ cái ga này để vào Nam đánh giặc. Không khí thật hào hùng và phấn khởi. Ừ mà nếu lúc ấy chú được chứng kiến thì hay biết mấy, vui lắm... Vậy mà giờ tôi trở về thì... Mà thôi! Tôi hỏi thật nhé: chú chưa từng mặc áo lính lần nào phải không? Nếu đã từng mặc áo lính thì không bao giờ chú lại có thái độ vô hồn, vô cảm như thế... Đúng không? Chào chú...”
Đã quen với những lời chửi bới, rỉa rói của hành khách nên nét mặt của người nhân viên phòng thuế vẫn lạnh tanh. Hắn xé tờ biên lai đánh roạt đưa cho Thông và nhận lại một lời hẹn dao búa:
- Được rồi! Mày sẽ biết tay tao! Nhớ lấy.
4. Cánh ông Đức đưa được hài cốt của Trần Văn Phúc về đến nhà thì trời đã nhá nhem tối. Lối xóm đã lên đèn. Không biết ai loan tin mà bà con kéo đến chật sân. Nhìn nét mặt người nào cũng thấy nghiêm trang vậy nhưng không dấu được sự vui mừng ẩn chứa bên trong. Vợ Phúc sổ tóc, khóc lăn ra đất, mấy người phải xốc nách dìu vào nhà trong. Trước đó chị cũng đã chủ động sắp sẵn một mâm cơm khá chu tất để ba bác cháu đi đường xa về ăn. Thông nhắp vài chén rượu, ăn qua quýt lưng cơm, tạt qua nhà tắm rửa rồi quơ vội chiếc chăn len đạp xe ra nghĩa trang. Mọi người can anh vừa đi xa về còn mệt nên nghỉ. Thông không nghe. Anh bảo anh phải ra đó với thằng Phúc đêm nay. Chỉ còn đêm nay anh và Phúc được ở bên nhau nơi trần gian. Ngày mai mỗi thằng mỗi ngả, âm dương cách biệt. Chỉ còn đêm nay ở bên thằng bạn nối khố. Thằng bạn cùng một làng, cùng một tuổi, cùng học một lớp, cùng đi bộ đội một ngày, cùng chung một khẩu pháo phòng không 12 ly 7, nơi tuyến lửa bắc Hiền Lương. Những kỷ niệm của hai thằng ngày chưa nhập ngũ đầy ắp, kể cả ngày không hết đó là những sớm, những chiều bên nhau: khi xuống sông bơi lội, mò cá, bắt tôm, khi lên bờ đánh đáo, chăn trâu, chọc khế, hái sung, bẫy chim, đổ dế. Chiều vàng thả diều trên đê, nằm xoài ra thảm cỏ xanh còn ấm nắng, ngửa mặt nhìn những cánh diều gấp giấy học trò chao đảo trong gió như muốn vươn lên với trời xanh, mang theo những khát vọng, những mơ ước của tuổi thơ ngây… Những kỷ niệm chiến trường gắn với những khó khăn gian khổ, mùi đạn bom, mùi máu và nước mắt, hai thằng vẫn điếu thuốc chia đôi, miếng lương khô bẻ nửa. Nhận lá thư nhà chụm đầu cùng đọc. Thông thầm nói với Phúc: “Đêm nay hai thằng sẽ uống đến say khướt thì thôi. Ừ nhỉ! Tao biết từ bé mày không biết uống rượu. Mày không uống thì tao uống. Tao uống mày nhìn... Đêm nay…”
Đêm nay, cũng như hơn tháng nay chẳng có năm nào lại rét đậm và kéo dài đến thế. Rét làm táp cả lá chuối, làm soăn búp đa, búp ổi. Người ta khoác đủ thứ áo, mền lên người mà bước đi vẫn lẩy bẩy, dọ dẹo.
