Thứ sáu, 04/10/2024

Thời của ba tôi

Thứ sáu, 02/11/2018

Truyện ngắn của ĐINH NGỌC LÂM

Ba tôi ngồi xem tivi, đầu gật liên hồi, tay thuận ông đang biểu đạt một vấn đề gì đó, ngón tay trỏ gõ vào không khí, đưa sang trái, sang phải giống như tay họa sĩ đang vẽ, thỉnh thoảng cả bàn tay xòe ra đàn sang hai bên, ra phía trước, khẽ chém gió rồi giơ lên như biểu thị một quyết tâm.

1

Mẹ tôi ngồi sau lưng bóp vai cho ông: “Ông ơi. Tôi nói khí không phải. Nghỉ lâu lắm rồi ông cố quên đi được không. Ngày trước ông làm lãnh đạo, việc của ông là gật đầu, lắc đầu, rồi chỉ tay. Nhưng… có phải cái gật đầu nào cũng đúng đâu, cả cái lắc đầu của ông nữa có phải cái nào cũng đúng đâu.”. Ba tôi gật gật quay sang mẹ: “Tôi biết chứ. Nhưng đây là chủ trương lớn, lớn lắm… Tập trung chống tham nhũng, làm trong sạch Đảng như ngày xưa là sống còn bà hiểu không?”. “Vâng tôi hiểu, nhưng mỗi thời một khác rồi ông ạ.”. “Bà bảo khác là khác thế nào? Ngày nào tivi cũng ra rả các vụ việc cán bộ, đảng viên tham nhũng, tiêu cực, làm giầu bất chính, cửa quyền ức hiếp nhân dân. Khủng khiếp đến như vậy mà không kinh không sợ là sao. Trong khi dân nhiều nơi còn đói, còn khổ…”. Mẹ tôi lặng lẽ nhìn ba, hai khóe mắt ngấn lệ, bà thương ông cả đời cứ đau đáu về những chuyện đời.  
Ở tuổi gần tám mươi, giá thiền tịnh được đầu óc chắc ba tôi còn khỏe và minh mẫn hơn người. Ông thường trầm tư, mất ngủ, có lẽ vì thế mà mắc chứng Parkinson. “Sao con không đi làm?”. “Hôm nay thứ bảy mà ba.”. “Ừ đấy. Ba lại lẫn rồi con ạ.”. Tôi là con gái út, còn nhỏ ba cưng tôi nhất, lúc nào ông cũng muốn tôi lớn lên phấn đấu để thành một chính trị gia. Ông bảo con bé này có bản lĩnh, có tâm, từ bé đã biết lo cho người khác. Học xong đại học tôi được vào làm việc trong một cơ quan nhà nước. Người ta nhìn tôi như con tướng cháu vua. Tôi thì ngược lại, hết sức giữ gìn chỉ sợ khinh suất sẽ ảnh hưởng đến uy tín của ba tôi. Dốc tâm làm việc, sống theo khuôn phép kỷ cương, rồi tôi được đề bạt lên phó trưởng phòng, cho đến khi ba tôi về hưu thì đóng đinh ở đó. Ba tôi đã nghỉ hưu lâu rồi mà lúc nào cũng cứ “Tại sao?”. Ông bảo: “Ba nghe lý luận bây giờ hiện đại quá, cao xa quá… Thế mà có lúc lại hết sức mâu thuẫn. Vừa phủ nhận việc đánh giá thấp dân trí mình, liền sau đó dẫn ra một câu chuyện người dân Việt Nam ra nước ngoài ngây ngô đến buồn cười, để thức ăn thừa bị phạt, rồi tính độc lập không bằng đứa trẻ con lên hai của nước ngoài. Tại sao thế?”. Tôi cười: “Ba hỏi con, con biết hỏi ai?”. Ông gượng cười theo: “Con mở cửa sổ ra, tắt quạt cho ba.”. Những tia nắng ùa vào cửa sổ, trên khung cửa sổ phòng của ba tôi, hai đầu dây điện dành cho máy điều hòa nhiệt độ vẫn còn bỏ lửng.

