Chủ nhật, 19/05/2024

Cũng là nghề cao quý

Thứ bảy, 20/01/2001

Giải Ba của Cuộc thi sáng tác Thơ, Truyện ngắn dành cho cán bộ, giáo viên, nhân viên, học sinh ngành Giáo dục và Đào tạo tỉnh Ninh Bình năm học 2021-2022

Truyện ngắn của NGUYỄN THỊ LOAN

Giáo viên trường Tiểu học Quỳnh Lưu, Nho Quan

Vừa xẩm tối, một âm thanh quen thuộc lại vang lên “Xoảng, xoảng, xoảng, rầm.., mày làm cái nghề quét rác để làm gì?”. Đó là âm thanh của  xoong nồi, mâm bát đĩa được lẳng ra đường vỡ tung tóe và luôn kèm theo là tiếng chửi mắng, la hét của bố tôi. Rồi tiếng khóc chu chéo của các em tôi. Lúc này mẹ con tôi lại phải chạy sang hàng xóm lánh nạn để cho cơn thịnh nộ, nát rượu của bố tôi qua đi.

Tôi là Hoa, năm nay tôi đã là học sinh của một trường trung học phổ thông chuyên mang tên người anh hùng dân tộc Lương Văn Tụy của một “quận” nơi tôi ở. Tôi là chị cả của ba cô em gái Nhài, Hương và Thơm. Em gái út của tôi tên là Thơm nhưng thường gọi là Thêm bởi lẽ bố tôi cứ bắt mẹ tôi đẻ cố sao cho lấy thằng cu “chống gậy”. Nhà tôi đông chị em nên cuộc sống của chị em tôi không được may mắn như các bạn cùng trang lứa. Bố tôi cũng bởi thế mà sinh ra nát rượu, rồi mắc bệnh hiểm nghèo, đau ốm liên miên.

Bố mẹ tôi làm nghề tự do, không có công ăn việc làm ổn định, ai thuê gì thì làm nấy, nên mẹ tôi lo được bữa sớm mất bữa tối. Cứ đến đầu năm học, mẹ tôi lại đâm sấp dập ngửa để lo toan quần áo, sách vở, tiền đóng học cho bốn chị em tôi ăn học nhưng cũng chẳng lo đủ. Tôi thương mẹ tôi lắm, nhưng lúc bấy giờ tôi cũng chỉ là cô bé học cấp hai nên cũng chưa giúp gì được cho mẹ. Một hôm, một người bạn thân của mẹ tôi đã giới thiệu cho mẹ vào làm công nhân của công ty Môi trường đô thị nơi tôi ở. Ban đầu mẹ tôi rất mừng vì ít nhiều cũng có một việc làm ổn định, mỗi tháng gia đình tôi có thêm thu nhập để trang trải cuộc sống và lo cho chị em tôi ăn học. Những ngày đầu tiên, mẹ tôi phấn khởi tham gia quét dọn, lấy rác quanh nơi tôi ở. Nhìn mẹ có vẻ phấn chấn lắm, nhưng bố tôi thì không. Bố tôi thấy công việc này vất vả, cực nhọc, mất vệ sinh và còn bị coi thường nên ra sức ngăn cản, không cho mẹ tôi làm. Còn tôi, tôi không dám nói ra nhưng trong lòng tôi rất đồng tình với bố. Tôi không ủng hộ mẹ vì không muốn cho mẹ làm cái công việc “vừa mất vệ sinh vừa bị người ta coi là tầm thường nhất của xã hội”.

Hàng ngày, cứ mẹ tôi đi lấy rác về là cuộc cãi vã giữa bố và mẹ tôi lại xảy ra dữ dội. Bố tôi la hét, cấm đoán:

- Từ mai tao cấm mẹ mày không được đi làm cái việc này! Mẹ mày mà không bỏ cái nghề này đi tao chém chết! Thiếu gì công việc làm mà phải đi làm cái nghề “quét rác”? Mẹ mày đi làm cái việc này không sợ người ta cười vào mặt tao à!

