Chủ nhật, 19/05/2024

Sân 51

Thứ năm, 25/07/2019

Trích tiểu thuyết "Người cũ" của TÙNG ĐIỂN
Địa chỉ 51 Trần Hưng Đạo, Hà Nội là trụ sở Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam. Trước năm 1945, vua Bảo Đại đã từng chọn làm nơi ở. Hòa bình lập lại năm 1954, Chính phủ cho giới văn nghệ làm trụ sở.

Nhiều văn nghệ sỹ lớn sống và làm việc ở ngôi nhà này, những Nguyễn Tuân, Đặng Thai Mai, Huy Cận, Nguyễn Đình Thi, Trần Hoàn, Vũ Giáng Hương, ... đã một thời gian dài phủ bóng xuống Sân 51 Trần Hưng Đạo. Nhiều văn nghệ sỹ tên tuổi của các chuyên ngành văn học nghệ thuật qua lại đây thành quen thuộc. Vì vậy những người hoạt động văn học nghệ thuật cả nước, trong nhiều năm qua quen gọi trụ sở Liên hiệp bằng cái tên thân mật: Sân 51. Sân trước, ba cây long não cao đội giời, thân nuột thẳng đứng, hai người ôm không hết, người ta bảo do tự tay vua Bảo Đại trồng, vậy là cũng có tới trăm năm. Bên trái sân, khiêm tốn ngay lối vào là khóm tre ngà, do nhà văn Nguyễn Tuân - Tổng Thư ký đầu tiên của giới văn nghệ Việt Nam trồng vào cuối những năm năm mươi của thế kỷ trước, sau một chuyến đi thực tế đem về. Qua nhiều năm, thân tre bỗng nổi hình tròn màu xanh như giọt nước, nên nhà thơ Phạm Tiến Duật đã đặt thêm cái tên là tre "Giọt lệ". Khóm tre ngày mỗi ken dày, vi vút. Sân trong, cây si già, năm tháng thêm xù xì, gân guốc, cành lá rậm rì cứ theo khoảng không, theo nắng mà duỗi ra. Gọi từng đàn chào mào, cu gáy, chim sâu về ríu ríu, rỉa quả. Có người nói cây si này vốn trồng ở chậu đặt trước cửa nhà của nhà thơ Chế Lan Viên, nhưng cũng có người nói là của nhà thơ Bảo Định Giang hay Nông Quốc Chấn gì đấy. Có lần, tôi hỏi nhà thơ Huy Cận, ông ngửa cổ nhìn tán lá cây si già bảo: "Lâu quá rồi, không nhớ nữa". Tất cả những người ấy, chỉ mấy năm qua thôi đã thành thiên cổ. Mà có lẽ cũng không nên tìm hiểu kỹ cây si đó là của ai, ai đã trồng. Biết đâu, cây si lại là của nhà thơ Huy Cận hay của nhà văn Nguyễn Đình Thi ... Tôi nhớ, ngày nhỏ bố tôi có kể lại. Khi còn sống, ông tôi có trồng một cây đa ở hòn non bộ. Hàng ngày ông chăm chút lấy đất ẩm phủ theo các đầu rễ trắng mới nhú ra hoặc cắt ngọn để cây chậm lớn, cằn lại. Ông tôi quý cây đa cảnh ấy lắm. Nhưng khi cao tuổi, biết không thể chăm sóc được nữa, và cũng biết con cháu không có người đủ kiên nhẫn chăm nom, ông đã bảo bố tôi gỡ cây đa ra khỏi hòn non bộ trồng ở đầu làng, lấy bóng mát cho lũ trẻ và người qua lại. Nhiều năm tháng đã qua, mỗi khi về quê, tôi lại đứng dưới bóng mát của cây đa già, nhìn lũ trẻ đùa nghịch. Cũng không biết bao nhiêu thế hệ đã đến đây, dưới tán lá này để lại cho chúng bao nhiêu kỷ niệm êm đẹp. Chúng cũng chẳng biết cây đa ấy có từ bao giờ. Ai trồng? Cây si già ở Sân 51 này cũng vậy. Biết đâu, một văn nghệ sĩ nào đấy, mà chưa chắc đã phải là người có tên tuổi tôi đã viết đến trên kia, cũng sống ở Sân 51 biết mình khó qua khỏi đã bứng cây si từ chậu ra trồng ở đấy, cũng muốn để sân này có bóng mát.

