Thứ bảy, 21/09/2024

Năm Dần nói chuyện hổ

Thứ hai, 21/02/2022

LÊ HỮU CHƯ

Hổ là loài thú ăn thịt, cùng với báo, sư tử thuộc họ mèo. Hổ có nhiều tên gọi khác nhau: hùm, beo, cọp, khái… là một trong nhóm “tứ linh” nên được phụng thờ và thường được gọi bằng ông “ông hổ, ông ba mươi”… Trong rừng thoảng hơi hổ, vẳng tiếng hổ là mọi vật đều hoảng hồn. Thế mới nói: “Hổ là chúa sơn lâm”. Hổ sống độc thân ở những khu rừng già vùng nhiệt đới trên khắp toàn cầu.

Hổ sinh đẻ rất có kế hoạch: năm năm một lứa, mỗi lứa chỉ đẻ từ một đến hai con và nuôi dạy rất chu đáo, chả thế mà được tiếng: “Hổ dữ không ác với con”. Hổ sống có nghĩa, bắt được con gì của người không bao giờ ăn hết mà dành lại một phần để “lại lễ”. Bởi “lộc bất tận hưởng” mà!

Một con hổ đến tuổi trưởng thành cao 0,8m, dài gần 3m cả đuôi, nặng gần 2 tạ, tuổi thọ của hổ từ 40-50 năm. Da và lông hổ rất dày, có màu vàng sậm, có những vằn đen. Ngực, bụng hổ có màu trắng nhờ. Hổ có những ưu thế đặc biệt: mềm mại, uyển chuyển và dũng mãnh vô song. Các cơ bắp của hổ cũng có sự đàn hồi rất lớn nên khi ẩn náu hổ có thể thu mình nhỏ lại. Bốn chân hổ có nệm nhung đi lại êm như ru; khi bật nhảy tăng tốc đạt 60km/h. Mắt hổ sáng quắc, nhìn thấu đêm đen. Răng và móng hổ nhọn, sắc, đã chạm vào con mồi nào thì thôi rồi! Với móng vuốt lợi hại, các giác quan siêu nhạy, với sức khỏe phi thường hổ có thể hạ thủ cả gấu, lợn lòi; vật chết cả trâu, ngựa, có khi còn tấn công cả tê giác và voi. Khi cần hổ có thể cõng trên lưng con mồi nặng hơn thân nó với ba chân vẫn chạy băng băng trong rừng, dốc đèo.

Hổ có tính phục thù, nếu bị thương trên đường lẩn trốn thường ngoặt lại phía sau một đoạn ẩn mình chờ đối thủ. Vô phúc cho ai đi theo đường ấy thì không tránh khỏi bị hổ vồ. Hổ rất hám mồi, bắt được tín hiệu là hổ săn đuổi tới cùng. Con nào dính vào nanh vuốt của hổ coi như chấm hết. Mồi ăn còn thừa để đấy đêm sau quay lại ăn tiếp. Râu hổ để chế tên độc, lưỡi hổ khô mài ra nhỏ mắt, bôi mụn nhọt hiệu nghiệm cực kỳ. Răng vuốt hổ đeo vào người kị nắng gió, tà ma. Thịt hổ, cao hổ là sơn hào quý hiếm bồi bổ sức khỏe cho người thì không thứ gì tốt bằng. Do nạn săn bắt bừa bãi của con người mà hổ ngày một cạn kiệt. Nhiều nơi có nguy cơ bị tuyệt chủng. Hiện nay hổ đã được đưa vào sách đỏ thế giới và có lệnh cấm săn bắt hổ ở mọi quốc gia.

Việt Nam ở miền nhiệt đới “Tam sơn, tứ hải, nhất phần điền”. Khắp cả Bắc, Trung, Nam tỉnh nào có rừng là có hổ. Nay thì cạn kiệt lắm rồi. Nói đến hổ chỉ còn thấy trong tranh ảnh, trên tivi hoặc trong vườn bách thú. Riêng tôi đã được nghe kể về hổ, được thấy dấu tích, được trông thấy hổ, được sờ vào hổ, thậm chí còn được ăn thịt hổ, không chỉ ở miền núi mà ngay giữa đồng bằng. Thế mới tài! Thế mới lạ! Chuyện thật mà cứ như đùa.

Năm 1959-1960 tôi học ở trường nông lâm khu Tây Bắc, được biết trong chiến dịch Điện Biên, trên đường hành quân nhiều dân công, bộ đội bị hổ vồ. Ngã ba Cò Nòi, chân đèo Chiềng Đông (nơi giáp ranh giữa Châu Yên và Châu Mai Sơn) là túi đựng bom. Bom nổ, người chết, dứt tiếng bom là hổ lần về. Ăn mãi thành quen, chúng tụ tập về đây rất nhiều. Sau giải phóng, nhân dân cùng bộ đội tập trung truy quét. Chiến dịch ấy tiêu diệt được tám con hổ nhưng phải trả giá quá đắt: chết và bị thương mất mấy mạng người.

