Chủ nhật, 19/05/2024

Thầy tôi

Thứ năm, 25/06/2020

Truyện ngắn của HUYỀN TRANG 
(Học sinh lớp 12 B10, Trường THPT Trần Hưng Đạo)

"Dưới ánh mặt trời, không có nghề nào cao quý hơn nghề dạy học!". Đó chính là câu nói của danh nhân Comenxki. Và đúng là như vậy, dạy học không chỉ nói về công việc truyền đạt kiến thức mà còn là cả một quá trình rèn luyện nên một công dân tốt góp phần làm phát triển xã hội. Thầy tôi cũng như bao người thầy khác, là một ánh đèn trong đêm tối tăm của quãng đường học sinh của chúng tôi.   

Năm đầu tiên bước vào cấp ba, tôi là một đứa rụt rè ít nói. Có lẽ do môi trường sống của tôi đã tác động không nhỏ tạo nên khuyết điểm đó. Lần đầu tiên, tôi gặp thầy, ấn tượng của tôi về thầy đó chính là nụ cười trìu mến mang lại cả bầu trời yêu thương, ánh mắt - cửa sổ tâm hồn chan chứa đầy thâm tình. Khi đó, tôi nghĩ về ông nội tôi. Ông nội tôi không còn, tôi chỉ được nhìn ông qua những tấm hình, những câu chuyện của bà và mẹ. Tôi hơi cúi đầu:          

- Em chào thầy ạ!       

Thầy gật đầu đi qua, tôi vẫn cúi đầu đi tiếp. Chắc là do sự bỡ ngỡ khi lần đầu tiên đặt chân vào ngôi trường cấp ba, khi đó không chỉ còn có những bạn bè ở nơi tôi sinh sống mà còn rất nhiều bạn từ những nơi khác nữa. Tôi thấy hơi lo lắng. Tiết giảng đầu tiên của thầy, tôi cảm thấy thầy là người khó tính, đấy là cảm nhận ban đầu của tôi. Giọng thầy đầm ấm dịu êm như nắng thu, nó không thanh nhưng đầy cảm xúc. Mái tóc được thời gian điểm lên đó những sợi bạc sắc sảo, đứng trên bục giảng, truyền đạt cho chúng tôi kinh nghiệm của thầy và bài học về cuộc sống. Thầy rất khắt khe với chúng tôi, cái khó mà thầy mang lại đều là muốn chúng tôi nên người. Thầy là một người trung trực, thẳng thắn. Nếu điều gì không phải thầy sẽ nói trực tiếp mà không ngần ngại. Thầy thường hay kể về những câu chuyện mang đầy tính nhân văn, mỗi câu chuyện là một bài học đầy ý nghĩa. Có những lúc, thầy kể cho gia đình lớp tôi những câu chuyện hài hước để giảm bớt áp lực, thư giãn sau mỗi giờ học căng thẳng.

Đứng trên bục giảng với cương vị là giáo viên, thầy không chỉ coi chúng tôi là những người học trò mà còn là những người con, ánh mắt thầy ôm chúng tôi vào trong đó.  

Tôi không hay tiếp xúc với thầy nhiều. Tôi vốn nhút nhát, ít nói nên không hay nói. Người cha thứ hai của tôi là một người rất chu đáo. Thầy luôn quan tâm đến học sinh cho dù là những điều nhỏ nhất, những cử chỉ ân cần, lời nói trìu mến thân thương hay cái vỗ vai an ủi. Thầy thường giúp đỡ các bạn trong lớp có hoàn cảnh khó khăn, trong đó có tôi.
Tôi vốn sinh ra trong một gia đình khá giả, nhưng sau một vụ tai nạn giao thông, ba tôi phải đấu tranh giữa sự sống và cái chết. Nhưng rất may mắn cho mẹ con tôi, sự hi vọng mong muốn của gia đình tôi đã thành hiện thực cho đến ngày ba tỉnh lại sau 11 ngày bất động. Nhưng ngay sau đó, gia đình tôi phải gặp một trở ngại, đó là tinh thần của ba tôi không ổn định. Tôi biết, đó là cái giá mà tai nạn giao thông mang lại. Khi đó, tôi càng trở nên tự ti về bản thân mình, ít giao tiếp với mọi người. Sau vụ tai nạn đó, cuộc sống của gia đình tôi gặp khó khăn hơn trước. Nhà tôi mất một khoản tiền lớn cho việc chi trả chữa bệnh cho ba, mẹ tôi phải làm việc cật lực để nuôi cả 5 miệng ăn. Tôi đã có ý định xin mẹ đi làm thêm, đến khi nói ra, mẹ mắng:

- Chẳng lẽ mẹ chưa nuôi nổi mày sao?

