Thứ sáu, 13/09/2024

“Nhịp điệu mới” trong cuộc sống và trong thi ca

Thứ ba, 04/04/2023

Chiều ngày 3/2/2023 (tức ngày 13 tháng Giêng năm Quý Mão) tại Trường THPT Gia Viễn A, Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) Ninh Bình đã long trọng tổ chức Ngày thơ Việt Nam lần thứ XXI, chủ đề “Nhịp điệu mới”. Các đồng chí lãnh đạo Sở Giáo dục và Đào tạo, lãnh đạo Huyện ủy, UBND huyện Gia Viễn, Hội VHNT Ninh Bình cùng đông đảo các thầy cô giáo, các em học sinh đã về dự. Trong chương trình, có phần giao lưu thơ giữa trường THPT Gia Viễn A với các nhà thơ của Hội VHNT Ninh Bình về sự đồng hành giữa văn học và nhà trường cũng như công tác tìm kiếm, phát hiện các tài năng viết văn thơ trẻ do thầy giáo Lê Thành Dương - Hiệu trưởng trường nhà trường thực hiện phỏng vấn.

Thầy giáo Lê Thành Dương: Xin chào đón sự hiện diện của nhà thơ Bình Nguyên, nhà thơ Ninh Đức Hậu, cô giáo Bùi Thị Nhài và cô giáo Đặng Thị Mai Hoa! Xin cảm ơn các anh chị đã tham dự buổi kỉ niệm Ngày thơ Việt nam lần thứ 21 do ngành GD&ĐT tỉnh Ninh Bình tổ chức. Thưa các anh, các chị! Sau đại dịch, rõ ràng là chúng ta đang bắt đầu một cuộc sống mới với những niềm vui, sự hân hoan và náo nức.

Câu hỏi đầu tiên xin được dành cho nhà thơ Bình Nguyên: Thưa nhà thơ, với tư cách là một nhà quản lí, nghệ sĩ nhiếp ảnh, đặc biệt là một nhà thơ, anh có cảm nhận như thế nào về “Nhịp điệu mới” trong cuộc sống và trong thi ca?

Nhà thơ, NSNA Bình Nguyên, Chủ tịch Hội VHNT Ninh Bình: Hôm nay chúng tôi rất vinh dự được Sở GD&ĐT mời về dự Ngày thơ Việt Nam lần thứ 21 với chủ đề “Nhịp điệu mới”. Chủ đề “Nhịp điệu mới” là thông điệp của Hội Nhà văn Việt Nam năm nay với ý nghĩa sau những ngày gồng mình chống chọi với đại dịch thì cuộc sống đang dần trở lại bình thường. Và khi đã trở lại bình thường rồi thì tất cả chúng ta đang từng bước một xây dựng cuộc sống mới với nhiều thắng lợi mới. Đó là thông điệp chính của Ngày thơ năm nay.

Thầy giáo Lê Thành Dương: Thưa nhà thơ Ninh Đức Hậu, với tư cách là người phụ trách mảng văn học trẻ anh có nhắn nhủ gì đối với các cây bút trẻ, đặc biệt là các cây bút - học sinh còn đang ngồi trên ghế nhà trường?

 


Giao lưu thơ giữa trường THPT Gia Viễn A với các nhà thơ Hội VHNT tỉnh                                                          Ảnh của MINH TUYỀN

