Chủ nhật, 19/05/2024

Sự nghiệp của Đinh Tiên Hoàng khởi đầu một kỷ nguyên mới cho dân tộc Việt Nam

Thứ ba, 04/04/2023

NGUYỄN TỬ CHƯƠNG

Từ giữa thế kỷ thứ X (từ năm 951 đến năm 968), đất nước ta chia năm xẻ bảy, mỗi người chiếm cứ một nơi, người xưng vương, kẻ xưng quân, người xưng Minh công, kẻ xưng lệnh công; giang sơn nào anh hùng ấy, làm cho dân phải khổ sở lầm than. Lúc ấy có người con nuôi một sứ quân đứng lên dẹp loạn yên dân, mở nên chính thống cho các triều đại nhà Đinh, Lê, Lý, Trần... Người ấy là ai? Là Đinh Bộ Lĩnh, tức Đinh Tiên Hoàng.

Tôn xưng Đinh Tiên Hoàng, là tôn vinh sự nghiệp dẹp loạn mười hai sứ quân, thống nhất đất nước của ngài, người viết sử đầu tiên Lê Văn Hưu, trong Đại Việt sử ký cũng tập trung ca ngợi sự nghiệp đó.

Ngay sau khi thực dân Pháp nắm quyền kiểm soát lục tỉnh Nam Kỳ cũng đã xuất hiện những nghiên cứu về Lịch sử xứ An Nam do người Pháp thực hiện. Năm 1886, giáo sĩ Le Grand de la Liraye, người từng có mặt ở Đà Nẵng năm 1958 cùng với đội quân của tướng Pierre-Louis-Charles Rigault de Genouilly, đã cho xuất bản cuốn Ghi chép lịch sử về quốc gia An Nam (Notes historiques sur la nation annamite). Năm 1984, giáo sĩ thừa sai L’Abbe Adr. Launay đã biên soạn Lịch sử cổ đại và hiện đại của An Nam - Bắc Kỳ và Nam Kỳ (Histoire ancienne et modern de l’An Nam-Tong-king et Cochinchine)… Và cuối cùng là các nghiên cứu của các nhà sử học nghiên cứu về lịch sử Việt Nam được đăng tải trên hai tập san quan trọng là Tập san của trường Viễn Đông Bác Cổ (Viết tắt là BEFO, số đầu năm 1901) và Tập san Lịch sử các thuộc địa Pháp (số đầu năm 1913). Nghiên cứu của các tác giả Pháp có vai trò nhất định trong nguồn sử liệu về lịch sử Việt Nam nói chung và nhà nước Đại Cồ Việt nói riêng.

Nhiều sử gia người Pháp đã phân chia Việt Nam ra hai thời đại: Thời cổ đại và thời hiện đại. Họ cho rằng thời hiện đại có khởi đầu vào thế kỷ thứ mười, cùng với sự xuất hiện của nhà nước Đại Cồ Việt do Đinh Tiên Hoàng sáng lập. Việc sử dụng khái niệm hiện đại ở đây gắn liền với lý thuyết về việc hình thành các nhà nước ở châu Âu, khi nhà nước bắt đầu thiết lập các thiết chế để quản lý xã hội như thu thuế, xây dựng hạ tầng, tổ chức quân đội. Các sử gia Pháp đã đánh giá cao vai trò thống nhất đất nước của Đinh Tiên Hoàng sau khi giải quyết được nạn 12 sứ quân. Đinh Tiên Hoàng đã được so sánh với Hugues Capet(1) vị vua đầu tiên của người Frank đã lên ngôi năm 987 sau khi thâu tóm quyền lực vào tay.

