Chủ nhật, 19/05/2024

Hoa Lư tứ trấn - Thăng Long tứ trấn sự tương đồng và khác biệt

Thứ tư, 22/02/2023

MAI ĐỨC HẠNH

Nhìn bao quát, Hoa Lư và Thăng Long đều là “Kinh đô” - thủ đô của một quốc gia phong kiến tập quyền, độc lập, tự chủ “Nam quốc sơn hà nam đế cư”, sánh các quốc gia khác có cùng một thiết chế xã hội về chế độ chính trị, quân sự, kinh tế, văn hóa… của một kinh đô và quốc gia... Song, trong vận thế của nước Việt, Hoa Lư tứ trấnThăng Long tứ trấn lại có sự tương đồng và khác biệt cơ bản mà không phải ai cũng đều nhận thấy.

1. Về sự tương đồng:

Thứ nhất: Hoa Lư tứ trấn và Thăng Long tứ trấn đều dùng thuật trấn yểm ở bốn phương Đông - Tây; Nam - Bắc với lựa chọn và dựng đền thờ (ba) Thần và (một) Thánh trấn trị, như đã trình bày ở phần trên.

Thứ hai: Cùng một sự lựa chọn “Thiên Thần” là những vị thần của tự nhiên như thần Cao Sơn, thần Thiên Tôn (Hoa Lư) Trấn Vũ (Thăng Long) tượng trưng cho sức mạnh của tự nhiên; “Thổ thần” Bạch Mã (Thăng Long) và Quý Minh (Hoa Lư). Dù là Thiên Thần, với người Việt, các thần đều có công tích hộ nước và an dân.

Thứ ba: Cùng có sự lựa chọn Đức Thánh, con người trần thế, có gốc tích, do khổ luyện mà có quyền năng (tài năng) siêu phàm, có công lao phi thường vì cộng đồng của Hoa Lư - Đại Cồ Việt (Chí Thành - Minh Không), Thăng Long - Đại Việt (Hoàng tử Linh Lang - Linh Lang Đại vương), cùng được nhân dân và lịch sử suy tôn làm Thánh, được dân tin tưởng chọn và đặt thờ làm thần trấn trị giữ yên đô thành.

Thứ tư: Thời điểm có thể khác nhau (trước hoặc sau) nhưng cả hai hệ thống trấn trị của hai kinh đô đều cùng dần từng bước bổ sung và hoàn thiện hệ thống Thần và Thánh trấn trị theo quan niệm địa lý phong thủy của người Việt.

Thứ năm: Cùng là ước nguyện của cộng đồng và dân tộc mãi mãi biết ơn, thành tâm kính thờ theo tinh thần “uống nước nhớ nguồn”, trong diễn tiến: Hoa Lư khơi nguồn, đặt nền móng, Thăng Long tiếp nối và phát triển; Hoa Lư luôn có trong Thăng Long, Hoa Lư góp làm động lực, làm sức mạnh để Thăng Long đổi mới và phát triển. Thăng Long luôn tiếp nối Hoa Lư, đều được thần linh và tổ tiên phù trợ, cùng toàn dân trên dưới một lòng đoàn kết, cộng đồng và dân tộc cùng chung tay vượt qua mọi trở ngại đánh bại giặc ngoại xâm, giữ yên bờ cõi; người Kinh kì - Kẻ chợ(1) lao động sáng tạo xây dựng đất nước phồn thịnh trong độc lập tự do.

Phong cảnh Cố đô Hoa Lư               Ảnh của THANH HẢI

2. Sự khác biệt: Nhìn bao quát, chúng ta có thể thấy, sự khác biệt rõ rệt nhất giữa Hoa Lư tứ trấnThăng Long tứ trấn:

Thứ nhất: Về kiến trúc thành trì của hai kinh đô, Thành Hoa Lư mang đầy đủ tính chất của kinh đô đầu tiên của một quốc gia độc lập thống nhất mà không phải là trị sở của ngoại bang hay thành lũy quân sự của một thế lực cát cứ thuần túy. Thành - quốc đô Hoa Lư cũng bao gồm ba khu (Nội - trong; Ngoại - ngoài và Nam - phía nam) nhưng theo một cấu trúc tự nhiên của sông, núi… mà không phải là ba vòng thành đắp bằng đất bao bọc và trong nhau như thành Thăng Long đô. Thành Hoa Lư là ba khu độc lập, liền kề, núi, dãy núi đá vôi tự nhiên liên kết thành tường thành tự nhiên; nối nhau khép kín bằng các đoạn tường thành hỗn hợp chủ yếu là đất và đá, thông nhau bằng “cổng - cửa”, đời sau gọi là Kinh thành (đô) đá, công - thủ chắc; hợp với thế nước chưa ổn định, cát cứ chưa yên, biên cương giặc nhòm ngó, lăm le thôn tính.

