Chủ nhật, 19/05/2024

Nhà nước Đại Cồ Việt ra đời, bước ngoặt vĩ đại của lịch sử, đáp ứng yêu cầu cấp bách, khách quan sự nghiệp dựng nước, giữ nước và phục hưng  dân tộc

Thứ năm, 20/07/2023

TRƯƠNG HÁN VŨ

Theo sử cũ, năm 968, sau khi dẹp loạn 12 sứ quân, thống nhất giang sơn, Đinh Bộ Lĩnh lên ngôi Hoàng đế, lập nên nước Đại Cồ Việt, đóng đô ở Hoa Lư, xây dựng cung điện, chế triều nghi, thực thi quyền độc lập, tự chủ, xây dựng bộ máy nhà nước phong kiến trung ương tập quyền đầu tiên trong lịch sử phong kiến Việt Nam.

1. Nhà nước Đại Cồ Việt ra đời trên nền tảng thống nhất đất nước

Từ đầu thế kỷ X, với ba triều đại Khúc - Dương - Ngô dựng xây nền móng độc lập, tự chủ, kinh đô Cổ Loa, rồi trải qua khói lửa binh đao “Thập nhị sứ quân”, kinh đô Hoa Lư mọc dậy và đứng vững ở rìa cực Nam tam giác châu thổ Bắc Bộ, cửa ngõ quận Giao Chỉ và Cửu Chân cổ, rồi kinh đô Đại Cồ Việt được chuyển dời về thành Đại La cổ, kề sát kinh đô Cổ Loa trước đó nửa thế kỷ. Từ Cổ Loa về Hoa Lư rồi lại lên Đại La/Thăng Long, các nhà sử học gọi đây là “Khúc quanh” của lịch sử dân tộc. Không có “Khúc quanh” của lịch sử dân tộc ở Hoa Lư thì chưa chắc hẳn đã có Thăng Long. Từ kinh đô cận kề bên bờ sông Rồng Vàng (Hoàng Long) đến kinh đô Rồng Bay (Thăng Long) bên bờ sông Nhị Thuỷ là một bước lấy đà của cả dân tộc với hai triều đại Đinh - Tiền Lê và những tháng năm đầu khởi nghiệp nhà Lý trên đất Hoa Lư núi sông kỳ tú. Trong suốt bốn mươi hai năm tồn tại vững chãi, kinh đô Hoa Lư với nhà nước phong kiến trung ương tập quyền Đinh - Tiền Lê đã giữ vững nền độc lập tự chủ, thống nhất quốc gia và toàn vẹn lãnh thổ trước các thế lực cường thịnh phía Bắc, phía Nam và những thế lực cát cứ trong nước chưa loại bỏ hết tận gốc.

Chúng ta biết trong số 12 sứ quân nổi loạn, ít nhất có 5 người thuộc loại thế lực mạnh, có nguồn gốc Trung Quốc, mới nhập cư một vài đời. Đặt vận mệnh Tổ quốc trong hoàn cảnh đó mới thấy được yêu cầu cấp bách phải kịp thời thanh toán nạn 12 sứ quân và tầm quan trọng của việc khôi phục thống nhất, củng cố quyền làm chủ đất nước của người Việt ta nửa cuối thế kỷ X là vô cùng cấp bách.

Trong bối cảnh ấy, Đinh Bộ Lĩnh - một người Việt thuộc dòng dõi vọng tộc ở châu Đại Hoàng (Gia Viễn, Ninh Bình) có truyền thống yêu nước đã xuất hiện từ trước, lúc này vươn lên đảm nhiệm sứ mệnh trọng đại của lịch sử. Đinh Bộ Lĩnh đã chuẩn bị cho mình những điều kiện cần và đủ có thể thực hiện nhiệm vụ cứu vãn tình thế khi đất nước đòi hỏi. Bước vào giai đoạn quyết liệt - giai đoạn dẹp loạn sứ quân, ông tỏ ra là một nhà chiến lược tài danh xuất chúng, không chỉ biết tập hợp lực lượng, giỏi điều binh khiển tướng mà còn biết phân hóa đối tượng, kết hợp biện pháp liên kết hàng phục với hành quân tiêu diệt để hoàn thành sứ mệnh thống nhất quốc gia về một mối, “khôi phục quốc thống thời đại các vua Hùng”.

Toàn cảnh Cố đô Hoa Lư - kinh đô đầu tiên của nhà nước Đại Cồ Việt do Đinh Tiên Hoàng đế sáng lập     Ảnh: wikipedia

2. Nhà nước Đại Cồ Việt ra đời và phát triển trong cuộc đấu tranh giành và giữ độc lập dân tộc của một nước nhỏ trước nguy cơ luôn rình rập, tiềm tàng trở lại đô hộ sau nghìn năm đồng hóa dân tộc và văn hóa đại Hán đã thất bại của một đế chế cường thịnh cận lân là nhà Tống mới thống nhất toàn cõi Trung nguyên. Cuộc đấu tranh vì lợi ích chung đó đã thúc đẩy sự cố kết của các cộng đồng công xã nông thôn nhỏ bé nước ta bấy giờ vào trong một cộng đồng rộng lớn là quốc gia và dân tộc, đòi hỏi khách quan và bức thiết cần phải có một nhà nước với thiết chế đủ mạnh, có thể tập hợp lực lượng và đại diện ý chí, khát vọng cháy bỏng của cả dân tộc Việt là độc lập, gắn liền với thống nhất đất nước. Mối quan hệ giữa độc lập dân tộc và thống nhất quốc gia là một đặc điểm đặc trưng nhất, quán xuyến, sợi chỉ đỏ xuyên suốt chiều dài lịch sử dân tộc-đất nước ta do quy luật dựng nước đi đôi với giữ nước quy định. Đó là một cơ sở chính trị cắt nghĩa xu thế chủ đạo của khuynh hướng tập quyền và thống nhất của nhà Đinh lúc bấy giờ là xu hướng tiến bộ, không gì suy xuyển nổi. Một nhà nước đáp ứng được yêu cầu khách quan và cấp bách đó đã ra đời dưới sự lãnh đạo và thống soái vĩ đại của người anh hùng dân tộc xuất chúng Đinh Tiên Hoàng đế!

