Thứ ba, 10/09/2024

Về lại mái trường xưa

Thứ ba, 13/08/2024

Truyện ngắn của NGUYỄN MINH NGỌC   
(Nguồn TC số 295/7/2024)

Mùa thu năm ấy, Hoà khoác ba lô về đến quê hương, tuy không chủ ý nhưng  đôi chân lại đưa Hoà đến mái trường xưa, mái trường cấp ba ngày anh học, nằm bên một dãy núi vòng cung ở rìa làng anh. Hoà dừng chân tại góc khuất của một tảng đá to dưới chân núi, trước mặt anh một cái sân nhỏ của khu tập thể giáo viên, có vài cây nhãn cổ thụ. Những chiếc lá nhãn vàng rơi quanh các gốc cây, còn tươi nom như những cánh hoa vàng ai rải trên mặt đất; mùi thơm nhè nhẹ, giống mùi cơm rượu nếp mẹ ủ mới lên men của những chiếc lá vừa rời cành, thoang thoảng trong làn không khí mát dịu và trong trẻo của mùa thu…

            Chiều chủ nhật, cảnh trường vắng vẻ, nhuốm buồn, Hoà đứng lặng nhìn vào một gian nhà cửa mở, bên trong có một người thiếu phụ và một em bé chừng hơn một tuổi. Bé gái gương mặt dễ thương, trong bộ váy áo diêm dúa, chập chững đi đi lại lại, nuốt thìa cháo trên tay mẹ. Người mẹ dáng mảnh mai, hơi gầy, làn da trắng xanh yếu ớt; đôi mắt đẹp vương nỗi buồn u ẩn, toả ra một tấm tình yêu mến vô biên với đứa con. Tiếng cười, nói của hai mẹ con, khiến Hoà bâng khuâng như trong giấc mộng, tưởng như đó chính là cảnh gia đình anh, là miềm hạnh phúc của anh!... Nhưng không. Hoà vẫn đứng ngây người, tâm tư anh trở về với quá khứ của một thời thơ trẻ, bao nhiêu hình ảnh dịu dàng thân thương lần lần hiện ra trong tâm trí… 

             Năm ấy Hoà học lớp năm, năm học đầu tiên của cấp hai. Một hôm đến trường Hoà thấy trong lớp có một cô bạn mới, giờ ra chơi các bạn kháo nhau, cô tên là Quyên con của thầy giáo chủ nhiệm, Hoà tò mò quay lại nhìn người bạn lạ: Cô gái mặc áo sơ mi hoa xanh, quần lụa đen, chân đi dép cao su đen, trong khi phần đông các bạn nữ trong lớp mặc áo nâu, đi chân đất. Khuôn mặt Quyên dịu dàng trắng trẻo, trông có một vẻ yểu điệu khác thường. “Đúng là con thầy giáo có khác” Hoà nhận xét thầm trong đầu, rồi chạy ào ra sân chơi với các bạn.

             Buổi trưa về nhà, Hoà ngạc nhiên, rõ ràng cô bạn vừa ngồi ở lớp, bây giờ lại thấp thoáng ở trong nhà bà hàng xóm. Đến chiều, Hoà mới biết đây là nhà bác họ của Quyên, nhà Quyên ở bên kia sông, bố đưa sang đây trọ học. Từ hôm ấy, hai người bạn trẻ dần dà nảy nở niềm thân mật, do sự gần gũi và cùng chung sở thích. Người con gái bé nhỏ này tính tình dịu dàng, đa cảm, yêu thương từ ngọn cỏ nhành hoa, đến các con vật bình thường. Một hôm đi học về, vừa cất sách vở quay ra, Hoà đã thấy Quyên đứng ngoài sân vẻ mặt buồn buồn cất lời:

- Hoà ơi, con chuột bạch nó chết rồi.

- Chuột bạch ở đâu, làm sao nó chết vậy?

- Không biết, mình về đã thấy anh Quang (Quang là đứa con của người bác, học lớp hai) đang ngồi nhìn con chuột, anh ấy bảo với mình nó chết rồi! Con chuột bạch đẹp lắm, chúng mình đi chôn nó nhé?

