Chủ nhật, 19/05/2024

Văn tế Danh nhân Văn hóa Trương Hán Siêu

Thứ sáu, 16/09/2022

TRẦN LÂM BÌNH 

 

Hỡi ôi!

Thơ phú: Thiên cổ hùng văn;

Nhân trí: Ngàn năm lấp lánh.

 

Trời Phúc Thành(1) trăng thanh, gió mát, linh khí thiêng hun đúc bậc anh tài;

Đất Hoa Lư trái ngọt, hoa tươi, nguồn long mạch sinh thành trang tiết hạnh.

 

Trương Hán Siêu một người con tuấn kiệt, quê hương muôn thuở rạng ngời;

Trương Thăng Phủ(2) một viên quan hiền tài, đất mẹ ngàn đời cung kính.

 

Nhớ Danh nhân xưa

Tuổi nhỏ: Thần đồng, nắng mưa;

Lớn khôn: Văn chương, triều chính.

 

Trấn lỵ Vân Sàng(3) một chiều đông giá lạnh, 

Trương Hán Siêu dẫn đường Quốc công Tiết chế tới Trường An;

Kinh thành Thăng Long một sáng xuân nồng nàn, 

Trần Hưng Đạo tiến cử Môn khách - Thư nhi(4) vào Đài sảnh.

 

Đất nước loạn ly, tai ương tứ phía, chuyển quân lệnh của Quốc công Tiết chế, len lỏi bước chân Thư nhi;

Giang sơn lâm nạn, giặc giã bốn bề, đưa tín thư của Triều đình nhà Trần, lừa giặc bước đi nhí nhảnh.

 

Là Môn khách Quốc công rèn chí lớn,  quản bao năm kinh sử dùi mài;

Rồi Hàn lâm Học sĩ luyện chí trai, trải mấy độ phong sương bản lĩnh.

 

 

Đọc vạn trang, ngàn cuốn, lấy văn chương thắp sáng trí hiển minh;

Xem thiên quyển, vạn kinh, dùng bút lực vinh danh mưu tú dĩnh

 

Há tài đức cao, đường hoan lộ dần thăng tiến, từ chức Hành khiển đến chức Tham tri(5);

Lọ nếp quê hiền, tham dự quan trường khắc ghi, từng làm Thư nhi đến quan Đài sảnh.

     Đền thờ Danh nhân Văn hóa Trương Hán Siêu ở  Ninh Bình

 

Nhớ tác gia

Ngã ba sông mênh mông trời Dục Thúy, nghiên bút tài hoa chạm khắc thơ văn;

Thơ ngũ ngôn trên vách núi Băng Sơn(6), ngọn thỏ tung hoành lướt trên đá lạnh.

 

Vần thơ nào ngợi ca Dục Thúy Sơn khắc thạch(7)thơ làm nơi biên ải Hóa Châu;

Bút nghiên đâu mài mực Quá Tống đô khởi đầu, ở ẩn viết Cúc hoa bách vịnh.

 

Đọc Văn bia chùa Khai Nghiêm thiện nghiệp, nỗi niềm u nhã thanh kỳ;

Xem Bài ký tháp Linh Tế từ bi, bài xích dị đoan thần thánh.

 

Lọ là pháp quyền định biên Hoàng triều đại điểntriều chính nhà Trần nề nếp pháp quy;

Âu là pháp nhân chế định bộ luật Hình thư, hào khí Đông A quyền uy vững mạnh.

 

Tự hào thay

Chữ tốt văn hay;

Ngôn từ họa cảnh.

 

Hán Siêu - người khắc tạc trận Bạch Đằng bằng con chữ, với tổng chỉ huy Quốc công Tiết chế lừa giặc Nguyên vào bãi cọc hư vô;

Thăng Phủ - người trấn ải đất Hóa Châu bằng mưu cơ, khiến vua Chiêm Thành Trà Hoa Bồ Đề(8) phải lui quân khỏi biên cương giá lạnh.

 

Cọc Bạch Đằng nay hãy còn nhọn hoắt, bãi cọc nào đã đâm nát thuyền chiến Tham tri Ô Mã Nhi kiêu căng?

