Thứ sáu, 13/09/2024

Tòa nhà đá độc đáo ở Ninh Bình

Thứ hai, 02/08/2021

LÃ ĐĂNG BẬT 

Tòa nhà đá này tọa lạc ở thôn Tuân Cáo, xã Ninh Thắng, huyện Hoa Lư, gần bến thuyền Tam Cốc, thôn Văn Lâm, xã Ninh Hải, thuộc vùng đệm quần thể Di sản Văn hóa và Thiên nhiên Thế giới Tràng An – Tam Cốc – Bích Động.

Tòa nhà đá nằm trên diện tích 3.000m2, gồm 4 tầng, cao 27m, có mặt bằng 450m2, xây dựng toàn bằng đá, có phiến đá nặng 30 tấn, chỉ lắp ghép đá bằng ngõng, mộng được tính toán rất kỹ lưỡng, chỉ sử dụng thêm keo kết dính truyền thống là mật mía, vôi …, làm dòng dã trong 14 năm mới hoàn thành. Năm 2006 khởi công, năm 2020 khánh thành. Tòa nhà đá quay hướng Bắc, nhìn sát đường đi Tam Cốc – Bích Động.

Toàn cảnh khuôn viên tòa nhà 

Tầng 1 của Tòa nhà đá là tầng hầm, diện tích 410m2, cao 2,65m, âm sâu dưới đất 1m, kết cấu gồm 2 lớp tường bằng đá khối và 4 trụ đá ở giữa có đường kính rộng 1,1m để chịu lực chính. Lớp tường ngoài bằng đá dày 0,3m, lớp tường trong bằng đá dày 0,4m.

Tầng 2 có diện tích 410m2, cao 5m, ngồi trên tầng hầm. Tường bao quanh tầng 2 là sự kết hợp giữa 21 cột đá và vách bưng đá gồm 20 tấm đá. Cột đá có đường kính 0,5m, cao 4,6m. Mỗi tấm đá có diện tích 5,5m2, dày 0,35m, cao 4,6m, rộng 1,2m. Bốn mặt tường có 18 cửa sổ, phào cửa sổ làm bằng đá trắng, các song cửa sổ cũng làm bằng đá trắng, tạo ra sự thông thoáng của tường vách, đồng thời có tác dụng như những cột đỡ cho phần kết cấu trên. Xung quanh tầng 2 có lan can đá, cao 0,89m. Chiều rộng của hiên là 1,54m lát đá có hình đồng tiền cổ thời Đinh “Thái Bình Hưng Bảo”. Dựng trên rầm đá của lan can đá ở 4 xung quanh tầng 2 là 28 cột hiên cao 3,3m, đường kính cột 0,3m. Nếu tính cả đế và rầm đá, cột đá cao 4,5m. Các rầm đá đều có phào, chỉ mài nhẵn. Rầm đá phía trên rộng và cao hơn để dựng lan can của tầng 3 trên đó.

Điều đặc biệt ở tầng 2 là, dựng 4 cột đá tròn lớn, cao 3m, đường kính 0,9m, chế tác theo truyền thống “Thượng thu hạ thắt” để đỡ các rầm đá cong. 4 cột đá cao và to như thế, lại được mài nhẵn lỳ như mặt cánh tủ gỗ, còn nổi lên vân đá màu vàng và đen bóng loáng có thể soi gương được, sờ vào mát rượi bàn tay. Điều đặc biệt ở tầng 2 nữa là từ đầu 4 cột đá tròn cao 3,0m được làm các rầm bằng đá hình cong gần như bán nguyệt một đầu để trên đầu 4 cột đá đó và một đầu để trên đầu các cột đá tròn ở tường đá tạo thành 8 vòm trần, trong 8 vòm có 8 vòng tròn, trên đó vẽ các họa tiết hoa văn nói lên lịch sử của Việt Nam từ thời Đông Sơn đến thời Nguyễn.

Thông thường các rầm đỡ mái rất quan trọng, phải cứng, chịu lực tốt, thường là bê tông cốt thép đổ dày. Nhưng ở tầng 2 lại là rầm đá cong, mài nhẵn có đường phào của rầm theo phong cách phương Tây. Rầm đá cong là hạng mục làm khó nhất của tòa nhà đá. Có 12 rầm đá cong. Rầm phải cong mới chịu được lực, hơn nữa phải dày 0,35m. Độ dài của mỗi rầm là 5m, gồm 3 miếng cong ghép lại nối với nhau bằng mộng hợp lý, khiến rầm cong chắp nối vẫn dính kết lại với nhau bền chặt, tạo thành những vòm cuốn vời vợi trên cao, đường cong uyển chuyển, mềm mại. Phải làm trong 3 năm, thử đi thử lại nhiều lần bằng âm thanh của đá, tính toán rất kỹ lưỡng. Khi đã ghép 3 miếng đá cong, mài nhẵn, đánh bóng cho nổi màu vàng đen như 4 cột đá lớn, nhìn lên không thấy vết nối, tưởng là rầm gỗ. Chiều cao của vòm trung tâm là 4,5m. Chiều cao của 7 vòm là 4,3m.

