NGUYỄN QUANG HẢI
Chầu văn cổ truyền là một loại hình nghệ thuật đàn - hát, có kết hợp với lên đồng (biểu diễn trong vai các chư vị thần linh). “Chầu văn” nghĩa là: Văn chầu thánh. Hát chầu văn nghĩa là hát những bài văn để chầu thánh.
Đây vốn là một thể thức diễn xướng tổng hợp, gồm có: đàn, hát, múa…, một thể thức biểu hiện có dung nạp trong đó các yếu tố nghệ thuật và tín ngưỡng dân gian.
Chầu văn xưa kia được lưu hành chủ yếu trong không gian các đền, miếu, phủ và tập trung phổ biến tại các lễ hội truyền thống, khắp các địa phương trong nước. Với hát và diễn xướng (múa), chầu văn chính là một dạng thức nghệ thuật dân gian (folklore) tổng hợp.
Trên địa bàn cả nước ta có chầu văn Bắc Bộ với các làn điệu: Dọc, Cờn, Xá, Chèo đò; chầu văn miền Trung (chủ yếu ở Huế) với các giọng: Đằng, Thái, Tẩu; và chầu văn Nam Bộ…
Một tiết mục hát chầu văn trên sân khấu Ảnh: TL
Sự hình thành, qua lưu truyền, bổ sung, giao thoa, biến hoá của các dạng thức nghệ thuật dân gian của dân tộc nói chung, trong đó có nghệ thuật hát chầu văn (bao gồm cả đàn, hát và diễn xướng) là cả quá trình lâu dài, phức tạp.
Về âm nhạc, đến nay nghệ thuật hát chầu văn đã trải qua nhiều sự biến đổi, thêm bớt về tiết tấu, điệu thức. Trong âm nhạc hát chầu văn ở miền Bắc có những làn điệu quen thuộc của hát chèo, ca trù, hát xẩm xoan… Ngày nay, nhiều trường hợp người ta sử dụng những chất liệu âm nhạc đặc trưng chầu văn để cấu trúc thành những tổ khúc mới.
Về nguồn gốc hình thành, căn cứ vào một số nguồn sử sách thì sớm nhất nghệ thuật hát chầu văn, “hát trước mặt đế vương” đã hình thành từ thời Trần (thế kỷ XIII) ở nước ta.
Trong tác phẩm Kiến văn tiểu lục của Lê Quý Đôn có ghi: “Thời Trần có lối hát trước mặt đế vương, gọi là hát chầu”. Rất có thể “Lối hát trước mặt đế vương” ở thời Trần (hay từ trước đó nữa) chính là những bài hát, những điệu hát chầu văn hình thành sớm nhất, sơ khai nhất?!
Về văn học, lời các bài hát chầu văn, còn gọi là các giá văn chầu đều ở thể thơ lục bát hoặc song thất lục bát. Đây là hai thể thơ dân tộc rất quen thuộc, về cơ bản được phổ biến từ thời Hậu Lê trở đi.
Về các “đối tượng chầu” trong các bài hát chầu văn cổ truyền là một hệ thống tên tuổi các nhân vật là các mẫu thuộc tín ngưỡng dân gian Việt Nam về Tam Phủ (ba cõi: trời, đất, nước) và Tứ Phủ (trời, đất, nước, rừng núi) và các vị quan, các ông hoàng, bà chúa là những nhân vật lịch sử. Có thể hệ thống hoá sơ bộ các “đối tượng chầu” đó như sau:
- Các mẫu của tứ phủ là: Mẫu Thượng Thiên (mẹ trên trời), Mẫu Địa (mẹ đất), Mẫu Nhạc (mẹ rừng núi), Mẫu Thoải (mẹ nước).
- Các nữ thần giúp các mẫu cai quản tứ phủ, gọi là “Tứ phủ chầu bà”.
- Các vị quan lớn (năm vị, gọi là ngũ vị tôn quan).
- Các vị quan hoàng.
- Các cô và các cậu.
Đặc biệt, “cha” Đức Thánh Trần (Trần Hưng Đạo) và “mẹ” Liễu Hạnh Công Chúa (Bà Chúa Liễu) có văn chầu rất phổ biến, được hát chầu vào dịp tháng ba, tháng tám theo câu ca: “Tháng tám giỗ cha, tháng ba giỗ mẹ”. Mẫu Liễu được dân gian nhiều địa phương xem là hoá thân của Mẫu Thượng Thiên.Tục thờ Đức Thánh Trần và thờ Mẫu Liễu như được biết, có từ thời Hậu Lê.
“Dấu tích Hậu Lê” khá rõ trong hát chầu văn cổ truyền. Đó là những dấu tích của cả một trường kỳ lịch sử với sự khởi xướng và phát triển của không ít loại hình nghệ thuật dân tộc còn lưu tồn đến nay, trong đó có nghệ thuật đàn, hát chầu văn.
