Chủ nhật, 19/05/2024

Nghệ thuật kiến trúc tôn giáo

Thứ năm, 16/01/2020

NGUYỄN VĂN TRÒ

Cũng như kiến trúc quân sự, kiến trúc dân gian, kiến trúc tôn giáo cũng có những đặc điểm riêng. Đó là những công trình kiến trúc chùa, tháp, đình, đền, nghè, quán, am, miếu...

Về địa điểm xây dựng, thường là một thổ đất rộng rãi, có phong cảnh thiên nhiên đẹp, hồ ao, sông núi, cây cối tốt tươi, với thế tiền án (phía trước) là một cái hồ bán nguyệt hay vuông, chữ nhật, là nơi tụ thuỷ, tụ phúc. Hồ bán nguyệt tượng trưng cho mặt trăng, biểu tượng cho ước mơ được mùa. Hậu chẩm (đằng sau) tựa núi. Có khi công trình kiến trúc nhìn ra một dòng sông, một con ngòi. Đằng sau là một dãy núi hay chỉ là một gò cao. Kiểu cách xây dựng, có khi là chữ nhất (-) 3 gian, 5 gian, 7 gian của một ngôi đình, chữ nhị (=) có 2 toà song song, chữ tam có 3 toà song song, thường là các ngôi chùa gọi là chùa thượng, chùa trung, chùa hạ như Bích Động. Có khi công trình kiến trúc kiểu chữ đinh, một toà đằng trước, thêm chuôi vồ ở đằng sau, hoặc kiểu chữ công, có 2 toà song song, thêm một toà dọc nối hai toà lại với nhau, hoặc kiểu nội công ngoại quốc tức là bên trong chữ công bên ngoài chữ quốc (vòng ngoài của chữ quốc – chữ Hán).

Do khí hậu nhiệt đới, gió mùa, ẩm thấp lại bị chiến tranh tàn phá, nên các công trình kiến trúc đình, chùa, đền, miếu... từ thời Lý trở về trước không còn nữa, chỉ còn lại các công trình kiến trúc thời Trần như tháp Bình Sơn (Vĩnh Phúc), tháp Phổ Minh (Nam Định), tháp Huệ Quang (Quảng Ninh), thành nhà Hồ ở Thanh Hoá thuộc kiến trúc quân sự. Có thể có một số mảng kiến trúc thời Trần còn sót lại ở một số ngôi đền, chùa. Những công trình kiến trúc đình, chùa, đền, miếu còn lại đến ngày nay, đại bộ phận ở thời Hậu Lê (Thế kỉ XVII-XVIII), thời Nguyễn. Kiến trúc thời Hậu Lê có dáng thấp, mái cong, hoành vuông, vách đố lụa như đền vua Đinh, đền vua Lê (Trường Yên, Hoa Lư). Kiến trúc thời Nguyễn (Thế kỉ  XIX-XX) có dáng cao, mái thẳng, ngói vảy.

Sập rồng ở đền thờ Vua Đinh Tiên Hoàng                     Ảnh: TUẤN HẢI

Về trang trí có những đặc điểm riêng như thời Lý (Thế kỉ  XI-XIII), người ta nhận biết đầu tiên là hình rồng. Đó là những con rồng giun, uốn khúc thắt túi, chân 3 móng, thân trơn chưa có vảy. Rồng Lý là một nghệ thuật hoàn chỉnh và chặt chẽ, nhìn chung là mình tròn trặn, con nhỏ thì nhẵn nhụi, con to thì có vảy, uốn khúc nhỏ dần về phía đuôi rất tự nhiên. Mào thoát ra từ môi trên có đường sống quyện với răng nanh xoắn xuýt, rung rinh bốc lên như ngọn lửa, bờm ở sau gáy cuồn cuộn bốc lên nhiều đợt từ cổ họng, cùng túm râu ở hàm dưới đều uốn lượn nhịp nhàng như làn sóng và bay lướt tựa lá cờ đuôi nheo được gió. Mũi cấu tạo bằng những đường cong xếp chồng lên nhau phập phồng gây ra ấn tượng về nguồn nước, lại cùng với văn dạng xoắn ốc cùng chiều hoặc ngược chiều như hình chữ S, hoa văn thường thấy trên đồ gốm và trống đồng, là cái dấu hi vọng về mây mưa mà người nông dân mong ước. Bốn chân rồng nhỏ nhắn, thanh và dẻo với những móng cong, nhọn sắc như móng chim hú nào cũng như đang bơi trong không gian. Đó là những con rồng Lý trên mặt đá tròn tháp Chương Sơn (Nam Định).

