Truyện ngắn của THÚY HOÀNG
(Thân mến tặng cô Phạm Hồng Lệ và lớp 5C)
“Đi đi con, hãy can đảm lên, thế giới này là của con, bước qua cánh cổng trường là một thế giới kì diệu sẽ mở ra" (Lý Lan).
Cô Lệ ngừng đọc. Chất giọng ấm áp truyền cảm của cô vừa kịp để lại dư vị ngòn ngọt lạ lạ cho lũ trẻ thì một hồi trống kéo dài vang lên, giọng điệu giục giã.
Thế là buổi học cuối cùng của lớp 5C đã kết thúc. Khác với thường lệ, bọn trẻ hôm nay không phải xếp hàng ngay ngắn khi ra về. Chúng chạy ùa ngay ra sân trường. Trời trưa, nắng mùa hè đã bắt đầu chói chang rực rỡ. Bên gốc cây ngô đồng già, chúng nhanh chóng xếp thành hai hàng: hàng phía trước ngồi, hàng phía sau đứng, chờ cô ra chụp ảnh. Chúng nghển cổ, nhìn về phía lớp. Một cánh cửa lớp khép hờ. Cô chưa thể ra vì trong lớp còn một cậu bé.
- Minh Hoàng! Sao con không thu xếp nhanh sách vở, ra sân cùng các bạn?
Cậu bé vẫn ngồi nguyên đúng vị trí quen thuộc của mình, mặt hướng ra ngoài cửa sổ, nơi có một khoảng trống lớn, như tìm kiếm điều gì rất lạ. Cậu bé hờ hững với câu hỏi của cô. Cô đến gần cậu bé, vỗ vai. Cậu bé nhanh nhảu hỏi, mắt vẫn không rời khoảng trống phía xa kia:
- Mặt trăng làm bằng gì? Bao giờ thì Hoàng được lên mặt trăng vậy?
Bằng thái độ nghiêm túc đủ để tạo niềm tin, cô giải thích:
- À, mặt trăng làm bằng đất đá như trái đất vậy. Con muốn lên đó, con phải bước qua rất nhiều cánh cổng trường học, nghĩa là con phải chăm chỉ học tập và rèn luyện.
Cậu bé thích chí vỗ mạnh hai bàn tay vào nhau mấy cái. Như sực nhớ ra tiết học Toán – Tiết học đầu tiên của buổi học cuối cùng - Cậu bé hào hứng giảng giải:
- Cô ơi, Toán cũng là nhạc đấy. Cô không biết sao? Để con nói cô nghe nhé.
Cô khích lệ cậu bé:
- Ừ, cô không biết. Con nói nhanh cô nghe nào.
Cậu bé hào hứng hơn:
- Một nốt đen bằng một phần hai nốt trắng, nghĩa là một nốt trắng có độ dài gấp hai lần nốt đen. Một nhân hai bằng hai...
Cô tỏ ra ngạc nhiên:
- Ồ, thú vị thật. Để hôm nào Hoàng dạy nhạc cho cô nhé. Còn bây giờ, mình ra sân trường chụp ảnh lưu niệm với các bạn!
Minh Hoàng gấp mấy quyển sách giáo khoa đang bày biện trên mặt bàn lại, nhét vào cặp, rồi khoác tay cô ra sân. Hôm nay, cô mặc áo dài tím, không phải áo dài có hình hoa đào như mọi khi. Cậu bé thích chí, cười:
- Áo hoa đào của cô rách rồi à?
Một tay cầm cặp sách che nắng cho cậu bé, tay kia cô chí lên đầu cậu bé:
- Hết mùa xuân rồi, cô chuyển sang áo này, có sao không?
