Thứ sáu, 13/09/2024

Chùa Quảng Công và phái Tào Động ở huyện Yên Mô, tỉnh Ninh Bình

Thứ hai, 06/03/2023

TS. ĐINH VĂN VIỄN

Chùa Quảng Công hiện ở thôn Quảng Công xã Yên Thái, huyện Yên Mô, tỉnh Ninh Bình. Trong sách Lịch sử Phật giáo Ninh Bình (Nxb Tôn giáo, xuất bản năm 2017) không hề nhắc đến ngôi chùa này.

Qua các văn bia, tháp mộ, khoa cúng tổ hiện còn ở chùa Quảng Công cho thấy, đây là ngôi chùa lớn ở huyện Yên Mô giai đoạn cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX. Thiền phái Tào Động được truyền từ trung tâm Bích Động (Ninh Hải, Hoa Lư, Ninh Bình) đến chùa Quảng Công và từ chùa Quảng Công được truyền đi nhiều chùa khác trong địa phương và các tỉnh lân cận. Sự phát triển của chùa Phúc Long giai đoạn thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX cũng nói lên sự ảnh hưởng của phái Tào Động trong Phật giáo Yên Mô là khá mạnh.

1. Chùa Quảng Công - một trung tâm của phái Tào Động ở Yên Mô, Ninh Bình cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX.

Chùa Quảng Công có tên chữ là Phúc Long tự nằm ở thôn Quảng Công nên còn có tên là chùa Quảng Công. Trong sách Lịch sử Phật giáo Ninh Bình (Nxb Tôn giáo, xuất bản năm 2017) không hề nhắc đến ngôi chùa này. Trong đợt điền dã tháng 4 năm 2021, chúng tôi phát hiện ra hàng loạt tư liệu cho thấy chùa Phúc Long là ngôi chùa lớn, là một trung tâm của phái Tào Động ở huyện Yên Mô, tỉnh Ninh Bình giai đoạn cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX.

Vùng đất xã Yên Thái hiện nay được hình thành từ sớm. “Theo Ngọc phả “Ngọc Thỏ tiết chế đại vương” và “Áp lãng chân nhân” thì vùng đất này có dân cư sinh sống từ thời Hùng Vương thứ 17”(1). Thời nhà Hồ, Hồ Quý Ly đã cho xây dựng thành ở thôn Quảng Công và cho quân lấy đá lấp sông để ngăn giặc tiến từ cửa Thần Phù vào, chuẩn bị chống giặc Minh. Đầu thế kỉ XIX, trước năm 1832, Quảng Công là một xã thuộc tổng Yên Mô, huyện Yên Mô, phủ Trường Yên, đạo Thanh Bình, trấn Thanh Hoa ngoại(2). Đầu thời Minh Mạng đổi đạo Thanh Bình thành đạo Ninh Bình. Năm 1832, đổi đạo Ninh Bình thành tỉnh Ninh Bình. “Thời thuộc Pháp đến năm 1945, xã Yên Thái có 13 làng, thôn, gồm: Cổ Lâm, Từ Đường, Quảng Công, Tri Điền, Lộc Động, Phù Sa, Yên Lâm, Nhân Phẩm, Hoa Tốt, Ngọc Lâm, Bình Sa, Yên Lâm, Thần Phù, Đồng Cao”(3). Năm 1957, xã Yên Thái tách thành 2 xã là Yên Lâm và Yên Thái. Trải qua biến động của lịch sử đến năm 1994, xã Yên Thái gồm 13 thôn, xóm: Đông thôn 1, Đông thôn 2, Phú Trì 1, Phú Trì 2, Hậu thôn, Xóm Dầu, Tri Điền, Tiền thôn, Từ Đường, Quảng Công 1, Quảng Công 2, Thành Hồ, Lộc Động. Hiện nay, chùa Phúc Long thuộc thôn Quảng Công 1, xã Yên Thái, huyện Yên Mô, tỉnh Ninh Bình. 

Đến nay chưa tìm đủ căn cứ để xác định thời điểm ra đời của chùa Quảng Công. Theo những bô lão cao niên ở địa phương thì chùa được xây dựng từ rất lâu. Ban đầu là chùa nhỏ, bằng tranh, nứa, lợp mái rạ. Đến thời Nguyễn, chùa Quảng Công phát triển, trở thành một trung tâm Phật giáo của Yên Mô.

