MẠC KHẢI TUÂN
Năm 2019 là năm thứ 60 ra đời Trường cấp 3 Ninh Bình (nay gọi là Trường Trung học Phổ thông Chuyên Lương Văn Tụy).
Cuốn sách “60 năm thầy và trò Trường THPT Chuyên Lương Văn Tụy” như một lẵng hoa đượm sắc hương: Kỷ niệm sự ra đời và phát triển của một trường cấp III đầu tiên của tỉnh Ninh Bình sau 14 năm Cách mạng tháng Tám năm 1945. Ngôi trường được vinh dự mang tên người thanh niên Cộng sản đầu tiên của Ninh Bình đã cắm cờ búa liềm trên đỉnh núi Non Nước vào đêm 06/11/ 1929. Ngôi trường này không những mang vẻ đẹp thuần khiết từ truyền thống hiếu học “tôn sư, trọng đạo”, mà còn đồng hành, lan tỏa ý nghĩa sâu sắc từ những bài học còn nguyên mới đối với sự nghiệp giáo dục hiện nay.
Không như những cuốn kỷ yếu khác về các nhà trường, sách“60 năm thầy và trò Trường THPT Chuyên Lương Văn Tụy” gồm những hồi ức, tự bạch và suy tư về một thời đoạn gian khó nhưng thật sáng đẹp về tinh thần nỗ lực phấn đấu theo lời Bác dạy: “Dù khó khăn đến đâu cũng phải thi đua dạy tốt học tốt”. Đặc biệt ý nghĩa đối với các thế hệ học trò về mục tiêu: Học để hiểu biết, để làm việc, học để làm người, học phục vụ nhân dân, phục vụ Tổ quốc!
Cuốn sách được xuất bản là kết quả cộng hưởng từ ý tưởng sâu xa, tha thiết với nhà trường của cựu học sinh khóa I - Lã Đăng Bật - giáo viên dạy văn ở trường từ 1969, 2 đợt gồm 20 năm với các thầy Tiến sĩ Vũ Văn Dụ, ở tuổi 84, một giáo viên đầu tiên dạy ở trường từ 1959 (nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo viên , Bộ Giáo dục và Đào tạo); thầy Nguyễn Văn Tuân, nguyên Hiệu trưởng Trường Lương Văn Tụy từ năm 1976 đến năm 1987 cùng những lời nói, việc làm đầy nghĩa cử khích lệ của các cựu đồng môn khóa I, khóa II: Trần Văn Đức, Phạm Văn Liêu, Vũ Huy Anh, Nguyễn Văn Cử…
Trong Lời giới thiệu cuốn sách, thầy Vũ Văn Dụ đã chia sẻ: “Đây là cơ hội hiếm, thậm chí là cuối cùng để có lời tri ân với nơi “chôn nhau cắt rốn nghề nghiệp của mình…”
Với 5 phần trong gần 400 trang sách khổ 14,5 x 20,5 (Nhà xuất bản Lao động, ấn hành quý I, năm 2019), chủ biên Lã Đăng Bật đã quy tụ gần 80 chân dung và tiếng nói qua 90 bài viết theo nhiều thể văn - “Mỗi tác giả có những cảm nhận, chia sẻ riêng, viết hay, xúc động” (Trang 6 - Lời giới thiệu )
Phần Mở đầu, cho biết: “Trường THPT Chuyên Lương Văn Tụy được thành lập từ tháng 9 năm 1959, tiền thân là Trường cấp III Ninh Bình” (Trang 16 - Quá trình hình thành và phát triển của Trường THPT Chuyên Lương Văn Tụy). Với 3 lần mang tên khác nhau: Năm 1959 là Trường cấp III Ninh Bình; năm 1960 là Trường Cấp III Lương Văn Tụy; năm 2001 mang tên Trường THPT Chuyên Lương Văn Tụy. Nhà trường từ khi thành lập đến nay luôn là một địa chỉ đào tạo đáng tự hào, niềm tin cậy hàng đầu của nhân dân Ninh Bình.
