Thứ sáu, 13/09/2024

Cồng, chiêng - nhạc cụ độc đáo của đồng bào dân tộc Mường

Thứ năm, 13/06/2019

NGUYỄN XUÂN KHANG

Ninh Bình có hai dân tộc anh em cùng sinh sống, cư ngụ, đó là dân tộc Kinh và dân tộc Mường. Người Mường sống chủ yếu ở vùng đồi núi phía bắc tỉnh với dân số ước khoảng hơn 20 nghìn người. Người Mường sống định cư, hòa nhập với người Kinh, cùng chung lòng gắng sức xây dựng Ninh Bình phồn vinh, thịnh vượng.

Mùa xuân, mùa của rộn ràng lễ hội, lên với vùng cao của người Mường, ta bắt gặp tiếng rộn ràng thôi thúc của lễ hội cồng chiêng. Nếu người Việt cổ chỉ có trống đồng là linh vật, thì người Mường có cả trống đồng và những dàn cồng chiêng rộn ràng âm sắc. Nhịp sống của người Mường theo hiệu lệnh của âm sắc cồng chiêng. Hơn thế nữa, cồng chiêng còn có vị trí không thể thiếu trong kho tàng nghệ thuật dân gian và trong đời sống tâm linh, tình cảm của dân tộc Mường. Nếu trống đồng thuộc quyền sở hữu của tầng lớp trên (quan lang, tù trưởng), thì cồng chiêng là những vật không thể thiếu trong sinh hoạt cộng đồng, trong các dịp lễ hội văn hóa dân gian. Một minh chứng là: Trống đồng thường được phát hiện cùng với các ngôi mộ cổ của các dòng họ lang Mường với tư cách là đồ tùy táng, còn cồng chiêng là vật được truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác.

Người Kinh hiện nay phân biệt giữa Cồng và Chiêng, loại có núm ở giữa được gọi là Cồng, loại không có núm được gọi là Chiêng. Nhưng đối với một số dân tộc ít người thì họ gọi tùy theo tộc người, có nơi phân biệt gọi Chiêng là Ching hoặc Chêng, Cồng là Goong... Nhưng cũng có tộc người không phân biệt chỉ gọi bằng một tên chung là Cồng Chiêng.

Theo các câu chuyện cổ tích của người Mường, thì nhờ vào các âm sắc khi người ta gõ vào các hang động, nhũ đá mà chế tác ra cồng chiêng. Vì vậy, cồng chiêng được duy trì, phát huy trong suốt quá trình phát triển của đời sống tâm linh, trong các sinh hoạt văn hóa cộng đồng và trong đời sống xã hội của người Mường. Theo nhận thức, các nhạc cụ thường có thể sử dụng được đơn lẻ hoặc được phối hợp chung cùng với các nhạc cụ khác, riêng chỉ có cồng chiêng là được sử dụng theo dàn. Đã từ xa xưa, khi sử dụng, người Mường thường dùng 12 chiếc, con số 12 biểu thị cho 12 tháng trong năm và hội tụ đủ âm sắc của bốn mùa: Xuân, hạ, thu, đông. Kích thước của dàn cồng chiêng theo thứ tự lớn dần và được quy định từ số 1 đến số 12. Một dàn công chiêng thường chia làm ba loại, gồm: 4 chiêng Tlé, 4 chiêng Bồng và 4 chiêng Dàm.

Cồng và Chiêng

 

Chiêng Tlé (Còn gọi là Poóng, Lắp, Chót): Từ chiêng số 1 đến chiêng số 4, là loại có kích thước nhỏ nhất, phát ra âm vực cao nhất trong dàn.

Chiêng Bồng (Còn gọi là Bòng Beng): Từ chiêng số 5 đến chiêng số 8, kích thước và âm vực trung bình.

Chiêng Dàm (Còn gọi là Khầm): Từ chiêng số 9 đến chiêng số 12, là loại có kích thước lớn nhất và âm vực trầm nhất trong dàn.