Có nhiều bữa, lợi dụng chén rượu, bố tôi còn vác dao đuổi mẹ tôi chạy khắp khu phố. Có nhiều hôm vì sợ mà mẹ tôi không dám về, đành ngủ nhờ nhà bạn bè.

           Mặc dù biết rằng công việc này ô nhiễm, nặng nhọc, vất vả, sớm tối, nắng mưa và nguy hiểm nhưng mẹ tôi vẫn không quản ngại và mẹ cũng cảm thấy mến nó! Bởi công việc này cũng là nguồn thu chính của gia đình và làm xanh sạch đẹp môi trường.

Một hôm, bố tôi bị ốm nặng, phải nằm viện. Mẹ đi chăm bố, nên công việc hàng ngày của mẹ tôi bị dồn lại, rác ở các dãy phố được chất thành đống. Không còn cách nào khác, tôi lại phải cùng mẹ đẩy chiếc xe đi lấy rác quanh phố. Khi sang đến ngõ bên, bỗng có tiếng người gọi “Rác ơi, rác ơi”. Tôi sững người khi nghe tiếng gọi đó, tôi không tin là họ gọi như vậy. Nhưng nhìn lên, tôi thấy một người đàn ông cũng đã có tuổi vẫy tay vời mẹ con tôi, đúng họ gọi như thế rồi! Khi đến gần, ngưới đó cầm túi rác lẳng một cái, thế là rác văng tung tóe ra đường. Đã nhiều lần đi lấy rác mẹ tôi gặp phải nhiều tình huống dở khóc dở cười này rồi. Mẹ tôi thường nhẹ nhàng vui vẻ nhắc nhở họ bỏ rác vào thùng và đổ rác đúng nơi quy định nhưng họ cãi lại: “Tao đóng tiền hốt rác chứ đóng tiền để làm gì?”. Chẳng lẽ họ coi thường mẹ tôi đến thế sao? Lần này, không kìm được lòng, mẹ tôi bước đến trước mặt người đàn ông đó, nghiêm mặt bảo:

- Bác ơi, sao bác lại gọi vậy?

- Mày đi lấy rác thì tao gọi mày là “rác” có sao đâu! - Đó là lời giải thích của người đàn ông đó. Mẹ tôi liền trừng mắt tức giận và bảo:

- Bác đừng coi thường tôi thế! Nếu như tôi không làm việc này, bác hãy nghĩ xem rác thải sẽ ô nhiễm môi trường nghiêm trọng như thế nào? Bác hãy có ý thức chung tay bảo vệ môi trường đi!

Người đàn ông kia nói ú ớ vài tiếng bào chữa rồi chuồn thẳng vào trong nhà. Cả buổi đi lấy rác hôm ấy, lòng mẹ tôi buồn vô cùng, nước mắt cứ lăn dài trên má. Càng nghĩ đến thái độ coi thường của họ và tiếng gọi “rác ơi” đó tôi càng bị ám ảnh. Mẹ tôi vẫn thường tâm sự: Làm nghề này đúng là vất vả, cực nhọc, nguy hiểm! Rồi những ngày lễ, ngày tết, nhà người ta thì lo toan sắm sửa chu đáo, đủ đầy, tươm tất, còn nhà mình thì càng những ngày này mẹ càng đi biền biệt, mãi tới khuya hoặc qua giao thừa mới về. Tết nhất đến, nhà họ chị em chúng nó đều có quần áo mới, đôi giầy, đôi dép đẹp, còn chị em con luôn thiệt thòi, chẳng có gì, cũng chỉ vì những ngày này mẹ càng phải lao ra làm, quên hết cả ngày đêm, sớm tối!

