Thứ bảy, 21/09/2024

Minh Đỉnh danh lam tâm linh và huyền thoại

Thứ năm, 02/07/2020

MAI ĐỨC HẠNH 

Nói Trường Yên là nói đến cõi đất, cõi người, miền đất cổ phủ Trường An ven núi phía tây bắc, cuối dải Trường Sơn chạy suốt từ Sơn La - Hòa Bình về vươn ra đến lợi nước Nga Sơn (Thanh Hóa) với cửa Thần Phù ở phía tây nam mà sử và dân gian đều gọi là Tam Điệp Sơn và sông Hát Môn (sông Đáy) chạy từ Sơn Tây vào Ninh Bình ở Kiểm Lộng (Kẽm Trống), xuôi tận cửa Đáy (xã Kim Đông, Kim Sơn), chia ra đông bắc (Nam Định) – tây nam (Ninh Bình).

Núi (dương) và sông (âm) giao hòa làm miền đất cổ Hoa Lư thời Đinh – Tiền Lê, Trường Yên phủ thời Lý – Trần rồi Ninh Bình tỉnh thời Nguyễn (1831) trù phú. Vùng đất non kỳ thủy tú “tả thanh long (sông Đáy), hữu bạch hổ (núi Tam Điệp)”, tạo nên thế đất địa chiến lược, chia đôi Nam – Bắc, “Cổ họng Bắc – Nam(1). Binh pháp bàn rằng, kẻ “Tranh được núi thì vững, giữ chỗ hiểm thì chắc(2). Vì thế, đất nước thời loạn, sau khi dẹp 12 sứ quân, lập nhà nước quân chủ, trong chưa thật yên và vững, ngoài thì nhà Tống lăm le ở phía Bắc, người Chiêm rình rập ở Nam, Đinh Bộ Lĩnh chọn thung lũng Hoa Lư bao quanh là núi để dựng kinh đô; chọn lấy bốn quả núi có thần thiêng trấn trị bốn phương: Phương bắc là núi Ba Chon (Gia Hòa) có Tứ Vị Hồng Nương, bốn nữ tướng đời Trưng Trắc - Trưng Nhị những năm 43 trước Công nguyên ngự, Thánh Minh Không (Gia Thắng) đời Lý trấn; Phương nam chọn Thiện Dưỡng núi thiêng, đặt Quý Minh thần trấn; Phía đông có Vũ Đương sơn, Trấn Vũ Thiên Tôn thần coi giữ. Thần Cao Sơn ngự ở Bái Đính sơn bảo vệ kinh Hoa Lư thành ở phía tây, gọi là Hoa Lư tứ trấn. Bởi thế nên xã tắc vững thái bình, lòng dân yên ổn hoan ca.

Chùa Bái Đính                                               Ảnh: (Nguồn: Internet)

1. Bái Đính, trấn tây Hoa Lư tứ trấn.

Núi Bái Đính là ngọn núi cao và thiêng trong quần thể Bái Lĩnh sơn. Đại Nam thống nhất chí(3) Ninh Bình toàn tỉnh địa chí khảo biên(4)  đều chép: “... Phía tây nam huyện Gia Viễn, ở địa phận các xã Phúc Lai, Sinh Dược, Mộc Hoàn, Xuân Trì, Lê Xá và Khoáng Trang thuộc các huyện Phụng Hóa và Gia Viễn, một dải núi đất liền với sơn phận Chi Phong và Trường Yên bên cạnh. Đỉnh núi có đền Thần Cao Sơn”.

Núi Bái Đính có các tên gọi: Đính sơn, Bái Đính sơn, Bái Lĩnh sơn.

