Thứ sáu, 10/05/2024

Ngài Tuệ Tĩnh nhân duyên từ cửa Phật đến danh hiệu Đại Y Thiền Sư tổ thánh Y học cổ truyền Việt Nam

Thứ ba, 12/09/2023

MẠC KHẢI TUÂN

Cho đến nay, tài liệu về Thiền sư Danh y Tuệ Tĩnh còn lại hết sức ít ỏi. Nếu còn, có chăng đang nằm trong các tàng thư của Trung Quốc (!) hoặc ở những trang Hán Nôm do các nhân sĩ cùng thời ghi lại có may mắn sót lại đâu đó chưa có duyên tìm lại sau lần nhà Minh tràn sang. Tuy nhiên, không vì thế mà chúng ta không còn căn cứ khả tín nào để phác họa và định hình, định tính chân dung con người và sự nghiệp một nhân vật lịch sử đặc biệt độc đáo như ngài Tuệ Tĩnh!

Trong “Tuệ Tĩnh toàn tập” (NXB Y học, in lần thứ 5, 2015) chuyên gia hàng đầu về lịch sử y học cổ truyền Việt Nam Lê Trần Đức đã có bài viết về “Tiểu sử của Tuệ Tĩnh” (Trang 11, Sđd).

Chúng tôi nghĩ, đây là tư liệu có thể nói là đặc biệt tin cậy cho việc tìm hiểu, nghiên cứu về một Danh nhân Văn hóa siêu việt – một Thiền sư, một nhà Đại khoa, và hơn hết là Tuệ Tĩnh là một Đại Danh y, một Thánh tổ thuốc Nam với phương châm: “Nam dược trị Nam nhân” – thấm đẫm tinh thần: Độc lập, tự chủ, tự lực, tự cường của dân tộc ta và nhuần thấm sâu sắc tính Phật!

Qua bài viết này, tôi xin được nói lời thành kính biết ơn và tôn vinh công quả của các nhà làm sách tiền bối đã nối bước “vua Phục Hy* ngẩng lên xem trời, cúi xuống xét đất, lượm lặt cái gần, tìm kiếm cái xa…” mà lưu giữ, truyền thừa cho hậu thế tấm gương bất tử “vô ngã, vị tha” nhờ “duy tuệ thị nghiệp” của Tuệ Tĩnh! Một vĩ nhân tưởng chừng đã mai danh ẩn tích hơn sáu trăm năm qua.

Như chúng ta từng biết, giáo hội Phật giáo và xã hội cuối đời Trần đã bước vào giai đoạn suy vi theo đà xuống dốc nghiêm trọng… May thay, đời sống chính trị, đạo đức, tôn giáo mỗi thời kỳ lịch sử có thể chuyển hóa phức tạp; nhưng trong lòng nó vẫn ẩn chứa những ánh hào quang chói lọi khác đang chờ phát lộ. Điều này thật đúng với hiện tượng Nguyễn Bá Tĩnh (1330- 1700(?)

I- Nhân duyên từ cửa phật: Từ- bi - trí -tuệ

Nhiều thế kỷ trước khi cậu bé Tĩnh mất cả cha lẫn mẹ… Cửa Phật đã xuất các minh sư như Khuông Việt, Pháp Thuận… nhập thế giúp 2 triều Đinh - Lê giữ vững nền “Chính thống thủy” của Đại Cồ Việt trước âm mưu Hán hóa trước đó hàng ngàn năm của phương Bắc; độ cho Lý Công Uẩn lên ngôi vua, mở ra một thời huy hoàng của nhà nước độc lập tự chủ mang tên Đại Việt. Thế kỷ XIII, cửa Phật lại đón đưa các Thái thượng hoàng nhà Trần lên Yên Tử, lập nên một Trúc Lâm Yên Tử xanh mãi với đất nước các vua Hùng. Đó là sự kết hợp sâu sắc, hài hòa, nhuần nhuyễn giữa tôn giáo và dân tộc từ cuối thế kỷ X đến  nửa đầu thế kỷ XIV. Tiếp đó, nếu không có Từ Bi Trí Tuệ nơi cửa Phật liệu chúng ta có thể có được một Thánh tổ thuốc Nam - Tuệ Tĩnh chăng?