“Trong gần 60 năm qua, trường đã được tặng nhiều Bằng khen và cờ của Thủ tường Chính phủ, Bộ giáo dục và Đào tạo, Ủy ban nhân dân tỉnh Ninh Bình. Năm 1985, trường được Hội đồng Nhà nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Ba, năm 1989 nhận Huân chương Lao động hạng Nhì, năm 1995 nhận Huân chương Lao Động hạng Nhất, năm 1998 được tặng Huân chương Độc lập hạng Ba. Vinh dự và tự hào, ngày 23/9/2000, Chủ tịch nước đã ký Quyết định phong tặng danh hiệu đơn vị “Anh hùng lao động thời kỳ đổi mới” cho nhà trường.” (Trang 24 - Phần I – Mở đầu)
Ngoài phần Phụ lục viết về tiểu sử Anh hùng Liệt sĩ Lương Văn Tụy, các Phần II, III, IV, V là các nội dung: “Các thầy viết về các thầy; Thầy và trò tham gia chiến đấu bảo vệ độc lập tự do cho Tổ quốc; Các trò viết về trò và Thơ của thầy và trò”.
Nhân vật trung tâm của cuốn sách là thầy và trò. Nhưng, trước hết, hình ảnh người thầy cách nay hơn nửa thế kỷ được khắc họa trang trọng với những tư chất, phẩm hạnh, trí lực và phong cách thật cao quý! Đặc biệt hơn là vai trò người đứng đầu hội đồng sư phạm ngày ấy thật sự mang linh hồn của các bậc“vạn thế sư biểu”. Đó là “Thầy Vũ Trần Thực (1920 - 1980) Hiệu trưởng đầu tiên của Trường THPT Chuyên Lương Văn Tụy”- “Là một người sống rất tình cảm, thương người, vui vẻ với đồng nghiệp, nhưng cũng rất nguyên tắc bảo vệ lẽ phải, rất ghét sự xu nịnh luồn cúi.” (Bài viết của thầy An Ngọc Hoằng, học sinh cũ của thầy Vũ Trần Thực, giáo viên toán trường Lương Văn Tụy, nguyên Hiệu trưởng Trường THPT Hoa Lư A). Thầy Lê Khắc Thiệu (1906 - 1993) Hiệu trưởng thứ hai sau thầy Vũ Trần Thực… Từ năm 20 tuổi thầy Thiệu đã vào ngành giáo dục. Thầy không chỉ làm thầy dạy học, mà còn tham gia hoạt động Cách mạng từ tháng 8 năm 1945. Đúng như người xưa minh định “thầy nào trò nấy” - Thầy Nguyễn Văn Tuân, Hiệu trưởng thứ năm của Trường cấp III Lương Văn Tụy vốn là học trò “cưng” của cả thầy Thực và thầy Thiệu. Thầy Tuân nhắc về thầy Thực như một lẽ sống: “Thầy rất hay nói lại lời của Việt Vương Câu Tiễn: “Thà làm thanh gươm gãy chứ không chịu làm chiếc lưỡi câu cong”. Với thầy Lê Khắc Thiệu, thầy Tuân cho biết: “Thầy dạy tôi từ năm 1940 đến năm 1945 (từ lớp Đồng ấu đến Sơ học yếu lược)… Hình ảnh người thầy đầu tiên trong đời học trò tôi vẫn nhớ như in, một người thầy phong độ, đàng hoàng, chững chạc và rất nghiêm khắc. Thầy là mẫu hình về mọi mặt cho chúng tôi học tập…”
Có thể nói, phần lớn bài viết đều là những câu chuyện vắt qua hai thế kỷ: Lấp lánh hoài niệm, mặn nồng ân nghĩa và rất đỗi tự hào về ý thức và trách nhiệm nghề nghiệp; về khát vọng và lẽ sống cao đẹp; về tình nghĩa thầy trò, đồng nghiệp, đồng môn hy hữu một thời…
“Trong sách, viết về các thầy và trò không phải do chúng tôi yêu mến, ưu ái riêng, mà chính họ là như thế, nên phải viết… Các thầy và những cựu học sinh được viết trong sách sách đều “đi bằng đôi chân của mình” với tri thức, sự học tập không mệt mỏi, kiên trì, sáng tạo vượt qua nhiều khó khăn và dám hy sinh cả màu xương. Họ chỉ là một số rất ít so với số lượng lớn thầy và trò trong 60 năm.” (Lời nói đầu).
Chính vì thế, giá trị cốt lõi của cuốn sách là việc “ôn cố nhi tri tân”, nhắc nhớ lại quá khứ để xem xét và làm tốt hơn những ngày sắp tới.
