Thứ sáu, 13/09/2024

Nghi thức tế cửu khúc đền Vua Đinh

Thứ năm, 02/05/2019

NGUYỄN KIM CÚC

Đến với Ninh Bình ngoài việc được chiêm ngưỡng khám phá cảnh quan tuyệt đẹp, du khách còn được tham gia nhiều lễ hội mang đậm bản sắc dân tộc. Một trong những lễ hội lớn nhất, thu hút nhiều khách trong nước và quốc tế, đó là lễ hội Trường Yên (nay gọi là lễ hội Cố đô Hoa Lư).

Ngày 19/12/2014, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã ban hành Quyết định số 4205 công nhận lễ hội truyền thống Trường Yên, Hoa Lư, Ninh Bình là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Việc này có ý nghĩa đặc biệt đối với việc giữ gìn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống, nâng cao ý thức của  chính quyền, các tầng lớp nhân dân và du khách trong việc quan tâm bảo tồn, phát huy và duy trì giá trị văn hóa của lễ hội truyền thống. Lễ hội được tổ chức để tưởng nhớ công lao của của vua Đinh Tiên Hoàng - người sáng lập nhà nước Đại Cồ Việt, vua Lê Đại Hành - vị Hoàng đế phá Tống bình Chiêm. Lễ hội diễn ra trong ba ngày từ mùng 8 đến mùng 10/3 âm lịch hàng năm. Phần hội có các trò chơi dân gian đặc sắc như cờ lau tập trận, xếp chữ “Thái bình”, cờ người, đua thuyền, múa gậy, ném còn, thi hát chèo, vật, viết chữ nho, ... Phần lễ gồm có: Lễ mở cửa đền, Lễ rước nước, Lễ dâng hương, Lễ rước lửa, Lễ mộc dục, Lễ tiến phẩm, Lễ rước kiệu, Lễ hội hoa đăng. Riêng tế lễ diễn ra vào ban đêm tại 2 đền, đền Đinh tế cửu khúc, đền Lê tế cửu chương. Bài văn tế cửu khúc là nghi thức tế vua Đinh với chín khúc ca trù (gọi là tế cửu khúc). Sau khi chủ tế xướng xong một đoạn, có hai người phường nhà trò (1 nam - đàn, 1 nữ - hát) diễn giải lại nội dung đoạn văn tế bằng điệu ca trù.

Lễ tất niên                                                                          Ảnh: VŨ TỰ CUÔNG

Trải qua nhiều biến cố lịch sử, lễ hội Trường Yên đã có sự “biến tấu” cho phù hợp. Phần tế lễ cũng được sưu tầm, phục dựng lại. Xin được giới thiệu nghi thức tế cửu khúc tại đền vua Đinh mới được  Sở Văn hóa Thể thao Ninh Bình sưu tầm. (Theo tài liệu chép tay của ông Nguyễn Văn Ngọ - tức Năm, hiện do bà Phạm Thị Hoan sinh năm 1958, thôn Đông Thành, xã Trường Yên lưu giữ).

Thông xướng hô: “Khởi chinh cổ”- Ba hồi chín tiếng chiêng trống nổi lên;“Cổ sơ nghiêm”- Vũ nữ rung nhạc ở cổ tay, tung khăn múa hết một vòng, hồi trống dứt; “Cổ tái nghiêm”- Vũ nữ rung nhạc, vung khăn múa hai vòng, ba hồi trống chiêng dứt; “Cổ tam nghiêm”- Vũ nữ vung nhạc, tung khăn múa hết ba vòng, hồi trống tam nghiêm dứt.

Tiếp theo vào cuộc hiến tế chính thức, các tế viên theo lời xướng hướng dẫn của thông xướng viên theo đúng cửu khúc.