Núi Đính là tên gọi của người bình dân theo nghĩa chuyển (chệch) của “đỉnh”, điểm cao nhất trong “đỉnh núi”. Đá núi có hình những viên (hòn) đất mà người bình dân thường dùng tay để móc (sấn), "đắp, xếp" chồng lên nhau thành núi. Tương truyền những “viên đá” ấy là kết quả  công cuộc dâng núi lên cao trong cuộc “thủy chiến” của các vị thần núi chống nạn hồng thủy của thủy thần, người bình dân Ninh Bình nói rằng: “Núi Đính ai đắp mà cao/ Ngã ba Non N­ước ai đào mà sâu?” (Ca dao Ninh Bình)

Núi Đính trong câu ca dao, nghĩa hẹp là một quả (ngọn) núi, đứng độc lập, cao 187 mét, diện tích khoảng 150.000m2, có dáng vòng tay ngai, hướng về phía tây nam ôm lấy thung Chùa (còn gọi là Thung Nhãn) rộng chừng 3ha, lưng quay hướng đông bắc. Nhìn từ phía sau, núi giống như người khổng lồ ngồi quay lưng ra biển, hai chân ruỗi theo hướng tây bắc – tây nam; mặt hướng về phía đông bắc, quê hương của Đinh Bộ Lĩnh (đời Đinh) và Nguyễn Chí Thành – Minh Không (đời Lý). Phía bên trái (phía tây bắc) là  ba quả đồi đất tạo thành “ba ông đầu rau”; bên phải là thung Hoa Lư và thành Nam – kinh đô Hoa Lư thế kỉ X.

Đính sơn đứng ở phía tây kinh đô Hoa Lư thuộc thôn Ổ Gà, làng Sơn (Sinh) Dược, tổng Vân Cái, nay là thôn Sinh Dược, xã Gia Sinh, huyện Gia Viễn cách thị trấn Me, huyện lị huyện Gia Viễn khoảng hơn 2km về phía nam theo đường chim bay, cách thành phố Ninh Bình khoảng 17km theo đ­ường du lịch Tràng An về phía tây bắc, cách Cố đô Hoa Lư 5km về phía đông, cách Hà Nội 107km về phía nam, cách thành phố Hồ Chí Minh 1.643km về phía bắc.

Bái Đính (Bái Lĩnh) sơn. Theo Từ điển Hán - Việt từ và ngữ Hán – Việt(5): “Bái” là “lễ nghi, vái, lạy” chào. Bái Đính có thể hiểu là “núi có lễ /bái trên đỉnh cao... ở trên núi đã diễn ra lễ Nam giao, phong hầu bái tướng(6); Bái Lĩnh nghĩa là bái lạy để lĩnh nhận. Địa danh Bái Lĩnh là nơi đã diễn ra các sự kiện lịch sử và văn hóa của người Đại Việtnơi Đinh Tiên Hoàng đế (968 – 979) lập đàn tế Nam Giao; Nơi đặt thờ thần núi Cao Sơn trên núi làm đồn trấn phía tây làm “phên dậu” bảo vệ kinh thành Hoa Lư suốt 42 năm (968 – 1010) dưới 3 triều Đinh – Tiền Lê – Lý; Nơi Nguyễn Minh Không thời Lý (1010 – 1225) lập chùa thờ Phật để tu hành và trồng thuốc chữa bệnh cứu người; Nơi các bậc vua chúa phong kiến các đời mỗi khi vi hành vào Nam ra Bắc đều dừng chân ngắm cảnh non nước hữu tình, ngâm vịnh đề thơ, lập đàn tế cờ, bái tướng, cầu âm phù dương trợ cho dân nước; Thế kỷ XVI, là địa bàn tranh chấp giữa 2 tập đoàn phong kiến Lê - Trịnh (ở Ái Châu) với nhà Mạc (ở Bắc Hà); Nơi chúa Trịnh Tùng nhà Lê – Trịnh đón cha con họ Bùi(7), tướng nhà Mạc theo hàng nhà Lê – Trịnh; Vua Quang Trung lập đàn tế cờ, động viên quân sĩ trước khi thần tốc tiến ra Thăng Long đại phá 29 vạn quân Thanh (1789). 

