Thứ bảy, 11/05/2024

Có một thế kỷ bản lề trong lịch sử dân tộc

Thứ ba, 05/11/2019

TRƯƠNG HÁN VŨ 

Lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam “đau thương và anh dũng” ít có một dân tộc nào trến thế giới có một lịch sử đặc biệt, đặc sắc như vậy.

Trong suốt hơn bốn mươi thế kỷ, từ buổi bình minh dựng nước thời đại các vua Hùng, đến thời đại Hồ Chí Minh vĩ đại, thì thời kỳ cổ - trung đại, lịch sử dân tộc ta có một thế kỷ được các nhà sử học gọi là “Thế kỷ bản lề” – Thế kỷ thứ X.

Thế kỷ X được tính từ năm 900 đến năm 1000 SCN. Nhưng đó là sự phân chia "rạch ròi" theo lịch đại chứ về lịch sử thì có thể ngắn dài hơn một số năm theo sự kiện lịch sử tiếp biến. Thế kỷ X là thế kỷ với đầy ắp những sự kiện lớn lao, dồn dập, tạo nên những động lực vô cùng to lớn thúc đẩy lịch sử phát triển với tốc độ “bằng hàng chục thế kỷ khác“ dồn lại!

Hoa Lư một thời vàng son                            Tranh của Họa sĩ NGUYỄN PHÚ VĂN 

Mở đầu thế kỷ X, vào năm 905, là sự kiện Khúc Thừa Dụ lãnh đạo nhân dân An Nam đứng dậy đánh đuổi quân Đường cai trị, giành quyền tự chủ. Sự kiện lịch sử mở đầu thế kỷ X này được coi là sự kiện mở đầu các trận bão táp vươn lên mạnh mẽ giành độc lập tự chủ của dân tộc. Khúc Thừa Dụ vốn là một hào trưởng đất Hồng Châu (Ninh Giang, Hải Dương), được dân chúng suy tôn, giữ nguyên chức Tiết độ sứ của nhà Đường, đóng trị sở ở Đại La (Thăng Long). Cha con họ Khúc nối ngôi được ít năm, đến năm 923, bị nhà Nam Hán (mới lập sau khi đánh đổ nhà Lương) tiến đánh, chiếm trị sở  Giao Châu, nhưng chúng bị Dương Đình Nghệ, một võ tướng người Ái Châu (Thanh Hóa) cất quân đánh đuổi buộc vua Nam Hán phải trao quyền chức cho Dương Đình Nghệ cùng lúc cai quản với với Lý Tiến làm Thứ sử Giao châu và Lý Khắc Chính giữ thành với lời khuyên bề tôi thực chí lý: “Dân Giao Châu  hay làm loạn, chỉ nên ràng buộc (ki mi) mà thôi”. Dương Đình Nghệ nuôi chí lớn, khôi phục lại quyền tự chủ của đất nước từ chủ soái họ Khúc của mình nên đã đem quân bao vây, đánh đuổi Lý Tiến về nước, giành quyền Tiết độ sứ, trông coi việc Giao Châu. Năm 937, Kiều Công Tiễn, một nha tướng của Dương Đình Nghệ, giết chết chủ tướng của mình, cướp ngôi. Tháng 10 năm 938, một nha tướng và là con rể của Dương Đình Nghệ là Ngô Quyền, Thứ sử Ái Châu (Thanh Hóa) đem quân tiến đánh Đại La, giết chết loạn thần Kiều Công Tiễn. Được sự cầu viện của họ Kiều, tháng 10-938, “Vua Nam Hán là Cung muốn nhân loạn để lấy đất ta” (1). “Ngô Quyền là người kiệt hiệt”, sai người đem cọc nhọn đóng ở sông Bạch Đằng lập kế phá thủy quân của giặc. Quả nhiên thủy