              Cùng với bé Quang, ba đứa nhỏ hì hụi lấy chiếc mo cau cắt ra làm ván, rồi đưa ma chú chuột. Nấm mồ con con của chú chuột bạch, nằm dưới gốc cây cà phê trong vườn. Quyên đi gom những cành cà phê khô nho nhỏ, cắm lên giả vờ làm hương, và nhặt những bông hoa cà phê rụng, làm đĩa hoa để trên mộ. Tuổi trẻ vô tư khi chơi ô, chơi đáo, khi có cả những trò chơi buồn buồn như vậy, ba năm học cấp hai trôi qua.

          Lên học cấp ba, Hoà và Quyên vẫn học cùng lớp, nhưng Quyên không ở nhà bác nữa, vì các bạn của xã Quyên sang học đông, cô đi về với họ. Năm ấy xã Quyên có 12 người học cùng lớp, nhưng cùng làng chỉ có một người bạn trai tên là Mạnh. Trường học xa nhà khoảng bốn, năm cây số Mạnh thường gọi Quyên đi học từ lúc gà gáy sáng, họ đi qua một đoạn đường giữa cánh đồng, ra đến bến đò thì gặp các bạn ở làng bên, xuống đò qua sông, còn phải đi hơn ba cây số nữa mới đến trường.

          Ngày ngày tới lớp, Hoà và Quyên thường trao nhau ánh mắt, nụ cười, những bài tập khó họ chụm đầu bên nhau. Trên đường đi về, Quyên theo Mạnh như một cái bóng. Mạnh đỡ Quyên những bước lên đò, xuống đò mỗi khi bọn con trai nghịch ngợm làm cho thuyền tròng trành. Thi thoảng chủ nhật, Quyên cùng Mạnh và các bạn trong xóm đi vào rừng kiếm củi. Ra về thì bao giờ trên đon củi của Quyên cũng dắt vài chùm hoa dun, hoa dẻ, Quyên để dành số hoa ấy lại, sáng mai mang sang lớp chia cho Hoà một nửa, loài hoa này đến khi khô rồi nó vẫn còn thơm.     

           Học kỳ hai của năm lớp mười, bài vở ôn thi nhiều lên, học sinh xã Quyên bảo nhau khăn gói đi trọ học, Quyên lại trở về ở nhà bác. Mùa thi, cũng là mùa của chia ly, chia xa tuổi học trò, xa mái trường, xa bạn bè nỗi niềm lưu luyến dâng lên trong ánh mắt, nụ cười, dường như mọi người sống dịu dàng, thân ái với nhau hơn. Những quyển sổ tay đưa ra, mỗi người ghi vài dòng lưu bút, cùng với chữ ký của mình trong sổ bạn, ai thân nhau thì tặng chút quà lưu niệm. Hoà có một chiếc bút kim tinh Trung Quốc, màu mận chín nắp vàng, để dành không viết, hôm ấy Hoà quyết định tặng Quyên. Sáng sớm đi học, đến trường gặp ông thợ khắc chữ, Hoà nảy ra ý định khắc chữ vào bút. Ông thợ, cầm chiếc bút ngắm nghía nói: “Chiếc bút đẹp quá, cháu định khắc chữ gì?” Chợt nhớ đến câu thơ không biết của ai, mấy anh chàng đa cảm trong lớp thường truyền tai nhau, Hoà liền đọc nhỏ: “Dù cho trái đất ngừng quay/ Trái tim ngừng đập tình này không phai!” Bác có khắc được câu thơ này vào bút không ạ? Người thợ nhẩm lại câu thơ, rồi nói: “Câu thơ hay quá. Bác sẽ khắc thêm cho cháu bông hoa hồng, để kỷ niệm cho bạn gái nhé.” Nhìn nét chữ mềm mại cùng bông hồng đẹp của người thợ có hoa tay, Hoà lại đắn đo cảm giác ngài ngại, nhưng tan học anh vẫn rất nhanh dúi chiếc bút vào tay Quyên, người bỗng nóng ran lên vì xấu hổ, sợ Quyên nén trả lại chiếc bút, Hoà vội vàng chạy đi cùng các bạn. Mấy ngày tiếp theo thấy Quyên im lặng, Hoà sống trong tâm trạng chờ mong, và cả một sự lo ngại mơ hồ.