 

***
 

Cái hồi anh Thẩm tôi từ trại điều dưỡng thương binh về, hai ba con nằm trên một chiếc giường cá nhân bật quạt tai voi, khi anh ngủ rồi ba tôi tắt xoạch, dùng quạt nan cho đỡ tốn điện. Phòng ba tôi lúc nào cũng có vại cà nén và cái liễn to uỵch chuyên đựng su hào muối sổi do ông tự làm. Anh hỏi: “Sao đất nước mình khổ thế hả ba?”. “Tại chiến tranh con ạ.”. “Hết chiến tranh rồi phải tìm ra cách gì chứ ba.”. “Ừ. Tối nay con sang hội trường nghe thời sự thì rõ.”. Tối hôm đó anh sang hội trường cơ quan được ngồi hàng ghế đầu. Giọng cán bộ tuyên huấn oang oang: “… Không lâu nữa đâu, chúng ta sẽ khai thác mỏ dầu. Mỏ dầu của chúng ta là rốn dầu thế giới, hút lên đến đâu dầu lại dồn về đến đấy. Mỏ dầu Cô-oét so với ta chỉ như con muỗi đậu trên mông con voi thôi… Đời sống chúng ta sẽ rất sung sướng…”. Tiếng đập muỗi đèn đẹt, tiếng quạt nan phành phạch. “Hay quá. Thế đến bao giờ điều đó thành hiện thực thưa đồng chí?”. “Đánh Pháp chín năm, đánh Mỹ khó nhất thế giới cũng chỉ hơn mười năm, khai thác mỏ dầu vị chi cũng mười năm là cùng…”. Cả hội trường vỗ tay. Về phòng, ba tôi bảo anh Thẩm: “Ra quân con về Ủy ban Kế hoạch tỉnh… Đất nước sẽ đổi thay con ạ.”. Anh hỏi ba: “Đổi thay bắt đầu từ mỏ dầu hả ba?”. “Mỏ dầu và còn nhiều thứ khác nữa chứ, phải tin tưởng con ạ.”. “Con vẫn tin chứ ba. Nhưng bắt đầu từ mỏ dầu thì hoang đường quá ba ạ.”. Ba tỏ ra thất vọng. Anh học tiếp xong đại học rồi lấy vợ, vào Nam lập nghiệp. Nhắc đến anh, ba tôi bảo: “Cái thằng thông minh nhưng ích kỷ, chỉ biết lo cho bản thân mình. Nó không có chí tiến thủ.”. Mẹ tôi luôn bênh vực anh: “Tôi thì tôi thấy nó đúng đấy. Nó không muốn dựa dẫm, nó có đường đi riêng của nó ông ạ.”. Hồi đất nước khó khăn, thỉnh thoảng anh lại gửi tiền về cho mẹ, mỗi lần đi phép anh đưa về tạ gạo, hàng chục mét vải pha nilon, gia đình tôi cũng ổn. Ba luôn hỏi: “Nó làm gì mà nhiều tiền thế?”. Đến giờ vợ chồng anh Thẩm đã có cả một nhà máy sản xuất ống nhựa, không là đại gia nhưng cũng vào loại thành đạt. Ba tôi vẫn không hài lòng, ba tôi cứ tiếc anh không trở thành lãnh đạo. Mẹ bảo: “Như ông, liệu có trụ nổi thời nay không. Tôi thấy họ bảo có chức tước bây giờ phải biết đầu tư, bôi trơn, phải tốn nhiều tiền lắm ấy chứ…”. Ba hơi gắt lên: “Tại sao lại thế?”. “Tôi thấy người ta nói bây giờ kinh khủng lắm, không làm thì chết ngay, mà làm thì chết từ từ là thế nào hả ông?”. “Làm gì có chuyện ấy. Tại sao lại thế?”. “Ông thì lúc nào cũng cứ tại sao? Thôi nào, ông vào ngủ đi. Mà suy nghĩ làm gì nữa chứ, tổn thọ ông ạ.”. “Lại còn thế nữa?”... Làm sao mẹ tôi có thể trả lời cho câu hỏi “tại sao” của ba tôi, trong khi  cả xã hội đang tìm câu trả lời mà mãi vẫn chưa xong.
 