Giữa sân trường, nắng như chói chang thêm, rực rỡ hơn và có một khoảng tím sẫm bởi sắc áo của cô. Màu áo đó như màu phượng tím đang cháy lên phía cuối sân trường. Năm bọn trẻ học lớp 2C, cũng là lớp của cô, có một cô bé người nhỏ, thấp còi hơn so với các bạn cùng tuổi, yêu màu áo dài tím của cô như một phần kí ức nhòa mờ về người mẹ đã mất. Cô bé ấy giờ cũng đã ở thế giới bên kia, xa xôi quá. Trước mặt bọn trẻ, cô không thể khóc. Cứ để những ánh mắt trẻ thơ trong veo như thế, rồi cũng đến lúc chúng sẽ hiểu mọi chuyện.
Bọn trẻ chực sẵn để chụp ảnh thì tỏ ra sốt ruột. Chúng bắt đầu chí chóe, chân tay ngọ nguậy như lũ sâu. Vừa đúng lúc, hai cô trò đi tới. Bọn trẻ phá hàng, ùa đến túm lấy hai người. Cậu bé Thành thì bịt mũi há mồm cười sằng sặc vì có đứa nào đó vừa lỡ đánh "túp" một cái. Cậu bé Minh Hoàng giật tay cô mà hỏi:
- Cô ơi, vì sao áp suất ruột càng lớn thì rắm càng to?
Bị hỏi bất ngờ, cô chỉ kịp cười lên một tiếng trong veo. Đứng bên Minh Hoàng, nghe rõ câu hỏi ngồ ngộ ấy, cô bé Cẩm Ly xấu hổ, lẻn nhanh ra khỏi hàng. Cô bé lảng nhanh chuyện:
- Cô để con chụp ảnh nhé!
Một... hai... ba.... tách! Thế là những gì tự nhiên nhất đã nằm gọn trong ống kính. Như bầy ong vỡ tổ, bọn trẻ bâu lại xem ảnh. Đứa nào cũng muốn cô phóng to màn hình xem mình trông thế nào. Ánh nắng từ tán cây ngô đồng già lọt qua tán lá, rọi thẳng vào những gương mặt hồn nhiên tươi sáng. Được cô khen đứa nào cũng ăn ảnh, bọn trẻ sướng lắm, cười tít mắt.
- Giờ thì ta chụp kiểu nghiêm chỉnh, các con nhé!
Bọn trẻ nhanh chóng xếp thành hai hàng như trước để ghi lại đầy đủ những gương mặt dễ thương của lớp 5C.
Cô đứng giữa hàng sau. Cậu bé Hoài Nam và Chiến Thắng là hai học sinh đạt thành tích cao nhất, đang ép cô đứng sát bên hai đứa. Cô ngó nghiêng tìm cô bé Na nhút nhát. Cô bé đứng tận phía ngoài hàng. Cô lách người ra khỏi hàng, đi đến chỗ Na, kéo cô bé đứng vào giữa hàng:
- Con đứng đây thì ảnh của lớp đẹp tuyệt vời, phải không, Hoài Nam, Chiến Thắng?
Cậu bé Hoài Nam cười tươi lùi sang bên một chút, còn cậu bé Chiến Thắng kéo tay cô bé Na đứng nép bên cô.
Chế độ chụp ảnh tự động đã sẵn sàng. Một vài giây trôi qua, khoảnh khắc cuối cùng trên sân trường được ghi lại. Sau khoảnh khắc ấy, khoảnh khắc đóng đinh vào tâm trí cô, lũ trẻ phá hàng, rồi ùa chạy qua sân trường nắng đã lên chói chang rực rỡ hơn. Chúng chạy ra phía cổng trường. Trong tiếng ve kêu râm ran hòa thành nhiều bè, cánh cổng trường đứng im lìm dưới nắng. Bọn trẻ chạy qua cổng trường, những bước chân vội vã và lao xao, như đàn chim non sổ lồng. Bị va đập, cánh cổng kêu "k...ét...", rồi khép lại.
Tất cả như trở về khoảng lặng chứa đầy cảm xúc ngổn ngang của cô về bọn trẻ.
Dưới gốc ngô đồng già, cậu bé Minh Hoàng vẫn đang nắm tay cô. Cậu bé không thể hiểu rõ và không thể nói ra cảm giác lạ lạ trên sân trường lúc này. Cô níu tay cậu bé:
- Mình cũng về chứ?
