Thứ sáu, 13/09/2024

Chuyển đổi số trong lĩnh vực văn học nghệ thuật

Thứ năm, 06/07/2023

MAI PHƯƠNG

Từ lâu "cây bút trang giấy" đã trở thành biểu tượng truyền thống của những người hoạt động trong lĩnh vực văn nghệ. Tuy nhiên, sự hiện diện của Internet với những tiện ích của nó đã tác động không nhỏ, làm thay đổi tiến trình tư duy sáng tác cũng như hoạt động xuất bản. Nói cách khác đây chính là những biểu hiện của quá trình chuyển đổi số trong lĩnh vực văn học nghệ thuật.


Hoa biển - Tác phẩm đạt Huy chương Vàng quốc tế tại Tây Ban Nha, năm 2021                                         Ảnh của DƯƠNG DUY KHANG

Theo truyền thống, trang giấy cây bút chính là phương tiện phục vụ hoạt động sáng tạo của giới văn nghệ. Lĩnh vực sáng tạo của văn nghệ có thể là sáng tác văn, thơ, lý luận phê bình, khảo cứu, sưu tầm, biên khảo, kịch bản sân khấu, kịch bản phim... Với tư cách là một tư liệu trong quá trình sản xuất, phương tiện cây bút trang giấy từ lâu đã là biểu tượng của những người làm nghề "chữ nghĩa", "viết lách". Giấy bút chỉ thực sự mất đi địa vị độc tôn khi máy tính xuất hiện, với phầm mềm soạn thảo cùng vô vàn tiện ích, giúp cho năng suất làm việc tăng cao gấp nhiều lần so với văn bản viết tay. 

Tất nhiên, việc lựa chọn phương tiện nào trong hoạt động sáng tạo phụ thuộc vào chủ thể sáng tạo, tuy nhiên không thể phủ nhận được phần mềm soạn thảo với những tiện ích của nó đã giúp cải tiến hiệu năng lao động rất nhiều. Việc sử dụng máy tính thay giấy bút là một xu thế tất yếu. Đó là còn chưa kể đến mạng Internet với việc tích hợp kho tri thức khổng lồ đủ mọi lĩnh vực, có thể cung cấp dễ dàng cho người sử dụng những tư liệu trong quá trình tìm kiếm. 

Ở chiều ngược lại, những tác giả làm việc theo phương pháp truyền thống vẫn phải mò mẫm đọc từng trang sách, tra cứu từng trang tư liệu khiến tốc độ làm việc chậm hơn nhiều so với làm việc trên máy tính. Tất nhiên trong câu chuyện này có cả vấn đề tâm lý sáng tạo. Có người ngay từ đầu đã lựa chọn máy tính, tuy nhiên có người vẫn giữ thói quen làm việc truyền thống với lý do tránh làm ảnh hưởng đến tâm lý khi sáng tạo nghệ thuật. 

Chia sẻ về vấn đề này, Phó Chủ tịch Hội VHNT Phạm Thị Duyên, cho biết: Quá trình thay đổi thói quen trong sáng tác ở các hội viên diễn ra theo hai xu hướng. Xu hướng thứ nhất, đó là các hội viên lớn tuổi có người dễ dàng thay đổi để thích ứng với việc dùng máy tính thay thế giấy bút. Tuy nhiên, vẫn còn số ít hội viên cao tuổi vẫn trung thành với thói quen truyền thống, còn lại các hội viên chấp nhận việc thay đổi từ giấy bút sang dùng bàn phím. Sự thay đổi này có thể nhanh, chậm khác nhau tùy vào từng cá nhân, thể trạng, độ tuổi, tâm lý... Xu hướng thứ hai, đó là các hội viên trẻ thích ứng rất nhanh với công nghệ thông tin, tận dụng triệt để tiện ích của công nghệ thông tin trong quá trình sáng tạo, thụ hưởng nhiều thành quả từ sự thay đổi này. Có thể thấy rằng, quá trình chuyển đổi số, sức ảnh hưởng của các thành tựu công nghệ thông tin trong đời sống là một xu thế tất yếu không thể đảo ngược. Và các văn nghệ sỹ, dù thế nào cũng sẽ chịu tác động và không thể đứng ngoài quá trình ấy.

