Chủ nhật, 19/05/2024

Phát huy giá trị nổi bật toàn cầu, đưa di sản Tràng An trở thành khu du lịch hấp dẫn của Việt Nam và quốc tế

Thứ sáu, 25/08/2023

MINH DƯƠNG

Đó là mục tiêu lập quy hoạch nhằm bảo tồn các giá trị nổi bật toàn cầu của di sản Danh lam thắng cảnh quốc gia đặc biệt Tràng An - Tam Cốc - Bích Động, khu du lịch có tiềm năng phát triển thành khu du lịch quốc gia.

Di sản thế giới Tràng An là một vùng du lịch tổng hợp các di sản Văn hóa và Thiên nhiên với diện tích 6.226 ha và vùng đệm rộng 6.026 ha, trên địa bàn 5/8 huyện của tỉnh Ninh Bình: Hoa Lư, Gia Viễn, Nho Quan, thành phố Ninh Bình và Tam Điệp. Theo các nhà khảo cổ, Tràng An như một cuốn biên niên sử nguyên vẹn về sự biến đổi địa chất, địa mạo và cảnh quan cùng truyền thống cư trú thích ứng với biến đổi về môi trường của loài người trải qua hơn 30.000 năm. Ngày 25/6/2014, Quần thể danh thắng Tràng An được UNESCO công nhận là di sản thế giới hỗn hợp đầu tiên của Việt Nam và duy nhất ở Đông Nam Á. Vùng bảo vệ đặc biệt của Tràng An có diện tích 12.252 ha gồm: Khu di tích lịch sử văn hóa Cố đô Hoa Lư  314 ha, khu danh thắng Tràng An - Tam Cốc - Bích Động 350 ha, Khu sinh thái Tràng An 2.133 ha và khu rừng đặc dụng Hoa Lư 3.375 ha, trong đó vùng lõi có diện tích hơn 6.172 ha, chủ yếu thuộc 2 xã Trường Yên và Ninh Hải của huyện Hoa Lư.

Nhìn từ chủ chương, đường lối, chính sách phát triển công nghiệp văn hóa của nước ta đến thực tiễn du lịch văn hóa ở Ninh Bình cho thấy, điều làm nên sự khác biệt để du lịch Ninh Bình có trường bay dài trong hội nhập quốc tế chính bởi giá trị văn hóa. Văn hóa trong phát huy thế mạnh của vùng đất kỳ quan thiên tạo những tháp karst đẹp quyến rũ nhất trên thế giới. Văn hóa người Tràng An hôm nay là con cháu của người Tràng An tiền sử cách đây hơn 30.000 năm để tạo nên một giá trị về một nền Văn hóa Tràng An - nền  văn hóa cổ nhất ở Việt Nam. Đồng thời đánh thức một vùng đất đang sở hữu gần 2000 di tích lịch sử, kiến trúc trong đó có 3 di tích cấp quốc gia đặc biệt ghi dấu những sự kiện lịch sử trọng đại của dân tộc Việt, nơi sinh Vương (Đinh Tiên Hoàng, Lê Hoàn, Lý Thái Tổ), sinh Thánh (Nguyễn Minh Không) và là kinh đô của 3 triều đại phong kiến trung ương tập quyền đầu tiên của Việt Nam ở thế kỷ X (Đinh, Lê, Lý), sản sinh ra dòng văn học viết Việt Nam với bài thơ “Quốc tộ”, đất tổ của nghệ thuật hát Chèo cung đình, nghệ thuật Xẩm chợ, lưu giữ gần 500 lễ hội truyền thống đặc sắc và nhiều làng nghề thủ công mỹ nghệ nổi tiếng khắp nước.