Riêng trên địa bàn tỉnh Ninh Bình, từ xa xưa đã lưu truyền nghệ thuật hát chầu văn ở các đền, phủ, miếu, đặc biệt là ở những nơi thờ mẫu, vào dịp lễ hội, ngày xuân, đầu tháng, ngày rằm… Bởi vì: Ninh Bình là một vùng đất có Kinh đô Hoa Lư cách nay đã nghìn năm, đồng thời là một trong những cái nôi của nghệ thuật hát chèo cổ truyền. Ninh Bình là vùng đất cực nam đồng bằng Bắc Bộ, có núi, đèo Tam Điệp là “cổ họng Bắc - Nam”. Ở Ninh Bình có khá nhiều đền, phủ, miếu, điện thờ mẫu, tập trung ở những vùng đồi núi như: Tam Điệp, Nho Quan, Gia Viễn, Hoa Lư, Yên Mô. Riêng trên địa bàn thị xã Tam Điệp có 12 đền, phủ thờ mẫu. Đền Dâu và đền Quán Cháo ở đây có quy mô lớn, kiến trúc và phong cảnh đẹp nổi tiếng, ngát hương khói quanh năm, là nơi thờ tam toà thánh mẫu. Một số đền, phủ, miếu khác là nơi thờ tam phủ, thờ Mẫu Thượng Ngàn, Mẫu Thoải, Bạch Hoa Công Chúa, Hồng Hoa Công Chúa… Phủ Đồi thuộc huyện Nho Quan là ngôi phủ thờ tam toà thánh mẫu... Ở động núi Non Nước (Núi Thuý) thuộc thành phố Ninh Bình có thờ ba mẫu cai quản tam phủ…
Không gian của chầu văn cổ truyền là nơi trước điện thờ. Hát chầu văn trong các đền, phủ, miếu thường có kết hợp với hầu bóng (nhập vai mẫu hay một chư vị thần thánh nào đó). Người xưa quan niệm đó là một phương cách hữu hiệu để mọi người có thể giao tiếp với các mẫu, với các chư vị nhân thần để bày tỏ nguyện vọng và nỗi niềm thầm kín. Đặc biệt, các mẫu trong tín ngưỡng dân gian Việt Nam là biểu tượng có cội nguồn từ sâu thẳm nơi ký ức của cả cộng đồng dân tộc. Trong bầu không khí buổi chầu văn - ngay trước điện thờ mẫu hay trước điện thờ các ông hoàng, bà chúa, các “con nhang đệ tử” cảm thấy như được sống trong những giờ phút thăng hoa hiếm có.
Trong mỗi dịp lễ hội, ngày xuân, dịp “tháng tám giỗ cha, tháng ba giỗ mẹ”, các cung văn (người đàn, hát chầu văn) được dịp trổ tài những ngón đàn, điệu hát đặc sắc và trao đổi, học hỏi lẫn nhau. Trong cuộc đời “tác nghiệp” của mình, mỗi cung văn thường đi đây đó nhiều nơi để vừa hành nghề, vừa học hỏi đồng nghiệp. Có những cung văn đã nhập tâm được hầu hết các giá văn chầu mẫu, chầu các ông hoàng, bà chúa. Song có lẽ hơn ai hết, các cung văn người địa phương (nơi có đền, phủ thường có hát chầu văn) có điều kiện thuận lợi để tiếp thu được tinh hoa sáng tạo đặc sắc về đàn và hát được quy tụ về đây từ bốn phương.
Từ trong các đền, phủ, miếu, với vai trò là một phương tiện nghệ thuật phục vụ tín ngưỡng, nghệ thuật hát chầu văn đã “chuyển mình”, được đưa lên sân khấu, truyền lên làn sóng điện vào khoảng đầu thập kỷ sáu mươi của thế kỷ trước để đáp ứng nhu cầu thưởng thức văn hoá nghệ thuật của đông đảo nhân dân. Đó dường như là một quy luật. Đã có người nhận xét: “Người đương thời hát dân ca theo tâm trạng và nhạc điệu của thời đại mình. Tới giai đoạn lịch sử chín muồi, bản thân nó sẽ bùng lên và trở thành một “cái khác” mới hơn, mạnh hơn, tiến bộ hơn. Sự chuyển mình của một vùng dân ca nào đó lên sân khấu là một nhu cầu chính đáng và cấp bách trong đời sống văn hoá”. Nói một cách khác, nghệ thuật hát chầu văn vốn từ nơi thờ cúng, từ không gian tâm linh xưa kia, được phổ biến rộng rãi trong đời thường, chính là từ cõi thiêng bước ra cõi tục.
Tại Liên hoan các trích đoạn chèo hay toàn quốc, tổ chức tại Ninh Bình năm 1993, tiết mục “Ba giá đồng” (ba giá văn) lần đầu tiên được đưa lên sân khấu đã được đông đảo khán giả tán thưởng rất nồng nhiệt.
Đến nay đã có nhiều bài hát quen thuộc có tên gọi mới là hát văn. Về cơ bản, các bài hát văn đều có nội dung ca ngợi đất nước, quê hương, ngợi ca đời sống, nhịp sống mới, với những chất liệu âm nhạc đặc sắc, tươi vui, sôi động được chắt lọc từ âm nhạc chầu văn cổ truyền.
Trên địa bàn cả nước nói chung, tỉnh Ninh Bình nói riêng, âm nhạc chầu văn trên sân khấu nghệ thuật và trên phát thanh - Truyền hình ngày càng được nhiều khán, thính giả ưa chuộng. Câu hát văn hôm nay đã là một món ăn tinh thần thật hấp dẫn, quen thuộc đối với mọi người dân.
N.Q.H