Khác với Hoa Lư thành, Thăng Long thành có kiến trúc ba vòng thành đất bao bọc nhau (kiểu Cổ Loa của An Dương vương và Ngô Quyền), giữa vùng trũng của châu thổ sông Hồng, bốn bề là “nước” (bởi hồ đầm và ba sông là sông Hồng, Tô Lịch và Kim Ngưu); vốn là trị sở các đời ngoại bang (Cao Biền). Tuy là ba vòng bao nhau nhưng khi có biến động, thành Thăng Long công và thủ đều khó thuận. Đây là kinh thành phù hợp làm kinh đô của một nước với một tâm thế mới, hợp với giai đoạn lịch sử mới, hoàn cảnh mới, thời kì mới: thời kì hòa bình, yên ổn, chung tay lao động để xây dựng đất nước.

Thứ hai: Kinh đô hoàn chỉnh của một quốc gia bao gồm 2 thành tố: Vua (nhà nước) và muôn dân (cư dân kinh đô). Thế kỉ X, Hoa Lư là kinh đô của một nước nhưng trong hoàn cảnh cụ thể tại thời điểm đó, “Hoa Lư là một kinh đô - quân thành, chú trọng và ưu tiên yếu tố quân sự để đề phòng nguy cơ ngoại xâm và nội loạn vẫn đang là vấn đề thời sự(2), chức năng chủ yếu là “bảo vệ để đứng vững”. Vì vậy, cư dân “tại kinh đô có nhiều quan lại bao quanh một ông vua để quản lý cả một vùng nông thôn rộng lớn(3) để quản lý đất nước, giữ vai trò chính yếu. Kinh đô Hoa Lư cũng có chợ (chợ Triền), có các “xưởng thợ” sản xuất vật liệu xây dựng kinh đô… nhưng nhỏ lẻ và ở ngoài “Cấm thành”. Yếu tố phố phường, phố chợ… manh mún. Cư dân của kinh đô Hoa Lư rất mờ nhạt. Chỉ khi Lý Thái Tổ rời đô (1010), dân quê trong vùng mới tràn vào “đô thành”, lập làng (xã) như các làng quê Việt truyền thống khác. Kinh đô Thăng Long thì khác. Các vòng thành từng có đã sự phân chia. Kinh kì (nơi vua ở) và Kẻ chợ (khu dân cư, đời sau gọi là 36 phố phường) được mặc định rõ ràng. Để thân dân và hiểu dân, nhà Lý đã cho các Thái tử, Hoàng tử ra ở Hoàng thành để sống gần dân, hiểu dân và “thân dân”.

Thứ ba: Vị trí đền thờ các vị thần trấn trị của Thăng Long tứ trấn bị “đẩy về bốn đỉnh” (Đông: Bạch Mã - Long Đỗ; tây: Voi Phục - Linh Lang; nam: Kim Liên - Cao Sơn; bắc: Trấn Vũ - Huyền Thiên) và đều nằm trong thành. Hoa Lư tứ trấn thì khác. Đền thờ thần trấn trị của Hoa Lư tứ trấn giữ vai trò trung tâm ở bốn phương (đông: Thiên Tôn - Trấn Vũ; tây: Bái Đính - Cao Sơn; nam: đền Trần - Quý Minh và bắc: Đức Thánh Nguyễn), đều nằm ở ngoài kinh thành; Và, không ít người nhầm tưởng bởi thực tế, nó không trùng phương vị với phương vị của Thăng Long tứ trấn. Chỉ khi quay hệ thống thần trấn trị của Thăng Long tứ trấn hoặc Hoa Lư tứ trấn theo chiều ngược nhau một góc 90o, vị trí các đền, thờ các thần - thánh trấn trị mới có được sự trùng khít nhau.

Thứ tư: Mô hình cấu trúc trấn trị của Hoa Lư tứ trấn là một mô hình cấu trúc tự nhiên, hoàn chỉnh hình thế của thuyết địa lý phong thủy, tạo được sự liên kết tương thích bền vững, thực hiện nhiệm vụ “ngăn chặn, cản trở, bảo vệ” bởi cấu trúc trấn trị của mỗi phương đều có thành - núi + hào - sông (đông: Dũng Đương - Sông Đáy và Hoàng Long; tây: Bái Đính + Hoàng Long; nam: núi Thiện Dưỡng + sông Thiện Dưỡng; bắc: Ba Chon + Đại Hoàng) và sức mạnh của linh thần (đông: Thiên Tôn; tây: Cao Sơn; nam: Quý Minh; bắc: Không Lộ). Đây là một  một cấu trúc tự nhiên, nhiều tầng, nhiều lớp, ken dày, vững trãi theo lối "âm dương giao đãi" bởi hai lớp: Lớp thứ nhất: “âm phù” bởi các hệ thống đền thờ vua Đinh (20 nơi), vua Lê (13 nơi) và Triệu Việt Vương (13 nơi); các Thánh Nguyễn (22 nơi)(4), Thánh Tô) các tướng hai triều Đinh - Tiền Lê và Lý… cùng đó là hệ thống tín ngưỡng thờ tổ tiên và lễ hội văn hóa dân gian cố kết cộng đồng trên khắp miền đất Hoa Lư - Trường Yên. Hệ thống các di tích thờ vua Đinh ở phía bắc và đông của tỉnh (Nho Quan, Gia Viễn, Hoa Lư); hệ thống các đền thờ vua Triệu Quang Phục và vua Lê Đại Hành ở phía nam (Hoa Lư, thành phố Ninh Bình, Yên Mô, Kim Sơn); các đình, đền, miếu thờ thần Cao Sơn và Quý Minh ở phía nam và phía tây; Hệ thống đền thờ các Thánh Nguyễn (22 nơi), thánh Tô (04 nơi); các thành hoàng là các Hoàng tử, Công chúa và tướng lĩnh ba triều Đinh - Tiền Lê và Lý(5) bao quanh kinh đô, các đời luôn hiển linh hộ quốc, an dân phủ khắp miền đất phủ Trường Yên, tạo thành nhiều lớp liên kết với nhau chung quanh Chính đền - Chính thần (đền Vua Đinh, vua Lê ở Trường Yên) của kinh đô tạo thành vành đai “linh thần - âm phần" bảo vệ kinh đô phía ngoài kinh thành. Lớp thứ hai “dương trợ” bởi hệ thống các núi, dãy núi tự nhiên bao quanh núi Chính phương (Dũng Đương, Bái Đính, Thiện Dưỡng và Ba Chon) và sông là hào tự nhiên làm bình phong, làm vọng tiêu, làm hào lũy ngăn, chặn, chắn "tà khí" xâm nhập. Theo đó, tướng lĩnh có tài thao lược các triều Đinh, Tiền Lê, Lý… khi còn sống làm tướng, trực tiếp chốt chặn các cửa ngõ; khi mất, được thờ làm thành Hoàng ở các đình đền ở mỗi trấn và trong hệ thống tứ trấn bảo vệ Kinh đô - Cố đô Hoa Lư (sự kiện vua Đinh và con trai Đinh Liễn bị Đỗ Thích giết hại hiện vẫn còn là một tồn nghi của lịch sử chưa có lời giải đáp thỏa đáng). Đây cũng là điểm khác biệt trong cách bố trí hệ thống cấu trúc mỗi trấn so với cấu trúc “trấn” của kinh đô Thăng Long.

