Thứ năm, 12/09/2024

Phỏng vấn nhà thơ Bình Nguyên về Bàn tay mang phép nhiệm màu*

Thứ bảy, 09/04/2022

LÊ VĂN VỴ 

LTS: Nhà báo, nhà thơ Lê Văn Vỵ, Biên tập viên chuyên mục Văn học với Nhà trường của Tạp chí Nhà văn và Cuộc sống (Tiếng nói của Nhà văn Việt Nam) có cuộc phỏng vấn nhà thơ Bình Nguyên về bài thơ “À ơi tay mẹ” được đưa vào giảng dạy trong chương trình Ngữ văn lớp 6, bộ sách Cánh diều, đồng thời đưa ra một số góc nhìn khác nhau về bài thơ của các thầy cô giáo - người trong cuộc. Tạp chí VNNB trân trọng giới thiệu.

BÌNH NGUYÊN
À ơi tay mẹ

Bàn tay mẹ chắn mưa sa
Bàn tay mẹ chặn bão qua mùa màng

Vẫn bàn tay mẹ dịu dàng
À ơi này cái trăng vàng ngủ ngon
À ơi này cái trăng tròn
À ơi này cái trăng còn nằm nôi

Bàn tay mẹ thức một đời
À ơi này cái mặt trời bé con
Mai sau bể cạn non mòn
À ơi tay mẹ vẫn còn hát ru

Ru cho mềm ngọn gió thu
Ru cho tan đám sương mù lá cây
Ru cho cái khuyết tròn đầy
Cái thương cái nhớ nặng ngày xa nhau

Bàn tay mang phép nhiệm mầu
Chắt chiu tự những dãi dầu đấy thôi
Ru cho sóng lặng bãi bồi
Mưa không dột chỗ ngoại ngồi vá khâu

Ru cho đời nín cái đau
À ơi mẹ chẳng một câu ru mình.

Nhà thơ Lê Văn Vỵ:  Chào nhà thơ Bình Nguyên! Đầu năm mới kính chúc nhà thơ sức khỏe, sáng tạo. Xin bắt đầu cuộc PV với câu hỏi của một học sinh lớp 6 gửi đến nhà thơ: “Nhà thơ Bình Nguyên ơi, thuở học lớp 6 như chúng cháu, nhà thơ học môn Văn giỏi không? Chương trình có gì khác bây giờ? Đề thi và kiểm tra có khác bây giờ không? Để học tốt môn Văn trong nhà trường theo nhà thơ, chúng cháu phải làm thế nào ạ?”

Nhà thơ Bình Nguyên:
Chương trình phổ thông thời tôi học chỉ có 10 năm. Hết vỡ lòng vào cấp Một (từ lớp 1 đến lớp 4), cấp Hai (từ lớp 5 đến lớp 7) và cấp Ba (từ lớp 8 đến lớp 10). Chương trình phổ thông bây giờ 12 năm. Hết Mầm non, đến Tiểu học, lên Trung học. Bậc Trung học gồm: THCS và THPT. Trung học cơ sở từ lớp 6 đến lớp 9. Như vậy, lớp 6 thời chúng tôi đã là năm thứ 2 của cấp hai, còn lớp 6 bây giờ lại là năm đầu tiên của THCS. Cho nên lớp 6 bây giờ tương đương với lớp 5 hồi tôi học.

Từ đó đến nay, Chương trình phổ thông đã trải qua nhiều lần cải cách. Chương trình thời tôi học có tên gọi là môn Văn khác với bây giờ là Ngữ văn. Môn Văn chúng tôi học bao gồm các tác phẩm văn chương, Tập làm văn (nói và viết). Còn bây giờ Chương trình bao gồm: Ngữ và Văn, có khi phần Ngữ lấn át cả phần Văn. Thuở chúng tôi, thầy giáo chủ yếu bình giảng, phân tích, truyền cảm cái hay, cái đẹp của hình ảnh, ngôn ngữ văn chương; còn bây giờ chủ yếu là đọc hiểu. Tôi tiếc cho các cháu không được học Chương trình Tập làm văn nói tại lớp. Đó là Chương trình không chỉ rèn luyện kỹ năng ngôn ngữ nói mà còn rèn luyện kỹ năng tổ chức văn bản…

Năm 1964, bị thua to ở miền Nam, đế quốc Mỹ leo thang ra miền Bắc. Cả nước có chiến tranh. Cầu phà, các tuyến đường trọng điểm trở thành mục tiêu oanh tạc của máy bay. Nhất là miền trung trở thành: “Chảo lửa, túi bom”.

