Thứ bảy, 21/09/2024

Cửa biển Thần Phù xưa và nay

Thứ ba, 10/12/2019

LÃ ĐĂNG BẬT 

            Cửa biển Thần Phù xưa
            Phía đông nam của tỉnh Ninh Bình xa xưa là biển cả. Tại đây có cửa biển gọi là Thần Đầu. Biết tên “Thần Đầu” vì Nguyễn Trung Ngạn (1289-1370) là danh sĩ thời Trần có bài thơ: “Chiều hôm đậu thuyền ở cửa biển Thần Đầu” (Thần Đầu cảng khẩu vãn bạc) và ngọn núi nhô ra biển cũng gọi là núi Thần Đầu.

           “Đầu” có nghĩa là ném hoặc có nghĩa là cái đầu. Ở đây còn có loại cá Thần Đầu giống hình người, đầu cá không có vẩy, có đuôi. Như thế cửa biển ở phía đông nam tỉnh Ninh Bình xa xưa được gọi là Thần Đầu từ thời Trần. Đến thế kỷ XV, gọi là Thần Phù. Nguyễn Trãi là nhà văn hoá lớn của dân tộc thời Lê đã viết bài thơ “Thần Phù hải khẩu” (Cửa biển Thần Phù). Từ đó về sau, cửa biển này đều gọi là Thần Phù. Đây là mảnh đất tận cùng phía nam của tỉnh Ninh Bình, ngày nay là đất xã Yên Lâm, huyện Yên Mô, tỉnh Ninh Bình. Thời xưa đất này thuộc xã Thần Đầu, huyện Nga Sơn, tỉnh Thanh Hoá, đến năm 1838, đời Minh Mạng thứ 19, xã Thần Phù sát nhập vào huyện Yên Mô, tỉnh Ninh Bình. Đây vốn là vùng biển dữ dội, nguy hiểm, vì có những ngọn núi đá ăn ra biển có những mỏm ngầm sắc nhọn, lại có sóng dữ, gió to, thuyền bè qua sẽ bị đánh chìm. Nên từ ngàn xưa muốn đi vào Nam qua vùng biển này, thuyền phải đi vòng ra xa, rồi vòng trở lại mới vào Nam được. Đó là cửa ngõ biển vào Nam nằm trên tuyến đường thuỷ vào Nam ra Bắc. Người dân ở quanh cửa biển Thần Phù xưa và nay là đất xã Yên Lâm còn lưu truyền câu ca dao: “Lênh đênh qua cửa Thần Phù? Khéo tu thì nổi, vụng tu thì chìm”.

Cửa biển Thần Phù 

            Điều đó thể hiện cửa biển Thần Phù là một vị trí quân sự mang tính chiến lược, cực kỳ quan trọng ở thời xa xưa. Các vua chúa đi vào  Nam chinh phạt đều phải qua cửa biển Thần Phù. Đây là chỗ giáp giới huyện Yên Mô, tỉnh Ninh Bình và huyện Nga Sơn, tỉnh Thanh Hoá. Nó có khoảng cách chỉ trên dưới 200 m nằm giữa 2 khối núi, một bên là mòm ngoài cùng của dãy núi Tam Điệp (nay thuộc xóm 7, xã Nga Điền, huyện Nga Sơn), một bên là quần thể núi sót phía biển (nay thuộc thôn Thần Phù, xã Yên Lâm, huyện Yên Mô).

        Truyền thuyết kể rằng khi vua Hùng đi Nam chinh, đoàn thuyền của nhà vua đi đến cửa biển Thần Phù thì không đi được, vì sóng to, gió lớn, mưa dữ dội. Nhà vua phải dừng thuyền hơn một tháng. Nghe đồn có một người tên là La Viện ở xã Nhuệ Trại, huyện Thuần Kênh thuộc châu Ái, nay là đất Hậu Lộc, tỉnh Thanh Hoá đã tu luyện nhiều năm, đắc đạo trở thành đạo sĩ nổi tiếng, nhà vua liền cho mời đến gặp nhờ giúp đỡ bảo vua Hùng trai giới rồi La Viện cưỡi thuyền đi trước quả nhiên mặt biển trở lại phẳng lặng, quân nhà vua vượt qua dễ dàng. Đến khi chiến thắng trở về, lúc ấy La Viện đã mất, vua Hùng xuống chiếu phong là “Áp Lãng Chân Nhân” (Thần dẹp yên được sóng dữ), cho lập đền thờ ông ở chân núi phía nam của biển Thần Đầu, sắc phong cho dân quanh vùng phải phụng thờ, đời sau phong là Thượng Đẳng Thần. Không chỉ ở cửa biển Thần Đầu thờ đạo sĩ La Viện mà 39 cửa biển từ cửa biển Thần Phù đi tới cửa biển Thi Nại thuộc tỉnh Bình Định ngày nay đều lập đền thờ La Viện. Nếu cộng cả một số nơi trong tỉnh Bình Định thì có đến 48 nơi thờ Áp Lãng Chân Nhân.

