Truyện ngắn của THANH THẢN
Mỗi lần nhớ đến cô con gái của mình, bà Mấn lại lò dò bước đến trước khung ảnh treo trên tường chằm chằm nhìn tấm ảnh nó. Bà đứng rất lâu, hết nheo nheo mắt lại nghiêng nghiêng đầu ngắm con. Nó đấy! Nó là đứa con gái duy nhất của bà đấy! Hồi bé nó đã rất xinh xắn, nết na. Lớn lên nó càng xinh để ối chàng trai làng phải đêm mơ ngày tưởng...
Vậy mà nó đã biền biệt hơn bốn mươi năm nay rồi. Nó chưa một lần về thăm bố mẹ, thăm anh em bà con làng xóm. Một dòng thư cũng không. Từ ngày vợ chồng con cái nó đi chẳng ai biết nó ở đâu, giờ thế nào rồi. Chắc nó cũng đã có cháu nội, cháu ngoại rồi cũng nên. Vậy là bà cũng chẳng được biết mặt cháu chắt của bà. Từ ngày ông mất, bà lại càng hay nghĩ về nó, nhớ về nó.
Những lúc ấy nước mắt bà lại túa ra. Nó làm cho bà nhìn ảnh con chỉ thấy nhòe nhoẹt, chẳng rõ hình rõ nét nữa.
Cũng khổ cho bà, có hai anh con trai, thì một đứa công tác ở Hà Nội, một đứa ở mãi miền trong. Một năm vợ chồng con cái chúng cũng chỉ về thăm bà được mấy lần vào những dịp lễ tết, thanh minh. Đến những ngày giỗ ông, giỗ bố, chúng cũng bảo chúng làm giỗ ở nhà mình, không về được, thành ra giỗ chạp bà cũng chỉ hương hoa lấy lệ vậy. Thỉnh thoảng chúng cũng gửi tiền về chăm sóc bà. Nhưng bà có cần vậy đâu. Bà cầm những đồng tiền của chúng sao mà thấy nhẹ tênh. Bà chỉ mong vợ chồng con cái chúng về quây quần đủ mặt cho vui. Thấy nhiều gia đình anh em, làng xóm con cháu đầy cửa đầy nhà, sớm chiều đông vui mà bà quặn thắt từng khúc ruột. Nhà bà thì quanh năm vắng vẻ, lạnh lùng, một bóng bà lẻ loi cô quạnh. Chỉ những lúc ốm đau anh em bà con lối xóm đến thăm hỏi mới lại có tiếng bước chân, tiếng nói cười...
Nghĩ, bà lại chỉ thương nó. Người xưa nói chẳng sai: “Có con mà gả chồng gần/ Có bát canh cần nó cũng mang cho”. Những khi tuổi cao, sức yếu ở gần, nó cũng thường xuyên lui tới chăm sóc, thuốc thang. Sinh con gái chỉ mong những lúc ấy. Bà lại nấc nghẹn. Nước mắt bà lại lã chã tuôn rơi. Bây giờ bà mới nhận ra cái lỗi của mình.
Ngày ấy hơn bốn mươi năm rồi... Thương - tên cô con gái của bà, dạy học ở huyện nhà, cách quê chừng mươi cấy số. Lần đầu Thương đưa một anh bạn cùng trường về nhà chơi. Ông bà quý khách lắm, liền bắt con gà đang đẻ lứa đầu ra làm thịt đãi khách ngay. Nhưng khi biết hai đứa đã có tình ý với nhau thì bà bực lắm. Bạn Thương ra về, bà liền chỉ mặt con bảo:
- Mày... mày biết rồi đấy... Chỉ vì thương mày... Lo cho tương lai hạnh phúc của mày mà tao với bố mày đã hứa với ông bà thông gia từ lúc chúng mày còn bé là sẽ cho chúng mày nên vợ nên chồng. Ông bà ấy lại đã cho chị cả nó làm chị dâu mày... Hòn đất ném đi, hòn chì ném lại... còn gì hơn nữa. Nhà mình với nhà ông bà ấy lại cũng thật môn đăng, hộ đối... Cậu ta lại cũng thật khôi ngô tuấn tú, lại đang học đại học gì đó trên Hà Nội... tương lai đã như vầng dương hé rạng... Thế mà mày lại định làm bạn với một ông giáo quèn. Người thì thấp bé, nhẹ cân... thế mà mày bảo nó dạy học giỏi lắm, lại còn giỏi cả văn thơ, kẻ vẽ nữa... tao thì tao chỉ thấy đó là loại hãm tài. Ngữ ấy thì mọt đời cũng chỉ là một người "bán cháo phổi" thôi... tương lai gì...
Có lúc bà nguôi ngoai, Thương cũng thành thật nói những cái hay về bạn mình cho bà nghe, nhưng bà vẫn bỏ ngoài tai. Có lúc bà còn "cả vú lấp miệng con" mắng Thương té tát đi.