 

Đã nhiều lần đi lấy rác, mẹ tôi và đồng nghiệp bị sắt nhọn đâm, mảnh sành cứa chảy chan hòa máu. Nguy hiểm nhất là những lần bị kim tiêm đâm vào tay chân. Mỗi lần như thế lại phải đi tiêm phòng chống HIV/AIDS. Công việc của mẹ thật cực nhọc: Mùa đông, khi đêm đã khuya, trời rét như cắt da, cắt thịt, mọi người nằm trong chăn ấm, đệm êm, ngon giấc say nồng thì mẹ tôi vẫn âm thầm và lặng lẽ “quèn quẹt” tiếng chổi tre. Những ngày hè nóng nực, mọi người ngồi trong phòng điều hòa mát lạnh thưởng thức hoặc ngồi trước quạt thổi ù ù mát mẻ, còn mẹ tôi áo đẫm mồ hôi quét rác trên đường. Cực nhất là những ngày lễ tết, đầu xuân năm mới, mọi người hối hả đi chúc tết, du xuân hoặc cùng nhau vui vẻ chúc nhau chén rượu nồng còn mẹ lại tất bật làm cho đường phố sạch đẹp hơn. Những ngày lễ hội, hay bắn pháo hoa,... mọi người cùng gia đình tấp nập, hân hoan đi chơi vui vẻ, nhiều người không có ý thức xả rác bừa bộn, khi ấy mẹ tôi cùng đồng nghiệp lại phải lụi hụi thâu đêm dọn dẹp. Đâu có phải ai cũng có ý thức bảo vệ môi trường! Xót xa thay khi đang quét dọn trên đường, mẹ tôi bị những tên “quái xế” tông trọng thương, bữa thì gãy chân, gẫy tay, bữa thì gãy cả xương sườn, mặt mày xây xát,... mẹ phải nằm viện nhiều ngày mới khỏi nhưng mẹ tôi không hề than phiền. Cứ hễ khỏi, mẹ tôi lại lao đi làm ngay bởi sốt ruột. Tệ bạc hơn, một lần, đêm đã khuya, mọi người đã vào yên giấc, tiếng chổi tre của mẹ tôi vẫn “quèn quẹt” trên các con phố. Chiếc xe máy Honda super cup 50 cũ nát của mẹ tôi để bên đường, bỗng hai con nghiện lao tới cướp thẳng mặt, nổ máy phóng như  bay, mẹ tôi liền túm lấy xe và hét lớn “Cướp, cướp,…” nhưng đêm đã khuya nên cũng chẳng có ai hỗ trợ. Mẹ tôi bị chúng lôi xềnh xệch một đoạn đường dài, làm sợt sạt khắp mặt mũi, mình mẩy. Vừa đau đớn, vừa tiếc của, mẹ tôi ốm nằm hàng chục ngày liền mới dạy được.

Tuy chiếc xe cũ kĩ nhưng đó là phương tiện có giá trị nhất của gia đình tôi. Thương cho hoàn cảnh nhà tôi, bà con lối phố và các bác trong công ty đã quyên góp ủng hộ cho mẹ tôi một chiếc xe máy khác để cuộc sống gia đình tôi đỡ khó khăn. Càng nghĩ tôi càng giận mẹ. Những khi ấy, tôi lại phải đi làm thay cho mẹ. Những lần như thế, tôi vừa làm vừa khóc. Những hôm đó về nhà tôi liền bỏ cơm và không nói, không rằng, tôi chỉ biết ngồi vào bàn học cho tới tận khuya. Đợi cho mẹ tôi khỏe, tôi mạnh dạn đề đạt với mẹ:

- Mẹ ơi, mẹ đừng đi lấy rác nữa, mẹ tìm một công việc khác đi! Con thấy công việc này vất vả, cực nhọc, mất vệ sinh và nguy hiểm, lương thì thấp, mà còn bị người ta kì thị, ái ngại, coi thường! Con không biết mẹ có còn đủ sức, đủ kiên nhẫn để làm công việc này không?

Tôi ngước nhìn mẹ, thấy nét mặt mẹ buồn buồn rồi mẹ bảo:

- Mẹ biết, nhưng mình không làm ai làm cho! Nếu ai cũng từ chối công việc này thì phố xóm, đường xá hàng ngày có còn sạch đẹp được không? Mẹ thấy đây cũng là một công việc lao động như bao công việc khác mà!

