Truyện ngắn của ĐỖ XUÂN THU
Thế là tôi đã hoàn thành chương trình huấn luyện chiến sĩ mới. Ba tháng vất vả, gian nan với bao điều mới lạ cũng đã qua. Từ một thanh niên tự do, đang lơ ngơ trước cuộc đời, bước vào quân ngũ, tôi như người được lột xác.
Môi trường mới, quân kỷ, quân phong, giờ nào việc nấy chính xác tới từng phút. Bạn bè mới, cùng trang lứa. Từ bốn phương về đây, chúng tôi được các anh chỉ huy và đồng đội đi trước huấn luyện, giúp đỡ quen dần với cuộc sống người lính. Thư về nhà, thư cho Trang tôi kể khá nhiều về sự đổi thay này. Kể cũng lạ. Đang có điện thoại di động để a-lô, để nhoay nhoáy bấm phím nhắn tin, vào đây không được dùng nó nữa, chuyển sang liên lạc bằng thư tôi cũng quen ngay và hào hứng ra phết. Vui nhất là khi nhận được thư Trang. Tôi đọc ngấu nghiến. Từng câu, từng chữ thuộc nằm lòng. Nhìn con chữ nguệch ngoạc của em, tôi thấy em như đang cười. Rõ khổ. Hai đứa tôi quen vi tính, laptop, quen I-phone, Ipad rồi nên chữ nghĩa có ra gì đâu. Ấy vậy mà đọc thư nhau lại thấy có hồn và rưng rưng đến lạ. Thế mới hiểu thời ông bà tôi, bố mẹ tôi lại trân quý những lá thư xanh biết nhường nào.
Huấn luyện chiến sĩ mới kết thúc có nghĩa là chúng tôi sẽ được phân về các đơn vị trở thành người lính thực thụ. Binh nhất hẳn hoi rồi. Oách lắm chứ. Do rèn luyện tốt, đạt kết quả cao, tôi được chọn đi học lớp thông tin. Được tin này tôi mừng lắm. Đúng nguyện vọng, sở trường của tôi rồi. Ở nhà, tôi ham mê vi tính, tin học. Nào ngờ vào quân đội tôi lại được toại nguyện. Trở thành lính thông tin thì còn gì bằng. Thư cho Trang tôi khoe liền. Nàng học trung cấp y sau này sẽ trở thành y sĩ, bác sĩ. Biết đâu đấy, tôi sẽ thành sĩ quan thông tin thì sao? Kể cả không sĩ quan đi nữa, chỉ làm lính thông tin chuyên nghiệp thôi cũng đã tốt lắm rồi. Bố tôi bảo, ở đời được làm điều mình thích đó là hạnh phúc. Tôi và Trang đều vậy. Sau này, tôi sẽ là cao thủ diệt virus máy tính. Còn em, chiến binh diệt virus dịch bệnh. Cả hai phối hợp tác chiến. Được thế thì còn mơ gì hơn nữa?
“Tuýt! Tuýt tuýt!”. Tiếng còi báo động của chỉ huy bất chợt vang lên. Tôi giật bắn mình ngơ ngác. Định thần lại tôi nhận ngay ra tình cảnh của mình. Vậy là mình đang mơ. Mơ giữa rừng. Không phải “công chúa ngủ trong rừng” mà là lính, là cái thằng tôi đây này. Cả tuần nay, đơn vị tôi phải làm lều lán ở đây nhường doanh trại cho quân khu làm khu cách ly tập trung phòng chống dịch Covid. Mẹ cha cái con virus SARS CoV-2 chứ! Vì nó mà chúng tôi phải khổ. Mưa gió, rét mướt, phải rải nilon ra đất để nằm, căng bạt lên để lấy chỗ ngủ nghỉ. Vì nó mà tôi chưa được nhập trường thông tin để đêm nào tôi cũng mơ thấy Trang cùng đôi quân hàm đỏ chót với phù hiệu sóng điện lung linh trên ve áo.