Tôi vẫn nhớ như in ngôi trường làng chúng tôi bé nhỏ, nép dưới tán cây xanh. Thế hệ tôi, đầu mũ rơm, chân đất đến lớp. Đứa nào sang mới có các xắc đựng sách vở, còn thì sách vở lèo tèo dăm cuốn đút túi hay cầm tay. Sách giáo khoa dùng sách cũ anh chị để lại, thậm chí những đứa nhà nghèo dùng chung với bạn. Chúng tôi không biết đến thư viện. Sách truyện, sách tham khảo làm gì có. Bây giờ tôi cũng chẳng còn nhớ được những quyển sách tôi đọc ngày ấy. Nhưng tôi nhớ có một anh học lớp trên cứ buổi chiều đi học thì sang tôi mượn khăn quàng đỏ, tối về lại trả, hôm sau lại mượn. Kỷ niệm đi suốt cuộc đời là năm lớp 6 được cô giáo Liên đèo xe đạp lên huyện dự Hội nghị cháu ngoan Bác Hồ. Ở huyện mấy ngày trong không khí tươi vui, đầm ấm. Hội trường là mái nhà tranh rộng, thoáng mát bên một quả núi cao. Buổi sớm tiếng chim ríu rít, trong veo. Được nghe và xem các bạn kể chuyện, múa hát, được ăn cơm tập thể như ăn cỗ ở làng, nhớ mãi. Tôi học khá môn Văn. Cũng nằm trong đội tuyển học sinh giỏi của trường đi thi huyện. Nhưng không bén giải!

Đề thi môn Văn thời chúng tôi học khác hẳn bây giờ. Ngày ấy đề ra tập trung vào một vấn đề còn bây giờ Nghị luận văn chương chiếm 50 hoặc 60%, còn lại là Đọc hiểuNghị luận xã  hội. Các em học sinh không có cơ hội để thử tài tổ chức một bài Tập làm văn trọn vẹn trong thời gian 120 phút hay 180 phút.

Tôi không có kinh nghiệm gì học giỏi môn Văn. Nhưng theo tôi, chỉ có lòng đam mê là cội nguồn của mọi bí quyết. Hãy đam mê, “cháy” hết mình vì môn Văn đi ,“phép mầu nhiệm” sẽ đến!

Lê Văn Vỵ: Nhà thơ sáng tác bài thơ trong hoàn cảnh nào? Có phải bàn tay mẹ là nguồn cảm hứng cho nhà thơ sáng tác?

Bình Nguyên: Cách đây trên 20 mươi năm, nhà thơ Lê Thi Hữu từ Nho Quan xuống chơi. Trong bữa cơm đạm bạc, Lê Thi Hữu bảo: “Tuần báo Văn nghệ tổ chức cuộc thi thơ Lục bát in trên Văn nghệ trẻ, Bình Nguyên dự thi đi!”. Thế là tôi tìm báo, đọc thể lệ, viết gửi dự thi. Tôi nghĩ cuộc thi nào Ban giám khảo cũng tìm đến cái mới, cái độc đáo, cái riêng ở mỗi bài, tất nhiên trước hết phải hay đã. Tôi tham gia cuộc thi đó, trang thơ dự thi có năm bài của tôi được in, trong năm bài đó có chùm ba bài: “À ơi tay mẹ”, “Với người quê” và “Người làng chài học chữ” vào chung khảo và được trao giải A.

Vâng, đôi bàn tay mẹ là nguồn cảm hứng trong sáng tác của tôi. Vì sao ư?

Mẹ là nguồn cảm hứng không bao giờ vơi cạn, là đề tài muôn thuở của thi ca. Chẳng có ai làm thơ mà lại không có thơ về mẹ. Thơ về mẹ thì rất nhiều nhà thơ đã viết quá hay rồi. Bài thơ “Cắt móng chân cho mẹ” của chính nhà thơ rất độc đáo, thân phận. Nhưng tôi không thể không viết thơ về mẹ được. Tôi đã viết rồi và tôi còn viết nữa! Có thể hay, không hay, nhưng tôi vẫn cứ viết.

Tôi còn nhớ, có lần đi học về ra cánh đồng sau chùa Hạ tìm mẹ. Trưa nắng như đổ lửa. Những nhát cuốc mẹ tôi bổ xuống mảnh ruộng bụi mù mịt vây lấn lấy mẹ. Thấy tôi, mẹ tháo chiếc nón trên đầu quạt cho tôi. Tôi nhìn thấy đôi bàn tay mẹ phồng rộp. Máu từ đôi bàn tay rỉ ra mà mẹ chẳng thấy đau gì. Rồi mẹ đi bứt lá khô quấn vào những chỗ phồng rộp lại tiếp tục cầm cuốc từng nhát bổ phầm phập xuống mảnh ruộng. Mảnh ruộng được trồng khoai lang, trồng ngô, trồng lúa đã nuôi lớn chúng tôi. Có năm bão gió, lũ lụt, mùa màng thất bát, cả ngày mới có một bữa cơm nhưng ba phần tư là độn khoai, độn sắn. Đến bữa nhìn tay mẹ bới bới tìm tìm trong cái nồi bé con từng hạt cơm dành cho em tôi, rồi lại tìm những miếng khoai lang dính nhiều hạt cơm bỏ vào bát tôi, còn phần của mẹ thì mẹ nhặt từng hạt sém, hạt dính ở vung xoong, cậy miếng khoai cháy còn dính chặt ở đáy nồi. Hình ảnh bàn tay của mẹ đã từng phồng rộp trên ruộng đồng ấy đã hát ru chúng tôi lớn lên theo tuổi thơ mình. 