Các đề tài có lưỡng long chầu lá đề, độc long trong hình tròn, độc long trong nửa lá đề, trong ô trán trang trí trên đá hay đất nung. Cùng với rồng có họa tiết cánh sen mũi hài ở chân tảng, hoa dây, thuỷ ba (sóng nước), chim, trâu, gà, rùa, khỉ, vịt...

Đặc điểm nghệ thuật trang trí thời Trần (Thế kỉ XII-XIV) là rồng giun, thân uốn doãng hình chữ U, không có vảy, có 2 tai, cặp sừng. Rồng Trần nhạt dần ý nghĩa chặt chẽ ước mơ về nguồn nước, ngày càng mang rõ hình tượng tượng trưng cho nhà vua, như rồng cánh cửa chùa Phổ Minh (Nam Định) từ rồng Lý phát triển lên vẫn uốn khúc nhỏ dần, song dáng đã kém uyển chuyển, khúc uốn kém thanh thoát. Thành phần cấu tạo của rồng Trần không chặt chẽ như rồng Lý trước đó, văn dạng xoắn ốc đôi mất dần, bờm và râu kém nhịp nhàng, mào không linh lợi cùng kiểu với cái mũi biến dạng thuộc về loài thú 4 chân. Nhưng cái đẹp lại thoát ra trong tính hiện thực và mập khoẻ. 

Đề tài có lưỡng long chầu lá đề, rồng trong nửa lá đề, trong hình chữ nhật, có khi có cánh sen, hoa cúc dây, thuỷ ba, áng mây, vũ nữ múa, hoa chanh, sóc… trên chất liệu gỗ, đá, đất nung. Kiến trúc thời Hậu Lê (Thế kỉ XV-XVIII), nói chung rồng thời Hậu Lê uốn khúc doãng, thân mập, đuôi thẳng, râu tóc bờm gáy, mây đao mác, đầu to, mặt bẹt, mồm loe, miệng rộng, chân 4 móng. Thời kỳ Hậu Lê, nghệ thuật dân gian phát triển có nhiều đề tài rồng với các con vật khác như rồng mẹ, rồng con, rồng đàn, rồng ổ, tiên cưỡi rồng... Họa tiết còn có hoa sen, hoa cúc, tôm,  cá, chuột như ở sập long sàng đền vua Đinh. Chất liệu có trang trí trên gỗ, đá, đồ gốm. Thời Mạc (Thế kỉ XVI) có rồng yên ngựa. Kiến trúc thời Nguyễn (Thế kỉ XIX-XX), con rồng thân gày, mắt lồi, đuôi xoắn, râu tóc bay tung rời rạc, dáng dữ tợn, nghiêm nghị, trán to, miệng rộng, vảy khắc sâu, chân 4 móng. Ở trong Đại nội Huế có rồng 5 móng tượng trưng cho vua. Cái gì của vua thường gắn liền với rồng như mặt vua gọi là long nhan, áo vua gọi là long bào, giường vua nằm gọi là long sàng... Các đề tài trang trí có tứ linh: long, ly, quy, phượng, tứ quý: thông, mai, cúc, trúc hay mai, lan, cúc, trúc tượng trưng cho bốn mùa xuân, hạ, thu, đông, trang trí trên gỗ, đá, đồ gốm. Trên mái các ngôi đền như đền vua Đinh thường có đề tài lưỡng long chầu nguyệt (hai rồng chầu mặt nguyệt) mà vảy là các mảnh sành sứ thời Thanh (Trung Quốc) thời Nguyễn làm cho người xem nhận ra hai con rồng được làm về sau. Như vậy qua kiến trúc, điêu khắc trang trí cho ta biết niên đại tương đối của các công trình kiến trúc tôn giáo.

 

N.V.T

 

Bài viết khác