Thông xướng hô: “Kiệu tay lọng lá cờ lau/ Anh hùng trong đám chăn trâu thuở nào/Đến khi áo vải cờ đào/ Cứu dân dựng nước xiết bao lẫy lừng/ Nhớ câu uống nước nhớ nguồn/ Tiến hành hiến tế dâng lên cửu trùng/ Vui mừng ca khúc nguyên hòa”. “Chấp sự giả các tư kỳ sự” - Tất cả các tế viên đứng vào vị trí của mình; “Nghệ quán tẩy sở” - Chấp sự hướng dẫn chánh tế đến đài quán tẩy; “Quán tẩy thuế cân” - Chánh tế rửa tay, lau tay; “Củ soát tế vật” - Chấp sự, giám quan, vũ nữ dẫn chánh tề vào cung xem xét lễ vật, riêng giám quan đến cửu cung thì đứng lại. Khi chánh tế kiểm tra lễ vật xong thì trở ra đứng ở cuối chiếu 3;

Thông xướng hô: “Lễ vật cụ túc. Phân hiến viên tựu vị”- Hai phân hiến vào vị trí của mình; “Bồi tế viên tựu vị” - Hai bồi tế vào vị trí của mình;“Mạnh bái quan tựu vị” - Mạnh bái vào vị trí của mình; “Nghệ Hoàng đế ngự tiền” - Hai vũ nữ rung nhạc đi trước, rồi 2 chấp sự, chánh tế lên chiếu thượng tịch (chiếu 1);

Thông xướng hô: “Quỵ giai quỵ” - Chánh tế, chấp sự, và vũ nữ đều quỳ;“Thượng hương”- Chấp sự đốt hương, chánh tế cầm hương vái và đưa cho chấp sự đem cắm vào bát hương; “Tấu Nguyên hòa khúc” - Ca nữ vào chiếu tấu và ca khúc Nguyên hòa, tấu viên và ca viên đều đứng khi tấu và ca;“Phủ phục”- Mọi người cúi xuống lễ một lễ; “Bình thân phục vị” - Tất cả mọi người đều trở về hạ tịch (chiếu dưới);

Thông xướng hô: Nghinh thần tấu Thái hòa khúc”- Ca nữ vào chiếu tấu và ca khúc Thái hòa;“Nghinh thần cúc cung bái”- Mọi người cúi xuống lễ 5 lễ; “Sơ hiến lễ nghệ tửu tôn sở. Nghệ Hoàng đế ngự tiền”- Chấp sự đến đến án bưng đài rượu, vũ nữ múa đi trước, chánh tế, giám quan bước lên chiếu 1;

Thông xướng hô: “Quỵ, giai quỵ” - Mọi người đều quỳ; “Chước tửu, hiến tửu”- Chấp sự dâng đài rượu cho chánh tế, chánh tế rót rượu, vái, và đưa chấp sự;“Tiến tước”- Chấp sự tiến đài rượu vào cung; “Sơ hiến tấu ca Thọ hòa khúc” - Ca nữ vào chiếu tấu và ca khúc Thọ hòa; “Phủ phục” - Mọi người cúi lễ 1 lễ; “Sơ hiến lễ, phân hiến quỵ” - Hai phân hiến quỳ xuống; “Tiến tước tại vị” - Người trực trong cung rót rượu tại vị, đánh chuông báo;“Phủ phục” - 2 phân hiến lễ 1 lễ;

Thông xướng hô: “Nghệ Hoàng đế ngự tiền. Phụng chúc nghệ độc chúc vị” - Chánh tế, người mang chúc, người đọc chúc, vũ nữ bước lên chiếu trên; “Quỵ, giai quỵ”- Mọi người quỳ xuống; “Độc chúc” - Người dâng chúc đưa chúc cho chánh tế vái rồi đưa cho người đọc chúc đọc, người đọc chúc đọc rõ ràng, uyển chuyển, khi đọc đến danh hiệu vua và các vị phối thờ phải đọc nhỏ; “Tấu Dự hòa khúc”- Người tấu và ca vào chiếu tấu và ca; “Phủ phục” - Mọi người cùng lễ 3 lễ; “Bình thân phục vị” - Mọi người lùi về chiếu dưới.

