Thứ sáu, 04/10/2024

Tình chị em

Thứ năm, 05/12/2019

Truyện ngắn của NGUYỄN  MINH NGỌC 

Một buổi chiều trong phòng khách của một ngôi nhà hai tầng nằm ven con đường lớn, thuộc vùng đồi núi huyện Nhân Quan, có hai chị em gái đang ngồi trên bộ sa lông giả cổ. Câu chuyện của họ có vẻ không vui.

Hoa, cô em đôi mắt mơ màng, lơ đãng nhìn cảnh mây chiều bàng bạc xà thấp xuống trái đồi bên kia đường. Thu sang những hàng cây lặng lẽ chìm trong sương chiều, mấy chiếc lá vàng còn treo hờ hững trên cành, thi thoảng lại có vài cánh chim trời bay vội. Không gian mờ ảo và nhuốm buồn. Hạnh, người chị nét mặt căm giận, nhìn chằm chằm vào mặt em:

- Trả lời chị đi Hoa. Cứ ngồi mãi, chiều muộn rồi.

Hoa vẫn ngồi lặng thinh.

- Không giấu được chị đâu. Hạnh lại nói: Chỉ cần thoáng qua chị cũng biết cả rồi. Có điều em là em của chị, chị không muốn làm to chuyện, người ngoài biết thì không hay ho gì. “Môi hở răng lạnh” em hiểu chứ?

Hoa quay nhìn xuống đất, chân di di viên gạch hoa, tưởng chừng như cô ta đang muốn tìm chỗ chui xuống đất, miệng lí nhí:

- Vâng. Chúng em đã ngủ với nhau.

- Từ bao giờ. Nói đi. Không được nói dối.

- Một hôm. Anh Tấn nhà em đi trực, đêm khuya anh Phô sang gọi em mở cửa. Tưởng có chuyện gì em ra mở cửa, anh ấy ôm lấy em, lôi em xuống bếp. Rồi từ hôm ấy, tối nào anh Tấn đi vắng, em để cửa sân thượng, chúng em ở trên ấy với nhau. (Anh Phô mà Hoa nhắc đến là chồng của Hạnh, anh rể cô ta)

Thời học sinh, Hạnh là một trong số ít thanh niên của làng học hết cấp ba. Cô được gọi vào học trường đại học Tài chính Kế toán, ra trường Hạnh về làm Trưởng phòng kế toán của Phòng thuế huyện Nhân Quan. Ra công tác được ba năm, Hạnh gặp Phô, nhân viên thuyết minh cho Đội chiếu bóng của huyện. Phô có vóc người to cao; mũi thẳng; nét mặt ưa nhìn; giọng nói trầm ấm. Chịu ảnh hưởng một chút của nghề thuyết minh, Phô nói năng văn hoa điệu đà, nhưng tính tình  anh ta thô lỗ và nhạt nhẽo.

Hạnh hơn Phô hai tuổi, người cô thấp nhỏ; gương mặt không được tươi, nhưng làn da cô trắng; cặp mắt đen một mí, đôi lông mày nét ngang đen đậm, ánh mắt sáng và hiền; giọng cô nhẹ nhàng tình cảm. Dù nhiều hơn tuổi Phô nhưng Hạnh khá trẻ, trông không chênh lệnh với Phô nhiều lắm. Vẫn biết Hạnh nhiều tuổi hơn mình và không xinh đẹp, nhưng Phô vẫn lấy Hạnh vì lợi ích kinh tế lớn lao, từ nghề nghiệp kế toán của Hạnh.

Quả là Phô tính toán khá chuẩn, cưới nhau được vài năm, Đội chiếu bóng giải thể, với cương vị kế toán trưởng của mình, Hạnh xin cho chồng vào làm Trưởng phòng hành chính ở Lâm Trường huyện, một chức vụ Phô có mơ cũng không tới. Trước đó, Hạnh đã xin cho hai vợ chồng cô em Hoa và Tấn làm việc trong Lâm Trường.

Ít lâu sau, Hạnh thu xếp hai chị em cùng mua một khoảnh đất rộng ở ven đường, mỗi nhà làm một ngôi nhà hai tầng kề nhau, chung hè chung sân, xung quanh là vườn tược rất rộng. Hai đôi vợ chồng, ngày ngày sống bình lặng bên nhau, thời gian thong thả trôi.