Chùa nằm ở vị trí đắc địa, “nam có núi bao quanh, đông có dòng sông dài, có đồng bằng nối tiếp đến phía tây bắc. Phong cảnh đẹp như bức vẽ”. Theo quan niệm về phong thuỷ thì chùa nằm ở vị trí có bầy rồng hội tụ, được thế “quần long”. Trong khuôn viên của chùa vẫn còn 9 giếng mà nhân dân địa phương gọi là 9 mắt rồng. Nước giếng lúc nào cũng trong, không bao giờ cạn. Chính vì điểm này nên dân khu vực còn gọi chùa với tên là chùa Chín Giếng (hiện nay đã lấp 3 giếng).

Theo văn bia “Quảng Công xã Phúc Long tự bi chí” có niên đại Bảo Đại nguyên niên (1925) thì chùa được xây dựng từ sớm. Văn bia không nói rõ chùa được xây dựng từ bao giờ nhưng căn cứ theo nội dung bia, lời người soạn bia là người xã Quảng Công, tên là Nguyễn Huy Sán, đỗ Cử nhân năm Quý Mão, làm đến chức Hàn lâm Kiểm tịch đã nói rõ về ấn tượng của mình về vị trụ trì của chùa: “Lúc nhỏ đi theo các cụ già, gặp vị sư đã 90 tuổi, đầu không có tóc, tiếng đọc kinh vang như tiếng chuông” như vậy thì trước thời điểm lập bia (1925) chừng mấy chục năm, có thể từ thời Khải Định chùa Phúc Long đã có trụ trì và hoạt động Phật sự đã đều khắp nên mới để lại ấn tượng sâu sắc đối với cậu bé như vậy. Điều này là đúng và phù hợp với lịch sử.

Kết hợp văn bia và Khoa cúng tổ đang lưu tại chùa Quảng Công thì người đầu tiên về mở cảnh chùa Phúc Long là Hoà thượng Thích Hoà Bình. Ngài xuất thân từ gia tộc họ Trần ở Đại An, Nam Định, thụ giới Tỷ khiêu tại chùa Bích Động (Ninh Thắng, Hoa Lư, Ninh Bình). Bia tháp của Ngài ghi rõ đạo hiệu là Minh Giác Thiền sư, đạo duệ Thích Hòa Bình.

Bích Động là trung tâm của phái Tào Động ở Ninh Bình giai đoạn cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX. Lịch sử Phật giáo Ninh Bình cho biết, vị Tổ xiển dương phái Tào Động ở Bích Động là Thiền sư Thanh Đàm, trụ trì chùa Bích Động từ năm 1810 (thế danh Nguyễn Đình Trị, sinh năm 1786, xuất gia năm 1804, thụ Tỷ khiêu giới năm 1806. Ngài là một trong 9 đệ tử đắc pháp nơi Tổ thứ 6 phái Tào Động là thiền sư Khoan Dực Phổ Chiếu - Đạo Nguyên Tăng thống tại thiền viện Nguyệt Quang ở Hải Phòng). Như vậy, Thiền sư Minh Giác từ Bích Động về trùng tu chùa Quảng Công thời gian thế kỷ XIX, là người có công truyền bá Tào Động về chùa Quảng Công, Yên Mô.

Sau khi Thiền sư Thích Hoà Bình quy Tây thì đệ tử là Thích Thanh Quý kế đăng trụ trì chùa Quảng Công. Kế đăng Ngài Thanh Quý trụ trì chùa Phúc Long là đệ tử cả: Ngài Thanh Tháp. Giai đoạn Hoà thượng Thanh Tháp trụ trì, chùa Quảng Công được trùng tu, xây mới nhiều hạng mục, Phật pháp được xiển dương mạnh mẽ. Năm 1919, chùa được trùng tu. Dấu vết của lần trùng tu này còn trên thượng lương của gian Thượng điện của chùa hiện nay còn dòng chữ: “Hoàng triều Khải Định tứ niên tuế thứ Kỷ Mùi niên, bát nguyệt, sơ lục nhật lập trụ thượng lương đại cát”. Lần trùng tu này, ngoài sửa chữa Thượng điện, Tiền đường, nhà Tổ, trụ trì Thanh Tháp còn cho in kinh sách để cho dân đến tụng niệm có sách dùng. Năm 1923 đệ tử của Ngài Thanh Tháp là Thích Thanh Hỉ đã cúng tiền trùng tu phủ Mẫu. Phủ Mẫu được xây bằng tường gạch, cột đá rất đẹp.

