Truyện ngắn của ĐINH NGỌC LÂM
Điền lục khục đôi nạng gỗ cùng người đàn bà gầy nhẳng, da mặt xám ngoét, tóc túm đuôi gà. Lần đầu tiên làng Sồi có một thương binh cụt chân trở về, vết sẹo dài kéo khuôn mặt méo xếch. Làng nước chờn chợn, một ngày nào đó tất cả đàn ông đều mang thương tật, hình hài biến dạng xấu xí thì...
Trên đất nước này, rất nhiều làng quê đã có biết bao nhiêu người từ chiến trường về không còn lành lặn. Giá biết được thì họ sẽ nghĩ gì về cái làng Sồi của họ? Cái làng có đến cả vài chục thanh niên trốn nghĩa vụ quân sự, cứ một dạo lại có một tốp trai tráng diễu trên trục đường xã, đeo trên cổ một tấm bìa carton mang dòng chữ “Cả như tôi thì mất nước”. Khốn nạn. Thế mà làng Sồi có tới cả mớ. Làng có nghề chạm khắc gỗ, tủ kính sập gụ nổi tiếng, hái ra tiền. Giặc Mỹ leo thang đánh phá miền Bắc, lệnh huy động nhập ngũ liên hồi, làng Sồi rối như canh hẹ, dở cười dở khóc. Gọi khám nghĩa vụ, thằng thì trốn vào chum, thằng thì mang xoong nồi lẩn vào rừng bị rắn cắn chết, đứa thì mấy tháng trời nằm trên gác chuồng trâu ghẻ lở đầy người… cuối cùng cũng lộ diện trong tốp đeo biển “Cả như tôi thì mất nước”. Làng Sồi quả là bùng nhùng lắm chuyện.
Vợ Điền về làng chừng đã một năm mà làng xóm có mấy ai biết mặt. Người ta bóng gió, Điền chỉ im lặng. Bốn năm sau đột nhiên họ đưa về hai bé trai, thằng em giống Điền như tạc, chưa hết ngạc nhiên thì người đàn bà mới lại xuất hiện. Cả làng trân trố nhìn Điền như một gã khùng. Chính quyền triệu Điền lên xã, anh không lên, lập tức xã đội trưởng dẫn người đến nhà: “Này đồng chí Điền! Đồng chí có biết mình là ai không?”. “Ô hay! Thế các ông bảo tôi là ai?”. “Đồng chí là thương binh!”. “Thương binh thì sao nào?”. “Thì anh phải giữ gìn phẩm chất chứ!”. Điền đứng dậy, dộng mạnh chiếc nạng gỗ xuống đất: “Này! Bộ tưởng còn lành lặn thì muốn nói gì cũng được hở?… Thôi nói quách cho gọn. Này! Đây muốn có vợ, có con không được hở?”. “Nhưng mà bất hợp pháp!”. Điền trợn mắt: “Vớ vẩn… Con của những chiến binh trở về mà bảo không hợp pháp hở? Các ông còn phải lập khai sinh cho chúng ấy chứ. Gượm đã… Tên con chúng tôi là Chiến Thắng và Hòa Bình, bố chúng là Điền… Vũ Minh Điền! Mẹ chúng là Phạm Thị Phong và Tạ Thị Lan! Rõ chưa. Hở?”. Chính quyền xã gờm Điền từ đấy, nhưng mãi năm sau thằng bé mới có giấy khai sinh. Con: Vũ Hòa Bình, mẹ: Tạ Thị Lan, bố: Vũ Minh Điền. Họ trả lại cho Điền mảnh giấy ố vàng, nét chữ cẩn thận nắn nót: “Binh trạm X thuộc đường dây 559 chứng nhận đồng chí Tạ Thị Lan 21 tuổi sinh cháu Tạ Chiến Thắng tại bệnh xá của Binh trạm. Chúng tôi ghi nhận làm bằng chứng để lập khai sinh cho cháu… Ký tên…”. Thế là họ chỉ làm khai sinh cho thằng Hòa Bình thôi, thằng cu Chiến Thắng họ bảo không rõ ràng, rắc rối quá. Mà rắc rối thế thì bố ai dám làm. Ngày ngày lộc cộc chống nạng lên Ủy ban xã, Điền đã trút