Truyện ngắn của NGUYỄN MINH NGỌC
Mỗi khi nghĩ đến câu: “Trai ở nhà vợ như chó chui gầm chạn” Hoàn lại thấy khó chịu trong lòng. Đâu phải bố mẹ anh nghèo khổ, không có một tấc đất cắm dùi để lại cho anh? Anh cũng không phải là hạng người hèn kém, không xây dựng nổi cơ nghiệp cho vợ con, để đến nỗi phải đi ở rể.
Hoàn và Lân yêu nhau từ thời gian học trong trường Trung cấp Y của tỉnh. Ngày ra trường, cả hai được điều về làm việc ở phòng Y tế huyện nhà. Sau khi tổ chức lễ cưới, họ được cơ quan phân cho một gian nhà, trong khu tập thể. Đứa con gái đầu lòng của vợ chồng Hoàn được một tuổi, thì có lệnh động viên của cấp trên cần nhân lực ngành y cho chiến trường miền Nam, Hoàn tạm biệt vợ con xung phong vào bộ đội. Cùng lúc đó, Duy người em trai của Lân đang học cấp ba, cũng đi khám sức khoẻ và đủ tiêu chuẩn đi bộ đội. Nhà Lân chỉ có hai chị em, theo chính sách thì Duy được miễn nghĩa vụ quân sự, nhưng Duy giấu bố mẹ làm đơn xin đi bộ đội. Ba tháng tập luyện ở ngoài Bắc, hai anh em Hoàn và Duy được ở cùng nhau. Sau đó Duy được phân vào đơn vị bộ binh, Hoàn vào đơn vị quân y theo chuyên môn của anh. Anh em họ chia tay nhau, mỗi người một ngả hành quân vào chiến trường, rồi từ đó chiến trường rộng lớn, họ mất liên lạc với nhau.
Vào chiến trường Hoàn được biên chế vào một trạm quân y, đi theo bảo vệ các đơn vị bộ đội chủ lực, đoàn của anh nay đây mai đó khắp chiến trường miền Nam, ở đâu cần là các anh tới hỗ trợ trong việc điều trị các thương bệnh binh. Đến năm bảy hai, đơn vị Hoàn vào đến chiến trường Tây Ninh, tại đây anh gặp lại Duy, người em vợ của mình. Đó là những ngày cuối năm bảy hai âm lịch, giáp tết nguyên đán, theo quy định thì lẽ ra hai bên phải ngừng tiếng súng để nhân dân ăn tết, tuy nhiên các trận chiến vẫn diễn ra không kém phần gay go ác liệt.
Trạm quân y của Hoàn đóng bên phía hữu ngạn dòng sông Đông. Suốt từ chập tối ngày 27 tết cho tới sáng ngày 28 tết, anh em trong trạm quân y liên tục tiếp nhận những chiếc cáng thương binh từ mặt trận bên kia sông chuyển về, công việc cứu chữa và chăm sóc thương binh diễn ra hết sức khẩn trương. Mỗi khi gặp một ca thương binh quá nặng, vượt tầm cứu chữa của các anh, đành bó tay nhìn cái chết thương tâm, không khí trong trạm trùng xuống với lòng tiếc thương đau buồn vô hạn!... Bên kia sông tiếng súng đạn vẫn không ngừng dữ dội …
Đến khoảng hơn bốn giờ sáng, tiếng súng thưa dần rồi ngừng hẳn, không còn thương binh chuyển về nữa, mọi người thay nhau ngả lưng, chợp mắt. Vừa đặt lưng được mươi, mười lăm phút, bỗng lại bùng lên những tiếng nổ dữ dội ở phía sông Đông, Hoàn vội vàng bật dậy. Từ phía bờ sông, ba chiếc cáng tất tả chạy vào. Trong ánh sáng mờ mờ của ngọn đèn, Hoàn nhận ra Duy, em vợ của mình nằm bất động trên một chiếc cáng, anh lo lắng chạy theo cáng, gọi em: “Duy ơi!... Duy ơi! anh đây, anh Hoàn của em đây. Anh sẽ cứu chữa cho em… Duy ơi!...”