Sông Hoàng Long (phía đông), hợp lưu của sông Lạng, sông Bôi và sông Lê ở ngã ba Kênh Gà, xuôi xuống thôn Phú Mỹ đến chân núi Bồ Đình (Gia Vượng), Kì Lân (Gia Phương), Điềm Giang (Gia Thắng), Điềm Xá (Gia Tiến) sách cổ gọi là sông Đại Hoàng, qua phía đông quần thể Bái Đính sơn, xuôi đến bến đò Trường Yên để ra ngã ba Gián Khẩu đổ vào sông Thanh Quyết (sông Đáy) mà về phía nam, đổ ra biển ở Cửa Đáy (xã Kim Đông, Kim Sơn); Dãy núi đá vôi từ Hòa Bình đổ về Tam Điệp ở tây nam, một nhánh chạy vào khu vực tây bắc Yên Mô, phía nam của kinh đô Hoa Lư làm thành Hạ Long cạn vây ba mặt tây – nam và đông: đông bắc là các núi Hàm Rồng, Hàm Xà, Hàn Cay, Trai Sơn, Oản (Ỏn) và núi Phường; tây bắc là núi Lê, núi Khám, U Bò, Thanh Lương, núi Thờ, Ba Chạc của Quỳnh Lưu, Sơn Lai (Nho Quan); đông nam là Trư Sơn (Trường Yên, Hoa Lư), Án Mã, Thung Lang – Cửa Ui (Sơn Hà, Nho Quan) và quần thể núi nước thành Nam, kinh đô Hoa Lư, nay là khu danh thắng Tràng An. Sông trước, núi bao lấy ba mặt, Bái Đính là một quần thể núi sông kì ngộ, phong cảnh hữu tình, đất linh, nhân sinh, vật thịnh nổi lên và cao hơn giữa vùng núi đá, đồi đất tạo nên “thế đột khởi” vững chãi, vươn mình như một con long mã hướng về Đại Hoàng cổ, chầu về đất linh Đại Hữu (sinh Vương), Điềm Dương (sinh Thánh), bao quát cả một vùng rộng lớn, trấn giữ phía tây Kinh thành Hoa Lư thế kỉ X.

2. Bái Đính - Minh đỉnh danh lam tâm linh và huyền thoại

Nằm ở tọa độ 20016’233 vĩ bắc, 105052’030 độ kinh đông, Bái Đính là một quần thể danh thắng Văn hóa tâm linh nổi tiếng của Ninh Bình vừa theo lối cấu trúc cổ: “Tiền Phật – hậu Thần, Tiên” vừa mang dáng dấp mới “Tiền Phật – hậu Thần, Tiên, Thánh” của người Việt, hội đủ các yếu tố diệu huyền, cổ kính, độc đáo và linh thiêng, làm nên vẻ đẹp đáng được lưu danh muôn đời của một Minh Đỉnh danh lam của Ninh Bình và Việt Nam.

Phật hiện diện ở đây gắn với truyền thuyết về con người của đất Hoa Lư động lập chùa thờ Phật. Người động Hoa Lư ấy tên là Nguyễn Chí Thành, người xã Đàm (Điềm) Dương, huyện Gia Viễn, tỉnh Ninh Bình. Ông tu thành chính quả, lập chùa thờ Phật ở hang Sáng, dân gian gọi là Động chùa Hang(8). Động sâu khoảng 25m, rộng khoảng 15m, cửa nhằm theo hướng bắc. Ban thờ Phật được sắp đặt theo cách bài chí thông thường của phép nhà Phật ở các ngôi chùa Việt cổ. Tất cả các pho tượng, đồ thờ tự đều được đúc bằng đồng nguyên khối mạ vàng.