***
 

 Lớn lên, những năm đầu của thập kỷ tám mươi thế kỷ trước, mỗi lần đi Hà Nội học là tôi sợ, đón xe mất cả buổi, lên xe kẻ ngồi người đứng chen nhau, chân nọ giẫm lên chân kia, lựa chỗ mà đứng, thân hình vặn vẹo chả biết hình chữ gì, cốt sao tránh được phiền phức, thỉnh thoảng chỗ này hay chỗ kia oai oái, bị xâm phạm vùng cấm, bị móc túi, rạch cặp… không ai bênh vực. Chẳng bù cho bây giờ xe chạy liên tục, khách tùy chọn xe, mỗi tội cứ lên xe là nơm nớp tai nạn giao thông. Tôi nhận được tấm bằng đại học gầy quắt người, không có chuyện chạy chọt mua bán thầy, bây giờ cảm thấy kiếm bằng thạc sĩ, tiến sĩ như bỡn. Ngày nghỉ chúng tôi đi chơi phố cốt nhất là ăn một que kem, con trai uống một cốc bia hơi phải chen nhau dập mật, bây giờ đủ thứ, ăn sáng, cà phê cà pháo là chuyện thường. Ngày xưa ăn uống kham khổ nhưng được cái yên tâm, thực phẩm thật và sạch, bây giờ ăn uống đầy đủ quá nhưng lẫn lộn đồ giả, đồ bẩn dễ ngộ độc, sợ chết người... Chất lượng cuộc sống so sánh hai thời, cái được cái mất, một trời một vực… Những năm ấy sao mà dân đói, hạt bo bo ăn không đủ no, mất mùa người nông dân đói không đủ sức cầm cày. Ba tôi ngược xuôi đưa sắn từ Tuyên về cứu đói cho dân, tại hội nghị lãnh đạo ba tôi cùng mọi người đã khóc. Một lần về giỗ cụ, thấy có tiết canh lòng lợn, biết là chú tôi làm thịt lợn chui, ba tôi ứa nước mắt thắp hương vái Cụ rồi vội vàng ra đi, ông giận chú tôi mấy năm trời. Thỉnh thoảng ông chở về ít gạo đã nặng mùi bao bì, ít sắn đã chảy nhựa, ít quần áo cũ bảo mẹ tôi chia cho anh em trong họ và hàng xóm cận lân. Chả thấm tháp gì nhưng được cái ai cũng ghi nhận tấm lòng. Thời tôi mới học cấp một, ba gọi anh em tôi đưa cho mỗi đứa một cái bút chì 2B của Cộng hòa dân chủ Đức trong mớ hàng viện trợ, ông bảo: “Quần áo nhường cho người khác, các con cầm lấy, chăm mà học nghe không.”. Ít ngày sau ba tôi mượn lại cắt đôi chia cho con nhà chú phần đầu có tẩy, một nửa chiếc bút chì anh em tôi không ai bảo ai còn giữ đến bây giờ, anh Thẩm nói đùa: “Của hồi môn của ba để lại đấy.”. Mỗi lần anh đùa thế tôi không kìm được, lại ngồi khóc vì thương ba, thương những cô những chú cùng thời với ba.
 

