Thứ bảy, 21/09/2024

Văn bia Kim Sơn đề cao đạo lý uống nước nhớ nguồn đối với những người khai dân lập ấp

Thứ hai, 07/06/2021

ĐẶNG CÔNG NGA 

Nói đến Kim Sơn là người ta nghĩ ngay tới vùng đất tân bồi mới được thành lập đầu thế kỷ XIX, và người có công đầu là Nguyễn Công Trứ. Bài viết này chúng tôi giới thiệu một vấn đề văn bia ở Kim Sơn ghi nhận công lao không chỉ Dinh điền sứ Nguyễn Tiên công mà cả một đội ngũ đông đảo các chiêu mộ, nguyên mộ cùng đông đảo nông dân tập hợp dưới cờ Dinh điền sứ mở đầu cuộc khẩn hoang, khai dân lập ấp để rồi những ấp lý trại ban đầu đó đã trở thành các làng xã trù mật ngày nay.

 

Chùa Đồng Đắc, xã Đồng Hướng còn một bia đá Kim Liên tự bi ký dựng năm 1926 cho biết quá trình ra đời của huyện Kim Sơn.

(Ảnh: Nguồn Internet)

Trong số hơn 440 kiến trúc thờ tự toàn huyện, chỉ một ít trong số đó có văn bia, nhất là trong số 149 nhà thờ đạo, chỉ có nhà thờ Phát Diệm là có văn bia mà thôi. Trong số mấy chục văn bia hiện còn, văn bia đền miếu ngoài việc nói về xây dựng hay trùng tu di tích, còn ghi chép về nguồn gốc xóm làng, dù chỉ vài dòng. Số còn lại thuần tuý nói về những ông tổ dòng họ, các chiêu nguyên mộ đã biến đất hoang vu thành đồng ruộng, lập nên làng xóm từ thuở còn gọi là ấp lý trại. Thống kê văn bia có nội dung nói về công cuộc khai dân lập ấp và niên đại như sau:

1. [Bia miếu Lạc Thiện] xã Quang Thiện - Minh Mạng 11 (1830); 2. Tuy Lộc bi ký, đình (đền) Tuy Lộc xã Yên Lộc - Thiệu Trị 6 (1846); 3. Kiến Thái ấp từ bi ký, đền Kiến Thái xã Kim Chính - Tự Đức 22 (1869); 4. Yên Thổ từ bi ký, đền Yên Thổ xã Yên Mật - Tự Đức 22 (1869); 5. Trùng tu từ vũ bi ký, đền Truy Tư xã Quang Thiện - Thành Thái 1 (1889); 6. Tuần Lễ miếu bi, xã Như Hoà - Duy Tân 2 (1908); 7. Thượng Kiệm chiêu mộ Nguyễn Tiên công bi, miếu Thượng Kiệm xã Thượng Kiệm. - Duy Tân 4 (1910); 8. Kim Liên tự bi ký, chùa Đồng Đắc xã Đồng Hướng - Bảo Đại 1 (1926); 9. [Bia đền Tuy Định], xã Định Hoá - Niên đại bị mờ; 10. [Bia chùa Tuy Định] xã Định Hoá - Niên đại bị mờ.

Qua thống kê trên chúng ta rút ra mấy vấn đề sau:

 Về niên đại: có 5 bia thuộc thế kỷ XIX, 3 bia thế kỷ XX, 2 bia còn lại không rõ thuộc thế kỷ nào, nhưng chắc chắn thuộc thời Nguyễn.

Về nội dung: [Bia miếu Lạc Thiện] ghi nhớ công ơn Nguyễn Công Trứ đã có công chỉ huy công cuộc khẩn hoang xây dựng quê mới Lạc Thiện cho dân nghèo từ các nơi khác đến, xin trích: “Năm Kỷ sửu đời vua Minh Mạng thứ 11 (1830), ấp ta chịu ơn che chở của quan Dinh điền Nguyễn Tướng công kể từ khi chiêu dân lập ấp, các vị chiêu mộ, nguyên, thứ mộ cùng Tiên công luận bàn việc xây dựng miếu vũ phụng thờ, đến nay đã trải qua hơn một năm vậy...”. Bài vị thờ ở miếu Lạc Thiện là chiêu mộ Vũ Khắc Minh. Ngoài ra miếu còn thờ các vị nguyên thứ mộ của ấp Lạc Thiện, những người đã có công khai phá đồng hoang thành ruộng đồng tốt tươi và lập nên ấp Lạc Thiện.

