Thứ ba, 10/09/2024

Kinh đô Hoa Lư, kinh thành đá độc đáo duy nhất quân thành vững chắc của nước Nam Việt

Thứ tư, 22/07/2020

LÊ DOÃN ĐÀM 

Sau khi Ngô Quyền theo Dương Đình Nghệ đánh tan quân Nam Hán (931) Ngô Quyền với danh nghĩa là bộ tướng và là con rể của Dương Đình Nghệ đã sớm trở thành ngọn cờ quy tụ lòng yêu nước của mọi tầng lớp, tập hợp lực lượng tiêu diệt kẻ phản trắc Kiều Công Tiễn.

Kiều Công Tiễn hoảng sợ, vội vã cầu cứu quân Nam Hán. Ngô Quyền nhanh chóng tổ chức kháng chiến chống quân Nam Hán. Chiến thắng trên sông Bạch Đằng diễn ra quá nhanh khiến cho vua Nam Hán là Lưu Cung không kịp trở tay. Ngô Quyền đã làm nên chiến thắng Bạch Đằng giang lịch sử nổi tiếng năm 938, kết thúc hơn một 1.000 năm Bắc thuộc, mở ra một thời kỳ mới, thời kỳ xây dựng một quốc gia độc lập tự chủ cho nước Nam Việt. Mùa Xuân năm 944 Ngô Vương Quyền lập đàn tràng tế thiên địa, nội dung lòng văn tế như sau:

Văn tế thiên địa

Nước tôi hẻo lánh, ở cõi trời Nam, Thiên thư định phận rành rành, xin thiên địa thần kỳ đều chiếu giám, thế mà từ đời Triệu, Vũ đến nay, chốc đã ngàn năm có lẻ, hết thuộc Hán, Tùy, Đường, Lương, Tống, giang sơn không chủ, dân sự lầm than, ôi sao phú tái hẹp hòi? Gió mưa riêng để cõi ngoài phương chi? Tôi là một người ở trong nước Nam, gặp cơn thảo muội, chẳng quản ngu hèn, dám ra gánh vác, may mà trời cũng chiều lòng, nên mới được chủ trương trăm họ, vẫn biết tài hèn đức bạc, không có thể lấp bể vá trời, vả tôi nay tuổi ngoại bốn mươi, tràn năm tật bệnh, chắc chẳng bao lâu sẽ về chầu tiên đế, mà tôi xem các con tôi, và triều thần văn võ của tôi, không ai là người có thể thay tôi, chủ trương cái giang sơn này được! Tôi mà đã chết thì nước tôi sẽ bị người Tầu dịch sử, gương trước chưa xa, họa sau càng sợ, vậy cúi xin quãng trời che đất trở, mau mau giáng cho nước Nam một vị anh hùng, có cái tài kinh thiên vĩ địa, bát loạn an dân, may cho dân tôi, hạnh phúc cho nước tôi lắm lắm! Lạy chín phương trời, lạy mười phương Phật thấu nhời Ngô Quyền này kỳ đảo!

 Sau buổi lễ tế thiên địa Ngô Vương Quyền mất ngày 18 tháng giêng năm 944 thọ 47 tuổi. Sau khi Ngô Vương Quyền mất, khắp nơi nổi lên nạn cát cứ loạn 12 xứ quân.

“Hoàng Đế Cờ Lau”(1) Đinh Bộ Lĩnh (924- 979) người ở thôn Kim Lư, làng Đại Hữu, châu Đại Hoàng (nay là thôn Văn Bòng, xã Gia Phương, huyện Gia Viễn, tỉnh Ninh Bình. Thân phụ là Đinh Công Trứ làm quan Thứ sử Hoan Châu - Nghệ An ngày nay) đã ra nhập xứ quân của Trần Công Lãm ở Bố Hải Khẩu (nay là tỉnh Thái Bình). Đinh Bộ Lĩnh là tướng trí dũng song toàn, tài ba, thao lược được Trần Công Lãm tin yêu, Trần Công Lãm đã trao quyền cho Đinh Bộ Lĩnh thống lĩnh xứ quân của ông. Đinh Bộ Lĩnh cầm quân đi dẹp loạn, sức mạnh như chẻ tre, đánh đâu thắng đấy, đã đánh tan, và thu phục được các xứ quân khác, thống nhất được giang sơn thu về một mối.