cạn lời, đơn đi đơn lại không biết bao nhiêu lần gửi các cấp, thỉnh thoảng nhận được một tờ giấy trả lời việc này thuộc thẩm quyền xã. Thế thì phải bám lấy xã thôi. Điền ngồi rình trước cổng trụ sở Ủy ban xã, cứ có khách ra là xông vào. Lão Hoằng xã đội trưởng cốc đế được phân công canh chừng Điền, lão đẩy Điền ra cổng mặt nhăn nhó: “Khổ lắm, đã bảo ông rồi, ông phải thông cảm với chúng tôi chứ. Là chúng tôi thì ông có giải quyết được không?”. “Giải quyết ngay, giải quyết vô điều kiện. Ông cứ thử làm tôi đi”. “Ông nói lạ nhỉ, tôi làm ông thế chó nào được. Em trai tôi cũng đang ở chiến trường chứ bộ. Có trốn nghĩa vụ đâu?”. “Mẹ kiếp. Nhà tôi ba anh em đi tuốt, thằng em tôi còn đang bặt tin bặt tức kia kìa… Hai người đàn bà gắn với cuộc đời tôi cũng đều từ chiến trường trở về không đủ để các ông tin sao?”. “Người làng Sồi các ông lạ bỏ mẹ. Trốn nghĩa vụ tám gánh. Nhà ông thì xung phong đi tuốt. Kể ra thì cũng bất công đấy nhỉ” - Lão Hoằng cười khẩy. Bước cuối cùng của lão vừa đủ đẩy Điền ra ngoài cánh cổng, một cái gạt tay bất nhẫn, đôi nạng gỗ loạng choạng. Điền nghiến răng, hai cánh tay gồng căng, mắt vằn đỏ, đường sẹo dài trên mặt giật giật, chiếc nạng gỗ vung lên rồi bổ xuống đầu lão Hoằng. Điền hụt hẫng té nhào, nhưng vẫn kịp nhìn thấy lão Hoằng đổ gục, một vệt máu chảy xuống mặt lão… Điền bị trói, ngồi sau xe đạp người ta chở lên huyện. To chuyện rồi, người làng Sồi kinh ngạc, họ bảo Điền bị tâm thần, họ nghĩ về Điền rất xấu xa, ném vào gia đình anh những ánh mắt đầy ác cảm. Đâu đó xì xào: “Chỉ tại thằng Mỹ thì lão Điền mới cụt chân, mới xấu xí, mới sinh ra lằng nhằng như thế chứ. Chiến tranh bất công bỏ mẹ. Các người cứ thử xung phong như nhà lão xem. Khi trở về cứ thử cụt chân xem. Các người chỉ biết thu lu trong chum, trong vại, trong xó chuồng trâu... Không có người cụt chân, tâm thần như lão thì các người liệu đấy mà yên thân…”.
Điền bị đưa lên công an huyện về tội đánh lão Hoằng xã đội trưởng. Khi được tha về Điền mang theo một lá thư của ông Chủ tịch huyện viết hẳn hoi. Chẳng biết viết gì mà Điền đọc rồi cả nhà cùng khóc. Thế là thằng Chiến Thắng có khai sinh: mẹ là Phạm Thị Phong, bố là Vũ Minh Điền. Làng Sồi chẳng để ý đến chuyện ấy mà làm gì, họ đang nơm nớp lo về cái lệnh tổng động viên nhân lực ra chiến trường.
* * *
Anh cả của Điền từ Hà Nội về. Tưởng là vui, nào ngờ lại diễn ra một trận khẩu chiến:
- Nghe tin chú vợ nọ con kia, lộn tiết tôi phải bỏ đơn vị mà về. Đất nước đang chiến tranh ác liệt như thế mà chú thì phức tạp bỏ mẹ. Chuyện của chú làm động giời. Động giời! Chú hiểu không?
- Này anh Lực! Cùng là lính, vừa phải thôi. Giá như ngày còn học trò tôi lại thách vật nhau với anh xem anh có lộng ngôn với tôi được không. Tôi muốn nói chuyện với anh sòng phẳng, tư cách của hai thằng lính. Ừm… Đừng cậy anh là sĩ quan nhá!