quân Nam Hán bị đánh tan tác, bắt sống tướng giặc là Thái tử Hoằng Tháo đem giết chết. “Vua Hán thương xót, thu nhặt quân còn sót mà lui” (2). Mùa xuân năm Kỷ Hợi, 939, Ngô Quyền xưng vương “đặt trăm quan, chế định triều nghi, phẩm phục”(3), đóng đô ở Cổ Loa. Như vậy, đến Ngô Quyền, nhà nước đã có bước phát triển mới, ông xưng vương chứ không xưng Tiết độ sứ, hay Thứ sử  như  họ Khúc, họ Dương trước đó. Đến năm 944, Ngô Vương Quyền mất. Đất nước từ đây rơi vào tình cảnh hỗn loạn. Dương Tam Kha (con trai Dương Đình Nghệ) cướp ngôi nhà Ngô. Rồi các con trai Ngô Quyền là Ngô Xương Văn và Ngô Xương Ngập nhờ sự hậu thuẫn của các tướng thần trung thành, khôi phục được vương vị, cùng lúc, đất nước có hai vua cai quản triều chính. Ngô Xương Ngập mất, đến năm 965, Ngô Xương Văn cũng mất, con trai là Ngô Xương Xí nhỏ tuổi, không đủ tài trí đảm đương sứ mệnh đế vương. Đất nước vô chủ. Các hào trưởng và tướng thần nổi lên hùng cứ, hình thành loạn “thập nhị sứ quân”. Từ năm 951 (có thể từ trước đó), ở xứ Hoa Lư, Đinh Bộ Lĩnh, người con trai của Thứ sử Hoan Châu là Đinh Công Trứ, tài năng, thông minh hơn người, tụ tập nghĩa binh ở động Hoa Lư, chờ thời cơ, đến khi “đất nước vô chủ”, năm 967, phất cờ hưng binh đánh lớn, bình định 12 sứ quân, thu giang sơn về một mối, “dẹp yên các sứ quân, tự lập làm đế”, xưng là Đại Thắng Minh Hoàng đế. “Vua lên ngôi, đặt quốc hiệu là Đại Cồ Việt, dời kinh về động Hoa Lư, xây dựng đô mới, đắp thành, đào hào, làm cung điện, đặt triều nghi, Bầy tôi dâng tôn hiệu là Đại Thắng Minh Hoàng đế” (4) Về tên nước là Đại Cồ Việt, không ít nhà sử học đặt nghi vấn khi khảo cổ học cố đô Hoa Lư thu được các viên gạch có nhấn 5 chữ Hán “Đại Việt quốc quân thành chuyên” (Gạch xây thành quân đội nước Đại Việt) và đặt câu hỏi “Phải chăng tên nước là Đại Việt mà sử sách sau này chép không đúng?”. Tuy nhiên, cũng theo bộ sử lớn là Đại Việt sử ký toàn thư cho biết, năm 1054, niên hiệu Long Thụy Thái Bình năm thứ nhất, vua Lý Thánh Tông đặt quốc hiệu là Đại Việt. Như vậy, không thể từ thời nhà Đinh-Tiền Lê đã đặt tên nước là Đại Việt rồi mà đến năm 1054, vua Lý còn đặt lặp lại tên nước? Cũng cần phải nói thêm rằng, chữ “Cồ” trong danh xưng tên nước “Đại Cồ Việt” không phải là chữ nôm như một số người quan niệm “cồ” là “lớn”, “xứ”, mà chữ “Cồ” ở đây thuần túy là chữ Hán còn có âm đọc là “cù” với ý nghĩa là “con đường thông bốn ngả”. Như vậy có thể hiểu Đại Cồ Việt là Nước Việt to lớn như con đường thông suốt bốn ngả như tác giả Đinh Văn Tuấn trong bài nghiên cứu “Nhận thức mới về quốc hiệu nhà Đinh”(5). 