Thần được đặt thờ ở Bái Đính là thần Cao Sơn theo tín ngưỡng dân gian thờ Thần Núi. Thần núi Cao Sơn là một con người cụ thể, hiện hữu, trần tục như con người. Cao Sơn Đại vương có một “lí lịch” khá phức tạp, hiện hữu ở nhiều hình thái khác nhau và thờ ở nhiều nơi của miền Bắc Việt Nam. Theo thần phả các đình đền và truyền thuyết của Ninh Bình, thần Cao Sơn nguyên là Lạc tướng Vũ Lâm, cai quản vùng núi Vũ Lâm, nay thuộc các xã Ninh Hải, Ninh Thắng, Ninh Xuân (huyện Hoa Lư). Thần phả các đình thôn Lỗi Sơn (Gia Phong), đền Trung (thôn Sinh Dược) huyện Gia Viễn, Cao Sơn và Quý Minh cùng Tản Viên Sơn Thánh “... Tiến đến Tràng An, phủ Hoa Lư, động Sơn Dược, Bái Ân, Phú Khố. Ba xã có đám đất sát nhau, Sơn Thánh truyền binh sĩ lập đồn chính ở đây, chia làm ba chủ. Sùng Công lĩnh 3000 quân về đóng đồn ở khu Đồi Khoai, xã Yên Lão, huyện Phụng Hoá, phủ Nho Quan. Hiển Công lĩnh 3000 quân lập đồn ở xã Vân Cái làm tuyến phòng vệ. Sơn Thánh lập đồn nhỏ ở giữa xã Sơn Dược, sai Thái bảo Kha Công, người xã Đại Hoàng lĩnh binh 3000 đóng quân ở đây để đề phòng triệt lối sau”. Vâng mệnh vua Hùng tuần du vùng Nam Lĩnh, đến Thiên Dưỡng, ngài tìm thấy một loài cây thân có bột dùng làm bánh thay bột gạo, bèn lấy tên mình đặt tên cho cây là Quang Lang (dân địa phương gọi là cây búng báng). Thần dạy và giúp dân làm ăn sinh sống, bảo vệ khỏi các thế lực xâm hại, được nhân dân nhiều nơi, trong đó có Bái Đính lập đền thờ. Ninh Bình toàn tỉnh địa chí khảo biên của Vân Bồng Nguyễn Tử Mẫn chép: "Núi Bái Lĩnh… liền bên với sơn phận núi Chi Phong – Trường Yên, trên đỉnh núi có đền thờ thần Cao Sơn.”. Đó là biểu tượng tâm linh về một vị thần đầy quyền năng được phụng thờ để “trấn trị” ở phía tây bảo vệ kinh thành Hoa Lư và độ trì cho dân trong vùng. Thần được thờ trong một động nhỏ ở phía sau chùa thờ Phật (hang Sáng), nhìn xuống Thung Thuốc. T­ượng Cao Sơn sơn son thếp vàng, t­ư thế ngồi thiền, hai tay cầm lệnh bài, dáng nghiêm cẩn, uy phong, hướng ra phía cửa hang, bao quát cả một vùng thành Nam, kinh đô Hoa Lư.

Tiên hiện thờ ở Bái Đính theo tục thờ Mẫu (mẹ) của người Việt. Mẫu có “Mẫu tam toà” gồm Thiên phủ, Địa phủ và Thuỷ phủ hoặc Mẫu Thượng Ngàn, Mẫu Thoải và Mẫu Liễu Hạnh. Văn hát chầu Mẫu có câu: “Không không sắc sắc, Tiên – Thần – Phật/ Hoá hoá sinh sinh nhất, nhị, tam”. Mẫu được thờ ở đây là Mẫu Liễu Hạnh “tam sinh, tam hoá”, con gái Trời ba lần xuống trần, ba lần được sắc phong. Tam toà là khái niệm chỉ “Ba ngôi” như Thánh ba ngôi, Tam bảo, Tam phủ… để diễn tả Mẫu nghi thiên hạ vừa là Thánh (Thiên Tiên Thánh Mẫu) vừa là Người (mẹ, vợ), con người phàm tục. Với “Ba ngôi” và “tam sinh tam hoá”, Mẫu Liễu Hạnh là cái hữu thức được các đời phong làm “Mẫu nghi thiên hạ”, được thờ ở động Tiên này để thiên hạ phải kính cẩn noi theo. Ca dao Ninh Bình có câu: “Núi kia ai tạc ai xây/ Bên kia động Phật, bên này động Tiên”. Động Tiên (còn gọi là động Tối) cách động Sáng khoảng 150 mét về phía bắc, theo lối đăng đối. Cửa động có bia chép việc tiến cúng, trên treo một quả chuông (300kg), đúc nổi tám chữ Hán: Mẫu nghi thiên hạ, Xuân hạ thu đông. Động chia hai khoang, ngăn cách nhau bằng cây nhũ đá lớn chống và đỡ vòm hang như cột chống trời, có lối lên đỉnh núi tới cột cờ(9), dân gian gọi là Đường lên trời, lại có đ­ường xuống âm phủ (vì có nước) gọi là Giếng Tiên. Theo truyền thuyết dân gian, Giếng Tiên trên đỉnh thông với Giếng Ngọc dưới chân núi, nước không bao giờ cạn. Đó là hai mắt Rồng của long mạch Bái Đính Sơn.