Trải qua những bước thăng trầm, Ninh Bình đã chọn du lịch văn hóa di sản làm sản phẩm chủ lực, nòng cốt, đặc trưng để xây dựng sản phẩm du lịch xanh, thân thiện, an toàn và coi đây chính là nguồn lực, lợi thế mang tính hạt nhân để phát triển du lịch và dẫn dắt thu hút đầu tư, thúc đẩy các ngành, các lĩnh vực cùng phát triển với hàng loạt các quyết sách chuyển đổi từ kinh tế “nâu” sang kinh tế “xanh”; Nghị quyết số 15/2009-NQ/TU về phát triển du lịch đến năm 2020, định hướng đến năm 2030; Nghị quyết số 07/2021-NQ/TU về phát triển du lịch Ninh Bình giai đoạn 2021-2030, định hướng đến năm 2045. Kết luận số 07/2021 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về việc tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 02/2016-NQ/TU về bảo tồn, phát huy giá trị Di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới Quần thể danh thắng Tràng An trong phát triển du lịch; Đề án xây dựng các sản phẩm văn hóa nhằm phát huy giá trị văn hóa, lịch sử Cố đô Hoa Lư phục vụ phát triển du lịch giai đoạn 2021 - 2025; Đề án "Bảo tồn và phát huy giá trị lịch sử, văn hóa, truyền thống tốt đẹp của con người, vùng đất Cố đô Hoa Lư, giai đoạn 2021-2030".

Hiện nay Ninh Bình lấy chiều sâu bản sắc văn hóa của cố đô Hoa Lư, sự khác biệt của Di sản thế giới Tràng An để phát triển thương hiệu du lịch Ninh Bình. Chiến lược này cũng theo đúng những định hướng mà Đảng và Nhà nước đã đề ra và phê duyệt Đề án xây dựng thương hiệu quốc gia về du lịch văn hóa. 

Du lịch Tam Cốc                                                        Ảnh: PHẠM THỊ DUYÊN

Một điểm sáng  từ năm 2018 đến nay, Ninh Bình đã xây dựng thành công sản phẩm du lịch đặc trưng của Ninh Bình “Tuần Du lịch: Sắc vàng Tam Cốc - Tràng An" đang trở thành một hoạt động quan trọng, thường niên. Năm 2023, Tuần Du lịch: “Sắc vàng Tam Cốc - Tràng An" đã cho du khách Việt Nam và quốc tế được đắm chìm trong sự sôi động của lễ hội rước rồng trên sông Ngô Đồng, chèo thuyền xuyên hang động thong dong giữa cánh đồng lúa nghệ thuật chín vàng cùng chương trình biểu diễn nghệ thuật đặc sắc, triển lãm ảnh nghệ thuật “Mùa vàng Tam Cốc”; cùng với những trải nghiệm trong không gian văn hóa sinh động tại phố đi bộ, chợ quê ẩm thực; trình diễn, trưng bày các sản phẩm thủ công mỹ nghệ truyền thống, sản phẩm OCOP thêu ren làng Văn Lâm, gốm cổ Bồ Bát, trưng bày, giới thiệu về dấu tích văn hoá thời Trần trong Di sản Tràng An tại khu vực đền Thái Vi. Cùng với đó, một số chương trình nghệ thuật, biểu diễn múa rối nước, hát chèo, hát xẩm, làn điệu dân ca và các hoạt động trò chơi dân gian, thể thao dân vũ, các hoạt động photo tour chụp ảnh, khảo sát làng nổi Kênh Gà, tuyến du lịch “Theo dấu chân Vua Đinh Tiên Hoàng”, “Tìm về cội nguồn Đức Thánh Nguyễn”. Đồng chí Trần Song Tùng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Bình đã phát biểu tại Lễ khai mạc: Tuần lễ du lịch Ninh Bình năm 2023 là một trong những hoạt động du lịch quan trọng, đây cũng là chương trình của tỉnh để cụ thể hóa Nghị quyết số 82/NQ-CP ngày 18/5/2023 của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu đẩy nhanh phục hồi, tăng tốc phát triển du lịch hiệu quả, bền vững và nhằm khai thác hiệu quả giá trị, bản sắc du lịch riêng có của Tam Cốc. Theo thống kê của ngành Du lịch, Tuần du lịch 2023, tỉnh  đón 172.569 lượt khách, tăng gấp hơn 2 lần so với năm 2022, công suất phòng khách sạn đạt trên70 - 80%. Theo báo cáo của UBND tỉnh, 6 tháng đầu năm nay tổng sản phẩm xã hội trên địa bàn tỉnh ước đạt 25.081,5 tỷ đồng, tăng 7,56% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, khu vực dịch vụ đạt 9.587 tỷ đồng, tăng 15,72%, đóng góp 5,59 % vào tốc độ tăng GRDP của toàn nền kinh tế, vượt kịch bản tăng trưởng đề ra. Du lịch phát triển có những đóng góp không nhỏ trong cơ cấu GRDP toàn tỉnh, đưa Ninh Bình trở thành tỉnh tự cân đối ngân sách.