Vào các buổi chiều Sân 51 thường vắng. Làm Chánh văn phòng Liên hiệp, tôi như anh từ giữ đền, dù có người đến hoặc không có người đến vãn cảnh hương khói, tôi vẫn cứ phải ngồi làm việc cho hết giờ hành chính. Cũng có khi hết giờ hành chính, lại có một khách ở xa về, lại rộng cửa đón khách, lại hồ hởi chuyện trò. Có hôm mải chuyện, ra ngoài, tán cây si đã phủ tối cả sân. Ngồi mãi, nghe mãi thành quen. Hết chuyện cũ, chuyện mới lại nghĩ đến chuyện mình. Có chuyện mới đây thôi, nhưng đã mờ xa, như từ kiếp trước. Thế mới biết, đời người tưởng lâu mà thật nhanh. Đôi lần nhìn qua gương, tóc đã anh ánh trắng nửa mái đầu.

***

Sang những năm đầu của thế kỷ Hai mốt, cành si thêm dày phủ kín sân, rễ cắm từ cành trên xuống cành dưới, lá xanh rượi, um tùm. Vào mùa, quả si chín vàng, to, mọng rụng đầy sân. Lúc vắng, từng đàn chim chào mào, chim sâu, cả mấy con sóc làm tổ trong hốc các cây cao gần đấy xuống sân nhặt quả. Chim xuống nhiều đến mức, gọi các chú mèo hoang lẩn khuất từ các ngôi nhà quanh đấy, kéo về rình rập dưới các gầm xe ô tô đỗ trong sân, làm các cuộc vồ đuổi, nô giỡn mà chẳng có con nào bị sây sát.

Ai đến Sân 51, những anh chị em hoạt động văn học nghệ thuật ở xa về, những người từ phương Nam ra, trước khi đến làm việc với các Hội, với Liên hiệp đều đi chậm lại, hoặc đứng ngắm các cành cây si và tán lá rộng xanh sẫm, líu ríu tiếng chim gọi nhau thấy lòng nhẹ nhõm, thanh thản. Nhưng rồi, hai năm liền, vào mùa xuân, cây si không ra lộc non. Lá cứ xỉn đi, sẫm dần. Xe ô tô đỗ dưới tán lá, cho dù có rửa, có lau chùi sạch sẽ thì chỉ qua một đêm như đã bị một màng nước đặc bao phủ. Anh em Sân 51 bảo đấy là nhựa cây ứa ra, không lên được tới lá, phải thoát ra gốc, ra cành. Mất nhựa sống, cây cứ lụi dần từ đầu cành sa vào gốc. Lá quăn lại, rụng đầy sân. Bỗng vào một buổi trưa yên ắng cuối mùa đông 2007, một cành cây lớn gẫy gục đổ rầm xuống sân. Mọi người đang làm việc ở các Hội, đang nghỉ trưa, ngơ ngác, kéo xuống nhìn. Một điều lạ, mọi người cho đấy là may, lúc cành cây đổ không có ai ở sân! Hai chiếc xe con có thể bị bẹp; nhưng ở đoạn gãy, cành lại chưa rời hẳn, một mảnh cây giống da thịt chưa lìa còn cố níu lại. Ông bảo vệ nói: "Sáng đi ngang qua đã nghe thấy tiếng rắc, tôi giật mình. Nhưng rồi lại không thấy gì cả". Còn tôi cho là cây đã báo trước, lúc trăm tuổi ngã xuống, đánh tiếng cho loài vật sống dưới tán cây của mình để tránh.