Hai chị em gái nhưng Hoa cao hơn, xinh hơn chị, làn da trắng trẻo, đôi mắt ướt gợi tình. Sự đụng chạm thường ngày, tám giờ làm việc cùng cơ quan, sớm trưa chiều tối ở nhà, đôi bên đều có tình ý. Dù đã biết chuyện là như thế, nhưng Hạnh cũng không khỏi bàng hoàng trước những lời thú nhận của em. Hạnh ngồi lặng đi trong đau đớn, một nỗi nhục nhã ê chề cho chồng, cho em và cho chính bản thân mình. Rất lâu sau cô mới cất lời:

- Em xem, quanh đây có mấy người được chị gái lo cho chu đáo như em không? Cả hai vợ chồng em chẳng có bằng cấp gì, chị cũng lo cho được làm trong Phòng hành chính, không phải lao động vất vả. Đất đai nhà cửa, chị có gì chị cũng san sẻ cho em. Bây giờ kinh tế vững vàng, con cái lớn khôn, gia đình ấm cúng. Tưởng rằng chị em tắt lửa tối đèn có nhau, nào ngờ em lại làm những chuyện như vậy. Chị đau lòng quá. Hằng ngày trông thấy chị và các cháu, em không thấy lương tâm mình bị cắn rứt hay sao? Với lại các con lớn cả rồi, phải biết giữ danh dự cho chúng nó chứ. - Ngừng một lát Hạnh lại nói: Thôi, hãy hứa với chị, từ nay sẽ không như vậy nữa.

 - Vâng - Hoa cúi gằm xuống đất, lí nhí nói: Em hứa.

Tuy hứa với chị như vậy, nhưng Hoa không vượt qua nổi cái quy luật chung của những con gian phu dâm phụ, khi đã sám hối lại càng lao vào những cuộc tình nhiều hơn nữa. Phô và Hoa giống nhau ở một điểm, là bao nhiêu vẫn chưa là đủ.

Phô đã quan hệ với không ít người, nhưng với những người kia, Phô phải bóc bánh trả tiền, mà mất tiền thì Phô rất xót. Với Hoa, cô em vợ xinh đẹp lẳng lơ, và cũng hơn một lần đã có những cuộc tình chớp nhoáng, thì Phô không phải mất tiền. Với con mắt tinh tường trong “nghề”, hằng ngày Phô đã quan sát và biết rõ điều này. Vì vậy họ rất hợp nhau, và không thể rời bỏ được nhau.

Làm to ra thì xấu hổ, nhục nhã cho cả bố mẹ, anh em. Suốt ngày đêm này qua ngày đêm khác, Hạnh quằn quại đau đớn, nhìn hai con người cô yêu thương chà đạp lên tình cảm của cô, quên cả luân thường đạo lý, lao vào vòng tay nhau.

Niềm hạnh phúc của cô, đang bị kẻ tình địch là chính em gái của mình cướp mất. Công việc hằng ngày đã căng thẳng, lại những ý nghĩ về sự chung đụng thể xác giữa hai con người này, cứ như một thanh sắt nung đỏ làm rát bỏng tâm hồn cô. Sự uất ức nén chặt, như một quả bom trong lòng, nhiều lúc muốn cho nổ tung ra, nhưng lại không thể. Một sự vô vọng, bế tắc quả là quá sức chịu đựng của con người.

Không để ý mình đã bị ho bao lâu, Hạnh chỉ nghĩ vì mình đau khổ quá, sức yếu nên với ho nhiều như vậy. Nhưng tiếng ho ngày một nặng lên, cô thấy chóng mặt, tới một hôm không thể gượng đi làm được nữa. Hạnh đi khám bệnh, bác sĩ chuẩn đoán cô bị ung thư vòm họng. Trước tình cảnh bi đát, Hạnh phải xin về hưu non để chữa bệnh. Bố mẹ, anh em, bạn bè ai cũng thương cô, một người giỏi giang, đức độ lại gặp phải tai ương.

Thương Hạnh, anh em trong cơ quan, mỗi người ủng hộ Hạnh chút tiền gúp cô chữa bệnh. Cả tiền nghỉ chế độ của Hạnh, gộp lại được một số kha khá, cơ quan nhắn Phô đến lấy cho vợ.

Khoản tiền lớn, như một vật thôi miên thu hút tâm lực Phô, anh ta bắt đầu suy tính: “Cái bệnh này thì làm gì còn cơ hội sống, mà chữa trị cho phí tiền; gần hai mươi năm trong nghề kế toán, chắc mụ còn khối tiền vàng riêng, mụ lôi ra mà chữa bệnh, chứ khi mụ chết rồi không ai biết lối nào mà tìm”. Phô quyết định giấu vợ số tiền này, anh ta đem đầu tư vào xưởng sản xuất giống cây trồng của anh ta.