Đinh Tiên Hoàng tên là Bộ Lĩnh. Ngự chế Việt sử tổng vịnh(2)  (quyển 9, tờ 10a) lại chép tên là Hoàn (nghĩa là vòng ngọc, chứ không phải chữ Hoàn tên của Lê Hoàn). Người động Hoa Lư, Hoa Lư ở về sơn phận hai xã Uy Viễn và Uy Tế thuộc Ninh Bình. Nơi đây bốn mặt đều có núi đá đứng thẳng như bức vách, trong có một chỗ hơi bằng phẳng, rộng rãi, người xứ ấy gọi là động Hoa Lư. Theo sách Ninh Bình toàn tỉnh địa chí khảo biện của Nguyễn Tử Mẫn “Động Hoa Lư nằm ở cách huyện Gia Viễn 33 dặm về phía tây bắc. Bốn mặt la liệt những núi đá, ở giữa có ruộng phẳng rộng đến 5 mẫu. Nước trong động có cống thông với nước thủy triều ở sông to. Đây chính là nơi vua Đinh ẩn tích để nuôi chí lớn. Nay có đền thờ Nguyễn Minh Không. Ngay cửa động có khắc vào đá 3 chữ lớn: Hoa Lư Động”. Cha là Đinh Công Trứ, mẹ họ Đàm. Công Trứ nguyên làm nha tướng cho Dương Đình Nghệ (923 - 936), tạm giữ chức thứ sử Hoan Châu. Đến thời nhà Ngô (939 - 965) được thực thụ chức thứ sử châu ấy.

Khi Đinh Công Trứ mất thì Bộ Lĩnh còn bé, hai mẹ con ở động Hoa Lư, thường chăn trâu ngoài đồng, cùng các trẻ con chơi đùa. Các trẻ đều biết mình kiến thức và độ lượng không bằng, cùng nhau tôn Bộ Lĩnh làm trưởng. Lúc đi Bộ Lĩnh thường bắt các bạn đồng lứa khoanh cánh tay làm kiệu để rước. Lại lấy hoa Lau làm cờ đi trước và hai bên tả hữu, bắt chước nghi vệ thiên tử. Những ngày thong thả thường đem nhau đến đánh trẻ con làng khác, đi đến đâu chúng đều sợ phục đến đấy, hàng ngày đem nộp củi đun. Bà mẹ có ý mừng, mổ lợn nhà nuôi để khao thưởng. Khi gần lớn, Bộ Lĩnh thường bắt các ấp láng giềng tùng phục. Những bậc phụ lão nói chuyện với nhau rằng: “Thằng bé này khí vũ độ lượng, không phải tầm thường, chắc là làm nổi việc.” Rồi gióng giả cho con cháu đi theo, và tôn Bộ Lĩnh làm trưởng.

Năm Bính Dần (966), Nam Tấn vương mất, tham mưu là Ngô Xử Bình (có chỗ chép là Ngô Ứng Bình), thứ sử châu Phong là Kiều Tri Hựu, thứ sử châu Vũ Ninh là Dương Huy, và nha tướng là Đỗ Cảnh Thạc tranh nhau làm vua, trong nước loạn to, chỗ nào cũng có, đều chiếm cứ huyện ấp, định thôn tính nhau. Ngô Xương Xí xưng Ngô sứ quân giữ Bình Kiều (không rõ nay ở đâu); Kiều Công Hãn xưng Kiều Tam Chế giữ châu Phong (nay huyện Bạch Hạc); Nguyễn Khoan xưng Nguyễn Thái Bình giữ núi Nguyễn Gia Loan ở châu Tam Đái (nay phủ Vĩnh Tường(3); Ngô Nhật Khánh xưng Ngô Lâm công giữ Đường Lâm (tên làng, nay thuộc Sơn Tây; có chỗ chép Ngô Nhật Khánh giữ Giao Thủy); Đỗ Cảnh Thạc xưng Đỗ Cảnh công giữ Đỗ Động Giang (nay là Bắc Đà, huyện Thanh Oai, phủ Ứng Thiên, hãy còn nền cũ thành sứ quân; còn như có người cho Nhuệ Giang có tên Đỗ Động Giang là nhầm); Lý Khuê xưng Lý Lãng công giữ Siêu Loại (nay thuộc Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh); Nguyễn Thủ Tiệp xưng Nguyễn lệnh công giữ Tiên Du (nay thuộc Từ Sơn); Lã Đường xưng Lã Tá công giữ Tế Giang (nay là huyện Văn Giang, Hưng Yên; Nguyễn Siêu xưng Nguyễn Hữu công giữ Tây Phù Liệt (tên đất, tức là làng Tây Phù Liệt, thuộc Thanh Trì); Kiều Thuận xưng Kiều lệnh Công giữ Hồi Hồ (xã Trần Xá, huyện Hoa Khê, có thành cũ sứ quân; Trần Xá tức Trương Xá, Hoa Khê tức huyện Cẩm Khê, thuộc Sơn Tây, Hà Nội); Phạm Bạch Hổ xưng Phạm Phòng Át giữ Đằng châu (nay thuộc huyện Kim Động); Trần Lãm xưng Trần Minh công giữ Bố Chính, Hải Khẩu (nay là xã Kỳ Bố, huyện Vũ Tiên, phủ Kiến Xương). Tất cả gọi là mười hai sứ quân(4).