 Bia Thượng Kiệm chiêu mộ Nguyễn Tiên công bi ở miếu (đình) Thượng Kiệm xã Thượng Kiệm, xin trích: “Trong khoảng đất trời xoay vần mà biến biển trở thành đồng ruộng, từ bãi hoang chưa khai phá mà khai phá thành đất đai trồng cấy cho muôn đời, đó là công ơn của Tiên Công Nguyễn Gia Mưu vậy. Buổi đầu nơi đây ruồi muỗi côn trùng bay ào ào như mưa, đồng chua nước mặn, mùa màng thất bát, nhưng đã có Tiên công… Buổi đầu nhiều người muốn bỏ nơi này mà về quê cũ (Phược Nông, Nam Châu, Sơn Nam), vì vậy công việc xây dựng ấp lý gặp muôn vàn khó khăn. Quan Dinh điền sứ, bởi thế đã tấu xin hoàng thượng cấp tiền mua sắm trâu bò nông cụ cho dân. Nhờ đó lòng dân cố kết, anh em con cháu của Tiên công mỗi người một việc, do vậy công cuộc khẩn hoang và xây dựng quê mới diễn ra tốt đẹp… Đến nay ấp Thượng Kiệm và huyện Kim Sơn đã tráng lệ, thật là trời hoang dã do đất hoang dã, khai phá hoang dã để phục vụ cuộc sống cho dân, công nghiệp có tự hôm nay...”

Bia Tuy Lộc bi ký ở đình Tuy Lộc xã Yên Lộc dựng năm 1846 thì chép, xin trích: “... huyện Kim Sơn ở giáp bể, từ nhà Lê về trước vẫn là bãi hoang, đến năm 1829 bắt đầu khẩn hoang. Lúc ấy ở xã Vĩnh Lộc có ông Trương Văn Duệ, Trương Đình Ân mộ được hơn 10 người khai khẩn được hơn 770 mẫu, đặt riêng làm lý Tuy Lộc, chia làm 4 xóm là Phú Thứ, Phú Vinh, Phú Ninh, Phú Thọ, rồi xây đền thờ thần. Lại đặt ra hương lão, văn hội, vũ hội, tự điền, học điền... Lý Tuy Lộc có họ Trương 7 người, họ Phạm 10 người, họ Lương 2 người”.

Đền Kiến Thái xã Kim Chính được xây sửa xong năm Tự Đức 22 (1869) có một bia đá Kiến Thái từ bi ký năm 1869, nội dung nói về nguồn gốc vùng đất Kim Sơn khởi đầu từ công cuộc khẩn hoang của Nguyễn Công Trứ, xin trích: “Huyện Kim Sơn ta trước đây là bãi biển. Triều vua Minh Mệnh năm thứ 8 (1827) có giặc khởi binh đóng đồn ở Phú Nhai (Nam Định). Nguyễn Công Trứ theo lệnh triều đình đem quân đi dẹp phỉ. Khi xong việc, Nguyễn Tướng công thấy vùng đất này (vùng đất ven biển từ Tiền Hải, Thái Bình qua Nam Định đến Kim Sơn ngày nay - ĐCN) bèn nói rằng: nơi đây đất đai màu mỡ, nhân dân sinh sống đã từ lâu, ắt sẽ tạo ra nguồn lợi lớn cho mai sau, ta sẽ dâng tấu lên Hoàng thượng cho bạt cỏ dại, dựng làng xóm, khai phá đồng ruộng phì nhiêu... Năm Minh Mệnh 10 (1829) Tướng Công nhận chỉ dụ cho gom dân mở rộng đất đai, dựng xây ấp trại. Từ đó ruộng đồng ngày một mở rộng, làng xóm ngày một dông vui....”.

Chùa Đồng Đắc xã Đồng Hướng là một danh lam thắng cảnh trong vùng, còn một bia đá Kim Liên tự bi ký dựng năm 1926 cho biết quá trình ra đời của huyện Kim Sơn: “Kim Sơn trở thành huyện từ năm thứ 10 niên hiệu Minh Mạng, tức năm Kỷ sửu (1829), do quan Dinh điền chính sứ Nguyễn (Tướng) công lập ra vậy”. Đoạn văn bia này một lần nữa khẳng định năm ra đời của huyện (trong đó có ấp Đồng Đắc) do Nguyễn Công Trứ mở đầu công cuộc khẩn hoang mà thành. Có huyện, có ấp rồi mới có chùa, tên chùa Kim Liên cũng là do Nguyễn Công Trứ đặt.