Tôi nghe mẹ nói có lí và tôi biết thay đổi công việc với mẹ bây giờ là rất khó, công việc đó như đã ngấm vào máu, vào da vào thịt của mẹ rồi. Nhưng tôi vẫn không muốn mẹ tiếp tục làm công việc này. Thuyết phục mẹ không được, thế là tôi giận mẹ, suốt ngày tôi chẳng nói, chẳng rằng. Từ hôm ấy, tôi không tham gia giúp mẹ công việc lấy rác nữa. Cứ đi học về, cơm nước xong là tôi lại lao đầu vào học. Tôi thầm nghĩ, đã thế mình phải học thật giỏi để sau này có cơ hội kiếm được công việc ổn định, không phải làm cái công việc như mẹ đang làm và còn giúp đỡ để mẹ khỏi vất vả.

Một hôm, trong giờ ra chơi trên sân trường, một người phụ nữ bịt mặt, đẩy chiếc xe vào trường lấy rác. Mấy đứa bạn tôi liền chỉ chỉ, chỏ chỏ và bảo:

- Ơ mẹ Hoa kìa! Hoa ơi, hôm nay mẹ cậu vào lấy rác sớm vậy? Tôi ú ớ rồi đánh trống lảng:

- Đấy không phải mẹ tớ, đấy là “bác tớ”, bác tớ giống mẹ tớ mà! Mẹ tớ giờ làm công việc khác rồi! - Nói rồi tôi bỏ vào trong lớp ngồi một mình.

Đám bạn thấy tôi phản ứng vậy thì không đứa nào nói gì nữa. Dường như chúng đã hiểu tâm trạng của tôi. Về nhà, lại một lần nữa tôi khuyên mẹ bỏ việc, nhưng nhất định mẹ tôi không nghe. Vì thế, tôi càng giận mẹ, nhiều lúc tôi cảm thấy xấu hổ với bạn bè. Giờ đây, gia đình tôi không lúc nào yên ổn, chỉ vì công việc “quét rác” của mẹ đang làm mà gia đình tôi lúc nào cũng như có “chiến tranh”.

Một lần gần đây, tôi cố tình làm căng, tôi nằm lì trên giường, không nói không rằng. Mẹ tôi gọi dậy ăn uống để đi học, tôi liền bảo “Bao giờ mẹ bỏ công việc đó thì con mới đi học, con xấu hổ với bạn lắm!”. Mẹ liền bảo:

- Con có thương mẹ không? Con có hiểu cho mẹ không? Mẹ làm công việc này thì có gì xấu mà con phải xấu hổ, hả, hả,...? Công việc của mẹ vẫn được rất nhiều người yêu quý và tôn trọng đấy thôi! Việc mẹ đang làm cũng là một công việc lao động, lao động là vinh quang mà! Ai cũng chọn việc nhẹ nhàng, sạch sẽ thì lấy ai làm công việc này cho! - Nói rồi mẹ lại tiếp tục đi làm.

Tôi thấy mẹ quả quyết và giải thích như thế thấy cũng có lý nên tôi lồm cồm bò dạy đi học. Trong lòng tôi cảm thấy vơi đi nỗi ám ảnh và tôi càng thương mẹ hơn.