Năm 1925, trụ trì của chùa là Thanh Tháp lại trùng tu, sửa chùa cũ thành mới và sau đó cho lập bia ghi lại. Văn bia cũng cung cấp cho ta biết thông tin rằng, chùa đã được rất nhiều người ở xã Quảng Công và nhân dân trong huyện Yên Mô, các chùa ở Yên Mô, Thanh Hoá, Nam Định tiến cúng. Đó là các chức sắc Chánh tổng, Lý trưởng, cựu Chánh tổng, cựu Lý trưởng, Phó Lý trưởng,… của xã Quảng Công. Đặc biệt có các Tăng, ni của nhiều chùa ở huyện Yên Mô, ở tỉnh Thanh Hoá, tỉnh Nam Định tiến cúng. Đó là: “Hòa thượng tự Thanh Nhu, ở chùa Hưng Phúc cúng 5 nguyên. Tỷ khiêu tự Thanh Hỉ người bản thôn (Quảng Công), cúng 10 nguyên. Tỷ khiêu tự Thanh Trà cùng các đệ tử: Tỷ khiêu Tự Thanh Nhượng, tự Thanh Huỳnh, tự Thanh Hòa, tự Thanh Hướng, tự Thanh Định, Sa di tự Thanh Dưỡng ở chùa Đông Nhiễm, xã Doãn Kế, tỉnh Bắc Giang cúng 100 nguyên. Tỷ khiêu Ni tự Tâm Lương ở chùa Tịnh Xá tại Nam Định. Tỷ khiêu Ni tự Đàm Tịnh hiệu Minh Nguyệt, Tỷ khiêu Ni tự Đàm An ở chùa Long Cảm tại Thanh Hoá. Tỷ khiêu Ni tự Phúc Lộc, Tỷ khiêu Ni tự Đàm Liên, Sa - di Ni tự Đàm Nhuận Nguyễn Thị Lan ở chùa Nhân Vinh xã Yên Lâm, huyện Yên Mô. Tỷ khiêu Ni tự Đàm Cảnh, chùa Khánh Vân ở Hải Lăng. Sư già Thanh Hoá ở Chùa Thiên Hưng”,….

Như vậy chứng tỏ chùa Quảng Công thời kì này là ngôi chùa lớn, thuộc phái Tào Động, trụ trì Thanh Tháp là người có ảnh hưởng lớn đối với Phật giáo không chỉ ở huyện Yên Mô mà cả khu vực các tỉnh của miền Bắc và tỉnh Thanh Hoá. Hoặc cũng có thể những Tăng, ni về cúng tiến cho chùa Phúc Long vốn là đệ tử của chùa, được cử đi trụ trì ở các nơi, khi chùa có việc thì quay về tiến cúng. Dù ở trường hợp nào thì đều chứng tỏ sự lớn mạnh, tầm ảnh hưởng của chùa Phúc Long đương thời.

Từ chùa Quảng Công, thiền phái Tào Động được truyền đến nhiều ngôi chùa ở huyện Yên Mô như: chùa Thần Phù (còn gọi là chùa Ngọc Lâm, ở thôn Thần Phù xã Yên Lâm), chùa Nhân Vinh (còn được gọi là chùa Nhâm Phẩm, ở thôn Nhân Phẩm xã Yên Lâm), chùa Quảng Hạ (tên chữ là Hào Khê tự, còn được gọi là chùa Tè (vì chùa nằm ở xóm Tè), ở làng Quảng Hạ, xã Yên Thắng),…

Theo Ni Thích Đàm Thêm - trụ trì đương thời thì chùa Quảng Công thì những năm đầu thế kỷ XX còn là trường Hạ dành cho Ni bộ. Mỗi lần tổ chức hạ, các Ni về học tập tại chùa rất đông đúc.