Còi lệnh báo động di chuyển đơn vị. Lại đi đâu nữa đây? Giữa đêm hôm khuya khoắt này? Tôi cuống cuồng gấp chăn màn, quần áo nhét vào ba lô. Cuộn cái chiếu cài vào bên ngoài nữa là xong. Tiếp đó, vơ vội cây súng, tôi lao ra chỗ tập trung. Đồng đội tôi đã có mặt đầy đủ. Đêm tối mù mù. Mưa bay lất phất. Sao năm nay lại mưa nhiều đến thế? Có hôm, trời trở trứng, hứng lên lại còn mưa đá, lốc xoáy nữa chứ. Thì cái đêm đầu tiên đơn vị tôi vừa chân ướt chân ráo tới đây đấy thôi. Mưa như trút nước. Gió gầm rú. Chớp xé đêm. Vạch nhì nhằng. Sấm sét đì đoành, khét lẹt. Thiên nhiên thịnh nộ. Những hạt mưa đá rơi xuống, quất vào mặt rát ràn rạt. Ai nấy đều ướt như chuột lột, mặc dù tăng võng che chắn khá đầy đủ.
Tập hợp đội hình xong, đại trưởng Hòa quán triệt: “Toàn đơn vị trở lại doanh trại cũ. Tốc độ hành quân… cự ly giãn cách… hướng hành quân… Xuất phát!”. Lần lượt trung đội một, trung đội hai rồi đến trung đội ba của tôi nối đuôi nhau lầm lũi đi. Bắt đầu có sự xì xào bàn tán. Vậy là dịch Covid lui rồi, được về doanh trại cũ rồi. Không phải gối đất nằm sương nữa. Chuyến này tha hồ vui nhé. Ơ! Dưng mà… về đấy khéo mỗi thằng một nơi đấy. Còn huấn luyện tân binh nữa đâu mà ở cùng nhau? Thằng nào có đơn vị mới thì về nhé. Sướng nhất mấy thằng được đi học. Lính thế là lính sinh viên rồi còn gì? Tôi nghe chúng nói lòng mở cờ trong bụng. Viễn cảnh nhấn nút tạch tè, cầm tổ hợp a-lô, lướt mạng vi tính hiện lên. Và… Trang tới thăm. Nàng đứng lặng nhìn tôi thao tác thán phục. Nghĩ tới đó, tôi mỉm cười một mình trong đêm chẳng để ý đến quãng đường hơn chục cây số với chiếc ba-lô khá nặng trên lưng.
Tang tảng sáng, chúng tôi đã về tới gần doanh trại. Lệnh nghỉ chân ban ra. Tới lúc này, đại trưởng mới cho biết: “Tình hình đại dịch Covid-19 đang diễn biến rất phức tạp. Thủ tướng đã có chỉ thị 16 cách ly toàn xã hội. Nhiều khu cách ly tập trung đã quá tải vì đón người từ nước ngoài về. Đơn vị chúng ta trở lại doanh trại cũ có nhiệm vụ bảo đảm an toàn, phục vụ trực tiếp những người cách ly ở đây. Đối mặt với hiểm nguy nên các đồng chí phải hết sức cẩn thận. Đeo khẩu trang, giữ khoảng cách tiếp xúc, chu đáo, tận tình với nhân dân”. “Giời ạ! Cứ tưởng dịch nó lui rồi!” - Thằng Bang A2 bất ngờ thốt lên. Tiếng ai đó xen ngang: “Thôi. Thế cũng được. Miễn là ngủ nghỉ trong nhà cũ của mình là được rồi!”.
“Không có chuyện đó đâu - Đại trưởng chắc nghe thấy chúng tôi xì xào liền giải thích - Chúng ta sẽ căng lều bạt tại sân doanh trại để nghỉ. Toàn bộ các phòng, giường chiếu, chăn màn nhường cho những người cách ly. Nhiệm vụ của chúng ta là phục vụ cơm nước cho họ, cùng đội ngũ y bác sĩ kiểm tra thân nhiệt, chăm sóc sức khỏe, bảo vệ an toàn cho họ. Tuyệt đối không để một ai trốn cách ly hoặc người ngoài thâm nhập vào. Virus SARS CoV-2 rất nguy hiểm, dễ lây lan. Sơ sểnh một tí là bùng phát dịch ngay. Các đồng chí rõ cả chưa?”. “Rõ!” - Chúng tôi đồng thanh đáp.