Nam Tấn Vương mất, mười hai sứ quân đều tranh nhau nổi dậy, bắt đầu từ Ngô Xương Xí, cuối cùng là Trần Minh Công. Đinh Bộ Lĩnh theo Trần Minh Công, khi Minh Công mất, giao Bộ Lĩnh coi quân ấy. Xem mười hai sứ quân tranh nhau thì biết nghĩa hợp quần là khó. Lúc ấy vua Ngô mất, Xương Xí là dòng dõi Thiên Hoàng, nếu các thổ hào cùng nhau phục tùng, hợp hơn mười bọn nhỏ thành một bọn lớn, tôn Ngô Xương Xí lên để nối dòng họ Ngô, thu giang san về một mối. Đằng này “Lại không làm thế, sớm chuông trống, tối giáo mác, mạnh bắt nạt yếu, rút cục bị tiêu ma cả dưới ngọn cờ bông lau, nhưng có chỗ đáng khen, vì trước hồi ấy, mỗi khi gặp phen biến loạn thì người trong nước phần nhiều dựa thế lực người Tàu, như Đỗ Hoàng Văn đương khi có bệnh mà gắng đi xe để sang nhà Tống, Lý Thúc Hiến đi tắt đường để chầu nhà Tề, đều là mượn thế lực người ngoài để bắt nạt người trong nước. Lúc bấy giờ các xứ quân mỗi người xưng hùng xưng bá một phương, tuy có cái lòng “cá lớn nuốt cá bé”, “kẻ mạnh bắt nạt kẻ yếu” mà ai cũng biết “cõng rắn cắn gà nhà”, “rước voi về giày mả tổ” là không hay. Về sau Đinh Tiên Hoàng vốn xưng Vạn Thắng, thì thế lực không thể chống nổi, nhưng vẫn là người Nam làm vua nước Nam, thiết nghĩ mười hai sứ quân có linh thiêng cũng nên ngậm cười nơi chín suối”(5).

Câu ca dao của dân gian không biết xuất hiện từ khi nào nhưng phản ánh khá đúng với tình trạng các sứ quân: “Của đời muôn sự của chung/ Tranh nhau một tiếng anh hùng mà thôi”. Ý nói thiên hạ không phải của riêng ai, nhà nào có phúc thì được hưởng, cho nên dân ta đặt câu ấy để tự sự. Ngó lại người nước Nam ta chưa ai dám chống lại Bắc Triều, từ khi có trận đánh ở Bạch Đằng làm cho người Tàu mất vía. Nếu Ngô Quyền được lâu bền có lẽ cũng có cơ hội, chẳng may mất sớm, bị em vợ cướp ngôi, các con hèn yếu, sinh ra một thời kỳ mười hai sứ quân. Bởi vậy những biến động của thời kỳ này có phải là yếu tố dẫn đường mở lối cho Đinh Tiên Hoàng không?

Sau khi dẹp tan mười hai sứ quân Đinh Tiên Hoàng nhân thế núi hiểm trở, đắp thành, đào hào, đặt ra triều nghi, đặt tên nước là Đại Cồ Việt (nước Việt to lớn). Bầy tôi tôn hiệu là “Đại Thắng minh hoàng đế”, xây dựng cung điện ở động Hoa Lư “động Hoa Lư là chỗ Đinh Tiên Hoàng khởi binh, thành Hoa Lư là kinh đô ở Tràng An, nếu cho động Hoa Lư ở trong núi Tràng An thì không phải” (Khâm định Việt sử, tiền biên, quyển 5, tờ 24b).