 Từ một đứa trẻ mới 6 tuổi đã mồ côi cha mẹ, Nguyễn Bá Tĩnh được các nhà sư từ chùa này đến chùa khác đón về chăm nuôi, dạy bảo, trao truyền lòng nhân ái từ bi trí tuệ, ý chí và lòng kiên định theo giáo lý của đạo Phật. Mặt khác, nếu tiểu Huệ Tĩnh không có tư chất thông minh, dĩnh ngộ liệu có thể đón nhận và thấu đáo tam vô lậu học để “tự mình thắp đuốc cho mình đi” trong việc tu Thiền; suy tư về cửa Khổng sân Trình và trọn đời tâm niệm “thương người như thể thương thân”, “cứu nhân độ thế”, “trung quân ái quốc” qua việc làm thuốc chữa bệnh cho bách tính Đại Việt và đi “sứ” trong Viện Thái Y nhà Minh đến lúc qua đời được chăng?

Thế mới biết, sự ra đời của một chân sư, một chân nhân không bao giờ là chuyện dễ hiểu và lý giải đơn thuần. Chỉ có thể tâm đắc với lý Nhân Duyên giữa con người với thời đại, giữa đạo với đời, giữa tự nhiên với xã hội mới cảm nhận nổi mà thôi!

Khi quân Minh sang xâm lược nước ta đã rắp tâm bằng mọi cách phủ định văn hóa Việt, trong đó có việc đốt sách, chiếm đoạt nhân tài. Vì vậy, hành trạng của Thiền sư - Đại khoa - Thánh y Nam dược Tuệ Tĩnh chúng ta  nắm được qua các thư tịch quá hạn hẹp. Khác hẳn cuộc đời của Á thánh Danh y hậu thế Lê Hữu Trác - Hải Thượng Lãn Ông. Nhưng, trong tâm thức Việt và bằng suy lý biện chứng chúng ta vẫn cảm nhận được đạo lý Phật giáo đã nhuần thấm làm nên tâm đức, chí hướng hành trì không thối chuyển của Tiểu Huệ khởi từ cửa chùa quê đất Hải Dương cho đến khi ký thân nơi đất khách quê người phương Bắc!

Nhờ cửa Phật, Bá Tĩnh được liễu ngộ Phật pháp. Từ Phật Pháp Tiểu Huệ nhận ra ý nghĩa, tư cách, bổn phận làm một Phật tử; đồng thời, trở thành một Danh sĩ, đỗ đại khoa - Hoàng giáp (còn gọi là Tiến sỹ xuất thân; đứng thứ hai trong các học vị tiến sĩ Nho học, nên được gọi là Đệ nhị giáp, trên Đệ tam giáp, dưới Đệ nhất giáp trong hệ thống khoa bảng phong kiến Việt Nam – theo Wikipedia tiếng Việt).

Thử hình dung, trong điều kiện kinh tế xã hội khó khăn, lạc hậu cách nay ngót 700 năm, việc tu trì thấu đáo giới luật từ Sa di đến Tỳ khiêu (250 giới) để vừa lĩnh hội được nội kinh, ngoại điển của tam tạng kinh Phật, vừa thâu nạp kiến thức về Nho, Y, Lý, Số để dự các kỳ thi: từ thi Hương, thi Hội đến thi Đình đã là một thách thức như thế nào đối với một thân phận như Tuệ Tĩnh? Ấy là chưa kể đến thời gian dành cho thực hành việc gieo trồng, thu lượm, chế biến các vị thuốc do nghiệp sư truyền thụ; đồng thời sưu tầm, học hỏi và thực hành các bài thuốc chữa bệnh cho dân chúng! Từ đó, phải khẳng định Nguyễn Bá Tĩnh là một người vừa có “Thông minh vốn sẵn tính trời” vừa có một nghị lực phi thường; lại được Văn - Tư - Tu, Giới - Định - Tuệ trong nhà chùa thì quả là một túc duyên vô tiền khoáng hậu cho ông lựa chọn và đam mê từ “tự giác” đến “giác tha” và “giác hạnh viên mãn”!

