Chủ nhật, 19/05/2024

Đá trong tiến trình lịch sử Hoa Lư

Thứ ba, 12/03/2019

NGUYỄN VĂN TRÒ

Dãy núi đá vôi của huyện Hoa Lư, tỉnh Ninh Bình chạy theo hướng Tây Bắc – Đông Nam,  bắt nguồn từ miền rừng núi Hòa Bình đổ về.

Trong một thung lũng của dãy núi đá vôi đấy, vua Đinh Tiên Hoàng đã xây dựng kinh đô Hoa Lư, nay là xã Trường Yên, huyện Hoa Lư, tỉnh Ninh Bình kéo dài 42 năm (968 – 1010). Dãy núi đá vôi bao bọc xung quanh, tạo thành bức tường thành thiên nhiên vô cùng kiên cố, chỉ có mặt Bắc và Đông Bắc là không có núi che kín, nhà vua đã cho đắp những tuyến tường thành bằng đất, tạo thành một bình diện gần tròn. Cho nên có người gọi kinh đô Hoa Lư là kinh đô đá.
Thời Đinh, Đinh Liễn con cả vua Đinh đã làm 100 cột kinh Phật bằng đá dâng lên chùa. Cột kinh Phật cao khoảng 60cm được khắc kinh Phật đỉnh tôn thắng đà la ni trong đó có dòng lạc khoảng: “Đệ tử tĩnh hải quân tiết độ sứ Nam Việt Vương Đinh Liễn kính tạo bảo tràng nhất bách tòa, quý dậu tuế”  cho biết cột kinh Phật được dựng vào năm 973.


Trên một cột kinh khác, Đinh Liễn đã ghi lời chú giải thích việc mình giết em để tranh ngôi thái tử là: “Muốn cho việc nhà giữ được muôn phong” và “Tranh giành nhau chức vị nhanh tay ắt thắng người”, nay nguyện làm 100 tòa kinh báu (Dâng lên Phật cầu cho) người em đã mất và vong linh gia tiên cùng tự giải thoát khỏi bị bắt bớ dưới cõi minh kính chúc Đại Thắng Minh Hoàng Đế trấn giữ trời Nam, thứ đến (bản thân) được vững vàng tước lộc.
Như vậy, con số 100 cột kinh Phật chỉ là con số ước lệ và Đinh Liễn đã làm từ năm 973 đến trước khi mất (979).


Thời Tiền Lê, vua Lê Đại Hành đã cho dựng cột kinh Phật bằng đá cao 4,16m khắc kinh Lăng Nghiêm, có dòng lạc khoản: “Đại Thắng Minh Hoàng Đế Lê tổ tự thừa thiên mệnh đại định sơn hà thập lục niên” cho biết cột kinh này được dựng vào năm Lê Đại Hành thứ 16 (995) và cột kinh chùa Nhất Trụ đã được đặt tên cho chùa. Cột kinh Phật chùa Nhất Trụ về kiểu dáng giống như cột kinh Phật Đinh Liễn, có 6 bộ phận: tảng, đế, thân cột, đấu, bát sen và búp sen. Chân tảng được trạm 22 cánh sen như một bông sen nở rộ, thân cột kinh hình bát giác cao vút lên như một búp sen khổng lồ.


Thời Hậu Lê, thế kỷ XVII nhân dân ta làm lại đền vua Đinh và đền vua Lê, theo kiểu kiến trúc kiểu (nội công ngoại quốc), các tên gọi phỏng theo cung điện xưa như: Ngọ môn quan, nghi môn ngoại, nghi môn nội, sân rồng, sập long sàng. Đền có 3 tòa là bái đường, thiêu hương và chính cung. Giữa sân rồng đền vua Đinh có một sập long sàng bằng đá chạm rồng rất đẹp. Con rồng thân mập, đuôi thẳng, phủ vẩy đơn, đầu ngẩng cao, hai cum tóc lớn bay ngược lên, hai dải râu dài thả lỏng phía trước, tay nắm sừng chẻ chạc. Riềm long sàng còn có tôm, cá, chuột. Đây là sập long sàng đẹp nhất trong nghệ thuật tạo hình sập đá ở nước ta.


Hai bên sập long sàng có hai con rồng đá chầu kiểu yên ngựa. Trên mình và dưới bụng rồng được phủ những nét mây đao mác vun vút tỏa về phía sau, làm cho rồng như đang lao về phía trước.
Trong chính cung hai bên tượng vua Đinh có hai con rồng đá bán thân chầu kiểu yên ngựa như hai con rồng đá chầu ở hai bên sập long sàng nhưng đẹp hơn nhiều. Do không bị phong hóa, nên râu rồng, bờm rồng còn giữ được nét mềm mại như vẽ. Con rồng bên phải tượng vua Đinh có con cá chép đang bú rồng, có lẽ khi tạc cảnh này người nghệ sỹ dân gian đã nghĩ tới tích “Cá hóa long” (Cá chép hóa rồng). Ở bụng con rồng bên trái tượng vua Đinh có con cá chẵm đang đớp con tôm.


Ở hai bên sân rồng trước cửa đền vua Đinh có hai con nghê chầu bằng đá được tạo hình chắc khỏe, đầu ngẩng cao như đang kiểm soát linh hồn của khách hành hương.
Thế kỷ XVII, đá cũng được tạc bia như bia nói về dựng lại hai ngôi đền vào năm Hoàng Định thứ 7 (1606), bia nói về tạc tượng vua Lê Đại Hành, bảo quang hoàng thái hậu (Dương Vân Nga), Lê Ngọa Triều.


Thời Nguyễn, thế kỷ XIX nhân dân ta tôn cao đền vua Đinh lên bằng ngưỡng cửa đá và tảng đá cổ bồng được trạm “tứ linh” long, ly, quy, phượng, “tứ quý”, thông, mai, cúc, trúc hay mai, lan (sen), cúc, trúc tượng trưng cho bốn mùa “lưỡng long chầu nguyệt”, “long húy thủy”, “long hàm thọ”, hạc, hươu. Những phong cảnh của quê hương như cầu Đông, cầu Dền, chùa Tháp, ghềnh Tháp v.v... làm cho chúng ta có thể nghiên cứu những di tích đã mất qua các bức trạm này.
Ngày nay những thung lũng đá vôi ở phía nam Cố đô Hoa Lư tạo thành quần thể danh thắng Tràng An, đã được mệnh danh là “Vịnh Hạ Long trên cạn”.


                        N.V.T

 

Bài viết khác