Nhà Đinh trị vì 12 năm, đặt nền móng cho nhà nước quân chủ tập quyền đầu tiên của chế độ phong kiến Việt Nam. Lâu nay chúng ta chỉ hiểu sự nghiệp của vua Đinh là dẹp loạn 12 sứ quân, thống nhất đất nước, lên ngôi, lập nước Đại Cồ Việt. Nhưng nếu suy ngẫm thấu đáo ba đại tự “Chính thống thủy” ở đền vua Đinh (Trường Yên) thì thấy người xưa đề cao vai trò vua Đinh là người mở đầu nền thống nhất quốc gia như sách Toàn thư chép “quét sạch các hùng trưởng, nối lại đại thống của Triệu Vũ Đế”(6). Song không chỉ có thế, chính Đinh Tiên Hoàng là người mở đầu nghiệp đế chính thống (để phân biệt với không chính thống theo quan niệm Nho giáo) trong lịch sử quân chủ Việt Nam. Hiểu như thế mới thấy hết tầm vóc lớn lao của người anh hùng dân tộc họ Đinh trong lịch sử dân tộc mà các nhà viết sử đều lấy nhà Đinh làm “bản kỷ”, còn các triều đại trước đó chỉ là “ngoại kỷ”.

Năm 979, nhà Đinh gặp đại nạn. Cả hai cha con Đinh Tiên Hoàng và Đinh Liễn bị sát hại. Con nhỏ Đinh Toàn mới 6 tuổi nối ngôi vua cha không gánh vác nổi trọng trách giang sơn. Các đại thần phân cực nửa muốn duy trì nghiệp đế nhà Đinh. Nửa muốn tôn Thập đạo tướng quân Lê Hoàn lên ngôi để lãnh đạo quân dân cả nước đối địch với nhà Tống đang lăm le bờ cõi phía Bắc. Sau những trận chiến nội bộ đau lòng, nhiều trung thần với nhà Đinh đổ máu. Ngôi vương đế được trao cho Lê Hoàn. Các nhà nho cho là việc vua Lê lên ngôi thay nhà Đinh là không chính thống, là thoán đoạt nên không tiếc bút mực chua phê, trong đó có cả việc chì chiết, lên án Dương Thái Hậu về hành vi dâng áo long cổn cho Lê Hoàn. Nhưng thực sự, thật khách quan mà xét, thì lúc đó nguy cơ mất nước về nhà Tống đang hiện hữu. Triều đình không có ai cáng đáng nổi sứ mệnh trọng đại là cầm quân đánh giặc, cứu nước ngoài quan Thập đạo Lê Hoàn. Vậy, dù có “chính thống” hay “không chính thống” thì việc Lê Hoàn lên ngôi, chỉnh đốn binh mã, phá tan quân Tống ở phía Bắc, tiến đánh phía Nam dẹp giặc Chiêm Thành, giữ yên bờ cõi giang sơn là “đáng mặt anh hào”, là xứng tầm gánh vác quốc gia trong cơn hoạn biến. Như thế thì việc lên ngôi vua của Lê Hoàn là “thuận ý trời, hợp lòng dân”. Và như chúng ta nói ngày nay là “Hợp với yêu cầu tất yếu của lịch sử”, “phù hợp với quy luật khách quan”. Còn theo quan niệm “Tam cương”, “Ngũ thường” của Nho giáo thì tất nhiên như ngòi bút của các sử gia phong kiến phê phán. Cũng cần nói thêm để thấy hết tầm vóc lớn lao của sự nghiệp phá Tống bình Chiêm của Lê Đại Hành. Từ sau chiến thắng Bạch Đằng- Chi Lăng (981), bắt sống mấy tướng đầu sỏ nhà Tống về Hoa Lư trị tội. Nhà Tống khiếp sợ người Việt, mãi đến năm 1076, tức là ngót 100 năm sau chúng mới lại dám phát binh xâm lược nước ta. Cuộc tiến đánh Chiêm Thành ở phía Nam để “rửa cái nhục bắt sứ thần”, Lê Đại Hành đánh thẳng tới kinh đô, chém đầu vua Chiêm, “san phẳng thành trì, phá hủy tôn miếu” thì đây là cuộc Nam tiến đầu tiên trong lịch sử dựng nước và mở nước của người Việt. Những võ công oanh liệt “vô tiền khoáng hậu” đó lại được trù liệu mưu tính, đặt bày quân cơ của vua tôi nhà Tiền Lê ở kinh đô Hoa Lư tráng lệ!

Năm 1005, vua Lê Đại Hành băng hà. Vua Lê Long Đĩnh lên nối ngôi sau khi giết chết vua anh trong một ngày ở ngôi. Lại một cuộc “nồi da nấu thịt” diễn ra. Sử sách sau này chỉ phê phán Lê Long Đĩnh là ông vua tàn ác (róc mía trên đầu sư…), hoang dâm vô độ, đến mức mắc bệnh trĩ ngoại phải nằm chầu rồi gọi là “Ngọa Triều Hoàng đế”. Thật thiếu công bằng! Chỉ nhìn phiến diện một mặt vì dưới ngòi bút của nho gia phong kiến thì việc “thoán đoạt” ngôi vị của Lê Long Đĩnh là “không thể chấp nhận được”. Bởi thế ngòi bút các vị không tiếc lời phỉ báng. Song đọc lại sử sách, chúng ta thấy Lê Long Đĩnh cũng có nhiều công lao cho đất nước như dẹp giặc cướp ở Phù La, Châu Phong, đánh và phá tan giặc Cử Long khi chúng từ châu Ái đánh vào cửa bể Thần Phù. Đến năm 1006 cho đổi lại quan chế và triều phục cho các quan văn võ và tăng đạo theo đúng như nhà Tống…Rồi làm đường, mở chợ, đào sông…

