Truyện ngắn của LÊ HÀ NGÂN
1- Trời xanh. Mây trắng. Gió se se… Cuối thu hối hả mùa cưới… Nắng vàng ươm trên cây bưởi đào tỏa hương dìu dịu. Ngõ nhỏ vốn yên tĩnh giờ bỗng huyên náo ầm ĩ. Con mèo mướp nằm ườn trên mặt bể rêu phong bỗng choàng dậy khi nghe tiếng hét của trẻ con ngoài đầu ngõ:
- Dâu về rồi! Dâu về rồi… ra xem cô dâu chúng mày ơi…
Chúng xô lấn nhau chạy tới đoàn xe hơi màu trắng dán chữ hỉ đỏ thẫm, nhao nhao những cái đầu hiếu kỳ vào tận cửa xe muốn nhìn mặt cô dâu.
Tiếng quát tháo ầm ĩ cất lên:
- Trẻ nhép vướng chân, tránh ra cho dâu vào chứ.
Ông già râu tóc bạc phơ, khuôn mặt xương xẩu, áo thụng đen như đang cầm hương tế lễ trong từ đường, hua hua tay đẩy lũ trẻ lùi xa rồi nhìn về phía ngõ hét to:
- Chúng mày đâu.. mau đốt đống lửa để cô dâu đốt vía nhé!
Lũ đàn bà con gái đang sắp bát dọn mâm, cũng buông tay đứng cả dậy. Nhưng chẳng đứa nào nhanh tay vơ nắm rơm đốt đống lửa để cô dâu chú rể bước qua xua đuổi những điều xui xẻo như mọi đám đã làm. Bỗng một người đàn bà còn trẻ rẽ đám đông chạy vội vào đứng trước bàn thờ thắp lên ba nén nhang cắm vào bát hương người đã khuất. Tiếng hờ khóc mẹ ơi thảm thiết cất lên. Bát hương tự dưng bốc cháy. Tiếng khóc mỗi lúc một to hơn, thống thiết uất nghẹn hơn... Mấy bà thím họ cũng chảy nước mắt ngùi ngùi nhìn di ảnh người xấu số. Tiếng khuyên can chợt cất lên:
- Thôi con ơi… đừng khóc nữa, đằng nào mẹ con cũng vắn số rồi. Ông ấy đi bước nữa thì con cũng nén lòng cho bố con vui chứ.
Chú rể hằm hằm khuôn mặt dắt cô dâu vào ngõ. Nhìn cảnh khóc lóc xúm xít ở góc sân, máu trong người sôi lên, quay lại bảo cô dâu:
- Mình cứ bước vào đi. Có tôi mình không việc gì phải sợ đứa nào cả.
Tiếng nói đầy quả quyết khiến cô dâu mạnh dạn theo chân chú rể bước vào hôn trường.
Tiếng dè bửu của mấy bà trong họ cất lên. Một bà xem chừng lắm điều nhất cố tình nói nhỏ nhưng vẫn vọng tới tai họ nhà gái:
- Gớm tưởng xinh đẹp, mỏng mày hay hạt lắm cơ, nhìn như quả táo tàu héo ấy, sáu mươi tuổi rồi mà không trót đời, còn bày đặt xe hoa và đi bước nữa. Sao lại có thứ đàn bà mồi chài đàn ông thành tinh thế nhỉ?