Tương truyền: Sau khi Đinh Bộ Lĩnh dẹp xong loạn “cát cứ mười hai xứ quân”, đưa trăm họ muôn dân về cảnh thái bình độc lập, người anh hùng Đinh Bộ Lĩnh có ý định về quê để làm nghề nông, cày cấy ruộng vườn. Ông cho truyền bài cáo yên dân đến muôn dân, trăm họ như sau:

Cáo yên dân

Kinh có nói “Nước lấy dân làm gốc”, gốc có vững thì nước mới yên, Truyện có truyền “Vua là thường, Dân là quý, nhưng xem ra xưa nay chỉ báu cái ngôi vua. Vua khinh dân nước, Thục tiền Văn Lang, Triệu thay Âu Lạc, mỗi một phen cách mạng thì dân tình cực khổ biết bao? Rồi ra nước lại thuộc về Tầu, trăm họ thảm sầu thật không bút nào tả xiết. Há phải rằng: Trời không tựa Việt? Chỉ vì Người chẳng biết yêu dân, như vừa rồi đây thập nhị xứ quân, mỗi người chiếm cứ một phương, đều những sự đồ Vương, tranh bá. Trong thiên hạ phụng một người dân còn khốn khổ, huống chi mười hai người đều đóng vai chuyên chế, tự tư, tự lợi thì người dân còn mong chi cất cổ ngửa đầu. Ta nay là người ở chốn Thung Lau, mục kích trông thấy sự thảm sầu chua chát, vậy nên chẳng quản chi tài hèn, đức bạc, quyết đương đầu ra gánh vác cứu nạn cho dân. May mà nhờ uy linh của nòi giống Tiên Rồng, Khí vận của non sông xanh biếc. Ta cùng các vị anh hùng hào kiệt, cố ra công gắng sức có ngày nay. Thập nhị xứ quân đã phái đệ, tảo trừ. Thập vạn hùng binh thêm phấn khởi. Thế là nước ta được lạc nghiệp, an cư. Ta đây cũng được toại trí bát loạn an dân, mà toàn dân cũng được hưởng Thái Bình độc lập. Còn trong buổi chiến tranh, hoảng hốt thảm thương. Tránh sao khỏi sự lay xương đổ máu! Đó là thế sự sử nhiên! Mong toàn dân hãy vì lòng ta mà chớ oán! Ta nay trở về quê quán. Vậy báo cáo Nội Ngoại thông tri!