Tuy nhiên để che mặt thế gian, những ngày đầu vợ ốm, Phô vẫn đưa vợ đị bệnh viện. Thực ra, từ khi giăng mắc với cô em, anh ta đã xoay lưng với vợ, lần này căn bệnh của Hạnh, anh ta còn xem như trời đã cho anh ta một cơ hội. Mặc vợ ở bệnh viện, Phô về ôm ấp cô em, chúng gối đầu tay cho nhau, chúng thẽ thọt bàn với nhau về tương lai: 

- Em ơi, chúng mình gặp may rồi.

- Đúng vậy anh ạ, trời cho chúng mình được ở với nhau.

- Nhưng còn thằng chồng em thì sao?

- Anh yên tâm, em bỏ nó lúc nào mà chả được.

- Nhanh lên nhá, mụ này thì chẳng được bao lâu nữa đâu. Những lúc ân ái với nhau không cần giữ kẽ, chúng cứ nói đường đường ra với nhau như vậy. 

Đã nhìn thấy tương lai ở nơi người chị, Hoa ruồng dãy bỏ chồng bằng được. Hoa cắt chồng xong bắt nạt Hạnh ốm đau, chúng sống ngang nhiên. Tình chị em trở thành tình địch. Hoa thẳng thừng khiêu chiến với chị:

- Khi chết có ai mang được của đi bao giờ.

- À, cô mong cho tôi chết lắm phải không?

- Tôi chẳng mong, nhưng bệnh này thì còn sống thế nào được.

Thấy em nói những lời phụ bạc, Hạnh ứa nước mắt:

- Vâng. Cô cứ việc mong cho tôi chết đi. Chuẩn bị mà thế chỗ của tôi. Nhưng có câu này tôi muốn nói cho cô nghe: “Người tính không bằng trời tính” đâu cô ạ.

Nhờ phát hiện sớm, điều trị kịp thời, cũng không loại trừ có sự nhầm lẫn trong chuẩn đoán bệnh. Hoặc cũng có thể do số mệnh, người hiền thường có mệnh lớn. Cho nên ngày tháng trôi đi, năm này qua năm khác tới, căn bệnh ung thư của Hạnh hầu như không tiến triển. Đôi tình nhân vẫn điềm nhiên vui thú với nhau, mong chờ kết cục cuối cùng. Thế nhưng, thời gian chờ đợi của họ ngày một dài ra.

Số Phô làm ăn bắt đầu vào cầu, đất nước đang trong thời kỳ phát triển, người ta trồng rừng, trồng cây xanh, cây ăn quả ở khắp nơi, giống cây bán được nhiều, lãi suất cao, một vốn bốn lời. Số tiền ban đầu của vợ đã tăng gấp nhiều lần, Phô đầu tư vào bất động sản.

Lại gặp thời gian bất động sản tăng giá đến chóng mặt, Phô bán đất cho vay nặng lãi, lãi mẹ đẻ lãi con biến Phô thành tỷ phú, và làm cho tâm hồn anh ta ngày một lạnh dần đi.

Điều trị ở bệnh viện K một thời gian, căn bệnh tạm thời ổn định, Hạnh được bác sĩ cho về nhà uống thuốc, rồi ra bệnh viện trị xạ định kỳ, theo sự chỉ dẫn của bác sĩ. Đành rằng, mỗi lần vợ ra Hà Nội, Phô không phải lo tiền, nhưng anh ta vẫn tiếc.

Lần nào Hạnh đi, anh ta cũng ca cẩm mắng chửi vợ: “Tưởng cô giỏi giang, nhưng không ngờ cô lại ngu như con lợn ấy. Mệnh trời khó tránh. Đi lại nhiều như thế vừa mất tiền của, lại vừa mất công, khổ lây cả sang người khác, cô đúng là thân lừa ưa nặng.” Những lời nói của chồng khiến Hạnh vô cùng đau đớn. Cô hiểu người chồng tay ấp má kề đã không còn tình nghĩa gì với cô, nhưng Hạnh không nản lòng, cô vẫn một mực lo chữa bệnh theo sự chỉ dẫn của bác sĩ.

