Thứ sáu, 10/05/2024

Hoàng đế Lê Long Đĩnh ngược dòng lịch sử để nhận diện chân xác những trắc ẩn của cuộc đời Ngài

Thứ sáu, 09/10/2020

TRƯƠNG HÁN VŨ
Triều Tiền Lê (980-1009) trải qua 3 đời vua: Lê Đại Hành hoàng đế (980-1004); Lê Trung Tông hoàng đế 1005; Lê Long Đĩnh hoàng đế (1005-1009).

Đọc một số bộ cổ sử và công trình nghiên cứu sử học cận, hiện đại của các học giả có danh tiếng về lịch sử Việt Nam, trong đó có mối quan tâm đến Lê Long Đĩnh, hoàng đế thứ ba nhà Tiền Lê (1005-1009), không ít người băn khoăn khi các sự kiện lịch sử mâu thuẫn ngay trong các biên chép của các sử gia phong kiến và các học giả các đời. Nhan nhản những sử kiện “tiền hậu bất nhất”, phiến diện nhận định, đánh giá, hầu hết chỉ là đời sau sao chép của đời trước, không có khảo cứu, không có minh triết, không “phản biện” và hệ thống logic học mà chỉ có chê bai, mai mỉa một chiều, thậm chí mạt sát thái quá về vị hoàng đế này!

Đứng trước linh tượng Ngài thờ ở đền vua Lê (xã Trường Yên, huyện Hoa Lư, Ninh Bình), đọc cái biển danh đặt dưới bệ tượng: “Khai Minh Vương Lê Long Đĩnh”, tôi không khỏi rưng rưng tự vấn: Ô hay, sách Toàn thư chép “Nhâm thìn năm thứ 4 (992)… (Lê Đại Hành) phong hoàng tử thứ 5 là Đĩnh làm Khai Minh Vương, đóng ở Đằng Châu (huyện Kim Động, tỉnh Hưng Yên ngày nay). Rồi Ngài trở thành hoàng đế của nước Đại Cồ Việt từ năm 1005 đến năm 1009, hơn 4 năm trời chứ có ít đâu! Anh trai Ngài, đức Lê Long Việt ở ngôi có 3 ngày, sau khi chết còn được đặt tên thụy là Lê Trung Tông Hoàng đế. Thế sao nay hậu thế lại chỉ ghi chức danh Ngài là Khai Minh Vương như khi còn ở thái ấp Đằng Châu do vua cha Lê Hoàn phong cho? Người Việt ta có tính xấu thậm tệ là, hễ “Yêu nên vương nên bá/Ghét lót lá lôi đi”. Rất thiếu công minh, công bằng! Yêu ghét là hai phạm trù của tình cảm, xúc cảm. Không thể cảm tính được, nhất là đối với các bậc danh nhân, tiền bối trong lịch sử dựng nước và giữ nước! Lịch sử ghi chép và đương thời hoặc đời sau phán xét thì dù là ngòi bút lông, bút sắt, hay bút bi… cũng không thể bẻ cong, viết quẹo theo ý chủ quan được! Đọc sử phải minh triết lịch sử, các cụ xưa thường dạy thế.

 1-Vài nét phác thảo về chân dung vua Lê Long Đĩnh qua sử sách

Theo sử cũ, năm 980, Lê Hoàn lên ngôi, lập ra nhà Tiền Lê. Ông có 10 người con trai và 1 người con nuôi. Song, ông lại không lập thái tử cho một người con trai nào, mà phong vương và thái ấp cho các con cai quản các vùng đất khác nhau trong nước để “tự sản, tự cung, tự vệ” phần đất phân phong.

Lê Đại Hành băng hà (1005), nhường ngôi cho con thứ 3 là Lê Long Việt. Các hoàng tử không phục nhau, xảy ra cuộc chiến tranh giành ngôi báu quyết liệt giữa các con trai của ông trong vòng 8 tháng trời. Hoàng tử Lê Long Việt trấn áp các hoàng tử khác, lên ngôi hoàng đế (sử gọi là Lê Trung Tông hoàng đế). Song, chỉ ngồi trên ngai vàng của đức vua cha để lại vỏn vẹn 3 ngày trời rồi bị giết hại, thọ 24 tuổi. Lê Long Đĩnh, người em cùng mẹ với Lê Long Việt lên thay anh. Sử cũ đều ghi chép đại lược: Khi Long Việt vừa lên ngôi, Lê Long Đĩnh sai người đêm trèo tường vào cung giết anh trai để cướp ngôi. Trước đó, Long Đĩnh đã làm loạn nhưng Long Việt nể tình anh em mà tha cho Long Đĩnh(1).