Một hôm, Trung tâm dự báo Khí tượng thủy văn quốc gia thông báo ngày mai sẽ có một cơn bão “siêu bão” đổ bộ vào miền Bắc nước ta. Trước đó, buổi đêm, trời oi bức, nóng nực khó tả. Vài ngày trước, mẹ tôi cùng các bác trong công ty đã khẩn trương đi các dãy phố cắt tỉa những cây cao, cây to, những cây có khả năng đổ gãy, khơi thông cống rãnh thoát nước. Mọi người làm thâu đêm không ngừng nghỉ. Thương mẹ và các cô các bác, tôi đã pha hàng can nước chanh đá, mua bánh mì mang ra tiếp sức cho các mẹ. Thấy mọi người làm lụng vất vả, tôi cũng đã hiểu và thông cảm hơn. Hôm sau, cơn bão đã ập đến. Bầu trời bắt đầu xám xịt, những đám mây lì lợm cố bám víu vào nhau làm cho bầu trời nặng trĩu. Trời mưa rất to, gió gầm rít, gào rú như đập vào nhà cửa, cào cấu lung lay cây cối. Bão quật mấy giờ liền, mưa xối xả làm cho cây cối đổ gãy la liệt, nhà cửa bay nóc, những nhà tạm đều đổ sập. Chị em tôi ngồi trong nhà mà sợ, người cứ run bần bật. Khi đó, mẹ tôi lại quần áo bảo hộ, mặc áo mưa lao đi chống bão. Đến xế chiều thì bão tan. Nhưng thiệt hại do bão gây ra quá nặng nề. Nhìn cảnh phố phường tan hoang, đổ nát, cây cối, cột điện gãy đổ ngổn ngang, rác chất thành đống. Suốt tối hôm ấy mẹ tôi cùng đồng nghiệp lao động, dọn dẹp suốt đêm. Ở nhà, bố con tôi cũng cùng phố xóm dọn dẹp ngõ phố cũng tới tận đêm khuya.

Sáng hôm sau, chúng tôi cắp cặp đi học, mọi người vô cùng ngạc nhiên và xúc động bởi “đêm qua mẹ và các bác vệ sinh môi trường” đã dọn dẹp sạch sẽ các đường phố, trả lại sự đẹp đẽ, thoáng mát cho phố phường. Khi đến trường, sân trường của chúng tôi vẫn còn ngổn ngang cây cối gãy đổ, lá chất như thành, nhìn mà ớn hết cả người. Nhà trường huy động cả trường dọn vệ sinh. Tất cả học sinh chúng tôi rất tích cực nhưng cũng chẳng thấm vào đâu. Dọn được một lúc thì tất cả đã mệt nhoài, mồ hôi nhễ nhại. Đang trong lúc mệt nhọc thì mẹ tôi và các bác trong công ty Môi trường ập tới dọn giúp. Tất cả học sinh chúng tôi reo lên:

- Có các bác môi trường đến rồi!

- Các bác ơi đến giúp đỡ chúng cháu với!

Các bác đến là bắt tay ngay vào việc một cách chuyên nghiệp. Người thì cắt cây, người thì khuân vác, người thì đẩy xe rác, người thì quét dọn. Chẳng mấy chốc, khối lượng công việc lớn như thế đã được các bác đánh bay, sân trường lại sạch sẽ như ngày thường. Tất cả thầy cô giáo cũng như học sinh chúng tôi vô cùng phấn khởi và biết ơn các bác trong công ty Môi trường đã giúp đỡ. Lúc này hàng trăm con mắt của các bạn đang đổ dồn về tôi “như thầm cảm ơn mẹ bạn và các bác môi trường đã giúp đỡ chúng tôi”. Các bạn tôi lao đến bắt tay tôi và nói: “Cảm ơn mẹ cậu!”. Tôi vui như mở cờ trong bụng, lúc này tôi cảm thấy rất tự hào về mẹ và cũng hiểu được giá trị của công việc mà mẹ và các bác đang làm đã được nhiều người ghi nhận.

Hôm nay, tôi mạnh dạn nói chuyện với bố:

- Bố ơi, từ nay bố vui vẻ để cho mẹ làm công việc này đi! Con thấy mẹ rất yêu công việc này bố à! Giờ con thấy công việc này cũng có niềm vui mà!

Bố tôi im lặng một hồi rồi cũng ậm ờ vài câu:

            - Ừ thì,... để cho mẹ mày làm!