Nét mặt của những người tải thương buồn rầu nặng nề, họ nói: “Đây là ba chiến sĩ xung phong ở lại yểm trợ để đơn vị rút quân, hoàn thành nhiệm vụ, các anh vượt sông trở về thì bị địch phục kích, cả ba đều bị thương, họ đã cố bơi qua sông trở về với đơn vị.” Một lúc sau, Duy tỉnh lại, nhận ra Hoàn, miệng Duy mấp máy: “Anh… Hoàn!...” Rồi Duy nhìn vào cánh tay đeo đồng hồ của mình, ý muốn bảo Hoàn tháo chiếc đồng hồ ra. Và bằng một giọng yếu ớt, Duy cố nói trong hơi thở: “Anh mang về… cho…bố… hãy chăm… sóc… bố… mẹ… thay… em…!” Nói được bấy nhiêu lời, Duy lịm đi. Vết thương quá nặng, mọi cứu chữa của bác sĩ đều vô hiệu. Hơn một tiếng sau, Duy qua đời!
Mờ mờ sáng hôm ấy, đơn vị làm lễ truy điệu, an táng cho Duy trong niềm xót thương vô hạn! Hoàn tiễn biệt em trong nước mắt, anh thì thầm: “Duy ơi!... Em yên tâm, nếu còn sống trở về, nhất định anh sẽ thực hiện điều mong muốn của em.”
Đặt em vào lòng đất mẹ, xong việc mọi người ra về. Hoàn còn ngồi lại, sương đêm ướt đầm vạt cỏ xanh ven rừng, buổi sáng mùa đông đìu hiu lạnh lẽo. Trên đầu Hoàn những đám mây xam xám dường như ngưng trôi, nền trời thâm thấp nặng nề trùm xuống xung quanh chỗ anh ngồi. Hoàn dang tay ôm lấy ngôi mộ của Duy như muốn ủ ấm cho em, lòng nghẹn ngào đau xót… anh lại thì thầm trong nước mắt: “Duy ơi!… Em yên tâm, nếu còn sống trở về, nhất định anh sẽ thực hiện điều mong muốn của em.”
Ngày tháng trôi qua, niềm mong muốn của người con trung hiếu ấy, vẫn luôn vang vọng trong lòng Hoàn, theo anh đi khắp các chiến trường, cho tới ngày miền Nam chiến thắng. Hoà bình, Hoàn khoác ba lô về nhà bố mẹ vợ, thời gian này vợ con anh đang ở khu tập thể cơ quan, nhà chỉ có hai ông bà già lọ mọ bên nhau, bà mẹ mắt đã bị mờ vì khóc thương con, ông bố gầy yếu, tấm lưng còng xuống dưới sức nặng của sự khổ đau.
Hoàn đặt chiếc đồng hồ và các di vật của Duy lên bàn thờ, thắp nén hương… đứng lặng hồi lâu, anh trân trọng nhìn tấm di ảnh Duy: Một gương mặt nam nhi tuấn tú, với đôi mắt sáng giầu nghị lực, coi thường gian khó!... Lòng anh trào dâng nỗi xót thương, đầu anh hiện lên hình ảnh ngày hôm ấy, ngày mà anh tự tay đưa em vào lòng đất mẹ. Và, một giọng nói yếu ớt, đứt quãng trong hơi thở, văng vẳng bên tai anh. Trong làn khói hương, Hoàn như nghe thấy tiếng vọng của quá khứ giục giã anh hãy thực hiện lời hứa năm xưa, anh lại ứa nước mắt thương em!... Quyết định sẽ thực hiện tâm nguyện của em, hôm sau Hoàn thưa chuyện với bố mẹ, rồi thu xếp cho vợ con về nhà, để vợ ngày ngày đạp xe đi làm, anh xin phục viên ở nhà lo việc gia đình, giúp đỡ bố mẹ và chăm con.
Bố vợ Hoàn là một người có đôi bàn tay vàng, một thợ mộc tài hoa, giỏi nhất vùng. Ông có vóc người cao cao thanh nhã, khuôn mặt trái xoan, nước da hồng hào, chòm râu bạc thưa thưa, hợp với cái cằm thanh thanh; tuổi cao nhưng đôi mắt ông vẫn sáng, trông ông có dáng như một nhà trí thức chứ không phải người lao động chân tay. Thời ấy, người ta thường xây dựng những ngôi nhà ở bằng gỗ, lợp ngói. Khắp cả một vùng xung quanh xã ông, từ ngôi nhà bình thường, đến ngôi nhà đẹp sang trọng, ai muốn xây nhà mới họ đều đến nhờ ông làm những công việc hệ trọng, như ra công đục trạm, cất nhà, bỏ móc. Đình chùa của các làng trong vùng, dù tu sửa hay xây mới, họ cũng mời ông làm thợ chính.