II- Duy tuệ thị nghiệp - vô ngã, vị tha

Miền đất nhiệt đới gió mùa Việt Nam chúng ta cách đây bẩy thế kỷ: Nạn dịch bệnh đậu, tả, phong, hàn… thương tật luôn đã luôn là mối đe dọa và ám ánh thường nhật cuộc sống của mọi nhà.

Thấu cảm điều đó, trúng bảng thi Hương ở tuổi 22, Tiểu Huệ ngày nào, nay mang pháp danh Tuệ Tĩnh đã đem năng lượng trí tuệ đầy sung sức của mình vào việc sưu tầm các bài cổ phương và lo chữa trị bệnh cho người dân lam lũ canh nông vùng Sơn Nam (Nam Định, Hà Nam ngày nay).

Tám năm sau, vào tuổi 30, ông dời chùa Hải Triều (Nghiêm Quang tự thuộc Sơn Nam, Nam Định) trở lại trụ trì chùa Yên Trang (huyện Cẩm Bình, Hải Dương) - Nơi ông được cưu mang ăn học tự tuổi chín, mười. Tại đây, một mặt, chữa bệnh cứu người theo truyền thống của nhà chùa; mặt khác, vẫn chuyên chú ông thâm nhập nội kinh, ngoại điển Phật giáo và Nho giáo, cùng với việc tiếp tục sưu tầm, tổng kết, nghiên cứu, thử nghiệm, thu thập các bài thuốc trong dân gian, thống kê, phân loại các cây cỏ hoa lá mang dược tính đã kinh, truyền cổ phương để chữa bệnh có hiệu quả trong nhân dân. Hơn thế ông còn lo biên chép tỷ mỷ có hệ thống khoa học đối với các loại cây cỏ mang dược tính có tác dụng chữa cho từng loại bệnh; rồi lưu bút cho việc khắc bản in phổ biến, lưu truyền rộng rãi trong nhân dân và còn lại trong “Nam Dược thần hiệu” sau này. Không những thế, ông còn chăm chút tu bổ khuôn viên chốn tổ; và mở mang xây thêm chùa mới (24 ngôi) tại cố hương cùng các địa phương lân cận vùng Sơn Nam; huấn luyện nghề thuốc Nam cho các tăng ni nhằm mở rộng việc chăm sóc sức khỏe cho nhân dân.

15 năm sau, ở tuổi 45, dự thi Đình, đậu Hoàng Giáp. 10 năm tiếp đó, ông vẫn ở lại chốn tổ, miệt mài khảo cứu, trước tác, nêu tôn chỉ “Nam dược trị Nam nhân”

Đến năm 55 tuổi. Tuổi của tích lũy, kinh nghiệm già dặn Tuệ Tĩnh đã để lại trong hai bộ sách: “Dược tính chỉ Nam”“Thập tam phương gia giảm”. Một may mắn khác, bộ sách “Nam dược thần hiệu” do Hòa thượng Bản Lai sưu tầm, biên soạn, in lại đã tâm sự trong lời tựa như sau: “Tôi từng đọc 10 quyển sách của Quý Công đã lâu, nhưng gặp lúc loạn lạc, bản khắc cháy mất, mọi người muốn tìm mà không có gốc. Vậy tôi đã hiệu đính bản khắc gia truyền của Vương Thiên Trí, hàm Chiêm sự viện ở xã Liễu Chàng, quyên tiền khắc lại bản in lưu truyền làm của quý trong nhà và bán ra gần xa…” (Trang 14, Tuệ Tĩnh toàn  tập -  NXB Y học,  2015).