           Rồi một buổi tối trăng lên, dưới ánh trăng chênh chếch, bóng tre chập chờn, Hoà đưa tay nâng vật kỷ niệm từ tay người thiếu nữ. Một chiếc khăn mùi xoa trắng, ở góc khăn có một bông hoa hồng và hai dòng chữ, như trong chiếc bút kim tinh, được thêu bằng chỉ đỏ rất khéo; họ nói với nhau vài câu vu vơ, rồi đứng lặng bên nhau. Một lúc sau Quyên thì thầm: “Thôi, Quyên về học bài.” Quyên quay người bước đi, Hoà như đang trong giấc mơ choàng tỉnh, bật lên tiếng gọi:  “Quyên ơi...!” Tiếng gọi vang lên một âm thanh trìu mến, chứa đựng tất cả nỗi niềm thương yêu và sự vui mừng của người được yêu! Quyên bồi hồi xoay người lại, khuôn mặt trái xoan ửng hồng, thấp thoáng ánh trăng, đẹp đến não nùng. Hoà bước tới, ngập ngừng đặt môi mình lên đôi môi mền mại của người thiếu nữ… Nụ hôn đầu đời ngây thơ vụng về, run rẩy mà nồng thắm đáng yêu biết bao! Hoà như nghe thấy hương thơm của tuổi thanh xuân nơi Quyên hoà quyện trong cái mùi thơm ngọt ngào tươi mát của chồi non đang nhú… lan toả quanh anh niềm say sưa, vui sướng; niềm hạnh phúc dạt dào của tuổi trẻ! Không thể nào quên...

          Chiều muộn rồi, nỗi buồn thương luyến tiếc dâng lên! Hạnh phúc của Hoà tưởng chừng như ở ngay đây, chỉ đi vài chục bước nữa, chìa tay ra là tất cả sẽ như xưa, sẽ lại trở về với tuổi thơ thân thiết của anh. Nhưng anh cũng biết rằng, cả một cuộc đời đã đứng chắn giữa anh và người anh yêu. Hoà thầm thì: “Thôi, cứ để cho nàng nghĩ mình đã hy sinh thì hơn!” Quyết định quay gót, không về thăm bố mẹ nữa, Hoà lên tầu trở lại nơi vài ngày trước anh đã ra đi.

             Con tầu ầm ầm lao vào đêm tối, mang Hoà rời xa quê cha đất tổ, đêm thu lành lạnh, anh lấy chiếc áo dạ khoác lên người. Lần này Hoà ra đi như một người chốn chạy, ôm theo mối tình đơn côi, như hồi nhỏ thường ôm chiếc túi đựng những trái xoan, đã rỗng không. Mỗi lần chơi ô ăn quan với Quyên, tính hay nhường nhịn để đến nỗi thua trắng tay!

         Dựa lưng vào thành ghế, sự rung lắc của con tầu, Hoà thiu thiu nửa tỉnh, nửa mê đưa anh về với những ngày tháng ở chiến trường… Đầu năm bảy hai, không biết cơ duyên nào đưa Mạnh bổ sung vào đơn vị chiến đấu của Hoà. Mạnh có bố làm Bí thư xã, thời gian này chính quyền cấp xã có vai trò rất quan trọng, nhất là việc điều động quân số thanh niên đi bộ đội, và phê duyệt lý lịch cho học sinh vào học các trường chuyên nghiệp và đại học. Mạnh không những không phải đi bộ đội mà còn được vào học một trường đại học danh giá, trường đại học Ngoại thương. Học trường này rất dễ được đi nước ngoài, có thể tránh phải đi bộ đội. Mạnh học đến gần hết năm thứ hai, sắp có cơ hội sang nước ngoài thì có lệnh tổng động viên, sinh viên ở các trường đại học vào bộ đội, Mạnh nằm trong số sinh viên đủ tiêu chuẩn đi bộ đội.

Trong chiến trường gặp bạn cùng lớp, hai người bạn ôm nhau vui mừng khôn xiết. Trong mọi công việc, từ vào rừng đốn củi, hành quân trên đường, đến cả ăn uống, ngủ nghỉ họ đều có nhau. Tuy nhiên, thi thoảng thấy Hoà nhận được thư của Quyên, thì đôi mắt lồi to nhiều lòng trắng của Mạnh, ánh lên những tia sáng hằn thù. Mạnh bực dọc lẩm bẩm: “Nếu không có cái lệnh động viên chết tiệt này, thì mình sẽ cưới được Quyên và đã đi nước ngoài rồi, bao nhiêu công lao đành bỏ phí cả.”  Mùa đông năm ấy, khắp các chiến trường vang lên tin chiến thắng, nhưng đồng thời những trận đánh cũng diễn ra cam go, và quyết liệt hơn. Trong một trận công đồn, lệnh xung phong, các chiến sĩ từ các ngả xông lên. Đồi núi Tây Nguyên nhấp nhô, trùng điệp. Mạnh và Hoà đang chạy trong một thung lũng cây cối um tùm, bất ngờ Hoà bị trúng đạn, anh loạng choạng ngã vật xuống. Mạnh lao tới, thấy Hoà nằm bất tỉnh, máu chảy rất nhiều, cúi xuống sờ vào Hoà, cảm thấy sự sống của Hoà chẳng còn được bao nhiêu, đôi mắt to, lồi, nhiều lòng trắng loé lên những tia sáng gian manh… Bỏ bạn nằm đấy, Mạnh chạy vượt lên, vừa chạy vừa nghĩ tới Quyên lòng Mạnh như được cởi ra, thoáng một ý nghĩ: “may quá số phận đang tiếp tay cho mình đây…”