Nhà nước độc lập thế kỷ X vừa mới được thành lập và đang phải lo đối phó với kẻ thù xâm lược bên ngoài cũng như nhiều mối uy hiếp của thế lực cát cứ trong nước, nhưng đã bước đầu cố kết toàn dân tộc, xây dựng quốc gia với một quân đội hùng cường, nền kinh tế tự cung tự cấp phát triển trên nền tảng phát triển nông nghiệp, thủ công nghiệp và giao thương buôn bán trong nước và cả với nước ngoài.

Căn cứ vào hành động cụ thể theo trình tự thời gian lịch sử, chúng ta thấy được nguyện vọng cá nhân và mục tiêu sự nghiệp của họ Đinh trước hết muốn đem tài trí, sức lực và uy tín của mình góp phần xây dựng đất nước với một xã hội yên bình và một tổ chức quản lý cai trị đất nước vững mạnh. Kịp đến khi vận mệnh của đất nước có nguy cơ đe dọa từ giữa thế kỷ X và đất nước bị tan rã vào những năm 965-967. Đinh Bộ Lĩnh đã phất cờ dẹp loạn. Những ý nghĩa sâu sắc và cống hiến lớn lao của Đinh Bộ Lĩnh không chỉ dừng lại ở dẹp "loạn 12 sứ quân". Sự nghiệp đấu tranh khôi phục nền thống nhất đất nước của Đinh Bộ Lĩnh có tầm cỡ lớn hơn nhiều, mang ý nghĩa thời đại, quyết định cho sự thắng lợi và ưu thế tuyệt đối của xu hướng tập trung thống nhất đối với xu hướng phân tán, tự trị có nguồn gốc từ trước vẫn âm ỷ, dai dẳng tồn tại, chờ cơ hội để phát sinh. Xu hướng phân tán đó là di sản của một nghìn năm bị lệ thuộc cùng với cơ sở xã hội của nó mà các tổ chức chính quyền tự chủ từ họ Khúc, họ Dương đến họ Ngô chưa chế ngự được. Thắng lợi của Đinh Bộ Lĩnh không chỉ đẩy lùi mà còn giáng một đòn chí mạng vào xu hướng phân tán, chia cắt vừa mới bột phát, tạo điều kiện cho việc tái lập và củng cố nền thống nhất chuẩn bị cho đất nước bước vào kỷ nguyên mới của lịch sử.

Trên tinh thần đó dẹp "loạn 12 sứ quân" mới chỉ là chặng đầu có ý nghĩa trong toàn bộ sự nghiệp của Đinh Bộ Lĩnh. Để duy trì và củng cố nền thống nhất đất nước trong bối cảnh lịch sử và cơ sở kinh tế - xã hội nước ta hồi thế kỷ X, không có con đường nào khác ngoài việc thiết lập một bộ máy quản lý quốc gia tự chủ, tập trung quyền lực mạnh. Nhà Đinh ra đời đã duy trì, củng cố và phát huy thành tựu đạt được trong quá tình đấu tranh dẹp loạn, củng cố nền thống nhất, xây dựng nước Đại Cồ Việt độc lập, tự chủ.

3. Nói đến nhà nước thời Đinh và Tiền Lê tức là nói đến bộ máy quản lý quốc gia độc lập, tự chủ từng tồn tại trong lịch sử từ năm 968 đến năm 980. Bộ máy Nhà nước đó ra đời từ quá trình đấu tranh dẹp loạn 12 sứ quân, thống nhất đất nước, do Đinh Bộ Lĩnh khai sinh và tạo dựng.

Một số nhà nghiên cứu cho rằng, nhà nước phong kiến tập quyền đã có từ thời Khúc Thừa Dụ (905) đến Tiền Lê (980 -1009), tuy nhiên thiết chế nhà nước còn đơn sơ, chức tước, chế định còn phỏng theo quan chế nhà Đường, nhà Tống. Những biểu hiện của nhận định này là: Họ Khúc, Họ Dương vẫn giữ chức tiết độ sứ như nhà Đường, nhà Tống phong cho quan đứng đầu An Nam đô hộ phủ (nước ta).

Ngô Quyền giết phản thần Kiều Công Tiễn, phá tan quân Nam Hán trên sông Bạch Đằng, giữ vững nền độc lập tự chủ, nhưng lên ngôi chỉ xưng Vương. Tuy nhiên, đây là bước tiến bộ hơn về ý thức dân tộc so với hai nhà Khúc - Dương trước đó. Ngô Quyền lên ngôi, đặt trăm quan, chế định triều nghi, phẩm phục (Toàn thư). Nhưng sử sách cũ không ghi chép gì cụ thể hơn về nhà nước của Ngô Vương.