Mối tình đầu ấy của Thương không thành.
Lần sau, Thương lại đưa một anh bộ đội trẻ về chơi. Một anh bộ đội của đơn vị về gặt lúa giúp dân, đã mấy lần ra giao lưu văn nghệ với nhà trường. Thương đã quen và rất hiểu anh... Thương biết anh ấy vậy mà giỏi lắm. Nào là xạ thủ nổi tiếng của trung đoàn, lần nào hội thi bắn cũng đạt 30 điểm... Nào là một chỉ huy giỏi, phong trào nào đại đội anh cũng dẫn đầu toàn tiểu đoàn, trung đoàn... Trẻ vậy mà đã là đại đội trưởng. Lại là người rất tốt bụng nữa... Thế mà bà vẫn bĩu môi: "Tao chỉ thấy nó cao lêu đêu... con nhà lính mà chả có tướng võ tý nào... Người thì có "nước da cơ bản", chả ưa nhìn chút nào... Ngữ ấy suốt đời cũng chỉ là anh võ biền thôi...
Anh bộ đội có lòng tự trọng cao. Biết bà chê như vậy nên anh cũng chỉ dừng lại ở quan hệ tình bạn với Thương thôi.
Năm sau Thương lại đưa về một người bạn trai đang làm cán bộ huyện, trước cùng học cấp ba với nhau. Anh này khôi ngô, tầm thước, có học và quê cũng gần... Lần này Thương chắc chắn tin là bố mẹ sẽ "gật sái cổ". Thế mà bà vẫn lắc đầu bảo "Trông tướng nó có vẻ đào hoa. Loại này không sắt son chung tình đâu...". Bà đã thế, lại được ông chú sang chơi thấy, bảo nhỏ với bà "Thằng này trông giống cái thằng đi đắp đê với con Hai nhà tôi. Một lần hắn về bảo nhà gửi cho con Hai yến gạo với ít tiền... mà rồi nó cuỗm mất, không đưa cho con Hai...". Ý ông chú bảo đó là loại người lừa lọc. Thương chán ngán không để đâu cho hết. Thấp thì chê là lùn, cao thì chê là lêu đêu, đẹp trai thì lại chê là loại không chung tình, loại lừa lọc... Chả biết thế nào mới vừa ý các cụ. Bạn bè thì chúng đều đã yên bề gia thất cả rồi. Nhìn cái cảnh mẹ con chúng quấn quýt mà Thương thấy ngán ngẩm cho duyên phận của mình. Chấp nhận theo ý bố mẹ xếp đặt thì Thương không muốn. Cái anh chàng ấy tuy có điển trai, phong độ, có học... nhưng Thương vẫn thấy anh ta kiêu kiêu thế nào ấy. Những dịp tết nhất về gặp nhau, anh ta cứ lạnh lùng với Thương. Không có tình yêu thì làm sao sống với nhau được. Hình như anh ta còn mơ tưởng "dáng kiều thơm" ở đâu đâu ấy...
Rồi cũng còn mấy đám bạn bè cùng trang lứa muốn tìm hiểu Thương, nhưng thấy bố mẹ Thương khắt khe thế thì họ lại cũng lảng ra cả... Thương đâm lo... Lúc thì ngoảnh bên nào cũng có người "quan tâm", giờ thì chẳng mấy chàng gần gũi nữa. Bị hẫng hụt, Thương đâm hoảng, không khéo thì mà khó khăn... Tuổi xuân có thì, con gái càng có tuổi càng khó. “Còn duyên kén cá chọn canh/ Hết duyên ếch đực cua kềnh cũng vơ”... Mà nào Thương có kén cá chọn canh đâu. Ấy là do bố mẹ, đám nào cũng chê, cũng ngăn cản. Ngày xưa đã xưa rồi, cái tục lệ "Cha mẹ đặt đâu, con ngồi đấy" đã qua lâu rồi, mà sao bố mẹ vẫn cổ hủ như vậy. Thời đại mới rồi mà Thương đâu có được một chút quyền định đoạt cho tương lai, hạnh phúc của mình...
Thương đâm chán nản. Nhiều lúc soi gương, Thương đã thấy cứ mỗi năm một khác. Nghe câu "Trai ba mươi tuổi đang xoan/ Gái ba mươi tuổi đã toan về già"... mà Thương thấy giật mình.
