Chủ nhật, 27/04/2025

Thơ - đạo và bếp ga

Thứ năm, 20/03/2025

Truyện ngắn của TRẦN DUY ĐỚI

 

Nghỉ hưu đã gần ba mươi năm, ông Thật vẫn giữ cái nếp: Chủ nhật đến thăm ông Nhuận. Ngoài việc cùng công tác một cơ quan, hai người còn là bạn thơ phú, thích đàm đạo văn chương thế sự.

Đập ba toong vào cánh cổng, ông Thật lên tiếng:

- Thi hữu ngủ đã dậy chưa đây?

Có bạn hữu đến nhà

Chó thì xích lại

Rượu thì bầy ra

Cười với nhau cho thỏa

Ha… ha… ha…

- Có đây… có ngay đây - ông Nhuận đáp lời. Hôm nay bà xã vắng nhà, đang mong có bạn mà chia sẻ. Ông Nhuận dắt tay ông Thật lên thềm, vừa đi vừa nói: Một mình ở nhà buồn nhưng được cái  thoải mái (độc lập, tự do mà). Chuẩn bị hậu cần cho bữa trưa - cứ làm đi - xong rồi, xong rồi. Bếp ga, nồi áp suất thời đại bốn chấm không, cái gì cũng tiện.

Rồi cuộc vui bắt đầu, ông Nhuận vào đề:

- Nào! Ta chạm ly, trước khi thơ cất cánh (thi - tửu tương liên) ông đọc trước đi, mới cũ gì cũng được. Ngâm nga càng tốt.

Khách đặt ly xuống rồi lắc đầu:

- Chưa có sáng tác mới đâu, hôm nay dành cho chất vấn. Nghe ông nói chuyện làm thơ ở câu lạc bộ mà đã tai quá. Về nhà ngẫm nghĩ, đầu óc cũng mở mang ra được nhiều điều. Nhớ lõm bõm là trong thơ có tình, có cảnh và… có gì nữa ấy nhỉ?

- Có (sự). Sự là chuyện trong thơ đấy. Thời Ngô Thì Nhậm cũng đã quan niệm thế rồi. Quan tướng ngày xưa giàu văn hóa lắm.

Ông Thật gật gù tâm đắc. Có vậy mà nhớ mãi không ra. Trong thơ có nhạc, có họa thì nghe nói lâu rồi, nhưng có “sự” thì mới lần đầu. Đọc thơ đã vui nhưng nghe phân tích, tìm hiểu thơ còn thú vị hơn nhiều. Thi hữu còn dư vốn liếng san sẻ bớt cho bạn bè đi.

- Còn thì… còn nhưng là thi pháp cũ kỹ. Thơ hiện đại nó lạ lắm, viết dài như văn xuôi, trúc trắc như thơ dịch, không vần, chẳng nhịp điệu. Làm thơ mà kén người nghe, không phải để cho công chúng đọc. E các cụ theo trào lưu tân tiến, nên chỉ nói sơ sơ thôi. Hà… hà… Dòng thơ truyền thống của ta còn có cả “Đạo” nữa đấy, ông đã nghe nói bao giờ chưa?

Ông Thật lắc lư cái đầu hói, chỉ còn một vầng tóc bạc vòng ra phía sau. “Đạo” thì ông nghe nhiều: Đạo Phật, đạo làm con, đạo Nho, đạo Lão… trong tín ngưỡng lễ nghi người ta nói nhiều lắm, nhưng trong thơ cũng có “Đạo” thì lần đầu mới nghe ông bạn này nói. Tiện thể phải hỏi cho đến nơi.

- “Đạo” trong thơ là thế nào? Giảng giải rõ hơn một chút có được không?

- Tôi cũng như ông thôi, muốn hiểu ngọn ngành phải hỏi các thày giáo dạy văn, các nhà biên tập, nghiên cứu. Còn ta thì chỉ hiểu vắn tắt nôm na. Đạo đức xã hội được vận dụng vào trong việc sáng tác thơ, nghĩa là người làm thơ phải có đức độ, tôn trọng những chuẩn mực đạo đức xã hội, phép tắc cuộc sống, tôn vinh cái đẹp, xa lánh cái ác, cái xấu… Cố nhiên phải diễn tả bằng ngôn ngữ và thi pháp thơ. Trong thi cử của thời phong kiến, húy kỵ của nhà vua được quy định nghiêm ngặt lắm, chỉ phạm húy một chữ là đánh hỏng ngay. Chính Cao Bá Quát đã vận dụng yếu tố “Đạo” trong thơ văn để chữa thơ của vua. Ông đã nghe giai thoại ấy chưa?

- Lại thế nữa cơ à? - Ông Thật sốt sắng hỏi. Sự thể làm sao, kể tóm tắt đi, tò mò quá!

- Chuyện là thế này: Tự Đức là ông vua uyên bác, sính văn chương. Một hôm khoe với quần thần: Ta nằm mơ được đôi câu đối: “Thần khả bảo quân ân/ Tử năng thừa phụ nghiệp” (Thần phải báo ân vua/ Con phải kế nghiệp cha).