Mẫu tam phủ ở Động Tiên gồm Mẫu Thượng Thiên mặc áo đỏ ngồi giữa, hai bên là Mẫu Thượng Ngàn (áo xanh) và Mẫu Thoải (áo trắng). Tượng Tam vị Thánh Mẫu bằng đồng, dát vàng; Ngũ vị Tôn Ông đặt ở hàng thứ hai.

Mẫu Thượng Ngàn là hóa thân Thánh Mẫu toàn năng trông coi miền rừng núi, địa bàn sinh sống của các tộc người thiểu số. Truyền thuyết kể rằng: Vào đời Hùng Định Vương, Hoàng hậu mang thai mãi mà không sinh. Vào năm thứ 3, một hôm hoàng hậu đi chơi trong rừng, bất ngờ cơn đau ấp đến. Những người theo hầu chưa biết lo liệu ra sao, còn Hoàng hậu chỉ biết ôm chặt lấy thân một cây quế. Cuối cùng Hoàng hậu cũng sinh ra được một cô con gái. Vì kiệt sức, sau khi sinh con, Hoàng hậu An Nương qua đời. Vua đặt tên cho con giá là Mỵ Nương. Mỵ Nương lớn lên xinh đẹp và hiền thục, tới tuổi cập kê mà chẳng màng chuyện chồng con, chỉ luôn nhắc đến người mẹ yêu quý đã sinh ra mình. Khi biết rõ ngọn ngành câu chuyện về mình, nàng quyết chí vào rừng tìm mẹ. Trên đường tìm mẹ, nàng chứng kiến bao cảnh nghèo đói cơ cực của dân chúng. Nàng trăn trở tìm cách giúp người nghèo. Một đêm nọ, giữa rừng khuya, linh cảm thấy hơi ấm của người mẹ, nàng thốt gọi: “Mẹ ơi! Mẹ ơi!...”. Ngay khi đó, một ông tiên hiện lên trao cho nàng phép rời núi, lấp sông, dạy nàng phép trường sinh, dặn nàng cứu giúp dân lành… Từ đó, công chúa cùng 12 thị nữ dời núi, khai sông đưa nước về tưới cho đồng ruộng, cây cối tươi tốt, mùa màng bội thu, người người no ấm. Rồi đến một ngày nọ, một đám mây ngũ sắc từ trên trời hạ xuống đón Mị Nương cùng 12 thị nữ bay về trời. Nhân dân lập đền thờ tôn vinh Mỵ Nương Quế Hoa là bà chúa Thượng Ngàn, hàng năm mở hội vào ngày 1 tháng 4 âm lịch để ghi nhớ ơn tích của bà. Lại kể rằng: Công chúa La Bình con gái của Tản Viên và Mị Nương, cháu ngoại Vua Hùng sắc nước hương trời, thường theo cha chu du khắp núi rừng hang động, tới đâu cũng quyến luyến phong cảnh, làm bạn với cỏ cây, chim thú... dân được sống yên ổn, ấm no, các vị Sơn Thần ai cũng yêu quý, được Ngọc Hoàng phong làm Bà chúa Thượng Ngàn, cho cai quản 81 cửa rừng ở cõi Nam Giao.

Mẫu Thoải dòng dõi Long Vương trị vì vùng sông nước. Truyền thuyết kể rằng: Thuở trời đất mới mở mang, núi rừng sông hồ còn hoang vu, Kinh Dương Vương thường chu du thiên hạ. Một hôm ngài đến vùng sông nước đầm lầy, gặp một người con gái nhan sắc tuyệt trần, xưng là con gái Long Vương ở động Đình Hồ. Kinh Dương Vương đem lòng yêu mến và lấy nàng làm vợ, sinh ra Sùng Lãm – Lạc Long Quân - Bố Rồng của người Lạc Việt. Người con gái ấy về sau được tôn là Mẫu Thoải, vợ vua Thủy Tề, giao trông coi việc sông biển, làm mưa, chống lũ lụt.

