Chủ nhật, 19/05/2024

Kỉ vật chiến trường những lá thư vượt tuyến

Thứ năm, 04/08/2022

PHẠM THỊ NHU

Trong những năm chống Mỹ cứu nước hàng nghìn người con yêu quý của Ninh Bình đã lên đường vào Nam chiến đấu; nhiều gia đình vợ, chồng, con cái đã phải sống trong cảnh “chồng Nam vợ Bắc”. Nhưng người ở hậu phương cũng như người ra tiền tuyến đều một lòng một dạ chung một mục đích sản xuất và chiến đấu chống giặc ngoại xâm đến cùng để bảo vệ nền độc lập tự do của Tổ quốc, thống nhất đất nước. Những thủ đoạn tàn ác diệt chủng bằng bom đạn và hóa học của kẻ thù đã bất lực trước sự chiến đấu kiên cường và tình cảm yêu thương vô bờ của con người Việt Nam, đã gánh chịu biết bao gian khổ của cuộc chiến tranh ở hậu phương và tiền tuyến. Cuộc chiến đấu gian nan và ác liệt như vậy: nhưng vẫn có hàng triệu lá thư đã vượt tuyến đến với tiền tuyến và trở  về với hậu phương. Những lá thư vượt tuyến là những tâm sự rất thật rất đời thường của những người chồng, người mẹ, người vợ, người cha. Giờ đây đất nước thanh bình, non sông gấm vóc đàng hoàng, chuyển mình phát triển cùng hội nhập với bè bạn quốc tế, chúng ta càng trân trọng những hy sinh anh dũng không tiếc xương máu của các anh hùng liệt sỹ, thương binh, bệnh binh, cựu chiến binh ở nơi chiến trường.

Những ngày tháng nghiên cứu sưu tầm “Kỉ vật chiến trường”, tôi đã gặp rất nhiều các bác cựu chiến binh, mỗi người một hoàn cảnh khác nhau, có người trở về nguyên vẹn, có người trở về nhưng đã để lại một phần cơ thể nơi chiến trường, có người bị ảnh hưởng của bon đạn, chất độc dioxin nay sức khỏe đau yếu luôn và thương hơn bao giờ hết là di chứng của nó đã để lại cho thế hệ sau những thiệt thòi không được vuông tròn. Các bác cựu chiến binh trở về trong ngày chiến thắng cùng với những quân tư trang, cuốn nhật ký, chiến lợi phẩm, những bức thư của người thân gửi từ hậu phương và những bức thư gửi từ chiến trường về mà người thân trân trọng gìn giữ.

Trong một lần đi sưu tầm gặp bác cựu chiến binh Bùi Đình Chiến, đội 3, xã Khánh Tiên, huyện Yên Khánh, chúng tôi vô cùng xúc động nghe câu chuyện bác kể cùng những hiện vật bác hiến tặng cho bảo tàng. Câu chuyện bác kể: “Tôi  sinh năm 1947, lên đường nhập ngũ ngày 16/8/1965 biên chế vào đơn vị Thanh niên xung phong đặc biệt, tham gia học lớp Anh Trỗi khóa 1 do TW Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh tổ chức tại Hà Nội thời gian là 2 tháng, xong rồi lên đường vào Nam thuộc Trung đoàn 6  - Quân khu Trị Thiên, đóng quân tại Quảng Trị. Quá trình  học tập và chiến đấu tôi được đơn vị kết nạp Đảng ngày 3/2/1969, ngày chính thức 3/11/1969, cấp bậc 4/3, chức vụ Chiến sỹ Giải phóng quân. Tôi tham gia các trận Mậu Thân 68, Đường 9 Nam Lào, Chiến dịch Hồ Chí Minh năm 1975”.

Trong những hiện vật ông hiến tặng cho Bảo tàng, thì những bức thư ông gửi về cho vợ làm chúng tôi ấn tượng và xúc động nhất. Có bức ông viết bằng giấy pơluya cạnh góc in hoa hồng rất đẹp, có bức bằng giấy lấy từ cuốn sổ công tác. Tất cả đều hơi nhầu, chữ mờ có chỗ rất mờ, mép xung quanh và nếp gấp bị rách. Chắc hẳn thư đã được người vợ đọc đi đọc lại rất nhiều lần, những chỗ mờ nhòe phải chăng là dấu ấn những giọt nước mắt của người vợ thương nhớ chồng khi đọc thư. 