Theo sự phân công, các trung đội chiếm lĩnh các vị trí. Trung đội 1 tiếp tục hành quân vào hỗ trợ bệnh viện. Trung đội tôi ở sân trung tâm. Trung đội 2, ngoài gần cổng doanh trại. Lều bạt được căng lên. Chỗ ở được sắp xếp. Tuy ngoài trời nhưng chúng tôi vẫn thực hiện đúng điều lệnh nội vụ. Chiếu chăn thẳng hàng, vuông vắn. Giày dép để đúng một phần ba phía dưới chỗ nằm. Giá súng, giá mũ, dây phơi quần áo gọn gàng đâu ra đấy. Việc này chúng tôi quen rồi. Dù hoàn cảnh nào cũng cứ phải tươm tất, khoa học.
Các tổ bộ phận được hình thành. Tổ nhà bếp cấp dưỡng; tổ chuyển đồ ăn, nước uống; tổ cùng quân y đo thân nhiệt, lấy mẫu máu xét nghiệm; tổ canh gác, bảo vệ; tổ thông tin truyền thông… Cứ tưởng nhàn. Nào ngờ quá vất vả. Ai nấy đều luôn chân, luôn tay. Có lúc phải hỗ trợ chi viện cho nhau giữa các tổ. Phục vụ mấy trăm người chứ ít gì? Sao mà người về cách ly nhiều thế? Có đêm, đang ngủ ngon thì có lệnh đón tiếp. Bốn, năm chiếc xe ca chở người từ sân bay tới. Lại chia nhau dẫn họ nhận phòng, giao chăn chiếu. Rồi cháo bánh phục vụ luôn (vì họ chưa ăn tối). Một vài người mè nheo đòi đổi phòng, đổi chăn, thay chiếu. Thậm chí có người tụ tập quát tháo đòi về nhà, không cách ly. Chúng tôi lại phải động viên, giải thích. Mềm mỏng nhưng cương quyết. Cuối cùng rồi cũng ổn. Xong việc thì ai nấy đều mệt nhoài, để cả quần áo, khẩu trang lăn ra lán trại ngủ.
“Cứ tưởng xong huấn luyện tân binh thì sẽ sướng nào ngờ khổ bỏ mẹ chúng mày ạ” - Thằng Bang oang oang. “Mày cẩn thận cái mồm đấy, không khéo thì lại toi” - Tôi nói lại với nó. Nó hềnh hệch: “Tao sợ gì? Nói chỉ có đúng thôi. Bộ đội thế này chán chết. Giá có thằng giặc nào bòm nhau với nó lại hay. Đằng này, trận chiến gì mà đánh nhau chẳng thấy kẻ thù đâu cả?”. “Tao bảo mày cẩn thận cái mồm là có hai ý đấy - Tôi đáp lại - Thứ nhất, nói năng phải giữ mồm giữ miệng, chớ có văng mạng. Thứ hai, liên tục đeo khẩu trang vào. Virus nó không nể đâu. Vỡ mõm đấy. Giặc vô hình này mới nguy hiểm. Đừng có chủ quan!”. Nghe xong, Bang hiểu ra ngồi im.
Kể ra, thằng Bang nó nói cũng trúng cả ý tôi. Bao nhiêu oai oách viễn cảnh của anh lính thông tin chẳng thấy đâu giờ lại đi bưng bê cơm nước, quét dọn vệ sinh thì đúng là yếu lính thật. Giúp y sỹ, bác sỹ đi đo thân nhiệt cho người cách ly còn đỡ chứ lấy mẫu xét nghiệm của họ kể cũng ghê. Lỡ sơ sểnh thì… Thì đấy, đã có người dương tính phải chuyển đi bệnh viện luôn rồi đấy. Biết ai dương, ai âm mà liệu? Tuy vậy, mấy em du học sinh xinh đáo để. Âu, Mỹ về có khác. Da trắng, dáng đẹp, mắt nai thế cơ mà. Có em bẻm mép tán ra phết. Nhưng mà, anh có người yêu rồi nhé. Không dễ đổ được đâu. Tôi vui vui nghĩ vậy và nhớ Trang vô cùng. Thằng Bang và mấy đứa khác nữa cứ xoắn tít với các em. Dần dần, các em quen môi trường sinh hoạt mới. Nhiều em đã phụ việc cùng bộ đội quét dọn phòng nghỉ, vệ sinh doanh trại một cách rất tình cảm và trách nhiệm. Những chiều cầu lông, bóng chuyền, những tối ca hát giao lưu vui đáo để. Các cô chú nhiều tuổi cũng cuốn hút theo, tham gia cùng. Vui thì vui, mọi người đều ý thức giữ đúng khoảng cách khi giao tiếp.