Minh Hoàng ngước mắt đen láy, trong veo nhìn cô như dò xem chuyện gì đang diễn ra. Cậu bé thấy trong khóe mắt cô có giọt nước mắt. Cậu bé lo lắng, giọng thì thầm:
- Vì sao cô khóc vậy?
Cô bối rối, cố giấu cảm xúc vào lòng:
- Không... Vì các con được lên cấp học cao hơn. Phải thế chứ! Phải thế, chúng ta mới hi vọng được lên mặt trăng.
Hai cô trò ngồi xuống gốc ngô đồng già, mấy cái rễ trồi trên mặt đất mịn. Cậu bé im lặng, quan sát vòm trời trong xanh, vài đám mây trắng nhởn nhơ bay ngang qua. Cô hỏi cậu bé:
- Con thấy gì thế?
Minh Hoàng lơ đãng. Cậu bé vẫn giữ thói quen không trả lời sát câu hỏi của người khác:
- Con muốn lớn lên trở thành nhạc sĩ giỏi, mang âm nhạc lên mặt trăng.
Cô hào hứng khích lệ:
- Òa! Như tiếng chim hót, phải không? Tiếng chim trên tán cây ngô đồng đấy.
Mắt cậu bé sáng rực lên:
- Chim chè pheng bắt ve sầu. Tiếng hót của chúng là nhạc là la lá... Lông nó đen sì như tóc Hoàng đó.
Cô bật cười, chợt nhớ lại hình ảnh cậu bé Minh Hoàng hồi học lớp 2C cô dạy. Những hình ảnh ngộ nghĩnh lạ lạ như những thước phim quay chậm đang nét dần trước mắt cô.
Lúc ấy giờ Toán, cô ra bài tập. Cô vừa đọc xong đề bài thì cả lớp giơ tay nhao nhao:
- Em em em!
Ánh mắt đứa nào cũng hau háu chờ đợi cô gọi mình lên bảng. Chỉ Minh Hoàng không giơ tay. Cậu bé tỏ ra không quan tâm chuyện gì đang diễn ra. Tay giở, mắt tìm kiếm điều gì đó trong sách tự nhiên và xã hội. Cô đến bên, vỗ vai:
- Con làm được bài trên bảng chứ?
Minh Hoàng đứng dậy, uốn éo người làm cả lớp cười ầm. Thế nhưng, cậu bé vẫn bình thản như không có chuyện gì, đi thẳng lên bảng giải toán. Những dòng chữ số nguệch ngoạc lướt nhanh trên ô kẻ vuông vắn. Thế là xong.
Rồi đến trước mặt cô, tay vỗ nhẹ lên đầu, Minh Hoàng hỏi:
- Tóc Hoàng hôm nay đẹp không?
Cả lớp lại cười ầm. Cô nhắc nhở lớp:
- Các con giữ yên lặng một lát. Các con không nên cười bạn.
Cả lớp ngoan ngoãn im lặng, chờ đợi. Cô vuốt nhẹ mái tóc dễ tre đen bóng, dày khít của Minh Hoàng:
- Đẹp! Đẹp lắm!
Ồ thì ra cái mớ tóc đống rơm của cậu bé hôm nay được cắt gọt gọn gàng, khỏe khoắn. Cô tiếp lời trong sự im lặng và tò mò của bọn trẻ:
- Cảm ơn Minh Hoàng. Cô mời con về chỗ.
Rồi cô cất cao giọng:
- Nào! Các con thấy bạn làm bài đúng không?
- Đúng ạ. - Tất cả đồng thanh.
Ở cuối lớp, giọng nói ồ ồ quen thuộc của Thế Anh – đứa láu cá nhất lớp:
- Chữ nó to như gà mái đẻ trong chuồng gà nhà nó.
- Ha... ha... ha...- Lại một dàn đồng thanh cất lên.