Tôi ngậm ngùi im lặng. Mẹ vốn là người phụ nữ nghị lực, chịu thương chịu khó, đảm đang, nhưng đáng tiếc căn bệnh quái ác không buông tha một ai. Căn bệnh đó, đã chọn mẹ tôi làm mục tiêu! Bà ấy bị... ung thư phổi. Những dấu hiệu ban đầu như khó thở, tức ngực, mệt mỏi, nhiều đờm của mẹ tôi được bác sĩ chuẩn đoán là tràn dịch màng phổi. Sau đó, họ giữ mẹ tôi để chữa trị nhưng sức khỏe ngày càng yếu đi. Cho đến khi, mọi thứ đã đi quá xa, tất cả các bác, các cô chú giấu mọi chuyện để không cho bố và chị em tôi biết, tôi đã nghe được chuyện đó khi đi học về. Mẹ tôi, bị ung thư. Tôi không tin. Tai tôi như bị ù đi. Chiếc cặp sách bị lực hút Trái Đất làm rơi xuống sàn. Cơ thể tôi lúc đó như ngàn mũi kim thi nhau đâm vào da thịt. Tôi ngồi bó gối dưới đất, bật khóc. Tôi không biết mình đã khóc được bao lâu, nước mắt làm nhòe đi tầm nhìn. Lặng lẽ nước mắt lăn trên má, tôi lấy tay lau đi. Khi đó tôi bước vào, chắc mẹ đã biết tôi phát hiện ra, bà khó nhọc thở từng hơi hỏi:

- Con về rồi... 

Giây phút ấy, trái tim tôi chậm lại một nhịp, tại sao mọi tai họa lại ập lên đầu gia đình tôi? Tôi đã than trách cuộc đời bất công, đã đè nặng lên vai mẹ tôi một gánh nặng quá lớn, tự trách bản thân quá vô dụng không thể san sẻ nỗi vất vả cùng mẹ. Tôi thương bà ấy, nỗi lòng đó tôi chôn sâu tận đáy lòng, nghẹn mãi không thể nói ra. Và tôi đã quyết định đi làm thêm. Tôi biết, mẹ tôi chỉ dặn dò tôi phải lễ phép, nghe lời chăm chỉ, chịu khó, chỗ nào không biết phải hỏi, nhưng trong lòng mẹ rấy lên nỗi đau xé gan xé ruột vì tôi. Mẹ thương tôi, tôi cảm nhận được qua những lời hỏi han, ánh mắt trìu mến sau mỗi hôm tôi đi làm về. Mẹ tôi bị bệnh, nhưng lúc nào cũng minh mẫn, nhắc nhở, dặn dò chị em tôi. Nhiều lúc thương mẹ tôi thầm khóc, rồi cho đến khi, thầy tôi biết chuyện. Hôm đó, là thứ hai. Một buổi sáng cuối đông se lạnh, sau tiết chào cờ đầu tuần, thầy ngồi trong phòng giáo viên. Tôi bước vào, giọng thầy cất lên:

- Em ngồi xuống thầy hỏi một số chuyện được không?

Tôi kéo ghế ngồi đối diện thầy, giọng run run:

- Dạ vâng.

Trong lòng tôi nổi lên cảm giác lo lắng, giọng thầy như xua tan cái lạnh mùa đông, thầy hỏi:

 - Mẹ em bị bệnh sao?

Câu hỏi đó như giáng lên tâm trí tôi một đòn với lực đem lại rất lớn. Tôi bắt đầu có cảm giác bất an. Tôi vốn rụt rè, ít nói. Từ khi biết mẹ bị bệnh, tôi đến lớp chẳng mấy khi nói chuyện với bạn, lúc nào cũng gục mặt xuống bàn, những bài giảng của thầy cô cũng khó tập trung. Tôi nhẹ giọng thưa:

- Vâng...thưa thầy...

Nhiệt độ trong phòng lúc này theo tôi cảm nhận là giảm mạnh và lạnh hơn bên ngoài, thầy tiếp tục hỏi:

- Mẹ bị bệnh nặng phải không?

Tôi vỡ òa cảm xúc, nước mắt từ từ lăn xuống:

- Vâng, mẹ em bị ung thư phổi giai đoạn cuối...

Sự im lặng bao trùm lên cả căn phòng, ánh mắt dịu dàng của thầy như đang sưởi ấm tâm hồn giá lạnh của tôi, thầy lặng ngồi nhìn tôi. Cho đến khi tôi ngừng khóc, thầy nhẹ nhàng cất giọng:

- Em hãy cố gắng lên, hãy vượt lên hoàn cảnh, học tập thật tốt mới không phụ lòng bố mẹ. Thầy cùng các bạn sẽ giúp đỡ em nếu em khó khăn và cần sự trợ giúp.