Do đặc điểm địa hình của Đại La, để có được kiểu kiến trúc phong thủy như mong muốn, lấy triết lý “cao nhất xích vi sơn” (cao một thước cũng là núi), ngay từ khi ra Thăng Long (1010), Lý Thái Tổ đã phải cho đắp núi đất(6) tạo thế để trấn ở phía trước, hoặc để làm hậu chẩm (ở sau), tự khơi dựng hưng khí tạo cân bằng “âm - dương” mà thực hiện phép địa lý phong thủy, trấn trị cho Thăng Long. Do vậy mà Thăng Long tứ trấn là bốn ngôi đền thờ bốn vị thần - thánh đẩy về bốn đỉnh của bốn hướng Đông - Tây; Nam - Bắc và đều nằm trong vòng thành - Hoàng thành Thăng Long.

Thứ năm: Khác biệt với Hoa Lư tứ trấn, phía ngoài thành của Thăng Long tứ trấn là bốn Nội trấn (còn gọi là phiên trấn, hay kinh trấn). Mỗi Nội trấn là một “xứ đất(7) bao gồm nhiều tỉnh cùng thực hiện việc ngăn chặn, trấn áp và bảo vệ từ xa của kinh đô. Đó là bốn vùng đất rộng lớn, đông dân, lực lượng hùng hậu của đồng bằng Bắc Bộ ngày nay. Mỗi Nội trấn (xứ đất) đặt một trung tâm làm sở chỉ huy: Kinh Bắc (xứ Kinh Bắc); Sơn Nam (xứ Sơn Nam); Hải Dương (xứ Đông) và Sơn Tây (xứ Đoài).

Thứ sáu: Nếu Thăng Long tứ trấn chỉ thần (thánh) Linh Lang có nguồn gốc phát tích ở Thăng Long thì Hoa Lư tứ trấn có ba (Thiên Tôn, Cao Sơn và thần Khổng Lồ) trong số 4 vị thần trấn trị có nguồn gốc phát tích bản địa (Hoa Lư).

Thần Trấn Vũ của Thăng Long tứ trấn có nguồn gốc từ phương Bắc (Trung Quốc) tên thật là Chấp Minh, tượng trưng cho sao Bắc Cực; khi du nhập vào Việt Nam gọi là Trấn Vũ (Võ); xuất hiện vào đời Hùng Vương thứ 6 và 7, giúp An Dương Vương xây thành Cổ Loa, Lý Thánh Tông diệt Hồ ly tinh; được thờ ở đền Quan Thánh, trấn Bắc với tư cách là người giúp nước Việt đánh đuổi giặc ngoại xâm. Nhưng, thần Thiên Tôn trong Hoa Lư tứ trấn lại có nguồn gốc Hoa Lư từ sự ra đời, tên gọi (Thiên Tôn), đến cách hành xử đều hướng về thế sự của đời sống Hoa Lư - Trường Yên, được một hệ thống truyện kể về Ngài của người Hoa Lư theo diễn tiến lịch sử chống lại âm mưu thôn tính của thế lực ngoại bang, bảo vệ quốc gia phong kiến tập quyền Đại Cồ Việt theo mô tuýp Hoa Lư.