Tôi hỏi chú. Làm chó gì mà chú lại tự phức tạp mình lên thế?
- Này! Anh có hiểu gì đâu. Lính, sĩ quan hay là gì thì trước hết là những con người. Tôi biết mà, cái gì đã làm cho con người ta trở nên chai lì, hoặc cố phải làm giả bộ cứng rắn? Ừm… Chiến thắng! Nhưng cuối cùng thì có chiến thắng nổi những điều phi lý đâu?
- Chú nói thế là thế nào?
- Thế nào ư. Chúng ta tứa ra mặt trận ngàn ngạt người, chết, bị thương, tàn phế như rạ. Ừm… Ngợi ca. Ừ thì cứ vậy đi. Nhưng người ở đâu ra, con người sinh ra như thế nào, lớn lên như thế nào. Ai biết? Chỉ biết huy động. Ấy thế mà yêu nhau trong chiến trường thì cấm, những đứa trẻ sinh ra trong đạn bom thì bố mẹ chúng bị vùi dập, hắt hủi. Ừm… Rồi đến lượt chúng, chưa kịp lớn lên đã bị tổn thương… Thế thì làm sao chúng trở thành người tử tế được. Nào, anh lý giải đi. Thế nào?
- Chú nói gì? Chú đừng cậy mớ kiến thức tiểu thuyết gối đầu giường của chú nhá. Cải lương bỏ mẹ. Chiến trường phải có kỷ luật. Kỷ luật thép hiểu không?
- Bây giờ anh bắt tôi phải làm gì?
- Hừ… Làm gì? Tôi chưa biết, nhưng chú không phải là thương binh thì tôi đã tẩn cho chú một trận…
Sáng sớm tinh mơ. Hai người đàn bà tiễn Lực đến đầu làng. Cả quãng đường Lực không quay lại, dáng vạm vỡ, sải chân chắc nịch, hai vai anh thoáng chốc lại rung lên. Hình như anh khóc.
Điền ngồi trên chiếc ghế đẩu, tựa lưng vào cột nhà, mắt nhìn ra ngõ. Anh thương người anh cả đã làm đơn nhập ngũ năm chưa đầy mười bảy tuổi đặng mong cho hai thằng em được học hết cấp ba, thằng út có thể được miễn hoãn mà đi đại học. Biết thế nhưng hai anh em học xong cấp ba vẫn xin nhập ngũ, Điền nói với Phú: “Tao không muốn nhìn thấy làng mình hèn, không muốn nhìn thấy những thằng đàn ông làng Sồi đeo biển như đeo mo vào mặt diễu trên đường kia”. Điền thần tượng Pavel Korchagin trong tiểu thuyết “Thép đã tôi thế đấy” của Nikolai A.Ostrovsky. Anh đang là “Thép đã tôi” bỗng dưng lại bị người ta coi là một kẻ rắc rối. Điền uất nghẹn. Nghĩ đến Phong, Lan, đến những người còn đang phải gồng mình dọc tuyến đường Trường Sơn mưa bom bão đạn, sốt rét rung rừng. Đồng đội yêu thương nhau chẳng lẽ lại phi lý? Ký ức đăm đắm một thời trộn lẫn với nỗi uất nghẹn cồn lên trong lòng Điền.