Tượng Hoàng đế Lê Long Đĩnh ở Cố đô Hoa Lư    Ảnh: Internet

Sách Toàn thư chép sự việc Long Đĩnh giết anh trai Long Việt để cướp ngôi là “dã sử”. Dã sử tức không phải sử, chỉ có giá trị tham khảo chứ không có giá trị sự thật khách quan. Và, chỉ được coi như một truyền ngôn! Bộ sử này cũng còn cho biết thêm: “Long Đĩnh sai bọn trộm cướp đêm trèo tường vào cung giết Trung Tông”. Bọn trộm cướp nào có thể vào được cung đình Hoa Lư để giết vua, nếu không phải chính người trong cung đình? Vậy ai giết Long Việt? Như vậy, Lê Long Đĩnh có thực sự giết anh cướp ngôi hay một bàn tay của thế lực nào khác còn là một “ẩn số” lịch sử. Bởi vậy, quy chụp cho Long Đĩnh cái tội tày đình đó có phải là chưa đủ căn cứ và quá vội vàng chăng? Nhất là giữa lúc cung đình Hoa Lư đang ẩn chứa vô vàn nguy cơ bất ổn, bất định? Truyền ngôn, đế Long Đĩnh giết anh, Lý Công Uẩn bấy giờ là Điện tiền chỉ huy sứ ôm xác vua ròng ròng máu chảy mà thương xót! Long Đĩnh biết Công Uẩn là người họ Lý cũng cần phải giết để trừ cái hoạ do câu sấm truyền người họ Lý lên thay họ Lê, nhưng thấy Công Uẩn có nghĩa không nỡ giết để trừ hoạ. Ròng ròng máu chảy”, tức là sự việc Long Việt bị giết vừa mới xảy ra. Vậy hung thủ đâu không bắt được? Trong lúc Long Đĩnh đang nhìn thấy Công Uẩn ôm xác Long Việt ròng ròng máu chảy? Sự kiện, tình tiết cứ chéo kheo, đầy rẫy mâu thuẫn của người chép sử. Thế mà ngàn năm có lẻ, sự thật vẫn đóng băng!

Học giả Đào Duy Anh ghi chép sử kiện này kỹ càng hơn: Cuộc biến loạn lại nổi lên ngay trong khoảng các con của Lê Hoàn. Sau khi Lê Hoàn chết, các con tranh lập. …. Nhưng Long Đĩnh thân chinh dẹp được yên cả”(2). Học giả Lê Văn Siêu nhận định thật thái quá: “Vua Lê Đại Hành băng hà (1005) rồi các con tranh ngôi đánh nhau và cuối cùng bạo chúa Lê Long Đĩnh cầm quyền 5 năm trời thì thật là trời sầu đất thảm(3)!?

Học giả Hoàng Cao Khải lại cho rằng Lê Long Việt ở ngôi đến ba tháng chứ không phải chỉ có ba ngày như Toàn thư, Cương mục chép: “Thái tử Long Việt mới lên nối ngôi, …mới ở ngôi được ba tháng, thì Trung Tông bị em là Long Đỉnh giết chết”(4). Ở cuốn sử này tuy có khác về thời gian tại vị của Long Đĩnh, nhưng khắc hoạ hình ảnh đế Long Đĩnh  tàn bạo, hoang dâm, vô đạo chẳng khác mấy so với các công trình lịch sử khác trước sau hay cùng thời. Ông viết: “Long Đĩnh là người hoang dâm và tàn nhẫn, luôn thi hành những hình phạt thảm khốc,  như giam tội nhân ở lao xá dưới nước, lấy lửa đốt các tội nhân…làm cho người trong nước vô cùng căm giận”(5). Và đặc biệt, lý giải bệnh tật và cái tên khôi hài của hoàng đế Đĩnh được Hoàng Cao Khải viết giống như những sử gia khác: “Vì đam mê rượu chè và nhan sắc, Long Đĩnh mắc bệnh trĩ, phải nằm mà thị triều, cho nên được gọi là Ngọa Triều đế”(6).