Trường đóng ở Hát Lót. Bọn học sinh chúng tôi xuống xã Cò Nòi lao động lấy củi về đốt vôi dựng trường. Ở đấy có trại chăn nuôi với quy mô lớn, có chức năng nhân, lai tạo giống và là nơi thực nghiệm của trường. Vật nuôi là lợn, cừu, bò, ngựa… phần nhiều là ngoại nhập. Hàng ngày những người đi chăn thả đều phải mang theo súng trận. Hôm nào trời âm u, chiều đến y rằng hổ ra lượn lờ ở bìa rừng. Vào đêm trăng lu, sương lạnh: chúng tôi cùng mấy anh chị công nhân tụm nhau chơi tú. Bỗng nghe phía chuồng cừu có tiếng “oác”, nhìn ra thấy có vật gì to như tải bông ném uỵch qua rào kẽm gai cao hai mét. Rồi lại một vật nữa lao theo. Anh tổ trưởng đem đèn ra soi thì ôi thôi… con cừu đầu đàn đã mất. Thì ra hổ là loài tinh quái vượt qua hàng rào vào chuồng vả chết cừu, ném qua rào rồi vọt lao theo. Đáo để thật!

Ngày hôm sau tổ chức đi tìm. Cách đấy độ 2km, xác cừu còn lại là một phần. Biết hổ thế nào cũng quay lại nên trại phối hợp cùng bộ đội tổ chức mai phục. Quả nhiên, chập tối hổ đã về ăn. Mìn nổ! Mấy phát súng bắn theo. Hổ chạy thoát. Ngày hôm sau lại cùng nhau súng ống đi tìm. Tôi theo dấu chân và vết máu độ hơn cây số thì mất dấu. Kinh nghiệm cho biết: hổ đã tàng hình để phục thù. Tức thì tất cả tản ra và leo lên điểm cao để quan sát. Thì ra đúng như dự đoán, hổ đã nhảy vọt cách đấy một quãng xa, thu mình ẩn trong bụi rậm. Các nòng súng chĩa cả vào đấy. Sau mỗi tiếng nổ là những cú lồng lộn đến “dễ sợ” kèm theo những tiếng gầm đến rợn người. Thì ra hai quả mìn chỉ làm hổ xây xát, mấy phát súng bắn theo đã làm hổ gãy một chân. Thế mà hổ vẫn chạy, nhảy, gào thét. Như thế mới biết được thế lực của hổ dũng mãnh đến mức nào. Phải đến 5,6 phát đạn tiếp theo hổ mới chết.

Một lần vào Châu Mai Sơn. Từ trên nhà sàn xuống tràn ruộng bên bìa rừng có con ngựa vô tư gặm cỏ. Một con hổ bỗng đâu xuất hiện. Thoắt một cái nó quẳng mình qua bờm ngựa. Ngựa bổ chửng, bốn vó quơ lên chới với… dân bản phát hiện nổ súng xua đuổi hổ mới chịu đi.

Những năm tháng ở Tuyên Quang tôi cũng được nghe và chứng kiến về hổ. Lần đầu tiên ở xã Phúc Ninh, huyện Yên Sơn được ăn bữa thịt trâu do hổ vả chết. Dân cho biết: vùng này thường có hổ về, mới năm ngoái bà cụ Bẩu ở xóm Soi Tiên bị hổ vồ xảy. Đêm đông cụ nằm gọn trong tấm chăn sui, hổ quờ “cả gói” đem đi. Qua cửa hẹp cụ xổng ra. Ra rừng, rũ chăn không thấy mồi nó quay lại tìm. May thay hàng xóm phát hiện đốt lửa, hô hoán đuổi mới chịu đi. Được ít ngày cụ Bẩu ốm rồi qua đời. Thế mà hổ quay về lượn lờ quanh mộ mấy đêm liền.

Thời gian công tác ở huyện Hàm Yên, đến những xã có rừng, tôi đều nghe kể về hổ: một con hổ bị bắn trọng thương không ai biết từ đâu lạc về núi Vịt (nơi giáp ranh giữa xã Thái Sơn và xã Thái Hòa). Nó gầm gào đến nửa tháng trời. Người trong vùng không ai dám vãng lai qua đây. Mấy ngày sau thấy im bặt. Tưởng hổ đã chết, cha con  ông Chánh Tượng người làng Cây Cóc, xã Thái Hòa vác súng đi mò. Vừa bén bảng tới nơi thì vù một cái như có tấm chăn vàng trùm lấy ông Chánh Tượng. Nhưng hổ đã hơi tàn lực kiệt, nó rũ ra như tàu lá úa. Ông Chánh Tượng thì cậm đi như cái xác không hồn. Người con đi theo nỗ lực bắn mãi mới chết hổ gỡ cha mình ra. Mấy ngày sau ông Chánh Tượng lăn ra ốm rồi qua đời. Mới biết oai linh hổ, sức chịu đựng và tính phục thù của hổ ghê gớm không.