Tôi cũng phân tích với bố mỗi công việc đều có sự vất vả riêng, nhưng công việc vệ sinh môi trường quả là cực nhọc và cũng nhiều rủi ro và nguy hiểm. Nhưng mẹ đã yêu thích công việc này thì bố con mình phải vui vẻ, động viên để cho mẹ làm. Nói vậy nhưng tôi càng cảm thấy lo cho mẹ và thương mẹ vô cùng. Ngoài lúc học bận rộn, tôi lại tranh thủ giúp mẹ dọn dẹp, cơm nước, hướng dẫn các em tắm rửa, vệ sinh, dạy các em học bài. Nhiều hôm, khi đẩy xe đi lấy rác thay mẹ, tôi cảm thấy tự tin hơn, trong tôi không còn cái vẻ ám ảnh tự ti như trước nữa. Từ đấy gia đình tôi trở nên vui vẻ, hòa thuận. Bố tôi cũng tích cực giúp đỡ, tạo điều kiện để mẹ tôi đi làm công việc này.

            Đến đầu năm 2020, lần đầu tiên đại dịch Covid-19 bùng phát từ Trung Quốc và lan rộng khắp thế giới. Khi ấy, một cảnh tượng hãi hùng của đại dịch cũng xảy ra ở Việt Nam, đại dịch xảy ra chẳng khác nào chiến tranh. Những cảnh tượng có một không hai: Cảnh xe cứu thương gầm rú, cảnh các bác sĩ ngày đêm tất bật, đêm không ngủ, ngày không ăn, nhịn đói, nhịn khát để tranh thủ từng giây, từng phút cứu sống lấy tính mạng bệnh nhân. Cứ cứu sống được một bệnh nhân hoặc mỗi khi bệnh nhân qua cơn nguy kịch là niềm vui của các bác sĩ được nhân lên gấp bội, họ vui mừng, họ hò reo, quên cả mệt nhọc,... Cùng với các bác sĩ là lực lượng công an, bộ đội, dân phòng, các tổ dân phố, phụ nữ, đoàn thanh niên, tổ Covid-19 cộng đồng, các nhà hảo tâm,... tất cả cùng tham gia chống dịch. Tất cả những tấm gương đó, họ gắng chịu cảnh gia đình ly tán, rồi cảnh con trẻ đói khát sữa, khóc nhớ mẹ, họ phải hy sinh hạnh phúc gia đình, hạnh phúc cá nhân, để lao vào tâm dịch. Chủ trương của ngành y tế phát động phong trào “ai ở đâu thì ở yên đó” và “ở nhà là yêu nước”. Tất cả các công việc không thiết yếu không cần thiết thì không được ra đường, vì vậy tất cả mọi việc đều đình trệ và gác lại, trường học thì đóng cửa, các cơ quan công sở bố trí làm việc tại nhà với hình thức online, các nhà máy, xí nghiệp đều đóng cửa, giao thông ngừng vận chuyển hành khách,... Thành phố nơi tôi ở lại là vùng đỏ, cấp độ 4. Tất cả các dãy phố đều có biển đỏ cảnh báo dịch bệnh và dây giăng chằng chịt cấm nội bất xuất, ngoại bất nhập.

Mấy ngày đầu mọi hoạt động sinh hoạt của các gia đình còn ổn định bởi sự chuẩn bị, tích trữ của mọi người cũng kha khá. Nhưng chưa đầy một tuần thì lương thực, thực phẩm của các gia đình đã đều cạn kiệt. Trong khi đó mọi người không được ra ngoài mua bán. Thế nhưng công việc của mẹ tôi thì không thể ngừng được, bởi chỉ dừng một ngày thì rác chất thành đống và ô nhiễm môi trường. Bấy giờ, mẹ tôi bảo:

- Dịch bệnh căng thẳng quá! Nhiều người đang xung phong ra tuyến đầu chống dịch. Người góp công, người góp của, chi viện cho tiền tuyến.

- Nhiều người đang phải hy sinh bản thân, hy sinh hạnh phúc gia đình, để tham gia chống dịch.

