Thứ bảy, 21/09/2024

Tác phẩm nghệ thuật "Tứ linh" độc đáo lưu giữ tại Bảo tàng Ninh Bình

Thứ hai, 02/08/2021

PHẠM THỊ NHU 

Bảo tàng là cơ quan nghiên cứu, sưu tầm bảo quản và trưng bày phát huy giá trị lịch sử của hiện vật. Hiện vật là ngôn ngữ của bảo tàng, là cơ sở cho mọi hoạt động của bảo tàng, không có hiện vật thì không có bảo tàng, không có trưng bày bảo tàng và các hoạt động khác của bảo tàng. Vậy hiện vật vừa là trung tâm, vừa là điểm xuất phát của bảo tàng.

Một số hiện vật thời Lê - Nguyễn có giá trị về mặt lịch sử, văn hoá và là tác phẩm nghệ thuật độc đáo, thể hiện óc sáng tạo, sự tài hoa của các nghệ nhân xưa được Bảo tàng Ninh Bình sưu tầm và trưng bày. Tiêu biểu cho nhóm hiện vật đặc trưng về nghệ thuật chạm khắc thời Lê - Nguyễn, là 2 chiếc giá chiêng Bảo tàng Ninh Bình sưu tầm được ở di tích chùa Hà, xã Ninh Mỹ, huyện Hoa Lư.

1. Giá chiêng  kí hiệu BTNB 732 - ĐM97

Giá chiêng làm bằng gỗ mít, tạo khung hình tròn khoét lòng máng, chân đế hình hộp chữ nhật. Kĩ thuật đục bong chạm lộng, sơn ta màu nâu. Trên đỉnh hình con chim phượng múa cánh sải rộng đầu quay lên, hai bên hình rồng cuộn mây, phía dưới mặt hổ phù ngậm chữ chiện đăng đối hai bên. Chân đế hình hộp chữ nhật, trên mặt trang trí tượng nghê và rùa ở hai bên chầu vào mặt hổ, cạnh trước và sau có hoa văn sóng nước. Kích thước: đường kính 90cm, cao 124cm, trọng lượng 27.5kg.

2.  Giá chiêng kí hiệu BTNB 733 – ĐM98

Giá chiêng làm bằng gỗ mít, tạo khung hình tròn khoét lòng máng, chân đế hình hộp chữ nhật. Kĩ thuật đục bong chạm lộng, sơn ta màu nâu. Trên đỉnh hình con chim phượng múa cánh sải rộng đầu quay xuống, hai bên hình rồng cuộn mây, phía dưới mặt hổ phù ngậm chữ chiện đăng đối hai bên. Chân đế hình hộp chữ nhật, trên mặt trang trí tượng nghê và rùa ở hai bên chầu vào mặt hổ, cạnh trước và sau có hoa văn sóng nước (rất tiếc giá chiêng này bị mất đế).

Kích thước: đường kính 90cm, cao 120cm, trọng lượng 21.4kg.

Hai hiện vật là những tác phẩm nghệ thuật mang đậm chất dân gian, mà nghệ nhân thể hiện với đề tài Tứ linh: “Long, Ly, Quy, Phượng” bằng kỹ thuật đục bong chạm lộng rất tinh xảo. Hoa văn trang trí hài hòa đăng đối, nét uyển chuyển mềm mại và sống động. Bố cục tạo hình chuẩn chỉ, đúng luật định tôn kính, rồng phượng ở trên, long ly ở dưới.

Thoạt thì 2 giá chiêng na ná giống nhau, nhưng chi tiết thì nghệ nhân thể hiện sự khác biệt của từng cái. Một cái chim phượng ngẩng đầu cất cánh bay lên, một cái chim phượng sải cánh bay xuống. Sự phân biệt khác nhau là một ẩn ý trìu tượng trong nghệ thuật hội họa nói chung và nghệ thuật chạm khắc nói riêng. Đây chính là óc sáng tạo, là sự thâm thúy của nghệ nhân góp phần làm tăng vẻ đẹp tổng thể của đồ thờ tự trong di tích.