Thông xướng hô: Á hiến lễ nghệ tửu tôn sở” - Chấp sự đến chỗ để đài rượu; “Nghệ Hoàng đế ngự tiền”- Chánh tế, chấp sự, vũ nữ bước lên chiếu trên; “Quỵ, giai quỵ”- Mọi người đều quỳ; “Chước tửu, hiến tửu” - Chấp sự đưa đài rượu cho chánh tế rót, chánh tế vái rồi đưa cho chấp sự; “Tiến tước” - Chấp sự tiến rượu vào cung, vũ nữ múa theo chấp sự; “Á hiến tấu ca Ninh hòa khúc”- Ca nữ vào chiếu tấu, ca khúc Ninh hòa; “Phủ phục”- Mọi người lễ 1 lễ; “Bình thân phục vị” - Chánh tế, chấp sự, vũ nữ về chiếu dưới (chiếu 3).

Thông xướng hô: Á hiến lễ, phân hiến quỵ” - 2 phân hiến quỳ; “Tiến tước tại vị” - Người trong cung rót rượu các phối vị rồi đánh chuông báo; “Phủ phục” - 2 phân hiến lễ xuống 1 lễ; “Chung hiến lễ nghệ tửu tôn sở” - Chấp sự đi đến đài rượu; “Nghệ Hoàng đế ngự tiền”- Chánh tế, chấp sự, vũ nữ bước lên chiếu trên; “Quỵ, giai quỵ” - Chánh tế, chấp sự, vũ nữ quỳ xuống; “Chước tửu, hiến tửu” - Chấp sự đưa đài rượu cho chánh tế rót rượu, vái, rồi đưa cho chấp sự; “Tiến tước” - Chấp sự và vũ nữ tiến rượu vào cung; “Tấu, ca An hòa khúc. Ca công tấu, ca An hòa khúc”

“Phủ phục” - Tất cả mọi người lễ 1 lễ; “Chung hiến lễ, phân hiến quỵ” - 2 phân hiến quỳ xuống; “Tiến tước tại vị”- Trong cung rót rượu cho các phối vị rồi đánh chuông báo; “Phủ phục” - 2 phân hiến lễ 1 lễ; “Bình thân tiến trà”- Chấp sự bưng khay trà đưa cho chánh tế, chánh tế rót trà rồi vái 1 vái, và đưa cho chấp sự tiến vào cung; “Bình thân phục vị”- Chánh tế cùng mọi người về hạ tịch.

Thông xướng hô: Tứ phước tộ, nghệ ẩm phước vị”- Chánh tế bước lên chiếu giữa, chấp sự vào cung mang khay lộc ra đứng bên chánh tế;“Quỵ, giai quỵ”- Chánh tế và chấp sự quỳ; “Thụ tộ”- Chấp sự đưa lộc, chánh tế nhận rồi vái, thụ lộc xong chánh tế trả lại chén cho chấp sự; “Tấu ca khúc Hài hòa”- Ca nữ vào chiếu tấu, ca khúc Hài hòa. “Tạ tộ cúc cung bái” - Mọi người cùng lễ xuống 3 lễ.

Thông xướng hô: Nghệ hoàng đế ngự tiền” - Mọi người bước lên chiếu trên; “Phủng chúc nghệ vọng liệu sở”- Người mang chúc đến nơi hóa chúc; “Liệu chúc”- Người đốt chúc vừa đốt vừa ca bài: “Tán chúc đồng”. “Tấu ca khúc Thuần hòa”- Ca nữ vào chiếu tấu, ca khúc Thuần hòa; “Phủ phục”- Mọi người cùng lễ xuống 1 lễ; “Bình thân phục vị”- Mọi người trở về chiếu dưới.

Thông xướng hô: Lễ thành tấu, ca khúc Ung hòa” - Ca nữ vào chiếu tấu, ca khúc Ung hòa; “Lễ thành tạ lễ cúc cung bái” - Tất cả mọi người cúi xuống lễ 5 lễ. Lễ xong mọi người sắp hàng ngang; “Lễ tất tam khấu đầu” - Tất cả đoàn tế vái 3 vái rồi lùi ra khỏi chiếu tế.

Kết thúc nghi thức tế cửu khúc đền Vua Đinh.

                                                                        N.K.C

Bài viết khác