Cô dâu sáu mươi tuổi bẽ bàng cúi mặt vân vê tà áo. Chú rể bảy mươi mắt vằn đỏ, nắm chặt nắm đấm trong tay đầy uất hận. Ông trưởng họ vẫn được mệnh danh là Bá Kiến cao mưu của họ Nguyễn cười giả lả kéo tay chú rể ngồi vào vị trí của hôn trường. Cánh tay áo thụng đen lại hua hua chỉ dẫn con cháu rót nước, bưng cỗ mời họ nhà gái. Gã hàng xóm mặt đỏ như gà chọi cầm chén rượu tiến lại phía chủ rể lên tiếng:
- Bác rõ sướng… ai được như bác đời mấy lần cưới vợ…Em chúc hai bác đầu bạc răng long sớm sinh quý tử… hế hế…
Tiếng cười và câu chúc vô duyên ném vào hội hôn. Chú rể tái mặt bấm bụng căm tức đưa chiếc cốc ra chạm mạnh làm rượu tung tóe. Cả hội hôn như nín bặt xem lão hàng xóm diễn trò. Ai còn lạ gì gã, kẻ lắm mồm tham ăn tục uống nhất xóm. Nhớ cái bận buổi sáng hắn quát con mua nửa cân lòng lợn và cút rượu về để đưa cay. Những đứa con thèm thuồng nhìn vào đĩa lòng lợn bốc khói, những ngọn lá húng xanh mướt nuốt nước miếng. Mâm cơm đệ lên, gã đưa mắt lườm vợ con một cái rồi bắt đầu chửi rủa. Lão móc tội đứa bé bẩn thỉu hay khóc nhè, đứa lớn lười biếng, còn mụ vợ thì ngu đần không kiếm được nhiều tiền. Lão moi tông ti họ hàng nhà vợ ra mà chửi, như họ đã từng đè hầu bóp cổ gã không bằng. Đứa bé khóc, đứa lớn sụt sịt uất ức, người vợ tủi và nhục cúi gằm mặt rồi không chịu được nữa liền bế con đứng dậy bỏ đi. Lũ con theo mẹ rời khỏi mâm cơm. Chúng đi rồi, lão mới ung dung rót rượu đánh chén hết đĩa lòng lợn. Mặc mẹ chúng mày bố chả quan tâm. Và đã thành lệ bao giờ có miếng gì ngon vợ gã cũng biết ý bế con lảng xa không có mà bách nhục. Ấy vậy mà hôm nay đám cưới hàng xóm lão lại giờ cái trò mách qué ra cơ chứ.
Nếu không phải là đám cưới của mình thì chú rể đã đấm vỡ mõm thằng hàng xóm mất dậy suốt đời cạnh khóe người khác rồi.
Đứa bé con ngồi cạnh cô dâu, khuôn mặt tái mét. Nó òa khóc mếu máo:
- Bà ngoại ơi! Con không ăn cỗ đâu…về nhà đi ở đây con sợ lắm.
Người đàn bà bối rối buồn bã nhìn cháu ngoại. Đêm qua bà đã phân tích rành rẽ với nó rồi. Rằng bà đi rồi bà sẽ về. Bà sẽ mua thật nhiều quà cho cháu. Thế mà giờ đây con bé vẫn nằng nặc đòi bà về là sao? Một người họ nhà gái ý tứ kéo con bé ra khỏi chỗ cô dâu thì nó nức nở ăn vạ:
- Con không cho bà ngoại lấy chồng đâu! Bà ngoại về nhà với con cơ…hu hu.
Tiếng khóc ai oán… Cô dâu khóc, vỗ về cháu… Bối rối khổ sở… mắt đỏ hoe… Cỗ bàn lạnh ngắt chả ai thèm cầm đũa.
Chú rể xăm xăm dắt cô dâu vào buồng. Căn buồng cũ xưa làm kho đồ chứa giờ được quét vôi trắng toát, tân trang lại như mới. Nghe đâu lại còn mới được lắp điều hòa nữa nhé! Nhớ ngày xưa khi còn mồ ma vợ cũ, có nóng tới mấy ông cũng chỉ bật quạt điện, bật một lúc là tắt ngay sợ tốn kém, giờ lại lắp điều hòa mới tinh đón người mới nữa nhé! Đời đúng là con tạo xoay vần… Bộ com lê mới cứng, chiếc nhẫn vàng to như con đỉa quấn ngang tay. Khiến cho ông Nhuận đỏm dáng ra trò. Thọat nhìn người ta ít nghĩ là ông đã sang tuổi bảy mươi. Cô dâu gầy như xác ve lóng ngóng đứng cạnh ông rõ tội nghiệp. Mở mãi mà cửa phòng cưới không mở ra được…bố khỉ đứa nào nghịch ranh lại sập cửa làm cái khuy bập vào bên trong mới khổ chứ. Cứ như là ma xui quỷ khiến làm phòng cưới cứ đóng im ỉm. Gã thợ khóa cuối xóm cũng được mời vội tới phá khóa thì cô dâu mới vào được phòng.