            Cuối trận ấy, Mạnh cũng bị thương nhẹ, chạy về đến nơi tập kết, nước mắt rưng rưng, Mạnh đau buồn báo tin Hoà đã hy sinh. Ngay sau đó, đơn vị nhận được lệnh truy đuổi tiếp quân địch. Mạnh được đưa về trạm quân y. Điều trị bệnh ở trạm quân y một thời gian, bệnh tình của Mạnh nặng lên, ngày càng có nhiều những biểu hiện của sự mất ý thức trong sinh hoạt, bác sĩ chuẩn đoán Mạnh bị chấn thương não. Mạnh được chuyển ra Bắc điều trị.

Về tới miền Bắc, Mạnh như trút được gánh nặng ngàn cân. Nằm viện ít bữa, khám bệnh và làm giấy tờ thương tật xong xuôi. Tỉnh táo hoàn toàn, Mạnh vội vàng mang tư trang của Hoà về nhà bố mẹ Hoà. Hạ chiếc ba lô xuống nền nhà, Mạnh quỳ xuống run run nói: “Bố mẹ ơi!... Con đã đưa Hoà, người bạn thân chí cốt của con ở chiến trường về đây ạ!... Ối… Hoà ơi…i…i…” Mạnh gục vào chiếc ba lô của Hoà, oà lên khóc bạn. Bố mẹ Hoà chạy lại ôm lấy Mạnh và chiếc ba lô, than khóc thảm thương…! Rồi, chỉ một lúc sau Mạnh đã như một người con trong nhà, anh đỡ người mẹ bị ngất lên giường, tìm chiếc khăn mặt giặt ướt đắp lên trán mẹ. Rồi, kể vắn tắt về trường hợp hy sinh của Hoà với ông bố và nói lời an ủi: “Anh Hoà đã anh dũng hy sinh vì Tổ quốc! Đồng đội chúng con đã thề quyết trả thù cho Hoà. Bố mẹ yên tâm ạ!

Một buổi chiều tang tóc đổ ập xuống mái nhà, anh em, bà con hàng xóm kéo đến xúm vào mỗi người một việc giúp đỡ gia đình, Mạnh chung tay cùng họ, mãi sáng hôm sau anh mới về nhà mình. Cùng thời gian ấy, giấy báo tử của Hoà cũng về đến nhà bố mẹ Hoà. Những ngày nghỉ ở quê, Mạnh ân cần động viên, và chăm sóc Quyên, bây giờ Quyên đã là giáo viên dạy văn, của trường cấp ba năm xưa. Ít bữa sau, Mạnh thu xếp ra Hà Nội học tiếp đại học.

            Nhiều lần Mạnh ngỏ lời với Quyên, nhưng cô vẫn chưa chấp nhận. Ngày tháng cô đơn dằng dặc, trong Quyên vẫn tràn đầy những kỷ niệm về mối tình đầu, tràn đầy giọng nói thân yêu của tuổi thơ, niềm hạnh phúc ngắn ngủi không bao giờ mờ phai!... Chiến tranh đã qua, không còn hy vọng Hoà trở về. Bên nhà Mạnh, bố mẹ anh ta, ra sức ân cần săn đón Quyên. Bố mẹ Quyên cũng nhắc nhở cô rất nhiều, một hôm hai bố con ngồi nói chuyện.

            - Bố không thích cái tính hay ba hoa của anh Mạnh đâu. Ông bố nói: Nhưng dù sao anh ta cũng nhiệt tình với con. Ngày con học hết cấp ba, cũng nhờ có anh ta, mà giấy gọi đại học về, bố anh ta mới phê lý lịch cho con đi học đấy.