Đến lần thứ tư, Thương gặp một anh cán bộ miền Nam tập kết. Thương quen anh do một lần đang đạp xe thì xe bị làm sao ấy, đạp bánh xe cứ quay tít không lăn đi được. Giữa lúc ấy thì có một anh cán bộ đạp xe đến nơi. Anh dừng và xuống xe, nhẹ nhàng hỏi Thương. Anh cúi xuống xem xe của Thương thì biết ngay chiếc xe bị "tuột râu tôm". Anh dắt xe đến một quán sửa gần đấy, nhưng ông chủ đi vắng, anh phải mượn bà chủ hàng dụng cụ rồi trực tiếp sửa chữa xe cho Thương, chẳng ngại chân tay dầu mỡ nhem nhuốc... Chả mấy chốc chiếc xe được sửa xong. Hỏi thăm, Thương mới biết anh đang là một cán bộ của Ty Văn hóa, hiện ở phòng Văn nghệ. Anh là một học sinh "Trường miền Nam". Anh rất có năng khiếu làm thơ, viết văn, viết báo. Học xong đại học Tổng hợp Văn anh được về công tác ở Ty Văn hóa tỉnh. Rồi anh cũng biết Thương là một cô giáo dạy văn ở trường nọ trong huyện.
Từ đấy anh luôn mang sách hay về cho Thương đọc. Trong đó có khá nhiều tác phẩm nổi tiếng thế giới Thương đang muốn đọc mà tìm chưa được... Thương rất ham đọc sách. Khi còn là học sinh phổ thông, Thương đã nhiều lần đạt học sinh giỏi cấp huyện, cấp tỉnh. Do đó Thương rất quý anh.
Khi biết hoàn cảnh gia đình anh, Thương lại càng thấy quý anh hơn, thương anh hơn. Anh tên là Huỳnh Hoài Nam, hơn Thương ba tuổi, quê mãi tỉnh Long An. Bố anh là một chiến sỹ Cộng sản của Xứ ủy Nam kỳ rất nổi tiếng, bị địch bắt và đày ra Côn Đảo rồi bị chúng giết chết ở đó. Mẹ anh cũng là một người anh dũng chống lại sự đàn áp của chế độ Mỹ Diệm. Bà bị chúng bắn chết trong một lần đi đầu biểu tình chống địch càn bố vào làng. Anh còn có hai chị gái hoạt động bí mật trong lòng địch. Khi bị lộ, hai chị được tổ chức đưa ra hoạt động ở lực lượng bộ đội Miền. Anh cũng thực thà cho Thương biết, khi ra Bắc học tập và công tác đã có một số người muốn kết duyên với anh nhưng chỉ ngại ngần quê anh xa xôi quá, thực hư chưa biết ra sao. Riêng Thương thì Thương tin anh... Thương cũng chả ngại xa xôi... Rồi sẽ đến ngày đất nước thống nhất, Bắc Nam thông thương, đi lại có khó khăn gì... Đã là tình yêu thì "Tam, tứ núi cũng trèo, thất, bát sông cũng lội, cửu thập đèo cũng qua"… sợ gì... Thế là hai anh chị hứa hẹn với nhau, quyết tâm son sắt xây dựng hạnh phúc một đời.
Khi biết tin, mẹ anh lại được một dịp nổi đóa. Bà nói rằng bà coi Thương như giọt máu rơi, rằng nó là một đứa con hư hỏng... Bà không muốn nhìn mặt nó nữa...
Tuy vậy Thương vẫn bàn với anh Nam về báo cáo và xin phép mẹ. Nam bảo nhỡ mẹ vẫn không đồng ý thì sao. Thương kiên quyết "Nếu như thế thì ta sẽ nói... là đã trót lỡ rồi... Em đã có thai ba tháng rồi... Thì chắc chắn mẹ và anh em bà con không đồng ý không được". Nam bảo "Đừng dọa thế... ta cứ đàng hoàng...". Nhưng hôm anh chị dẫn nhau về thì bà liền khóa trái cổng không cho vào. Hai người ngồi chờ hết cả buổi sáng rồi đành quay gót....
Sau đó hai người đến xã xin đăng ký và nhờ nhà trường đứng ra lo liệu tổ chức. Hôm đám cưới rất vui, lãnh đạo và cán bộ Ty Văn hóa về dự khá đông, nhưng ai cũng chỉ ngậm ngùi một nỗi là bên nhà gái không có một ai đến dự (Thương biết ông chú cấm không cho ai đi).
Không bao lâu thì miền Nam hoàn toàn giải phóng, hai vợ chồng dắt nhau về quê trong đó. Hôm đi, hai vợ chồng cũng lại về xin lỗi, xin phép mẹ để đi thì cũng lại bị bà khóa cổng suốt ngày không vào được.
Về quê, Nam được về công tác tại Ty Văn hóa tỉnh mình và Thương tiếp tục được dạy học ở xã quê anh...