Tiếng xì xèo lại cất lên… Chẹp chẹp… lần này là lần lấy vợ thứ ba rồi đấy! Chả biết có ăn đời ở kiếp được với nhau không? Cái số ông Nhuận cũng thật là vất vả. Cái điềm báo gì đây mà bát hương của bà vợ ông ấy lại bốc cháy nhỉ?… Mọi người nghi ngại nhìn nhau chẳng ai dám lên tiếng.
Nắng nhạt họ nhà gái lục tục ra về. Đứa cháu ngoại vẫn khóc bám chặt lấy cô dâu. Ông Nhuận thở dài bảo vợ:
- Hay mình cứ để con bé ở lại đây? Có nó càng thêm vui… không sao đâu…
Bà nhìn ông bối rối. Chuyến đò lần thứ hai này với bà sao giông gió muộn phiền làm vậy. Bà dẫm chân lên nước mắt lên niềm đau và bao sự dè bỉu rẻ khinh của thiên hạ để đến với ông. Cau mùa cưới không phủ lụa điều, trầu không đỏ hồng môi hai họ mà đắng chát tẻ buồn chênh chao trong lòng người đàn bà duyên muộn.
2- Tháng hai se lạnh. Mùa xuân mà vẫn có gió đông. Bà nằm trên giường bệnh nhìn ra bầu trời xám đục, vi vút tiếng sáo diều của những đứa trẻ ham chơi. Cây xoan đầu ngõ đã nở hoa tim tím. Từng cánh hoa xám tím theo cơn gió từng đợt rụng xuống ngõ nhà. Nhìn hoa xoan lòng bà rợi buồn. Bà muốn ngồi dậy cầm cái chổi quét từng cánh hoa tím đỏ vun lại một đống để không ai đi qua lại dẫm lên những cánh hoa. Nhìn hoa xoan lòng bà khắc khoải. Nhưng chân tay bà bủn rủn không thể nào ngồi dậy được nữa. Đếm từng ngón tay bà biết mình ốm đã hơn ba tháng rồi, có lẽ giời không thương nên bà càng ngày càng kiệt quệ. Thi thoảng liếc mắt nhìn ông trầm tư bà lại muộn phiền trong lòng. Bệnh viện trung ương trả về là bà biết mình chẳng thế nào sống trên cõi nhân gian này lâu nữa. Lòng bà chợt khắc khoải, bà nhớ tới hình ảnh cái Nhuần đứa con gái riêng của chồng. Hình ảnh đứa bé gái mới tập ngồi trên giường, đã sà vào lòng bà trong ngày cưới. Đôi bàn tay gầy xanh của nó riết lấy cổ bà, nó vùi mặt vào ngực bà tìm vú mẹ khiến bà ứa nước mắt. Cô dâu mới cưới gạt nước mắt chạy vội đi mua hộp sữa bò về pha đút cho con bé! Nó uống như chết khát…
Đêm tân hôn của bà, con bé nằm trong lòng bà nội không chịu ngủ, nó cứ khóc ra rả, khiến bà không thể yên lòng mà chạy vội ra võng xòe tay ẵm nó. Đôi mắt đen láy của đứa bé nhìn bà không chớp, có gì vừa lạ lẫm vừa thân thương. Bà ôm con chồng vào phòng cưới ôm cho nó ngủ. Đêm đầu tiên đi làm vợ, bà đã làm mẹ. Bà đã thương nó hơn cả những đứa con sau này bà đứt ruột đẻ ra. Bà thương người đàn ông từ chiến trường trở về, lấy vợ sinh con. Người vợ trẻ mới sinh con được ba tháng chỉ một cơn cảm xoàng đã dứt áo ra đi. Âm dương cách trở đôi đàng. Đứa bé thiếu hơi mẹ gầy rạc đi, bà đã cúi đầu chấp nhận lấy ông và gánh vác gia đình nhà chồng.