Đêm mùa khô, rừng Trường Sơn sau những trận bị bom Mỹ cày xới lại lặng lẽ gột tẩy, đắp lại những vết thương bầm dập tứa toác, lại gồng mình cõng những đoàn xe, những đoàn quân vào chiến trường B, C… Binh trạm X đang hối hả chuẩn bị cho đoàn xe xuất kích, xe của Điền đã nhận đủ hàng, ngụy trang kín đáo, vào vị trí ém xe chờ lệnh. Đã nửa tháng Điền nằm điều trị tại bệnh xá binh trạm, vết thương trên mặt mới cắt chỉ chiều nay chưa kịp soi gương, còn nguyên cái cảm giác êm ái khi đôi bàn tay cô y tá ấp lên má anh: “Yên tâm đi anh. Còn đẹp trai mà!”. Họ yêu nhau. Tình yêu thầm thụi, nhưng làm sao có thể giấu nổi khi nó phát lộ qua ánh mắt cử chỉ của những người đang yêu, họ đã vượt thoát khỏi hoàn cảnh và sự săm soi, móc mói của “sự trong sạch”. Lần đầu sau khưởm đá bên kia dòng suối, Điền bế bổng rồi ghì chặt cơ thể nõn nà của nữ y tá vào lòng, hai làn môi gắn chặt vào nhau, hai cơ thể quấn lấy nhau tan chảy… Sau đó, cứ mỗi lần gặp nhau, họ lại như hai ngọn lửa òa vào nhau bùng cháy. Mỗi lần như thế, Điền cảm thấy sung mãn, cảm thấy mình có thể nhấc bổng cả đoàn xe qua những cung đường còn hầm hập khói bom… Nữ y tá ấy tên là Phong, cô cảm thấy như bay trong vũ trụ, một cơ thể đàn ông cường tráng, hừng hực tình yêu có thể làm cho vạn vật tái sinh, cô muốn bay theo đoàn xe của Điền, muốn cùng Điền sinh thật nhiều con, những đứa con vạm vỡ, những thiên thần sẵn sàng lao vào dập tắt chiến tranh…
Trên một chuyến xe chở thương binh đi ra, Điền nằm trên võng, một chân giập nát, anh lờ mờ nhận ra binh trạm X, lờ mờ nhận thấy khuôn mặt nữ y tá xanh tái ấp xuống mặt mình, nước mắt và những nụ hôn... Phong tìm về trại thương binh qua địa chỉ Điền viết trong thư. Hai người bên nhau, họ xin đăng ký kết hôn rồi đưa nhau về làng Sồi. Ước mơ của Phong về những đứa con đã tắt lụi, sốt rét ác tính ngầm cướp đi của Phong cái quyền làm mẹ. Nhưng khát khao về những đứa con, những cơ thể cường tráng như thiên thần ra trận vẫn không thể tắt. Phong nhớ đến Lan, cô em út trong tiểu đội thanh niên xung phong ở binh trạm X. Hai mốt tuổi, Lan mang thai, sinh con, bị kỷ luật rồi về địa phương chịu tai tiếng. Cô lầm lũi trước cái nhìn ghẻ lạnh của cuộc đời. Lan tìm về quê người yêu nhưng anh đã hy sinh, cô cố gượng dậy ôm câu chuyện tình sét đánh trở về…
Cuộc hội ngộ giữa ba người ở xứ rừng cọ đồi chè đã làm cho cuộc đời của Lan bừng thức. Đã bao lần họ ngồi bên nhau lặng phắc nghe từng giọt thời gian rơi trên mái cọ. Giữa một đêm yên tĩnh Điền choàng tỉnh, anh thực sự bối rối trong tiếng thổn thức và vòng tay không phải của Phong mà là của Lan. Lan ghì xiết, vùi đầu vào ngực Điền nấc nghẹn: “Anh Điền, hãy hiểu cho chúng em. Chúng em xin anh…”. Điền ngồi bật dậy: “Sao lại chúng em?”. Lan khóc oà: “Chị Phong và em chỉ còn lại mình anh trên đời này để vịn vào mà tồn tại. Anh hãy thương chúng em, thương bé Chiến Thắng, nó đang bị tổn thương anh biết không…”. Tiếng thổn thức lắng dần, Điền ôm ghì Lan vào lòng, kéo vạt áo thấm những giọt nước mắt trên má cô. Điền có còn cường tráng nữa đâu, nhưng anh biết rằng phải gắng để vượt lên những điều phi lý của cuộc đời. Điền thấu hiểu và thương hai người đàn bà đang dìu nhau đi trên cuộc đời, họ đang cần có anh.