Nhà thơ Ninh Đức Hậu, Trưởng Ban Văn học trẻ Hội VHNT, Biên tập viên Tạp chí Văn nghệ Ninh Bình: Ba mươi năm nay kể từ ngày tách tỉnh đến giờ, Hội Văn học Nghệ thuật (VHNT) tỉnh luôn tìm kiếm, phát hiện, đào tạo các cây bút trẻ để trở thành lực lượng sáng tác chủ yếu của Hội VHNT Ninh Bình. Ba mươi năm qua đã hơn 25 lần Hội VHNT tổ chức trại sáng tác VHNT dành cho tất cả các em có năng khiếu, đam mê VHNT. Từ đó đã có những em trở thành nhà văn, nhà báo, nhà biên kịch, viết kịch, có em đã có cả một tác phẩm phim truyền hình dài mấy chục tập, ngoài ra có những em ở mảng nghệ thuật đã khẳng định vị trí đẳng cấp quốc tế, giành được nhiều giải thưởng quốc tế. Nhân đây tôi rất hy vọng các em học sinh nói chung, các em học sinh trường THPT Gia Viễn A nói riêng hãy mạnh dạn gửi các tác phẩm của mình về Hội VHNT. Tạp chí Văn nghệ Ninh Bình luôn quan tâm, đón nhận tất cả các tác phẩm của các em. Các tác phẩm tốt sẽ được giới thiệu và trân trọng mời các em tham gia các trại sáng tác của Hội VHNT tỉnh.

Thầy giáo Lê Thành Dương: Hôm nay tại đây cũng có sự góp mặt của cô giáo, nhà thơ Bùi Thị Nhài trước đây đã giành giải Nhất cuộc thi thơ lục bát. Suốt những năm tháng đó, chị Nhài vẫn sáng tác. Chị cũng là người con của mảnh đất Hoàng Long, nay được trở về quê hương, xin mời chị Bùi Thị Nhài chia sẻ về những cảm xúc của mình?

Nhà thơ Bùi Thị Nhài, hội viên Hội VHNT Ninh Bình, giáo viên trường tiểu học Ninh Hải: Là người con của mảnh đất Hoàng Long - Gia Viễn, là một học sinh cũ của trường THPT Gia Viễn A, nay được trở về trong Ngày thơ Việt Nam lần thứ 21 với chủ đề “Nhịp điệu mới” do Sở GD&ĐT tổ chức. Trước tiên tôi có cảm xúc rất khó tả, tôi xúc động ngay từ khi được xem những tiết mục đặc sắc của các em học sinh dành tặng cho các vị đại biểu. Thứ hai là trong lòng tôi dâng lên niềm biết ơn các vị lãnh đạo của Sở GD&ĐT đã tổ chức một sân chơi này cho tất cả những người yêu thơ trong Ngày thơ Việt Nam, biết ơn Ban Giám hiệu trường THPT Gia Viễn A đã tạo điều kiện cho chúng ta một khán trường ấm cúng, thân thuộc, trân trọng dành tặng các vị đại biểu. Và tiếp theo tôi rất vui mừng vì được nhìn thấy sự đổi thay của con người, cảnh vật vì thấy nơi đây khác trước nhiều rồi. Khi tôi là một nhà giáo, tôi rất chú trọng quan sát các em học sinh, trên đường đi học về, tôi nhìn thấy các em đã có sự tiến bộ, khác biệt hẳn so với thời chúng tôi khi xưa, nhanh nhẹn hơn, nhạy bén hơn, tinh tế hơn, tư duy sáng tạo hơn và điều mà tôi rất trân trọng đó là các em vẫn giữ được những lề lối phong tục của truyền thống dân tộc Việt Nam.

Thầy giáo Lê Thành Dương: Thưa nhà thơ Bình Nguyên trong những năm vừa qua VHNT tỉnh nhà có những bước phát triển ổn định, anh có đánh giá như thế nào về những đóng góp của các nhà thơ là nhà giáo và văn học nhà trường đối với sự phát triển VHNT tỉnh nhà?

Nhà thơ, NSNA Bình Nguyên: Trong quá trình xây dựng, phát triển VHNT, chúng tôi luôn chú trọng tới lực lượng trẻ, đặc biệt là nguồn lực từ giáo dục, từ các thầy cô giáo, các em học sinh, đương nhiên ở lĩnh vực này đòi hỏi cả về mặt năng khiếu. Chúng tôi luôn gắn bó với các thầy cô, và các em học sinh nên đến giờ phút này, lực lượng sáng tạo VHNT của tỉnh một bộ phận lớn là các thầy cô giáo. Cho phép tôi được thay mặt những người làm VHNT của tỉnh xin trân trọng cảm ơn ngành GD&ĐT luôn đồng hành cùng chúng tôi và tạo mọi điều kiện cho chúng tôi. Tôi tin rằng trong tương tai, lực lượng này còn tốt hơn rất nhiều.