Cái Nhuần lớn lên trong vòng tay yêu thương ấp ủ của mẹ ghẻ, nhưng bao giờ nó cũng được mẹ thương hơn các anh chị em khác. Dù giời nắng hay mưa, cứ vàng vàng mặt trời chưa thấy mẹ về là nó lại ra ngõ ngóng. Chỉ khi nào trông thấy bà bước vào ngõ là nó lại như con chó con cuống quýt quấn lấy chân bà rối rít cứ như sợ bà đi mà không về nữa. Bà cảm động bế nó lên ấp đầu nó vào vai mình mà hít hà cái mùi khen khét nắng của con trẻ. Con Nhuần không hợp bố nên thường hay bị bố gắt gỏng mắng chửi. Bữa ăn vì thương con bé, bao giờ mẹ ghẻ thương con cũng lấy đũa gắp cái trứng cá to cho vào bát con bé. Ông Nhuận thấy thế lại mắng át đi:
- Mẹ mày cứ chiều nó, rồi nó hư các em nó cũng hư theo. Nó lớn rồi tự gắp lấy mà ăn chứ…
Chẳng phải ông cố tình cay nghiệt đó hay sao? Bà càng thương con bé hơn. Nó lớn lên rồi lấy chồng. Bố con lại bắt đầu mâu thuẫn, thằng rể mà ông chọn đâu phải là thằng chồng nó bây giờ. Ông ghét cái thói ăn chơi lêu lổng, tốt mã rẻ cùi… loại đó suốt đời ăn bám vợ. Nhưng con Nhuần lại trót dại với loại tay áo gió đưa ấy nên ông đành nhắm mắt cho cưới. Cưới xong thì ông cũng từ con gái và rể. Ông mà có mặt ở nhà thì đừng có vác mặt tới nhé! Bà đành dấu diếm bấm bụng cho con.
Con bé sợ bố, biết mẹ ốm, nó đã bỏ gánh bún riêu hàng ngày mà lên Hà Nội chăm bà. Nhìn bà con bé gạt nước mắt khóc thầm. Nó đi bộ ra quán cháo gà đầu phố mua bát cháo bón cho bà ăn. Thương con bà cố nuốt một miếng nhưng đắng ngắt lại lắc đầu. Ngày đưa bà về nhà con Nhuần đã khóc hết nước mắt. Cái cảm giác mất mẹ lại ùa dậy nhức buốt trong tim nó.
Chợ chiều đã vãn, con Nhuần được bà thím họ tất tả chạy lại :
- Cháu về nhà ngay đi. Mẹ cháu nguy rồi, bà ấy muốn gặp cháu trước lúc ra đi.
Rụng rời chân tay… Con Nhuần bỏ chạy… mặc kệ gánh bún riêu còn bán dở… mấy người bán hàng thương cảm nhìn theo:
- Rõ khổ! Con bé thương bà Nhuận lắm! Bánh đúc đúng là có xương… Bà ấy cả đời bao bọc nó có khác.
Mọi người dạt ra khi thấy cái Nhuần bước vào. Bà Nhuận cố mở đôi mắt mệt mỏi nhìn đứa con riêng của chồng, rồi cầm tay nó đặt lên cổ mình:
- Tháo ra cho mẹ.
Con bé ngơ ngác tháo sợi dây chuyền vàng to gần bảy chỉ ra khỏi cái cổ gầy nhẳng của bà. Nó đưa mắt tìm bố ý muốn đưa lại chiếc dây cho ông. Nhưng bàn tay của người ốm đã giữ chặt lấy tay nó. Bà mệt nhọc thều thào:
- Mẹ cho con. Con thiệt thòi hơn các em ngay từ bé. Đứa nào cũng có phần rồi. Đây là thứ mẹ dành cho con.
Bà đưa đôi mắt mệt mỏi trĩu nặng u sầu của người hấp hối hướng về phía chồng thều thào:
- Ông ơi! Bấy lâu nay tôi còn mảnh đất bên ngoại chia cho, tôi giấu ông không nói, nay tôi đã làm sổ đỏ sang tên cho con Nhuần. Tôi không đẻ ra nó nhưng nó ấp hơi tôi từ trứng nước… Nó nghèo túng tôi thương nó… Ông đừng giận tôi…
Tiếng thều thào đứt đoạn, ánh mắt đăm đắm của bà nhìn đứa con riêng của chồng… Bàn tay lỏng dần… lỏng dần…
Ngõ nhỏ đẫm hoa xoan… từ nay thiếu người vun xác hoa mất rồi.
