Chủ nhật, 19/05/2024

Ký ức của một cô bé mê chim

Thứ ba, 06/07/2021

Tản văn của THÚY HOÀNG 

Tuổi thơ qua đi như một vùng sáng lấp lánh trong kí ức với nhiều trò nghịch ngợm: bắn bi, trốn tìm, đồ hàng, trận giả,... Trong vùng sáng lấp lánh ấy, chợt lóe lên những tia sáng rực rỡ vui vẻ của một cô bé mê chim, nó theo tôi trên mọi ngả đường.

Có phải là may mắn không, tôi sinh ra và lớn lên ở vùng quê nghèo Bắc bộ? Cũng như bao vùng quê khác, cuộc sống hồn hậu tự nhiên nơi đây đã bồi đắp phù sa tâm hồn tôi từng ngày, từng ngày. Trẻ thơ có nhiều trò mê đắm. Mê đắm nhất là trò bắt chim, nuôi chim.

Nhà tôi được bao quanh bởi khu vườn rộng. Xóm tôi, nhà ai cũng có vườn. Con đường ngõ nhỏ quanh co nối liền nhà nọ với nhà kia, vườn nọ với vườn kia. Vì vậy, mỗi độ xuân về, cơ man nào là chim, phải nói là vườn chim! Chúng bay từ vườn này sang vườn khác. Không hiểu vì sao tôi mê chim đến thế. Tôi muốn vồ và ôm tất cả những đôi chân bé xíu đang nhảy nhót chuyển cành. Tôi muốn thu tất cả những âm thanh chíu chít vui vẻ lại như cãi cọ nhau của chúng. Với tâm hồn ngây thơ của đứa trẻ mẫu giáo, tôi ngỡ rằng, mình chỉ cần bắt chước tiếng kêu của chúng, hoặc gõ cạch cạch vào cánh cửa, hoặc ngồi ôm đầu dưới gốc cây chanh thì chim sẽ đến với tôi, và tôi có thể bắt được chúng. Và hạnh phúc chính là tôi đã nhốt được chúng trong kí ức trong trẻo của tuổi thơ dại.

Chỉ là đứa trẻ gái, không biết cách nhận diện các loại chim, trong vùng sáng kí ức của tôi, có một số tên chim vẫn sáng lấp lánh như cổ tích: chim khuyên, chim sâu, chim chuối, chim luôn, chim chào mào,… Những con chim bé tí như hạt mít vẫn đang tinh ranh nhảy nhót trong kí ức tôi. Chúng tự do bay nhảy mà hót vang lên vì những chiêu trò ngây ngô của tôi không lừa nổi chúng. Nhưng thỉnh thoảng, tôi cũng thấy có những con chim to như con gà, dáng vẻ hơi nặng nề, lông thô nháp, chúng đậu im lìm trên các cành trạc của cây nhãn, cây mít. Thế nhưng, chỉ một tiếng động nhỏ, chúng cũng cất cánh bay đi trong cái nhìn tiếc nuối của tôi.

Lớn thêm một chút, tôi được tự do bay nhảy nhiều hơn. Tôi nhớ như in, vào mùa hè, mùa chim về làm tổ, tôi thường theo bọn trẻ trai trong xóm trốn ngủ trưa mà lang thang khắp các khu vườn để tìm bắt chim. Khỏi phải nói niềm hạnh phúc bất tận khi một trong mấy đứa nhìn thấy tổ chim. Tổ chim đan trong vòm lá. Tổ chim nằm giữa ngã ba trạc cây. Tổ chim khâu cuộn trong lá rong. Tổ chim trên ngọn cau. Thường thằng con trai lớn nhất trong nhóm trèo cây lấy tổ bắt chim. May mắn, chúng nó chia cho tôi một con.

Có chim rồi, việc nuôi chim của đứa trẻ gái cũng là việc đại sự. Như chăm bón sự sống tiếp diễn. Không có lồng chim, tôi nuôi chim theo kiểu nuôi gà tạm bợ: úp rổ. Tiếng chim buồn kêu không ngớt. Buổi trưa, tôi lại nâng rổ lên và cho chim ăn... cơm. Cái diều nó căng phềnh như quả bóng. Tiếng chim buồn kêu không ngót, nhà không ai có giấc nghỉ trưa yên bình, thế là tôi bị người lớn mắng. Chim chết là nỗi buồn của trẻ nhỏ, nhưng lại là niềm vui của người lớn.

Trong kí ức sáng lấp lánh, tôi rất nể một “đại ca” hơn tôi vài ba tuổi mà bọn trẻ nhỏ chúng tôi đều gọi là chú, “chú Tráng”. Tôi cứ há hốc miệng mà ngạc nhiên không biết vì sao chú ấy “giỏi” thế: giỏi phát hiện tổ chim, giỏi nhận diện tên các loài chim, giỏi bắt sâu bắt cào cào, châu chấu, giỏi nuôi chim. Con nào vào tay chú cũng khỏe mạnh, nhanh nhẹn, thả thì nó vẫn bay về với chủ,... Chú còn “giỏi” bầy chim mẹ. Một cái lồng mở cửa, trong lồng nhốt mấy con chim non, chú mang treo trên cành cây giữa vườn, kiểu gì chim mẹ thương con quá mà bay vào lồng. Tôi nhớ một lần, chú bẫy được chim bố, chim mẹ. Chú nuôi chúng, không thiếu mồi tự nhiên rất ngon. Nhưng chim già vẫn giữ bản năng tự nhiên hoang dã, chúng không chịu ăn, cứ kêu thảm thiết, kêu quá thì chống mỏ, và... chết. Từ đấy, chẳng đứa nào còn mơ ước nuôi chim già.

Nhưng trong vùng sáng lấp lánh ấy, cũng có những góc khuất. Ấy là những trò dại dột lúc tôi còn quá nhỏ. Dù chỉ vài ba tuổi nhưng tôi vẫn nhớ lần đầu tiên tôi biết đến chim là lần tôi được bố mẹ cho về quê ngoại. Cậu tôi hơn tôi chục tuổi, rất “sành” chim như bao cậu con trai làng quê. Nhìn thấy chim, tôi thích quá. Mẹ tôi mở cửa lồng. Nhanh như cắt, tôi thò tay vào lồng bắt chim, và ngay lúc ấy... bóp chim chết. Sợ cậu đi chơi về thấy chim chết thì buồn, buồn hơn là biết tôi là tội phạm, nên người lớn đều thống nhất ngầm với nhau là do chim tự nhiên chết... Đó là bài học đầu đời của tôi với chim.

Ai đã từng mê chim, nuôi chim, hẳn sẽ không khỏi buồn tiếc nuối khi phải thả chú chim đã trở thành bạn thân thiết của mình. Dù mê chim đến mấy, cũng có khi nuôi được con chim trưởng thành, đủ lông đủ cánh, bọn trẻ chúng tôi lại thả nó về với môi trường tự nhiên. Chú chim đậu trên lòng bàn tay nhỏ, đầu nghênh nghênh, mắt đảo tinh anh mà còn chút ngờ ngợ hay lưu luyến chủ, không kịp hiểu mình sẽ được tự do. Bàn tay với lên trời cao, ngón tay khẩy nhẹ lưng chim, thế là nó hiểu và bay vù. Hãy bay đi xa, bay cao nhé, cánh chim tự do!

Vậy là mùa thu đến, khi nắng vàng nhạt dần, trong làn gió mát hanh hao, chúng tôi lại chuẩn bị tựu trường, chờ mùa chim về làm tổ.

 

T. H

(Nguồn: TC VNNB 252-6/2021)

Bài viết khác