***
 

 Anh giáp tôi là Thấm, người mà ba tôi coi là “đối lập”. Anh Thấm học đại học ở nước ngoài về được ba xin việc, ở đâu cũng chưa nóng chỗ đã chán, anh bảo: “Ở đâu cũng thấy lãn công, lương thì không đủ sống. Thế mà ai cũng cứ hơn hớn.”. Ba tôi chỉnh đốn anh về cách nói năng thì anh cãi: “Sao ba lại cấm nói sự thật. Sống gì mà khổ không dám kêu, không bằng lòng, thấy đúng thấy sai đều không dám nói… Thậm vô lý, con thấy như thể bất công ấy ba ạ.”. “Mày thật là đứa ngông cuồng, ăn nói cho cẩn thận, về nước rồi thì phải biết thắt lưng buộc bụng chứ… Đâu như những năm tháng mày ở nước ngoài.”. “Thắt lưng buộc bụng thì chịu được ba ạ, còn nhục thì chịu làm sao được hả ba.”. “Hỏng. Hỏng nặng. Nhưng một mình thì làm được cái gì nào. Nóng vội là đồ bỏ đi nghe không.”. Anh bỏ cơ quan nhà nước phiêu bạt khắp nơi, vào Nam ra Bắc, chẳng ai biết những năm tháng ấy anh làm những gì. Đùng một cái, bước sang thời kỳ đổi mới, rồi mở cửa, tên anh xuất hiện trên một vài bìa sách về lý thuyết kinh tế, bí quyết này, bí quyết nọ. Khi anh thành một “đại gia”, cũng chính là lúc bị ba tôi cự tuyệt. Có lần anh nói với tôi: “Thời ba là thế hệ vàng về đạo đức cách mạng, nhưng lại bảo thủ trì trệ… Anh không theo được.”. Tôi hỏi: “Anh không theo vậy anh theo ai?”. “Tự vận động, tự tìm cách. Anh viết ra bí quyết để làm gì hả cụ non?”. “Mới là mẹo vặt, chưa phải là kế sách.”. “Không cần. Thời Khốt Ta Bít qua rồi. Cái thời lọ mọ, nói hay làm dở…”. “Anh không được động đến ba. Không được hàm hồ. Cả đời ba đã hy sinh… Cho ai anh có biết không?”. “Nhưng không để lại được cái gì. Nhìn người ta anh nhục lắm.”... Tôi biết là anh đang bước vào thế giới mới một cách vội vã, thế giới mà ở Việt Nam còn đang quá lạ lẫm, thế giới của nền kinh tế phải tuân theo quy luật giá trị. Thấm sống ở Hà Nội, rất ít về nhà. Một dạo anh hay về tỉnh, thấy anh có vẻ thân với một số chức sắc, tôi nói với ba: “Anh Thấm hồi này có tiến bộ ba ạ.”. “Con nhầm đấy, nó về bắt mối làm ăn… Họa đấy. Thằng này mà tiến bộ được thì nhà mình có phúc.”. “Là sao hả ba?”. “Rồi con sẽ thấy!”.
 