Hơn mười giờ đêm, chúng tôi xong các việc trở về chỗ nghỉ. Lúc này chúng tôi mới cảm thấy mệt và đói. Tôi lôi bánh mì vừa được phát ra ăn. Bữa tối, chúng tôi nhường cho đoàn cách ly rồi. Họ đến muộn không kịp báo cơm. Cái đói lúc này trỗi dậy xua đi cái mệt. Thằng nào thằng nấy ăn ngấu nghiến. Ăn xong thì cái mệt được dịp trỗi dậy. Mắt chúng tôi díp lại rồi cứ thế lăn ra ngủ. Đêm qua gần trắng đêm rồi. Thằng Bang để cả giày, nằm tênh hênh ngáy. Tôi thì khác, trằn trọc mãi. Nhớ nhà, nhớ Trang. Không biết ở nơi ấy có bình yên hay không?
“Các chị ơi! Ra nhìn bộ đội nằm ngủ kìa!”. Có tiếng nói thì thào vọng xuống từ tầng hai. Tôi quay nghiêng người dỏng tai nghe. “Rõ khổ. Các anh ấy nằm la liệt dưới đất kìa. Có người còn không kịp mắc màn nữa. Chắc mệt quá đây mà. Thì cả ngày phục vụ, bưng bê, kê dọn thế lo chả mệt. Vậy mà cái cô gì từ Đài Loan về còn cảnh vẻ, kẻ cả. Bà ta chê ỏng chê eo phòng nghỉ chứ. Cứ đòi hỏi như khách sạn cơ. Kia kìa! Ra nhìn bộ đội họ nhường giường chiếu, nhường phòng nghỉ cho mình để nằm đất phơi sương kia kìa! Thương các anh ấy quá. Vì dân mà họ phải hy sinh đấy….”
Đêm khuya thanh vắng, những lời bàn tán của họ lọt hết vào tai tôi. Tôi bỗng thấy tự hào, hãnh diện lắm. Bộ đội Cụ Hồ mà lị. Ông tôi, bố tôi ngày trước còn khổ gấp nhiều lần thế này cơ. Bom đạn quanh mình, ngủ hầm, mưa dầm, cơm vắt đâu được như chúng tôi bây giờ. Thế nên, như này có là gì. Các em cứ yên tâm cách ly nhé. Mười bốn ngày âm tính về gia đình tha hồ vui. Cả nước đang gồng mình chống giặc Covid chứ có phải riêng bọn anh đâu.
“Tuýt! Tuýt tuýt!”. Còi báo động lại vang lên. Chúng tôi bật dậy tập hợp đội ngũ. Chỉ huy cho biết bệnh viện báo về đang cần một cơ số máu cấp cứu. Đặc biệt nhóm máu O. Đồng chí nào nhóm máu này vui lòng hiến máu cứu người”. Tôi giật thót mình. Chính là tôi đây. Tôi biết điều này vì trong hồ sơ sức khỏe của tôi ghi rất rõ. Cô tôi là bác sĩ mà. Trong trung đội không biết còn ai có nữa không? Nhìn quanh, cả B lặng phắc. Tôi liền giơ tay dõng dạc: “Có tôi!”. “Hoan hô đồng chí Hoàng - B trưởng phấn khởi - Mời đồng chí theo xe quân y lên bệnh viện. Khẩn trương”.