Vạn Thắng Vương Đinh Bộ Lĩnh xưng đế, đặt quốc hiệu là Đại Cồ Việt, lập quốc đô Hoa Lư, đổi niên hiệu là Thái Bình, “đặt trăm quan, lập sáu quân, chế độ gần đủ” (Toàn thư), là một bước tiến vượt bậc so với chính quyền Khúc - Dương - Ngô trước đó, rồi định giai phẩm cho các quan văn, võ và tăng đạo, xuất hiện các chức quan trong triều chính như Sĩ sư, Tướng quân, Phò mã đô úy, Định quốc công, Ngoại giáp… Đó là các chức quan đại thần đã có trong quan chế nhà Đường, thậm chí chức quan Phò mã đô úy đã có từ thời Hán. Ngoài ra, vua Đinh còn phong các chức quan Tăng thống, Tăng lục, Sùng chân uy nghi cho Phật, Đạo. Đặc biệt, hệ thống tổ chức bộ máy chính quyền từ trung ương xuống địa phương cũng có nhiều thay đổi.

Dưới thời thuộc Đường, chính quyền xây dựng theo hệ thống từ trên xuống cơ sở: Châu-Huyện - Hương - Xã. Hương, xã có tiểu hương, đại hương; tiểu xã, đại xã. Theo An Nam chí nguyên của Cao Hùng Trưng thì, tiểu hương có từ 70 đến 150 hộ; Đại hương có từ 160 đến 540 hộ; Tiểu xã có từ 10 đến 30 hộ; Đại xã có từ 40 đến 60 hộ. Vào thời Hàm Thông (860 - 874), Cao Biền chia đặt An Nam (nước ta) thành 159 hương (chủ yếu khu vực đồng bằng). Thực tế, chính quyền đô hộ nhà Đường chỉ “với” tới các châu, huyện và một phần cấp hương mà thôi. Cấp xã là các công xã nông thôn, vây quanh bởi các lũy tre xanh, nơi lưu giữ văn hóa Việt và mang tính tự trị rất cao.

Họ Khúc đã tiến hành một cải cách đáng chú ý là đổi hương thành giáp, người đứng đầu giáp là Quản giáp và phó Tri giáp. Ngoài những hương cũ đổi thành giáp đã có, họ Khúc lập thêm 311 giáp mới. Đơn vị cấp cơ sở cuối cùng là xã, có các chức sắc Lệnh trưởng và Tá lệnh trưởng.

Kế tục họ Khúc, họ Dương, họ Ngô, nhà Đinh quản lý đất nước, quốc gia Đại Cồ Việt cung với nhà nước phong kiến trung ương tập quyền xuất hiện, cắm một cột mốc quan trọng, hơn thế nữa, tạo một bước ngoặt vĩ đại của lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc ta vừa bước ra khỏi đêm trường nghìn năm đô hộ có một quốc gia với cương vực định hình và một nhà nước do tập quyền do người Việt toàn quyền định đoạt. Phải khẳng định rằng sản phẩm một nhà nước phong kiến trung tập quyền ra đời mà trước đó chưa hề có, đứng đầu là Hoàng đế, bộ máy bá quan văn võ, thiết chế triều nghi, võ bị, luật pháp, quân đội...

Lãnh thổ quốc gia hồi đó với tên gọi là Đại Cồ Việt, bao gồm đất đai của hai quận: Giao Chỉ, Cửu Chân và một phần của Hợp Phố, trong 9 quận của châu Giao Chỉ đời Hán); Lãnh thổ đó tương ứng với vùng đất Bắc Bộ, miền Bắc Trung Bộ (từ đèo Ngang trở ra Bắc) và một phần đông nam Quảng Đông (Trung Quốc) ngày nay.

Ở cấp trung ương, trực tiếp dưới quyền điều khiển của nhà vua đã hình thành hai khối rõ rệt: hoàng gia và quan lại.

Tổ chức quản lý đất nước của nhà Đinh, cần lưu ý đến ý nghĩa của việc chia nước làm 10 đạo. Việc làm đó tưởng như bình thường nhưng đã thực sự có ý nghĩa chính trị to lớn. Cùng với việc đặt tên nước Đại Cồ Việt, chia nước làm 10 đạo, nhà Đinh đã biểu thị chủ quyền độc lập của mình bằng cách xóa bỏ các đơn vị hành chính do bọn đô hộ đặt từ trước, thực hiện quyền quản lý và quyền phân chia khu vực hành chính quốc gia Đại Cồ Việt.

 Ngoài ra chúng ta còn biết thêm trong việc sắp đặt tên hiệu, chức tước quan lại, nhà Đinh hầu như đều sử dụng tên hiệu, chức tước của phong kiến Trung Quốc ví dụ, tước Vương được phong cho con em của nhà vua từ thời Hán, tước Công ở dưới quyền quận vương từ đời Tùy; chức Đô hộ từ thời Hán, đến đời Đường có đặt chức Đô hộ ở vùng biên viễn để trấn thủ và dân áp dân chúng Sĩ sư là chức quan coi quân về ngũ cấm, điều khiển về binh phạt; Tăng thống là một chức Tăng quan xuất hiện từ thời Đường, tương đương với Sa môn Tăng thống thời Hậu Ngụy; Đại sư là chức nhạc quan, còn dùng để xưng hô tôn kính đối với người có học, hoặc dùng để chỉ chức quan điều khiển ngựa phụ trong xa giá nhà vua, đến đời Ngụy Tấn phong cho con rể nhà vua; Tiết độ sứ là chức quan thời Đường v.v...