Bộ Cồng (đồng) 12 chiếc trưng bày tại

Bảo tàng Ninh Bình sưu tầm từ đồng bào dân tộc Mường

Trong tất cả những sinh hoạt văn hóa-xã hội như hát Sắc Bùa, lễ cưới, đi săn, kéo gỗ, dựng nhà, tang lễ, tết cơm mới, khi bản làng gặp thú dữ… bản Mường đều rộn rã tiếng cồng chiêng đầy quyền uy và sự thúc giục. Hội mùa xuân có sức hút kỳ lạ đối với tất cả cộng đồng người Mường. Bản Mường thường tổ chức thành những phường cồng chiêng đi chúc Tết các gia đình gọi là Sắc Bùa. Mỗi phường thường có 15 đến 30 người mang cồng chiêng cùng với các tặng phẩm như gạo tẻ, gạo nếp, bánh trái, trầu cau… đi chúc phúc cho từng nhà. Khi bắt đầu đi, phường tấu bài “Đi đường”, đến nhà nào thì tấu bài “Chúc phúc”. Với  lễ cưới, khi đón dâu thì dùng loại Tlé làm chiêng Dóng, khi vào cuộc Rằng Thường (Hát giao lưu giữa hai họ) thì dùng loại chiêng Dàm với âm sắc dịu dàng, trầm bổng. Cồng chiêng giúp điểm nhịp, cổ vũ các giọng hát khi giao lưu tạo nên không khí vui nhộn, phấn khích. Trong việc tang lễ: Khi gia đình có người qua đời, họ đổ liền ba hồi chiêng để báo hiệu, bản Mường náo động hẳn lên, nhận được tín hiệu chẳng lành, mọi người kéo đến gia chủ có chuyện bất an để chuẩn bị tan lễ. Đêm cử hành tang lễ, chiêng mo liên tục hòa nhịp với diễn xướng “Đẻ đất”, “Đẻ nước”, “Mo cuổi lìa” (Từ biệt người quá cố). Dàn cồng chiêng còn đưa người chết ra tận nghĩa địa rồi tấu bài “Giã biệt” cho tới khi hạ huyệt. Khi có thú dữ kéo đến phá bản làng hoặc khi đi săn trong rừng, người Mường thường sử dụng những chiếc cồng chiêng có kích thước nhỏ nhất trong dàn. Tín hiệu báo có thú dữ đến thì đánh một tiếng kéo dài (Chiêng số 1) rồi một hồi ba tiếng (Chiêng số 2). Khi đi săn thú thì đánh một tiếng một kéo dài kết hợp với tiếng hú. Khi săn được thú thì gõ cồng chiêng để laon tin: Thú nhỏ thì gõ ba tiếng, hươu nai thì gõ sáu tiếng, bắt được hổ, gấu thì gõ chín tiếng… Khi đưa thú về bản thì đánh cồng chiêng theo tiết tấu “Đi đường”.

Cồng chiêng gắn liền với đời sống, tâm linh và tình cảm của người Mường. Như vậy, cồng chiêng được coi như vật thiêng, là báu vật, tượng trưng cho cả vật chất và tinh thần dân tộc Mường. Theo thống kê chưa đầy đủ, hiện nay các cơ quan chức năng đã sưu tầm được 40 điệu cồng chiêng mà người Mường thường dùng. Với sự bùng nổ thông tin, sự phát triển của công nghệ truyền thông và tin học cùng với sự đô thị hóa ngày càng mạnh làm ảnh hưởng không nhỏ đến những sinh hoạt văn hoa truyền thống cộng đồng trong đó có âm nhạc cồng chiêng. Đây cũng là thử thách đối với văn hóa cồng chiêng trước những đổi thay của kỹ thuật công nghệ và tác phong lối sống của con người nông nghiệp. Cồng chiêng ngày càng quý hiếm, kích thích người săn tìm, người chơi đồ cổ, dẫn đến việc chảy máu cồng chiêng, làm giảm sút rõ rệt số lượng cồng chiêng hiện còn. Việc quản lý còn buông lỏng hoặc bị chi phối bởi cồng chiêng chủ yếu nằm trong dân chúng nên rất dễ bị bán đi vì một lý do nào đó. Chúng ta lại chưa có giải pháp cụ thể để quản lý, hỗ trợ người dân gìn giữ, bảo lưu và phát huy giá trị cồng chiêng vào đời sống. Đây là việc làm cấp thiết của nhiều ngành nhằm bảo lưu những giá trị văn hóa phi vật thể của một cộng đồng người có địa bàn cư trú rộng khắp với số dân đứng thứ hai sau người Kinh (Việt).

                                                                                    N.X.K

Bài viết khác