* * *
Miền Nam được giải phóng, làng Sồi như trút bỏ được cơn nín thở lâu ngày. Sẽ không còn cái cảnh trai tráng làng Sồi phải “đeo mo vào mặt” vì tội trốn nghĩa vụ quân sự nữa. Cậu em út của Điền cũng đã trở về. Ông bà Tịch hối thúc nó lấy vợ. Phú đẹp trai, lành lặn, lính đặc công từ chiến trường trở về chấm đâu mà chả được. Con gái làng Sồi xôn xao, họ nhìn Phú như một tráng sĩ trong thần thoại, họ nín thở chờ đợi. Nhưng lạ thay từ ngày về Phú chưa hề để mắt đến cô nào. Một đêm Phú rủ anh Điền ra cánh đồng, gió thổi mát rượi. Điền kể về những chuyến xe vượt Trường Sơn vào chiến trường, Phú liên tưởng đến mặt trận khu Năm, có lúc đói khát, sốt rét trọc đầu, đạn dược, thuốc men cạn kiệt, vừa lúc ấy thì nhận được sự tiếp viện từ miền Bắc gửi vào, cả đơn vị trào dâng nước mắt. Phú nhìn anh trai như một thần tượng anh hùng. Điền nói với Phú: “Mày biết không, bọn tao chỉ là lính công tử thôi, bọn chị Phong, chị Lan mới là những người góp công lớn, không có họ thì làm đếch gì mà xe tải bò vào được chiến trường. Mẹ kiếp… Ngoài mặt trận coi cái chết chẳng là cái đếch gì. Tao nói thật đấy. Bom đạn đầy trời, ngầm sâu, dốc đứng cũng bé tí, cứ thẳng tiến. Ừm… Có lệnh là đi, qua trọng điểm được các em đu lên cánh cửa xe dẫn đường, mùi con gái phả vào ca-bin thơm phức, cứ gọi là mê hồn… Lúc ấy oánh tay lái mới sướng”... Hai anh em cùng cười. Giọng Phú trầm xuống: “Anh Điền này. Em hỏi anh, có bao giờ anh thấy tiếc đời không?”. “Ừm… Tiếc cái đếch gì. Thế mới là đời. Nikolai A. Ostrovsky nằm trên giường bệnh vẫn lạc quan, vẫn làm nên tiểu thuyết nổi tiếng đấy thôi. Ừm… Nhưng tao tiếc cho đất nước mình mất đi quá nhiều nhân tài trong chiến tranh, với lại tao tiếc cho địa phương đếch còn thằng nào ra hồn, nhận thức thì… Ừm… Tao nghĩ mày ở lại mà phấn đấu lên làm lãnh đạo, giữ được phẩm chất là dân có nhờ đấy Phú ạ”. Phú im lặng. Gió trên cánh đồng lao xao, sương khuya đã sâm sấp trên da thịt, Phú đưa tay vuốt ngược mái tóc, đứng dậy lững thững bước theo đôi nạng gỗ lục khục của người anh trai đang di chuyển dưới ánh trăng mờ.
* * *
Một dạo làng Sồi lại xôn xao: “Cái nhà ông bà Tịch có mả đại rắc rối. Người ta lại dắt con về nhận bố, giỏ nhà ai quai nhà nấy. Con lão Lực đấy. Hết em, giờ lại đến anh. Phen này thì lão Lực hết nói phét…”. Nghe thủng câu chuyện, Điền cùng hai người vợ thản nhiên đón mẹ con người đàn bà như đón những người thân lưu lạc trở về. Họ cùng viết thư báo cho Lực biết trước rằng họ sẽ ra Hà Nội. Chuyến tàu gập ghềnh chậm chạp bò từ đêm đến quá trưa hôm sau cũng đến được ga Hàng Cỏ, thấp thểnh xuống tàu, rệu rã đến cuối chiều họ cũng tìm đến được ngôi nhà mà họ cần tìm. Người đàn bà đặc sệt thành thị nhìn vợ chồng Điền và hai mẹ con Hương với ánh mắt lạnh lùng: “Tôi biết cả rồi, tôi sẽ trả ông Lực về với các người. Gớm, anh em nhà các ông thật là táo tợn”. Điền ôn tồn: “Mong chị hiểu cho. Ừm… Hoàn cảnh chiến tranh nhiều điều chưa thể lý giải được đâu chị ạ”. “Tôi biết chứ. Tôi biết chiến tranh là cái hố rác sinh ra đủ thứ. Tôi không thể chịu được…”. Bộ dạng phương phi của Lực chùng xuống, anh ghìm giọng: “Kìa mình. Mình hiểu cho, âu cũng là số phận. Cô ấy không có lỗi, tất cả lỗi là ở anh mà mình”. “Tôi