3- Bà nằm xuống. Ông ra ngẩn vào ngơ. Con mèo mướp nhớ chủ cũng thẫn thờ bỏ bữa. Con Nhuần thương mẹ òa khóc.
Đã lâu rồi ông Nhuận không bước ra khỏi nhà. Ông chết lặng bên bàn thờ vợ… Lòng dằng dặc muộn phiền. Bà ra đi để ông lạnh lẽo trong căn nhà trống trải. Mùi hoa láng quyện khói hương trên thờ cùng ánh đèn dầu leo lét càng khiến lòng ông xót xa. Thôi có lẽ cái phận ông đứt gánh trời không thương đành chịu chứ sao.
Tiếng gọi ngoài ngõ khiến ông Nhuận bừng tỉnh:
- Ông Nhuận có nhà không đấy!
Ông Nhuận ngỡ ngàng trước tiếng gọi của ông bạn lính nơi chiến trường ngày xưa. Chưa kịp nói gì thì ông bạn đã vồn vã:
- Phận số an bài buồn phiền cũng vậy thôi. Mai là ngày họp thanh niên xung phong Trường Sơn, ông cố gắng đi với tôi cho bớt buồn đi ông ạ! Ông cứ rầu rĩ thế này bà ấy dưới suối vàng chả yên lòng đâu.
Cuộc họp của những người lính Trường Sơn năm xưa diễn ra thật cảm động dưới ngôi nhà sát bờ đê ven sông cái. Họ mừng rỡ nâng chén rượu gặp mặt. Tiếng gọi khàn khàn cất lên:
- Có món gì ngon không cô Thoan ơi… cho anh em tôi đưa cay nhé!
Tiếng dạ cất lên từ dưới bếp thật dịu dàng. Ông Nhuận ngỡ ngàng khi nhận ra người con gái xinh đẹp của binh trạm Trường Sơn năm xưa giờ trong dáng vẻ người đàn bà gầy héo bưng mâm thức ăn nóng hổi đặt lên giữa phản.
-Thoan… có phải Thoan của binh trạm không? Trời ơi… Sao bây giờ tôi mới gặp lại em.
Tiếng em nghẹn ngào thốt lên và đôi mắt người đàn bà ầng ậc nước. Nỗi đau chợt cồn lên vò xé tâm can người lính ngày xưa.
Ngày ông Nhuận trở về binh trạm thì người ta nói Thoan đã giải ngũ về địa phương. Ông quay ra Bắc tìm Thoan nhưng bóng chim tăm cá… Ai ngờ đâu cô Thoan xinh đẹp của binh trạm năm nào ôm đứa con gái của đồng đội vào tận vùng kinh tế mới. Cái chất độc màu da cam đã cướp đi khả năng làm mẹ của Thoan. Cô ở vậy nuôi con của đồng đội đã hy sinh. Mấy năm gần đây khi tuổi cao cô mới dắt díu con cháu về lại căn nhà xưa của cha mẹ.
Đêm ấy, gió thu se lạnh ông Nhuận ngồi nhìn ảnh vợ và lại nhớ tới Thoan người đàn bà mà ông gặp hồi chiều. Ông nghẹn ngào thắp hương lên bàn thờ vợ thầm khấn nguyện xin bà thứ lỗi để ông được gắn nghĩa cùng cô Thoan. Ngọn đèn dầu le lói lúc mờ lúc tỏ, bỗng con đom đóm từ ngoài cửa sổ bay vụt vào lượn quanh bàn thờ tỏa ánh xanh ma quái khiến ông Nhuận rùng mình. Cái lạnh lẽo lại ùa về khiến ông buồn bã tê tái. Hình ảnh đôi mắt nhung thăm thẳm ẩn chứa bão nỗi niềm hoang hoải lại dâng lên trong lòng ông. Nhìn bàn thờ một lần nữa ông buột miệng:
- Xin mình tha lỗi cho tôi.
