Chủ nhật, 19/05/2024

Vũ Văn Lâu và tác phẩm bên luỹ tre làng

Thứ năm, 18/07/2019

NGUYỄN VĂN TRÒ
Vũ Văn Lâu sinh ngày 2/8/1944 ở làng Phúc Trì, xã Ninh Tiến, thành phố Ninh Bình, trong một gia đình nông dân khá giả. Sau khi tốt nghiệp Đại học Sư phạm I Hà Nội, anh làm giáo viên và viết văn, viết báo, nghiên cứu văn hoá dân gian, có nhiều tập sách được xuất bản.

Đầu năm 2019, Vũ Văn Lâu ra mắt tập “Bên luỹ tre làng” dày 343 trang do NXB Hội Nhà văn cấp phép. Tập sách có tính khảo sát về làng cổ truyền - làng của tác giả mang đặc điểm của làng Bắc Bộ, được viết dưới dạng tản văn làm cho người đọc cảm thấy nhẹ nhàng, sâu sắc hơn.

Trước hết, nói về “Dáng làng”, tạo nên cảm xúc mạnh trong lòng mỗi người, những ký ức đẹp không phai mờ. Đi xa làng, mỗi khi trở về từ xa ta đã nhìn thấy luỹ tre xanh bao bọc quanh làng. Những hình ảnh quen thuộc như cây gạo đầu làng, cây đa bên đình, những tàu lá cau, lá dừa. Chùa làng cổ kính, chợ quê nho nhỏ ...

Cổng làng cùng với luỹ tre xanh, hào luỹ bao bọc quanh làng, bảo vệ làng. Mái đình cong vút, cây đa, bến nước là những đặc điểm không gian văn hoá của làng. Đình là nơi thờ thành hoàng, nơi hội họp và sinh hoạt văn hoá của cộng đồng. Chùa gắn liền với việc thành lập làng, gắn liền với nhu cầu tôn giáo thờ phật. Giếng làng có giếng đình, giếng chùa gắn liền với cây đa thân thuộc. Giếng có giếng tròn, giếng bán nguyệt, giếng thùng, giếng đồng (ở ngoài đồng), giếng núi, giếng khơi. Giếng có mạch nước ngầm trong và sạch, cung cấp nước cho mọi người, mọi gia đình. Giếng là nơi hẹn hò của những đôi trai gái. Nhờ có giếng mà nhiều đôi nên vợ nên chồng. Sông Vân là con sông chảy qua làng của tác giả, như mặt gương soi tỏ bầu trời nên có tên gọi là thế. Sông còn có tên là sông Vân Sàng (giường Mây) gắn liền với sự tích Dương Vân Nga đón Lê Hoàn thắng trận trở về .

Tre bao bọc quanh làng và là nguồn cung cấp nguyên liệu cho nghề mây tre đan. Mây được trồng xen kẽ các khóm tre. Mây được chẻ đôi, chẻ tư, vót thành sợi mềm, dẻo để buộc. Mây tre đan của làng tác giả đã thành nghề, tự cung tự cấp công cụ lao động sản xuất và sinh hoạt, còn thừa bán cho các làng lân cận. Duối là loại cây chắc chắn, ngăn địa giới của hai nhà. Duối có quả chín vàng óng nhưng ngọt, được gọi là quả “Ngọc Long” trẻ em rất thích. Gỗ duối rắn chắc, dẻo dai, lại có vị thơm, trẻ em dùng để đẽo cù. Ngày nay các nghệ nhân sinh vật cảnh uốn tỉa kiểu dáng tạo thành những tác phẩm nghệ thuật. Cây duối ngàn năm tuổi ở Thung Nham Ninh Bình rất nổi tiếng. Chuối gắn liền với làng, có nhiều tác dụng. Hoa chuối mới mẻ, có vẻ đẹp rực rỡ. Chuối là thứ quả thơm ngon, mát bổ, ngọt đậm đà, mềm dễ ăn, dễ trồng, nhiều vitamin, khoáng chất, rất bổ dưỡng cho người già, trẻ em. Cây sung cùng với cây gáo, cây găng, tre hóp được trồng ở bờ ao, hồ. Thân cây vừa cứng cáp, vừa mềm dẻo, vươn cao, vươn xa giữa khoảng không. Trẻ em trèo lên những cành sung làm võng, nhún nhảy rồi ào xuống mặt nước chơi đùa. Làng quê với những ngôi nhà gỗ xoan, cây cau, cây mít, là hình ảnh thân quen của làng quê một thời.