Có lần đến Đắk Lắk, từ Buôn Ma Thuột tôi thuê chuyến xe ôm đến huyện Ea Súp gần biên giới Cam - Pu - Chia. Giữa trưa, cao nguyên đầy nắng gió. Những đám mây trắng xốp, tầng tầng đùn lên từ cuối trời, nhởn nhơ ngay đỉnh đầu, tưởng với tay là nắm bắt được. Qua từng khộp lá vẫy bời bời. Càng xa về phía tây, màu đất đỏ bazan thưa dần, chỉ thấy cuội, sỏi lổn nhổn, cây cằn rải xa tít tắp. Những ngôi nhà sàn, thưng gỗ bạc phếch của người Ê - đê, M' nông như những cây nấm nằm rải rác kéo vươn đến các chân đèo. Bên đường, xen lẫn nương ngô, sắn lại thoáng hiện những ngôi nhà mồ xiêu vẹo, được đặt những bức tường gỗ đẽo bằng những nhát rìu sơ sài nhưng chắc chắn, rõ nét. Bỗng nổi gió, những đám mây đen ùn ùn kéo về kín trời. Gió lồng lên, vuốt dựng những tán cây thưa thớt. Mưa không phải từng giọt mà thành dòng rót xuống, xói mặt đất. Không ngôi nhà, quán xá nào, tôi và anh xe ôm núp vào một gốc cây cổ thụ. Một hốc cây như cái hang, có đủ chỗ cho sáu, bảy người; không chỉ đủ đặt chiếc giường xếp mà còn kê được cái giá đựng bát đũa, cái bếp ga nhỏ và cả cái ghế nhựa cho khách lỡ đường vào nghỉ. Nếu cái cây này ở thành phố lớn, người vô gia cư sẽ tìm đến dung thân. Mưa trắng trời, có cảm giác cả Tây Nguyên ngập nước. Nước cuốn, chảy tràn bạnh cây lớn, mang nốt chút đất hồng màu mỡ trôi về phía đông. Đất màu trôi đến đâu, người dồn theo đến đó. Cây cũng theo đất mà tươi tốt thêm lên. Anh lái xe ôm, tuổi chừng năm mươi, ngó quanh quất hốc cây như cái vòm cuốn trên đầu, rồi nói:

- Ngoài Buôn Ma Thuột, có cây cổ thụ hang còn rộng hơn thế này. Những năm chiến tranh, nghe tiếng bom đạn là mọi người lại chạy vào đấy. Đứng sát vào nhau có thể được tới hai, ba chục người. Cạnh khu nhà tôi cũng có một cây. Không rõ cây có từ đời nào. Khi còn nhỏ, tôi đã thấy cây như thế rồi. Hang cây rộng đến mức, hễ nghe tiếng súng nổ, cả dãy nhà, từ người già đến trẻ con, có tới bốn chục người đều chạy đến nấp được. Có lần bị đạn pháo nổ gần, mảnh đạn găm đầy thân cây mà không ai việc gì. Đúng là cây cứu người. Sau mỗi lần thoát chết, các gia đình ở dãy nhà sống dưới tán cây lại hoa quả, thắp hương, khấn vái. Hình như, khi mọi người khấn vái, cây cũng biết anh ạ!

Nghe nói vậy, tôi thấy hơi rùng mình, nhìn sang khuôn mặt đen sạm của anh lái xe ôm vẫn còn nét chất phác, hồn nhiên của người dân tộc, hỏi:

- Sao anh biết?

Hướng khuôn mặt nghiêng ngó nhìn ra trời mưa, anh nói:

- Những lúc như thế, hình như tôi thấy cây rùng mình và tỏa ra mùi thơm từ thân từ lá. Mùi thơm lạ lắm, lại mát nữa. Nhưng cái cây ấy cũng đã chết cách đây vài năm rồi.

Tôi đang định ngỏ ý, lúc quay lại thị xã Buôn Ma Thuột muốn anh đưa tôi đến xem cái cây cổ thụ ấy. Anh lái xe ôm nói tiếp:

- Lạ lắm, khi cây chết, một cành lớn lá sum xuê, nằm dọc trên nóc dãy nhà có hàng chục gia đình sinh sống. Một buổi sáng trời quang mây, như từ trong lòng cây có tiếng rạn vỡ, rất lớn. Mọi người đổ ra sân, ngơ ngác. Đến giữa trưa lại có tiếng nổ nữa. Lần này, mọi người chạy hẳn ra ngoài tán cây. Mỗi cụ già cao tuổi nhất, ôm theo chiếc màn, bộ ấm chén và cả cái điếu bát hút thuốc lào, kêu con cháu mang đồ đạc chạy ra ngoài. Hàng xóm thấy vậy, cũng vội vã làm theo. Khi người và đồ đạc đã sơ tán hết thì cái cành lớn, như có một nhát rìu từ trên trời cao vô hình chém sát thân cây rơi xuống đè sập toàn bộ cả dãy nhà. Tiếng cành quật ngã như tiếng bom nổ, bụi đất bốc mù mịt, tôn lợp mái văng xa đến vài  mét. Mọi người sống trong dãy nhà thoát nạn. Anh bảo, có đúng là cây cứu người không? Mấy lần sau, các cành đổ, cây đều đánh tiếng trước. Cuối cùng, còn trơ lại mỗi cái thân cây rộng, mục nát dần. Những cây lâu năm cứ như người, còn hơn cả người nữa. Tới giờ gặp các cây lớn là tôi lại cầu, lại xin.