Tôi nhớ thời kỳ chiến tranh biên giới Tây Nam, lớp tuổi chúng tôi ở làng, ở xã được gọi nhập ngũ, tập trung huấn luyện ở Hòa Bình, sau ba tháng thì bổ sung vào chiến trường Tây Nam. Hôm ấy vào khoảng nửa đêm, đơn vị tôi được một đoàn xe tải chở xuống ga Ghềnh lên tàu vào Nam. Được tin, hầu hết các gia đình ở làng, đêm ấy có mặt ở sân ga, để đưa tiễn con em mình. Mẹ tôi cũng có mặt. Các gia đình thì gặp được con em, còn mẹ tôi chạy ngược chạy xuôi, tìm hết chỗ nọ, chỗ kia gọi khản giọng mà chẳng thấy tôi đâu. Không gặp được tôi mẹ trở về trong nước mắt. Năm ấy, tôi được đơn vị giữ lại cử đi học. Sau này tôi mới biết khi chuyến tàu lăn bánh mẹ tôi chạy theo con tàu, đôi bàn tay chới với cố lấy sức gọi “Hào ơi… Hào ơi… Con ơi!…”. Mẹ chạy theo con tàu ngã dập, ngã dụi, lại chống tay đứng lên; lại chạy theo; lại gọi…; gọi cho đến khi con tàu khuất dần vào xa vắng. Thế mà mãi sau này tôi mới viết được bài thơ về cái sân ga năm ấy: “Mẹ gọi con, tiếng gọi lăn theo đường ray/ Rồi những bánh xe đưa con vào Nam nghiến lên tiếng gọi/ Mẹ cứ chạy, vập tiếng theo chuyến tầu lăn bánh/ Hai tay bấu vào vệt khói dài/ Bấu như thể kéo chuyến tầu đứng lại.../ Tóc mẹ lẫn vào mầu khói mầu mây/ Nhưng không thể lẫn vào đâu cứ hụt dần tiếng gọi/ Dọc đường ray mang con đi xa.../ Rồi mẹ trở về với mái nhà đã quen tốc gió/ Chực ngã bao lần nhưng chẳng ngã đâu/ Bởi mẹ đợi ngày hòa bình trở lại/ Lại đến sân ga chạy dọc những con tầu...”

Thế đấy, trong chiến tranh khi tiễn con đi người mẹ không quản nắng mưa, chống chọi bệnh tật, gồng lên tất cả chờ đợi ngày hòa bình để đến sân ga chạy dọc những con tàu đón con. Ngày ấy có nhưng người con trở về, nhưng cũng có những người con mãi mãi không bao giờ trở về trên những chuyến tàu ấy nữa. Nhưng với mẹ thì bất chấp, cứ ngóng, cứ đợi, cứ đến chạy dọc mỗi con tàu vào ga tìm con, tìm con cho đến một ngày lìa xa cõi nhân gian…

Lê Văn Vỵ: Tại sao lại “À ơi tay mẹ?”. Có phải mẹ ru, hay ru bàn tay mẹ, thưa nhà thơ?

Bình Nguyên: Tôi sinh ra ở Ninh Bình, vùng đất có nền văn hoá cổ kính, lâu đời. Người Ninh Bình chất phác, hiền lành, ấm áp. Tôi lớn lên đã thấm đẫm những kỷ niệm, những hoài niệm về hình bóng bờ tre, bụi duối, ao quê. Hình bóng những dãy núi đá vôi xa gần, đậm nhạt chạy dọc ngang trên những cánh đồng mênh mông nước trắng. Tôi không bao giờ quên được những đêm rét mướt theo cậu ruột mình đi cất vó ở các đầm làng ven sông Đáy. Những câu thơ cậu tôi đọc về thân phận con người hồi ấy bây giờ vẫn vọng trong tôi. Tuổi thơ tôi lớn lên trong lấm láp của phù sa đồng áng, mỗi sáng trời còn chưa rõ mặt người, mẹ tôi đã bì bõm lội trên cánh đồng chiêm trũng. Thường thì tối đen mẹ mới trở về ngôi nhà tềnh toàng, rồi tất tưởi rút rơm thổi lửa. Có lúc một tay mẹ vừa bế em tôi, ru à ơi, một tay vừa đun bếp. Nhiều lần tôi thấy đôi bàn tay mẹ thật dịu dàng, vỗ về nâng giấc đứa em tôi. Cả đời đôi bàn tay mẹ sạm nắng gió sương chở che cho con từ mọi phía. Mẹ ru hay ru bàn tay mẹ thì cũng đều là những tình cảm mộc mạc, thân thương, gần gũi, bởi tất cả đã hòa quyện, đan xen mà thành những điều kỳ diệu trong mối liên hệ giữa mẹ và con trên thế gian này. Những hình ảnh đó đã hằn sâu trong ký ức tuổi thơ tôi và thăng hoa thành lục bát.

Lê Văn Vỵ: Ngoài “À ơi tay mẹ”, Nhà thơ còn có bao nhiêu bài thơ lục bát? Thơ lục bát có phải là thế mạnh của nhà thơ Bình Nguyên?

Bình Nguyên: Đến nay, số lượng thơ sáng tác của tôi không nhiều lắm. So với thể loại thơ lục bát, thơ tự do vẫn chiếm tỷ lệ nhiều hơn. Tôi là người rất thích viết thơ tự do. Tập thơ “Những ngọn gió đồng” của tôi xuất bản năm 2015 không có bài lục bát nào. Ba lần đoạt giải các cuộc thi thơ, đều là thơ lục bát lên ngôi. Duyên phận chăng? Có thể! Tôi cũng đã có một tập thơ hoàn toàn chỉ có một thể loại lục bát đó là “Trăng hẹn một lần thu” xuất bản năm 2018.