Thần Cao Sơn của Hoa Lư tứ trấn là con thứ 17 Lạc Long Quân, nhưng là người tìm ra loài cây, thân có bột dùng làm bánh thay bột gạo ở Thiên Dưỡng của Hoa Lư, lấy tên mình đặt tên cho cây là Quang Lang và được người Hoa Lư gọi là cây “búng báng”; Thần dạy và giúp dân Hoa Lư làm ăn sinh sống; được Vua Đinh cho dân lập đền thờ trên núi Bái Đính, giao cho trấn trị ở phía tây để bảo vệ kinh đô - Cố đô Hoa Lư.

Với Thăng Long tứ trấn, cho mãi đến đời Hậu Lê (1428 - 1789), thần Cao Sơn, từ Hoa Lư, Thăng Long rước về thờ ở đền Kim Liên(8) trấn trị ở đỉnh phía nam để trở thành một trong bốn vị thần trấn trị của kinh đô Thăng Long.

Thần Quý Minh được vua Đinh Tiên Hoàng lập thờ tại đền Nội Lâm, thành Nam - Tràng An của kinh đô Hoa Lư nay thuộc xã Ninh Hải, huyện Hoa Lư, đời Trần Thái Tông (1225 - 1258) cho xây dựng lại đền Nội Lâm nên gọi là đền Trần như ngày nay.

Thần Khổng Lồ xuất hiện ở thế kỉ XI, có nguồn gốc phát tích ở vùng văn hóa Hoa Lư, tên thật là Nguyễn Chí Thành (1065 - 1141), có quê hương bản quán, cha mẹ, sinh ra và lớn lên ở làng, tu thành chính quả lại trở về làng. Đắc đạo mà không thoát tục, hành đạo luôn hướng về người dân và đất nước; lấy lợi ích của dân, nước làm trọng mà phấn đấu và hi sinh bản thân.

Trên thực tế, các vị thần - thánh Thiên Tôn, Cao Sơn, Quý Minh và Khổng Lồ đều là những vị thần, thánh đại diện cho sức mạnh siêu nhiên của trời, đất, núi sông và con người Hoa Lư; đều có nguồn gốc phát tích và gắn bó góp phần tạo nên vùng văn hóa Hoa Lư; đều là những người có công trấn giữ miền đất Hoa Lư thế kỉ X, vùng chiêm trũng xứ Sơn Nam thế kỉ XI, miền cận nam của đồng bằng sông Hồng, cửa ngõ phía bắc của Bắc Trung Bộ Việt Nam; được thờ phụng ở các miền của Hoa Lư tứ trấn theo tín ngưỡng “thờ cúng tổ tiên”, theo quan niệm “uống nước nhớ nguồn” của người Việt Ninh Bình. Tên tuổi và sự nghiệp vẻ vang của các vị thần, thánh được lưu truyền ở khắp miền Hoa Lư - Ninh Bình bằng những phương thức vật thể và phi vật thể, được ghi chép lại bằng ngôn ngữ bình dân, một kết cấu khá hoàn chỉnh; được các đời ban sắc, tôn phong tới Thượng đẳng thần; Và, được nhân dân khắp xứ Trường Yên - Ninh Bình lưu truyền và phụng thờ.

Thứ bảy: Kết hợp tín ngưỡng thờ Vua và các tướng lĩnh đời Đinh - Tiền Lê với các vị thần, thánh ở mỗi trấn, Hoa Lư tứ trấn trở thành thành “thành trì” siêu hình, sức mạnh tinh thần, niềm tin, ý chí kiên cường bảo vệ kinh đô - cố đô là đặc điểm nổi bật làm nên đặc trưng tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên mang bản sắc văn hóa Hoa Lư - Trường Yên - Ninh Bình. Đó cũng chính là sự khác biệt của không gian văn hóa Hoa Lư tứ trấn và Thăng Long tứ trấn. Tính đến năm 2012, Ninh Bình có 1.500 di tích, trong đó 354 ngôi chùa, 229 đình, 381 đền, 98 miếu, 51 phủ, trong số đó khoảng 1000 di tích thuộc loại di tích hỗn hợp giữa thắng cảnh, khảo cổ, cách mạng, lịch sử và kiến trúc; 03 di tích cấp quốc gia đặc biệt. Các di tích thời Đinh (968 - 979); các di tích liên quan đến kinh đô Hoa Lư; các nhân vật lịch sử thời Đinh - Tiền Lê chiếm áp đảo với số lượng gần 300 di tích. Trong Hoa Lư tứ trấn, ngoài bốn đền thờ thần Chính phương giữ vai trò chủ đạo ở mỗi trấn, vị Chính thần của trấn còn được các làng, xã, tổng của mỗi trấn cùng phương thờ làm Thành hoàng(9), tạo thành một vành đai tâm linh như thành lũy vô hình đầy sức mạnh bảo vệ kinh đô - cố đô Hoa Lư. Trong khi Thăng Long tứ trấn chỉ tập trung đối tượng suy tôn vào 4 đỉnh là bốn đền thờ thờ bốn vị thần thì Hoa Lư tứ trấn trải đều trong không gian của Hoa Lư, liên kết bền chặt khiến cho người “Tiền sử” sống mãi trong lòng các thế hệ người Việt Ninh Bình bao bọc, bảo vệ kinh đô và đất nước với 22 ngôi đền(10) cùng thờ một vị thần trấn trạch. Bức tường thành tưởng như vô hình nhưng vô cũng vững chắc này không có trong cấu trúc trấn trị của Thăng Long tứ trấn.