4. Nhà nước thời Đinh là sản phẩm của thời đại đồng thời là kết quả quá trình phát triển tổ chức quản lý đất nước của nước ta có nguồn gốc từ Văn Lang -  Âu Lạc. Cho đến khi Đinh Bộ Lĩnh thiết lập bộ máy Nhà nước, mặc dù đã có trong tay kinh nghiệm hơn một nửa thế kỷ tổ chức cai trị đất nước qua các thời Khúc- Dương- Ngô, nhưng mặt khác, ông không có một mẫu mực hoàn chỉnh nào khác ngoài mô hình đã có ở một nước láng giềng ở phía Bắc (Trung Quốc), có quan hệ trực tiếp, thường xuyên và chặt chẽ. Từ tinh hoa của truyền thống, tiếp thu ảnh hưởng giao lưu văn hóa trong khu vực, Đinh Bộ Lĩnh đã kịp thời xây dựng một Nhà nước quân chủ trung ương tập quyền. Mang màu sắc chung của loại hình Nhà nước trung đại Phương Đông, Nhà nước đời Đinh vẫn giữ nguyên bản sắc dân tộc đậm đà trên cơ sở xã hội Đại Cồ Việt vào giữa thế kỷ X. Vương triều Đinh được thiết lập với tinh thần phi Nho giáo, đậm đà tính dân tộc: tìm chỗ dựa ở Phật và Đạo là hoàn toàn có cơ sở xã hội và phù hợp với lý trí, tình  cảm của dân tộc trong buổi đầu khôi phục, củng cố độc lập tự chủ.

Năm 980, Lê Hoàn lên ngôi Hoàng đế, lập nên nhà Tiền Lê, thay thế nhà Đinh. Vua Lê đã tiến hành củng cố quân đội vững mạnh, phía Bắc đánh tan quân xâm lược nhà Tống (981), giữ vững nền độc lập quốc gia; phía Nam, đánh bại quân Chiêm quấy nhiễu biên giới (982), sử sách ca ngợi vua Lê "phá Tống, bình Chiêm", lập nên võ công oanh liệt trong lịch sử bảo vệ Tổ quốc của dân tộc ta.

5. Kinh đô Hoa Lư trong 42 năm tồn tại, đã hoàn thành sứ mệnh vẻ vang của mình: Xây dựng và giữ vững độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ quốc gia; là một quân thành bất khả xâm phạm; nơi xuất phát của các đạo hùng binh dẹp tàn dư cát cứ và tiến lên phía Bắc, tiến vào phương Nam, phá tan âm mưu và lực lượng xâm lược của kẻ thù ngoại bang. Đến năm 1010, Lý Công Uẩn lên ngôi, Hoa Lư trở thành cái nôi khai sáng của triều Lý với bản Chiếu dời đô thiên cổ lưu văn.

Trong tiến trình hàng ngàn năm dựng nước và giữ nước của dân tộc ta, Hoa Lư xưa, sau là Ninh Bình, vẫn là vùng đất tựa binh của bao triều đại. Là căn cứ địa Trường Yên vững chãi của vương triều Trần trong hai cuộc kháng chiến chống giặc Nguyên lần thứ 2 (1285) và thứ ba (1288); Là vùng đệm, góp phần nuôi dưỡng sức người, sức của cho nghĩa quân Lam Sơn chống giặc Minh xâm lược (1418-1428); Là địa bàn tập kết và phát xuất của nghĩa quân Tây Sơn, do Hoàng đế Quang Trung thống lĩnh cuối năm 1788, làm nên chiến công oanh liệt đầu Xuân Kỷ Dậu, 1789, phá tan 29 vạn quân Mãn Thanh xâm lược. Trong công cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, nhân dân Ninh Bình, vùng đất giàu truyền thống và yêu nước Ninh Bình cũng góp phần không nhỏ vào công cuộc kháng chiến thắng lợi của nhân dân ta dưới sự lãnh đạo của Đảng và Bác Hồ kính yêu.

Vùng đất Ninh Bình từ xưa được coi là vùng địa linh nhân kiệt. Suốt chiều dài dựng nước và giữ nước, Ninh Bình luôn đóng góp xứng đáng vào chiến công chung của toàn dân tộc, từ thời đại các vua Hùng đến thời đại Hồ Chí Minh.

Các nhà sử học đều nhận định, thế kỷ X là thế kỷ bản lề khép lại hơn một nghìn năm Bắc thuộc, mở ra thời kỳ độc lập, tự chủ của dân tộc ta. Nửa đầu thế kỷ X là cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc. Nửa sau thế kỷ X là thống nhất đất đất nước và bảo vệ nền độc lập tự chủ, trong đó có sự ra đời nhà nước Đại Cồ Việt, nhà nước phong kiến trung ương tập quyền đầu tiên của nước ta.