Lê Văn Vỵ: Khó nhất của lục bát là chỗ nào?

Bình Nguyên: Là viết hay, đơn giản thế thôi, mà đơn giản để hay thì không dễ dàng gì. “Bao nhiêu đá trẻ đá già/ Không cao được đội nhau mà cao lên/ Kề lớp dưới với lớp trên/ Nối sau với trước mà nên rộng dài…” Trong bài “Với Cao nguyên đá” tôi cứ để cảm xúc chảy tự nhiên từ đầu đến cuối mà thành một bài thơ vậy. Hoặc bài thơ “Trở về sau chiến tranh” tôi viết cách đây đã  5 năm:

Con về sau cuộc chiến tranh/ Gặp bao trang lứa đã thành đại gia/ Run run mừng tủi mẹ già/ Đón con nước mắt như là tiễn con// Xa nhà xuống bể lên non/ Bước chân lối thẳm dốc mòn con qua/ Tuổi xuân bỏ lại rừng già/ Hay đâu bóng mẹ trăng tà hôm mai// Con về đã cạn đời trai/ Đứng thương cánh liếp then cài gió mưa/ Khói từ bếp trấu mùn cưa/ Lại thơm như tự ngày xưa mỗi chiều// Con về cà pháo canh riêu/ Bát cơm mẹ nén bao điều đớn đau/ Tóc con nay đã ngả mầu/  Tìm đâu thấy sợi trên đầu mẹ xanh// Gió mùa thổi buốt mái gianh/ Thổi qua đời mẹ mà thành đời con/ Tấm thân còi cọt con còn/ Xin vun tuổi mẹ cho tròn trăm năm”.

Đối với thể loại thơ lục bát người ta bàn đã quá nhiều rồi, tôi không muốn nhắc lại nữa… Tôi chỉ muốn nói là tôi sẽ cố gắng để có những sáng tác khắc hoạ chân dung con người và vùng đất quê tôi để góp một phần nhỏ bé vào dòng chảy của nền văn học nước nhà. Biết là khó đấy nhưng phải cố thôi. Tôi nghĩ chừng nào con người còn yêu cái đẹp thì còn có thơ làm nền, làm điểm tựa dọc con đường vươn tới sự hoàn thiện. Nhưng để có thơ hay không phải dễ…

Tôi tôn trọng tất cả những quan niệm về thơ, những tìm tòi, khám phá, thử nghiệm, cách tân, truyền thống. Nhưng với tôi thì càng gần gũi với con người bao nhiêu thì thơ càng có giá trị cao quý bấy nhiêu. Càng chân thực càng đẹp.  Càng thấm đẫm hơi thở của đời sống thì càng được đời sống lưu giữ và tôn vinh, thơ là nghiệp, càng đi càng nghiệt ngã, càng xa. Sáng tạo không bao giờ có đích. Cái đẹp là sự vươn tới của thơ. Tôi cho rằng những bài thơ hay bao giờ cũng phải có giá trị cao cả về tư tưởng và nghệ thuật trong đề tài hấp dẫn. Sức nặng của thơ làm rung động lòng người chính là sức nặng của sự phát hiện, khám phá, tìm tòi, mới mẻ trên nền cảm xúc chân thực. Thơ cũng như văn hấp dẫn người đọc ở dung dị, mộc mạc, nhưng lại ngân lên những âm thanh có sức khơi gợi, cuốn hút...Mọi cái ở phía trước của thơ đối với tôi là rất khó nói, nhưng tôi sẽ cố vượt lên trên từng trang viết của mình.

Lê Văn Vỵ: Nếu dạy học sinh lớp 6 trong giới hạn thời gian 90 phút thì nên khai thác những nét cơ bản về Nội dung và Nghệ thuật nào?

Bình Nguyên: Về việc giảng dạy “À ơi tay mẹ” cho học sinh lớp 6 tôi không tham gia ý kiến gì bởi nhẽ làm thơ là một sự sáng tạo, nhưng bình giảng bài thơ ấy lại là một sự sáng tạo nữa. Mỗi thầy, cô giáo đều căn cứ vào văn bản mà sáng tạo theo cách nhìn nhận của mình. Càng khai thác nhiều tầng vỉa, nhiều chiều đan xen, mở rộng về nhiều hướng để sáng tạo có chiều sâu từ cái nhỏ nhất thì càng nâng tầm được nội dung và nghệ thuật của tác phẩm, càng hấp dẫn các em học sinh, độ cộng hưởng càng lan tỏa... Tôi đã nghe và xem một số thầy, cô giảng trên mạng bài thơ “À ơi tay mẹ” rất hay. Mỗi thời gian, không gian, đối tượng khác nhau có cách tiếp cận và phương pháp dạy- học khác nhau. Tôi biết ơn thầy- cô giáo đã đồng cảm với thơ tôi mà truyền được tình cảm chân thành của tôi với Mẹ. Từ hình ảnh Mẹ tôi trong thơ đến ký ức của học sinh về Mẹ của mình; từ tình cảm của tôi trong thơ đến lòng biết ơn của các em về Mẹ của mình đó là con đường các thầy cô đưa bài học vào cuộc sống và cuộc sống vào bài học một cách tự nhiên.