Đồng thời, chùa Quảng Công còn là nơi mà nhân dân Yên Mô gửi gắm niềm tin tâm linh của mình. Họ không chỉ đến chùa tụng kinh, niệm Phật, hướng về cái thiện, việc thiện mà chùa còn là nơi họ tin tưởng, gửi gắm việc cúng giỗ sau khi qua đời. Theo văn bia có niên đại Bảo Đại nguyên niên (1925), vào tháng 4 năm này, trụ trì của chùa Quảng Công là Thanh Tháp theo sách cũ đã cho khắc bia, để ghi nhớ lại những người cúng ruộng, gửi giỗ tại chùa. Số lượng trên bia có tới 13 người cúng ruộng, gửi giỗ. Số lượng ruộng cúng được khắc trên kia khá lớn. Có người cúng tới 14 thước. Điều này chứng tỏ chùa Quảng Công thời kì này khá lớn, là trung tâm Phật giáo của khu vực, được nhân dân trong vùng tin tưởng, gửi gắm tâm linh của mình.

Vườn tháp chùa Quảng Công

2. Giới thiệu một số trụ trì của chùa Quảng Công

Kết hợp văn bia tháp và Khoa cúng tổ ở chùa Quảng Công thì Lịch đại tổ sư tại chùa đến nay như sau: Tổ đệ nhất: Hoà thượng Thích Hoà Bình Thiện Lợi, đạo hiệu là Minh Giác Thiền sư; Tổ đệ nhị: Hoà thượng Thích Thanh Quý; Tổ đệ tam: Hoà thượng Thích Thanh Tháp; Tổ đệ tứ: Tỷ khiêu Ni Phúc Lộc; Tổ đệ ngũ: Tỷ khiêu Ni Thích Đàm Nhâm; Tổ đệ lục: Tỷ khiêu Ni Thích Đàm Thược; Tổ đệ thất: Tỷ khiêu Ni Thích Đàm Chỉnh; Tổ đệ bát: Hoà thượng Thích Thanh Minh; Đương thời trụ trì: Tỷ khiêu Ni Thích Đàm Thêm.

Tiểu sử một số trụ trì chùa Phúc Long như sau:

Hoà thượng Thích Hoà Bình

Ngài xuất thân từ gia tộc họ Trần ở Đại An, Nam Đinh. Ngay từ nhỏ đã xuất gia, học Phật. Thụ giới Tỷ khiêu tại chùa Bích Động (Ninh Thắng, Hoa Lư, Ninh Bình). Sau khi về trụ trì chùa Phúc Long đã hết lòng xiển dương Phật pháp, tu sửa chùa. Ngài mất ngày 12 tháng giêng. Tháp mộ của Ngài ở vườn chùa hiện nay được đệ tử là Thanh Tháp xây vào tháng 12 năm Khải Định thứ nhất (1919). Bia tháp ghi:

Phiên âm:Cái văn! Phật tổ đạo cao, huân lao nghĩa trọng. Cẩu bất trí ý, hạt đắc vĩnh truyền? Tư giả, Thích tử mưu chư kì dịch trùng tu bảo tháp dĩ biểu phương danh. Quyến thiền sư: Nghĩa Hưng thác tích/ Ký thức? Đại An/ Trần gia tộc phổ/ Đông Lĩnh bản thôn/ Danh tự hữu ý/ Chí mộ thiền môn/ Xuất gia đầu phật/ Tào Động chính tông/ Quy y Bích Động/ Giới phẩm đăng đàn/ Tam căn cụ túc/ Lục độ chu hoàn/ Ninh Bình cương tỉnh/  An trụ Quảng Công/ Hằng tâm hằng sản/ Tu lý Phúc Long/ Nhất tân chế độ/ Tượng pháp hưng tông/ Trang nghiêm nội ngoại/ Phỉ trấn Thiền tông/ Giả danh bất hủ/ Truy tư vô cùng/ Nam Mô Tịnh Nghiệp tháp; Thanh Quang Tỷ khiêu tháp phổ đạo duệ hiệu Minh Giác Thiền sư, Thích Hòa Bình thiện lợi hóa thân Bồ Tát thiền tọa hạ/ Chính nguyệt nhị thập nhật kỵ/ Khải Định nguyên niên, tuế Bính Thìn - Lạp nguyệt, sơ Tứ nhật tự/ Thanh Tháp cẩn chí”.