Thông ra đến nghĩa trang thì đã thấy hai người có mặt ở đó. Họ là cán bộ của xã được phân công ra đây kết hợp cùng với thân nhân gia đình liệt sỹ để bảo vệ hài cốt, chờ sáng mai xã tổ chức làm lễ truy điệu. Cũng là người làng trên, xóm dưới cả nên chẳng cần thủ tục chào hỏi rườm rà, nên cùng bắt tay vào dựng một cái lán trú tạm qua đêm. Cái lán tựa vào hai nấm mộ xây cũ, mái che được mưa nhỏ nhưng không ngăn được gió. Không ngăn được cơn gió bấc lạnh buốt thấu xương thổi thông thốc làm vô hiệu hóa cái đệm rơm dầy trải nền và mấy cái chăn len mỏng. Củi khô hai vị đến trước đã kiếm ở đâu đó về được nhóm lên. Ngọn lửa cháy rừng rực tạo ra một cảm giác ấm áp giả tạo. Dù thế vẫn hơn, giúp hai vị cán bộ xã là kéo gỗ. Thông dù mệt rã rời sau cuộc hành trình xuyên Việt vất vả, ẩn chứa nhiều rủi ro nhưng vẫn không tài nào nhắm mắt được. Anh chui ra khỏi chăn, ngồi thu lu, mắt dõi theo ngọn lửa đang chập chờn, uốn lượn bao nhiêu thời gian không biết nữa, cho đến khi nó dấu mình vào trong lớp than hồng nổ lép bép.
“Khuya rồi chăng? Mình đang ngủ hay đang thức? Thông không biết nữa. Tự hỏi: Nếu ngủ thì sao mình còn ngồi đây, mà nếu thức thì sao mình lại nhìn thấy thằng Phúc ngồi trước mặt. Rõ ràng là thằng Phúc. Đôi mắt sâu, cái hàm răng hơi vẩu của nó thì lẫn với ai được. Vả vừa đưa chén rượu mời, nó xuơ tay không uống mà. Nhưng nó nói được mới lạ chứ. Lời nó nói nghe bảng lảng, xa xôi, nhưng rõ ràng, rành rọt. Nó bảo nó cám ơn Thông đã chôn cất nó tử tế ở chiến trường, lại cẩn thận chôn kèm theo chiếc bình tông xoáy chặt nút, bên trong là mảnh giấy ghi họ tên nó để dễ dàng cho người muốn tìm kiếm nó. Thông đã không quản đường xa vất vả cùng với bố nó, chú Mật vào tận nơi núi sông cách trở này để đưa nó về quê. Nó bảo Thông đừng buồn vì người ta sống chết có số. Số nó đáng ra phải chết từ cái vụ hai thằng trèo hái trộm sung nhà ông Giới khi nó bám phải cành khô, gẫy rơi xuống nước bị cái cọc cầu ao đâm lòi ruột. Thế mà qua được. Ở trận địa phòng không bắc sông Bến Hải hôm ấy diễn ra rất ác liệt với không quân Mỹ, nó bị một mảnh bom xuyên vào bụng, lạ thay cũng đúng cái chỗ mà nó bị cái cọc cầu ao đâm thủng ngày nào. Tính ra thời gian cũng đã sáu bảy năm chứ ít gì. Thế là lãi rồi. Nó đùa: “Thông ạ! Mày đưa trộm tao về thế này là mày đã biến tao thành thằng đảo ngũ rồi còn gì. Nơi tao ở đấy. Lẽ ra tao phải ở lại bám trụ với đồng đội mới đúng chứ.”