không nghe. Tôi không tin ai hết. Anh đã giấu tôi, giờ thì hai năm rõ mười. Anh về với họ đi. Tôi không cần anh nữa”. Mắt chị ráo hoảnh, khuôn mặt đẹp quý phái bỗng thất thần, u uất, ánh mắt như những mảnh thuỷ tinh đang muốn cứa đứt những dan díu xung quanh. Người đàn bà miền Trung bước lại đối diện với chị, nhẹ nhàng: “Thưa chị. Tui là Hương, mẹ con tui tìm về là để biết tổ biết tông của cháu thôi mà. Mẹ con tui chẳng dám đòi hỏi chi mô. Lực vẫn là của chị. Thú thực, hồi đó ai mà biết trước được bây chừ ra răng. Tui xin anh Lực thằng ni đó, rứa là tui mãn nguyện. Thằng Việt Trung nhìn thấy cha đẻ hắn, rứa là mẹ con tui vui rồi. Mai mốt mẹ con tui vô trong nớ, có chuyện chi mô…”. “Kìa Hương. Anh đâu biết điều em muốn lại thành sự thật. Anh có lỗi!”. Lực nhớ lại. Sau cái đêm tiểu đoàn tên lửa của anh bắn rơi B52 ở Quảng Bình, liên tiếp hai đợt B52 rải bom trúng trận địa, anh đi nhận khí tài trở về thì tiểu đoàn đã bị xoá sổ. Một đơn vị bộ binh cùng chị em dân quân địa phương kết hợp khắc phục hiện trường, thu lượm tử thi. Đêm miền Trung, bầu trời căng mọng như muốn nổ tung, cảnh vật hoang tàn nghi ngút. Hương, cô tiểu đội trưởng dân quân luôn miệng: “Đồng đội của miềng đó, mần răng mà mấy anh run rứa. Lính mới hỉ? - Miệng nói tay cô thận trọng gỡ từng mảng tử thi còn dính bết vào thân cây cháy sém…”. Gần sáng Hương kéo Lực về một căn hầm, cô chăm sóc anh rồi hỏi anh đủ thứ chuyện, cô kể về mình, về những người ruột thịt, những người làng xóm của cô đã hy sinh, đã bị bom Mỹ sát hại. Bất giác cô khóc, nước mắt ướt đẫm vai áo Lực, Hương thổn thức: “Em muốn có con… Hãy cho em điều nớ đi anh. Chiến tranh rồi sẽ ra răng?”. “Anh sợ em khổ thôi”. “Anh nói chi lạ rứa. Khổ thì không được sinh con đẻ cái chắc? Rứa thì dân tộc miềng ra răng hỉ? Anh nói đi. Anh sợ điều chi? Khi mô hết chiến tranh mẹ con em sẽ tìm về quê anh. Hỉ?”. Chuyện đã qua lâu rồi, Lực đâu biết hạt mầm anh gieo trên miền cát trắng mãnh liệt và hồn hậu ấy đã nảy mầm. Lực bỗng thấy thương hại người con gái gốc thành thị chuyên đẩy xe hàng mậu dịch đến trận địa phòng không bây giờ là vợ anh. Từ khi biết mình vô sinh chị trầm tư, như cái cây héo lá, chị mơ hồ một ngày kia Lực sẽ chia tay chị. Từ ngày Lực ra quân, nỗi lo sợ trong lòng chị càng phồng lên, giờ đây chắc sẽ bục vỡ. Chị hình dung ra hàng trăm tình huống tựa như người ta đã sắp đặt trước. Trong tâm trí chị căng ắp nỗi ngờ vực, cộng thêm sự dị biệt tiềm thức giữa hai người nên đã hình thành vết rạn nứt, đến hồi đứt gãy không gì cứu vãn nổi. Lực cảm thấy buồn tẻ, có lần anh đã phải thốt lên với Điền rằng: “Sai lầm lớn nhất của tao là gốc nhà quê mà lấy vợ gốc thành thị”. Chỉ một lần duy nhất người con gái chính hãng thành thị này về thăm quê chồng, chị sợ mọi thứ: “Cái hố xí nhà quê tởm lắm không thể đi được, cầu ao nhà anh thì ai dám tắm, gian buồng hở hoác, thay quần áo cũng không ổn… Mông muội như thế làm sao em chịu được” - Lần ấy chị nói với Lực như vậy…
Đường phố Hà Nội vàng kạch, ánh sáng toả ra từ những quả bóng đèn sợi tóc lập loè ngái ngủ. Lực cùng hai người đàn bà đưa bé Việt Trung lặng lẽ bước sau cái bóng xiêu vẹo của Điền, đôi nạng gỗ lại lục khục dẫn họ ra ga tàu trở về làng Sồi.