 Miếu Tuần Lễ xã Như Hoà dựng năm Minh Mạng 17 (1836) thờ thành hoàng Hải Tề Long Vương, chiêu mộ Lê Văn Uẩn, phó chiêu mộ Nguyễn Hữu Lượng, 17 nguyên mộ, 7 thứ mộ, tân mộ, đã lập nên trại Tuần Lễ. Theo Tờ trình của các ấp, lý, trại trong toàn huyện vào năm Tự Đức 3 (1850) thì: Kim Sơn ta nguyên trước là dải đất hoang hoá, khí độc nước mặn, lúc mới khai khẩn vô cùng vất vả, dân mộ đến, trước mắt chưa thấy gì, phần nhiều bỏ đi, lại mộ dân bổ sung vào. Từ năm Minh Mạng 10 (1829) đến năm thứ 16 (1835) bắt đầu tạm thành đồng ruộng. Trải qua biết bao gian khổ, các nguyên, thứ, tân mộ đã cùng người dân khẩn hoang được một vùng đất chiều ngang là 1,3 đạc (78m), chiều dài từ làng Phúc Nhạc xuống giáp Sông Đáy. Tấm bia đá Tuần Lễ miếu bi niên hiệu Duy Tân 2 (1908) nói đến quá trình xây dựng miếu vào năm 1836, về sau mở rộng quy mô miếu, xây thêm 3 gian Tổ đường để thờ truy ân những người có công lập ra ấp Tuần Lễ. Bởi vì “Trại trưởng chiêu mộ Lê Quí công (tức Lê Văn Uẩn) người ấp Phúc Nhạc đã về đây chiêu dân lập ấp... Vì thế dân ấp nói rằng Lê Văn Uẩn là người có công lớn, sau này khi ông mất, sẽ lập đền ở bên phải toà Tiền đường của miếu để thờ ông”.

Xã Yên Mật có đền thờ Triệu Việt Vương ở thôn Yên Thổ. Vào cuối thế kỷ XVIII có 3 cụ xuống vùng ven biển để khẩn hoang lập ấp, Ngô Thế Uyển lập ra trại Yên Thổ, Mai Trọng Huề lập ra trại Mật Như, Đào Ích Khiêu lập ra trại Ninh Mật sau này. Năm 1829, Nguyễn Công Trứ tổ chức khẩn hoang huyện Kim Sơn, 3 ông trở thành chiêu mộ, cùng 2 thứ mộ và 10 người thuộc họ Ngô, Nguyễn, Trần, Phạm, Đinh, Trịnh, Hoàng, Lê, Hà, Phan lập nên trại Yên Thổ. Ấp đã có, dựng đền còn thờ các cụ chiêu mộ Ngô Thế Uyển. Bia Yên Thổ từ bi ký dựng năm 1869 nói về việc thờ thần. Thôn Thổ Mật ở ven bờ biển, năm 1828 nguyên mộ Ngô Thế Uyển với sáu bảy người cùng chí hướng theo Nguyễn Công Trứ khai khẩn lập nên trại Yên Thổ. Năm 1844, hai trại Thổ Mật và Yên Thổ thờ tự Ngô Thế Uyển, và ghi vào bia đá cho con cháu mãi biết.

Trại Tuy Định xã Định Hoá được lập ra bởi các ông Chiêu mộ Vũ Thảng, Phạm Cẩn, Phạm Khoan, Phạm Cương, Phạm Thu, Phạm Ngạn, Phạm Khuê, Trần Tùng, Trần Trận từ quê cũ Phượng Trì (Yên Mô), Bồng Hải (Yên Khánh) xuống, do Nguyễn Công Trứ khởi xướng, bia đá đền Tuy Định cho biết đền thờ các vị trên và 8 vị nguyên mộ lập nên trại Tuy Định.

Cuối cùng xin giới thiệu một trong số những bia đá của đền Truy Tư xã Quang Thiện, nơi thờ Dinh điền sứ Nguyễn Công Trứ. Tấm bia được dựng năm 1889, tức 60 năm sau khi Nguyễn Tướng công mở đầu công cuộc khai khẩn đất Kim Sơn. Nội dung bia chủ yếu nói về công lao của Nguyễn Công Trứ và việc quyên góp tiền của tu sửa đền, như tiêu đề đã ghi. Trích một đoạn“Văn bia tu sửa đền thờ” sau đây: “Người xưa nói: Có công thì thờ tự, mà có công như thế tất phải dựng đền thờ là dĩ nhiên rồi. Từ đó tới nay mới hơn 60 năm, người đến ở nhà nọ nối tiếp nhà kia, đất mở ra hết mẫu này đến mẫu nữa, từ già đến trẻ ai cũng hay Nguyễn Tướng công xây nền dựng nghiệp ban đầu rất là to lớn…”

Tóm lại Uống nước nhớ nguồn, ăn quả nhớ người trồng cây, đó là một trong những đặc điểm nổi bật được phản ánh trong hầu hết các văn bia ở vùng đất Kim Sơn, mà nước uống, người trồng cây ở đây chính là Dinh điền sứ Nguyễn Công trứ và hơn 140 vị chiêu mộ, nguyên thứ, tòng mộ vậy.

 

Đ.C.N

(Nguồn TC VNNB 251- 5/2021)

Bài viết khác