Nhiều người nói cây lâu năm thành tinh. Tinh cây như thần, như thánh có thể biến hóa, đi mây về gió, thoắt ẩn, thoắt hiện. Chính vì thế người đời hay cầu xin để được như ý.

Đấy là chuyện của anh xe ôm, vào mùa mưa ở Tây Nguyên năm 2005. Còn giờ, đang là cuối năm 2007 ở Sân 51. Cây si cứ cằn đi, gãy cành, chết dần, do ai đấy đã xây bệ, đổ trạt, vữa láng kín, chôn gốc cây như chôn cột bê tông vậy! Chỉ thêm một thời gian nữa, cây sẽ không còn. Sân 51 trở nên trống vắng. Mọi người tìm cách cứu cây, bỏ đi đất cũ cằn cỗi, thay vào bằng đất màu mở. Nhưng đào sâu xuống gần một mét thì mấy anh cửu vạn hớt hải vào cho tôi biết, đào được cụ rùa đá đội bia chữ. Cụ rùa nhỏ chỉ nằm gọn trong lòng bàn tay. Thân cụ được làm bằng loại đá ngọc có màu vàng non, cái cổ thon nhỏ phớt trắng, hai con mắt tinh anh và khóe miệng như cười. Bia chữ gắn trên mai rùa màu trắng, phía trước bia có hai hàng dọc tám chữ, sau bia một hàng bốn chữ, dưới bụng rùa một chữ, là chữ Hán, chữ màu đỏ tươi. Mấy ông cao tuổi ở các Hội, biết đôi chút, nghiêng ngó, đọc không ra, chỉ bảo chữ lạ lắm, từ đời nảo đời nào, chịu.

Chuyện tưởng chỉ có vậy. Sáng sau, tôi đến văn phòng làm việc, Sân 51 vắng, mấy anh “cửu vạn” vẫn tiếp tục hì hục bới gốc si. Thấy tôi, một anh bảo:

- Bác xem đủ sâu chưa để chúng em cho đất mới vào trồng lại.

Nhìn đám rễ si đã lộ ra lồng phồng nhưng đất chưa thật mịn, còn dính trạt, vữa trắng loang lổ, tôi bảo mấy anh “cửu vạn” dùng vòi phun nước để rửa rễ cây cho sạch, rồi mới được cho đất phù sa xuống, trồng lại cây như cũ. Nhưng chỉ ít phút sau, một anh hớt hải vào bảo tôi:

- Lại gặp một cụ rùa nữa bác ạ!

Lại cụ rùa nữa mắc vào đám rễ si bùng nhùng như mắc lưới. Cụ rùa này nhỉnh hơn cụ rùa trước, được cắt gọt bằng loại đá sẫm hơn, nổi rõ một đường gân màu phớt hồng,  kéo từ tai xuống bên thân, đặc biệt là cái đầu tròn như hói có mấy nếp nhăn giống khăn xếp của mấy cụ lão làng vừa chuếnh choáng say. Chữ bên bia mặt trước mặt sau, dưới bụng cụ rùa cũng cùng chữ, nhưng là màu đen, to hơn, nét đanh, khỏe. Rửa sạch sẽ để hai cụ rùa bên nhau, thoáng nhìn thôi, đều nhận ra ngay, đây là một cặp, cụ ông, cụ bà rùa. Anh em ở Sân 51, thấy chuyện lạ, kéo vào phòng tôi xem, chật cứng. Có anh bảo:

- Nếu vậy, xung quanh đây còn có nhiều rùa con đội bia nữa chứ

Nhưng một anh “cửu vạn” đã bảo:

- Chúng em cũng nghĩ thế, đã dùng vòi nước xịt thật mạnh, nhưng chỉ trơ rễ si, không còn cụ nào nữa ạ.

Anh bạn tôi làm ở Hội Nghệ sĩ Sân khấu, người sưu tập đồ cổ có tiếng, giương kính, nghiêng ngó ngắm hai cụ rùa một chặp, rồi phán:

- Rùa đội bia chữ được yểm xuống đất ở Trung Quốc có từ trên 200 năm về trước, rùa chỉ có đôi, không hơn. Anh nhìn khắp lượt chúng tôi, giảng giải thêm: - Đôi rùa này không đứng yên một chỗ trong đất đâu, mà di chuyển, cứ một giáp di chuyển được một vòng quanh mảnh đất được yểm, đi được một thôi thì nhô lên được một thốn. Cứ thế, đi đến khi nào lên  mặt đất.