            Thời nhà Đinh, Tiền Lê, cửa biển Thần Phù là cửa ngõ biển bảo vệ Kinh đô Hoa Lư ở xã Trường Yên, huyện Hoa Lư ngày nay. Các triều đại phong kiến đi chinh phạt các cuộc ngoại xâm ở phía Nam bằng đường thuỷ đều phải đi qua cửa biển Thần Phù. Vì cửa biển Thần Phù có sóng to, gió dữ nên từ thế kỷ thứ 10, phản thần nhà Đinh là Ngô Nhật Khánh khi dẫn chúa Chiêm ra đánh Hoa Lư đã bị chết đuối ở đây.

Thời nhà Lý, vua Lý Thái Tông (1028-1054) đem quân đi đánh nước Chiêm Thành, đi đến cửa biển Thần Phù gặp sóng to, gió lớn, đoàn thuyền không thể vượt qua được, nhà vua phải thân chinh đến đền thờ La Viện (đền thờ Áp Lãng Chân Nhân) cầu khấn, ngày hôm sau, tự nhiên gió lặng, biển yên, đoàn thuyền của nhà vua đi qua cửa biển Thần Phù yên ả, thuận tiện.

            Sách“Ninh Bình toàn tỉnh địa chí khảo biên” của Nguyễn Tử Mẫn (NXB Chính trị Quốc gia – 2001), trong 123, ghi: “Trần Phế Đế (1377-1388), niên hiệu Xương Phù thứ 6 (1382) phá quân Chiên Thành ở Thần Đầu (Thần Phù)”.

            Thời nhà Hồ, Hồ Quý Ly sau khi truất ngôi vua của Trần Thiếu Đế, năm 1400 lên ngôi Hoàng Đế, được gọi là Chương Hoàng lấy đá lấp ngã sông thông với cửa biển Thần Phù để chống quân Minh. Vì vậy, vua Lê Thánh Tông ở niên hiệu Hồng Đức, năm 1470, khi đi qua cửa biển Thần Phù, nghỉ lại ở đó đã viết bài thơ “Thần Phù hải môn lữ thứ” (Nghỉ lại ở cửa biển Thần Phù) trong đó có 2 câu luận nói về điều đó:“Chương Hoàng chở đá lấp kín lòng sông/ La Viện cưỡi thuyền nhẹ nhàng đè sóng”.

            Sách“Ninh Bình toàn tỉnh địa chí khảo biên”, trang 123, còn ghi: “Vua Lê Anh Tông (1557-1573), niên hiệu Thiên Hựu năm đầu (1557), đại phá quân Minh ở cửa biển Thần Phù tức là đây”.

            Sách “Đại Nam nhất thống chí” (Tập III – NXB Giáo dục – 1971), trang 260, ghi:“Đời Lê Quang Hưng (1578-1599) (tức đời vua Lê Thế Tông (1578-1600), quan quân đi đánh nhà Mạc, qua đây (Cửa biển Thần Phù) gặp sóng to, chợt thấy một ông già đầu tóc bạc, chèo chiếc thuyền nhỏ, thuyền đi đến đâu, sóng gió im đi đến đấy, có lẽ là do thần hiển linh giúp sức …”

            Như thế chứng tỏ cửa biển Thần Phù có giá trị chiến lược quân sự, là cửa ngõ biển đi Nam về Bắc của nước ta ở thời phong kiến, nằm trên tuyến đường thuỷ hành quân Nam tiến của người Việt, đã chứng kiến các chiến công, chống ngoại xâm của dân tộc.

            Không chỉ thế, cửa biển Thần Phù còn là cảm hứng cho các vua, danh sĩ thời xưa.