Đinh Tiên Hoàng chia nước thành 10 đạo, cho đến nay, chúng ta cũng chưa tìm được tài liệu nào chứa đựng thông tin về tên đạo và hệ thống hành chính dưới đạo ngoài tổ chức cơ sở là giáp và xã. Như vậy, hệ thống hành chính nhà nước Đại Cồ Việt có ba cấp là triều đình trung ương, đứng đầu là Hoàng đế tập trung quyền hành hết thảy. Dưới là cấp trung gian đạo, đứng đầu đạo là một võ quan, chính quyền cơ sở là giáp, xã. Một điều đặc biệt mà các nhà nghiên cứu lịch sử đặt vấn đề, hệ thống tổ chức hành chính “thập đạo” trong cả nước đó, song song tồn tại, hay nói là đồng thời tồn tại, tổ chức quân sự gồm mười đạo quân, do Thập đạo tướng quân Lê Hoàn thống lĩnh? Nếu thế, chúng ta có thể suy luận rằng, đây là một tổ chức bộ máy hành chính kết hợp chặt chẽ với tổ chức quân sự. Một hình thái tổ chức hành chính chưa từng có trong lịch sử Việt Nam trước đó. Phải chăng, đứng đầu các đạo là một tướng thần vừa chăm lo công việc hành chính, vừa lo công việc binh nhung trong đạo?

Lê Đại Hành lên ngôi, có một cải cách rất đáng chú ý là, đổi 10 đạo nhà Đinh thành lộ, phủ, châu, tức là có dấu hiệu trở lại các tổ chức hành chính thời họ Khúc trị vì. Tuy thay đổi chính quyền cấp trung gian đạo, nhưng cấp cơ sở (giáp, xã) vẫn được giữ như cũ. Vì sao Lê Đại Hành lại đổi Đạo thành lộ, phủ, châu mà trước đó Đinh Tiên Hoàng đã xây dựng bộ máy chính quyền kết hợp chặt chẽ giữa hành chính và quân sự? Chưa có kiến giải thấu đáo nào về việc thay đổi đáng chú ý này của Lê Đại Hành. Chúng tôi cho rằng, có thể khi Đinh Tiên Hoàng mới lên ngôi, tình hình đất nước vẫn đứng trước những thách thức về thù trong, giặc ngoài, nên cùng với việc xây dựng thiết chế nhà nước, vua Đinh chia nước thành mười đạo hành chính gắn với 10 đạo binh để ứng phó mau lẹ với tình huống diễn biến khó lường theo phương châm “tĩnh vi dân, động vi binh”. Bởi vậy, lực lượng quân đội chia thành 10 cấp đạo, quân, lữ, tốt, ngũ theo bội số 10, lên tới 100 vạn quân là vì thế. Bộ máy hành chính nửa quân sự, nửa dân sự, chúng tôi gọi là mang tính “bán thiết quân luật”, cùng với thiết chế pháp đình hà khắc (vạc dầu, chuồng cọp) đã phát huy sức mạnh tối đa và sức răn đe hữu hiệu trong tình hình nhà nước phong kiến tập quyền vừa hình thành trên nền tảng bị cát cứ, loạn lạc hơn 20 năm trời. Hơn nữa, vương triều Đinh lại đứng trước một đế chế Bắc Tống vừa mới trải qua thời kỳ “ngũ đại thập quốc” trước đó 8 năm (960), đang chuẩn bị kế sách tiêu diệt nhà Nam Hán, áp sát biên giới phía Bắc Đại Cồ Việt. Đến Lê Đại Hành, tình hình sau 12 năm thống nhất đất nước, nền tập quyền thiết lập đã khá vững, quân đội hùng mạnh, Lê Đại Hành nới lỏng chính sách cai trị “bán thiết quân luật” của nhà Đinh bằng chia nước theo lộ, phủ châu, không thấy nói đến thiết chế quân đội theo “thập đạo” nữa. Song, những tổ chức và cải tổ bộ máy hành chính và chính quyền địa phương thời bấy giờ được thực hiện ở mức độ nào, trong phạm vi đến đâu là vấn đề hiện nay đang còn bỏ ngỏ. Nhiều đơn vị hành chính và chức tước quan lại thời thuộc Đường, sử cũ còn ghi tên các châu như châu Hoan, châu Ái… và chức Thứ sử đứng đầu các châu đó là chức quan thời Đường. Ví như Ngô Quyền thứ sử Ái Châu, Đinh Công Trứ thứ sử Hoan Châu, Kiều Tri Hựu thứ sử Phong Châu chẳng hạn.

Ta có thể so sánh tổ chức hành chính của hai thời kỳ: Thời kỳ thuộc Đường từ năm 905 về trước và chính quyền thời kỳ độc lập từ 905 đến thời Tiền Lê (980 đến 1009) để hiểu rõ hơn: Thời thuộc Đường: An Nam đô hộ phủ - Châu - Huyện - Hương - Xã; Thời kỳ độc lập: Họ Khúc: Lộ - Phủ - Châu - Giáp; Nhà Đinh: Đạo - giáp, xã; Nhà Tiền Lê: Lộ - Phủ - Châu - Hương.