. Phúc thật thà: Chắc mày không ngờ phải không? Ở ga lúc chiều là tao đã nhập hồn vào mày đấy để dạy cho thằng phòng thuế bài học”. Rồi Phúc bảo về với nó chuyến này có hai thằng lính pháo thủ cùng khẩu đội mà Thông đã quá quen thuộc, gần gũi trong những ngày còn tại ngũ. Thằng Tảo quê Hà Tĩnh. Thằng Tư quê Sơn Tây. Thằng Tảo về đây chỉ với một mục đích được nhìn tận mắt cô em vợ xinh đẹp, nết na mà Phúc đã giới thiệu và hứa gả cho nó hôm nào. Thằng Tảo bảo nó đã nhìn thấy cô ấy rồi. Ưng lắm. Muốn nói với cô ấy vài lời, nhưng không nói được. Nó khóc… Còn thằng Tư đi chuyến này chỉ để tìm cho mình một câu trả lời, điều mà nó trăn trở lâu nay. Vì sao ngần ấy năm dù không có con cái mà vợ thằng Phúc không đi lấy chồng khác mà cứ ở vậy, chăm sóc phụng dưỡng cho bố mẹ chồng, còn Hương vợ của nó thì chưa hết ba năm tang chồng đã gửi lại con để sang sông. Tư bảo hắn chả trách gì vợ... Mà nói gì thì nói chứ cô ấy cũng là con người. Con người bằng xương, bằng thịt với bao nhu cầu riết róng của cuộc sống đời thường, không chỉ là tinh thần và vật chất. Cô ấy lại được trời phú cho chút nhan sắc. Có bao nhiêu ong bướm vây quanh, có bao điều hứa hẹn tốt đẹp đang mở ra trước mắt. Thật khó cưỡng nổi… Thông không đồng ý cách suy nghĩ của Tư. Hắn bảo đừng cố chấp. Cái gì đã qua cho qua. Không thể xoay ngược thời gian được. Quy luật của cuộc sống là thế. Mình là thằng lính đã hi sinh, không để cho những người còn sống phải hi sinh thêm nữa. Có điều Tư tiếc cho Hương vì đã trao thân gửi phận cho cái người chẳng ra gì. Cả làng ai chẳng biết đến cái “phốt “của thằng Tung. Cái thằng không biết liêm sỉ, nhục nhã là gì. Người ta gọi hắn bằng cái biệt danh chứa đầy ẩn ý và khinh miệt, cái thằng: “Đêm ngay, ngày thọt” chuyện là để trốn không phải nhập ngũ, hắn đã tự tạo ra một vết thương sau buổi đi cày về bằng một cái mảnh chai nhọn tự cứa vào gót chân mình. Cái vết cứa không sâu lắm, nhưng khiến hắn thọt chân. Là tự hắn bảo hắn thọt chân. Đã thọt chân thì bắt buộc khi di chuyển chân phải lết theo kiểu “chấm phảy”. Nhưng hắn chỉ đi theo kiểu chấm phảy vào ban ngày để che mắt mọi người thôi, còn ban đêm hắn duỗi chân ra, đi theo kiểu “hai chấm than” như người bình thường. Chiêu trò ấy của hắn đã lừa được hội đồng khám tuyển nghĩa vụ quân sự. Không đơn vị nào nhận tân binh thọt chân vào đội ngũ của mình. Được ở lại hậu phương Tung thỏa sức tung hoành, làm mưa, làm gió, nhất là cái khoản chị em… Tư bảo thằng ấy mắt nó nhìn có đuôi, lời nó nói có đường phèn, chẳng như cánh lính chúng mình cứ từng băng rẹt rẹt, rát tai.
Đang nói bỗng nhiên Tư khóc nấc. Khóc vì thương đứa con gái bé bỏng của mình đang ở tuổi học trò, không người kèm cặp. Có bài toán hằng đẳng thức đáng nhớ của cấp hai không khó lắm nhưng nó ngồi cắn bút. Bài toán ấy Tư làm quá dễ. Muốn giảng giải cho con mà không biết làm sao được. Đau quá…
Hình như không chịu được gió lạnh, Phúc ngồi sát vào đống lửa, tay xoa xoa lên chỗ vết thương cũ. Giọng xa xôi:
- Thông này! Có điều tao không hiểu muốn hỏi mày.
- Gì?
- Tại sao ngày tao lên đường nhập ngũ mẹ tao thì khóc mà cha tao lại cười. Còn nay tao về thì ngược lại là nghĩa làm sao?