Bên cạnh đó, nhờ không gian mạng, hoạt động xuất bản trở nên vô cùng dễ dàng, thuận tiện, mọi giới hạn về không gian địa lý, ranh giới quốc gia không còn trở thành vấn đề cản trở mức độ phổ biến, sức ảnh hưởng của tác phẩm. Các tác giả dễ trở nên nổi tiếng, được biết đến rộng rãi hơn nhờ xuất bản tác phẩm trên không gian mạng. 

Ngoài ra, nếu như trước đây, việc in ấn, công bố, phát hành các đầu sách chịu tác động trực tiếp bởi yếu tố giá giấy, công in, giá thành khi phát hành cuốn sách, thì khi xuất bản trên không gian mạng, các yếu tố ấy hầu như không phải đặt ra. Việc xuất bản không còn phải giới hạn số trang, người đọc cũng không còn phải băn khoăn, đắn đo bởi giá thành cuốn sách. Tất cả những điều đó khiến tác phẩm đến được gần hơn với công chúng, mức độ phổ biến tác phẩm rộng rãi hơn. 

Có một điểm khác rất cơ bản của quá trình xuất bản truyền thống so với xuất bản trên không gian mạng, đó là mức độ tương tác giữa tác giả và người đọc. Nếu như sách in, tác giả chỉ đo lường được phản ứng của công chúng, giới học thuật khi khâu xuất bản phát hành đã hoàn thành, ngược lại, ở không gian mạng, tác giả có thể kiểm chứng ngay mức độ yêu thích hay không nhờ tính năng "comment" và lượt like tương tác. 

Chính những phản hồi từ phía đối tượng tiếp nhận đã tác động đến tiến trình sáng tạo. Tác giả có thể tùy vào sự hưởng ứng hay phản đối của độc giả mà có thể đẩy nhanh hoặc làm chậm lại quá trình sáng tác, hay kéo dài, rút ngắn số trang, số kỳ xuất bản. Điều này không chỉ giới hạn ở các sáng tạo văn học mà còn ở nhiều bộ môn nghệ thuật khác từ Mỹ thuật, Âm nhạc, Sân khấu, Điện ảnh, Nhiếp ảnh...

Nhìn chung, tiến trình chuyển đổi số đã giúp công việc xuất bản, phổ biến, lưu trữ, tìm kiếm tác phẩm của các văn nghệ sỹ trở nên dễ dàng và thuận tiện. Và giới văn nghệ sỹ Ninh Bình hầu như tận dụng triệt để ưu thế này để phổ biến các tác phẩm của mình. 

Nhiều tác giả thơ, văn, âm nhạc, nhiếp ảnh bên cạnh các kênh xuất bản truyền thống đã chủ động tham gia một cách mạnh mẽ vào hoạt động xuất bản trên không gian mạng. Đặc biệt là các bộ môn như Văn học, Nhiếp ảnh, Âm nhạc, Mỹ thuật. Nhiều tác giả là hội viên Hội VHNT Ninh Bình đã khá thành công trong việc áp dụng chuyển đổi số, như: Kù Kao Khải, Nguyễn Phúc Khôi (Mỹ thuật), Nguyễn Mạnh Linh, Nguyễn Đức Nguyên, Dương Duy Khanh (Nhiếp ảnh), Nguyễn Ngọc Thuân, Nguyễn Quỳnh Anh (Âm nhạc), Đinh Ngọc Lâm, Vũ Thanh Lịch (Văn), Hoàn Nguyễn, Cầm Thị Đào (Thơ)...

Điều không ai phủ nhận, đó là công nghệ thông tin với những ứng dụng tiện ích của Internet đã mang đến cho những người hoạt động trên lĩnh vực văn nghệ thêm một phương tiện lao động hữu hiệu. 

Có thể thấy, chuyển đổi số trong lĩnh vực văn học nghệ thuật không chỉ đơn giản là sự thay đổi về phương tiện sáng tác, mà là tác động đến tiến trình tư duy, tâm lý sáng tạo, hiệu năng lao động... của các tác giả văn nghệ tham gia vào quá trình trên sao cho tích cực và hiệu quả nhất.

 

M.P

(Nguồn: TC VNNB 280-5/2023)

 

Bài viết khác