Thiền sư Tuệ Tĩnh (Nguồn Internet)

Bi tráng thay, đang lúc y thuật và việc trước tác vào độ chín muồi cho tâm huyết “Nam dược trị Nam nhân” thì Tuệ Tĩnh buộc phải vâng mệnh triều đình: - “Đi sứ” nhà Minh! (Thực chất là làm phận triều cống nhân tài). Để giữ “hòa hiếu” với một nước láng giềng lắm mưu ma, chước quỷ. Nếu Tuệ Tĩnh khi ấy khước từ chiếu chỉ vua ban, khăng khăng ở lại cứu bệnh người Nam mà để mếch lòng kẻ Bắc… liệu ông có được toàn thân? Hơn thế ông là một Phật tử, việc “cứu nhân độ thế”, dân Nam bệnh Bắc đâu chả lòng Thiền (!) Ông nhập Viện Thái y trong tư cách một Đại y Thiền sư do triều đình nhà Minh ngưỡng mộ, suy tôn.  Âu cũng là phát tâm bố thí theo lục độ vậy (!) Như thế, ngài Tuệ Tĩnh đã gánh vác sứ mệnh mang tính dân tộc, đại sự quốc gia, chứ không đơn thuần chỉ là một lương y nữa! Thời gian đó, vua Trần Dụ Tông đã trở nên bạc nhược và triều chính đang khủng hoảng nghiêm trọng; thì Tuệ Tĩnh từ một người con Phật chân chính, một danh y lỗi lạc; còn phải và đã trở thành một tráng sĩ ngoan cường, một nhà ngoại giao “lấy chí nhân thay cường bạo” hy hữu trong lịch sử giữ nước tự cổ chí kim của dân tộc Việt Nam chúng ta!

III- Y thuật mở đường

Được biết rằng: Lương y Lê Trần Đức đã từng khảo chứng, đối chiếu nội dung của 12 văn bản chữ Hán hiện còn; đồng thời, một số tác giả uy tín khác đã khảo chứng văn bản, so sánh từ ngữ chữ Nôm, đối chiếu “Nam dược thần hiệu”, “Nam dược quốc ngữ phú” với các bản thảo Trung dược các đời… thấy có sự phù hợp và liên quan đến nhau. Chứng tỏ các tác phẩm của Tuệ Tĩnh nói chung và nguồn gốc của “Nam dược thần hiệu” nói riêng đều thuộc vào đầu thế kỷ XV về trước – sinh thời của Thiền Y Tuệ Tĩnh.

Vẫn theo Lương y Trần Văn Đức: 400 trăm năm sau khi Tuệ Tĩnh qua đời, bộ sách “Nam dược thần hiệu” (bằng chữ Hán Nôm) với nguồn tài liệu gốc của Tuệ Tĩnh, được Hòa thượng Bản Lai (chùa Hồng Phúc, phố Hòe Nhai, dốc Hàng Than, Hà Nội) bổ sung và in lại năm 1761. Rồi phải 200 năm tiếp đó (1960) mới có dịp được dịch ra Quốc ngữ và 55 năm sau (2015), “Nam dược thần hiệu” tiếp tục nằm trong “Tuệ Tĩnh toàn tập” do Nhà xuất bản Y học tái bản lần thứ 5 có bổ sung, sửa chữa.

Bộ “Nam dược thần hiệu” (10 quyển) gồm 23 nhóm của 499 vị  thuốc Nam và 10 khoa chữa bệnh, với 3932 phương thuốc Nam ứng trị 184 loại bệnh, kèm theo các môn thuốc chữa gia súc.