Tới nơi, tôi được xét nghiệm gấp. Các chỉ số đều “ok”. Các bác sĩ tiến hành lấy máu. Sau đó, họ đưa tôi về phòng nghỉ. Người tôi mệt nhoài. Tôi biết mình mệt không phải vì mất máu mà cái chính là do buồn ngủ. Mấy đêm nay đêm nào tôi cũng chỉ chợp mắt được vài tiếng thôi. Giờ ở đây phòng thơm, chăn êm, gối nệm như dụ dỗ, gọi mời tôi vào giấc ngủ. Vừa khoan khoái được hiến máu cứu người, vừa trong môi trường thế này tôi làm sao mà “hoãn cái sự sung sướng” ngủ được. Vậy là tôi thiếp đi.
“Chị! Tình hình bệnh nhân sao rồi?”. “Ổn rồi! May quá có anh bộ đội hợp nhóm máu cho máu nên ông ta đã tạm ổn”. Tôi nghe loáng thoáng. Đến đoạn “anh bộ đội cho máu… ổn rồi” thì tôi tỉnh như sáo. Vẫn tiếng họ trao đổi với nhau. “Đã cho anh bộ đội ăn bồi dưỡng gì chưa?”. “Chưa. Em vừa mang bánh, sữa tới đây thì anh ấy ngủ rồi. Người đâu dễ ngủ mà lại đẹp trai thế cơ chứ”. “Mày chỉ được cái dại trai thôi. Gọi anh ấy dậy ăn ngay kẻo lại tụt đường huyết cấp cứu thì gay”.
Tôi dụi mắt thức dậy. Ba cô gái choàng quần áo bảo hộ y tế lụng thụng như khoác những bộ đồ đi mưa, mũ, găng, tất, khẩu trang che kín người đang ngồi giữa phòng. Nhìn họ cứ như đoàn phi hành gia vậy. Trên mặt bàn là xuất ăn bồi dưỡng dành cho những người vừa hiến máu. Một cô bê nó đặt sang cái bàn bên cạnh rồi nói: “Mời anh lại ăn bánh sữa ạ”. Tôi nghe giọng quen quen, ngẩng lên nhìn. Cao ráo, dáng đẹp phết. Mỗi tội che kín hết chẳng biết có xinh hay không. Cô ta cũng nhìn tôi chằm chằm. Tôi bịt khẩu trang, đứng cách em ba mét chăm chú nhìn lại. Bất ngờ em reo lên: “Anh Hoàng! Phải anh Hoàng không?”.
Tôi sững người. Hai cô gái kia cũng tròn mắt. Cô gái vừa nói tiếp tục reo to: “Em đây! Thu Trang đây! Anh không nhận ra em à?”. “Trời! Thu Trang!”. Tôi kêu lên và chạy tới gần em. “Không được - Tiếng hai cô gái kia quát lên - Yêu cầu hai bạn giữ đúng khoảng cách!”. Cả tôi và Trang cùng sững lại rồi cùng chợt hiểu ra tình cảnh của mình. Cứ thế chúng tôi ríu rít hỏi thăm nhau. Thì ra, Trang cùng các bạn cùng lớp trường y được gọi trở lại trường đăng ký tình nguyện đi hỗ trợ chống dịch. Nàng vừa đến đây hôm kia. Biết gần đơn vị tôi nhưng nàng nghĩ tôi đã đi học lớp thông tin nên không kiếm thăm. Thì trong thư tôi chả khoe vậy rồi còn gì? Có di động đâu mà liên lạc? Hơn nữa, kỷ luật cách ly không cho phép nàng tự do ra ngoài. Không ngờ, chúng tôi được gặp nhau ở đây. Cả hai cùng ở tuyến đầu chống dịch.
Hai cô gái kia, một bác sĩ, một y sĩ thấy hai đứa tôi vậy thì vui lắm. Họ cười nói, tếu táo đủ điều. Bốn chúng tôi cuốn hút vào câu chuyện tình yêu thời Covid quên cả xuất ăn bồi dưỡng của tôi đang bỏ chỏng trơ trên bàn. Vừa lúc đó, tin từ phòng mổ báo về: bệnh nhân người nước ngoài được tiếp máu đã hoàn toàn tỉnh táo, qua cơn nguy kịch rồi. Chúng tôi reo lên mừng rỡ. Tôi thấy mình khỏe và vui hơn bao giờ hết.
Ngoài kia, trời đã sáng tự bao giờ…
Đ.X.T
(Nguồn: TC VNNB 264-4/2022)