Sau nhiều đêm ngồi tựa lưng vào người em trai nghe những câu chuyện đời tựa như tiểu thuyết, Lực quyết định theo một chuyến tàu hàng trở lại Quảng Bình nơi gió Lào cát trắng, nơi một thời bị bom đạn huỷ diệt vẫn bật lên những khóm xương rồng gan góc tươi xanh, ở đó Hương đã gồng mình hun đúc giọt máu của anh nên người…
* * *
Sau mấy chục năm hoà bình làng Sồi giầu có ngút trời. Đại gia làng Sồi mọc lên như nấm, bọn đàn ông trốn trong chum vại, trong xó chuồng trâu ngày xưa bây giờ bỗng trở thành những đại gia. Làng hao hao phố, nhà tầng úp mặt vào nhau, ruộng vườn nháo nhào thành xưởng, thành bãi gỗ, đường nhựa, bê tông lộ cộ, cổng làng to vật vã, hai bên đường đoạn qua cổng làng quán xá trưng biển sát sàn sạt, ngày đêm ầm ĩ. Công lao của các đại gia đấy. Lão Cồ trốn trong chum dạo trước, bây giờ vươn tận sang Lào, gỗ bên Lào về chất cao như núi. Nghe đâu lão buôn lậu, trốn thuế cực lớn, bị bắt, tưởng là tù mọt gông, cuối cùng cũng trót lọt. Bọn lão Hách, lão Tam trốn vào rừng, trên gác chuồng trâu, bây giờ đổ sang buôn đất, thầu nọ thầu kia, bốc tiền như bỡn. Lão nào cũng hai ba vợ, con các lão sớm ăn chơi, nghiện ngập, sa đà... Thỉnh thoảng lại thấy các lão toá hoả dẹp loạn... Mà thôi, các lão giầu có, sống xả đời thì mặc các lão. Nhưng mà làng Sồi cứ nơm nớp cơ hồ như sắp có biến? Cánh xã bây giờ muốn làm gì cũng phải dựa cả vào các lão. Các lão nháy nhau: “Bơm tiền đúng chỗ là thông tuốt. Bậu sậu làng xã, thỉnh thoảng búng cho một tí là sướng rơn…”. Kỳ bầu bán nào mấy tay ở xã chẳng cầu cạnh đại gia: “Cho em sang chỗ này, cho em lên chỗ kia…”. Chỉ cần một cái búng tay “Ok!” là chắc đe. Hồi ấy Phú định nghe anh Điền tham gia công tác xã, giá mà tham gia thì bây giờ Phú ngồi ở đâu, thời thế thế kia thì xoay xở thế nào nhỉ? Phú trở vào miền Nam, nơi anh đã gieo mầm, định đón hai mẹ con về làng Sồi, nhưng gia cảnh nhà anh như thế thì đưa về sao đặng.