Ông kể năm 1973 đơn vị cho ông về phép để cưới vợ, lẽ ra ông được nghỉ một tháng để cưới và ở nhà với vợ, nhưng vì nhiệm vụ đặc biệt của đơn vị nên chỉ ở nhà 12 ngày rồi trả phép vào chiến trường tiếp tục chiến đấu. Vợ ông là bà Hồng An người con gái xinh đẹp nét na nhà liền giậu, một mối tình tuyệt đẹp trong trắng vô ngần của chàng trai làng với cô gái thôn quê. Được sự đồng ý của đôi bên gia đình chọn ngày lành để tổ chức lễ thành hôn cho ông bà vào ngày 20/9/1973. Xa vợ với biết bao lưu luyến nhớ nhung, những tình cảm chân thành được ông viết vào những lá thư gửi về cho vợ. Nỗi nhớ vợ, nhớ nhà da diết nên đã tưởng tượng vẽ lại cảnh từ nhà mình sang nhà vợ, tay chỉ vào bức thư ông nói: “Nhà tôi đây, nhà cô ấy đây, còn đây là gốc cây nhãn cầu ao ngày yêu chúng tôi ngồi trò hẹn hò” và chúng tôi cảm nhận được tình cảm  của người chồng trẻ xa vợ, bất chợt mắt tôi cay sè. Trong thư ông viết cho vợ ngày 2/7/1974 có đoạn: “… An ơi! Sao mà thời gian trôi đi nhanh thế em nhỉ, chả mấy mới đấy mà đã 6 tháng trời xa cách em rồi, sáu tháng ấy trôi đi cũng nhanh nhưng cũng lâu, ngày tháng cảm thấy dài dằng dặc em có biết tại sao thế không, chắc em cũng hiểu và trong tâm tư của em hiện giờ cũng tương tự như anh thôi…  Mỗi khi anh nghĩ tới em, cái anh chỉ muốn có một sức mạnh kỳ diệu để đẩy lùi tất cả những quân xâm lược Mỹ và tay sai Thiệu và lũ bán nước ra tận biển khơi, lúc ấy nước ta cũng được thống nhất đồng bào Nam  - Bắc sum họp một nhà. Cả hai miền được tự do độc lập, anh  tin chắc rằng anh và em sẽ được gần nhau mãi mãi, em có thấy đúng như vậy không em. Bởi vậy em đừng buồn, em hãy vui lên và đừng nghĩ ngợi về anh nữa, mà hãy  ra sức công tác, hăng hái với công việc của mình và hãy vui lên để bố mẹ yên lòng”.

Bức thư ông Bùi Đình Chiến gửi cho vợ tháng 3 năm 1974

Lá thư viết cho vợ vào tháng 3/1974, với nỗi nhớ nhung gửi gắm tình yêu thương và động viên vợ gìn giữ sức khỏe, hăng say công tác, chia sẻ công việc vất vả của vợ, ông viết: “Lá thư này về vào ngày vui nhất, lá thư này anh đã gửi gắm tình thương. Thương đến em anh chẳng biết nói gì mà đầu thư anh chỉ viết bằng lời chào thân ái, bằng những lời lưu luyến biết nhường nào, chúc em luôn mạnh khỏe đều để công tác và hăng say nhiều nhiệm vụ…

Hồng An ạ! Thế nào em có khỏe không em, chắc công việc của em kỳ này bận lắm em nhỉ? Em thương yêu! Em chẳng nói thì anh cũng biết thôi, cái nghề nghiệp của đời công nhân vẫn thường là như vậy, bận rộn suốt thế, nhất là bây giờ chuẩn bị mùa hè thì chắc công việc của em bận hơn”.

Vợ chồng xa cách nỗi lòng biết chia sẻ cùng ai, u buồn thương nhớ đầy vơi, ông luôn mong vợ lạc quan và thanh thản để gìn giữ sức khỏe, thư viết cho vợ ngày 12/7/1974: “Anh chỉ muốn em không có một thắc mắc gì và anh không muốn để tâm tư em lúc nào cũng buồn tủi sầu não. Anh chỉ muốn em lúc nào cũng quên tất cả chuyện đời mà như một con chim luôn ca luôn hát bay nhảy trên cành hoa thơm mát, dưới ánh nắng bình minh rực sáng, để quên tất cả, có như thế sức khỏe mới đảm bảo lâu dài”.

Lá thư nhắc đến kỉ niệm tròn một năm ngày cưới của ông, đó là ngày 20/9/1974 ông viết: “Em ạ! Hôm nay là ngày 20/9 em nhỉ, ngày này là ngày vui nhất của anh trong đời đấy em ạ, chả mấy em nhỉ, mới đây mà đã một năm trôi đi rồi, một năm ấy nó đã đưa lại cho em bao nỗi vui buồn, bao nỗi nhớ nhung và lưu luyến, nó đã để lại những gì mà đời anh chưa từng va vấp, đến hôm nay anh ngồi điểm lại thì thấy thật rõ ràng, rõ ràng là anh đã phải xa em, xa mẹ, xa các em và xa cả anh em bà con cùng quê hương thân thiết và những tình cảm nó khác hẳn khi xưa em ạ, mấy năm về trước tuy cũng xa gia đình và xa quê hương như vậy, nhưng anh cũng không phải nghĩ ngợi và đau buồn quá quắt như bây giờ.