Có thể thấy, chiến lược xuyên suốt của tỉnh là phát triển du lịch xanh, phát triển du lịch bền vững  và dựa vào cộng đồng nên gần một thập kỷ qua, Ninh Bình luôn là điểm đến thú vị không thể bỏ qua của du khách trong nước và quốc tế. Đặc biệt, Tràng An được nhiều chuyên trang du lịch có uy tín quốc tế đánh giá và bình chọn là điểm đến du lịch hấp dẫn nhất, hiếu khách nhất, tuyệt vời nhất thế giới. Tạp chí Forbes - tạp chí hàng đầu của Mỹ và thế giới bình chọn Ninh Bình là một trong 23 địa điểm du lịch tuyệt vời nhất năm 2023; Tại giải thưởng thường niên năm 2023 do Booking.com tổ chức nhằm vinh danh các điểm đến, cơ sở lưu trú toàn cầu, Ninh Bình là địa phương duy nhất của Việt Nam lọt vào top 10 điểm đến thân thiện nhất thế giới. Chuyên trang du lịch nổi tiếng The Travel của Canada đề xuất Ninh Bình là 1 trong 10 điểm đến nghỉ dưỡng dành cho gia đình tuyệt vời nhất thế giới năm 2023.

Để du lịch Ninh Bình xứng đáng là điểm du lịch hấp dẫn của du khách, điểm đến du lịch hàng đầu, điểm đến thân thiện trên thế giới, ngày 10/7/2023, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đã ký Quyết định số 821/QĐ-TTg phê duyệt Nhiệm vụ lập Quy hoạch bảo quản, tu bổ, phục hồi Danh lam thắng cảnh quốc gia đặc biệt Tràng An - Tam Cốc - Bích Động tỉnh Ninh Bình đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Theo đó, phạm vi nghiên cứu thuộc địa giới hành chính của các huyện Hoa Lư, Gia Viễn, Nho Quan, thành phố Tam Điệp và thành phố Ninh Bình, tỉnh Ninh Bình; bao gồm: Diện tích Quần thể danh thắng Tràng An theo Hồ sơ di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới đã được UNESCO ghi danh; diện tích khoảng 12.252 ha; Vùng mở rộng phạm vi nghiên cứu có diện tích khoảng 5.271 ha, có ranh giới được xác định như sau: phía Nam gồm toàn bộ vùng khai thác nguyên liệu đá vôi (xã Ninh Vân); phía Đông gồm các xã Ninh Nhất, Ninh Tiến, phường Ninh Khánh (thành phố Ninh Bình) và các xã Ninh Giang, Ninh Khang, Ninh Mỹ (huyện Hoa Lư); phía Bắc gồm các xã Gia Phương, Gia Tiến (huyện Gia Viễn).