- Đúng rồi, chúng em thấy rõ là cụ rùa ông đi trước, cụ rùa bà theo sau, hai cái đầu đều hướng ra phía cổng. – Anh “cửu vạn” thêm vào.

- Lên mặt đất rồi đi đâu? – Một anh nhớn nhác hỏi – Không gặp ai giữ lại thì cứ đi. Lên giời à?

- Thì các cụ rùa đi lên giời, chứ còn đi đâu nữa! – Anh bạn Hội Nghệ sĩ Sân khấu kết thúc bằng một câu chắc như đinh đóng cột, khiến mọi người ngơ ngác nhìn nhau, và rồi chính anh bạn tôi mặt cũng đần ra như cũng không tin vào điều mình nói. Mà tin sao nổi cơ chứ, thật hoang đường! Chúng tôi, chẳng ai bảo ai, đưa mắt nhìn nhau, nét mặt căng thẳng, rồi lại nhìn chằm chằm xuống hai cụ rùa đá đội bia chữ trên mặt bàn, ai cũng muốn quan sát, phát hiện xem hai cụ rùa từ nãy đã đi được đoạn nào chưa. Biết đâu đấy, các cụ còn bay nữa. Giống ngày xưa, thiếu gì chuyện người chuyện vật bay lên trời. Ông Gióng đánh tan giặc đã chẳng cùng với ngựa bay lên giời là gì. Chuyện ông bà Chử Đồng Tử, Tiên Dung đã chẳng nón lá, áo tơi mất dạng giữa vùng đồng không mông quạnh, hỏi không lên giời, đi đâu? Lại ông Từ Thức hào hoa cứu người đẹp nơi Cửa thiền, được dẫn dụ lên giời lấy vợ tiên … khiến lũ con cháu giờ vẫn còn ngơ ngác, hương khói … Thường những gì không biết, hoặc mù mờ tôi đều cẩn thận hương khói, không dám khinh suất. Đôi rùa đội bia chữ này, rõ là được làm bằng đá quý, lâu năm vùi trong lòng đất mà đá vẫn ánh lên màu vàng của nắng, màu trắng của mây, màu đỏ hồng của mặt trời lúc gác núi; trên mình rùa, trên bia đá không một rạn nứt, màu mực đen nhánh, đỏ son tươi rói như ai đó mới viết vừa buông bút, không chút bạc màu, phôi pha chứ đừng nói đến hai cụ đã đi dạo trong lòng đất mấy trăm năm. Mấy trăm năm xô đẩy trong lòng đất, tác động thất thường, nắng mưa cõi trần ngấm xuống cũng đủ để rùa đá có hồn, tinh anh như người, hóa thần, hóa thánh. Việc chữa cây si, đào đất lên, tôi là người khởi xướng, vậy để cho lành, đã gặp hai cụ rùa ở đâu thì đưa hai cụ về đấy. Tôi nhờ người mua hai cái ang sứ thật đẹp; tự ra chợ vải mua mấy tấc nhiễu đỏ lót đáy ang sứ, đặt mỗi cụ rùa vào, đưa các cụ lại gốc si trước khi lấp đất phù sa. Biết tôi định làm vậy, anh bạn ở Hội Nghệ sĩ Sân khấu vọt từ tầng tư xuống, ngăn lại:

- Rùa đội bia chữ đã đội đất lên là phải thờ, phải hương khói.

- Sách nào bảo ông vậy? - Tôi hỏi.

- Tôi đã đọc được ở đâu đấy - Anh khẳng định - Mà cho rằng sách không nói đến đi nữa, thì ông cũng phải nghe tôi, nhân bảo như thần bảo.

Tôi cứ bần thần nhìn anh ta cười tủm tỉm, mắt thì tít lại nhìn xoáy vào đôi rùa. Anh ta lúc này cũng có vẻ giống thần nhân thật, nhang nhác cụ rùa ông, mắt đen nhánh cong lên vành trăng, cái miệng lụm bụm, ý muốn nói, ý như không - Tớ biết tỏng các cậu đi rồi. Liệu mà làm cho đúng - không biết chừng thần rùa cũng nhập vào anh ta, khiến anh ta bảo tôi giữ đôi rùa đá lại thờ phụng.