Lê Văn Vỵ:   Cảm ơn Nhà thơ Bình Nguyên đã có cuộc trao đổi chân thành, bổ ích. Kính chúc nhà thơ năm mới  sức khẻ, sáng tạo, tiếp tục gặt hái nhiều thành công trên con đường sáng tạo thi ca.


Góc nhìn khác nhau về bài thơ của thầy, cô giáo - người trong cuộc.

Nguyễn Thanh Truyền: Bài thơ là lời của chủ thể trữ tình khi nhớ và suy tư về người mẹ của mình. Mạch suy tư và nhớ trộn lẫn. Vừa nhớ vừa suy tư. Càng suy tư càng nhớ sâu và càng xúc động. Bình Nguyên gây ấn tượng từ nhan đề: “À ơi tay mẹ”. Bằng trực giác, nhìn nhan đề và nhìn xuyên suốt bài thơ, thấy rõ hai tín hiệu song hành: điệu ru “À ơi” giữ nhịp và hình ảnh bàn tay mẹ lặp đi lặp lại tạo mạch liên kết, phát triển chủ đề. Cũng cần biết ngay rằng trong miên man ký ức thơ ấu làng quê, Bình Nguyên cũng đã từng thao thiết về sự chảy trôi của thời gian, về bóng tre, bóng làng, bóng mẹ (Tôi về bến Cát phù sa/ Ngược xuôi con nước chảy qua mùa màng/ Bóng tre phủ kín ngõ làng/ Bao năm tay mẹ dần sàng khổ đau – Một thoáng trở về) nhưng chưa bao giờ nỗi thao thiết ấy lại được thể hiện một cách sâu sắc và cảm động như ở biểu tượng “À ơi tay mẹ”

Bài thơ được khởi tứ từ suy tư về biểu tượng “bàn tay mẹ”: bàn tay của che chắn và bảo vệ (chắn mưa sa, chặn bão qua mùa màng). Mẹ hiện lên như là điểm tựa vững chắc, khỏe khoắn, kiên cường, cứng cỏi, mạnh mẽ. Lời thơ gợi hình dung về sự phi thường của mẹ. Nhưng biểu tượng về sức mạnh không đưa chủ thể trữ tình đến với những liên tưởng quá xa. Mẹ không chỉ có kiên cường bất khuất trước gian khó, mẹ thân thương đời/ ngày thường với bao điều giản dị mà rất diệu kỳ, diệu kỳ nhất là mẹ với điệu hát ru. "Vẫn là tay mẹ" nhưng biết bao nỗi nhớ, bao sắc thái, bao cung bậc cảm xúc, gắn với bao thăng trầm của gia đình, của đời con - đời mẹ... Tứ thơ đột ngột bật lên từ “nhánh” liên tưởng này trong tư duy nghệ thuật, từ phần nổi của biểu tượng, tác giả chuyển mạch sang phía chìm sâu… 

Ở cung bậc dịu dàng đưa nôi, mẹ nâng niu con trong bầu khí quyển tình mẹ mát lành, an bình. Con của mẹ như “cái trăng vàng”. Bằng làn điệu hát ru mẹ gửi gắm ước mong cho con như “cái trăng tròn” khi “cái trăng còn nằm nôi”. Trong cung bậc ấm áp, nồng hậu, con của mẹ như “Mặt trời bé con”. Mẹ “thức một đời” giữa cuộc đời mênh mông vô thường để neo gửi cho con bao hy vọng về ngày mai, về mai sau. Lời ru, bởi vậy, không chỉ thiết tha một đời mẹ mà còn tha thiết suốt đời con (Con dù lớn vẫn là con của mẹ/ Đi suốt đời lòng mẹ vẫn theo con – Chế Lan Viên). 

Lời mẹ ru, điệu hát ru tình mẹ chở phù sa tốt lành bồi đắp cho tâm hồn con được phì nhiêu. “Ru cho mềm ngọn gió thu” để không còn se sắt, buốt xót; “Ru cho tan đám sương mù lá cây” để con ngủ giấc tròn xuyên đêm, để giấc ngủ an yên trong lành, nồng ấm; ru để gieo cho con niềm khao khát hoàn thiện bản thân để “cho cái khuyết tròn đầy”; ru và gieo hạt nhân của “cái thương cái nhớ”, của tình yêu cuộc sống con người cho con để những cách ngăn trong cõi sống vô thường không ngăn cách con được. Biết bao điều tốt đẹp, cao đẹp, "nhiệm màu" được “bàn tay mẹ” trao truyền! Nhưng, tất cả những điều kỳ diệu ấy, đều được "Chắt chiu từ những dãi dầu đấy thôi"! Mẹ là mẹ của ngày thường đời thường, mẹ chẳng phải là bà tiên lung linh trong cổ tích. Chính bàn tay lam lũ, dãi dầu mưa nắng của mẹ đã phác những nét đầu tiên, chắp cánh cho những tâm hồn bé thơ hướng đến những điều cao đẹp của thế giới diệu kỳ.