Thầy giáo Lê Thành Dương: Thưa chị Mai Hoa! Là giáo viên rất đam mê thi ca, có lẽ chị cũng như những người yêu thơ khác luôn nhận ra quan hệ giữa thơ và nhạc, đặc biệt là thơ ca, âm nhạc viết về mùa xuân. Chị có thể chia sẻ những cảm nhận của mình về mối lương duyên đó? 

Cô giáo Đặng Thị Mai Hoa, giáo viên trường THPT chuyên Lương Văn Tụy: Như một mối nhân duyên, thơ và nhạc xưa nay luôn có sự hòa quyện, tương giao, gắn kết đi vào lòng người như cổ nhân đã từng nói: “Trong thơ có nhạc, trong nhạc có thơ” và thơ thì làm nền cho nhạc, nhạc lại cất cánh cho thơ. Những bài thơ được phổ nhạc bao giờ cũng mang một sức sống mới, một sinh khí mới và trên thực thực tế rất nhiều bài thơ đã trở thành bất hủ nhờ sự chắp cánh của âm nhạc và cũng có rất nhiều bài hát nhờ có ca từ thơ sâu lắng đã trở thành những bài ca đi cùng năm tháng. Và hôm nay nhân Ngày thơ xuân, tôi xin chia sẻ một chút về những bài thơ xuân đặc sắc đã được âm nhạc chắp cánh như bài thơ “Mưa xuân” - Nguyễn Bính được nhạc sĩ Huy Thục phổ nhạc, bài “Tình ca mùa xuân” được nhạc sĩ Trần Hoàn phổ nhạc từ lời thơ của nhà thơ Nguyễn Loan, hay một bài thơ rất ý nghĩa của nhà thơ Thanh Hải được nhạc sĩ Trần Hoàn phổ thành bài hát rất quen thuộc với chúng ta mỗi dịp xuân về đó là bài “Mùa xuân nho nhỏ”. Tôi xin được chia sẻ chất thơ và chất nhạc trong bài “Mùa xuân nho nhỏ” vì đây là một bài thơ tôi rất thích. Nếu như quý vị có thể thấy bản thân bài thơ đã rất giàu chất nhạc, có “Mùa xuân nho nhỏ”, có tiếng “chim chiền chiện hát vang trời”, có “nhịp phách tiền đất Huế”, có nhịp điệu hối hả, xôn xao của đất nước đang bước vào thời kì mới trong một vận hội mới. Tôi có cảm giác rằng mỗi một chữ Thanh Hải viết ra giống như từng nốt nhạc đang rơi trên khuông nhạc vậy. “Con chim chiền chiện hát chi mà vang trời/ Từng giọt long lanh rơi tôi đưa tay tôi hứng”. Nhà thơ Trần Hoàn đã chuyển nhạc thành những giai điệu da diết, trữ tình lại rất gần gũi, mang âm hưởng dân ca Huế. Sự hòa quyện giữa thơ và nhạc góp cho không chỉ bài thơ “Mùa xuân nho nhỏ” mà rất nhiều bài thơ khác giàu sức sống hơn, đến gần hơn với công chúng. Và nếu như quý vị để ý có thể thấy ngay trong chương trình Ngày thơ Việt Nam hôm nay đã có một sự hòa quyện tuyệt vời giữa thơ và nhạc tạo nên một Ngày thơ rất mới mẻ, đặc sắc với chủ đề “Nhịp điệu mới”.

Thầy giáo Lê Thành Dương: Xin trân trọng cảm ơn các nhà thơ, các thầy cô giáo đã tham dự buổi giao lưu này!

LÊ THÀNH DƯƠNG (thực hiện)

(Nguồn: TC VNNB 279-4/2023)

 

 

Bài viết khác