Không rõ thời nay, ở nước ta danh sách Giáo sư, Tiến sĩ y học từng đạt rất nhiều danh hiệu và giải thưởng danh giá; đã ai có được bao nhiêu công trình lý thuyết kết hợp thực hành còn lại trong tương lai? Thử đặt vấn đề như thế mới thấy: Chỉ những ai quên mình vì nghiệp lớn, nghĩa cao, để lại công quả lâu bền với dân với nước mới mong tiếng thơm còn lưu lại cùng  non sông đất nước. Bằng không, chỉ là “hư vị”, “tham lợi đồ danh”, “thùng rỗng kêu to” mà thôi! Thậm chí thành những kẻ tội hình trong dân gian, trong sử sách, cũng như ở thời hậu Covid mà mọi người đang theo dõi. 

Cũng theo lương y Trần Văn Đức thì bộ “Nam dược chỉ Nam”“Thập tam phương gia giảm” do Tuệ Tĩnh biên soạn trước khi “đi sứ” đã không còn được nguyên vẹn. Một trong những lý do, đó là việc quân Minh thiêu hủy thư tịch nhằm xóa dấu vết từ Đại Việt đến Đại Ngu để biến nước ta khi đó thành một tỉnh của nhà Minh. Do đó, các bộ sách khác mà các đời sau sưu tầm, biên soạn hay sao lục trên cơ sở trước tác của Thiền sư Tuệ Tĩnh để lại như: “Nam dược chính bản” (Hồng nghĩa giác tư y thư in lại năm 1717) do nhóm dịch giả Lê Trần Đức, Phạm Hữu Lãm, Nguyễn Thanh Giản thực hiện; “Thập tam phương gia giảm” Tuệ Tĩnh biên soạn, Sơn Nam Hồng Cẩm cư sĩ sao lục.

Đến thế kỷ XVIII (500 năm sau), Hải Thượng Lãn Ông đã thừa kế 496 bài thơ dược tính của “Nam dược thần hiệu” chép vào sách “Lĩnh Nam bản thảo”; cùng nhiều phương thuốc Nam của Tuệ Tĩnh chép vào các tập “Hành giản trân nhu” và “Bách gia trân tàng”. Đồng thời, “Đường hướng dưỡng sinh của Tuệ Tĩnh về giữ gìn tinh khí thần để sống lâu cũng được Hải Thượng phụ họa thêm ở thiên “Khởi cư” của tập “Vệ sinh yếu quyết” (Tiểu sử của Tuệ Tĩnh - Lương y Lê Trần Đức).

Từ các cứ liệu lịch sử ấy, cho thấy Danh y Tuệ Tĩnh đã là người đầu tiên phất cao ngọn cờ tự lực tự cường, dùng nguồn dược liệu phong phú trong nước chữa bệnh cho người Việt. Tất cả những bộ sách sau này về y học cổ truyền dù ít hay nhiều, có ghi chú hay không, chắc hẳn đều có thâm nhập, kế thừa tinh hoa trước thuật của ông. Từ vị trí, ý nghĩa đó, trong “Tựa đề khi khắc lại sách về y đạo Tuệ Tĩnh” (Y đạo Tuệ Tĩnh trùng san cẩn tự) đã có nhận định hết sức ý vị và sâu sắc: “Cứu người lợi vật, sách vở pháp phương, tôn sư truyền mãi. Thông thánh diệu huyền, người nói từ lâu: Kịp như Lão sư Tuệ Tĩnh, phép tắc cao kỳ, y học sâu rộng, là vị tổ sư của y giới”… “Ôi! Đạo Nho là cùng lý mà thôi, đạo Y chỉ là vận khí đó vậy. Người học có thể không theo đường lối này mà tìm cái tinh túy ẩn khuất được ru, như thế mới biết đạo y của Tuệ Tĩnh vậy.”

Thay lời kết

Người xưa có câu: “Ôn cố nhi tri tân”. Tìm tòi học hỏi chuyện xưa, người xưa để hiểu cho thấu đáo điều mới mẻ, thời hiện đại vẫn là yếu chỉ bất hủ cho sự kế thừa và phát triển của xã hội nói chung; lại càng chí lý với các ngành khoa học - Đặc biệt với y học cổ truyền trong thời đại công nghệ đang phát triển mạnh mẽ như hiện nay.