Xây dựng tòa nhà đá lớn này, hạng mục khó nhất là làm 12 rầm đá cong. Phải có 12 rầm đá cong thì mới tạo được 8 vòm tròn, nền bằng khung gỗ phủ lên gỗ là chất liệu nhựa comporit mới vẽ bằng sơn trên đó được. 8 vòm tròn gồm một vòm tròn ở trung tâm, có đường kính 4,0m, ở giữa vòm tròn đó lại có giếng trời, đường kính 3,0m, thông tầng, tạo thoáng mát, nhìn lên thấy vòm số 9 của trần tầng 3 cao tun hút. 7 vòng tròn bao quanh vòng tròn trung tâm. 8 vòm tròn ở trần 2 là 8 tác phẩm. vòm tranh nghệ thuật, có tên là “Vòm trần Lịch sử Văn hóa Việt Nam”, thông qua hình ảnh di sản văn hóa kể lại lịch sử Việt Nam một cách tóm tắt và độc đáo qua hệ thống họa tiết, hoa văn cổ sử dụng ngôn ngữ trang trí gồm mảng và nét kỷ hà phối hợp với nhau.

Vòm số 1: Thẳng cửa vào là Thời kỳ Đông Sơn thể hiện ở hình tượng trung tâm vẽ trống đồng Ngọc Lũ 1 để nói về Văn hóa Đông Sơn là nền văn hóa cổ xuất hiện vào khoảng 800 năm trước công nguyên, vào thời kỳ đồ đồng và thời kỳ đồ sắt sớm.

Vòm số 2: Từ trái sang phải xung quanh theo vòm tròn ở giữa bên Đông là 3 vòm, đầu tiên là vòm 2 Thời kỳ hậu Bắc thuộc, là thời kỳ các cuộc đấu tranh chống lại sự áp bức của các triều đại phong kiến Trung Quốc.  

Vòm số 3 tiếp theo ở bên Đông là Thời kỳ thời Đinh và thời kỳ Tiền Lê. Năm 968 Đinh Tiên Hoàng lên ngôi Hoàng đế, ở ngôi vua 12 năm (968-979), sau đó Đinh Toàn là con thứ lên nối ngôi (980), nhà Đinh tồn tại 13 năm, quốc hiệu là Đại Cồ Việt, sau đó là nhà Tiền - Lê.

Vòm số 4 cũng ở bên Đông là Thời kỳ nhà Lý (1009-1225). Năm Kỷ Dậu (1009), Lý Công Uẩn lên ngôi vua ở Kinh đô Hoa Lư. Đến mùa thu, tháng 7 năm Canh Tuất (1010) vua Lý Thái Tổ dời đô từ Hoa Lư ra thành Đại La (Thăng Long). Nhà Lý có 9 đời vua, là một triều đại lớn, để lại dấu ấn rất sâu sắc trên nhiều lĩnh vực, là một trong hai triều đại tiêu biểu của chế độ quý tộc trị nước.

Vòm số 5 ở bên Tây là Thời kỳ nhà Trần (1225-1400). Tháng 12 năm 1225 vua Lý Chiêu Hoàng nhường ngôi cho Trần Cảnh, triều Trần bắt đầu có từ đó. Nhà Trần 3 lần đánh thắng quân Nguyên – Mông xâm lược nước ta.

Vòm số 6: Thời Lê (1428-1527). Sau khi quét sạch quân Minh ra khỏi bờ cõi, Lê Lợi lên ngôi Hoàng đế, triều Lê được dựng lên và tồn tại lâu nhất trong lịch sử nước ta, Nho giáo chiếm vị trí độc tôn. Nhà Lê mở khoa thi, kén chọn nhân tài ra giúp nước, khuyến khích sản xuất nông nghiệp, ngành nghề, mở rộng giao lưu buôn bán, văn hóa, quân sự được quan tâm.

Vòm số 7 ở bên Tây là Thời kỳ nhà Nguyễn (1802-1945). Nhà Nguyễn được thành lập khi Chúa Nguyễn Ánh lên ngôi (Hoàng đế Gia Long) năm 1802 và kết thúc hoàn toàn năm 1945 khi Hoàng đế Bảo Đại thoái vị. Đây là triều đại cuối cùng của lịch sử chế độ phong kiến Việt Nam.