Hoa Lư tứ trấn còn là sự kết hợp bốn vị Chính thần với hệ thống tín ngưỡng thờ Vua khá dày đặc ở cả bốn trấn làm nên nét đặc trưng tín ngưỡng thờ tổ tiên của người Hoa Lư - Ninh Bình.

Vua Đinh Tiên Hoàng (15 nơi); Vua Lê Đại Hành (14 nơi) ở Hoa Lư (04), thành phố Ninh Bình (01), Yên Mô (06), Yên Khánh (02); Vua Triệu Việt Vương (13 nơi thờ): Yên Mô (02), Yên Khánh (05), Kim Sơn (06). Ngoài ra, Phùng Hưng, Lý Thái Tông, Trần Thái Tông, Quang Trung… (hiện chưa thống kê).

Tướng lĩnh các triều Đinh như Nguyễn Bặc (Ninh Hòa, Hoa Lư), Đinh Điền (đền Hận, thôn Kì Vĩ), Lưu Cơ, Trịnh Tú; triều Tiền Lê như Phạm Hạp… được thờ làm thành hoàng hoặc phối thờ ở các đình, đền, chùa, phủ… của các làng, xã, tổng, phân bố khá đều, bao bọc, ken dày phò giúp các vị Chính thần trấn trị ở cả bốn hướng.

Khi Thăng Long tứ trấn chỉ suy tôn bốn vị thần vào bốn đỉnh, ở bốn đền thờ thì không gian Văn hóa Hoa Lư tứ trấn không chỉ lấy 4 đền chính (Chính đền), trấn trạch 4 hướng với tư cách là Chính thần mà vị Chính thần đó còn được linh ngự và trải đều trong không gian 4 phương (mỗi phương không phải chỉ là một đơn vị hành chính, tuy không phải là tỉnh như Thăng Long tứ trấn) của Hoa Lư với tư cách là Thành Hoàng, bao bọc lấy kinh đô - cố đô vừa là hệ thống phòng thủ trực tiếp, vừa là hệ thống phòng thủ từ xa dày đặc như “lũy tre Việt Nam”, mềm mại như “hào nước - sông suối”, bền chắc như núi, dãy núi - “thành đá tự nhiên” phía bên ngoài của “thánh đá” của kinh đô, bảo vệ kinh đô, giữ cho cố đô yên ổn lâu dài. Lực lượng bốn trấn của Hoa Lư tứ trấn rất hùng hậu gồm: “dương nhân” (người sống) và “linh thần” (người đã mất) dày đặc trong ngoài, khép kín bốn phía. Hoạt động của hai lực lượng hùng hậu và bền vững này, trong không gian tự nhiên là những làng mạc, núi đồi, hang động, sông nước... mà chúng ta thường gọi là môi trường diễn xướng văn hóa làm nên Văn hóa Hoa Lư tứ trấn vừa mang tính phổ quát vừa đậm sâu màu sắc vùng miền. Chính lối thờ tự, nơi (địa điểm) thờ tự, thần được thờ tự, cách thức thờ tự, hoạt động thờ tự và lễ hội của người Việt Ninh Bình làm nên chiều sâu tâm thức tâm linh, tính phong phú, đa dạng, sự hòa nhập của văn hóa Bắc (Thăng Long) - Nam (Hoa Lư), góp phần quan trọng làm nên đặc trưng rất riêng của Hoa Lư tứ trấn và Văn hóa Hoa Lư tứ trấn.

Thứ tám: Kiến trúc và thờ tự các vị thần ở mỗi trấn của Hoa Lư tứ trấn cũng theo một lối riêng, rất Hoa Lư mà Thăng Long tứ trấn không có được.

(1) Các vị thần - thánh của Hoa Lư tứ trấn đều linh trị ở các di tích kiến trúc cổ kính tự nhiên và bán tự nhiên. Đó là sự kết hợp hài hòa và bền vững giữa các yếu tố của tự nhiên là hang động toàn phần như động Sáng ở núi Bái Đính (thờ thần Cao Sơn), động Thiên Tôn, núi Vũ Đương (thờ thần Thiên Tôn) hoặc bán phần như đền Nội Lâm - Đền Trần, Ninh Hải (thờ thần Quý Minh), đền Đức Thánh Nguyễn ở núi Viên Quang (làng Điềm, xã Gia Thắng và Gia Tiến).

Những ngôi đền ấy ẩn hiện, huyền bí trong không gian đồi núi cao, rừng sâu, đèo dốc, vườn rộng, cây đại thụ rêu phong, cây ăn quả trĩu cành… không quá xa kinh thành để dân gần và sát cánh với vua, quan triều đình sẵn sàng khi cần, không quá gần để dân vừa đủ giữ được khoảng cách, lại có được sự tôn nghiêm, kính cẩn; cùng tiến và cùng lui, thuận theo và thống nhất thành một khối, đủ để trăm họ cùng bảo vệ vững chắc kinh thành; thiên tử, quan gia nghe được tiếng lòng mong mỏi của muôn dân; giữ được cho nơi thờ tự tĩnh lặng, thanh tao mà Tứ trấn Thăng Long cũng khó để có được. 