Em ạ! Trước kia có đêm nào là anh phải nằm thao thức cả đêm như bây giờ đâu…

… Còn về phần của em, mỗi lần nghĩ tới em là anh lại thương, lại nhớ, hình ảnh của em lúc nào cũng phảng phất ám ảnh bên tâm hồn lưu lạc của anh, mỗi lần đọc thư của em anh lại cảm thấy anh khó chịu và vô cùng ân hận với lương tâm với tâm hồn thiện cảm của anh em ạ! Càng nghĩ tới em anh lại càng thương em nhiều, nhớ em nhiều, đồng thời lại hiểu cho cuộc đời của em nhiều…”.

 Ngày tết đến xuân về, đoàn viên gia đình sum họp là khát khao mong mỏi của mọi người trong gia đình. Một mùa xuân dự báo thắng lợi gần đến nơi, cùng các mũi tấn công chuẩn bị cho cuộc tổng tiến công giải phóng Sài Gòn thống nhất đất nước. Nhưng với gia đình ông là một cái tết buồn vì mẹ ông mới mất, ông thương cha, thương vợ và các em, thư tháng 1/1975 ông viết: 

“Hồng An thương nhớ của anh!

 Hôm nay nhân dịp mùa xuân đã về, anh tranh thủ ghi những dòng tình cảm  lưu luyến và thương nhớ để về thăm em đây. Lời đầu thư anh chúc em  luôn luôn khỏe, trẻ mãi hồn nhiên yêu đời, vui trong cuộc sống để công tác đạt được nhiều thành quả tốt đẹp và như ý anh mừng hơn gì hết…

An em thế nào, em có được khỏe lắm không, chắc là không được khỏe cho lắm em nhỉ vì phải nghĩ ngợi quá nhiều về anh  và gia đình phải không em. Về công tác của em thế nào, dạo này có bận rộn lắm không em, chắc là dạo này bận lắm em nhỉ… Tuy rằng tết này sự việc trước mắt sẽ buồn đấy, một phần mẹ qua đời, một phần hoàn cảnh neo đơn và một phần lại phải suy nghĩ về anh, cho nên tết nhất anh tin chắc là không được vui lắm đâu, vì thế em cố gắng cùng với các em động viên thày hộ anh với nhé! Nói thày cứ yên tâm đừng suy nghĩ gì về anh cả, anh cũng đã viết thư nói thầy và các em rồi, nhưng anh cũng dặn thêm em thế để cho thày yên tâm hơn…”.

Mùa xuân chiến thắng đã đến, ngày 30/4/1975 cả nước hân hoan chào mừng miền Nam hoàn toàn giải phóng, non sông về một mối ca khúc khải hoàn và ông hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ của người lính. Đến năm 1976, vì hoàn cảnh gia đình nên ông xin xuất ngũ về địa phương sinh sống và công tác, ông bà sinh được cậu con trai đầu lòng, đến năm 1978 cậu con trai thứ 2 ra đời và năm 1983 ông bà có thêm người con gái. Ông cười hiền lành nói với chúng tôi: “Từ khi về xuất ngũ là ông cũng tích cực tham gia công tác xã hội như: Tổ trưởng tồ cày, cấp ủy của xã, Đội trưởng đội sản xuất, Bí thư Chi bộ, Trưởng Ban công tác mặt trận thôn… và hiện nay đang là Chi hội trưởng Thanh niên xung phong của xã” . Nay các con của ông bà đều lớn khôn và trưởng thành có công ăn việc làm ổn định và xây dựng gia đình con cháu đề huề, đây là niềm hạnh phúc của ông bà. Các con đi công tác xa, chỉ còn hai ông bà sống bên nhau trong căn nhà khang trang với đầy đủ tiện nghi của cuộc sống đương đại, ông được hưởng lương bệnh binh còn bà hưởng lương mất sức. Chúng tôi thấy vui với cuộc sống thực sự viên mãn và có hậu của ông bà. Quá trình công tác và chiến đấu lập được nhiều thành tích, ông vinh dự được Nhà nước phong tặng Huy chương Chiến sỹ Giải phóng hạng Một, Hai, Ba; Huân chương Kháng chiến hạng Nhất.

Nhằm tri ân và tôn vinh các anh hùng liệt sỹ, các đồng chí thương bệnh binh và các đồng chí cựu chiến binh vì sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Nội dung trưng bày phong phú, gồm những sưu tập hiện vật như: Quân tư trang cấp phát, vũ khí khí tài, những bức thư và sổ nhật kí được viết từ chiến trường, chiến lợi phẩm và những sản phẩm tự chế để phục vụ bản thân của người lính… Chắc chắn rằng những bức thư, những đoạn trích thư và những cuốn nhật kí sẽ là tiếng nói cảm động nhất từ đáy lòng của người chiến sỹ có tác động trực tiếp đến khách thăm quan. Một trong những bức thư và trích thư của ông Bùi Đình Chiến được đưa ra trưng bày, để khách đến thăm quan đọc và cảm nhận tốt nhất.

                                                                                                                                                                                                        P.T.N        

(Nguồn: TC VNNB 267-7/2022) 

Bài viết khác