Chỉ bằng chiếc đục, chiếc tràng ông tạo nên những nét hoa văn rất đẹp, hợp với từng kiểu nhà, vừa đúng theo ý của chủ. Ở các đình chùa, hoặc các ban thờ tự, ông vẽ nên những Long, Ly, Quy, Phượng bóng đẹp, mềm mại, tinh tế và nhiều ý nghĩa, do ý tưởng bay bổng của ông tạo nên. Riêng ngôi chùa của làng, hoàn toàn do một tay ông thiết kế. Trong ngoài chùa được bài trí tôn nghiêm, đẹp nhất trong các chùa của khu vực. Ngôi chùa hoàn thành, dân làng vui vẻ, ai cũng tấm tắc khen ngợi bàn tay vàng và tấm lòng quý hoá của ông đối với xóm thôn... Để cảm ơn công lao ông, hàng năm ngày tết, ngày lễ cán bộ trong thôn thay mặt nhân dân mang quà đến biếu ông, họ thưa: “Để nhớ ơn ông, Khi ông còn sống thì làng sẽ lễ, tết ông; khi ông quy tiên thì làng sẽ giỗ ông.” Và họ đã làm đúng như vậy.
Ngày uỷ ban xã, báo tử người con trai duy nhất của ông, trong thôn ngoài xã ai cũng ngậm ngùi thương tiếc và xót xa cho hoàn cảnh gia đình ông. Nhưng rất may, khi chiến tranh kết thúc Hoàn trở về xin ở rể, biết tin bà con nối xóm ai cũng mừng cho ông bà. Tuy nhiên, việc ở rể đối với Hoàn không dễ dàng gì, vì ông bố với người con rể không hợp tính nhau. Hoàn là một người chăm chỉ lao động, tốt bụng nhưng lại trực tính; ông bố vợ, tài hoa đến đâu thì khó tính đến đó, hai bố con thường hay bất đồng ý kiến; cứ như mặt trăng với mặt trời không thể nào hoà hợp được. Chỉ có người mẹ tính tình nhẹ nhàng, hiền hậu, bà quý Hoàn, coi anh như con trai. Công việc ruộng đồng nặng nhọc có Hoàn gánh vác đỡ đần, mẹ con hôm sớm vui vẻ. Nhưng rồi bà bị lâm bệnh trọng, và qua đời ở tuổi năm mươi. Những ngày mẹ vợ ốm, Hoàn lo lắng thuốc thang, đêm hôm nâng giấc mẹ, như một người con trai của bà.
Từ ngày vợ chết, ông bố vợ của Hoàn chìm sâu vào nỗi u buồn, ông càng sống nặng nề và xa cách anh con rể hơn. Ông vẫn biết, Hoàn là một chàng rể tốt, chăm chỉ làm ăn, đối xử với bố mẹ, vợ con chu đáo, quý mến anh em, bà con hàng xóm. Hàng ngày anh mải mê với bao nhiêu công việc, công việc của nhà nông vất vả buông giầm, cầm sào không lúc nào ngơi tay. Hết chăm lo công việc ruộng đồng, Hoàn lại lao vào việc ở nhà, tu sửa lại nhà cửa, trồng cây và chăm sóc cây cối quanh nhà; chăm đàn lợn nái, đàn gà trên trăm con; rồi đăng đó cua, cá; lúc nào thư việc lại đi vợt cào cào, châu chấu về nuôi gà… Người Hoàn gầy và đen sạm, anh không có thời gian để nghĩ đến bản thân mình.
Tất cả những điều này, ông bố vợ đều hiểu và cảm động trước tấm lòng của người con rể, cũng không phải là ông không thương Hoàn. Thế nhưng, ông là người kế thừa một nếp sống cổ xưa vô cùng chặt chẽ: Con trai mới là người nối dõi tông đường, thờ phụng tổ tiên, cũng giỗ ông bà cha mẹ. Con rể chỉ là: “Dâu con, rể khách.”