Năm 1974 (Giáp Dần) nhà ông Mai Chiện xóm 20 xã Đức Ninh bị hổ vồ mất con lợn xúc. Ông Mai kể: đang đêm bỗng nghe thấy tiếng “oét” một cái dưới chuồng lợn, xách đèn chạy ra thì ôi thôi con lợn to nhất chuồng biến đâu mất rồi. Mấy con chó theo sau cứ rúm tứ túc, quấn lấy chân người biết ngay là có hổ. Suốt đêm cả xóm thấp thỏm, xôn xao. Sáng hôm sau hùa nhau đi tìm, thấy ngay trên đồi Mỡ của lâm trường gần đấy. Hổ ăn sạch sẽ cả lòng mề sương sẩu nhưng không quên “lại lễ” cho chủ một khoanh nách cổ tròn trịa ngon lành. Hình ảnh này tôi cùng nhiều người được chứng kiến tường tận. Ngày hôm sau tổ anh Trường khai thác nứa ở khu Bà Chiểu, sợ quá phải bỏ về, bởi quanh khu vực toàn thấy dấu chân hổ. Nhất là khi thấy một đống xương thịt máu me bầy nhầy. Đấy là một con tê tê, hổ không thèm ăn, nghịch chán bóp nhè ra như quả cà chua chín. Còn lại cái khấu đuôi lành lặn có đến hai cân, anh Trường đem về nấu giả cầy. Sau đấy khắp trong địa bàn, nơi nào có rừng là người ta bảo thấy dấu chân hổ. Và rằng rừng loạn năm Dần nên tổ mới về, nào ai biết thực hư?

Truyện “hổ ly sơn” về giữa đồng bằng mới thật là hy hữu ly kỳ. Làng Yên Vệ quê tôi, (nay là xã Khánh Phú, huyện Yên Khánh, tỉnh Ninh Bình) ở giữa đồng bằng cách nơi có rừng đến 30km. Sáng ngày mười một tháng mười năm Bính Tuất 1946 dân làng đang chuẩn bị ra đồng gặt hái thì bỗng có tiếng kêu: “Ối làng nước ôi, có hổ về”. Thế là cả làng như trời long đất lở. Không biết từ đâu một con hổ lớn về nằm ở một bụi rậm áp nhà ông Uế xóm Tây Ninh. Tưởng bò nhà ai xổng ra phá vườn, ông Uế vội vàng ra đuổi. Chưa kịp đến nơi thì “ông hổ” vươn vai gầm lên một tiếng. Ông Uế thất đảm nhảy xuống áo, nhào sang bên kia, khi định thần mới hô hoán dân làng.

Cả làng hùa nhau đi đánh hổ. Súng lục, gậy gộc, giáo mác, cuốc mai… nửa ngày cả làng quần với hổ mà xem ra hổ không một chút mảy may, dân làng đã có hai người đổ máu: người tước tay, người hai vai toạc máu. Huyện phải cử người đem súng về. Phải đến bốn phát súng trường mút-cơ-tông hổ mới chết. Đấy là con hổ già đời to hết cỡ, phải đến tám người khiêng. Hai tai hổ có bốn vết xước. Họ bảo mỗi lần ăn thịt người, hổ đều vạch lên tai để làm dấu. Nào ai đã biết thực hư? Hổ được lột da làm kỷ niệm, xương dành nấu cao, thịt chia cho cả làng. Mấy thập niên mải mê kháng chiến kiến quốc, chuyện đánh hổ nguôi ngoai dần. Vào những năm 1981-1983 ông Lê Ngọc Ánh (một sỹ quan quân đội về hưu) người có tâm huyết lên vùng Tân An, huyện Chiêm Hóa, tỉnh Tuyên Quang tìm được bộ da hổ nhồi bông đúng bằng con hổ làng đã đánh được năm xưa đem về bày ở bảo tàng xã, coi đây là xác con hổ đã đánh được ngày nào. Hẳn vì một lợi ích nào lớn hơn xã đã chuyển con hổ ấy lên bảo tàng tỉnh.

Tết này tôi đã vào tuổi 75, được sống và công tác ở Tây Bắc, Việt Bắc, được nghe kể về hổ, nhìn thấy chứng tích về hổ khá nhiều. Nhưng được đến gần hổ, sờ vào hổ, được ăn thịt hổ ngay tại chính xóm làng mình giữa đồng bằng kể cũng ly kỳ, chuyện thật mà như bịa. Những người tham gia đánh hổ nay chả còn ai. Nhân Tết Nhâm Dần được nâng chén rượu nếp ngâm cao hổ cốt, kể chuyện hổ như một cổ tích chẳng phải thú vị lắm sao?

 

L.H.C

(Nguồn: TC VNNB 261-02/2022)

Bài viết khác