Cứ chiều chiều, dân xóm bãi lại thấy ông Nhuận dắt xe ra khỏi nhà. Mặc lời chối từ của cô Thoan, ông vẫn bền bỉ mưa dầm thấm lâu và đám cưới đã diễn ra như hôm nay.
Tiếng chão chuộc ném vào ao khuya. Đêm tân hôn, bẽn lẽn và ngại ngùng. Bà khẽ khàng đặt mình xuống chiếc giường chưa kịp ấm hơi người thì tiếng khóc thút thít từ nhà ngoài vọng vào. Bà vội vàng chạy ra, Thằng bé đích tôn đang nằm trong màn vật mình kêu khóc vì đau bụng. Sợ hãi quáng quàng bà vội gọi ông và xốc thằng bé đưa đi bệnh viện. Cũng may nó đau ruột thừa cấp cứu kịp thời không thì nguy hiểm. Đang vào vụ gặt, bố mẹ nó bận bịu ra đồng nên một tay bà trông nom thằng bé tận khi nó xuất viện. Ông bối rối cũng chỉ biết đứng nhìn bà trông cháu… Rõ khổ.
Thằng bé xuất viện còn trên lưng bà bước vào ngõ, thì đứa con gái cả của ông nước mắt giàn dụa chạy vụt vào sân. Đôi mắt nó đỏ hoe mếu máo:
- Dì ơi… cứu con.
Nó chưa kịp vào nhà thì thằng chồng nó chạy vào. Đôi mắt vằn đỏ dữ tợn quát vợ:
- Con kia! Tao đã bảo mày ở nhà…dù chết mày cũng là vợ tao, ai cho mày chạy tới đây. Người ta cấm cửa mày rồi cơ mà… Mày về nhà ngay không được làm nhục tao nghe không.
Bà vội đặt thằng bé xuống hiên nhà, xông tới gạt tay thằng rể của chồng mình ra. Đôi mắt nghiêm lạnh của người đàn bà khiến cho kẻ kia khựng lại buông tay:
- Chuyện đâu còn đó từ từ giải quyết. Anh hãy bỏ tay con bé ra, có gì cứ từ từ nói với dì. Dì sẽ giúp vợ chồng con.
Thằng rể vừa buông tay vợ ra khỏi ngõ thì ông Nhuận trở về. Nhìn con gái mình ông lạnh nhạt, không nói một câu bước vào nhà cùng thằng đích tôn đang mệt mỏi tựa vào bậu cửa.
Bà vội vã kéo con bé khuất khỏi tầm mắt ông, bước nhanh ra vườn sau:
- Dì vừa mới về, cũng chẳng hiểu chuyện nhà là bao có gì thì con nói đi. Có gì khó xử con đừng ngại.
- Dì ơi… Họ đến đòi nợ, con không có trả, chồng con lại cờ bạc nhà chẳng còn tiền nên nó đánh chửi con… Con khổ lắm dì ơi…
Tiếng nấc nghẹn ngào, nhìn khuôn mặt bầm tím vết tát còn in lại trên mặt đứa con riêng của chồng mà bà Thoan thắt lòng. Cơ sự thế này bà biết làm sao đây? Cùng phận đàn bà nhìn con bé lòng bà càng xót xa. Cái đêm trước ngày cưới ông đã kể về gia cảnh, đến bây giờ chứng kiến lòng bà rối bời. Ông không ưa thằng rể, nhưng con gái thì không thể nào dứt tình máu mủ được. Len lén nhìn vào nhà để trông bóng ông, bà thở dài rồi tháo nhanh cái nhẫn vàng hai chỉ trên tay là của hồi môn của mình dúi vào tay con bé:
- Dì cũng nghèo chả có gì giúp con nhiều lúc này được. Con cầm lấy cái nhẫn này về mà trang trải nợ nần, nhớ đừng để đến tai bố con. Ông ấy biết thì dì cũng khổ.
Con bé ngần ngừ chưa dám nhận, bà liền đẩy mạnh vào vai nó:
- Thôi về đi con! Đừng để ông ấy trông thấy.
Trời bỗng dưng đổ mưa. Cơn mưa mùa đông buốt lạnh tê tái lòng người đàn bà vừa mới sang ngang.