Vòm số 8Thời kỳ Cờ lau dựng nước. Đây là vòm trung tâm của tòa nhà, rộng nhất, có đường kính 5,5m, giữa vòm có giếng trời thông tầng, đường kính 3,3m. Vì là vòm trung tâm nên tác giả muốn xây dựng hình tượng Đinh Tiên Hoàng Đế (Đinh Bộ Lĩnh).

Vòm số 9: Lạc Long Quân – Âu Cơ ở giữa trần tầng 3 của tòa nhà đá. Đây là vòm ở chính giữa tầng 3 có đường kính 3,3m và cũng là vòm cao nhất trong hệ thống vòm trần. Bởi vậy, tác giả quyết định chọn truyền thuyết về Lạc Long Quân (Cha) và Âu Cơ (Mẹ).

 Có thể nói, 9 vòm tròn là 9 giai đoạn lịch sử dân tộc. Một trong các giá trị của tòa nhà đá đồ sộ này là ở điều này, nên có thể gọi đây là tòa nhà lịch sử, là linh hồn của Tòa nhà đá, là nội dung quan trọng của Tòa nhà đá.

Tầng 3 của Tòa nhà đá, có diện tích 410m2, gồm một phòng khách và 4 phòng nghỉ, xây dựng khác tầng 2. Kiến trúc gồm 4 cột đá lớn nguyên khối cao 3,8m, đường kính 0,9m nằm 4 góc sát tường bao tầng. Tường của tầng 3 chỉ có 18 cột đá và vách bưng đá cũng giống như tầng 2. Cột đá liền với vách bưng đá, cao 3,6m, đường kính 0,5m. Vách bưng dày 0,2m. Điều độc đáo ở tầng 3 không có cửa ở phía Bắc như tầng 2, nhưng trên rầm đá phía Bắc ở giữa dựng một phù điêu đá lớn. Phù điêu đá cao 7,5m, gồm bức phù điêu, 2 cột đá và mái phù điêu. Trán của mái bia đá, mặt tiền chạm khắc nổi hai chữ Quốc ngữ lớn “Đá Việt”, là biểu tượng của Công ty TNHH Đá Việt Hồng Quang – Công ty của Giám đốc Lương Văn Quang. Trên hai chữ “Đá Việt”, chạm khắc nổi hình con chim lạc lớn như chim lạc ở mặt trống đồng Đông Sơn, để gợi nhớ về nguồn cội của dân tộc, của người Lạc Việt – Tộc người Việt. Đường nét chạm khắc ở phù điêu thanh thoát, khoáng đạt, điệu nghệ, bay bổng, làm cho ta không còn cảm giác nặng nề bởi những khối đá lớn. Vì vậy, bức phù điêu này cao nhất, đứng ở chỗ quan trọng nhất, là mặt tiền của Tòa nhà đá, khẳng định Tòa nhà Đá Việt.

Xây dựng xong tầng 3, mới tiến hành xây dựng tầng 4 là tầng cuối cùng của tòa nhà đá, thi công vất vả hơn nhiều vì phải xây dựng ở độ cao trên 12m, phải dùng cần cẩu cỡ lớn để chuyển nguyên vật liệu lên cao. Đây là tầng có chiều cao nhất là 14m, tính đến đỉnh tháp khánh đá, tạo cho tòa nhà có độ cao 27m. Tầng 4 có Nghênh phong các xây toàn bằng đá cao 8,1m và một tháp đá cao 14m có 3 tầng xây toàn bằng các tấm đá lớn, trên tầng 3 của tháp đá treo khánh đá.

Nếu tính tổng thể trọng lượng đá 4 tầng của Tòa nhà đá sẽ là 2025 tấn. Có lẽ, đây là Tòa nhà đá duy nhất, độc đáo và lớn nhất Việt Nam mới có ở tỉnh Ninh Bình – Quê hương của núi đá, có nghề chạm khắc đá lâu đời, sẽ không có chuyện “Nước chảy đá mòn”, mà là tòa nhà đá để đời. Quả đúng là một kỳ quan bằng đá, một “viên ngọc” quý. Nó là những hạt chân châu đá vẻ tân kỳ, lộng lẫy, nhưng cũng là mồ hôi, sức lao động sáng tạo không mệt mỏi, trí thông minh, tài năng tuyệt vời, lòng dũng cảm của ông Lương Văn Quang, là chủ nhân của Tòa nhà đá và những người thợ đá Ninh Vân, huyện Hoa Lư, tỉnh Ninh Bình trong 14 năm trời tạo nên.

 

L.Đ.B

(Nguồn: TC VNNB 253-7/2021)

 

Bài viết khác