(2) Kiến trúc thờ tự ở mỗi trấn đều thuận theo tự nhiên, nhiều tầng, nhiều lớp mà vẫn thống nhất, chặt chẽ và bền vững. Núi (làm thành lũy, làm bình phong) như Ba Chon (Bắc trấn), Thiện Dưỡng (Nam trấn) hoặc kết hợp: núi vừa là thành lũy, vừa làm nơi linh trị của thần linh như Thiên Tôn (Đông trấn), Bái Đính (Tây trấn); Sông (làm hào) chắn trước như Hoàng Long, sông Đáy (trước), bọc sau sông Chanh của Đông trấn; có thể chỉ ở phía sau (bên trong) nhưng làm thành lớp lớp hào chiến như sông Thiên Dưỡng, Ngô Đồng (ở Nam trấn), sông Đại Hoàng cổ và Hoàng Long (Bắc trấn).

Sông và núi liên kết theo tầng - lớp, trước - sau tự nhiên, tạo nên âm - dương hòa hợp, tựa như đất trời sắp đặt, bao bọc lấy kinh thành đá (cũng tự nhiên) Hoa Lư. Kiến trúc ấy, các kinh đô khác (Thăng Long, Tây Đô, Tây Kinh, Phú Xuân…) không có được. Đây có phải là một sự khác lạ đến linh thiêng và huyền bí của kinh đô - cố đô Hoa Lư, khiến cả Bắc quốc, Chiêm Thành, Xiêm La… đều phải kinh sợ!? Bao nhiêu năm, Cao Biền cưỡi ác điểu dòm ngó khắp đông – tây, nam - bắc, mưu sâu chước quỷ, điểm, yểm, mưu diệt huyệt thiêng. Vậy mà xứ đất Hoa Lư này vẫn không dừng “sinh Vương sinh Thánh”. Đinh Tiên Hoàng đế vẫn vững vàng trên yên ngựa (Mã Yên sơn), cùng muôn đời con cháu hôm nay và mai sau giữ cho đất này Trường Yên (yên ổn lâu dài) như ước nguyện của Lý Thái Tổ năm nào.

Kinh thành Thăng Long được xây dựng theo mô hình Tam trùng thành quách (ba vòng thành bao nhau); bốn đỉnh của bốn phương (đông - tây - nam - bắc), là bốn đền, thờ bốn thần trấn trị, nằm trong vòng tường Hoàng thành với những cung điện (nơi vua ở và làm việc) nguy nga, những nhà ngang, dãy dọc; sông ấy làm hào, cùng với lũy đất làm thành; “… Thành Đại La, đô cũ của Cao Vương (tức Cao Biền), ở giữa khu vực trời đất, được thế rồng cuộn hổ ngồi, chính giữa Nam Bắc Đông Tây, tiện nghi núi sông sau trước. Vùng này mặt đất rộng mà bằng phẳng, thế đất cao mà sáng sủa, dân cư không khổ thấp trũng tối tăm, muôn vật hết sức tươi tốt phồn thịnh. Xem khắp đất Việt đó là nơi thắng địa, thực là chỗ tụ hội quan yếu của bốn phương” (Chiếu dời đô); người Hà Nội tự hào “Dạo xem phong cảnh Long Thành/ Đủ mùi đường phố, đủ vành núi sông/ Nhị Hà quanh bắc sang đông/ Kim Ngưu, Tô Lịch là sông bên này/ Nùng sơn, Long Đỗ đây đây/ Tam sơn núi đất cao tầy Khán sơn...” (Ca dao Hà Nội) về một Thăng Long mà Thái Tổ - Lý Công Uẩn (1010) lựa chọn, thuận về thiên thời, địa lợi, nhân hòa mở ra một thời kì và vận hội mới của đất nước hòa bình. Xem như thế mới biết kinh đô đá, kinh đô của đất nước kháng chiến tất phải có thế đất, thế sông núi và thành quách ấy… cũng là thiên thời linh ứng để nhà Đinh lập nước, lập đô, nhà Tiền Lê của Hoa Lư chuyển giao; vận hội có mở ra, nhà Lý nhạy bén mà nắm lấy cơ hội đưa Đại Việt vươn lên như rồng thăng. Ấy là một lẽ đương nhiên vậy!