Dịch nghĩa: Từng nghe! Đạo của Phật tổ cao vời, rực rỡ huân lao nghĩa nặng. Nếu không hết lòng mộ há truyền được mãi sau. Nay nhân vì thế mà Thích tử(4) bàn bạc với các kỳ dịch của làng trùng tu Bảo tháp để nêu tiếng thơm của tổ. Đoái nghĩ Thiền sư: Thác tích ở phủ Nghĩa Hưng/ Gửi thành huyện Đại An/ Dòng Trần phả thuộc/ Đông Lĩnh thôn nhà/ Tên, tự mang ý/ Chí mến cửa thiền/ Xuất gia tu phật/ Chính dòng Tào Động/ Quy y Bích Động/ Giới phẩm đăng đàn/ Tam căn cụ túc/ Lục độ đủ toàn/ Tại cõi Ninh Bình/ An trụ Quảng Công/ Dành tâm dành của/ Tu sửa Phúc Long/ Nên quy mô mới/ Tượng pháp hưng dòng/ Trang nghiêm nội ngoại/ Thêm chấn thiền tông/ Danh đó còn mãi/ Tưởng nhớ vô cùng!/ Nam vô Tịnh Nghiệp tháp - Thanh Quang tỷ kheo; Pháp phả đạo duệ hiệu Minh Giác thiền sư - Thích Hòa Bình thiện lợi hóa thân(5) Bồ tát - Thiền tọa hạ/ Giỗ ngày 20 tháng Giêng. Ngày mồng 4 tháng Chạp năm Bính Thìn, niên hiệu Khải Định thứ nhất (1916). Đệ tử là Thanh Tháp kính ghi.

Thiền sư Thích Thanh Quý

Ngài là đệ tử của Thiền sư Thích Hoà Bình, xuất thân từ gia tộc họ Vũ ở huyện Vũ Tiên, phủ Kiến Xương, tỉnh Thái Bình. Khi còn nhỏ ngài đã chuyên cần việc học. Tinh thông cả Nho, Phật, Đạo. Đến tuổi thanh niên, ngài xuất gia. Sau khi sư phụ là Thích Hoà Bình Thiện Lợi qua đời, ngài trụ trì chùa Phúc Long đã hết lòng lo việc Phật pháp, mở mang chùa cảnh. Ngài mất ngày 10 tháng 8. Tháp mộ của Ngài hiện ở vườn chùa Phúc Long là do hai đệ tử là Thanh Tháp và Thanh Trà xây vào tháng 12 năm Khải Định thứ nhất (1919). Bia tháp ghi:

Phiên âm: “Cái văn! Phật Tổ đạo cao, sư sinh tình trọng. Cẩu bất lưu ý an năng vĩnh truyền? Nhưng Thích tử đẳng, hiệp đồng bản xã kiến lập Bảo tháp, dụng biểu phương danh/ Minh viết!/ Kiến Xương thác tích/ Quận thuộc Vũ Tiên/ Lịch Bài thị ấp/ Vũ tộc sinh hiền/ Thiếu cần học vấn/ Trưởng mộ thanh liên/ Sơ đầu Thông Khiết/ Chính đại tông truyền/ Tái sam Từ Hòa/ Giới bẩm kiến thiên/ Nhất phan miễn giáo/ Tam tụ chu viên/ Hoàng kim thúc hậu/ Minh giám hiệu nguyền/ Mộc nghệ thị luật/ Tịnh nghiệp khắc cần/ Phật pháp đương cơ/ Vị tùng lâm lữ/ Thanh Hóa duyên hoằng/ Kỳ Đà phúc quả/ Tượng hoàn kim dung/ Bảo đài liên tọa/ Ninh Bình nhất phản/ Diên cảnh Phúc Long/ Thạch Cầu thời vãng/ Nghiệp sư tôn sung/ Thử tâm thử cảnh/ Du tễ du ninh/ Mã giang ẩn nguyệt/ Phượng lĩnh truyền thanh/ Tam thập như niên/ Hốt nhiên ảo mộng/ Đức hậu di thâm/ Ân tình đặc trọng/ Bách thế lưu phương/ Dữ sơn xuyên cộng/ Bát nguyệt, sơ Thập nhật chính kị/ Nam mô Khai Sơn tháp - Tịnh Nghiệp sa môn; Pháp hiệu Thanh Quý tỷ kheo Bồ Tát Thiền tọa hạ/ Khải Định nguyên niên, tuế Bính Thìn Lạp nguyệt sơ tứ nhật/ Pháp tử Thanh Tháp, Thanh Trà đẳng chí đẳng cẩn chí”.