Ảnh tư liệu do tác giả bài viết cung cấp

Bá tính trong nước khi nghe lời cáo yết của Đinh Bộ Lĩnh, trên dưới đều một lòng bái kiến tâu rằng: Trời đất một ngày không thể không có Mặt trời! Đất nước một ngày không thể không có chủ, do vậy hết thảy ba quân tướng sĩ cùng muôn tâu xin chúa công hãy vì xã tắc, trăm họ mà ra tay dìu dắt, chăm dạy muôn dân, lên ngôi Hoàng đế để trăm họ được cậy nhờ. Sau đó tất cả đều tung hô: “Vạn Thắng Vương Đại Thắng Minh Đinh Tiên Hoàng đế vạn tuế, vạn tuế, vạn vạn tuế”! Thuận theo ý trời, chiều lòng muôn dân trăm họ, Đinh Bộ Lĩnh đã chọn đất Tràng An tức động Trường Yên (gồm động Trường Yên Thượng và động Trường Yên Hạ)(4) để định đô, làm lễ đăng quang lên ngôi Hoàng đế (năm 968), đặt quốc hiệu là Đại Cồ Việt, lấy niên hiệu là Thái Bình, đặt tên cho kinh đô là Hoa Lư, lập nên một nhà nước phong kiến trung ương tập quyền đầu tiên trong lịch sử nước Nam Việt, có kỷ cương luật lệ, pháp chế nghiêm minh. Để bảo vệ và giữ vững chủ quyền giang sơn bờ cõi Đại Cồ Việt non trẻ, Đinh Tiên Hoàng Đế đã dựa vào địa thế Hoa Lư, núi sông hùng vĩ nhưng cũng vô cùng hiểm trở, để xây dựng Kinh đô. Vua cho đắp tường thành nối các dãy núi liền nhau tạo nên một Kinh thành đá độc nhất vô nhị (có một không hai) là một “Quân thành” vững chắc của nước Nam Việt. Kinh đô Hoa Lư gồm hai khu, khu thành Ngoại và khu thành Nội, thành Ngoại có diện tích 140 ha, (gồm 2 thôn, Yên Thượng và Yên Thành xã Trường Yên ngày nay) gồm 5 đoạn tường thành: 1, Đoạn tường thành phía Đông, nối núi Đầm với núi Thanh Lâu. 2, Đoạn tường thành nối núi Thanh Lâu với núi Cột Cờ. 3, Đoạn tường thành phía Bắc nối núi Cột Cờ với núi Chẽ. 4, Đoạn tường thành nối núi Chẽ với núi Chợ. 5, Đoạn tường thành nối núi Mã Yên, với tường Vầu (ngăn đôi khu thành Ngoại). Khu thành Nội sấp sỉ 140 ha (thuộc thôn Chi Phong xã Trường Yên ngày nay) gồm 5 đoạn tường thành: 1. Đoạn tường thành nối núi Hàm Sà với núi Cánh Hàn (còn có tên là tường Dền). 2. Đoạn tường thành nối núi Cánh Hàn với núi Hang Tó (đoạn phụ cùng tuyến nối dài với tường Dền). 3. Đoạn tường thành nối núi Quèn Dót với núi Mồng Mang (còn gọi là tường Bồ). 4. Đoạn tường thành nối núi Mồng Mang với núi Cổ Giải (còn gọi là tường Bim). 5. Tường Vầu (ngăn đôi khu thành Nội, như khu thành Ngoại). Cung điện của Kinh đô Hoa Lư ở khu thành Ngoại, nơi hội tụ khí thiêng sông núi, đủ cả tứ Linh: Long, Ly, Quy, Phượng, Mã, Hổ, Tượng, Xà quần hùng tương ngộ(2). Kinh đô Hoa Lư tọa lạc gữa vùng núi sông nguy nga hùng vĩ đắc địa, 3 mặt phía Đông, phía Nam và phía Tây được bao quanh bởi một kinh thành đá tự nhiên, phía Bắc có dòng sông Hoàng Long và dòng Tiểu Long giang tức sông Sào Khê tạo nên thế “ỷ sơn”, nhìn sông tựa núi vững chắc, an toàn cho phòng thủ, tiện lợi khi tiến công, tiến thoái chu toàn linh hoạt, chẳng khác gì “thành cao hào sâu” của thiên nhiên “Thượng Đế” ban tặng cho nước Nam Việt, thật xứng đáng với cái tên “Tràng An” tức Trường Yên có nghĩa là yên ổn lâu dài(5). Trường Yên quả đúng như cái tên gọi của nơi đây, đã được chứng minh qua các cuộc kháng chiến chống giặc ngoại xâm của dân tộc Nam Việt, như triều đại nhà Trần (1225 - 1400), đánh giặc Nguyên Mông, khi thế giặc ban đầu còn đang hung hãn quá mạnh, các vua nhà Trần đã phải tạm rút về đất Cố đô Hoa Lư ở ẩn, chờ thời cơ phản công, nhờ đó mà nhà Trần đã lập nên chiến công hiển hách vang dội “ba lần chiến thắng quân Nguyên Mông” giữ vững chủ quyền độc lập tự chủ của nước Nam Việt. Trong các cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ xâm lược, các nhà lãnh đạo cấp trung ương, cấp tỉnh của nước Việt Nam ta đều sơ tán về đất Cố đô Hoa Lư - xã Trường Yên, lập căn cứ để lãnh đạo, chỉ huy cuộc kháng chiến chống giặc ngoại xâm, đến thành công. 

Cố đô Hoa Lư - Kinh thành đá độc đáo duy nhất, một “Quân thành” vững chắc của nước Nam Việt, không nơi nào có được, thật xứng đáng như tên gọi là kinh đô đất Tràng An ( ) tức Trường Yên - yên ổn đến muôn đời./.

 

 Chú thích (1) Động Trường Yên: Theo Đại Việt Dã Sử Tối Yếu (sách dã sử viết bằng chữ Nho (Hán) tài liệu gia truyền; (2) Tứ Linh: Long: Núi Chợ hình đầu con Rồng từ trong dãy núi Phi Vân (mây bay) nhô ra. Ly: Núi Vườn Già hình con Ly. Quy: Núi Đồi Rùa hình con Rùa. Phượng: Núi Thanh Lâu và núi Hồ hình đôi chim Phượng Hoàng. Mã: Núi Yên Mã hình cái Yên Ngựa. Hổ: Núi Chẽ hình con Hổ chầu. Tượng: Núi Cột Cờ hình con Voi phục, Xà: Núi Hàm Xà (còn tên gọi Mãng Xà) hình con Rắn cuộn, tất cả các ngọn núi đều bái chầu về Kinh đô Hoa Lư.

L.D.Đ

(Nguồn: TC VNNB 240-7/2020)

Bài viết khác