Cuối năm 1009, Lê Long Đĩnh băng hà. Quần thần, đứng đầu là Đào Cam Mộc phò Điện tiền Chỉ huy sứ Lý Công Uẩn lên ngôi. Khác với cuộc đổi thay triều đại từ nhà Đinh sang nhà Tiền Lê phải tắm trong máu lửa binh đao, cuộc thay đổi triều đại từ nhà Lê sang nhà Lý diễn ra êm lẹ, được dọn đường bằng các câu đồng dao, sấm ký và những chuyện ly kỳ như “Vua Lê ăn khế thấy hạt mận”…Người “kiến trúc sư” cho cuộc đổi thay thời đại này không ai khác là thiền sư Vạn Hạnh, người vừa là cố vấn cho triều Tiền Lê, người chuẩn bị mọi điều kiện chính trị, xã hội để đưa Lý Công Uẩn, theo dân gian truyền tụng chính là con trai của ông, lên ngôi vương đế “hợp đạo trời” lại “hợp lòng dân”. Lý Công Uẩn lên ngôi chưa đầy một năm, tháng 7 năm 1010, ngài đã làm một việc lớn lao mà sử sách gọi là “khúc quanh Hoa Lư-Thăng Long” là chuyển đô từ Hoa Lư về Đại La (Thăng Long-Hà Nội).

Đến đây, tuy đã bước sang thế kỷ XI 10 năm trời. Song các nhà làm sử vẫn coi sự kiện dời đô của Lý Thái Tổ là mở đầu thế kỷ XI, mở đầu kỷ nguyên Đại Việt.

Như vậy, từ năm 905 với sự kiện Khúc Thừa Dụ đánh đuổi nhà Lương giành quyền tự chủ, trải qua họ Dương rồi họ Ngô, đặc biệt với Ngô Vương Quyền với sự kiện lịch sử trọng đại là đánh tan quân xâm lược Nam Hán trên sông Bạch Đằng, đây được coi là trận Bạch Đằng lần thứ nhất, chấm dứt thời kỳ 1000 năm Bắc thuộc, giành độc lập, tự chủ. Quan điểm chung của giới sử học coi Ngô Vương Quyền là người mở đầu kỷ nguyên độc lập, tự chủ đất nước. 30 năm sau, năm 968, Đinh Bộ Lĩnh dẹp loạn 12 sứ quân, lên ngôi đế, lập nên nhà nước phong kiến trung ương tập quyền đầu tiên ở nước ta, là người mở đầu nền thống nhất quốc gia phong kiến độc lâp, tự chủ, có quân đội hùng mạnh, có pháp chế, kỷ cương hơn hẳn mọi triều đại trước đó. Đến năm 981-982, với võ công oanh liệt phá Tống bình Chiêm, Lê Đại Hành ghi một mốc son chói lọi trong công cuộc dựng nước và bảo vệ đất nước trong lịch sử dân tộc, đưa vị thế nước ta lên tầm cao chưa từng có trước đó.

Điểm lại các sự kiện lịch sử thế kỷ X mới thấy, đây là thế kỷ đầy những biến động chính trị, xã hội sâu sắc, lớn lao, mang tầm vóc thời đại. Thế kỷ biến động lớn lao, sinh ra những anh hùng hào kiệt làm “thay đổi chế độ”, mở ra kỷ nguyên mới cho dân tộc.

Song điều mà các nhà sử học đánh giá tương đối thống nhất là, thế kỷ X là thế kỷ bản lề của lịch sử dân tộc. Tính chất và vị trí “bản lề” ở đây được hiểu là trục quay của cánh cửa thời đại. Thế kỷ X là thế kỷ khép lại hơn 1000 năm “đêm trường nô lệ” của dân tộc, mở ra kỷ nguyên độc lập, tự chủ và vươn lên tầm cao văn minh Đại Việt.

Vị trí và tính chất bản lề của thế kỷ X thì với vai trò hai triều đại Đinh-Tiền Lê và kinh đô Hoa Lư, nơi hoạch định kế sách dựng nước và giữ nước của gần nửa thế kỷ (lâu nhất trong các vị trí lập kinh đô ở thế kỷ X) đóng góp vai trò to lớn, nổi bật và tạo nên thế và lực mạnh mẽ để có Thăng Long và nền văn minh Đại Việt các thế kỷ sau. Tầm vóc hai triều đại Đinh-Tiền Lê và nhà nước Đại Cồ Việt nửa cuối thế kỷ X mang tầm vóc bước ngoặt vĩ đại của lịch sử dân tộc trong cái thế kỷ bản lề vĩ đại ấy.

T.H.V

 

Chú thích: 1.Địa Viêt sử ký toàn thư, NXB KHXH, HN, 1972, tr.145; 2.Đại Việt sử ký, sđd, tr.146; 3.Toàn thư, sđ d , tr. 147; 4.Toàn thư, sđ d, tr.153-154; 5.Đinh Văn Tuấn: Nhận thức mới về quốc hiệu nhà Đinh, Xưa Nay, số 308-368-369, tháng 12-2010; 6.Toàn thư, sđ d, tr. 153.

Bài viết khác