Chủ nhật, 19/05/2024

Lấy người dân làm trung tâm trong chuyển đổi số ở Yên Hòa

Thứ tư, 03/02/2021

TRẦN THỊ THẢO

Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Ninh Bình

Với kết quả về đích nông thôn mới kiểu mẫu được công nhận vào tháng 7/2020, Yên Hòa hôm nay đã thực sự khởi sắc với những mô hình chuyển đổi sản xuất có hiệu quả, đường bê tông trải dài tới tận ngõ xóm, hai bên đường là những hàng cây xanh mướt, những ngôi nhà cao tầng mọc lên san sát tạo nên ấn tượng về một vùng quê giàu đẹp. Không chỉ dừng lại ở đó, Yên Hòa tiếp tục đón nhận niềm vui, triển khai thí điểm thành công chuyển đổi số giai đoạn I, trở thành xã thông minh vào những ngày cuối năm 2020.                                                         

Các đồng chí lãnh đạo kiểm tra việc thực hiện chuyển đổi số tại xã Yên Hòa.                           Ảnh: MINH QUANG

Lấy sự đồng thuận của dân làm nền tảng để chuyển đổi số thành công

Khi về xã Yên Hòa, chúng tôi vô tình gặp bác Đỗ Văn Quý, 68 tuổi, công dân ở xóm Liên Trì 2, đầu tóc bạc phơ đang liên hệ giải quyết công việc ở Bộ phận một cửa của xã. Khi hỏi bác: “Bác có nghe thấy câu chuyện về Chuyển đổi số của xã không? Bác mộc mạc nói: “Có, nghe trên Đài truyền thanh xã và mấy cháu thanh niên, phụ nữ nói nhiều lắm. Gia đình còn được cài trên điện thoại những gì gì mà dùng thuận lợi lắm”.

Có thể thấy, câu chuyện chuyển đổi số ở Yên Hòa đang từng bước nhận được sự vào cuộc của nhân dân vì chính họ là chủ thể tham gia vào quá trình đó. Hiện nay, Yên Hòa có 2.301 hộ dân với 7.557 nhân khẩu. Tỷ lệ người dân sử dụng điện thoại thông minh chiếm tỷ lệ khoảng 70%. Sau hơn 3 tháng triển khai, chuyển đổi số ở Yên Hòa đã đem đến cho người dân các tiện ích cả về 3 nội dung: chính quyền số, xã hội số và kinh tế số.

Cài đặt được 1.300 ứng dụng “Bluezone” trên điện thoại để nhân dân chung tay phòng chống dịch Covid-19; cài đặt 1.171 app “Medici”, có 1.509 thành viên tham gia nhóm “Yên Hòa hỏi – Bác sĩ trả lời”, đến nay có 1.700 lượt câu hỏi được bác sỹ tư vấn. So sánh với chi phí khám thông thường đã tiết kiệm được 255 triệu đồng, bên cạnh đó giúp người dân được hưởng dịch vụ y tế có chất lượng mà không cần mất công sức, thời gian, tiền bạc; tránh việc quá tải, tụ tập đông người tại các cơ sở y tế tuyến trên.

Triển khai các dịch vụ sổ liên lạc điện tử trong các trường học; phân hệ quản lý thư viện và tuyển sinh đầu cấp; triển khai hệ thống thanh toán không tiền mặt trong việc thực hiện nộp các khoản đóng góp của học sinh. Thông qua đó, cha mẹ học sinh thường xuyên, dễ dàng nắm bắt được tình hình học tập của con và thuận lợi trong sự kết nối giữa gia đình và nhà trường.

Hỗ trợ, hướng dẫn người dân tiếp cận thương mại điện tử. Hiện nay, hợp tác xã Yên Hòa đã được đưa một số sản phẩm cá chạch sụn kho, chạch sụn sấy khô, chạch chiên, chuối tây sấy dẻo… lên trên sàn để giao dịch. Đời sống người dân được cải thiện, sản lượng bán hàng tăng gấp 4-5 lần; thu nhập mỗi thành viên hợp tác xã tăng từ 1,5-2 triệu đồng/tháng lên 5 triệu đồng/tháng.

Cài đặt App “Công dân số” để người dân tiếp cận với các dịch vụ hành chính công, phản ánh những kiến nghị, góp ý, tố giác tội phạm, góp phần ổn định an ninh trật tự; tra cứu thủ tục hành chính thuận lợi rõ ràng. Đến nay đã cài đặt được hơn 300 hộ dân, dự kiến hết tháng 1/2021 sẽ cài đặt cho 2000 hộ dân trong xã. Đã lắp đặt 43 mắt camera an ninh ở 38 điểm trọng yếu trên địa bàn xã. Từ khi lắp đặt đến nay đã phát hiện một số vụ việc vi phạm trên địa bàn xã thông qua chiết xuất camera.