Có vẻ như Phô, được ăn lộc trong cái nghề tiền bạc. Cho vay nặng phát tài nhanh, Phô bỏ hẳn việc ươm cây giống, nảy ra ít định buôn tiền. Phô lại gặp may lần nữa, anh ta bắt “bồ” được một cô trẻ đẹp, giầu có và sành sỏi trong nghề buôn tiền, chúng hùm vốn mở một ngân hàng tư nhân. Phô xin nghỉ hưu non, về hợp tác làm ăn với cô “bồ”. Tình cảm với cô em vợ nhạt dần. Hoa đã mấy lần tìm đến tận nhà cô này đánh ghen, nhưng không kết quả, chẳng có gì mạnh bằng sức mạnh của đồng tiền. Tuy nhiên Hoa vẫn chiều Phô với hy vọng sẽ được là vợ chính thức, và sẽ được quản lý số tiền khổng lồ kia.

Mấy năm nay trị xạ, truyền hóa chất nhiều, ảnh hưởng đến dây thần kinh chỉ đạo hoạt động của tay, Hạnh bị liệt một tay, tay còn lại làm việc cũng rất khó khăn. Hai đứa con, một trai một gái đã lớn, chúng thường đi học vắng, mọi công việc trong nhà, nhưng Phô mặc kệ vợ. Thời gian còn làm việc trong cơ quan, mỗi tháng Phô góp ba trăm tiền ăn, còn bây giờ Phô ăn với cô “bồ” mới, thì ngày nào ăn ở nhà Phô mới đưa tiền cho vợ.

Tuy vậy hằng ngày, anh ta vẫn xét nét sự chi tiêu của vợ, đo lọ nước mắm ngắm củ dưa hành. Anh ta cấm chỉ việc đun nước tắm bằng bình nóng lạnh; không được sử dụng máy giặt; điều hòa và tủ lạnh tắt, ti vi xem có giờ giấc. Những dụng cụ trên mua về, được phủ tấm vải nhựa chống bụi cẩn thẩn và chỉ để ngắm nhìn, tựa như những bức tranh ảnh, bằng khen treo trên tường.

Dính líu một chút đến ngành văn hóa, có vẻ Phô cũng có đầu óc thẩm mỹ yêu thích cái đẹp. Trong cái phòng khách khoảng hai mươi bốn mét vuông, Phô trang hoàng chật ních những đồ vật đắt tiền. Sát tường là cái tủ kinh khảm trai giả cổ, bên trên bày bộ ngà voi khá to và nhiều con vật khác; bên cạnh tủ một cái khung đồng hồ bằng gỗ trạm trổ cầu kỳ, cao hơn hai mét; một cái lọ lộc bình bằng gỗ to giống như cái đồng hồ.

Tiếp theo, là cái sập gụ lớn, đẹp như cái tủ kinh; bên trái để cái tủ đứng cũng giả cổ; một cái kệ lớn để một cái ti vi màn hình phẳng 30 inh, đắt tiền. Ngoài cùng là bộ sa lông giả cổ khá to, sát cửa ra vào. Phòng khách không còn chỗ trống.

Trên tường, bằng khen, giấy khen của tất cả các năm; ảnh của vợ chồng con cái, ảnh của bố mẹ anh em phóng to, đẹp, treo lẫn lộn với tranh ảnh của những cô gái đẹp khỏa thân, kín mít cả ba bức tường. Mỗi khi có khách đến liên hệ tiền nong, Phô tự hào chỉ lên tường giới thiệu: “Ông xem, tôi là người giỏi, làm ăn có uy tín, ở đâu tôi cũng được bằng khen. Vợ tôi làm trong nghề tài chính, cô ấy giỏi lắm, các ông cứ yên tâm đi.” Số người tin tưởng gửi tiền Phô ngày càng tăng lên.

Làm ăn với cô “bồ” vài ba năm, Phô đã có một số tài khoản kếch xù. Chục, nhiều chục tỷ, trước kia nằm mơ, anh ta cũng không dám mơ đến. Đêm đêm ngủ thì thôi, tỉnh dậy Phô bắt đầu nhẩm tính, những con số lợi tức từ những khoản lãi suất 15 phần trăm, 20 phần trăm ngày một nhiều lên, tim Phô rạo rực lên vì những con số… Phô đi đi lại lại trong phòng riêng của mình, đầu óc phấn chấn: Chà chà phải quản lý thật chặt chứ không thì mẹ con nhà này (ý Phô nghĩ đến Hạnh và hai đứa con của anh ta) chúng nó ăn hoang phá hoại hết.

Ngày tháng bị cuốn đi rất nhanh, thời gian này, có một chút biến động, rậm rịch một vài khách hàng vay, không có khả năng trả nợ, khiến Phô lo lắng đứng ngồi không yên. Anh ta cầu cứu nịnh nọt đến vợ, nỗi lần đi đòi nợ, Phô đèo vợ đi, trông chờ ở sự hiểu biết, và nói năng khoát đạt của vợ. Tuy nhiên, vẫn không thể ngăn được số nợ khó đòi ngày một tăng lên.Thế cùng Phô lập quân quyền đi đánh nhau. Kiện tụng ra tòa. Nhưng tất cả cũng chỉ là vô vọng.