Bà con hàng xóm ai cũng quý mến Hoàn, họ bảo nhau, ông già ăn ở phúc đức, trời thương nên được người con rể còn tốt hơn cả con trai. Nhiều người động viên ông, họ khen Hoàn trước mặt ông, nhưng ông chỉ nói: “Vâng, anh ấy tốt lắm.” Rồi ông lặng lẽ bỏ đi. Những lúc như vậy, ông càng buồn hơn cho phận mình: “Đâu phải ông không có con trai! Vậy mà bây giờ phải mang tiếng nhờ con rể. Thằng con rể có tốt mấy cũng chỉ là khách qua xuôi nước chảy, nó đâu phải là dòng giống tổ tiên nhà mình”. Vì thế ông càng ghét Hoàn. Lúc nào ông cũng niềm điểm trong người một câu: “Anh ta cứ làm như đây là nhà của anh ta không bằng ấy. Hay anh ta làm cốt là để được hàng xóm khen? Mình chết thì liệu anh ta có lập bàn thờ, bát hương, thờ mình không? Mình chết, lấy ai thờ phụng tổ tiên, ai nối dõi tông đường?…” Càng nghĩ, ông càng cảm thấy đau đớn, nhớ thương con trai, và thương cho thân phận của mình.
Tuy nhiên hai bố con Hoàn lại giống nhau ở một điểm, đó là sự ham mê công việc, vì vậy mà họ hiểu nhau, thương nhau, và họ càng không vừa ý về nhau. Với ý định đỡ đần các con có thêm đồng ra đồng vào, ông bố không quản ngại nắng mưa, rét buốt, nếu có người nhờ công việc về nhà cửa, là ông đi làm ngay. Ban ngày làm không hết việc, ông mang những vật dụng có thể về nhà, để tranh thủ làm đêm, nhiều đêm khuya rồi vẫn còn vang lên tiếng trạm, tiếng đục. Thấy bố vất vả, thương bố nhưng Hoàn lại ca cẩm với vợ:
- Ông tham công tiếc việc quá, khuya rồi cũng không cho người ta ngủ. Em bảo ông cụ, từ nay nghỉ việc thôi. Ông già yếu hơn bảy mươi tuổi rồi, cứ để ông đi làm mãi, dân làng họ chê cười mình không nuôi được bố đấy.
Hôm sau Lân nói chuyện với bố. Ông bố nói:
- Thì anh ta cũng có hơn gì tôi đâu, làm ngày, làm đêm, gầy đen như quỷ đói ấy. Con bảo anh ta, trưa nắng đừng có đầy ở ngoài giời mà cào cào, châu chấu nữa, rồi có ngày chết ở ngoài đồng đấy.
- Bố và nhà con, đừng như vậy nữa được không? Hai người cứ thế, con cũng mệt mỏi lắm. Lân buồn rầu nói.
Sự việc càng căng thẳng hơn, khi kinh tế gia đình khá một chút, các con đã lớn, Hoàn có ý định phá ngôi nhà cũ, xây lại to hơn cho rộng rãi thì ông bố nhất định không đồng ý. Bởi ngôi nhà của ông dù nhỏ, làm bằng gỗ xoan, nhưng do chính tay ông dựng lên, những nét trạm trổ hoa văn tinh xảo trên cột, kèo, bậu cửa là một công trình tuyệt mỹ. Mái lợp hai lần ngói, ngói lát và ngói mũi, trưa hè oi bức, bước chân vào trong nhà mát như vào động. Theo lệnh của ông cụ, Hoàn không dám phá nhà làm lại, nhưng bực mình Hoàn luôn miệng cằn nhằn, “ông già bảo thủ”. Ông bố thì cho Hoàn chỉ là thằng “ăn tàn, phá hoại”.
Ngày qua, tháng lại hai bố con Hoàn vẫn như mặt trăng, mặt trời. Ông bố gần tám mươi tuổi vẫn lọ mọ đạp xe đi làm ở làng khác. Một hôm cực chẳng đã, Hoàn nói thẳng với bố: “Thôi ông đừng đi làm nữa, nếu ông cứ đi làm, là con chặt cái xe đạp của ông ra đấy. Con sẽ thông báo cho mọi người, không ai được nhờ ông nữa.” Cuối cùng, Hoàn phải phá chiếc xe đạp, ông bố mới chịu ở nhà.
Hết việc, ở nhà ông lão đâm ra buồn nản, hay nghĩ vẩn vơ, nhớ thương người vợ quá cố. Ông bắt đầu cảm thấy hơi hướng của nấm mồ! Ông nhẩm tính từng ngày để được về với đất, về bên người vợ của mình. Mỗi khi có người đến chơi, ông cụ thường phàm nàn với họ: “ Ôi, sao mãi mà chưa được chết nhỉ!”