* * *
Sau này bà cũng được nghe nói mấy cái anh chàng Thương đưa về nhà ngày ấy đều rất trưởng thành. Anh chàng bà bảo là loại hãm tài, suốt đời cũng chỉ là người "bán cháo phổi" thì làm đến Trưởng ty Giáo dục (Ngày xưa gọi là quan Đốc học ấy - to lắm chứ). Anh bộ đội bà chê là "có nước da cơ bản", là "võ biền" tức là đen đúa, sạm nắng gió, bất tài... thì làm đến Trung đoàn trưởng, cũng có kém cạnh gì. Còn cái anh cán bộ huyện bà bảo loại "đào hoa, không chung tình" thì cũng làm đến Chủ tịch huyện đấy... Nghĩ cũng tiếc, giá nó lấy một trong ba người ấy thì giờ cũng đã là vợ quan, sung sướng biết bao nhiêu không... Riêng cái anh chàng con ông bà thông gia ông bà cứ ép con lấy, thì đến tội. Ra làm việc anh ta mắc vào tội tham ô, tham nhũng, bồ bịch lăng nhăng bị kỷ luật, nay vợ con chả bỏ, suốt ngày chỉ đi chăn vịt ngoài đồng, người gầy rạc, đen như cái hét... Cũng hú vía, nó không lấy phải ông chồng như vậy... Tiếc những anh kia tiến bộ (và may không lấy phải cái anh bố mẹ ép ấy) bao nhiêu bà lại càng suy nghĩ tự dằn vặt mình bấy nhiêu....
Chính vì thế, bây giờ càng thương con, bà càng thấy cái lỗi của mình. Bà chỉ mong dù gặp lại nó một lần để mà xin lỗi nó... mong nó bỏ qua cái tăm tối một thời của bà... Ở đời chắc không ít bà mẹ như vậy. Chỉ tiếc rằng nhiều người mất sớm nên không thấy được tương lai của con cái ra sao để mà biết cái kết quả hay hậu quả của việc mình làm... Chả biết nó có hiểu cho lòng mẹ không...
Đến lần này không biết là lần thứ bao nhiêu bà đứng dưới ảnh nó mà sụt sùi, mà dằn vặt mình... như thế. Nhưng mọi chuyện đã muộn. Bà đã già, sống được mấy nỗi nữa, bây giờ bà chỉ còn mong được một lần vợ chồng, con cháu nó về thăm bà để bà được gặp con, gặp cháu ngoại của bà thì nhắm mắt xuôi tay bà mới yên lòng... Vậy mà nó vẫn cứ biền biệt mãi.
Bà đang như người mê man với những suy nghĩ mông lung, chẳng đâu vào đâu như vậy thì bỗng nghe ngoài ngõ có tiếng người cười nói vui vẻ. Bà chân đất bình bịch chạy ra. Bà khum tay che mắt nhìn thì thấy từ đằng xa có một đôi anh chị dắt một đứa bé gái chừng hơn mười tuổi đang đứng chuyện trò với mấy người ở xóm. Bà liền nhào đến. Vừa chạy bà vừa reo lên:
- Ôi... ôi... đúng là vợ chồng con Thương nhà tôi về đây rồi... Vừa mong đến nó thì nó về... đến là thiêng...
Đến nơi bà liền chộp lấy tay người phụ nữ trẻ rồi ngắm, rồi nghía, rồi vuốt vai, vuốt tóc, miệng vẫn reo vui:
- Đúng là con Thương đây rồi... tuy có khác đi nhiều... Chồng mày đây hả, cháu ngoại của bà đây hả?... Sao vợ chồng mày bây giờ mới về thăm mẹ... Con ơi là con ơi... Mẹ tưởng là chúng bay còn giận mẹ mà quên phắt cái làng, cái xóm này rồi... Thôi về nhà đi con... Cổng nhà... mẹ đã mở rồi...
Bà sụt sịt khóc, đôi mắt già kèm nhèm lại dàn dụa tuôn rơi...
Hai vợ chồng nhà nọ thì cứ đứng ngây, không hiểu là chuyện gì. Bé cháu gái cũng chẳng biết làm sao. Rồi thấy bà cứ chu chéo thế thì nó tỏ ra sợ sệt cứ ôm chặt lấy thắt lưng mẹ...
Mọi người nhìn bà chỉ khẽ thở dài, lắc đầu. Mãi sau thấy bà cứ một mực lôi kéo hai vợ chồng nọ mãi mới có một bà cụ thành thật bước đến cầm tay bà nói:
- Đây là vợ chồng cô Thắm, con ông Thiết xóm dưới đấy chứ... có phải là vợ chồng cái Thương nhà bà về đâu!...
Thế mà bà chẳng nghe. Bà giơ tay áo quệt nước mắt và vẫn túm chặt tay vợ chồng ấy kéo về nhà mình. Và bà vẫn cười vui như thể đã được gặp lại con cháu...
Ninh Bình, 8/2022
(Nguồn: TC VNNB 275+276 tháng 1/2023)