***
 

 Chồng tôi là một người ham sách vở, tập tọe chữ nghĩa văn chương, cái thứ mà bây giờ còn mấy ai đọc nữa đâu. Thiếu tá kịch trần về hưu sớm, hì hụi suốt ngày với sách vở, được cái anh rất khéo tay ai đặt hàng mã thì làm, nhờ vậy mà chồng tôi có thể xếp hạng giầu nghèo thông qua các đấng phu nhân trong hàng quan chức. Một lần anh Thấm có khách đưa sang nhà tôi, không dám đưa về nhà ba mẹ. Tưởng ai, hóa ra trước kia anh ta là quân của ba tôi, bây giờ đã là tiến sĩ, chuyên viên cao cấp, anh ta giữ một cương vị quan trọng. Trong bếp tôi nghe rất rõ giọng anh ta nói với chồng tôi: “Này, xin lỗi ông. Tôi thấy cánh nhà văn các ông toàn những thằng không ra hồn người…”. “Ấy chết…”. “Đấy như lão…”. “Ô kìa, bác nhầm, đấy không phải nhà văn mà là nhà sử học đại tài đấy.”. “Ấy là cứ nói thế…”. “Cả đời tôi ham thích văn chương mà mãi có thành được nhà văn đâu. Tiếp xúc với họ tôi thấy toàn những người tài và sang trọng thực sự.”.  “Nhưng mà này. Cả nước tôi chỉ công nhận có một nhà thơ, đấy là Tố Hữu”. “Vâng. Đại tài. Nhưng bác quên rồi. Đất nước mình có rất nhiều đại thụ thơ chứ. Bác Hồ này, đại thi hào Nguyễn Du này, đức vua Trần Nhân Tông này, Nguyễn Trãi này… sau này nổi tiếng như Quang Dũng, Hoàng Cầm này…”. “Ừ thì nhiều, nhưng tôi chỉ công nhận có Tố Hữu thôi.”. Trong bữa cơm, anh Thấm khen hết sếp này sếp nọ rồi khen anh ta, khen chữ ký của anh ta. Rượu vào anh ta vỗ đùi: “Có lẽ không tính đến ăn mày thì trên đời này nghèo nhất vẫn là bọn văn thơ.”. Anh Thấm gật đầu: “Còn ai vào đây nữa”. Chồng tôi lại từ tốn: “Không đâu các bác ạ. Họ giầu đấy, họ ăn rau ăn mắm mà giầu lắm. Các bác có biết không, trên đời này kẻ nghèo nhất là kẻ nghèo đến mức chỉ có mỗi tiền”… Từ đó mâm cơm im lặng. Khách về rồi, anh Thấm bảo chồng tôi: “Sao chú không nể mặt anh một tí. Anh biết thằng này ngu lắm, nhưng chữ ký của nó ra vàng ra bạc đấy. Nó định làm mẽ một tí mà chú chả hiểu gì, bóc tuột... Mà này, chú tỷ cả anh đấy hả?”. “Em hiểu ý bác chứ. Mà em nào giám có ý có tỷ gì đâu, em vô tư đấy”. “Vô tư như chú có mà ăn mày”. Tôi biết là anh Thấm đang lợi dụng anh ta, sợ anh ta tự ái, nhưng người như anh ta không hề biết tự ái, câu chuyện của chồng tôi cũng chỉ hời hời bên ngoài thôi, những âm ngữ mang màu sắc “tiền” thì mới lọt lỗ tai anh ta. Những người như anh ta đã quen như thế rồi. “Thói quen là sức mạnh đáng sợ”. Câu nói của một người nổi tiếng nào đó, Thấm mang ra lý sự một cách cực đoan nhưng đã lợi dụng một cách rất khôn ngoan. Anh bảo: “Không riêng thằng này đã quen… Mà bây giờ cả vậy rồi.”. Tôi không muốn cãi vì tôi biết Thấm đang say nên bất chấp, anh nhìn mọi cái đều xám xịt, chỉ có “tiền” là sáng lóa. Thấm càng nhiều tiền càng đáng sợ. Đồng tiền của Thấm đã len lỏi qua ngóc ngách vào ngồi cạnh những chiếc ghế có quyền lực. Một hôm có một người đến thăm ba tôi, toe toe tôn danh Thấm, vô tư nói với ba mẹ tôi là có phúc lớn mới đẻ ra anh Thấm. Ba máu sáu cơn ba tôi đập bàn: “Quân đại loạn. Quân tham nhũng. Cút ra khỏi nhà tao mau.”. Anh ta ôm vội túi quà chuồn thẳng. Rồi ba tôi tuyên bố: “Từ nay cấm cửa thằng Thấm cho tôi. Tôi từ mặt nó!”. Từ đó ba tôi suy sụp trông thấy.
 