- Mẹ chẳng có gì, nhưng mẹ muốn góp một phần nhỏ bé của mình để chống dịch, mong dịch bệnh qua mau!

Khi ấy mẹ tôi vừa làm nhiệm vụ vệ sinh môi trường, lấy rác ở các khu dân cư khác mà mẹ tôi còn xin tham gia vào tổ Covid-19 cộng đồng. Cứ mỗi sáng, mẹ cùng các cô, các bác trong tổ Covid-19 cộng đồng đi chợ mua lương thực, thực phẩm giúp bà con các lối phố, đi siêu thị mua giúp các mặt hàng thiết yếu cho các nhà. Trưa về, mẹ tôi chỉ tranh thủ ăn bát cơm, chẳng kịp nghỉ ngơi, lại lao đi quét dọn vệ sinh, lấy rác thải cho các gia đình F0. Ban đêm mẹ tôi xung phong vào khu cách ly F0 của Quận lấy rác thải. Công việc của mẹ tôi cũng thật nguy hiểm bởi rác thải của F0 có khả năng lây nhiễm rất cao. Mẹ làm quần quật suốt ngày đêm, không còn thời gian nghỉ ngơi nữa. Những lúc rảnh rỗi mẹ lại đi đến từng gia đình làm công tác động viên, tuyên truyền chống dịch. Mẹ luôn dặn dò mọi người phải thực hiện tốt thông điệp 5K. Mỗi lần mẹ đi làm về đều cởi bỏ bảo hộ và xịt khuẩn chân tay trước khi vào nhà. Mẹ đi làm như vậy, ở nhà tôi và bố càng phải cố gắng lo toan công việc nhà để mẹ yên tâm tham gia chống dịch. Tôi thương mẹ và lo cho mẹ lắm! Một hôm tôi hỏi mẹ:

- Mẹ làm công việc này rất nguy hiểm, nhỡ lây nhiễm Covid-19 thì sao? Mẹ mà bị nhiễm Covid-19 thì cả nhà mình cũng bị mắc, con sợ lắm!

Mẹ liền ôn tồn bảo:

- Tình hình dịch bệnh ngày càng căng thẳng! Biết công việc của mẹ đầy nguy hiểm, nhưng nếu mẹ và mọi người không làm thì sao? Nếu ai cũng sợ thì nhiều người không những chết vì dịch mà còn chết vì đói khát và chết vì thiếu hiểu biết nữa đấy! Mẹ không sợ! Mẹ tin tưởng vào chỉ đạo, hướng dẫn của Bộ Y tế! Mẹ luôn thực hiện tốt thông điệp 5K rồi!

Thấy mẹ nói thế tôi cũng vui. Tôi bèn xin mẹ cho tôi tham gia làm vệ sinh ở phố xóm thay mẹ. Những lúc không phải học tôi lại giúp mẹ đi đưa lương thực, thực phẩm, các đồ dùng thiết yếu cho các gia đình. Khi tham gia làm tôi cũng cảm thấy rất vui vì đã góp được một phần nhỏ bé của mình vào công việc chống dịch.

Cứ như thế, dịch bệnh giằng co, ác liệt cứ như thời chiến tranh. Sau một thời gian kéo dài rồi mới tạm thời lắng xuống. Tất cả các hoạt động bắt đầu được mở trở lại. Học sinh chúng tôi lại được trở lại trường học trực tiếp sau bao tháng ngày học trực tuyến. Bạn bè chúng tôi gặp nhau đầy phấn khởi, tay bắt mặt mừng. Nỗi nhớ thầy cô, bạn bè, nỗi nhớ ngôi trường đã nguôi đi trong chốc lát. Chúng tôi lại phải cùng nhau miệt mài bước vào học gấp rút và ôn tập chuẩn bị cho kì thi vào lớp mười trung học phổ thông đầy căng go và áp lực. Mỗi chúng tôi luôn bảo nhau phải nỗ lực, cố gắng để đạt được nguyện vọng của bản thân và gia đình. Thi xong rồi, mỗi chúng tôi luôn lo âu, thấp thỏm, hồi hộp chờ đợi đến ngày có kết quả.