Nhiều nhà sử học nói, Lê Long Đĩnh lên ngôi không có danh vị, chết không có miếu hiệu. Nhận xét này chưa chính xác. Bởi sách Cương mục chép: “Nhà vua đã cướp được ngôi, xưng tôn hiệu là Khai Thiên ứng vận thánh văn thần vũ tắc thiên sùng đạo đại thắng minh quang hiếu hoàng đế(7). Danh hiệu của ngài tuy dài (19 chữ), nhưng cũng chưa dài bằng danh hiệu vua Lý Thái Tổ Công Uẩn sau này tới 50 chữ(8). Tuy nhiên, danh hiệu vua Long Đĩnh dài quá, khi chết lại không có miếu hiệu, nên sử cũ chỉ ghi là Đế Long Đĩnh, rồi sau truyền chuyện vua nằm thiết triều mà gọi là Ngọa Triều hoàng đế, nghe sử mà chẳng khác truyện tiếu lâm dân gian người Việt vậy!

Ông Đào Duy Anh cho rằng: “Trong số các con Lê Hoàn thì Long Đĩnh là tàn ác nhất(9). … “Ở đời Ngọa Triều thì không những ác chính của Long Đĩnh đã khiến tất cả các tầng lớp nhân dân trong nước bất bình, mà cả quân đội và bọn quan liêu quý tộc ở triều đình cũng chán”(10)Học giả Trần Trọng Kim cũng dựa vào các tình tiết được ghi trong các bộ cổ sử để dẫn chứng và nhận xét còn nặng nề không kém: Long Đĩnh là người bạo ngược, tính hay chém giết, ác bằng Kiệt, Trụ ngày xưa. Khi đã giết anh rồi, lên làm vua thường cứ lấy sự giết người làm trò chơi: có khi những tù phạm phải hình, thì bắt lấy rơm tẩm dầu quấn vào người rồi đốt sống; có khi bắt tù trèo lên cây rồi ở dưới sai người chặt gốc cho cây đổ; có khi bỏ người vào sọt rồi đem thả xuống sông. Làm những điều ác như thế thì lấy làm thích chí. Một hôm lấy mía để lên đầu nhà sư mà róc vỏ, rồi thỉnh thoảng giả tảng nhỡ tay bổ dao vào đầu sư chảy máu ra, trông thấy thế làm vui cười. Còn khi ra buổi chầu, có ai tấu sớ điều gì thì cho những thằng hề nói khôi hài hay là nhại tiếng làm trò”(11). Vì lúc sống dâm dục quá độ, mắc bệnh không ngồi được, đến buổi chầu thì cứ nằm mà thị triều, cho nên tục gọi là Ngọa - triều(12).

Những sử liệu của học giả Trần Trọng Kim đưa ra chủ yếu dựa vào các bộ sử do các nhà sử học đời trước như Lê Văn Hưu, Ngô Sĩ Liên....viết. Và sau này nữa, đến các nhà sử học Việt Nam hiện đại khi biên soạn sách giáo trình, giáo khoa lịch sử, chủ yếu cũng dựa vào đánh giá của các học giả như Trần Trọng Kim, Đào Duy Anh… để dạy cho các thế hệ, trong đó có chúng ta. Vậy nên danh xưng Lê Long Đĩnh đã trở thành sự căm ghét của không chỉ xã hội Đại Cồ Việt lúc bấy giờ, mà các thời đại kế sau cho đến hôm nay cũng chưa mấy ai quan tâm “lục lại” lịch sử để có cái nhìn chuẩn xác về đế Long Đĩnh. Hay nói rộng xa hơn, thế kỷ X, thế kỷ bản lề lịch sử dân tộc, tuy hai triều đại Đinh-Tiền Lê chói sáng vì công huân dựng nước và giữ nước, song còn đầy ẩn số lịch sử, với những nghi án cung đình, những cuộc đoạt ngôi đổi vị vẫn còn là chuyện ngàn năm thâm cung bí sử!