“Phong tục tập quán làng quê” được tác giả điểm qua từ văn hoá bếp, ăn uống, nếp nhà, bánh quê v.v…Bếp là nơi đun nấu hàng ngày, là nơi sưởi ấm cho cả người và vật trong những ngày giá rét, là nơi những cặp vợ chồng mới cưới, những đôi yêu nhau thủ thỉ tâm tình. Các món ăn dân dã như cá kho niêu đất, canh cua, cà ghém, ốc luộc chấm mắm gừng… được nhiều người ưa thích. Mỗi nhà mỗi cảnh, tạo nên nếp nhà qua ăn uống, nói năng đến lao động, học tập của mỗi thành viên trong gia đình. Gia đình thường có 3 – 4 thế hệ chung sống, nhưng rất có nề nếp. Bữa cơm gia đình chủ yếu là rau gọi là rau tập tràng, gồm có các loại rau mọc tự nhiên, hoang dã. Món ăn dân dã có muối vừng, rau lang, mắm cáy. Thường làng nào cũng có chợ. Chờ mẹ đi chợ về là niềm vui của trẻ, mà món bánh đa vừng rất hấp dẫn. Uống trà đá trở thành thói quen của rất nhiều người. Trà dùng để tiếp khách. Qua ấm trà mọi người rôm rả chuyện trò, làm cho tình làng, nghĩa xóm thêm cởi mở, chan hoà. Khi có khách, người ta tiếp khách một bữa “tiệc” bằng cút rượu nút lá chuối. Đồ nhắm đơn giản là mấy quả sung xanh, chuối xanh, ngô rang, lạc luộc hay rang, bánh đa nướng. Bữa cơm không thể thiếu rau, “rau lang mắm cáy”, rau muống luộc hoặc xào, canh cua, cà ghém, mắm tép, tương bần là những món ăn nhớ đời.

Người nông dân rất có tình cảm với những con vật nuôi như con trâu, con lợn, con gà. Chúng đã đi vào tục ngữ, ca dao và tranh dân gian của làng quê. Ông Bình Vôi có chức năng như một vị thần cai quản mọi việc trong gia đình như ông Táo trong bếp. Tục ăn trầu gắn liền với tục nhuộm răng đen, là góc con người.

Ngày Lễ Tết được tác giả nói khá kỹ. Ở làng quê có tết Nguyên Đán, tết Rằm tháng giêng, tết Đoan Ngọ, tết Trung Nguyên, tết Trung Thu. Quan trọng và thiêng liêng nhất là tết Nguyên Đán. Tác giả đã khảo sát chợ tết, mâm ngũ quả, tranh dân gian, cành đào tết, cây nêu, xôi gấc, bánh chưng, thịt mỡ, dưa hành v.v… Tết ở làng quê là ngày hội của những cái đẹp. Quần áo mặc vừa mới, vừa đẹp, nhà cửa khang trang, sân ngõ, đường làng đều sạch sẽ. Gặp nhau người ta chúc tụng những lời tốt đẹp nhất. Người ta sửa tóc, cắt tóc để ăn tết, trồng cây nêu để xua đuổi ma quỷ, tát ao để lấy cá ăn tết v.v…

Tập sách “Bên luỹ tre làng” của tác giả Vũ Văn Lâu thực sự hấp dẫn, gần gũi thân quen với những ai đã từng sinh ra và lớn lên từ làng và có nhiều kỷ niệm nhớ đời.

                                                          N.V.T
 

Bài viết khác