Cửa Đá Bạc giờ máu giặc còn tanh, con triều nào đã nhấn chìm chiến thuyền Tướng giặc Tích Lệ Cơ(9) cương ngạnh?

 

Uyên bác thay, văn chương lỗi lạc, thơ văn trào ngọn bút, nhà Vua chỉ gọi thầy mà không gọi tên;

Tài tình thế, thơ phú xuất thần, ngôn ngữ giàu âm thanh, Hoàng đế nghe gián quan ngay trong Đại khánh.

 

Giữ lời khí tiết, nơi quan trường thế phiệt, kể chi bọn quan nha nịnh hót, quyền uy;

Trọng tiếng thị phi, nơi nha môn cường quyền, kể gì kẻ “Theo đóm ăn tàn”, khoe mánh.

 

Hậu sinh nay

Nơi trần thế chúng sinh thành kính phụng thờ,  xây đền tạc tượng, phố thị mang tên nhà thơ(10);

Cõi vĩnh hằng Danh nhân niết bàn an lạc,  siêu thoát tâm cơ, Trương Công hiển linh thiền thánh.

 

Thi sĩ mất, nhưng tiền nhân sáng đức, vạn cổ nhớ thương;

Thơ mãi còn, lớp hậu bối noi gương, thiên thu tiết hạnh.

 

Bẩy thế kỷ nương dâu bãi bể, kiệt tác Bạch Đằng giang phú: Áng thiên cổ hùng văn(11);

Mấy trăm năm dâu bể chuyển vần, biên định bộ luật Hình thư Há ngàn đời lấp lánh.

 

Bài văn tế nhớ thương người tuấn kiệt, sông sâu, núi thẳm ngậm ngùi;

Trang thơ thiền thương nhớ bậc anh tài, đất nước,  quê hương thành kính.

 

Hỡi ơi!

Minh đỉnh khói hương;

Linh thiêng thượng hưởng!

        Chú thích: (1) Phúc Thành: Quê của Danh nhân Văn hóa Trương Hán Siêu; (2) Trương Thăng Phủ: Tên tự của Trương Hán Siêu; (3) Trấn lỵ Vân Sàng: Phố thị đầu tiên của đô thị Ninh Bình; (4) Môn khách - Thư nhi: Trần Hưng Đạo đã thu nạp Trương Hán Siêu làm Môn khách và giao việc là Thư nhi, chuyển quân lệnh của Quốc công Tiết chế trong quân đội nhà Trần; (5) Tham tri (Tham tri chính sự): Tương đương với chức Thượng thư; (6) Băng Sơn: Tên gọi núi Dục Thúy ngày xưa; (7) Những chữ in nghiêng: Là tên bài thơ, ký, phú và sách chế định của Trương Hán Siêu; (8) Trà Hoa Bồ Đề: Tên của vua nước Chiêm Thành (1342 - 1360), đã trực tiếp cầm quân quấy rối vùng Hóa Châu, khi đó là biên ải phía Nam nước Đại Việt (Nay thuộc vùng Thừa Thiên - Huế); (9) Ô Mã Nhi và Tích Lệ Cơ: Hai tướng của giặc Nguyên, đã bị quân đội nhà Trần do Quốc công Tiết chế Hưng Đạo Đại vương Trần Quốc Tuấn chỉ huy, bắt sống ở bãi cọc Bạch Đằng; (10) Ngày nay, nhiều đường phố ở nước ta đã đặt tên Danh nhân Văn hóa Trương Hán Siêu. Trong đó, có những thành phố lớn như Thủ đô Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Đà Nẵng… và quê hương ông TP. Ninh Bình, TP. Tam Điệp; (11) Bài “Bạch Đằng giang phú” của Trương Hán Siêu được đánh giá là một kiệt tác, là áng “Thiên cổ hùng văn” của nền văn học cổ điển nước ta.

Xuân Giáp Thân, 2004

(Nguồn: TC VNNB 268-8/2022)

 

 

Bài viết khác