Quy mô lập quy hoạch bao gồm toàn bộ diện tích Danh lam thắng cảnh quốc gia đặc biệt Tràng An - Tam Cốc - Bích Động thuộc phạm vi của Di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới Quần thể Danh thắng Tràng An đã được UNESCO công nhận với tổng diện tích là 9.663 ha: Khu vực thể hiện những giá trị nổi bật toàn cầu về địa chất, địa mạo; giá trị cảnh quan và giá trị lịch sử, văn hóa của di sản; gồm: Diện tích khu vực bảo vệ I và khu vực bảo vệ II của Danh lam thắng cảnh quốc gia đặc biệt Tràng An - Tam Cốc - Bích Động, khoảng 4.661 ha; Vùng đệm của di sản thế giới có diện tích khoảng 5.002 ha, nằm trên địa giới hành chính của 18 xã, phường: Trường Yên, Ninh Xuân, Ninh Vân, Ninh Thắng, Ninh Hải, Ninh Hòa, Ninh Giang, Ninh Mỹ (huyện Hoa Lư); Ninh Nhất, Ninh Tiến, Ninh Phong (thành phố Ninh Bình); Gia Sinh, Gia Trung, Gia Tiến (huyện Gia Viễn); Yên Sơn (thành phố Tam Điệp); Sơn Hà, Sơn Lai, Quỳnh Lưu (huyện Nho Quan). Quy mô lập quy hoạch không bao gồm phần diện tích của Trung tâm Cố đô Hoa Lư đã được xác định trong Nhiệm vụ lập Quy hoạch bảo quản, tu bổ, phục hồi Di tích quốc gia đặc biệt Cố đô Hoa Lư. Như vậy, ranh giới lập quy hoạch phía Bắc giáp sông Hoàng Long, phía Nam giáp sông Vân và sông Bến Đang, phía Đông giáp sông Chanh, phía Tây giáp sông Bến Đang và sông Rịa.

Tính chất của khu vực lập quy hoạch là khu Danh lam thắng cảnh quốc gia đặc biệt thuộc Di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới Quần thể danh thắng Tràng An; khu du lịch có tiềm năng phát triển thành khu du lịch quốc gia.

Đối tượng nghiên cứu lập quy hoạch: Đặc trưng địa chất, địa mạo mang dấu tích vật chất về các giai đoạn phát triển của vùng đất Tràng An, Tam Cốc, Bích Động; hệ thống hang động; hệ sinh thái động, thực vật; không gian cảnh quan sinh thái tự nhiên, sinh thái nhân văn trong khu di sản; Di tích lịch sử - văn hóa, khảo cổ, kiến trúc - nghệ thuật liên quan đến lịch sử hình thành và phát triển vùng đất Ninh Bình, cấu trúc các làng cổ, làng nghề truyền thống trong khu di sản; Giá trị di sản văn hóa phi vật thể thuộc cộng đồng dân cư trong khu di tích, gồm: Tín ngưỡng, lễ hội truyền thống, văn hóa, phong tục tập quán, nghề truyền thống, nghệ nhân, tri thức bản địa...; Tình hình kinh tế - xã hội, dân cư; hạ tầng kỹ thuật; hiện trạng xây dựng, sử dụng đất trong khu di sản; Cơ chế, chính sách công tác quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di sản, việc thực hiện các cam kết với UNESCO; hiện trạng hoạt động du lịch tại di sản.

Mục tiêu lập quy hoạch nhằm bảo tồn các giá trị nổi bật toàn cầu của di sản, cụ thể hoá những chiến lược, định hướng phát triển của tỉnh Ninh Bình, thực hiện cam kết của Việt Nam với UNESCO trong công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản. Bảo tồn di sản kết hợp hài hòa với phát triển bền vững, đưa Quần thể Danh thắng Tràng An, tỉnh Ninh Bình trở thành một trong những khu du lịch hấp dẫn của Việt Nam và quốc tế, động lực phát triển của tỉnh Ninh Bình và khu vực đồng bằng Bắc Bộ. Đồng thời xác định ranh giới, khoanh vùng bảo vệ di tích; xác định chức năng, chỉ tiêu sử dụng đất cho các khu vực; tổ chức không gian, bố trí hệ thống hạ tầng kỹ thuật phù hợp với các giai đoạn bảo tồn, phát huy giá trị di tích. Tạo cơ sở pháp lý cho việc triển khai và phê duyệt, quản lý quy hoạch, dự án; xây dựng cơ chế, chính sách, thu hút nguồn lực đầu tư, phát huy vai trò của cộng đồng trong công tác bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị di sản.