- Có gì đâu. Mày xa nhà lần đầu, lại vào nơi hòn tên mũi đạn, liệu có tránh được không, mẹ mày thương, mẹ mày khóc. Còn cha mày cười vì ông vui, ông tự hào với làng xóm vì ông đã có thằng con trai trưởng thành đóng góp cho sự nghiệp chống Mỹ cứu nước. Nay, mày trở về là liệt sỹ ông khóc, khóc vì đã mất đi một thằng nối dõi tông đường, còn mẹ mày mừng, mừng là vì còn được nhìn thấy mày dù là nắm xương. May mắn hơn chán vạn bà mẹ có con hy sinh mà bây giờ không biết hồn cốt ở nơi đâu.
- Ừ nhỉ! Tao đúng là thằng ngu lâu.
Từ nãy Tảo vẫn ngồi im nghe chuyện giờ mới phang một câu, bằng cái giọng Hà Tĩnh:
- Tao còn nhớ cái đêm tiểu đoàn tổ chức liên hoan văn nghệ thằng Thông đóng vai con gái trông giống y như thật, lại hát chèo hay nữa. Nhìn mặt ngồ ngộ, dễ thương lắm. Bây giờ trông thì bụi bặm, dữ dằn quá.
- Đâu có!
- Thì qua cái vụ mày định đấm vào mặt thằng thu thuế ở ga đó.
- Chúng nó là bọn cướp ngày đấy. Cuộc sống bây giờ không gân guốc, là đói đấy mày ạ...
- Nó giống như thằng lính chúng mình vậy, lệnh là phải xung phong, phải bắn...
- Giống thế nào được. Dù có là thằng lính thì cũng phải biết bắn vào đâu chứ, sao lại bắn vào đồng đội mình.
Bỗng nhiên Phúc xen vào:
- Này Thông! Tao biết trong buổi lễ truy điệu sớm mai ông trưởng ga đích thân về đây dâng hương và trực tiếp xin lỗi mày đấy. Liệu mà cư xử nhé. Nhớ mình là người lính hiểu chưa…
Nghe Phúc nói Thông chợt bừng tỉnh. Sớm mai. Sớm mai mặt trời lên, thằng Phúc về nhà mới trên mảnh đất nơi nó được sinh ra. Còn bây giờ vẫn đêm, đêm vắng lặng. Chỉ có tiếng gió bấc từng hồi, giật tấm ni lon che lán kêu phừn phựt... Ồ! Mà chúng mày biến đâu rồi? Phúc! Phúc ơi...”
Thông chợt nhớ một ngày cũng đã lâu lâu, trên sân ủy ban xã, cạnh đây là buổi lễ tiễn đưa những chàng trai ưu tú của quê hương lên đường làm nhiệm vụ chống Mỹ cứu nước. Buổi lễ được tổ chức trang trọng lắm. Cờ đỏ sao vàng rợp trời. Từng hàng dài các em thiếu nhi cổ quàng khăn đỏ, tay vẫy cờ hoa, với muôn vàn những lời chúc tụng, dặn giò cảm động pha lẫn niềm vui và cả nước mắt trước lúc chia xa.
Và giờ, tại đây, chỉ ít phút nữa thôi là buổi lễ truy điệu cho Phúc được tiến hành. Theo nghi thức có đại diện của lãnh đạo xã, các đoàn thể quần chúng, thân nhân của liệt sỹ, nhưng không có hàng dài các em thiếu nhi cổ quàng khăn đỏ, tay vẫy cờ hoa, miệng hát vang bài ca: “Hãy cho tôi lên đường” như ngày nào. Thay vào đó là hai hàng kiêu binh quân phục trắng, nai nịt gọn gàng. Đội kèn đồng cử bài: “Chiêu hồn tử sỹ”. Bài ca chỉ dành cho những người có công lao với Tổ quốc, Nhân dân.
P.T.T
(Nguồn: VNNB237/4-2020)