Cho tới đầu giờ chiều, bà Chủ tịch Liên hiệp các Văn học nghệ thuật Việt Nam, là họa sĩ, ghé vào phòng tôi hỏi:

- Nghe nói anh có đôi rùa quý, cho tôi xem.

- Không biết có quý hay không, là bằng đá chị ạ.

Nói rồi tôi nhấc mảnh nhiễu phủ đôi rùa ra. Bà Chủ tịch sững sờ nhìn đôi rùa, cẩn thận nhấc từng cụ đặt lòng bàn tay quan sát, ngắm nghía, buông từng tiếng:

- Vậy là đôi rùa vàng đấy chứ

- Bằng đá đấy ạ! - Tôi nhắc lại.

Bà vẫn không rời mắt khỏi đôi rùa, nhấn mạnh:

- Thì là đá nhưng màu vàng. Đây anh nhìn xem, chỉ một thỏi đá vừa lòng bàn tay mà có đủ màu sắc của tự nhiên, còn quý hơn cả vàng đấy anh ạ.

Bà còn ngồi ngắm nghía, nâng niu đôi rùa, rồi cẩn thận lấy chiếc hộp giấy, phủ nhiễu đỏ lên, lấy điện thoại ra, chụp mấy kiểu ảnh. Nhất là bia chữ là chụp rất kĩ. Bà bảo:

- Ngày còn nhỏ, bố tôi cũng dạy tôi được ít chữ Hán, Nôm. Nhưng chữ trên bia này thì tôi chịu. Đôi rùa vàng này là kỉ vật hiếm đấy, sáu mươi mấy năm ở Sân 51 này ai được thấy. Anh lo việc cứu cây si, vậy anh đem đôi rùa vàng này về thắp hương.

Như vậy là bà giao cho tôi đôi rùa này rồi. Lúc ra khỏi phòng, bà còn nói nhỏ giọng hết sức quan trọng để tôi đủ nghe thấy :

- Ngay chiều nay anh phải cho lấp đất vào cây si lại ngay. Tôi đảm bảo với anh, dưới sâu đôi rùa vàng khoảng một mét hay hơn chút gì đấy, sẽ có một trong hai thứ, là mộ cổ hoặc kho báu gì đấy Điều này, anh không được nói với ai !

Tôi nhìn bà Chủ tịch mà thấy lạnh cả sống lưng. Bà là họa sĩ Vũ Giáng Hương, con gái nhà văn Vũ Ngọc Phan và nhà thơ Hằng Phương. Tính bà điềm đạm, cẩn trọng, nên điều bà nói ra tôi không dám nghe thiếu. Bà vừa về phòng làm việc, tôi giục mấy anh cửu vạn lấp ngay đất phù sa lên. Để cho cẩn thận, những năm sau, khi tôi không còn làm ở Sân 51 này, thì không ai nghĩ đến việc lục lọi, đào bới gốc cây si lên nữa ; tôi cho xây bệ, đổ thêm đất lên. Đồng thời tôi lại lập một bát hương, để anh chị làm ở văn phòng Liên hiệp, các hội chuyên ngành văn học nghệ thuật có trụ sở cùng Sân 51, có thể hương khói vào những ngày lễ lạt.

Khi đặt bát hương, những ai đó ở Sân 51 buổi chiều hôm ấy, đều tề tựu ở dưới gốc cây si, mỗi người năm, ba thẻ hương đốt lên, ai cũng nghiêm trọng chắp tay lầm rầm khấn vái cắm vào bát hương. Hôm ấy là cuối thu, một đợt gió thoảng qua từ đâu, va chạm trong tán lá si rồi tràn xuống, bát hương đang nghi ngút khói, hóa ngọn lửa bốc lên cao. Một anh ở Hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh đứng trong hàng vội quỳ xuống, nét mặt căng thẳng, đưa máy ảnh lên bấm liên hồi.

Và cũng chỉ ít phút sau, anh kéo tôi ra góc sân cho tôi xem những bức ảnh chụp ngọn lửa, rồi bảo :

- Ông thấy điều gì lạ không ? Ngọn lửa là hình những cụ rùa vàng đội bia chữ, nối nhau bay lên trời như rồng lửa vậy.