Thánh được thờ ở Bái Đính là nét khác và mới so với hệ thống thờ tự cổ. Thánh tên thật là Nguyễn Chí Thành, tên Quốc tính là Lý Quốc Sư, pháp hiệu là Nguyễn Minh Không, đạo hiệu là Không Lộ (1065 – 1141), người làng Đàm Xá (hay Điềm Giang, Điềm Dương), phủ Trường An, nay là xã Gia Thắng, huyện Gia Viễn, tỉnh Ninh Bình(10) gọi là Thần Khổng Lồ. Cha mẹ mất sớm, Chí Thành sống bằng nghề đánh bắt cá trên miền sông nước Hoàng Long, nuôi chí lớn, đi chu du thiên hạ, theo Đạo Hạnh và Giác Hải sang Tây Trúc học đạo; về quê lập chùa Viên Quang và nhiều chùa khác ở châu thổ sông Hồng, mở mang đạo Phật Việt Nam. Ông là một pháp sư tài năng, giỏi đúc đồng, đúc Tứ linh khí; giỏi nghề thuốc, chữa khỏi bệnh “hóa hổ” cho vua Lý Thần Tông – Dương Hoán (1128 – 1138), được ban họ vua gọi là Lý Quốc Sư; khi mất được thờ làm Thần ở Viên Quang tự, trấn trị phương Bắc kinh đô Hoa Lư. Ông được coi là một trong Tứ bất tử(11) của người Việt. Tương truyền, ông Khổng Lồ (Minh Không) trong một lần vượt sông Hoàng Long lên núi Đính du ngoạn và hái thuốc phát hiện ở đây có động đẹp, lại hướng về phía tây như chầu về đất Phật. Ông dừng lại đây lập chùa thờ Phật để tu hành, trồng và hái thuốc để cứu giúp chúng sinh. Cái tên Sinh Dược (vườn thuốc sống) là nguyên do như thế. Điền thổ vườn thuốc: “Thượng chí Gảnh Gà, hạ chí núi Khơi, Đá Xẻ, Đá Soi, Lỗ Lươn vi giới”, và những sự tích về Ông đầu rau, Xó củi, Lỗ Sôi... của Ngài được truyền kể về những năm tháng chàng trai trẻ Nguyễn Chí Thành sinh sống đến nay vẫn còn. Đền thờ Thánh ở núi Bái Đính tọa lạc giữa “vòng tay ngai”, trung đoạn giữa Động chùa Hang và động Tối, tượng Lý Quốc sư bằng đồng nguyên khối mạ vàng. Đền được coi là điểm nối, điểm nhấn tạo nên quần thể kiến trúc tâm linh khép kín, góp phần hoàn chỉnh vẻ đẹp huyền diệu của Bái Đính. Truyền rằng: Vua Thánh Tông nhà Lê (1428 – 1527) khi tuần du Bắc Hà qua đây, trước cảnh non nước hữu tình, xúc động thành thơ.

    Thơ rằng: “Đính Sơn độc chiếm nhất danh cao/ Bảo chướng Hoàng đô tự tích trào (triều)/ Nhân kiệt địa linh chung vượng khí/ Huyền sơn mỹ lệ tráng kim âu.”

Dịch là: “Đính Sơn danh tiếng thực cao xa/ Che chở kinh thành tự thuở xưa/ Nhân kiệt, địa linh nên vượng khí/ Núi thiêng cảnh đẹp vững sơn hà.

Lại ban tặng 4 chữ “Minh Đỉnh Danh Lam (Lưu danh thơm cảnh đẹp), người xưa khắc trên vách núi, trước cửa hang Sáng (chùa cổ) để lưu danh (nay vẫn còn). Theo từ điển Hán – Việt:  “Minh” có nghĩa là “sáng”, “Bài minh khắc trên đá, trên đồ đồng để ghi nhớ” “khắc trên đồ vật để kỉ niệm”. “Đỉnh” là “cái vạc” (vạc ba chân, hai tai như Cửu đỉnh ở Cố đô Huế) gắn với sự ghi nhận “ngôi vua/ nghiệp đế”; “danh” là “tên, danh nghĩa, tiếng tăm, danh tiếng”; “lam” là “xanh da trời, xanh chàm”. Theo Thiều Cửu, tác giả của Hán Việt từ điển: “lam” còn có nghĩa là nơi thờ Phật thường gọi là “Già lam”. “Minh Đỉnh danh lam” có nghĩa là ngôi chùa thờ Phật đẹp, xứng đáng được làm minh văn khắc trên đỉnh đồng để ai cũng biết và nhớ lấy. Lời đẹp và quý ấy không chỉ nói về vẻ đẹp của động chùa. Nó là vẻ đẹp của quần thể tâm linh hài hòa giữa thế giới tâm linh và cuộc sống trần thế.