- Vâng. Con biết bố ạ. Quyên nói: Gia đình nhà ta thành phần địa chủ, bố đang dạy học rồi họ còn gây rắc rối, nữa là con. Mạnh luôn lấy điều này để kể công với con. Con biết, bây giờ thì giở đi vướng núi, giở lại mắc sông, bố ạ.

            - Con lo liệu cho khéo, theo bố hiểu thì cuộc đời này chẳng mấy ai có cuộc sống được theo ý mình đâu con ạ. Nghe lời bố, Quyên đồng ý làm đám cưới với Mạnh.

            Cưới được Quyên, miền ước ao lớn nhất trong đời Mạnh đã được toại nguyện. Mỗi khi nghĩ về điều này, Mạnh thầm cảm ơn cái trận đánh hôm ấy, nhưng Mạnh cũng thở phào với ý nghĩ: “Cái số mình may mắn làm việc gì cũng trót lọt mới được ra Bắc sớm, chứ không thì các trận tiếp theo chắc gì đã còn”. Học xong đại học Ngoại thương, Mạnh được giữ lại làm cán bộ phòng quản lý nhân lực của trường, hai năm sau được thăng chức trưởng phòng. Ngày con gái đầy hai tuổi, Mạnh chuyển vợ con ra Hà Nội, xin cho Quyên dạy ở một trường cấp ba gần chỗ của anh. Cuộc sống của gia đình Quyên tạm ổn, kinh tế khá lên. Những tưởng, cứ như vậy gia đình họ sẽ đi lên, vợ chồng con cái yên vui, hạnh phúc.

              Nhưng cái phồn hoa nơi đô thành, luôn vẫy gọi Mạnh tiến lên phía trước, đưa vợ con ra Hà Nội một thời gian sau thì Mạnh gặp được người tình mới. Một cô gái xinh đẹp con nhà quyền chức, giàu có, kiểu cách yểu điệu rất hợp với Mạnh, khiến Mạnh nhận ra những ngày đầu Quyên đã không yêu hắn. Biết Quyên vẫn giữ gìn chiếc bút kim tinh ngày xưa, Mạnh tức điên lên, hắn ghen với người đã chết. Đã manh tâm đi sang ngã rẽ, anh ta sống thô bạo như một người vô học, và đưa ra đề nghị chia tay với Quyên. Tính tình Quyên hiền hoà, dung dị cô chấp nhận cuộc sống hiện tại, là người vợ hiền thảo, chăm lo cho chồng cho con. Song có lẽ cũng do sinh trưởng trong một gia đình nề nếp gia phong, nên người phụ nữ mảnh mai này, luôn có một ý thức tôn trọng danh dự con người. Cô không quen với lối sống dung tục, một khi tình huống đi đến chỗ quyết định, Quyên sẵn sàng chấp nhận phần thiệt thòi về mình.

            Chia tay với Quyên, Mạnh cưới mới vợ luôn. Cuộc đời có vẻ ưu ái với Mạnh, thi thoảng Mạnh thường mỉm cười với sự may mắn của đời mình. Anh ta giữ khư khư mẩu bút chì đen dài bằng đốt ngón tay, kỷ vật ở chiến trường nhặt được trong trạm Quân y. Nhờ đường chì của nó Mạnh mới được chẩn đoán là bị trấn thương sọ não, giúp Mạnh biến nguy thành an, sớm thoát khỏi hòn tên mũi đạn. Trong công tác Mạnh tiến bộ nhanh, công danh hiển đạt, giàu sang; và đường tình duyên, cũng nhiều may mắn, cô vợ thứ hai trẻ đẹp, lại là con một ông quan cao cấp, tương lai của Mạnh còn nhiều xán lạn. Nhưng. Trong đời Mạnh chỉ duy nhất gặp một điều không may. Cưới người vợ thứ hai được ít bữa, một lần đi trên đường gặp tai nạn giao thông, Mạnh lại bị chấn thương sọ não, sau hai lần mổ hộp sọ, anh ta phải sống đời thực vật.    