Dịch nghĩa: Từng nghe! Đạo của Phật tổ cao vời, ơn thầy tình nặng. Nếu không để lòng mộ thời sao truyền mãi sau. Vì thế Thích tử cùng nhau hiệp lực cùng bản xã tạo lập Bảo tháp để nêu tiếng thơm của tổ/ [Vậy có] minh rằng!/ Thác tích ở phủ Kiến Xương/ thuộc Quận(6) tên Vũ Tiên/ Quê vốn ấp Lịch Bài/ Họ Vũ sinh con hiền/ Lúc nhỏ chăm học vấn/ Khi lớn mộ thanh liên(7)/ Đầu theo sư Thanh Khiết/ Chính dòng truyền đại tông/ Lại sam sư Từ Hóa/ Giới bẩm nghiêm minh/ Một phen gắng dạy/ Ba lần được chu viên/ Tiếng lành truyền lưu/ Minh giám được ước nguyền/ Từng bước theo luật/ Tịnh nghiệp ắt cần/ Phật pháp đương chuyển/ Làm bạn chốn tùng lâm/ Duyên hoằng nơi Thanh Hóa/ Kỳ Đà(8) phúc quả sánh/ Tượng phật sáng kim dung/ Tòa sen cùng đài báu/ Ninh Bình một trở lại/ Làm dài mạch Phúc Long/ Lúc đến Thạch Cầu/ Nghiệp sư đạo tông/ Tâm đó, cảnh này/ Thêm bền thêm ổn/ Trăng ẩn sông Mã/ non Phượng tiếng lưu/ Ngoại 30 năm/ Hốt nhiên ảo mộng/ Đức dày càng sâu/ Ân tình đặc trọng/ Trăm đời phương danh/ Sánh cùng sông núi/ Giỗ ngày 10 tháng Tám/ Nam vô Khai Sơn tháp - Tịnh Nghiệp sa môn; Pháp hiệu Thanh Quý, Tỷ kheo Bồ tát - Thiền tọa hạ. Ngày mồng 4 tháng Chạp năm Bính Thìn, niên hiệu Khải Định thứ nhất (1916). Pháp tử là Thanh Tháp, Thanh Trà cùng kính chép.

Hoà thượng Thích Thanh Tháp

Ngài Thanh Tháp sinh ra ở gia tộc họ Nguyễn ở xã Quần Phương Trung, huyện Hải Hậu, tỉnh Nam Định. Khi còn nhỏ ngài đã hâm mộ Phật và sớm xuất gia cầu đạo. Sau khi sư phụ là Thích Thanh Quý qua đời ngài kế đăng trụ trì chùa Phúc Long. Trong thời gian trụ trì chùa Phúc Long, Hoà thượng Thích Thanh Tháp đã hết lòng xiển dương Phật pháp, mở mang chùa cảnh, trùng tu chùa vào các năm Bảo Đại thứ nhất (1925), trùng tu Chính điện, in kinh sách, làm mới nhà Tổ vào năm Khải Định thứ tư (1919), trùng tu phủ Mẫu vào năm Khải Định thứ 8 (1923).

 Ngài mất ngày 29 tháng 12. Tháp mộ Ngài hiện ở vườn tháp được xây tháng giêng năm Canh Tý. Văn bia tháp của Ngài Thanh Tháp như sau:

Phiên âm: “Cái văn! Phật tổ đạo cao, sư sinh tình trọng. Nhược bất lưu ý an đắc truy tư Kim thích tử thỉnh thị bản thôn kiến lập Bảo tháp dụng biểu phương danh. Minh viết: Nam Định thác tích/ Hải Hậu huyện đường/ Chính xã Phương Trung/ bản sinh Nguyễn tộc/ Thiếu niên cần học/ Trưởng mộ thiền môn/ Sơ bộ Lạc Quần/ Phúc Linh thụ giới/ Viên Đào sáng tác/ Phúc trụ trì công/ Quả lược để phương/ Danh lưu hậu học/ Truyền đạo thọ lục thập tứ niên/ Niệm xả trần ai/ Hốt nhiên ảo mộng/ Công đức di thâm ân tình trọng/ Bách thế lưu phương/ Dữ sơn xuyên cộng/ Đệ niên thập nhị nguyệt, Nhị thập cửu nhật kị/ Nam vô Phương Quảng tháp - Tịnh Nghiệp sa môn tỳ kheo - tự Thanh Tháp toạ hạ. Tuế thứ Canh Tý niên, Chính nguyệt - Thập cửu nhật lập chí”.