Bái Đính từ xưa đã là thành trì bảo vệ cho kinh thành Hoa Lư ở phía tây từ thế kỉ X, dưới triều Đinh – Tiền Lê. Đây là “chốt mộc” lợi hại, án ngữ con đường Thượng Đạo từ Thạch Thành, Thanh Hoá (phía Nam) ra, từ phía tây bắc (Hòa Bình) xuống. Vùng đất này là vùng đất “Nhân kiệt, địa linh chung vượng khí” (Lê Thánh Tông). Dân gian trong vùng lưu truyền rằng: Có một người tiều phu lên núi kiếm củi thấy một đống mối lớn xuất lộ trước cửa động. Người tiều phu bèn đem củi chất lên đốt để phá đống mối. Một bên là động Sáng (dương), một bên động tối hơn nên đặt là Động Tối (âm) để cân bằng “âm” – “dương”. Có âm, có dương nên hoà hợp và sinh thành. Động Sáng (dương) đã thờ Phật, Động Tối (âm) người ta đặt thờ Mẫu – Tiên theo thuyết âm dương theo tín ngưỡng đa thần của người Việt. Với người Việt, đạo Mẫu mới chính là đạo và tín ngưỡng bản địa trong hệ thống tục thờ Phật – Thần – Tiên. Mẫu Liễu là hiện thân của Văn hoá Mẹ, văn hoá gốc Việt. Chính nhân dân quan niệm: “Tháng Tám giỗ Cha, tháng Ba giỗ Mẹ” (Đức Thánh Trần là Cha, Liễu Hạnh là Mẹ). Mẹ là vĩnh cửu, vĩnh hằng, là một trong Tứ bất tử trong tâm thức dân gian người Việt (thế chỗ của Nguyễn Minh Không). Đạo Mẫu được coi là nội đạo của người Việt. Phật – Thần – Tiên – Thánh được thờ trên đỉnh Bái Đính tạo nên không gian thiêng, giao hoà làm nên không gian đại diễn xướng “sắc sắc, không không” mỗi dịp đại lễ trên Minh đỉnh danh lam. Tuần phủ Ninh Bình Thăng Vinh lộc đại phu, Hiệp biện đại học sĩ, Tổng đốc chí sĩ, Nam Lễ Thu Viên là Phan Đình Hoè có hai bài thơ vịnh:

Bài thứ nhất: “Kho vô tận ở trong trời đất/ Trải muôn đời Tiên Phật để dành đây/ N­ước non vẫn nư­ớc non này/ Du lịch trải mấy nay mà cảnh vắng/ Tr­ường Yên thủ địa lư­u danh thắng/ Bái Đính cao phong hiện Thạch am/ Bốn chữ đề Minh Đỉnh Danh Lam/ Ấy nét bút Thiên Nam động chủ(12).

Bài thứ hai: “Minh Đỉnh danh lam cảnh tự nhiên/ X­ưa nay thờ phụng Phật - Thần – Tiên/ Bàn cờ ô thuốc hình như­ tạc/ Đống củi, ba rau dấu những truyền./ Hàng liệt cỏ cây hoa mến chủ/ Cuộc bao dâu bể động còn nguyên./ Cảnh từ Đức tổ Điềm Giang trư­ớc/ Nh­ư vẫn chờ ng­ười có thiện duyên.

Bài thơ của Tuần phủ giúp chúng ta hiểu được, vua đã từng ngự lãm núi này, đề danh Minh đỉnh danh lam, đề thơ trên đỉnh núi này. Bài thơ nhắc đến “đống củi”, “ba rau”, “bàn cờ”, “ô thuốc” là bốn trong số nhiều huyền thoại, huyền tích về Phật, Thần, Tiên, Thánh ở quần thể Bái Đính Sơn, danh thắng của Ninh Bình và đất nước.