4- Bữa cơm lặng lẽ trôi qua. Ông nhìn đôi bàn tay bà trống trơn, ánh nhìn thắc mắc, nhưng bà khéo léo gạt đi những nghi ngờ trong ông. Mùa đông dần qua. Hoa cuối vườn ủ nụ. Cây đào tắm mình trong gió bấc. Con mèo đã quen chân bà chủ mới, quẩn quanh cào cào chân bà theo thói quen đòi bế, ngheo ngheo đòi ăn.
Cây nêu từ các từ đường đã giồng lên. Cờ ngũ sắc bay phấp phới. Hương trầm thoảng quyến ngọt trong gió bấc. Người ta hối hả ra đồng để cấy xong vụ lúa để chuẩn bị đón tết.
Con Nhuần đã nghỉ bán bún riêu ở chợ, giờ xin được vào làm công ty may. Nó chẳng còn nhiều thời gian ở nhà mà đầu tắt mặt tối tới khuya mới về. Đồng tiền lương làm cái gia đình ấy đã khá hơn. Người ta thì thào với nhau là vợ mới của ông Nhuận hay giấu diếm chồng từ con cá lá rau mang tới cho con riêng của chồng. Chả hiểu có phép mầu nào mà thẳng rể hư hỏng của ông giờ bỏ cả cờ bạc. Nó cũng theo vợ xin đi làm công ty may. Chỉ biết rằng khi gặp bà vào nhà là nó đon đả:
- Con ơi! Bà ngoại đến kìa.
Chiều ba mươi Tết khói ấm vờn trong gió, bếp rực hồng sùng sục nồi bánh chưng. Tiếng lợn kêu eng éc từ các ngõ xóm râm ran. Cây đào trong vườn hàm tiếu. Nụ đào hồng phai thiêm thiếp, chỉ tới sáng mùng một Tết là bung lụa. Hương trầm quyến ngọt. Vài chậu phong lan trước sân nhà e ấp đợi gió xuân. Ông Nhuận thong thả đem lư hương ra sân giếng dùng trấu cọ cho sáng bóng. Nghĩ tới lò trầm hương nghi ngút khói trên bàn thờ gia tiên thành kính ngày đầu năm lòng ông thanh thản. Tiếng nói từ đầu ngõ cất lên khiến ông giật mình:
- Bố chuẩn bị Tết đến đâu rồi ạ? Con bắt mấy con gà trống để bố làm lễ cúng các cụ đầu năm ạ!
Thằng rể mà ông ghét đào đất đổ đi, giờ đang ngập ngừng ấp úng ngoài sân. Ông lặng im không nói bước vào nhà. Bà Thoan nghe tiếng người vội vàng chạy ra đon đả:
- Kìa ông, con nó mang gà tới biếu tết, ông nhận lấy cho vợ chồng nó mừng.
Ông lườm bà một cái rồi lẩm bẩm:
- Đúng là cái loại đàn bà chả hiểu gì sất.
Nói xong mặt ông giãn ra, thằng rể hiểu ý vội vàng mang gà vào bếp. Hai đứa cháu ngoại và con Nhuần ngoài đầu ngõ cũng vội vã bước vào. Trưa hôm ấy trong tiếng cười ríu rít của trẻ nhỏ, vợ chồng Nhuần mới được ăn bữa cơm ấm áp cùng ông Nhuận.
Gió đông thổi mạnh, trời đã về chiều, vợ chồng con Nhuần cũng hối hả ra về trong ánh nhìn trìu mến của ông Nhuận. Có lẽ đã lâu lắm rồi ông Nhuận mới thấy lòng thanh thản, có gì như gánh nặng vừa được trút bỏ đã bao lâu nay. Ông lại thấy con Nhuần bé dại như ngày nào quẩn quanh chân ông mỗi khi ông đi xa trở về. Ừ thôi thì nước mắt chảy xuôi.
Ông ngước nhìn bà Thoan đang nhanh tay tỉa những bông hoa cà rốt xinh xắn chuẩn bị cho món dưa góp cúng đầu năm. Lòng ông chợt ấm lại, hoang hoải và buồn bã đang cuốn theo những cơn gió đông.
L.H.N
(Nguồn: VNNB 237/ 4-2020)