Rồng (còn gọi là long) là con vật không có thật nhưng lại được xếp đứng đầu trong Tứ linh, đây cũng là linh vật có quyền năng tối cao. Dân gian quan niệm rồng mang đến những điều tốt lành cho con người. Hình tượng về rồng là sự kết hợp giữa thân rắn, móng chim ưng, sừng hươu và vẩy cá. Trong văn hóa Việt Nam, rồng tượng trưng cho dòng giống cao quý, vua chúa hoàng tộc xưa sử dụng hình ảnh rồng để thể hiện quyền lực và vị trí của mình. Về phong thủy thì rồng đại diện cho quẻ Chấn, mang lại ý chí kiên cường.

Phượng là một trong những linh vật có thể sánh ngang với rồng. Phượng hoàng đại diện cho vị trí của Hoàng hậu sánh đôi bên rồng (hình ảnh đại diện cho Vua). Giống như long, lân, phượng hoàng cũng là linh vật được hình tượng hóa. Hình ảnh của phượng được miêu tả là có mỏ diều hâu, vảy cá chép, móng chim ưng, đuôi công. Phượng hoàng biểu thị cho đức hạnh, có ý nghĩa tích cực, thể hiện vẻ đẹp duyên dáng, uyên bác và thanh nhã. Theo truyền thuyết thì phượng hoàng thường xuất hiện vào thời kỳ hòa bình thịnh vượng. Hình ảnh phượng hoàng được trang trí để cầu mong sự hạnh phúc và may mắn.

Lân (hay còn gọi là ly, là nghê) đóng vai trò vô cùng quan trọng trong quan niệm và tín ngưỡng dân gian. Sự xuất hiện của lân báo hiệu của điềm lành, mang tới sự thịnh vượng. Theo dân gian, lân xuất thân là một loài quái thú ở dưới biển lên bờ sinh sống, chuyên đi phá hoại mùa màng khiến con người không thể làm ăn. Sau này, lân được Đức Phật Di Lặc thuần phục nên đã biến thành con thú hiền lành, thường giúp đỡ con người. Do vậy, mà ngoài tên gọi là lân, linh vật này còn có tên gọi khác là Nhân thú, nghĩa là con thú thường xuyên làm việc thiện giúp đỡ người. Lân thường có dung mạo kì dị và đây cũng sản phẩm xuất phát từ trí tưởng tượng của con người. Theo mô tả, lân có đầu nửa rồng nửa thú, có mình vằn, phần đuôi giống đuôi trâu, ở trên đầu có một sừng. Thân của lân giống hươu, có vảy, chỉ ăn cỏ và không làm hại con người. Xét về yếu tố phong thuỷ, lân chuyên bảo vệ và canh giữ của cải cho ngôi nhà, nên mọi người thường sử dụng tượng Lân để hóa giải những vị trí phong thủy không tốt, hạn chế sự thất thoát tài sản.

Rùa (còn gọi là quy) là con vật có thật, đây là một loài bò sát sống lưỡng cư có tuổi thọ cao, có khả năng sống lâu dài trong một thời gian mà không cần sử dụng tới thức ăn. Vì vậy hình ảnh của rùa thường thanh cao và thoát tục. Trong phong thuỷ, rùa là hình ảnh biểu trưng cho sự trường thọ, tính bền bỉ, sống lâu, thể hiện sự vững chắc về địa vị trong công việc và sự thăng tiến, phát triển trên đường công danh.

Hai hiện vật quý hiếm độc đáo này, đã được Bảo tàng Ninh Bình sưu tầm bảo quản và đang trưng bày giới thiệu cho khách tham quan.

 

P.T.N

(Nguồn: TC VNNB 253-7/2021)

Bài viết khác