Cảnh Phật do Đức tổ Điềm Giang lập từ đời Lý thế kỉ XI, nay Ngài (Thánh) hiện diện trong không gian tâm linh giữa Phật (chùa) và Thần – Tiên (đình – đền – phủ) khiến cho Bái Đính Cổ tự trở nên đằm sâu và huyền bí; Có thêm Bái Đính tân tự(13) lung linh, Minh đỉnh danh lam càng đẹp hơn, hoàn chỉnh hơn, xứng là viên ngọc của một vùng các Di sản Văn hóa và Thiên nhiên thế giới mà UNESCO đã công nhận: Quần thể danh thắng Tràng An của Ninh Bình, Việt Nam.  Người Ninh Bình luôn nhắc nhau rằng: “Núi Đính ai đắp mà cao/ Ngã ba Non Nước ai đào mà sâu./ Muốn đời no ấm, có giàu/ Phải siêng năng chớ ngồi cầu ngồi xin.” (Ca dao Ninh Bình)

M.Đ.H

 

Chú thích:

(1) Đại Nam nhất thống chí (大南一統志) là bộ sách dư địa chí (địa lí, lịch sử) Việt Nam, viết bằng chữ Hán do Quốc sử quán triều Nguyễn biên soạn thời vua Tự Đức (1848 – 1883); (2) Hoàng Lê nhất thống chí (皇黎一統志), Ngô gia văn phái tùng thư của các tác giả thuộc dòng họ Ngô Thì ở làng Tả Thanh Oai, huyện Thanh Oai, Hà Nội; (3) Đại Nam thống nhất chí Nxb Khoa học – Xã hội, Hà Nội, 2007, tr.36; (4) Nguyễn Tử Mẫn (1816 – 1901), Ninh Bình toàn tỉnh địa chí khảo biên, Nguyễn Mạnh Duân dịch, Nguyễn Thụy Ứng hiệu đính, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội – 2001; (5) GS Nguyễn Lân, Từ điển Hán - Việt từ và ngữ Hán – Việt, Nxb Từ điển Bách Khoa; (6) Trương Đình Tưởng, Hoa Lư vùng địa linh khai sáng, Văn nghệ Ninh Bình; (7) Mỹ quân công Bùi Văn Khuê, Lễ Quận Công Bùi Thì Trung và Nhai Quận công Bùi Khắc Kiệm; (8) Chùa nằm ở cửa ngõ phía tây khu di tích Cố đô Hoa Lư, bên quốc lộ 38B, thuộc xã Gia Sinh, huyện Gia Viễn, cách thành phố Ninh Bình 15km, cách Hà Nội 95 km. Chùa Bái Đính nằm ở phía bắc Quần thể di sản thiên niên thế giới Tràng An; (9) Cột cờ là đỉnh cao nhất của núi Bái Đính, nơi từ đời Đinh, Tiền Lê đến nay cắm cờ, nên được gọi là đỉnh Cột Cờ; (10) Cha của Thánh là Nguyễn Sùng, mẹ là Dương Thị Mỹ người Phả Lại, phủ Từ Sơn, nay là làng Phả Lại, xã Đức Long, huyện Quế Võ, tỉnh Bắc Ninh; (11) Kiều Oánh Mậu (người làng Đường Lâm là học giả cuối thế kỷ 19 đầu thế kỷ 20), Án sách Tiên phả dịch lục có viết: "Tên các vị Tứ bất tử của nước ta, người đời Minh cho là: Tản Viên, Phù Đổng, Chử Đồng Tử, Nguyễn Minh Không. Đúng là như vậy. Vì bấy giờ Tiên chúa (Liễu Hạnh) chưa giáng sinh nên người đời chưa thể lưu truyền, sách vở chưa thể ghi chép. Nay chép tiếp vào"; (12) Lê Thánh Tông (1460 – 1497) lên ngôi xưng là Thiên Nam Động Chủ (天南洞主), hiệu là Quang Thuận; (13) Đây là ngôi chùa lớn nhất và sở hữu nhiều kỷ lục nhất ở Việt Nam. Năm 1997 chùa được công nhận là di tích lịch sử - văn hóa - cách mạng cấp quốc gia; nơi tổ chức Đại lễ cung nghinh xá lợi Phật đầu tiên từ Ấn Độ về Việt Nam (2010); Đại lễ Phật đản Liên hiệp quốc - Vesak 2014.

(Nguồn: TC VNNB 239/6-2020)


 

Bài viết khác