            Hoàng giáp Nguyễn Trung Ngạn (1289 -1370) viết bài thơ “Chiều hôm đậu thuyền ở cửa bể Thần Đầu”: “Sóng khoả gương ô, ráng đỏ ngầu/ Xóm chài san sát bóng chiều thâu/ Tận trời nước trắng tuôn như xối/ Đến bể ngàn xanh nhạt cả màu/ Cửa động rồng về mù khoá kín/ Ngọn triều kình thổi gió dồn mau/ Thuyền lan một lá trông muôn khoảnh/ Ngỡ tới cung ngân tự thủa nào” (Phan Võ dịch)

            Vua Lê Thánh Tông (1442-1497) có hai bài thơ, sau đây là một bài thơ “Nghỉ lại ở của bể Thần Phù”: “Con đường núi vòng vèo chui vào trong mây/ Xa giá nhà Vua một lần nữa làm cuộc viễn du/ Đất khơi sông lớn thông với thượng du/ Trời dựng cột đá chắn giữa dòng nước/ Chương Hoàng chở đá lấp kín lòng sông/ La Viện cưỡi thuyền nhẹ nhàng đè sóng/ Chuyến đi này vượt qua ba mươi chín cửa bể/ Tính đoạn đường, biết ngày nào mới tới Ô Châu?” (Bản dịch trong sách Thơ Văn Lê Thánh Tông)

            Tiến sĩ Nguyễn Trãi (1380-1442) cũng có 2 bài thơ, sau đây là bài thơ “Cửa biển Thần Phù”: “Quê cũ lòng về theo cánh nhạn/ Lá thu cửa biển chiếc thuyền xiêu/ Kình phun, sóng vỗ gầm nam bắc/ Giáo dựng, non bày biếc trước sau/ Trời đất có tình phô vụng lớn/ Công danh gặp hội nhớ năm nào/ Bóng tà dựa mái mênh mông đứng/ Sông lạnh ngun ngun nổi khói chiều”. (Bản dịch trong Nguyễn Trãi toàn tập)

            Tiến sĩ Ngô Thị Nhậm (1746-1803) có thơ “Trên Núi Thần Phù, trông ra biển”: “Hoá công xếp dặt rõ tài thay/ Hỗn độn từ xưa quả đất này/ Khiến đá xô đi đè sông biển/ Để vùng lõm xuống chứa ao trời/ Cuộc tàn Thiết Giáp, ngôi đền sót/ Tiệc bãi Đào Viên, ánh ráng cài/ Luống tưởng thuyền lầu vang tiếng nhạc/ Tao đàn bao mữa, nói theo lời…” (Khương Hữu Dụng dịch)

            Nguyễn Đề là anh ruột Nguyễn Du cũng có bài thơ “Ngắm cảnh buổi sớm ở Thần Phù”: “Vén tay vin đá tới Thần Phù/ Trời đất nhìn quanh tứ gửi thu/ Ảm đạm mây mai cây vắng lặng/ Mịt mù sương sớm gió vi vu/ Dảo xa trơ trọi triều dâng ngập/ Thuyền nhỏ đung đưa nước cuốn xô/ Nghe nói động tiên Từ Thức đó!/ Nhờ ai giúp tớ chuyến thanh du” (Lê Xuân Quang dịch)

            Đó là những bài thơ, có cả bút tích, ký ức của núi là “văn bia” đã có trong thơ của các tao nhân mặc khách – lưu truyền trường tồn cho các thế hệ mai sau, giữ hộ cho con người bao điều sáng chói diệu kỳ về cửa biển Thần Phù. Mỗi bài thơ có một nét riêng toả sáng như một viên ngọc quý, có nhiều màu làm cho cửa biển Thần Phù còn sống mãi với thời gian mặc dù ngày nay chỉ là một vùng đất của một xã Yên Lâm. Có thể nói, cửa biển Thần Phù xưa là lịch sử, văn hoá và thơ.

            Thời xa xưa trước cửa biển Thần Phù là biển mênh mông sóng to, gió lớn. Sông Đáy ở phía đông, sông Càn ở phía tây như vòng tay giang rộng ôm gọn lấy vùng đất ven biển Ninh Bình, chảy qua đây, phù sa làm nước sông đỏ ngầu quanh năm. Khi 2 sông này chảy ra biển thì chịu tác động của sóng và dòng chảy của biển (hải lưu) hình thành nên dòng phù sa ven biển, rồi lắng đọng dần thành bãi bồi. Người xưa có câu: “Thuỷ tăng kiến thuỷ, thuỷ giáng kiến thổ”.

            Ven biển Ninh Bình là vậy, là đất mở. Từ thời xa xưa biển lùi dần, đất mở ra, cửa biển Thần Phù không còn nữa, ngày nay đã trở thành xã Yên Lâm, huyện Yên Mô, tỉnh Ninh Bình.

            Xã Yên Lâm ngày nay

            Do cửa biển Thần Phù được phù sa bồi đắp, cũng như dải đất ven biển phía đông tỉnh Ninh Bình là vùng đất mở, đất màu mỡ, gần biển nên người dân ở các nơi, chủ yếu là dân Nam Định đã đến đây lập nghiệp làm nghề bắt cá và cấy lúa.