Nhiệm vụ lập quy hoạch gồm: Nghiên cứu, khảo sát; xác định tầm nhìn, mục tiêu và nguyên tắc quy hoạch; xác định dự báo và các chỉ tiêu phát triển; định hướng tổ chức không gian, kiến trúc cảnh quan; định hướng phát triển du lịch, cụ thể:

Nghiên cứu, khảo sát đặc trưng đa dạng sinh học, cảnh quan, môi trường: đánh giá đặc điểm địa chất - địa mạo, bối cảnh kiến tạo, địa chất karst và các giá trị địa chất - địa mạo, cảnh quan của khu vực Tràng An và vùng phụ cận; đánh giá hiện trạng các khu rừng đặc dụng, rừng nguyên sinh, rừng ngập nước, hệ thống sông ngòi, ao đầm, diện tích ngập nước, hệ sinh thái rừng, sinh thái vùng ngập nước; đánh giá hệ thống động thực vật trong mối liên hệ với địa hình, địa chất, khí tượng - thủy văn, các khu vực đa dạng sinh học, các loài động thực vật nguy cấp quý hiểm, các sinh vật có khả năng gây hại cho hệ sinh thái tự nhiên; phân vùng cảnh bảo, đánh giá các rủi ro do thiên tai, biến đổi địa chất, khí hậu, nước biển dâng; đánh giá hoạt động nông nghiệp gắn với du lịch, tiềm năng khai thác du lịch từ các dịch vụ môi trường rừng trong khu di sản; đánh giá hiện trạng xây dựng, hiện trạng cơ cấu sử dụng đất, hiệu quả sử dụng đất, hiện trạng quy hoạch; tình hình kinh tế - xã hội, dân số, lao động; hoạt động sinh kế gắn với di sản, sinh hoạt văn hoá của cộng đồng dân cư địa phương; ảnh hưởng các hoạt động kinh tế - xã hội tới việc quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di sản.

Khảo sát, đánh giá hiện trạng hệ thống di tích lịch sử - văn hóa: đặc điểm và tình trạng kỹ thuật của các di tích lịch sử - văn hóa; lập sơ đồ vị trí các di tích, xây dựng cơ sở dữ liệu trên bản đồ GIS, so sánh, xác định vị trí các công trình, địa điểm công trình ngoài thực địa với bản đồ qua các thời kỳ; lập hồ sơ dữ liệu 3D phục vụ công tác nghiên cứu, tu bổ, tôn tạo, phục dựng và phát huy giá trị di tích; đánh giá mức độ và như cầu bảo quản, tu bổ, phục hồi; Điều tra thám sát khảo cổ, bổ sung các dữ liệu khảo cổ; đánh giá các biện pháp bảo quản các di tích, di vật khảo cổ đã phát lộ; Nghiên cứu, sưu tầm, bổ sung tư liệu trong nước và ngoài nước về khu di sản và các di tích, kế thừa kết quả nghiên cứu đã được thực hiện, tiếp tục hoàn thiện hồ sơ khoa học các di tích trong khu di sản.

Đánh giá hiện trạng không gian kiến trúc, cảnh quan sông Hoàng Long, Sào Khê và các chi lưu, kênh rạch có dòng chảy, mặt nước; hệ thống núi đá vôi; xác định vai trò, tác động của cảnh quan môi trường sinh thái hai bên bờ các dòng sông và lòng bờ bãi sông với di sản.  Phân tích, xác định cấu trúc quy hoạch kiến trúc cảnh quan, tổ chức không gian các khu chức năng; đánh giá giá trị kiến trúc, cảnh quan các khu vực, tình trạng kỹ thuật của các công trình, cụm công trình; tác động của môi trường, dân cư đến việc thay đổi cảnh quan khu di sản. Thu thập dữ liệu, hình ảnh cảnh quan các di tích, làng xóm, dữ liệu bản đồ hiện trạng tổ chức không gian kiến trúc, cảnh quan ở mỗi khu chức năng; hiện trạng các công trình xây dựng có quy mô lớn tác động tới kiến trúc, cảnh quan, hạ tầng kỹ thuật, môi trường khu vực.