***
 

 Anh Căn đến thăm ba tôi. Ngày nghỉ, vợ chồng tôi tập trung vào làm hàng mã và in tờ tiền. Mẹ tôi gọi điện thoại cho tôi sang làm cơm tiếp khách. Người lái xe cuối đời cho ba tôi. Anh đến thật buồn cười, trên tay cầm chai rượu tây, mặt đỏ gay, anh bảo anh chưa say. Ba tôi cười: “Có mà ba say chưa chai.”. Căn cười ngất: “Con vừa đến nhà thằng ấy về. Nó mới ra biệt thự. Khôn lắm rồi cũng chán. Chuẩn bị về là tranh thủ làm nhà, lại còn lấy tên con. Bố biết không, về một cái là nó dọn ra, nhà cũ lừng lững mặt quốc lộ nó cho thuê. Gớm thật.”. Ba tôi vui khi có khách nhưng đôi lông mày bạc phơ cứ díu vào nhau, đầu gật gật liên hồi, trông rất tội: “Cậu ta tiếp đón thế nào?”. “Ui chà. Lúc đầu vẫn thế, trịch thượng, ngày trước thằng đấy không có bố đỡ thì bây giờ có mà đi lật đất. Khi nó lên quan coi bạn bè như tép, con lái xe cho bố nó còn kiềng một tí. Nó lắm tiền nhưng bọn con chả thèm nhờ, toàn tiền ăn của người ta đút lót…”. Căn xả hết chuyện, chuyện nọ xọ chuyện kia nhưng ba tôi rất chăm chú nghe, ba tôi thích cái chất chân thật và hồn nhiên. “Bố biết không, nhà nó lắm trò lắm. Chó béc to như con bê xích ở cổng gớm chết, cây cảnh, phong lan, chim chóc loạn xị. Trong tủ bày toàn rượu tây, bàn ghế đắt tiền bày la liệt chắc chả ai ngồi. Quần áo hai vợ chồng mặc chả giống ai…”. Ba tôi hỏi: “Cậu đến đó mà làm gì?”. “Ô kìa bố. Cứ nghe đồn, thì cũng phải mục sở thị chứ, với lại chỗ bạn bè mà bố. Nó cho con uống rượu tây, rồi nó hậm hực: toàn bọn ăn cháo đái bát, nhận vào cơ quan, nâng đỡ, cất nhắc, bổ nhiệm, thế mà bây giờ chúng nó quay ngoắt… Nó giữ lại ăn cơm nhưng con từ chối, nài mãi con mới chịu nhận cái này - Căn chỉ vào chai rượu.”. “Cậu ta nói thế cậu thấy sao?”. Mặt Căn đỏ phừng phừng: “Lúc gần về con bảo: này, ông nhận người ta, cất nhắc bổ nhiệm người ta, người ta đã sòng phẳng với ông rồi còn đếch gì nữa… Rượu vào, con nhỡ mồm, vợ nó ngượng tía tai, nó cười nhưng mặt tím bầm. Con cũng thấy tội cho chỗ bạn bè. Chào về nó không tiễn, vợ nó chạy theo cố nhét chai rượu vào tay con. Con nghĩ, thôi cầm cho nó vui.”. Chuyện tràn vào bữa cơm, Căn càng phấn khích: “Lúc bố về là con bị điều lái chung cho văn phòng, chẳng sếp nào dùng, ai cũng bảo con tốt bụng nhưng cái mồm thì bô bô, chỉ đi với bố là hợp. Những người như bố thì bây giờ làm gì còn, người ta khác xa bố rồi. Nhớn bé chả từ, được việc phải có phong bì, không có nhạt hơn nước ốc. Con đảm bảo với bố nhá, nhìn nước da họ bước vào cơ quan là bọn con lượng được độ dày mỏng của phong bì, xong việc nhìn nét mặt họ là bọn con biết ngay được hay không được…”. “Cậu khéo tưởng tượng. Làm gì đến mức ấy.”. Chuyện tràn cung mây, ba tôi vẫn muốn nghe, càng nghe nhìn ông càng khổ sở: “Thật thế này ư. Ngày mai tôi nhờ cậu đưa xe máy chở tôi lên gặp họ. Tại sao thế?”. “Thôi bố ơi, gặp họ cũng chả giải quyết được gì đâu. Họ khéo lắm, không khéo họ lại biếu cái phong bì làm bố thêm khó xử ấy chứ. Nhưng mà bố ơi, con nghe đâu đang kiện lẫn nhau đấy, phức tạp lắm.”. Tôi ngồi nghe mà thấy ái ngại, người như anh Căn thật thà chất phác ít tưởng tượng thì không hề bịa, chỉ biết nói sự thật từ đáy lòng mình.
 