Tết năm nay làng Sồi mở hội nghị to lắm, cán bộ xã xuống vinh danh các doanh nhân thành đạt. Vợ chồng Lực, vợ chồng Phú về cả, họ bước theo Điền, đôi nạng gỗ lục khục đưa họ ra đình làng. Nhìn lên lễ đài bọn lão Cồ, lão Hách, lão Tam… đầu tóc bóng lộn, com-lê, cà vạt bảnh choẹ, trên ngực áo đính bông hoa to như cái bát ăn cơm. Sau một hồi trưởng thôn phùng mang trợn mắt xướng tên quan khách, quan khách được xướng tên đứng lên trịnh trọng chắp tay trước ngực vái lên vái xuống, quay trái quay phải, những hồi trống… tù… rùng… át cả tiếng vỗ tay. Giọng Chủ tịch xã đọc diễn văn nhấn nhá bổng trầm: “… Chúng ta được như ngày hôm nay, công lao to lớn thuộc về các doanh nhân thành đạt của làng… Hậu sinh làng Sồi quả là khả uý đúng không ạ… Đề nghị vỗ tay!”. Điền căng hết các cơ, vết sẹo giật giật càng làm cho một bên mặt xếch dài, anh lừ mắt sang Lực và Phú rồi giặng hắng đứng dậy. Họ cùng nhau bỏ về. Điền tựa lưng vào cột nhà, trên chiếc ghế đẩu, mắt đăm đăm nhìn ra cửa, ra cánh đồng, đến tận chân trời… Đã mấy năm rồi thằng Chiến Thắng, thằng Hoà Bình không được về ăn tết, hai đứa cùng là bộ đội Biên phòng, lấy vợ sinh con ở cả biên giới phía Bắc. Con đường chúng lựa chọn thật nhẹ nhàng. Nơi đó không ai móc mói vào lý lịch của chúng cả, chúng bảo: “Nghe lời mẹ Phong, mẹ Lan, chúng con sẽ sinh con sinh cháu thật nhiều để trải dọc biên cương…”. Thằng Việt Trung, thằng Vinh, thằng Dự, thằng Tự, thằng Hào, những đứa con của Lực và Phú đều là lính hải quân và lính đảo Trường Sa. Tất cả con cháu dòng họ này sẽ trụ lại đảo, trụ lại biên cương để sinh sôi nảy nở, hiên ngang giữa biển trời sông núi, làng Sồi sẽ được vang danh, những đứa con của làng Sồi sẽ đi vào huyền thoại… Dòng suy tưởng cứ dào dạt chảy. Giá như hồi ấy không bị thương thì bây giờ Điền sẽ là gì nhỉ. Tá hay tướng? Nếu về làm cán bộ dân sự thì lên đến cỡ nào nhỉ? Mà tại sao anh em nhà Điền lại toàn rơi vào hoàn cảnh trớ trêu. Tại sao ông trời lại phũ phàng bất công đến vậy? Đang trong dòng suy tưởng thì một đoàn người đến nhà mời Điền ra Hội nghị để họ trao quà từ thiện. Điền đang nhẹ tênh bỗng trào phát, bao ẩn ức trong lòng bật trỗi dậy. Vết sẹo dài lại giật giật, từ miệng Điền bật ra từng tiếng: “Ừm… Cám ơn các người. Các người đừng giả nhân giả nghĩa được không. Làng Sồi ngày xưa hèn là bởi các người, bây giờ làng Sồi sắp loạn cũng tại các người. Mạt vận. Mạt vận! Các người định dùng tiền để khoả lấp chăng? Thật là bất hiếu với tổ tông, với làng với nước… Các người biết không?...”.
Đêm trừ tịch. Cả làng Sồi sáng rực những mâm cúng ngoài trời, những bài cúng xua đuổi tà ma, gột tẩy năm cũ đặng đón về một năm mới an khang. Cái thời khắc giao hoà sao mà thấp thỏm. Điền chắp tay, giọng trầm trầm: “Ừm… Thay mặt cho gia tộc cầu giời khấn phật, cung thỉnh Tổ tiên phù hộ độ trì cho con cháu nơi hải đảo, biên cương mạnh giỏi, công tác tiến bộ, thành đạt để vinh dự với làng với nước. Cầu cho dâu, cháu nơi xa mạnh khoẻ bình an, luôn hướng về làng Sồi sum họp…”. Khấn xong, Điền chống nạng lục khục ra sân cùng với mọi người. Vàng mã cháy ngút trời. Âm dương giao hòa… Làng Sồi sắp bước sang một năm mới.
Đ.N.L
(Nguồn VNNB 235/ 2-2020)