Suy tư về mẹ và lời ru, chủ thể trữ tình còn thấy được đức hy sinh, tình yêu thương vô bờ bến hướng về cội nguồn lời ru (về bà ngoại) khi ước mong “ngoại ngồi vá khâu” trong căn nhà mưa không chỗ dột (ước mong này mãi không thành hiện thực bởi ngoại đã là người ngày xưa!), hướng về cuộc đời lắm nỗi gieo neo mong “sóng lặng bãi bồi”, mong “đời nín cái đau” để chỉ còn những điều khỏe khoắn, tươi đẹp... Cũng từ đây, người con nhận ra một điều: mẹ ru cho con, ru cho lòng hiếu thuận, ru cho cuộc đời tươi đẹp và điệu “À ơi” sẽ thành trường cửu bởi mong ước an yên là mong ước muôn đời... Thế nhưng “Mẹ chẳng một câu ru mình”. Ở mẹ, ta thấy cội nguồn của những điều tốt đẹp trong cuộc đời là tình yêu thương. Mẹ thương người, thương đời đến quên mình. Thật xót, thật thương, thật nhói đau! 

Với cách kết lại bài thơ thật lắng như vậy, “À ơi tay mẹ” của Bình Nguyên có được chiều sâu đáng có để có thể tỏa ra sức đồng cảm và neo lại với lòng người. 

Trịnh Thị Nga: Viết về mẹ, viết về lời ru tưởng như đã quá nhiều rồi, đề tài cũ, ý tứ sẽ dẫm lên nhau. Ta từng rưng rưng xúc động với những vần thơ sâu lắng thiết tha trong “Ngồi buồn nhớ mẹ ta xưa” của Nguyễn Duy, “Trở về với mẹ ta thôi” của Đồng Đức Bốn, những vần thơ đậm tính triết lý suy ngẫm như “Con cò” của Chế Lan Viên hay một bài thơ đã hằn trong tâm trí người đọc như “Mẹ” của Trần Nhật Minh,... Vậy mà khi đọc “À ơi tay mẹ” của Bình Nguyên ta vẫn thấy thấm thía vô cùng hình ảnh người mẹ vừa kiên cường vừa rất đỗi dịu dàng, hy sinh một đời vì con, vì cuộc sống bình yên. Bài thơ một lần nữa chạm khắc và ngân vang trong lòng ta những thổn thức về mẹ. 

 Bài thơ được gợi cảm hứng từ hình ảnh bàn tay mẹ. Bàn tay mẹ trước mưa bão cuộc đời thật mạnh mẽ, cứng cỏi. Hình ảnh mẹ vững chãi, sừng sững uy nghi, vượt mọi gian nan thử thách, quyết “chắn mưa sa”, “chặn bão qua mùa màng” để dành cho con những điều tốt đẹp nhất. 

 Nhưng trước đứa con thương yêu của mình, bàn tay mẹ lại dịu dàng, chở che, nâng niu. Mẹ gọi con bằng nhiều cách gọi trìu mến, thiết tha “cái trăng vàng”, “cái trăng tròn”, “cái trăng còn nằm nôi”. Biết bao yêu thương đằm sâu, dịu ngọt như dòng suối mát lành, như ánh trắng nhẹ nhàng tỏa ra từ tấm lòng người mẹ: "Vẫn bàn tay mẹ dịu dàng/ À ơi này cái trăng vàng ngủ ngon”. Tình yêu thương trong cuộc đời mẹ gom góp, chắt chiu dành hết cho “cái trăng vàng”, “cái Mặt trời bé con” của mẹ.

Nếu như 10 câu thơ đầu là hình ảnh bàn tay mẹ, thì 10 câu thơ sau tác giả liên tưởng đến ý nghĩa lời ru của người mẹ trước cuộc đời. Với con, lời ru của mẹ xua tan bao lạnh lẽo, đắp bồi cho những khuyết hao khi thiếu vắng tình thương… Nhưng trước cuộc đời, lời ru của mẹ còn gửi vào đó biết bao khát khao về sự an lành, trọn vẹn, đủ đầy và cả nhớ thương trước những chia xa, cách trở. Phép lặp cấu trúc “Ru cho…” đã thể hiện niềm mong mỏi thiết tha, sâu thẳm đến day dứt từ đáy lòng của mẹ về những gì tốt đẹp sẽ đến với con, đến với cuộc sống mỗi người: "Ru cho mềm ngọn gió thu/ Ru cho tan đám sương mù lá cây/ Ru cho cái khuyết tròn đầy/ Cái thương cái nhớ nặng ngày xa nhau". Lời ru vì thế mà “mang phép nhiệm mầu”, thiêng liêng. Hai câu thơ sau như lời đúc kết, chiêm nghiệm sâu sắc của nhà thơ về phẩm chất của người mẹ Việt Nam suốt mấy ngàn năm lịch sử: "Bàn tay mang phép nhiệm mầu/ Chắt chiu từ những dãi dầu đấy thôi”. Mẹ không chỉ ru cho con, mẹ còn ru cho những người thân yêu trong cuộc sống “mưa không dột chỗ ngoại ngồi vá khâu”, và lời ru của mẹ bao la sâu thẳm lắm “ru cho đời nín cơn đau”.