Trong “Một vài suy nghĩ…” của mình - Đào Khắc Duật - cựu học sinh khóa I, cựu giáo viên Trường CĐSP Ninh Bình viết: “Mỗi khi nghĩ tới hay bàn đến “Chất lượng dạy và học” tôi lại nghĩ về Trường phổ thông trung học Lương Văn Tụy – nơi tôi đã theo học ở lớp 8C, 9C, 10C khóa 1959 - 1962, để tìm lời giải đáp”. Ông nhớ lại: “Ngày ấy thiếu thốn đủ bề… Cả tỉnh chỉ có một trường (cấp III), học sinh hầu hết ở trọ nhà dân, một số đi bộ. Sáng sớm thứ hai, từ mọi đường họ cuốc bộ vài chục km tới trường. Trên vai họ; một bên túi sách vở, một bên ruột tượng gạo (11 bò) và 1 chai mắm. Tôi từ miền biển lên là chai mắm cáy; Ngô Xuân Hồng từ đồng chiêm xuống là 1 chai mắm tép, tự nấu lấy ăn, thứ bẩy lại tất bật ra về. Số học sinh có quần âu, có dép, có mũ không nhiều, có xe đạp thì càng hiếm… Nhưng kết quả học tập thật tốt.” Sau 40 năm dạy học, về nghỉ hưu, khi gặp lại những người bạn đồng môn ngày ấy ông nhận thấy “các bạn trên đường đời, ai cũng vững vàng. Nhiều bạn, cuộc đời có thể viết thành cuốn tiểu thuyết hấp dẫn”. Rồi ông lý giải cho kết quả khóa học đầu của trường Lương Văn Tụy so với thực trạng giáo dục hiện nay từ những căn nguyên đầy thuyết phục dưới đây:
Thứ nhất: Nhà trường, mà người đứng đầu là thầy Vũ Trần Thực, trong hoàn cảnh lúc đó, vẫn coi trọng công tác dạy và học là nhiệm vụ trung tâm. Từ đó chỉ đạo các hoạt động phục vụ dạy và học tốt. Đó là công tác xây dựng đội ngũ giáo viên, công tác xây dựng cơ sở vật chất trường học, đặc biệt là thư viện và phòng thí nghiệm. Tôi được làm các thí nghiệm Lý, Hóa; được đọc các tác tác phẩm văn học nước ngoài nổi tiếng từ mái trường này.
Thứ hai: Chúng tôi được học các thầy giáo vừa tài năng, vừa tâm huyết với nghề, với trò. Thầy Lê Ánh, thầy Lưu Hùng Chương lúc nào cũng thiếu ngủ, vì thâu đêm sửa bài cho học trò…
Thứ ba: Phải xây dựng mỗi lớp học là một tập thể mạnh, biết tự quản tốt, hoạt động phong trào thiết thực cho việc tu dưỡng học tập toàn diện, cải tiến phương pháp học tập luôn được trao đổi. Tuyệt đối nghiêm túc trong kiểm tra, thi cử, không có hiện tượng quay cóp, giở tài liệu, hỏi nhau khi làm bài.
Cuốn sách được hình thành từ một tập thể tác giả. Có nhiều bài viết của các cựu học sinh. Họ viết về thầy, về bạn, về trường. Họ ra đi từ mái trường Lương Văn Tụy, đã và đang thành đạt trong nhiều lĩnh vực hoạt động xã hội: Chính trị, quân sự, kinh tế, văn hóa - khoa học từ trương ương đến cơ sở. Trong đó còn ngời lên những gương mặt tài hoa, trung dũng của các thầy giáo và các học trò nhà trường đã xung phong nhập ngũ; quả cảm chiến đầu, hy sinh trong giai đoạn cam go nhất của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu từ năm1968 - đến mùa xuân 1975.
Là người từng có cơ may được tham gia viết các cuốn sách kỷ niệm 40 năm thành lập Trường THPT Hoa Lư A, 50 năm Trường Gia Viễn B; tôi nhận thấy cuốn “60 năm thầy và trò Trường Chuyên Lương Văn Tụy” lần này thực sự là một cuốn sách mang đến cho mỗi ai đang thao thức về sự nghiệp cải cách giáo dục hiện nay những bài học chưa hề cũ theo đường lối cùng kế sách đổi mới và hội nhập của Đảng và Nhà nước.
M.K.T