Rồi nguy cơ cô nhân tình đã chạy làng. Phô như điên, mắt đỏ ngầu, hắn nghiến răng: “Tao thà chết, chứ không chịu mất xu nào, mồ hôi nước mắt của tao cả đấy.”

Rồi hắn dắt xe ra đi. Rồi hắn lại về, dựng xe, lại nghiến răng: “Tao thà chết chứ không chịu mất xu nào…”. Ngày hôm sau lại vậy. Mất ăn, mất ngủ người hắn gầy dộc, xác xơ.

Hôm ấy, một ngày đông rét mướt, gió bấc thổi vù vù trên mái nhà, mây đen mù trời. Buổi trưa ăn cơm xong, Phô đi đi lại lại trong nhà, ngó nghiêng xem xét mọi đồ đạc mua về, ti vi, máy giặt, tủ lạnh… Xem có bị mất dấu chỗ nào không. Vừa đi hắn vừa nghiến răng kèn kẹt: “Tao sẽ tìm đến tổ chấy của nó cho mà xem. Tao thà chịu chết chứ…” “Cha tiên nhân bố đứa nào đun nước tắm bằng bình nóng lạnh đây?”

Chả là vào rửa mặt, Phô thấy có nước nóng. “Mụ kia nằm yên đấy à?”  Hạnh thong thả nói:  “Tôi có tay đâu mà bật được điện ở trên cao.” “Vậy thì thằng Phong à. (Thằng Phong là đứa con trai cả đang học cấp ba). Bảo nó củi ngoài vườn đầy ra, đun nước mà tắm, liệu đấy mà phá nhá…”

“Tao thì tao sẽ tìm đến tổ chấy của nó cho mà xem, tao thà chịu chết chứ không chịu mất một xu nào đâu, mồ hôi nước mắt của tao cả đấy… Tao về mà thấy bật điều hòa, tủ lạnh thì chết với tao.”

Rửa mặt xong Phô định dắt xe đi, thấy xe dính tí đất, Phô dựng lại, vào nhà lấy khăn ra lau. Miệng vẫn không ngừng nói:  “Mẹ nó chứ, tao thà…. chết chứ… À, tao dặn này, từ nay hái chè ngoài vườn hãm nước, thì chỉ hái độ mấy lá thôi, rồi cho vào cối giã nhỏ ra, bỏ vào tích đổ nước nóng vào, là nước sẽ đặc và ngon. Không được hái nhiều, tốn chè hiểu chưa, nhớ lấy” - Nói rồi hắn lên xe đi hẳn.

Hai ngày sau, người ta tìm thấy xác Phô trong một khu rừng, gần nhà cô nhân tình của anh ta. Ở đấy cây cỏ bị quần nát, chứng tỏ đã có một vụ đánh nhau.

Phô chết được mấy năm, thì Hoa ngã bệnh. Lúc này con của hai gia đình đã trưởng thành. Hai người con của Hạnh, học xong đại học, ra làm việc, đã xây đựng gia đình.

Hai người con của Hoa, không thi được đại học, ở nhà làm ăn rồi lấy vợ lấy chồng. Thời gian gần đây, người con trai của Hoa, làm ăn thua lỗ, ăn chơi trác táng. Anh ta vỡ nợ, phải bán nhà trả nợ ngân hàng. Nhà nghèo bệnh trọng, Hoa không chốn nương thân, không biết bấu víu vào đâu.

Bà Hạnh bàn với các con, đưa dì về nhà chăm sóc. Khác với Hạnh, căn bệnh ung thư của Hoa tiến triển khá nhanh. Hoa nhận sự ân cần chăm sóc của mẹ con Hạnh, một cách ngượng ngùng khổ sở hơn cả những cơn đau. Một hôm Hoa thều thào nói với chị:

- Chị ơi!... em sắp… chết rồi… Chị đừng thương em… em không xứng đáng được nhận tình thương… của chị… và các cháu đâu.

Nhìn người em gầy yếu, run rẩy như chiếc lá sắp lìa cành, Hạnh giàn giụa nước mắt nói:

- Không. Chị vẫn thương em, yêu quý em, như những ngày xưa em còn bé chị cõng trên lưng. Ngày em mới sinh ra, chị bảo mẹ đặt tên em là Hoa, để sau này lớn lên em xinh đẹp như hoa.

  N.M.N

Bài viết khác