Câu đối được treo ở Điện Cần Chánh. Quan lại trong triều tấp nập tới thưởng lãm, hết lời sùng kính là thần bút thi tiên… Chu Mãi Thần (tên chữ của Cao Bá Quát) nhìn đôi câu đối thì cười thầm, rồi lấy bút làm cái việc tày trời là chua thêm vào bên cạnh mấy chữ: “Hề  hảo… hề hảo/ Quân, thần, phụ tử điên đảo” (Hay nhỉ, đạo vua tôi, cha con đảo lộn hết cả!).

Biết Cao Bá Quát là người hay chữ nhưng cương trực, vua hỏi trước khi có ý định trị tội:

- Theo ý thần, nên sửa hai vế đối ấy thế nào?

Cao Bá Quát thản nhiên thưa:

- Tâu bệ hạ! Câu đối rất chỉnh về niêm luật, nhưng chưa hợp đạo cương thường. Bề tôi không được đặt trên vua, con không thể đứng trước cha. Thần xin phép được đảo lại đôi chữ cho đúng lễ nghi của triều đình.

Nói đoạn, Cao Bá Quát cầm bút viết lại: “Quân ân thần khả báo/ Phụ nghiệp tử năng thừa”.

Thế là vua (quân) ở trên thần, cha (phụ) ở trên con, đúng tôn ti trật tự. Câu đối rất chắc tay mà không phải thêm bớt gì. Quần thần nín thở chờ đợi… rồi vỡ òa. Vừa tránh được cái án xử trảm. Vua miễn cưỡng gật đầu nhưng trong lòng không khỏi tị hiềm ấm ức. Cao Bá Quát chỉ dựa vào chữ “Đạo” trong thơ để bóc mẽ bọn quan thần xu nịnh và ông vua quá tự mãn, chứ không có ý khoe tài mẫn tiệp thi ca.

Khách hể hả gật đầu tâm đắc, chủ càng thăng hoa nhập cuộc, chuyện thơ cứ nở như cơm vàng.

… Thời chống Mỹ, cứu nước, một nhà thơ danh tiếng của Trường Sơn có câu thơ về Đèo Ngang rất độc đáo, vậy mà bạn đọc vẫn có ý kiến.

- Còn nhớ không? Ông đọc thử nghe nào.

- Nhớ… nhớ, nó là thế này: “… Bao nhiêu người làm thơ về Đèo Ngang/ Mà không biết con đèo chạy dọc”.

Một phát hiện thật tinh tường, có “ngang” lại có “dọc” trước đó chưa ai đề cập.

- Vậy thì hà cớ gì người đọc còn có ý kiến?

- Thì vẫn là chữ “Đạo” trong thơ đấy. Qua Hoành Sơn Quan, một thắng cảnh sơn thủy hữu tình, tao nhân mạc khách, danh sỹ nào mà chả xúc cảm làm thơ “…Bước tới Đèo Ngang bóng xế tà…”. Người học trò nào chả thuộc lòng câu thơ ấy của Bà Huyện Thanh Quan. Vậy mà không ai phát hiện được hướng chạy của con đèo, phải đến nhà thơ hậu thế mới nhận ra.

- Thế thì có gì phải bận tâm?

- Những người tôn kính chữ “Đạo” trong thơ muốn tác giả chừng mực hơn, khiêm nhường hơn, nếu viết: “Bao nhiêu bài thơ về Đèo Ngang/ Mà con đèo vẫn ung dung chạy dọc”.

Ý thơ vừa chắc tay, vừa kín kẽ, không hề giảm đi sự thông minh sắc sảo của tác giả, người khó tính mấy cũng không thể phật lòng.

- Thú vị thật! Ông có nhiều giai thoại làng văn rất hay. Mỗi mẩu chuyện là một bài học súc tích. Thay chữ “ung dung” vừa nhân hóa, vừa khảng khái!

Được lời như cởi tấm lòng, hai bạn thơ đắm chìm vào không khí văn chương, người nghe càng cuốn hút, người nói càng  mở lòng.

Đến nhà thơ có tiếng viết về thi sỹ Nguyễn Bính hay thế mà vẫn có chỗ bạn đọc không vừa lòng nữa là.

- Chẳng có người sáng tác nào làm vừa lòng được mọi người yêu thơ cả. Những bài thơ hay thì tự nó khẳng định qua thời gian, khen, chê vẫn là chuyện thường tình.

- Nó là… vậy đấy. Nhưng công chúng có ý kiến xác đáng thì người viết phải biết lắng nghe. Khi viết thường mê đi trong mộng mị, nhưng qua thời gian phải biết tỉnh lại mà kiểm nghiệm trong ý thức.

Nguyễn Bính là nhà thơ của nhóm chân quê rất nổi tiếng trong trào lưu thơ mới. Là thi sỹ được nhiều thế hệ người yêu thơ thần tượng, là người đã làm nên cả một dòng thơ - dòng thơ Nguyễn Bính. Vậy mà câu thơ viết về ông lại hơi dễ dãi.