            Năm 1471, đời vua Lê Thánh Tông (1460-1497), ở niên hiệu Hồng Đức, Lê Niệm là quan Tư Mã quê Thanh Hoá đã đứng ra chỉ huy việc đắp đê Hồng Đức. Sách “Đại Nam nhất thống chí” ghi: “Đê cũ Hồng Đức: … từ bờ phía Bắc đến bờ phía Nam cửa Càn đê đắp đá. Từ bờ phía Bắc cửa Thần Phù đến bờ phía Nam sông Bồng Hải đắp đê đất, để ngăn nước mặn, gọi là đê Hồng Đức, nay vẫn còn”.

            Sau khi có đê Hồng Đức, cư dân các nơi đến vùng đất trước đây là cửa biển Thần Phù rất đông nên được vua Lê Thánh Tông cho thành lập một xã, có tên là Thần Phù vào năm 1474, gồm 5 thôn: Nhâm Phẩm, Phù Sa, Anh Tốt, Mai Xá, Ngọc Lâm. Xã Thần Phù cũng được gọi là tổng Thần Phù thuộc huyện Nga Sơn, phủ Hà Trung, tỉnh Thanh Hoá. Đến năm Minh Mạng thứ 6 (1825), tổng Thần Phù nhập thêm thôn Ngọc Lâm, khi đó gồm 8 xã, thôn là: Thần Phù, Ngọc Lâm, Yên Lâm, Bình Sa, Đông Cao, Yên Tốt, Phù Sa, Nhân Phẩm, vẫn thuộc huyện Nga Sơn, phủ Hà Trung.

            Đến năm 1838, đời vua Minh Mạng thứ 19, tổng Thần Phù được cắt chuyển từ huyện Nga Sơn (Thanh Hoá) về huyện Yên Mô, phủ Yên Khánh, tỉnh Ninh Bình. Tháng 01 năm 1946, tổng Thần Phù đổi thành xã Thanh Bình, tháng 7 năm 1956, xã Thanh Bình cũ đổi tên là xã Yên Lâm. Như thế tên xã là Yên Lâm, có từ năm 1956.

            Hiện nay xã Yên Lâm (Cửa biển Thần Phù xưa), có 8 khu dân cư gồm: xóm 1, xóm 2 thuộc thôn Ngọc Lâm, xóm 1, xóm 2 thôn Đông Yên, thôn Phù Sa, thôn Nhân Phẩm, thôn Đông Hoài, thôn Hảo Nho, nằm gọn ở phía Nam của huyện Yên Mô, tỉnh Ninh Bình, phía bắc giáp xã Yên Mạc, phía tây giáp xã Yên Thái, phía nam của xã giáp xã Nga Điền, huyện Nga Sơn, tỉnh Thanh Hoá, phía đông giáp xã Lai Thành, huyện Kim Sơn, là xã miền núi, là xã Nông thôn mới, là xã “Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân thời kỳ chống Mỹ”, cách bờ biển khoảng 15 km, cách thành phố Ninh Bình 30 km.

            Di tích còn lại của cửa biển Thần Phù không chỉ có ở xã Yên Lâm, huyện Yên Mô mà còn ở cả Nga Điền và xã Nga Thiện, huyện Nga Sơn, tỉnh Thanh Hoá gồm: Núi Thần Đầu vẫn đứng “Trơ gia cũng tuế nguyệt”, đền thờ Áp Lãng Chân Nhân ở phía nam của núi thời xưa không còn do sóng biển tàn phá; Núi Thạch Bi thuộc thôn Tri Thiện, xã Nga Thiện, huyện Nga Sơn, trên vách núi hiện vẫn còn một chữa “Thần” rất lớn bằng chữ Hán hướng ra phía biển được chạm khắc từ thời xa xưa, đánh dấu nơi đây là cửa biển Thần Đầu gió to, sóng dữ, Thần Áp Lãng Chân Nhân có tài dẹp yên sóng dữ; Tại thôn Chính Đại, xã Nga Điền vẫn còn ngôi chùa cổ mang tên Thần Phù; Tại xã Yên Lâm, huyện Yên Mô có đền Nhân Phẩm ở thôn Nhân Phẩm, đình Đông ở thôn Phù Sa, đình Yên Tốt ở thôn Đông Yên đều thờ Áp Lãng Chân Nhân. Đình Đông đã được Nhà nước xếp hạng là “Di tích Lịch sử - Văn hoá cấp Quốc gia”.

 

            L.Đ.B

Bài viết khác