Đinh Tiên Hoàng nghĩ rằng vua Ngô là người làm không đến nơi đến chốn cho nên trong nước mới sinh loạn, muốn lấy uy quyền của mình để chế ngự thiên hạ, bèn đặt cái vạc lớn ở sân rồng và nuôi mãnh hổ ở trong cũi gỗ lớn. Đế hạ lệnh nói: Ai mà trái phép luật nhà nước thì sẽ bỏ vào vạc nấu, hay bỏ vào cũi cho cọp ăn thịt, cho nên các tội nhân đều khiếp sợ, không ai dám sai phạm nữa. Những việc ấy đều bắt đầu từ năm 968, tức là năm đầu tiên Đinh Tiên Hoàng lên ngôi Hoàng đế, Đinh Tiên Hoàng sắp đặt phẩm trật và giai cấp cho các quan văn, võ trong triều đình và tăng đạo trong nước, định mười đạo quân, chế áo mão các quan văn, võ và phong Lê Hoàn làm tướng chỉ huy mười đạo quân.

Về mặt tổ chức, Đinh Tiên Hoàng phân chia đất nước ra làm 10 đạo. Quân đội cũng được tổ chức theo đạo, mỗi đạo có 10 quân, mỗi quân có 10 lữ, mỗi lữ có 10 tốt, mỗi tốt có 10 ngũ, mỗi ngũ có 10 người. Mọi quân sĩ đều đội mũ vuông chóp bằng gọi là “tứ phương bình đính” làm bằng da. Sử cũ không cho biết 10 Đạo ở những đâu và tổ chức các đơn vị hành chính cấp dưới ra sao, nhưng về mặt tổ chức quân đội, thì đây là một lực lượng quân đội rất lớn có thể đảm nhiệm tốt nhiệm vụ giữ vững an ninh, bảo vệ bờ cõi.

Đinh Tiên Hoàng đã công nhận Phật giáo như một tôn giáo chính thức. Hàng ngũ tăng quan trong triều đình nhà Đinh có các chức Tăng thống (Ngô Lưu Chân), Tăng lục (Trương Mã Ni)… Tăng thống là chức đứng đầu Tăng quan, chịu trách nhiệm quản lý mọi công việc Phật giáo trong nước Đại Cồ Việt thời bấy giờ. Tăng lục là chức đứng hàng thứ hai trong Tăng quan, ngay sau chức Tăng thống, có chức trách trợ giúp Tăng thống nắm giữ mọi công việc của Tăng ni.

Tổ chức chính quyền trung ương thời Đinh, từ quan chế, nghi tiết…, phần lớn đều phỏng theo các triều đại Đường, Tống của Trung Quốc.

Tháng 10 năm Kỷ Mão (979) nhà vua và con trưởng là Nam Việt Vương Đinh Liễn bị ám sát khi đang ngủ say sau đêm yến tiệc. Đại Thắng Minh Hoàng đế mất, triều thần tôn là Tiên Hoàng đế. Ông ở ngôi được 12 năm (968 - 979), thọ 56 tuổi. Linh cữu Đinh Tiên Hoàng được táng ở Sơn Lăng trên núi Mã Yên thuộc Trường Yên, Hoa Lư. Hiện nay dưới chân núi Mã Yên vẫn còn đền thờ ông được dựng từ thế kỷ 17 trên nền cung điện cũ.

Cho đến nay, nhiều truyền thuyết và những câu chuyện dân gian, kể cả những truyền thuyết hoang đường về nguồn gốc Đinh Bộ Lĩnh vẫn còn tồn tại với thời gian, nhưng có một điều là sự nghiệp của ông liên tục được khẳng định bằng nhiều cách tiếp cận lịch sử, các phân tích, xử lý tư liệu ngày càng khoa học và đa chiều hơn nhằm khẳng định Đinh Tiên Hoàng là người anh hùng có công thống nhất giang sơn về một mối, lập nên nhà nước Đại Cồ Việt, một nhà nước quân chủ trung ương tập quyền đầu tiên, bảo vệ và xây dựng nền độc lập tự chủ mới giành được chưa bao lâu khỏi ách đô hộ phương Bắc. Ở thời đại ấy, trước tình hình đất nước chia cắt do nạn cát cứ mười hai sứ quân, sự nghiệp thống nhất của Đinh Bộ Lĩnh là một sự nghiệp cao cả, phù hợp với yêu cầu lịch sử.