Khảo sát, phân tích các giá trị văn hóa phi vật thể: sinh hoạt văn hóa, lễ hội truyền thống, phong tục tập quán, nghề thủ công truyền thống, ca nhạc, diễn xướng, truyền thuyết, thơ ca; các di sản tư liệu: văn bia, cột kinh..

Đánh giá các hoạt động du lịch: tình hình phát triển, môi trường du lịch, lưu lượng khách tại các điểm di tích, các loại hình du lịch; các phân khúc thị trường đối với từng loại hình dịch vụ, nhu cầu tham quan, đánh giá mức độ đáp ứng nhu cầu và mức độ hài lòng của du khách; mối quan hệ giữa du lịch với bảo vệ, phát huy giá trị di sản; công tác quản lý du khách, áp lực và sức chịu tải của khu di tích ảnh hưởng tới công tác bảo tồn di sản; mô hình hợp tác công - tư trong hoạt động du lịch; yếu tố ảnh hưởng đến hoạt động phát huy giá trị di tích và hướng giải quyết các mâu thuẫn giữa phát triển và bảo tồn;  tác động của hoạt động du lịch đối với văn hóa - xã hội, kinh tế của địa phương; nguồn lực phát triển du lịch tại di sản, tiềm năng, tài nguyên du lịch, hệ thống hạ tầng phục vụ du lịch; mối liên kết của khu di sản với các địa phương, các di sản khác trong định hướng phát triển du lịch liên vùng; công tác truyền thông, quảng bá du lịch.

Khảo sát, đánh giá thực trạng hệ thống hạ tầng kỹ thuật: mạng lưới giao thông nội bộ, giao thông đối ngoại, giao thông tĩnh và các công trình phụ trợ; hệ thống cấp nước sinh hoạt, cao độ nền, thoát nước mưa, nước thải và vệ sinh môi trường, hiện trạng tài nguyên nước, nhu cầu khai thác, sử dụng nước; hệ thống cấp điện và chiếu sáng; hệ thống xử lý chất thải rắn; hệ thống thông tin liên lạc. Hiện trạng cơ sở hạ tầng phục vụ công tác quản lý, bảo tồn và nghiên cứu khoa học, cơ sở hạ tầng phục vụ du lịch. Xác định những hạng mục cần sửa chữa, nâng cấp, bổ sung để quy hoạch đồng bộ hệ thống cơ sở hạ tầng.

Đánh giá vai trò, vị trí của Quần thể danh thắng Tràng An trong mối liên hệ không gian vùng; hiện trạng quản lý, bảo tồn phát huy các giá trị của khu di sản: Rà soát các chương trình, quy hoạch, dự án bảo quản, tu bổ và phục hồi di tích đã được phê duyệt, kết quả thực hiện, các nội dung cần kế thừa, các nội dung cần điều chỉnh. Rà soát, đánh giá các hoạt động đầu tư: tình hình đầu tư các dự án bảo tồn, tôn tạo di tích; tình hình huy động các nguồn vốn đầu tư trong các dự án bảo tồn, các dự án tu bổ di tích; hiệu quả đầu tư của các dự án; xác định được nhu cầu đầu tư. Thực trạng cơ cấu tổ chức, hệ thống quản lý, năng lực, trình độ của bộ máy quản lý.

Khảo sát, đánh giá thực trạng quản lý môi trường tại các di tích, khu vực dịch vụ du lịch, khu dân cư và các hoạt động môi trường liên quan đến bảo vệ tài nguyên rừng đặc dụng, sử dụng đất đai, sử dụng tài nguyên trong khu di sản; ảnh hưởng của thiên tai, biến đổi khí hậu và những ứng phó với thay đổi khí hậu đối với khu di sản, các di tích; quan trắc, giám sát ô nhiễm môi trường; ô nhiễm nước mặt và nước ngầm; đánh giá tác động do khai thác đá vôi gây ra đối với di sản; các hoạt động cải tạo và phục hồi môi trường, cảnh quan sinh thái.