Thầy vỗ nhẹ vai tôi, động viên an ủi. Khi đó, ánh mắt của người trí thức không còn cương nghị hoạt bát mà thay vào đó là một biển yêu thương, quan tâm chu đáo vỗ về an ủi. Thầy không chỉ là một người thầy, dạy dỗ học sinh mà còn là một người cha già kính yêu. Ngay sau đó, các bạn trong lớp cũng biết chuyện. Thầy cùng các bạn thống nhất đi thăm mẹ tôi. Và mùa hạ năm đó, tôi cảm giác như nó không phải mùa hạ. Nó còn lạnh hơn cả mùa đông, và mẹ tôi...bà ấy không qua khỏi. Tôi như kẻ mất hồn, lồng ngực tôi đau, rất đau. Tôi như kẻ rơi trên đỉnh núi cao hàng nghìn mét rơi xuống, cả cơ thể đau đớn. Trước mắt tôi là cả một bầu trời đen tối. Tôi không rõ, cảm xúc khi đó, chỉ có một điều mà tâm trạng lúc đó là tôi đã tự nói với bản thân: Tôi không còn mẹ. Tôi đã gần mẹ nhiều nhất có thể, chăm sóc bà ấy hết mực nhưng thượng đế không thấu hiểu tấm lòng tôi. Người đã cướp đi người phụ nữ mà cả đời tôi tôn sùng nhất, yêu thương nhất. Và thầy chỉ là giáo viên bộ môn, thầy không biết tin đó. Tôi không trách thầy. Nhưng có lẽ, khi biết tin này, thầy sẽ có chút giận tôi khi tôi không nói chuyện này cho thầy, tôi không có số thầy. Tôi đã phụ lòng thầy.

Tiếng trống trường vang lên, thúc giục học sinh, một mùa tựu trường bắt đầu. Tôi nhìn xung quanh thấy thầy trong chiếc áo sơ mi trắng kết hợp với quần Âu xám. Nắng thu không thể lu mờ nụ cười phúc hậu đó, có lẽ hết khóa chúng tôi, khi chuyến đò cuối cùng cập bến này, thầy sẽ nghỉ hưu. Trong tiết học đầu tiên của thầy, thầy nhìn tôi. Tôi biết, ánh mắt khi đó của thầy dành cho tôi như thế nào, vẫn giọng nói ấy, thầy cất lên:

- Mẹ em... không qua khỏi sao?

Chiếc băng đen đeo trong màu áo trắng đã nói lên điều đó. Tôi cúi đầu im lặng, nước mắt không hẹn mà khẽ rơi, nhòe đi những nét chữ mực bút bi chưa kịp khô mực. Thầy ân cần xoa đầu tôi và nói:

- Chiều nay thầy sẽ đến và có nén nhang thắp hương mẹ em.

Tiếng nấc làm thao thức đáy lòng, thầy vẫn giữ im lặng nhìn tôi. Tôi không biết cảm xúc của thầy khi ấy thế nào, nhưng tôi hiểu trong con người thầy là cả một bầu trời yêu thương đang dành cho tôi. Không chỉ riêng mình tôi, mà còn một số bạn học sinh khác thầy cũng như vậy, thầy luôn quan tâm đến học trò của mình. Thầy như người cha già tâm lý của học sinh, tuy bề ngoài của thầy được bao bọc bởi ánh mắt tinh anh, gương mặt chữ điền, kèm theo cái lạnh trong những câu nói thẳng, nhưng thầy là một người rất ấm áp.

Thầy thường kể cho chúng tôi về những bài học cuộc sống, đọc cho chúng tôi những bài báo đầy ý nghĩa hay kể về cuộc đời dạy học. Cả một quá trình rèn người không phải ai cũng thành công trong việc đó.

Dưới mái trường thân yêu, tiếng ve như giục giã mỗi học sinh phải học tập thật tốt để bước lên bục vinh quang sau những chặng đường cố gắng nỗ lực. Những căng thẳng ở cuộc chạy đua trong học tập lại được cái nắng mùa hè góp vào đó quả thực là rất áp lực. Thầy đứng trên bục giảng, lấy chiếc khăn lau đi những giọt mồ hôi. Chuyến đò cuối cùng, thầy đặt biết bao nhiêu hi vọng vào đó. Thầy luôn mong muốn các thế hệ học sinh đều đạt được thành công. Cách dạy của thầy rất đặc biệt. Thầy không bao giờ đọc những bài văn mẫu cho chúng tôi chép vào để học tập, thầy chỉ giảng!