Thế nhưng trời chưa cho ông lão ra đi. Ông vẫn khoẻ mạnh, râu tóc bạc phơ; da dẻ hồng hào; ánh mắt nhìn hoà ái, dáng dấp của một người phúc hậu, được hưởng sung sướng tuổi già. Hằng ngày, trước khi đi làm Hoàn thường nhờ anh em, con cháu quanh nhà sang chơi với cụ, để cụ đỡ cô quạnh tuổi già. Nhà nuôi chim bồ câu, cứ vài ngày, Hoàn lại nấu bát cháo chim bảo vợ con mang lên mời ông. Hiểu tâm lý bố, thỉnh thoảng Hoàn cho người mang gỗ đến nhờ cụ làm vài thứ nhẹ nhàng, như đóng cái khay, cái hộp đựng trầu, để cụ đỡ buồn.
Năm tháng trôi đi, ông bố vợ đã bước sang tuổi ngoại tám mươi, người con rể cũng đã đã lên tới tuổi ông. Thời gian, là người bạn tốt nhất, giúp cho hai bố con ông Hoàn hiểu nhau và xích lại gần nhau. Tính tình cả hai bố con họ đều trở nên hiền hoà và thân mật với nhau hơn, những buổi thư việc hai ông con thường ngồi tâm sự với nhau. Thi thoảng ông Hoàn lại kể cho bố nghe chuyện chiến trường, sự khó khăn gian khổ, sự anh dũng hy sinh của đồng đội, nhưng ông tránh nói đến chuyện của Duy để khỏi chạm đến nỗi đau của bố. Những ngày chuẩn bị tết, ông Hoàn thường mua nhiều thịt, gạo nếp để bố gói bánh chưng, những tấm bánh của ông cụ không dùng đến khuôn mà tuyệt đẹp; ông Hoàn xếp bánh vào nồi, bắc bếp, mang củi sẵn sàng để bố chỉ việc ngồi đun.
Vào một ngày cuối thu, bầu trời cao xanh, gió heo may thổi về đã se se lạnh, ông cụ mặc thêm chiếc áo cánh gụ dài tay, rồi nói với ông con rể:
- Hôm nay, bố đi sang chú Hoàng chơi, và ăn cơm luôn bên ấy. Hôm qua chú ấy đến mời bố.
- Vâng, bố đi cẩn thận ạ. Ông Hoàn đưa chiếc gậy cho cụ: Bố cầm chiếc gậy đi cho vững.
- Thôi khỏi phải gậy, bố đi được.
Ông cụ đã ở tuổi chín tư, nhưng dáng người vẫn thẳng, bước đi chậm chạp, nhưng còn chắc chắn. Buổi trưa hôm ấy, vợ con ông Hoàn cũng đi chơi ở làng bên, ông Hoàn đi bắt châu chấu như thường lệ, nhưng không biết thế nào hôm ấy ông lại về sớm. Về đến cổng nhà, ông Hoàn bỗng giật mình, bố đã ngã sóng xoài trước sân, ông vội bế bố vào nhà. Phát hiện bố bị gãy xương đùi, ông gọi xe đưa bố đi bệnh viện.
Ngày rước ông cụ từ bệnh viện về nhà, ông Hoàn rời chiếc giường đang nằm của mình, vào trong nhà nằm cùng giường với bố. Ban ngày có vợ và các con thay nhau chăm sóc, ban đêm chỉ có mình ông Hoàn, các việc như thay băng, tắm rửa cho cụ thì không ai làm được ngoài ông con rể.
Đó là những ngày, chúa trời sắp gọi cụ ra đi. Và chúa trời mở rộng tâm hồn cho cụ, để ông cụ nhìn thấy rõ hơn niềm hạnh phúc cuối đời của mình. Một hôm vắng người, cụ nói với ông con rể: “Con đích thực là con trai của bố. Bố mất đứa con trai nhưng trời đã đền bù, đưa con lại cho bố. Bố không phải lo, không có người giữ gìn hương hoả ông cha nữa rồi. Bố cảm ơn con!” Ông Hoàn xúc động cầm tay cụ: “Bố cứ yên tâm dưỡng bệnh cho mau khoẻ, bố ạ!”
Hai tháng sau, vào một ngày đầu mùa đông, nhưng tiết trời còn ấm áp hiền hòa. Trên tán cây nhãn cổ thụ trước nhà, đã trổ những đọt lá non toả hương thơm dìu dịu, đàn chim sẻ, chim chào mào ríu rít, líu lo ca hát, những tiếng ca ngọt ngào êm ái, như một dàn đồng ca du dương, gửi lời trân quý tới một linh hồn sắp trở về trời! Chiều ngày hôm ấy, ông cụ qua đời với nụ cười mãn nguyện trên môi.
Cuối thu 2013
(TC VNNB Số 291-3/2024)