***
 

Linh cảm của tôi hồi anh Thấm bắt đầu về làm ăn với Tỉnh, đến bây giờ mới nghiệm. Tôi yên tâm về anh Thẩm bao nhiêu thì lo cho anh Thấm bấy nhiêu. Cái linh cảm ấy cứ rợn rợn như có một mũi dao bén nhọn sắp chạm vào tim ba tôi. Đùng một cái mọi chuyện đảo lộn, họ bị kỷ luật già nửa, nặng thì khai trừ Đảng, nhẹ thì cảnh cáo, bậu sậu có người phải vào tù. Anh Thấm bị doanh nghiệp nước ngoài lừa vỡ nợ, bỏ trốn. Mấy người chạy đến ba tôi: “Bác cho em một lời khuyên. Bác xin với trên cho em một câu…”. Gặp đâu vái đấy, chạy đến ba tôi là chuột chạy cùng sào, nhưng đang chới với thì họ cũng cứ khùa khoạng thôi. Anh Thẩm nghe tin bay ra, ba tôi ôm chầm lấy anh: “Các con của ba. Cái Nhuần đâu, cùng với anh mày đi tìm mà cứu lấy thằng Thấm. Một phần có lỗi ở ba, ba đã không trang bị kịp cho các con trước khi ra biển lớn thành ra bị ngợp, bị chìm. Hãy tìm mọi cách vớt lấy những gì còn vớt được. Còn kịp. Còn kịp đấy các con ạ.”.
Một tháng sau vợ chồng anh Thẩm lại bay ra, bay ra lần này là để chịu tang ba tôi. Anh đau đớn nhìn lên chiếc máy điều hòa nhiệt độ Toshiba mới lắp ở lần anh về trước. Anh khóc lặng người vì thương ba chưa kịp thích nghi với môi trường không khí mới thì ông đã ra đi. Còn mẹ tôi, không biết bà sẽ cảm nhận được những gì và hưởng thụ được bao lâu trong căn phòng có điều hòa nhiệt độ khi không còn ba tôi nữa. Cả đời mẹ tôi luôn tin yêu và kỳ vọng vào con đường và sự nghiệp ba tôi đã hiến dâng, bà lặng lẽ hy sinh, dành trọn cho ba một tấm lòng thủy chung son sắt, bằng tất cả sự yêu thương đầy kính trọng. Đám tang của ba tôi được tổ chức với nghi thức dành cho lãnh đạo, trang nghiêm thành kính. Bộ lãnh đạo mới kính cẩn nghiêng mình, lời điếu như thức tỉnh lòng người: “… Chúng tôi nguyện tiếp tục noi gương đồng chí, noi gương các thế hệ đi trước, tiếp tục phấn đấu thực hiện được di nguyện của đồng chí như trong bức thư đầy tâm huyết mà đồng chí đã gửi cho chúng tôi đóng góp vào văn kiện Đại hội Đảng bộ lần này…”…
Anh Căn té xấp té ngửa đến viếng ba tôi, nghẹn ngào: “Bố ơi, chúng con chẳng có gì đâu, chỉ có nén hương dâng bố, xin bố phù hộ độ trì cho chúng con luôn mạnh khỏe. Chúng con học tập bố nguyện sống làm người tử tế suốt đời bố ạ…”. Trước giờ di quan, anh Thẩm khấn ba tôi: “Ba ơi. Chúng con Thẩm và Nhuần đây. Chúng con có lỗi với ba nhiều lắm… Em Thấm rồi sẽ về. Giọt nước nào dù có bay đi đâu cuối cùng cũng về với biển cả thôi ba ạ. Kỷ vật của ba chúng con vẫn giữ, mặc dù rất nhỏ bé nhưng chúng con đã nhận ra ý nghĩa của nó là vô cùng lớn lao không có gì sánh được ba ạ…”.
Thời của ba tôi, thời của một thế hệ luôn giữ gìn, luôn biết hy sinh. Một đời thắt lưng buộc bụng, chắt chiu mong mỏi một tương lai sán lạn. Thế mà cuối đời vẫn còn phải đau đáu đến quặn lòng: “Tại sao?”. “Tại sao thế?”. Càng thương ba tôi càng thấy mọi thứ cứ rối bời, còn mông lung quá. Biết hỏi ai bây giờ? Cả nhà, chồng tôi được coi là một nhà thông thái, hỏi anh, anh mỉm cười: “Cứ sống tiếp đi rồi sẽ biết!”.  

                            Đ.N.L
 

Bài viết khác