Bằng nhiều cứ liệu lịch sử, chúng tôi nhận thấy rằng, tổ chức nhà nước, nhất là triều đình trung ương và cấp cơ sở từ thời họ Khúc đến triều Tiền Lê ngày càng được xây dựng và củng cố phù hợp với yêu cầu khách quan củng cố đất nước thống nhất, độc lập, tự chủ. Song, nhìn chung, tổ chức nhà nước còn mang dáng dấp tổ chức chính quyền nhà Đường và mô phỏng quan chế nhà Tống. Tuy nhiên, nhìn tổng thể cả tổ chức bộ máy hành chính nhà nước còn đơn giản, hoạt động của Nhà nước chưa được thể chế hóa, việc lựa chọn quan lại chưa có chế định rõ ràng, còn phụ thuộc phần lớn vào ý chí của nhà vua, từ nhà Đinh-Tiền Lê là Hoàng đế. Song cần phải nhận rõ về cải cách bộ máy hành chính nhà nước và hệ thống chính quyền từ trung ương xuống địa phương có được như thời kỳ đất nước tự chủ, từ Ngô Vương (939) đến nhà Đinh - Tiền Lê (1009), chỉ 70 năm lịch sử, thì đây là thành quả rực rỡ của cuộc đấu tranh chống Bắc thuộc và sự tiếp thu tinh hoa văn hóa phương Bắc nói chung và Đường - Tống nói riêng của dân tộc ta khi vừa giành được độc lập trước một thể chế chính trị phát triển ở đỉnh cao, lực lượng và phương thức sản xuất đã có bước tiến bộ rất xa so với quốc gia Đại Cồ Việt. Nhưng có điều đặc biệt là, tuy phỏng theo chế độ và quan chế Đường - Tống, nhà nước Đại Cồ Việt không phải là bản “sao y” loại hình và tính chất nhà nước Đường - Tống!  Điều này thấy từ thời Ngô Quyền. Ví như danh hiệu Đế/Vương của các vua triều đại Ngô Quyền, Đinh Tiên Hoàng và Lê Đại Hành và ngay cả một số chức danh quan tước ở triều đình hoàn toàn không mang tính chất một chế độ quân chủ chuyên chế, quan liêu nặng nề, hà khắc với nhiều chế định của đạo Nho như đế chế Đường - Tống cùng thời. Mặt khác, thiết chế và chức danh quan tước của nhà nước phong kiến nước ta thế kỷ X chỉ là vỏ bên ngoài, còn cốt lõibản chất nhà nước của chế độ nhà Đinh - Tiền Lê là nhà nước độc lập: độc lập về dân tộc, về chủ quyền một quốc gia thống nhất, không lệ thuộc Trung Hoa, mặc dù chỉ là “giả thần phục”, để giữ “độc lập thật” trước một đế chế khổng lồ. Triều đình Đinh - Tiền Lê đã lấy ngoại giao với Tống triều là “quốc sách”: “Trong cương, ngoài nhu”, “Trong xưng đế, ngoài xưng vương”. Bởi thế, khi nhà Tống phong Đinh Liễn là Giao Chỉ quận vương năm 975, lẽ ra, Đinh Bộ Lĩnh coi đó là chức tước của mình được nhà Tống sách phong mới phải. Trái lại, Ngài coi như “không có vấn đề gì xảy ra”. Vì Ngài cho rằng, chức vương đó Ngài đã phong cho con mình là Nam Việt Vương, còn mình nghiễm nhiên là Hoàng đế Đại Cồ Việt!

Có thể nói rằng, tính chất độc lập và tự chủ của nhà nước từ họ Khúc đến nhà Đinh - Tiền Lê không ngừng được củng cố và nâng cao dần theo mức độ thắng lợi của cuộc đấu tranh giành, giữ độc lập và thống nhất đất nước. Rõ ràng từ chiến thắng Bạch Đằng lần thứ nhất của Ngô Quyền (938) đến chiến thắng Bạch Đằng lần thứ hai của Lê Đại Hành (981), vị thế của vương triều, của dân tộc cao vượt bậc. Bởi thế, từ nhà Đinh - Tiền Lê, bang giao giữa Đại Việt và nhà Tống là bang giao mang nặng tính “giao hảo” chứ không còn là tình trạng phiên hầu thuộc quốc với Thiên triều như xưa nữa! Thậm chí, đến Lê Đại Hành không tiếp sứ Tống theo nghi lễ bang giao mà dân giã “nhà quê” chưa từng có, đến mức quốc thư sau đó nhà Lê cũng giao kèo trao nhận ở đầu cõi (biên giới) chứ sứ Tống không phải “lặn lội đến Hoa Lư cho nhọc công quý quốc nữa”! Ấy là cái vị thế chưa từng có của dân tộc ta, đất nước ta bởi Bạch Đằng còn phơi xác giặc!