Xác định tầm nhìn, mục tiêu và nguyên tắc quy hoạch: dự báo dân số, lao động, nhu cầu sử dụng đất đai, định hướng đô thị hóa, phát triển hệ thống hạ tầng kỹ thuật trong và ngoài khu vực lập quy hoạch; dự báo môi trường, biến đổi khi hậu; dự báo phát triển du lịch và chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội, quy hoạch đô thị, hạ tầng kỹ thuật, chi tiêu phát triển du lịch.

Định hướng bảo quản, tu bổ, phục hồi và phát huy giá trị di tích: Xác định nguyên tắc bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích bảo đảm phù hợp với địa hình tự nhiên, gắn kết với không gian cảnh quan của toàn khu vực; định danh mục và mức độ bảo quản, tu bổ, phục hồi đối với từng hạng mục công trình trong khu vực; đề xuất các hạng mục công trình xây dựng bổ sung để phục vụ bảo tồn và phát huy các giá trị di tích. Đề xuất danh mục di tích dự kiến xếp hạng bổ sung. Định hướng bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể. Hoàn thiện cơ chế, chính sách, đề xuất lộ trình chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ và tự động hóa trong quản lý bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa vật thể và phi vật thể.

 Định hướng tổ chức không gian, kiến trúc cảnh quan: Rà soát và đề xuất khu vực bảo vệ di tích; đề xuất cơ cấu phân khu chức năng: đô thị, nông thôn, sinh thái nông lâm nghiệp; khu vực cảnh quan thiên nhiên, khu công cộng, dịch vụ du lịch. Đề xuất tổ chức không gian, định hướng phát triển kiến trúc, cảnh quan và công trình đối với khu vực di sản thế giới và vùng đệm của khu vực di sản thế giới; các khu vực cần bảo tồn, khu vực kiểm soát đặc biệt, khu vực hạn chế xây dựng, khu vực xây dựng mới. Định hướng tổ chức không gian kiến trúc cảnh quan đặc trưng của mỗi di tích và tại các công trình xây dựng mới; đề xuất không gian kiến trúc cảnh quan ở các khu vực xung quanh di tích, phong cách kiến trúc, chất liệu, tầng cao, điểm nhìn...; đề xuất thiết kế đô thị, thiết kế tiện ích, thiết kế cảnh quan du lịch. Đề xuất kết nối không gian kiến trúc cảnh quan từ các điểm di tích đến các dòng sông lịch sử; tổ chức liên kết khu vực di sản thế giới để phát triển du lịch bền vững trên cơ sở tổ chức quy hoạch mạng lưới các điểm dân cư nông thôn, kết nối các điểm di tích nhằm tạo tuyến du lịch; đề xuất phát triển các vùng nguyên liệu, vùng đệm... Định hướng giải phóng mặt bằng, giải tỏa lấn chiếm và phương án tái định cư cho người dân. Định hướng quy hoạch bảo tồn cảnh quan địa chất, thiên nhiên: Đề xuất khoanh vùng bảo tồn, đánh giá và bổ sung tư liệu về địa chất, địa mạo điển hình; phương án phát huy giá trị di sản địa chất, địa mạo và cảnh quan khu di sản; đánh giá mối quan hệ giữa cảnh quan thiên nhiên và cảnh quan nhân tạo; những nhân tố và mức độ ảnh hưởng đến môi trường trong khu vực danh thắng Tràng An; Đề xuất khoanh vùng bảo tồn theo cấp độ đối với khu vực rừng đặc dụng; quy hoạch khu vực dữ trữ địa chất và khu vực đề xuất khảo sát địa chất mở rộng nhằm nhận diện, đánh giá bổ sung các đặc điểm đa dạng địa chất nổi bật của khu di sản; Xây dựng chương trình nghiên cứu, thu thập các kết quả nghiên cứu về địa chất, đa dạng sinh học, nhằm xác định khu vực cần bảo tồn, khu vực cần phát huy lồng ghép với các tuyến tham quan khu vực di sản, tham quan chuyên đề làm cơ sở xây dựng bảo tàng sinh thái ở vùng ngoài khu rừng đặc dụng. Định hướng phát triển du lịch: không gian phân vùng du lịch, tổ chức chương trình và kết nối tuyến tham quan nội vùng và các địa phương lân cận; nghiên cứu, đề xuất xây dựng không gian trưng bày Quần thể Danh thắng Tràng An; phát triển sản phẩm và loại hình du lịch; nghiên cứu, xây dựng thử nghiệm các sản phẩm du lịch địa chất, du lịch sinh thái; xây dựng sản phẩm du lịch văn hóa mang thương hiệu Ninh Bình, các mô hình du lịch gắn với Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, du lịch xanh gắn với không gian văn hóa truyền thống; đầu tư phát triển du lịch theo tiêu chuẩn phù hợp với phân khúc thị trường; hợp tác công tư; định hướng xúc tiến đầu tư và xây dựng thương hiệu; định hướng quản lý, kiểm soát các hoạt động du lịch, đồng thời đề xuất phát triển thị trường du lịch trong và ngoài nước; quy hoạch về số lượng khách du lịch đến năm 2025 và năm 2030; đề xuất các ứng phó tình huống trước những diễn biến của dịch bệnh, tác động kinh tế - xã hội, thiên tai... trong hoạt động du lịch; đề xuất các giải pháp thông tin truyền thông, quảng bá du lịch.