 

Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy trao đổi trực tiếp với công dân Đỗ Văn Quý xóm Liên Trì 2, xã Yên Hòa                                    Ảnh: MINH NGỌC

 

Kênh truyền thông giao tiếp giữa lãnh đạo xã và nhân dân thông qua hệ thống tin nhắn SMS được thiết lập. Hiện nay có thể gửi tin nhắn cảnh báo dịch bệnh, bão lụt, lịch sản xuất, vận động quyên góp. Lắp đặt và triển khai hệ thống thanh toán điện tử thông qua chuyển khoản tài khoản ngân hàng, quét mã QR tại trụ sở UBND xã và trạm Y tế xã. Xây dựng mã hóa địa chỉ của từng hộ gia đình, cơ quan, đơn vị trên địa bàn xã trên nền tảng bản đồ số nhằm mục đích nâng cao chất lượng phục vụ, gắn liền với phát triển thương mại điện tử.

Cán bộ nào phong trào đó”

Muốn công cuộc chuyển đổi số thành công thì phải bắt nguồn từ cán bộ và chuyển đổi về nhận thức. 100% đội ngũ cán bộ xã Yên Hòa sẵn sàng tiếp cận với công nghệ, thực sự đổi mới trong cách nghĩ, cách làm. 100% cán bộ, công chức xã Yên Hòa đã được cấp chứng thư số và cơ bản thực hiện ký văn bản điện tử theo quy định, không còn tình trạng in văn bản ra để báo cáo lãnh đạo. Tiếp nhận và giải quyết 1.373 hồ sơ (979 hồ sơ mức độ 2; 376 hồ sơ mức độ 3; 18 hồ sơ mức độ 4) trên hệ thống Một cửa điện tử.

Phát huy được hiệu quả trang thông tin điện tử của xã, nhất là các nội dung phần hỏi/ đáp, trả lời ý kiến góp ý, phản ánh giữa Lãnh đạo xã và người dân; lịch họp của lãnh đạo xã; liên kết đến hệ thống Quản lý văn bản và điều hành.

Xã đã triển khai hệ thống truyền thanh thông minh, sử dụng trí tuệ nhân tạo (AI) với tổng số 46 điểm loa và đang khảo sát các hệ thống thông tin sẵn có để chuẩn bị cho kết nối với Trung tâm giám sát, điều hành thông minh (IOC).

Đồng chí Hoàng Văn Cảnh, Phó Chủ tịch UBND xã Yên Hòa cho biết: “Từ những kết quả đạt được của Yên Hòa, rút ra bài học về chuyển đổi số đó là yếu tố con người đóng vai trò quyết định. Nếu ở đâu có cán bộ có nhiệt tình, có khả năng kết nối, giải quyết công việc thì ở đó công cuộc chuyển đổi số chắc chắn thành công. Bên cạnh đó công nghệ không phải vấn đề, mấu chốt là phải tìm ra bài toán hỗ trợ các dịch vụ, tiện ích ảnh hưởng trực tiếp, nâng cao chất lượng sống cho người dân thì sẽ được đón nhận, lan tỏa”.

Với mục tiêu cốt lõi chuyển đổi số chính là tạo nền tảng tốt cho nhân dân nâng cao chất lượng cuộc sống, hướng tới sự hài lòng của người dân, Nghị quyết Đại hội của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh lần thứ XXII, nhiệm kỳ 2020-2025 đã đưa nhiệm vụ chuyển đổi số là một trong 3 khâu đột phá của tỉnh. Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đang giao cho Ủy ban nhân dân tỉnh chỉ đạo các cấp, các ngành tham mưu, xây dựng dự thảo Nghị quyết và Kế hoạch thực hiện giai đoạn 2021-2025, định hướng 2030 với những nội dung cụ thể, có lộ trình, mang tính khả thi, bền vững và đi từ cơ sở với quyết tâm cao độ Ninh Bình là một trong những tỉnh thí điểm thành công về chuyển đổi số trong cả nước.

 

- Chỉ số xếp hạng mức độ ứng dụng công nghệ thông tin của tỉnh được tăng lên qua các năm, từ vị trí 40 trong năm 2015 lên vị trí thứ 15 năm 2019.

- Trung tâm hành chính công của tỉnh từ tháng 10/2020: tiếp nhận, giải quyết 1.373 thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền của 20 sở, ngành.

- Hệ thống Hội nghị truyền hình trực tuyến của tỉnh được triển khai tới tận cấp xã với 162 điểm cầu. Hệ thống Quản lý văn bản và điều hành của tỉnh đã cung cấp 7.333 tài khoản người dùng và triển khai liên thông 3 cấp chính quyền và kết nối với Trục liên thông văn bản quốc gia; triển khai được 1.041 dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 và 399 dịch vụ công trực tuyến mức độ 4. Đến hết năm 2020 đạt tỷ lệ ký số trong các cơ quan, đơn vị đạt khoảng 75% hồ sơ, văn bản.

- Ngay năm 2021, Ninh Bình đã dành tỷ lệ 1% ngân sách để thực hiện nhiệm vụ chuyển đổi số (khoảng 150 tỷ đồng), gấp khoảng 10 lần so với những năm trước.

T.T.T

 

Bài viết khác