Mà giống thật, lạ nhỉ. Sao bát hương lại hóa kia chứ, có gì linh ứng sao ? Đang là năm 2007, làm gì có chuyện tinh cây biến thành người đi lại giao tiếp với người trong lễ hội, làm gì có hồn đá hóa người ngồi gật gù trong sương núi đánh cờ tiên … Chuyện ấy chắc có thể xảy ra từ nhiều thế kỷ trước, chứ như bây giờ thì tinh cây, hồn đá nào dám bén mảng đến gần. Không bén mảng đến gần không có nghĩa là tinh cây, hồn đá không biết gì về mình. Họ vẫn để mắt nhìn, thấy tốt thì thưởng, thấy xấu thì phạt, vì họ biết đi mây về gió, biết tâu bẩm các bậc trên thần thánh, còn mình chỉ là người trần mắt thịt. Vậy không dám khinh suất, tôi cứ phải thành kính với hai cụ rùa. Tôi mua cái sập gỗ xinh xắn, thuê thợ cắt kính dán keo làm thành cái chụp, hai đầu khoan hai lỗ để hai cụ rùa có không khí lưu thông. Đặt hai cụ rùa ngay dưới bát hương thờ Phật, nơi trang trọng trên bàn thờ, hoa qủa hương khói vào ngày mùng một, ngày rằm. Mong hai cụ rùa ở ngôi cao, luôn hỉ xả khi thấy tôi hương khói. Tôi lại chụp ảnh chữ trên bia đá, nhờ người bạn giỏi Hán, Nôm dịch, xem viết gì. Nhưng anh bạn chau mày ngẫm ngợi, giở cả từ điển ra tra, lắc đầu :

- Đây là chữ Hán cổ, người Trung Quốc dùng từ hai trăm năm trở về trước. Người mình không rõ có ai biết hay không ?

Vậy là những hàng chữ trên bia đá cụ rùa vẫn là bí mật.

Ba năm sau, tôi có dịp đi thăm quan Trung Quốc. Lần này là vô tình Hội Văn Liên Trung Quốc cho chúng tôi đi đến tận vùng heo hút, xa hàng nghìn cây số, ở phía tây bắc Bắc Kinh, vùng Tây An. Những người nghiên cứu về lịch sử Trung Quốc từ năm trăm năm trước thì đến Bắc Kinh, một nghìn năm trước thì đến Tây Đô, muốn biết năm nghìn năm trước thì đến Tây An. Cất cánh từ sân bay Bắc Kinh, bay hàng tiếng đồng hồ, nhìn qua cửa sổ máy bay xuống chỉ thấy núi đá trập trùng, thật hiếm hoi mới có một mảnh đất bằng phẳng như vết vó ngựa thuở nào thời Chiến quốc của một chiến binh còn sót lại, nhen nhóm chút màu xanh rêu và loáng nước mặt hồ bên những cánh đồng màu nâu tươi nhìn như những sợi mì kéo dài đến chân núi. Xuống sân bay thành phố Tây An, chưa đưa chúng tôi về khách sạn, xe đưa thẳng đến khu du lịch, vùng đất bằng phẳng, hoang dã, những ngôi nhà thưa thớt, lúp xúp dưới các lùm cây. Trời sầm sì, hơi lạnh tê buốt, ngấm qua quần áo vào da thịt. Phương Bắc xa xôi, cái lạnh có thể thấu xương.

Cô phiên dịch còn trẻ, nói tiếng Việt như người Việt. Hỏi mới biết cô học tiếng Việt ở Trường đại học khoa học xã hội và nhân văn, Thanh Xuân, Hà Nội. Cô còn khoe khi là sinh viên ở trường được chụp ảnh chung với Chủ tịch nước Việt Nam. Chỉ tay về phía hai quả đồi phía xa, mờ trong sương phủ, cô nói :

- Người ta nghĩ lăng mộ Tần Thủy Hoàng nằm ở một trong hai quả đồi kia, bởi vì người ta đã khai quật được lăng mộ những chiến binh của ông phía trước đang tiến vào Trung Nguyên. - Cô còn cho biết – Hai quả đồi này vốn không có, vì đây là vùng đất bình địa, xưa luôn được chọn làm nơi dàn trận. Khi đánh chiếm được lục quốc, Tần Thủy Hoàng đã cho đắp hai quả đồi này, làm lăng tẩm cho mình.