Vào đầu thế kỷ X, họ Khúc và họ Dương còn xưng Tiết độ sứ, có nghĩa là còn biểu hiện thừa nhận sự nội phụ để có điều kiện xây dựng nhà nước và lực lượng quân đội cho đủ mạnh, cốt giữ gìn được độc lập chí ít cũng ở tình trạng “người Việt trị người Việt”. Bằng chiến thắng Bạch Đằng năm 938, Ngô Quyền xưng Vương, vứt bỏ chức Tiết độ sứ, có nghĩa là tuyên bố một vương quốc độc lập đã ra đời! Đến Đinh Đinh Bộ Lĩnh, ông xưng Vương (Vạn Thắng Vương) để thể hiện giữ nguyên tính độc lập của quốc gia từ thời Ngô Quyền, theo chúng tôi, đây còn là bước “thăm dò” phản ứng của Tống triều, vào thời điểm đó còn cả Nam Hán chưa bị nhà Bắc Tống tiêu diệt nữa. Nhưng ông đâu có dừng lại đó? Cái chí “Đại trượng phu chỉ lập công danh cho được” của thủ lĩnh nghĩa quân Hoa Lư tuyên chiến với triều đình mạt Ngô từ năm 951, giờ thời cơ mới đến: 12 sứ tướng bị đánh dẹp, đất nước thống nhất, Vạn Thắng Vương xưng đế (Đại Thắng Minh Hoàng Đế), đặt tên nước, xây cung điện, chế triều nghi, đổi niên hiệu, lập kinh đô, phong quan tước, đúc tiền riêng, ban chế độ phẩm phục cho các quan văn võ và quân đội… Tất cả đã thể hiện ý chí độc lập, tự chủ của một vương triều độc lập chính trị hoàn toàn, cũng có nghĩa là quyết dứt bỏ sự lệ thuộc vào phương Bắc! Đó là sự tự tôn dân tộc ở đỉnh cao, hun đúc từ ngàn năm ý chí quật cường quyết không chịu làm nô lệ của cha ông, nay mới đủ năng lượng bừng sáng, phủ nhận hoàn toàn quyền “bình thiên hạ” của các hoàng đế mang tư tưởng Đại Hán. Thật đúng là, nếu không phải là bậc “tài năng, thông minh hơn người, dũng lược nhất đời”, không thể làm được những điều “kinh thiên động địa” đó! Ngay cả chuyện Hoàng gia, vua phong tới 5 bà Hoàng hậu cũng không hề giống với điển chương phương Bắc một chút nào!