“Tiện đường ghé lại thăm ông

Nhỏ to khấn khứa mấy dòng vậy thôi

Thưa rằng cái dậu mồng tơi

Cũng không còn mấy quê tôi quê nàng”.

- Hay!... Hay đấy chứ, nghe mềm mại chất hương đồng gió nội, đọc tiếp đi xem nào.

- Hay thì hay rồi, bởi vậy mới được tuyển, nhưng có chỗ vẫn chưa yên lòng.

- Vì lẽ gì? Hay là lại chữ “Đạo” trong thơ?

- Vẫn là nó đấy. “Đạo” mà. Đến viếng mộ một nhà thơ danh tiếng mà viết là “tiện đường” rồi “ghé lại”“khấn khứa vậy thôi”… nghe nó cứ gờn gợn điều gì đấy. Vừa quá hồn nhiên, chưa được thành kính. Tác giả đâu có chủ ý đến viếng, bất chợt tiện đường thì ghé lại khấn khứa qua loa, vậy vậy thôi.!

Ông Thật thần người ra, thở dài, chừng như ngấm thêm cái chữ “Đạo” trong thơ mà ông Nhuận vừa chia sẻ.

- Vậy… nếu là ông thì khổ thơ ấy nên viết thế nào cho phải “Đạo”?

- Ừ nhỉ, không dễ đâu nhưng tôi cứ đọc để ông phản biện nhé?

“Hỏi đường tìm đến thăm ông

Nhỏ to thắp nén nhang lòng vậy thôi

Khấn rằng cái dậu mồng tơi

Đã thành dậu sắt quê tôi quê nàng.”

- Nghe có xuôi không?

- Không chỉ xuôi mà còn rất có “Đạo” nữa, phải thế chứ.

Hỏi đường mà tìm đến “thắp nén nhang lòng…” hay… hay. Trò còn nghèo xin lấy tấm lòng để kính viếng nhà thơ vậy thôi. Chữ “dậu sắt” hình như “chói tai” có từ nào mềm hơn được không?

Ông Nhuận tròn mắt nhìn ông Thật cười:

- Thi hữu này cũng kỹ tính thật, nhưng thi cảnh trong bài thơ này thì “dậu sắt” mới có ý tương phản. Thời Nguyễn Bính nhà anh nhà nàng chỉ cách dậu mồng tơi, gai mồng tơi thì có gì ngăn trở. Nhưng thời nhà nàng, nhà anh ngày nay đã ngăn trở bằng dậu sắt rồi, bền vững lắm, sắc nhọn lắm, không dễ gì mà đến với nhau được đâu.

- Chí lý, chí lý! Xem chừng ông cũng có tí năng khiếu biên tập đấy, nghe ổn rồi, có đạo mà rất thơ. Chữ “dậu sắt” vẫn chưa thú vị lắm.

- Cũng tếu táo với nhau cho vui. Thứ quan niệm cổ lỗ như tuổi mình thì thơ hiện đại không sài được. Bây giờ có nhiều bài thơ khá hay được giải thưởng cao nhưng thỉnh thoảng lại gặp những câu, những chữ thật sự là rất tiếc.

“Chị thản nhiên mối tình đầu

Thản nhiên em nhận bã trầu về têm”.

Ý thơ khúc triết, bạo liệt, khá hiện đại. Không thể nói là không hay. Còn có phần ảm ảnh nữa là khác. Nhưng rồi ngẫm nghĩ lại: Tình yêu, tình vợ chồng mà ví như một thứ “bã” thì có ổn không?? Câu thơ hay mà đẹp nữa thì càng quý bội phần.

“Cùng trong một tiếng tơ đồng

Người ngoài cười nụ người trong khóc thầm”

                          (Truyện Kiều - Nguyễn Du)

Ai dám nói câu thơ ấy không sâu sắc, không đẹp?

Chuyện đang vào lúc cao trào bỗng ông Thật nhăn mặt khịt mũi:

- Có mùi gì… khen khét ông ạ! Ai đốt nhựa ở đâu?

Cao hứng là thế, ông Nhuận bỗng bừng tỉnh, bật dậy như chiếc lò xo, lao vút đi. Khi quay lại, nét mặt khôi hài đến khó tả:

- Xong rồi cụ ạ!

- Xong cái gì?

- Xương hầm cho bữa trưa, tí nữa thì cháy cả nồi. May mà chưa đốt nhà! Bà xã về lại được câu “biểu dương” khéo: “Các cụ làm thơ gì mà tỏa hương thơm thế?”

Ông Thật còn cười to hơn:

- Không có cuộc vui nào không phải trả giá. Tình hình này đến lúc phải có vài cái Camera trong bếp để sinh hoạt thơ cho an toàn.

Cả hai cười phá lên sảng khoái…

                                                                   T.D.Đ

(Nguồn: TC VNNB số 301/1/2025) 

Bài viết khác