Thứ chín: Khác với Hoa Lư tứ trấn, cấu trúc ở mỗi trấn của Thăng Long tứ trấn chỉ hướng vào bốn đỉnh. Bốn đỉnh là bốn ngôi đền, thờ bốn vị thần (như đã nói ở trên); bốn đỉnh hình thành bốn kinh trấn. Theo cấu trúc này, mỗi kinh trấn đặt sở chỉ huy(11) ở thủ phủ của một tỉnh thuộc kinh trấn. Nhìn tổng thể, lực lượng của bốn kinh trấn bảo vệ là rất hùng hậu nhưng cách xa kinh thành. Với khoảng cách như thế, khi kinh thành có biến (nội loạn), hoặc bị đe dọa bởi ngoại bang, kinh thành điều hành bốn kinh trấn vận hành điều binh tất khó khăn, trong ngoài khó ứng phó kịp thời. Trong khi đó, Hoa Lư tứ trấn thì khác: Trấn Đông: Thiên Tôn - Hoa Lư (Trường Yên) theo Quốc lộ 38B, đường Tiên Yết thế kỷ X: 5km; Trấn Tây: Bái Đính - Hoa Lư (Trường Yên): khoảng 2,5 km; Trấn Nam: đền Trần - Hoa Lư (Trường Yên): khoảng 4km theo đường chim bay; Trấn Bắc: đền Đức Thánh Nguyễn - làng Điềm - Hoa Lư (Trường Yên): khoảng 5 km. Đây cũng là điểm khác biệt giữa Thăng Long tứ trấn với Hoa Lư tứ trấn. Thực tế lịch sử chiến tranh nước Việt thời quân chủ (1010 - 1945) cho thấy điều đó(13). Đó cũng là những bài học “dĩ bất biến, ứng vạn biến” lâu dài mà chúng ta phải nhớ lấy, suy ngẫm, biết mình, biết người, các thế hệ người Việt biết ứng biến lao động để xây dựng và chiến đấu để bảo vệ đất nước hùng cường.

3. Lời kết:

(1) Cùng với bốn vị thần trấn trị bốn hướng của kinh đô - cố đô Hoa Lư là các hệ thống đình, đền, phủ thờ các vua (Triệu Quang Phục, Đinh Tiên Hoàng, Lê Đại Hành), thánh (Minh Không, Thánh Tô), thần (quan tướng hai triều Đinh, Tiền Lê) phủ (Mẫu thiên và nhân thần) với các kiểu kiến trúc vừa đa dạng vừa cổ kính phủ khắp và lan tỏa khắp miền Hoa Lư tứ trấn làm nên nét đặc trưng và sự khác biệt giữa Hoa Lư tứ trấn và Thăng Long tứ trấn.

(2) Cùng với đó, bề dày và sự phong phú đa dạng của hệ thống gia phả, thần phá, truyện kể và truyền thuyết kì bí, thiêng hóa làm nên diện mạo phong phú đa dạng của văn hóa, văn nghệ dân gian, lại gắn liền với một hệ thống lễ hội tôn giáo và tín ngưỡng cùng đời sống sinh hoạt văn hóa cộng đồng truyền thống mang đặc trưng của miền đất sinh Vua, sinh Thánh làm nên diện mạo Hoa Lư tứ trấn và Văn hóa Hoa Lư tứ trấn.

(3) Những sinh hoạt tín ngưỡng dân gian và tôn giáo lâu đời đó tạo nên không gian Văn hóa Hoa Lư tứ trấn cổ kính và thoáng rộng, làm nên sự đa dạng, phong phú vừa mang tính phổ quát của Văn hóa Việt vừa là nét đặc trưng của Văn hóa Hoa Lư tứ trấn.

(4) Điều quan trọng cần phải khẳng định là: Thăng Long là kinh đô nối tiếp và tiếp biến những thành tựu của Hoa Lư đô - Đại Cồ Việt và Hoa Lư tứ trấn để phù hợp hơn với một Thăng Long của Đại Việt, khai thác hiệu quả ưu thế của một kinh đô: “… Ở vào nơi trung tâm trời đất… chính giữa nam bắc đông tây” (Chiếu dời đô), xây dựng một thủ đô Thăng Long - Hà Nội văn hiến ngàn năm, thủ đô vì hòa bình, xứng tầm quốc gia của một đất nước Việt Nam “to đẹp” và “đàng hoàng” như mong ước của Hồ Chí Minh và khát vọng của dân tộc.

 