Tuy nhiên, nhà Nam Hán, rồi nhà Tống vẫn “quen mồm”, “thuận miệng” mà gọi nước ta là “An Nam đô hộ”, “Giao Chỉ châu” hay “An Nam quận” để tỏ vẻ cái “huênh hoang truyền kiếp” của các đế chế Trung Hoa không công nhận một đất nước “nhược tiểu”, “có chí mến phong hóa Trung Hoa, thường nghĩ việc nội phụ” (Toàn thư) là một quốc gia độc lập, có cương thổ, có nhà nước, có đế quyền, có quân đội và điều không thể phủ nhận được, cốt yếu nhất là, sau một ngàn năm đô hộ, đồng hóa văn hóa Hán ấy, “phong tục Bắc Nam mỗi nơi một khác”! Cho nên “Sông núi nước Nam, đế Nam ngự”! Mà không phải sử ta viết tùy tiện. Trên thực tế, vương quốc đời Ngô Quyền, đế quốc thời Đinh - Tiền Lê là một quốc gia độc lập, tự chủ, có nhà nước và núi sông cương vực riêng. Song việc chấp nhận “cống vật”, “thụ phong” của các Hoàng đế nước ta đối với Hoàng đế Trung Hoa chỉ là sách lược mềm dẻo để giữ gìn độc lập cho nước nhà, bình yên cho trăm họ mà thôi. Việc triều cống hay nhận sách phong chỉ là biểu hiện bên ngoài của biện pháp và nghi thức quan hệ bang giao, không hề làm mờ nhạt bản chất độc lập, tự cường của dân tộc Đại Cồ Việt. Song, có một hiện thực lịch sử mà chắc chắn các hoàng đế phương Bắc cũng cay đắng nhận ra rằng, “cái nhu”, “cái nhẫn” của dân tộc ta có một “lằn ranh” nhất định. Một khi “thiên triều” xâm phạm bờ cõi thì ý chí độc lập tự chủ của dân tộc ta lại trào dâng như những trận sóng thần chôn vùi quân xâm lược, nên “Đằng Giang tự cổ huyết do hồng” (Sông Bạch Đằng từ cổ máu còn loang)! Và tất nhiên, chúng sẽ bị đánh tơi bời! Ấy là sức mạnh nhà nước Đại Cồ Việt do Đinh Tiên Hoàng khai sáng và đứng đầu, tập trung quyền lực vào thống lãnh tối cao là Hoàng đế sáng suốt và bộ tham mưu trong thiết chế nhà nước phong kiến tập quyền, tập hợp được sức mạnh toàn dân tộc, lấy đạo Phật làm nền tảng tư tưởng, trí thức Phật giáo làm cố vấn, phát huy ý chí quật khởi, sức mạnh đoàn kết dân tộc, thống nhất quốc gia, chiến thắng xu hướng phân tán, cát cứ, cục bộ địa phương trong kết cấu kinh tế-xã hội công xã nông thôn cuối thế kỷ X. Nhà nước phong kiến tập quyền Đại Cồ Việt ra đời và phát triển dựa trên nền tảng căn bản là công xã nông thôn, trong đó, nông dân là lực lượng sản xuất chủ yếu trong xã hội. Tất nhiên, khi phân tích thế lực hào trưởng/hùng trưởng cát cứ tạo nên loạn 12 sứ quân thì các sứ quân đó cũng được hình thành và phát triển, dựa vào cơ sở công xã nông thôn. Nhưng, như trên đã nói, xu hướng phân tán, cát cứ đã bị đánh bại bởi xu hướng thống nhất quốc gia, bởi tính cố kết dân tộc và quốc gia đã trải ngàn năm bị đô hộ, nên hơn ai hết, dân tộc Việt đã sớm nhận ra chân lý chỉ tồn tại khi có một quốc gia thống nhất, một dân tộc thống nhất! Nhà nước phong kiến trung ương tập quyền Đại Cồ Việt ra đời và phát triển trong cuộc đấu tranh thống nhất Tổ quốc và bảo vệ đất nước trước nguy cơ cát cứ và bị ngoại xâm. Cuộc đấu tranh anh dũng của nhân dân ta dưới sự lãnh đạo của người anh hùng dân tộc Đinh Tiên Hoàng Đế vì lợi ích cao cả là tồn vong dân tộc và quốc gia đã cố kết chặt chẽ các cộng đồng công xã nông thôn, trước hết từ thung/động Hoa Lư đến toàn quốc trở thành một quốc gia, một cộng đồng dân tộc Đại Cồ Việt, tuy nhỏ bé, nhưng hùng cường, tạo thế và đà cho dân tộc ta bước vào kỷ nguyên phục hưng mạnh mẽ ở các thế kỷ sau. Chính sức mạnh cộng đồng dân tộc, cộng đồng quốc gia lại tạo thế và lực cho nhà nước Đại Cồ Việt thêm vững mạnh. Dưới thời trị vì của Đại Thắng Minh Hoàng Đế ngắn ngủi chỉ 11 năm, nhà nước Đại Cồ Việt mới đặt nền móng cho một nhà nước quân chủ tập quyền, “chế độ gần đủ”, nhưng thực sự đã trở thành nhà nước khá vững mạnh cả về thể chế, cả về hệ thống hành chính. Điều minh chứng rõ nét nhất, không gì bác bỏ được là ý chí cố kết dân tộc trên cơ sở cố kết các dòng họ, các công xã thành một cộng đồng dân tộc, một quốc gia hùng cường mà nhà Tống phải trọng nể, Chiêm Thành không dám quấy nhiễu, dân thái bình, kinh tế có bước phát triển, đặc biệt thương nghiệp và tiểu thủ công nghiệp khá phát triển; đồng tiền Thái Bình hưng bảo ra đời cùng với hàng loạt hoạt động kinh tế - xã hội, chính trị, ngoại giao, thể hiện ý chí độc lập và thực sự là một nước độc lập, tự chủ, thống nhất. Bởi thế, vị thế Đại Cồ Việt vươn lên tầm cao mới chưa từng có trước đó trong lịch sử nước ta. Thời kỳ này, quốc phòng được đặc biệt chú ý xây dựng và củng cố, đặt nền móng xây dựng lực lượng vũ trang toàn dân với tổ chức “quân- chính” thập đạo. Nhờ đó mà nhà nước luôn được cũng cố vững mạnh, thực hiện thắng lợi chức năng xây dựng và bảo vệ vững chắc đất nước thống nhất, độc lập. Trong hơn 40 năm, từ năm 968-1010, kinh đô Hoa Lư là kinh thành “phi chiến địa”. Giặc ngoại bang không dám nhòm ngó đất nước. Mầm mống cát cứ cơ bản không ngóc đầu dậy được. Chính có nhà nước Đại Cồ Việt vững mạnh thời Đinh Tiên Hoàng, Lê Đại Hành mới có thế và lực của dân tộc phá Tống, bình Chiêm, ghi võ công thần vũ trong lịch sử. Và cũng từ thành quả 42 năm xây dựng nhà nước Đại Cồ Việt vững mạnh, Lý Thái Tổ mới “cưỡi” Rồng Vàng Hoa Lư bay lên trên đất La Thành! Không có “khúc quanh” Hoa Lư, không thể có Thăng Long. Hoa Lư là tiền đề Thăng Long! Đại Cồ Việt là tiền đề ra đời Đại Việt! Nhưng cũng không phải tên nước Đại Cồ Việt chuyển đổi thành Đại Việt vào năm 1054 đời Lý Thánh Tông mà vai trò, vị trí nhà nước Đại Cồ Việt cũng chấm dứt từ đó! Sách Đại Việt sử ký tiền biên đánh giá thật xác đáng: “Bậc đế vương chính thống của nước Việt ta từ đấy (từ Đinh Tiên Hoàng - TĐT). Các bậc vua thánh, đế thần kế tiếp nhau chấn tác sau này đều to rộng theo bài học của triều Đinh”. Như vậy, nhà nước Đại Cồ Việt đắp móng xây nền suốt chiều dài lịch sử nhà nước phong kiến Việt Nam.

Nhà nước Đại Cồ Việt ra đời đáp ứng đúng yêu cầu tất yếu khách quan của sự nghiệp thống nhất đất nước và xây dựng đất nước độc lập tự chủ, nên nó dĩ nhiên trở thành mốc son chói ngời trong lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc ta.

1055 năm đã trôi qua, đọc lại lịch sử nước nhà, chúng ta càng có điều kiện nhận nhìn rõ tầm cỡ vai trò và vị trí của nhà nước Đại Cồ Việt thật lớn lao, thật đáng tự hào, không phải chỉ cho lịch sử dân tộc, mà còn cho hôm nay và mãi mãi muôn đời con cháu mai sau.

Vinh danh Anh hùng Đinh Tiên Hoàng đế, Ông Tổ thống nhất quốc gia; Ông Tổ sáng lập nghiệp Đế; Ông Tổ sáng lập nhà nước phong kiến trung ương tập quyền đầu tiên trong lịch sử dân tộc Việt Nam!

                                                                                                                                                                                                       T.H.V

                                                                                                                                                                            (Nguồn: TC VNNB 281-6/2023)

Bài viết khác