Dịch nghĩa: Từng nghe! Đạo của Phật tổ cao vời, ơn thầy tình nặng. Nếu không để lòng mộ thời sao nhớ truyền mãi. Nay Thích tử thỉnh thị với bản thôn tạo lập Bảo tháp để nêu tiếng thơm của tổ. [Vậy có] minh rằng/ Thác tích ở Nam Định/ Hải Hậu huyện nhà/ Chính xã Phương Trung/ Vốn dòng họ Nguyễn/ Lúc nhỏ chăm học/ Khi lớn mộ thiền/ Lúc đầu Lạc Quần/ Thụ giới Phúc Linh/ Sáng tác Viên Đào/ Giữ công tạo Phúc/ Quả đạt lưu thơm/ Danh lưu người sau/ Truyền đạo thọ 64 năm/ Nghĩ bỏ trần ai/ Hốt nhiên mộng ảo/ Công đức càng sâu/ Ân tình thêm nặng/ Trăm đời đê thơm/ Cùng với non nước/ Hàng năm giỗ ngày 29/12/ Nam vô Phương Quảng tháp - Tịnh Nghiệp sa môn; Tỷ kheo tự Thanh Tháp tọa hạ”.

Tỷ khiêu Ni - tự Phúc Lộc

Tỷ khiêu Ni - tự Phúc Lộc là đệ tử của Thiền sư Thích Thanh Tháp, xuất thân từ họ Nguyễn, xã Đông Thành, huyện Tiền Hải, tỉnh Thái Bình. Khi còn nhỏ Ni đã hâm mộ chốn thiền môn. Ni xuất gia cầu đạo tại chùa Lạc Quần (Nam Định), thụ giới Tỷ khiêu tại chùa Phúc Linh vào năm 27 tuổi. Sau khi sư phụ là Thanh Tháp quy tây Ni trụ trì chùa Phúc Long. Sau 78 năm trụ thế, Ni quy tây vào ngày 17 tháng 10. Văn bia tháp mộ Ni Phúc Lộc như sau:

Phiên âm: Cái văn! Phật tổ đạo cao, sư sinh tình trọng. Nhược bất lưu ý an đắc truy tư Kim thích tử thỉnh thị bản thôn kiến lập Bảo tháp dụng biểu phương danh. Minh viết: Thái Bình thác tích/ Tiền Hải huyện đường/ Đông Thành xã [động?]/ Sơ sinh Nguyễn tộc/ Nữ lưu cần học/ Trưởng mộ thiền môn/ Sơ bộ Lạc Quần/ Phúc Linh thụ giới/ Nhị thập thất tuế/ Bồ tát thụ trì/ Sáng tạo nhân cơ/ Tiên linh thụ thứ/ Phúc Long lão trụ/ Thất thập bát linh/ Kiến tháp di truyền/ […] vĩnh truyền một/ Hữu sinh hữu thác/ Công đức lưu phương/ Dữ sơn xuyên cộng/ Thập nguyệt, Thập thất nhật chính kỵ/ Nam vô Thành Quảng tháp - Tịnh Nghiệp sa môn tỳ kheo ny - tự Phúc Lộc Bồ tát thiền tọa hạ/ Tuế thứ Canh Tý niên, Chính nguyệt - Thập cửu nhật lập chí.

Dịch nghĩa: Từng nghe! Đạo của Phật tổ cao vời, ơn thầy tình nặng. Nếu không để lòng mộ thời sao nhớ truyền mãi. Nay Thích tử thỉnh thị với bản thôn tạo lập Bảo tháp để nêu tiếng thơm của tổ. [Vậy có] minh rằng/ Thác tích ở Thái Bình/ Tiền Hải huyện nhà/ Chính xã Đông Thành/ Vốn dòng họ Nguyễn/ Nữ giới chăm học/ Khi lớn mộ thiền/ Lúc đầu Lạc Quần/ Thụ giới Phúc Linh/ Khi 27 tuổi/ Trì hạnh Bồ Tát/ Sáng tạo nền nhân/ Tiên linh nhận phúc/ Trụ tại Phúc long/ Đến 78 tuổi/ Dựng tháp di truyền/ Còn mãi.../ Có sinh có thác/ Công đức lưu thơm/ Sáng cùng sông núi/ Ngày 17 tháng Mười chính kỵ/ Nam vô Thành Quảng tháp - Tịnh Nghiệp sa môn; Tỷ kheo ny tự Phúc Lộc  Bồ tát - Thiền tọa hạ/ Ngày 19 tháng Giêng năm Canh Tý kính ghi (1960).