- Nếu viết mà không hiểu thì viết có ích gì?

Tôi thấy thầy nói đúng. Con người cần phải vận động suy nghĩ, chứ không phải máy móc. Nếu viết mà không hiểu, không có thời gian tự học thì cũng vô dụng. Thượng đế ban cho con người hai cái tai, một cái miệng thì hẳn là có mục đích. Phải nghe nhiều hơn nói, khi nghe mới có thể tiếp thu được những gì người khác muốn truyền đạt. Thầy vẫn luôn dõi theo những bước chân của học sinh chúng tôi. Thầy vun trồng chăm sóc những cái cây, để khi trưởng thành, nó ra hoa kết trái. Và kì thi Trung học phổ thông đã đến, chúng tôi phải rời xa mái trường mến yêu cũng bao thầy cô bạn bè. Tạm biệt người lái đò với nửa cuộc đời rèn luyện đạo đức con người. Tôi lặng nhìn theo bóng lưng thầy. Thầy quay lại nhìn tôi mỉm cười. Tôi thực sự không muốn rời ra nơi này, và cả thầy - người cha thứ hai của tôi.

Ngày hôm nay, nhân dịp 40 năm thành lập trường, tôi trở về trường với niềm vui hân hoan, bồi hồi. Tôi gặp thầy cô, bạn bè cũ và... tôi gặp thầy. Tuổi già đến nhanh quá! Mái tóc kia sao lại nhiều sợi bạc đến vậy? Tôi tiến lại gần thầy:

- Em chào thầy...

Thầy nhìn tôi. Những nếp nhăn bắt đầu xuất hiện trên gương mặt thân thương đang tố cáo tuổi già, thầy hơi nheo mắt: 

- Trang đấy à!

  Tôi mỉm cười hạnh phúc ôm trầm lấy thầy, nước mắt đọng trên khóe khẽ thưa:

- Vâng, thầy vẫn còn nhớ em sao?

 - Sao mà quên được!

Ôi, tôi nhớ giọng nói này quá! Cái giọng nói đầy yêu thương nhưng cũng không kém phần cương trực. Thầy vẫn giản dị như ngày đó, nhưng cái khác là thầy đã già đi rất nhiều.

 Tôi cùng thầy ngồi kể chuyện. Tôi không còn là đứa con gái rụt rè, nhút nhát như ngày đó nữa. Tôi cùng thầy kể về những kỉ niệm như thầy không thích mấy đứa con gái đánh son phấn, ăn mặc không đúng quy định. Kể về những buổi đi tham quan do thầy tổ chức. Hay những giờ thầy cho lớp tôi giờ Trung bình và Khá vì thầy bất chợt kiểm tra bài cũ. Và kỉ niệm đáng nhớ của lớp tôi khi đó là khai trương sổ đầu bài mới với một giờ Khá và một giờ Trung bình của thầy. Tôi còn nhớ thầy thường hay kể về cuộc đời của thầy khi là một thanh niên sức dài vai rộng. Và cũng không quên ôn lại những kỉ niệm riêng giữa tôi và thầy.

Thầy hỏi tôi:

- Thế giờ em đang làm gì?

- Dạ, em đang làm trong một công ty nhỏ thưa thầy.

 Thầy nhìn lên bầu trời, ánh mắt xa xăm kia, tôi không thể nhìn tận đáy mắt thầy, nó bình yên sâu thẳm như mặt hồ. Nghề dạy học, không phải mỗi mình dạy mà phải còn học. Như vậy, là học hai lần. Dạy học quả là một nghề rất cao quý. Tôi cùng thầy trò chuyện, giọng nói và cử chỉ, ánh mắt kia vẫn tồn tại cả một bầu trời yêu thương. Tôi và thầy ngồi cùng một lúc thì một số bạn và các anh chị khóa trên cũng đến. Tôi ngồi trò chuyện một lúc rồi cúi chào thầy, xin phép ra về.

Thầy tôi... Ngọn đèn trong đêm khuya đã soi sáng con đường chúng tôi đi. Thầy, không những truyền đạt kiến thức mà còn dẫn lối tâm hồn chúng tôi vươn đến cái "Chân" và thực hành cái "Thiện". Tôi có được như ngày hôm nay cũng nhờ vào sự dạy dỗ cùng tình thương của thầy. Thầy tôi, người thầy mà tôi ghi nhớ mãi.

                                                                                                                                                                                                               H.T

(VNNB239/6-2020)

Bài viết khác