            Ly hôn xong Quyên sống lặng lẽ, chăm chút đứa con gái thân yêu, chuyên tâm vào công việc dạy học, cô hay đọc sách, tìm nguồn an ủi trong những trang sách, báo. Năm tháng qua đi với bao nhiêu thăng trầm, tuy không còn vẻ đẹp như hoa, nhưng nét duyên của một tâm hồn dịu dàng trong trắng, vẫn hiện lên đằm thắm trên gương mặt cô. Một hôm, đọc một truyện ngắn trong tạp chí Văn nghệ Quân đội, Quyên giật mình, cô bồi hồi đọc đi, đọc lại câu truyện. Câu truyện viết tựa như cuộc đời của cô và Hoà, có những điều chính xác đến từng chi tiết, mà người ngoài không thể nào biết được, tên tác giả ghi bằng bút danh.

           Giữ quyển tạp chí bên mình, suy nghĩ đắn đo mãi, cuối cùng Quyên quyết định lần theo địa chỉ của quyển tạp chí, tìm đến nhà xuất bản, cô trình bày và xin được gặp tác giả của câu truyện. Người ta cho cô biết, đây là nhà văn, nhà báo quân đội, Đại tá Trần Duy Hoà, Phó Tổng biên tập Tạp chí Quân đội. Trong câu chuyện với người nhân viên cơ quan, Quyên được biết qua về tình hình của Hoà, cô cám ơn và xin phép đi gặp tác giả. Quyên đi khỏi phòng, mọi người ồ lên, suý xoa, một người nói to: “Bóng hồng của Phó tổng biên tập đẹp quá, thảo nào đến bây giờ anh ấy vẫn cứ nhất định phòng không!” 

            Gần tối của ngày diễn ra trận chiến năm ấy, Hoà được cứu sống, nhờ những người dân quân địa phương, đi thu gom mai táng những chiến sĩ đã hy sinh. Mất nhiều máu, Hoà bị hôn mê sâu, anh được sự cưu mang, chăm sóc tận tình của nhân dân thôn bản, với những bát thuốc gia truyền của bà con vùng núi. Sau nhiều ngày hôn mê, bỗng một hôm trong người Hoà có sự thay đổi. Anh cảm giác thấy mình thở được, mắt trông thấy mờ mờ, tai nghe được tiếng động, bộ máy tư duy bắt đầu hoạt động, trước còn chậm sau nhanh dần… Thêm vài, ba tháng nữa, sức sống bất khuất trong Hoà, đã đưa anh trở về với cuộc sống.

          Khỏe mạnh trở lại, đơn vị đã chuyển đi xa, Hoà được điều động về một binh chủng đặc công. Liên tục những ngày đêm luồn rừng chiến đấu, đối mặt với kẻ thù, một sống, một chết kề bên. Hoà không đủ thời gian viết thư về cho gia đình và Quyên. Họ mất liên lạc với nhau. Ngày 30 tháng 4 năm bảy nhăm, đơn vị Hoà đang chuẩn bị cho một trận đánh, bỗng trong đài vang lên tin toàn thắng. Mọi người phấn khởi hò reo... Nhưng chỉ vài ngày sau đơn vị Hoà, nhận được lệnh hành quân. Cuộc hành quân kéo dài hơn một tháng, mới đến vị trí tập kết. Mọi việc chưa kịp xoay sở xong, thì tiếp đến là trận chiến tàn khốc ở biên giới Tây Nam giáp Campuchia, chống quân Pôn Pốt, khiến cho ngày về của các anh chậm lại.

            Cánh cửa phòng bật ra. Quyên bước vào. Hoà bàng hoàng như người trong mộng, anh thoáng thấy mùi hương ngọt ngào dịu nhẹ của chùm hoa dun, mùi thơm huyễn hoặc da diết của những cánh hoa dẻ, mùi hương của ngày xưa, đã theo anh đi khắp các chiến trường, giờ tràn vào phòng theo Quyên. Nước mắt chứa chan, Quyên liêu xiêu không đứng vững, Hoà chạy lại đỡ Quyên ngồi xuống ghế, anh lấy chiếc khăn trong túi áo, lau nước mắt cho Quyên. Hai người không ai thốt lên một lời nào, vả chăng biết nói điều gì để bộ lộ được hết nỗi lòng trong lúc này. Họ ngồi lặng bên nhau, sự yên lặng của họ nói lên tất cả!... Đôi mắt chứa chan yêu thương pha một chút giận hờn âu yếm nhìn nhau… đôi bàn tay cùng nắm chặt chiếc khăn, khiến cho hai dòng chữ trong chiếc khăn ấm lên trong tay họ.

                                                                                 N.M.N

Bài viết khác