Nhà nước Đại Cồ Việt do Đinh Bộ Lĩnh sáng lập không chỉ là nhà nước độc lập đầu tiên của Việt Nam sau một nghìn năm Bắc thuộc mà còn là nhà nước đã ghi lại nhiều dấu ấn đầu tiên trong lịch sử dân tộc. Chỉ tính trong thế kỷ thứ mười, kỷ nguyên độc lập đầu tiên, nhà nước Đại Cồ Việt đã để lại ít nhất năm dấu ấn sau:

1. Đại Cồ Việt là nhà nước đầu tiên thực hiện việc ban chức Tăng thống, Tăng lục cho nhà sư và đưa Phật giáo thành Quốc giáo.

2. Đại Cồ Việt là nhà nước đầu tiên cho đúc đồng tiền Thái Bình, một loại tiền xuất hiện sớm nhất trong lịch sử tiền tệ của Việt Nam.

3. Đại Cồ Việt là nhà nước đầu tiên đã đặt nền móng cho nền Ngoại giao của đất nước bằng việc mở đầu quan hệ bang giao trực tiếp giữa Đại Cồ Việt với chính quyền trung ương nhà Tống.

4. Đại Cồ Việt là nhà nước đầu tiên xây dựng một hệ thống đường thủy ven biển xưa nhất trong lịch sử.

5. Đại Cồ Việt là nhà nước đầu tiên tổ chức nghi lễ cày Tịch điền khuyến khích sản xuất nông nghiệp, làm gương cho các đời sau.

Lịch sử đã ghi nhận bao việc làm đầu tiên của nhà nước Đại Cồ Việt do Đinh Tiên Hoàng sáng lập, những việc làm ấy đã làm tiền đề không chỉ cho những triều vua kế tiếp noi theo mà còn mang ý nghĩa khai mở cho cả tiến trình phát triển của lịch sử dân tộc, những việc làm đầu tiên ấy đã khẳng định thêm vị thế và tinh thần độc lập tự chủ của nhà nước độc lập đầu tiên - Đại Cồ Việt.

Bằng sự phân tích dựa trên những cứ liệu khoa học như vậy, cuối cùng chúng tôi có thể khẳng định các giá trị lịch sử của sự nghiệp Đinh Bộ Lĩnh là những giá trị mang tầm vóc đặc biệt to lớn và có ảnh hưởng không chỉ ở quá khứ, hiện tại mà có ảnh hưởng đến muôn đời: “Bao phen vận đổi sao dời/ Tập quyền nhà nước là thời đầu tiên/ Sau này trăm họ kế truyền/ Ngàn năm còn đó một miền Cố đô(6)”.

Mộc bản triều Nguyễn - Di sản Tư liệu thế giới

Vua Đinh Tiên Hoàng cho sắp đặt quan chế và xây dựng bộ máy Nhà nước

(Mộc bản sách Ngự chế sử tổng vịnh tập, quyển 1, mặt khắc 20)

 

Chú thích: (1) Hugues Capet (khoảng 940 - 24 tháng 10 năm 996) là Vua Pháp đầu tiên của vương triều Capet từ khi được bầu làm vua kế vị cho Louis V nhà Caroling năm 987 cho tới khi băng hà. Vương triều do ông thành lập đã cai trị nước Pháp trong gần 3,5 thế kỷ, từ năm 987 đến năm 1328 trong dòng cao cấp, sau đó các chi nhánh đã tiếp tục cai trị Pháp cho đến năm 1848 (với thời gian gián đoạn từ năm 1792 đến năm 1814). Một số nhánh Bourbon của Vương tộc Capet vẫn còn cai trị Tây Ban Nha và Luxembourg cho đến tận ngày nay; (2) Ngự chế Việt sử tổng vịnh - Vua Tự Đức, khắc in ngày 5 tháng 6 năm 1874; (3) Nay thuộc tỉnh Vĩnh Phúc; (4) Đại Việt sử ký tiền biên, quyển 7, tờ 13a và b; (5) Đại Việt sử ký cải lương, A1146, quyển 1, tờ 63a đến 66b; (6) Trích tác phẩm Sử diễn ca “Ngàn năm còn đó” của tác giả Nguyễn Tử Chương.

N.T.C

(Nguồn: TC VNNB 279-4/2023)

 

Bài viết khác