Như vậy, qua các văn bia, tháp mộ, khoa cúng tổ hiện còn ở chùa Quảng Công cho thấy, đây là ngôi chùa lớn ở huyện Yên Mô giai đoạn cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX. Thiền phái Tào Động được truyền từ trung tâm Bích Động (Ninh Hải, Hoa Lư, Ninh Bình) đến chùa Quảng Công và từ chùa Quảng Công được truyền đi nhiều chùa khác trong địa phương, thậm chí các tỉnh lân cận. Sự phát triển của chùa Quảng Công giai đoạn thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX cũng nói lên sự ảnh hưởng của phái Tào Động trong Phật giáo Yên Mô là khá mạnh.

 

Chú thích: (1) Đảng bộ xã Yên Thái (2012), Lịch sử Đảng bộ xã Yên Thái (1947-2010), xuất bản tháng 5 năm 2012, trang 9; (2) Dương Thị The (1981), Tên làng xã Việt Nam đầu thế kỉ XIX (các tỉnh từ Nghệ tĩnh trở ra), Nxb KHXH, Hà Nội, trang 119; (3) Đảng bộ xã Yên Thái (2012), Lịch sử Đảng bộ xã Yên Thái (1947-2010), xuất bản tháng 5 năm 2012, trang 7; (4) Thích tử: Con của phật, đây chỉ chung các đệ tử tín đồ Phật giáo; (5) Thiện lợi hóa thân: Lâu nay vê chùa được nghe giải thích chữ “Thiện Lợi” là pháp danh của Thiền sư nhưng đây là thuật ngữ của Phật giáo nói chung ý chỉ việc người tu hành nhận ra thiện căn bản chất tính phật của bản thân; bản thân là biến thân của phật, bồ tát giáo hóa cứu tế chúng sinh; (6) Quận Vũ Tiên ; Từ trước nước ta không đặt quận làm đơn vị hành chính, chỉ có huyện và phủ. Vũ Tiên là huyện trực lệ của phủ Kiến Xương, sau này hợp với huyện Thư Trì thành huyện Vũ Thư; (7) Thanh Liên  , Loài sen sạch ở bùn mà không nhiễm bẩn, ý nói Đạo Phật. Cùng cõi Sa Bà không nhiễm khổ; (8) Kỳ Đà (奇佗) là vị Thái tử, con vua Ba Tư Nặc ở thành Xá Vệ. Ông có cảnh vườn rất đẹp ở thành Xá Vệ, kinh đô nước Câu Thát La. Trưởng giả Cấp cô Độc đã mua vườn ấy của Thái tử và đem cúng dường Phật và Tăng chúng để làm Tịnh xá (tức là Chùa). Nhưng Thái tử chỉ bán đất không bán cây trong vườn, Thái tử cúng dường Phật và Tăng chúng. Vì vậy mà trong Kinh Phật thường có câu “Kỳ thụ, Cấp cô độc viên” (vườn ông Cấp cô Độc, cây của Thái tử Kỳ Đà). Ở đây hiểu là công đức của sư sánh với công đức của Kỳ Đà thái tử khi cúng dường, tôn tạo cảnh Phật.

Tài liệu tham khảo: (1) Khoa cúng tổ chùa Quảng Công; (2) Thượng tọa Thích Thọ Lạc, Nguyễn Hồng Dương, Nguyễn Phú Lợi (2017), Lịch sử Phật giáo Ninh Bình, Nxb Tôn giáo, Hà Nội; (3) Văn bia tháp mộ tại chùa Quảng Công (5 bia tháp); (4) Văn bia Bảo Đại nguyên niên (tại chùa Quảng Công); (5) Văn bia Quảng Công xã Phúc Long tự bi chí (niên đại 1925) (tại chùa Phúc Long).

Đ.V.V

(Nguồn: TC VNNB 273+274-12/2022)

 

 

Bài viết khác