Có điều, mẹ không có lời ru nào dành cho mình, một nguyện ước nào cho riêng mẹ cả. Tứ thơ của thi phẩm được nâng lên cũng nằm ở chỗ đó: “À ơi… Mẹ chẳng một câu ru mình”, càng đọc lòng ta càng thấm thía, cảm phục đức hy sinh thầm lặng của Mẹ! 

Lê Văn Vỵ: Về nghệ thuật, thầy cô đã lựa chọn những yếu tố đặc sắc nào của bài thơ để gợi mở cho học sinh cùng sáng tạo?

Phạm Thị Thanh Loan: Theo tôi nét nổi bật nhất là nhà thơ Bình Nguyên đã sử dụng chất liệu văn hóa dân gian một cách sáng tạo và vô cùng nhuần nhuyễn đến nỗi khi đọc bài thơ chúng ta thấy tất cả đều tan chảy trong cảm xúc của tác giả. Tuy nhiên do thời gian có hạn nên, chúng tôi chỉ tập hướng dẫn các em học sinh khai thác các khía cạnh quan trọng nhất là điệu ru, thể thơ lục bát và hình ảnh Mẹ.

Nguyễn Thanh Truyền: Bàn tay mẹ trong điệu ru, gắn với lời ru, gắn với điệu ru được diễn đạt bằng sự hòa phối ngôn từ “À ơi tay mẹ” mới trở thành biểu tượng nghệ thuật, biểu tượng cho sự nhiệm mầu, kỳ diệu của tình yêu thương, đức hy sinh thầm lặng….

Bài thơ như lời ru với âm hưởng tự nhiên của lục bát ngàn đời. Đó là lời ru tay mẹ, lời ru tình mẹ, lời ru nhớ mẹ “Bao năm tay mẹ dần sàng khổ đau”, ru những suy tư thao thiết,… Vậy là bài thơ không ngừng được nâng cấp các tầng nghĩa: từ nhớ nhịp ru tay mẹ đến nhớ lời mẹ ru, từ nhớ lời mẹ ru đến mong cất lên lời ru mẹ để vỗ về, khi biết cất lên lời ru mẹ thì Bình Nguyên cũng đang tự ru mình. 

Bài thơ tạc lại, tô đậm thêm hình ảnh người mẹ muôn đời của muôn người. Vất vả gian lao có thể chẳng ai giống ai, chẳng thời nào giống thời nào hoàn toàn, nhưng tình yêu và đức hy sinh, những vẻ đẹp vừa khỏe khoắn kiên cường vừa dịu dàng tha thiết, cái ước mong của mẹ gửi gắm vào những đứa con của mình thì muôn đời không đổi. Và còn nữa, biểu tượng “À ơi tay mẹ” ngoài ý nghĩa biểu tượng của tình mẹ cụ thể còn là biểu tượng của Tình Mẹ trong cõi đời: “Ru cho đời nín cái đau”. Cuộc đời rộng lớn hỗn mang, lắm đau thương oán thán, lắm nước mắt cũng cần được nhận hưởng tình yêu, sự vỗ về, lòng nhân từ, lòng bao dung vô hạn như Tình Mẹ

Trịnh Thị Nga: Để dạy bài này, giáo viên nên khai thác hai hình tượng thơ là “bàn tay mẹ”“lời ru”. Về phương diện nghệ thuật cần làm nổi bật đuợc những đặc trưng của thể thơ lục bát. Thành công về nghệ thuật của bài thơ chính là ngôn từ giản dị, mang âm hưởng những câu hát ru, những bài ca dao truyền thống. Các phép điệp từ, điệp cấu trúc “à ơi”,“bàn tay mẹ”, “ru cho”,... góp phần quan trọng tạo ra âm hưởng lời ru cho bài thơ. Bên cạnh đó là các phép tu từ như ẩn dụ cùng thể thơ lục bát truyền thống góp phần tạo âm hưởng du dương, sâu lắng và truyền cảm cho bài thơ. Bài thơ mang những đặc trưng của thể thơ lục bát truyền thống với cách ngắt nhịp 2/2/2, 4/2, 4/4, gieo vần chân, từ ngữ giàu tính tượng hình, tượng thanh.

Bùi Hồng: Viết về tình mẫu tử, tác giả sử dụng thơ lục bát truyền thống cùng với lối ngắt nhịp linh hoạt, đa dạng (4/2, 2/4, 2/4/2, 2/6, 3/3, 3/5,…) tạo nhịp điệu du dương, dìu dặt, ân tình. Dòng chảy nhịp điệu biểu hiện tính thuần khiết của âm luật đã khiến cho bài thơ phảng phất phong vị ca dao, đằm thắm, lắng đọng. 