Đề xuất các giải pháp hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng cơ sở: Quy hoạch xây dựng cơ sở hạ tầng phục quản lý, bảo tồn và nghiên cứu khoa học; quy hoạch cải tạo, xây dựng hạ tầng kỹ thuật; quy hoạch hạ tầng giao thông; quy hoạch cấp nước sinh hoạt; cấp điện và chiếu sáng; mạng lưới thoát nước thải, thu gom lý và xử lý chất thải rắn; phát triển hệ thống thông tin.

 Đề xuất các nhóm dự án bảo tồn: dự án quản lý, bảo vệ tài nguyên rừng, đa dạng sinh học; dự án bảo tồn, tu bổ, phục hồi, tôn tạo di tích lịch sử văn hóa vật thể và phi vật thể; dự án phát triển dịch vụ và sản phẩm du lịch; truyền thông quảng bá hình ảnh, thương hiệu, xã hội hóa quản lý đầu tư, liên kết quản lý; dự án phát triển kinh tế - xã hội vùng đệm; nhóm nghiên cứu - đào tạo và phát triển năng lực và phát huy giá trị khu vực di tích; đề xuất những chính sách, cơ chế thích hợp nhằm huy động và sử dụng có hiệu quả cao nhất các nguồn vốn đầu tư trong nước và quốc tế; đề xuất các quy chế, cơ chế quản lý và bảo tồn di sản

Thời gian thực hiện 2 năm, Ủy ban nhân dân tỉnh Ninh Bình là đơn vị tổ chức lập quy hoạch: Rà soát phạm vi, quy mô lập quy hoạch bảo quản, tu bổ, phục hồi danh lam thắng cảnh quốc gia đặc biệt Tràng An - Tam Cốc - Bích Động bảo đảm phù hợp, không chồng lấn với quy mô lập Quy hoạch bảo quản, tu bổ, phục hồi Di tích quốc gia đặc biệt Cố đô Hoa Lư; chủ trì, phối hợp với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và các Bộ, ngành tổ chức lập, trình duyệt đồ án Quy hoạch bảo quản, tu bổ, phục hồi Danh lam thắng cảnh quốc gia đặc biệt Tràng An - Tam Cốc - Bích Động tỉnh Ninh Bình đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 theo quy định của pháp luật.

                                                                                                                                                                                               M.D

                                                                                                                                                                           (Nguồn: TC VNNB 282-7/2023)

 

Bài viết khác