Hôm nay, tôi vô cùng phấn khởi, vui mừng đến tột độ khi nhận được kết quả tôi “đậu chuyên toán” kì thi vào lớp mười trường trung học phổ thông chuyên mang tên người anh hùng Lương Văn Tụy thành phố nơi tôi ở. Tôi cứ ra ra vào vào chỉ mong mẹ về để báo tin vui cho mẹ, bởi bao ngày tháng mẹ tôi lam lũ, vất vả làm lụng không quản ngày đêm lo cho chị em tôi ăn học. Tôi vui vì tôi cũng đã đền đáp được một phần công ơn của mẹ tôi bao tháng ngày vất vả, cực nhọc. Bất chợt, tôi thấy truyền hình đang đưa tin buổi lễ trao tặng “Những người công dân ưu tú của Thủ đô”. Hình như mẹ tôi đang trên đó? Tôi không tin vào mắt mình, cứ chớp chớp, dán mắt vào màn hình nhìn thật kĩ. Cô mặc áo dài, đứng đầu kia sao giống mẹ thế! Chẳng lẽ đúng là mẹ? Nhưng mẹ tôi đâu có áo dài? Mẹ suốt ngày, quanh năm suốt tháng chỉ có bộ bảo hộ lao động ướt đẫm mồ hôi! Cô ấy trông xinh tươi thế cơ mà! Tôi không dám chắc vì hôm nay trước khi đi mẹ tôi vẫn “diện” bộ đồ bảo hộ lao động. Bỗng tiếng cô dẫn chương trình vang lên: “Chị Hoàng Thị Vui là người công dân ưu tú nhất của Thành phố”, rồi tấm bằng khen được trao cho mẹ, tôi liền la lớn:

- Đúng mẹ tôi rồi! Đúng mẹ rồi! Mẹ ơi, mẹ ơi! Bố ơi, các em ơi, ra mà xem, mẹ kìa, mẹ kia kìa! Cả nhà tôi chạy lại trước màn hình chứng kiến một niền vui bất tận. Các em tôi thì nhảy nhót hò reo, còn cái Thêm ghé vào tai bố thì thào bảo:

- Nghề “quét rác” của mẹ “cũng là nghề cao quý” bố nhỉ?

Vậy là đến giờ tôi đã hiểu, tất cả các công việc lao động đều vinh quang, không có công việc nào là thấp hèn, bé nhỏ, chỉ miễn là mình yêu mến và trân trọng. Công việc của mẹ tôi và các bác không thể nói hết bằng lời, không bài viết nào có thể viết hết được sự vất vả, hy sinh của những người công nhân môi trường. Họ đang lặng lẽ ngày đêm, đang góp phần tô điểm cho bức tranh đô thị đẹp đẽ, họ luôn mang mùa xuân tươi đẹp về cho quê hương, đất nước. Tôi khấp khởi mừng ra mặt vì niềm vui lại chồng niềm vui. Tôi cứ ra ra vào vào, chỉ chờ đợi mẹ về, để chia vui cùng mẹ. Tôi đã mua sẵn một bó hoa đưa cho bố để dành tặng mẹ, còn bốn chị em tôi đứng sẵn sàng chờ đợi mẹ về.

Bất ngờ mẹ xuất hiện trước cửa, trong tà áo dài, tay cầm tấm bằng khen và bó hoa bước vào nhà. Bố tôi bước nhanh tới tặng hoa, còn bốn chị em tôi lao tới, đứa ôm trước, đứa ôm sau, ríu rít:

- Mẹ, mẹ ơi! Mẹ của con tuyệt vời!

- Mẹ giỏi quá! Mẹ giỏi quá!

- Chúng con yêu mẹ! Chúng con chúc mừng mẹ!

N.T.L

(Nguồn: TC VNNB  275+276 tháng 1/2023)

 

Bài viết khác