Nhìn mà thấy hãi, thời Tần Thủy Hoàng cách đây trên hai nghìn năm, và vị Thủy Hoàng đế này cũng chỉ giữ và truyền ngôi có mười chín năm. Thời gian cho trận mạc, thời gian thực thi những quyết sách hà khắc và nhẫn tâm để duy trì chế độ, mà ông ta vẫn dành suy nghĩ, đủ thời gian đôn đốc người đắp nên hai trái núi hùng vĩ này, tìm chỗ yên vị, khi từ giã ngôi báu.

Khu nhà bảo tồn các chiến binh của Tần Thủy Hoàng được xây lắp rất hiện đại, bền vững. Từ trong lòng đất từng đoàn chiến binh bằng đất nung, có kích thước như người thật, ở lứa tuổi khác nhau, đang sung sức, nét mặt vào trận căng thẳng. Người nào cũng tóc dài, búi tó lệch, áo dài vạt chéo, buộc nút thay khuy. Nhìn mà tôi cứ nghĩ na ná như cách mặc của người mình từ rất lâu rồi. Khi bước xuống bậc gỗ chỉ còn phần lũa cứng như kim loại, tôi thấy một phiến đá xanh lớn, một phần nhô lên, phần còn nằm trong lòng đất. Phần đá nhô lên đã cọ rửa sạch sẽ, được khắc những hàng chữ dọc sắc nét, mỗi con chữ to như bàn tay. Tôi bỗng sững sờ nhận ra trong những hàng chữ ấy, có các con chữ khắc trên bia đá hai cụ rùa vàng tôi đang thờ ở Hà Nội. Tôi mừng quýnh có thể tìm ra được nghĩa trên bia đá các cụ rùa các chiến binh trên vùng đất Tây An, đã có từ trên hai nghìn năm trước. Tôi vội gọi cô phiên dịch lại, để hỏi. Nhưng khi bắt gặp những con chữ trên bia đá, nét mặt cô cũng trở nên bần thần, cô bảo tôi, trong lúc mấy người cùng đoàn đã quây lại:

- Đây là chữ Hán cổ, được dùng từ nghìn năm trước ở Trung Quốc. Ở Bắc Kinh, Thượng Hải và ngay cả Tây An cũng có người biết nhưng thường họ làm việc nghiên cứu ngôn ngữ ở các Vu, Viện. Cháu chưa được dạy bao giờ. Đây là tấm bia có từ hàng nghìn năm trước, do nguời xưa khắc lên.

Vậy là những hàng chữ trên bia đá các cụ rùa, vẫn là bí mật !

Sau chuyến tôi đi Tây An vài tháng, họa sĩ Vũ Giáng Hương, Chủ tịch Liên hiệp văn học - nghệ thuật qua đời. Đây là vị Chủ tịch nữ đầu tiên của Hội. Bà có khuôn mặt đầy đặn, da luôn ngời sáng, người cao, dáng khoan thai. Một phụ nữ mắt đen, môi hồng, chiếc áo dài màu vàng thẫm, thỉnh thoảng bà mới mặc, thỉnh thoảng mới bay nhẹ theo bước chân bà vào những ngày vui, nhưng mãi mãi tà áo ấy như một vệt nắng chiều còn đọng lại lấp lánh trên Sân 51, mà tôi thường nghĩ bà là chị cả.

Hôm tiễn bà đi, trong suy nghĩ của tôi, hình ảnh bà đặt nhẹ từng cụ rùa đội bia lên tay ngắm nghía như muốn tìm ra điều bí ẩn, muốn chiêm ngưỡng nét tinh xảo của nghệ nhân và màu sắc hài hòa tự nhiên của rùa vàng. Mới mấy năm thôi, thời gian mới chỉ là cái phủi nhẹ, không phải chờ đến sau buổi tiễn bà đi, mọi người trên Sân 51 như cũng đã quên chuyện rùa vàng đội bia, quên chuyện lửa bát hương đã hóa thành đàn rùa vàng bay về trời. Tất cả đã là dĩ vãng. Cái bí mật trong lòng đất, dưới gốc si già có đôi rùa vàng đội bia vẫn mãi mãi nằm đấy. Bà đi rồi, để lại bí mật ấy mình tôi biết. Cây si già hồi sinh, theo năm tháng càng xum xuê tốt tươi, lá xanh thẫm, quả vàng ươm, đàn chào mào vẫn lảnh lót gọi nhau thành hồi dài … Lại cái phủi nữa của thời gian, tôi về nghỉ hưu, cái sân này dĩ vãng sẽ chồng lên dĩ vãng, ai mà nhớ.

                                                                                    T.Đ

Bài viết khác