Từ sau cách mạng tháng Tám đến nay, chủ trương Đông - Tây y kết hợp chăm sóc, bảo vệ sức khỏe, để bảo đảm nguồn lực bảo vệ và xây dựng đất nước của Đảng và Nhà nước đã và đang được tiến hành cũng như phát huy, thu được không ít thành tựu đáng kể. Trong đó không thể quên được những thầy thuốc xuất sắc đã tiếp bước tinh thần của Danh y Tuệ Tĩnh như:

Tiến sĩ y khoa Phạm Ngọc Thạch (1909- 1968). Là Bộ trưởng Bộ y tế (1958- 1968) ông đã xây dựng một nền y tế nhân dân ở miền Bắc trong những năm kháng chiến chống Mỹ và là người sáng lập Viện chống lao Trung ương. Nếu ngài Tuệ Tĩnh là người Việt Nam đầu tiên nêu phương châm “Nam dược trị Nam nhân”, thì Tiến sĩ y khoa Phạm Ngọc Thạch là người Việt Nam đầu tiên áp dụng khoa học kỹ thuật phương Tây vào nền y học Việt Nam.

Giáo sư Đặng Văn Ngữ (1910-1967) từng nghiên cứu thành công cách sản xuất ra thuốc nước Penicillin dùng trong chống nhiễm khuẩn cho thương binh và nhân dân trong kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ. Năm 1955, ông đã sáng lập ra Viện Sốt rét – Ký sinh trùng và côn trùng Việt Nam có vai trò rất lớn trong nghiên cứu phòng chống và điều trị bệnh sốt rét ở nước ta.

Giáo sư Đặng Văn Chung (1913-1999), người đã để lại 2 cuốn Bệnh học Nội khoa, Điều trị học cũng như hàng loạt tài liệu giảng dạy, công trình nghiên cứu khoa học có giá trị khác…

Vừa qua, VTV2, trong chương trình Giao lưu – Tọa đàm về “Hướng đi cho thuốc Đông Y”, đã cho khán giả thấy những lợi thế phong phú trong nguồn dược liệu đặc biệt là thảo dược ở Việt Nam với việc sử dụng các công nghệ hiện đại giúp cho việc chiết xuất và thực nghiệm lâm sàng, chăm lo sức khỏe cho toàn dân… Phó Giáo sư, Tiến sĩ  Phùng Hòa Bình, nguyên Trưởng khoa Dược học Cổ truyền trường Đại học Dược Hà Nội đã khẳng định những tác dụng thiết thực, ích lợi cả về kinh tế và sức khỏe cho cộng đồng nhờ thảo dược hiện có ở nước ta, là 1 trong 15 nước có tên trên bản đồ dược liệu toàn cầu.

Tuy nhiên, ông cũng khuyến cáo người dùng “Thuốc” (có vai trò chữa bệnh) với “Thực phẩm bảo vệ sức khỏe” (nhằm bồi bổ, cải thiện, tăng cường nâng cao sức khỏe) cần phải trở thành người tiêu dùng thông minh để không bị những lạm dụng qua các quảng cáo truyền miệng hay trên mạng xã hội nặng tính thương mại. Nếu không thận trọng, dễ trở thành nạn nhân của những phần tử thoái hóa y đức, trục lợi, kiếm tiền từ những người bệnh, nhẹ dạ cả tin trong cơ chế thị trường. 

------------

(*)- Ba đời vua thượng cổ ỏ Trung Quốc: Phục Hy, Thần Nông, Hiên Viên – Hoàng đế ở về trước thế kỷ 27 trước Công nguyên.

                                                                                                                                                                                      Thịnh Long, ngày 19/5/2023

                                                                                                                                                                                        (Nguồn: TC VNNB 283-8/2023)

Bài viết khác