Không chỉ mang đậm dấu ấn của lục bát ca dao về nhịp, vần, phối thanh, thơ Bình Nguyên còn chịu ảnh hưởng cả về thi pháp cấu tứ. Cấu tứ là cấu trúc và là mạch vận động của bài thơ. Một bài thơ hay phải có cấu tứ độc đáo, làm sống dậy một cách sâu xa những ý nghĩa, tư tưởng mà người nghệ sĩ muốn gửi gắm qua tác phẩm. Chủ thể trữ tình trong bài thơ "À ơi tay mẹ" tuy không xuất hiện dưới dạng bộc lộ, có danh xưng cụ thể, song độc giả vẫn hiểu đó là người con, là hiện thân của tác giả. Đối tượng trữ tình là người mẹ với những phẩm chất cao đẹp, đáng trân trọng. Tác phẩm biểu hiện tâm tư, tình cảm, lời đồng vọng thiết tha của người con dành cho mẹ, nhưng được lồng vào đó lời đối thoại, lời mẹ ru con (À ơi này cái…). 

Ở bài thơ "À ơi tay mẹ", Bình Nguyên sử dụng lớp ngôn từ đậm chất dân gian. Thật không chủ quan khi cho rằng: chưa cần tìm hiểu nội dung, chỉ cần đọc nhan đề của bài thơ, ta cũng đủ thấy chất liệu dân gian toát lên từ đó. Viết về tình mẫu tử, hẳn không phải ngẫu nhiên mà Bình Nguyên lại chọn tiếng đệm trong lời hát ru (À ơi) kết hợp với hình ảnh hoán dụ chứa đựng nhiều cảm xúc tha thiết của người mẹ - người phụ nữ Việt Nam truyền thống (tay mẹ) làm nhan đề bài thơ "À ơi tay mẹ”…

Trong lời ru của mẹ có nhiều ý, nhiều hình ảnh vọng về từ ca dao. Vốn là nơi khởi nguồn của nền văn minh lúa nước, các hiện tượng thiên nhiên, thời tiết như "nắng, mưa, sương, sóng, gió, bão…" thường xuất hiện trong thơ ca dân gian nhằm gợi tả dấu ấn đặc trưng của vùng miền, xứ sở, đồng thời phản chiếu nỗi buồn vui vô tận của con người trong kiếp cần lao. Thi liệu dân gian được Bình Nguyên vận dụng linh hoạt, sáng tạo, mở ra một không gian nghệ thuật riêng của tác phẩm, vừa mang đậm dấu ấn tư tưởng tình cảm của chủ thể sáng tạo. Nhà thơ không lấy nguyên văn những câu ca dao để đưa vào thơ mà chỉ lấy ý, hoặc sử dụng một vài từ ngữ giàu giá trị biểu cảm, nhằm gợi ra những ý nghĩa đẹp đẽ về hình ảnh mẹ: "chắn mưa", "chặn bão", chống chọi với ngoại cảnh khắc nghiệt, với giông bão cuộc đời để mang lại sự bình yên, êm ấm cho con khiến người đọc liên tưởng đến những câu thành ngữ, ca dao, như: "Bão táp mưa sa"; “Mẹ già một nắng hai sương/ Trải thân làm bóng mát đường con đi”. 

Đọc thơ Bình Nguyên mà cảm như khúc hát ru văng vẳng đâu đây sau lũy tre làng: "Gió mùa thu mẹ ru con ngủ/ Năm canh chầy thức đủ vừa năm" hay: "Ai về đằng ấy hôm mai/ Gửi dăm cái nhớ, gửi vài cái thương"; "Mẹ nghèo mưa dột mái tranh/ Trải bao bất hạnh muôn phần gian truân" (Ca dao). Sức hấp dẫn của bài thơ là ở sự kết hợp hài hòa giữa cái hồn của ca dao với những ý tưởng, tình cảm của cuộc đời mới. Đó là cách mượn hình thức cũ để đưa vào đó một tiếng nói trữ tình mới mẻ. Vận dụng khéo léo, tinh tế chất liệu ngôn từ dân gian cùng với lối đan chữ thường thấy trong ca dao ("cái thương cái nhớ"), nhà thơ đã đem đến tác phẩm một vệt dày đặc “cái trăng”, “cái trăng vàng”, “cái Mặt trời” một hiệu ứng thẩm mĩ sâu sắc, đó là: tĩnh hóa cái động; bé bỏng hóa cái to lớn; sự vật hóa các đối tượng trừu tượng, các trạng thái, tính chất, tâm trạng... Thơ của Bình Nguyên là thế, cứ nhẹ nhàng, thủ thỉ cất lên một cách tự nhiên, chân thành khiến thi phẩm đằm sâu nơi trái tim người đọc; mang đến một vẻ đẹp riêng, hiện đại mà truyền thống, tươi mới mà vẫn đậm đà chất dân gian; gợi nhiều cảm xúc phong phú, nhiều liên tưởng, suy nghĩ kín đáo…

Chú thích: (*) Câu thơ trích trong bài thơ: “À ơi tay mẹ”. Tác phẩm đạt giải A cuộc thi Thơ lục bát do Báo Văn nghệ tổ chức năm 2003; rút trong tập “Tác giả - Tác phẩm được bình chọn” (Nxb Hội Nhà văn, Hà Nội, 2003). Tác phẩm được đưa vào giảng dạy trong Chương trình Ngữ văn phổ thông 2018. (Ngữ văn 6, tập 1, Nhà xuất bản Đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh; Bộ sách “Cánh Diều”).

LÊ VĂN VỴ (thực hiện)

(Nguồn: TC VNNB 262+263-3/2022)

 

Bài viết khác