Chú thích: (1) Kẻ chợ là cách dân gian gọi người kinh đô Thăng Long xưa. Theo từ điển Bách khoa Việt Nam (tập 2, Nxb Từ điển Bách khoa, 2002, trang 180), “kẻ chợ” xuất hiện cuối thế kỉ 16, theo nghĩa hẹp: “chợ” - “khu phố dân cư… kinh doanh, buôn bán hàng hóa”. Lịch sử Việt Nam tập I chép: “Thăng Long bấy giờ quen gọi là kinh kỳ hay Kẻ Chợ, là một thành thị vào loại lớn ở Á Đông. Người phương Tây đến nước ta hồi thế kỷ XVII đều nhận xét Thăng Long là một thành thị lớn ở châu Á…”; (2) Đặng Công Nga, Kinh đô Hoa Lư thời Đinh - Tiền Lê, Sở Văn hóa - Thông tin Ninh Bình, tr.334; (3) Đênyx Lomba, Một cách nhìn mới đối với lịch sử đô thị Đông Nam Á, Báo Quân đội Nhân dân số ngày 29/12/1990; (4) Nho Quan (03 nơi), Gia Viễn (16 nơi), Hoa Lư (03 nơi) và Yên Mô (01 nơi); (5) Phất Kim, Đinh Điền, Nguyễn Bặc, Lưu Cơ, Trịnh Tú (nhà Đinh), Kinh Thiên Đại vương - Hoàng tử Lê Long Thâu (nhà Tiền Lê) Phất Ngân, Đào Cam Mộc, Lê Phụng Hiểu… (nhà Lý)…; (6) Núi Sưa (Xuân Sơn) ở trại Hàng Hoa (Bách Thảo ngày nay), cao khoảng 10 mét; núi Voi hay núi Thái Hòa (đường Hoàng Hoa Thám), núi Khán ở phía tây; núi Nùng - cao khoảng 25m so với mặt nước biển, “… ở giữa thành. Triều Lý định đô lấy núi làm chính điện” (Phan Huy Chú, Hoàng Việt dư địa chí); núi Tam Sơn ở phía Bắc là hai doi đất, dính ở phía đầu tách ra ở phía cuối, tượng trưng cho sao Thủy và sao Thổ, kết nối với đền Trấn Vũ tạo thành vòng cung trấn giữ ở phía Bắc; (7) Xứ Đông (phía đông): 4 phủ, 18 huyện của tỉnh Hải Dương, thành phố Hải Phòng và quận Kiến An; xứ Đoài (phía tây): 6 phủ 24 huyện tương đương các tỉnh Phú Thọ, Vĩnh Yên và Sơn; xứ Kinh Bắc (phía bắc): 4 phủ (20 huyện) của Bắc Ninh, Bắc Giang và Phúc Yên; xứ Sơn Nam (phía nam): 11 phủ, 42 huyện nay là Hà Đông (thuộc Hà Nội), Hà Nam, Thái Bình, Nam Định, Ninh Bình và Hưng Yên; (8) Đền Kim Liên ở số 148, phố Kim Hoa, quận Đống Đa, Hà Nội; (9) Hướng đông là vùng đất phía đông huyện Hoa Lư và thành phố Ninh Bình ngày nay, Chính thần Thiên Tôn được thờ ở động Thiên Tôn trong núi Vũ Đương còn có 7 nơi(*) làm Thành Hoàng (Bích Đào, Đại Phong, (thành phố Ninh Bình); đình Hàng Tổng, Phong Phú thuộc thị trấn Thiên Tôn, Lực Giá, xã Ninh Giang, Phú Gia, xã Ninh Khang, huyện Hoa Lư; đền Thánh Cả, làng Yên Cư, Yên Khánh). Hướng tây là vùng đất Nho Quan - Tam Điệp, cửa ngõ phía tây cố đô Hoa Lư, Chính thần Cao Sơn thờ Bái Đính; phía nam Bái Đính là đền Núi Hầu (xã Yên Thắng) huyện Yên Mô; Quèn Thờ (phường Đông Sơn) thành phố Tam Điệp; phía tây Bái Đính là miếu Cao Sơn (xã Kỳ Phú), đình Hương Thịnh (xã Phú Lộc), đền Láo (xã Văn Phú); phía bắc Bái Đính là đền Vô Hốt (xã Lạc Vân), đền Sơn Thần (xã Gia Thủy) huyện Nho Quan, Cao Sơn được thờ làm thành hoàng. Hướng nam của kinh đô Hoa Lư vốn là thành Nam kinh đô Hoa Lư; miền đất căn cứ Vũ Lâm, Hành cung của hai cuộc kháng chiến chống Nguyên Mông (1285, 1288) đời Trần; nơi phát tích Thiền phái Trúc Lâm của Phật hoàng Trần Nhân Tông. Thần Quý Minh được thờ ở Chính đền Nội Lâm (nay gọi là đền Trần). Thần còn được thờ làm Thành hoàng làng xã ở các đền Gối Đại (Ninh Hải), Miếu Sơn (Ninh Vân) Hoa Lư; Dưỡng Khê, đền Đô (Ninh Nhất), chùa Đẩu Long (Tân Thành), đền Hiềm (Phúc Thành), đền làng Thiện Trạo (Ninh Sơn), đền làng Phúc Trì (Nam Thành) thành phố Ninh Bình; đền Quảng Phúc (Yên Phong) Yên Mô... Hướng bắc là vùng đất Gia Viễn, miền đất "Đại Hữu sinh Vương, Điềm Dương sinh Thánh" là quê gốc, đồng thời là nơi có 15 di tích, trong đó có 01 Chính đền thờ thần Khổng Lồ - Đức thánh Nguyễn (Gia Thắng - Gia Tiến, Gia Viễn), đình Ngô Đồng (Gia Phú, Gia Viễn), Khu di tích động Hoa Lư (Gia Hưng), chùa Bái Đính và Địch Lộng, Gia Viễn…; (10) Nho Quan: 03; Gia Viễn: 15; Hoa Lư: 03; Yên Mô: 01; (11) Khoảng cách trung tâm chỉ huy 4 trấn với kinh thành Thăng Long: Trấn Bắc: Kinh Bắc (Bắc Ninh) - Thăng Long (khoảng 25 - 30km); Trấn Nam: Sơn Nam (Trấn lỵ Vân Sàng - Ninh Bình) - Thăng Long (90km); Nam Định (Thành Nam) - Thăng Long (110km theo Quốc lộ 1A); Trấn Đông: Hưng Yên - Thăng Long (64 km đường bộ); Trấn Tây: Hải Dương - Thăng Long (58km); Sơn Tây - Thăng Long (43 km); (13) Loạn Tam vương, đời Lý Thái Tông - Phật Mã; Ba lần kháng chiến chống Nguyên Mông (1258, 1285, 1288) của nhà Trần…

M.Đ.H

(Nguồn: TC VNNB 275+276-1/2023)

 

Bài viết khác