Cô đưa bàn tay về phía trước ra hiệu im lặng, rồi tiếp tục trò chuyện giảng giải:
- Trong các con, có ai thấy mình xinh đẹp không?
Bọn trẻ đưa mắt ngơ ngác nhìn nhau, hết nhìn mặt bạn này đến nhìn mặt bạn khác.
Không đứa trẻ nào trả lời. Thấy vậy, cô khích lệ:
- Ồ, vậy là các con chưa muốn trả lời cô rồi. Này nhé, ai cũng đẹp đấy. Chúng ta phải biết mình đẹp nhé. Mỗi con có một nét đẹp riêng. Cẩm Ly, con đẹp vì nhanh nhẹn, hoạt bát mà rất nữ tính! Chiến Thắng, con đẹp vì giỏi giang! Hoài Nam, con đẹp vì thông minh và luôn cố gắng! Công Minh, con đẹp vì biết giúp đỡ bạn,... Còn Minh Hoàng, bạn ấy đẹp vì tự nhiên và tự tin đấy, các con ạ. Tóm lại, lớp mình, ai cũng đẹp!
Bọn trẻ thích chí nhìn nhau. Hóa ra lớp mình là thế giới của những hoàng tử, những công chúa tuyệt vời như truyện cổ tích cô kể. Cứ như thế, những bài toán còn lại, bọn trẻ giải quyết một cách hào hứng. Cho đến năm học này, lớp 5C có cậu bé Hoài Nam là học sinh giỏi Toán cấp Quốc gia.
Lúc này, Minh Hoàng vẫn đang tìm kiếm bóng dáng chim chè pheng lấp loáng trong những tán cây ngô đồng xòa xuống một khoảng rộng trước mặt.
- Con sẽ mang âm nhạc lên mặt trăng cho chú Cuội. Chú Cuội ngồi gốc cây đa, buồn vì nhớ vợ. Phải không cô?
Cậu bé hỏi, cô như choàng tỉnh, trở về hiện tại:
- À... câu chuyện cổ tích thú vị, con nhỉ. Cô chúc con đạt được ước mơ... Giờ thì con về đi, kẻo bố mẹ lo lắng!
Minh Hoàng đứng dậy, chào cô:
- Hoàng chào cô ạ!
Cô mỉm cười, gật đầu:
- Ừ! Đi đường cẩn thận, con nhé!
Minh Hoàng vừa đi vừa gật gù cái đầu, thỉnh thoảng đung đưa người. Nhìn bộ dạng đó, cô biết rõ cậu bé đang cười, cười với thế giới kì diệu trong trí tưởng tượng bay bổng chỉ của riêng mình. Một đứa trẻ không như bình thường. Cô định chạy ra, nói một điều với cậu bé, nhưng lại thôi. Khi cậu bé đi qua cánh cổng trường, cô trở về lớp học. Vẫn không gian ấy, nhưng giờ đây không còn tiếng lao xao của bọn trẻ. Từ bục giảng, cô đi xuống phía dưới lớp. Bước chân thật chậm, mấy ngón tay vân vê, miết nhẹ trên mặt bàn láng bóng còn thơm mùi gỗ. Từng chỗ ngồi thân quen. Cô hình dung ánh mắt, điệu bộ của từng đứa. Kìa! Bọn trẻ đang nhăn nhở cười với cô. Còn kia là chỗ ngồi trống vắng, trống vắng từ hồi lớp 2C đến giờ. Cô thầm nhắc nhở: “Bông! Con cũng theo các bạn lên cấp học cao hơn, con nhé! Khánh Linh sẽ giúp con...”. Bước qua cánh cổng trường tiểu học, chỉ cần các con tự tin, vui vẻ. Cả thế giới mới, rộng mở hơn, dang tay chào đón các con. Và một ngày nào đó, chúng ta sẽ cùng Minh Hoàng đáp một chuyến bay vào cung trăng, mang âm nhạc rộn rã, trong trẻo như những tiếng chim chè pheng trên tán ngô đồng già mà thăm chú Cuội.
T.H
(Nguồn VNNB 232/ 12-2019)