Gần đây, tôi có đọc được một vài bài viết trên mạng Internet của một số cây viết không quen thuộc, thấy có điều tâm đắc, song cũng thấy có điều cần phải nhìn nhận lại thêm cho thỏa đáng hơn. Trong số các bài viết ấy, tôi quan tâm một bài viết trên Việt Nam ngày nay, nhan đề “10 ông vua nước Việt để lại tiếng xấu muôn đời” đăng ngày 26-6-2019. Trong đó đế Lê Long Đĩnh “được” tác giả xếp đầu tiên. Nội dung viết về đế Long Đĩnh cũng vẫn trích, chép lại các tư liệu lấy từ sử cũ và một số nhận định của các tác giả cận, hiện đại, không có gì mới. Lại có một bài viết khác nữa, không rõ tên tác giả, nhan đề “Vua Lê Long Đĩnh và những ẩn số trong cuộc đời” cũng đăng trên Internet. Bài viết này đã nêu được một số công lao của đế Long Đĩnh khi tại vị và đặt dấu hỏi cho một số tồn nghi mà tác giả gọi là “ẩn số” của ông vua thứ ba nhà Tiền Lê. Tôi đọc và thấy cũng có những điều muốn chia sẻ.

Mới điểm qua một số ghi chép và nhận định của các nhà viết sử và học giả cổ, kim thì, Lê Long Đĩnh được khắc hoạ lên trên các trang sử là vị vua tàn bạo nhất trong lịch sử Việt Nam. Một con người bất nhân, bất nghĩa, bạo ngược và hoang dâm vô độ. Sự thật lịch sử khách quan có đúng như vậy không?

Đế Long Đĩnh chết như thế nào? Cái chết của Ngài hầu như không có một cuốn sử sách nào viết rõ cả. Ông ở ngôi được hơn 4 năm, năm 24 tuổi thì băng hà. Như trên đã nói, các nhà chép sử đương thời thì sợ hãi đương kim triều đại, không dám viết sự thật. Các nhà làm sử đời sau thì sao chép, có sự thật không dám nói thì ghi là dã sử, truyền ngôn. Duy cuốn An Nam chí lược của Lê Tắc viết vào đầu thế kỷ XIV ở Trung Quốc, không chịu áp lực thần tử thì không thấy nói rõ Long Đĩnh chết như thế nào. Các sử gia nhà Lý cho Ông mắc bệnh quá nặng, hoang dâm quá độ dẫn đến suy nhược mà băng! Như trên, chúng tôi đã chỉ rõ, ông không thể mất bằng những lí do này được. Vậy vì sao Ông mất? Đây là một bí ẩn lịch sử chưa có lời giải đáp thỏa đáng. Duy cuốn Đại Việt sử ký tục biên có chép mấy dòng về nguyên nhân cái chết của đế Long Đĩnh, thực hư chưa được kiểm chứng, nhưng rất đáng chú ý như sau: “Lý Thái Tổ rất căm phẫn trước tội ác giết anh cướp ngôi của Khai Minh Vương, nhân lúc Khai Minh Vương bệnh tật, sai người vào đầu độc giết đi rồi giấu kín việc đó nên sử không được chép”. Như vậy, theo sách này, đế Đĩnh không phải lâm bệnh nặng rồi chết, mà bị Lý Công Uẩn “sai người vào đầu độc giết đi rồi giấu kín việc…”? Vậy có phải đúng như cuốn Đại Việt sử ký tục biên ghi chép về cái chết của Ông? Vấn đề cần tìm hiểu kỹ lưỡng trước khi phán xét. Nhưng chí ít ra, đây cũng là một sử liệu để các nhà sử học tham chiếu.

Rất có thể sự thật là như thế, nhưng khi Lý Công Uẩn lên ngôi, rồi trải 216 năm trị vì của nhà Lý (1010-1225), sự thật lịch sử về đế Long Đĩnh và cái chết bí ẩn của ông được đào sâu chôn chặt. Các nhà làm sử sau này cứ chép theo những gì trong hơn 200 năm nhà Lý đã chép. Lịch sử phong kiến là lịch sử đời sau phủ nhận đời trước để khẳng định việc đổi dời triều đại là quang minh chính đại, là thuận theo ý trời, là hợp lòng dân. Bởi thế, việc đời sau chê bai, bài xích, thậm chí quy kết cho đời trước là chuyện không phải hiếm có. Hãy nghe Lý Công Uẩn vì muốn chuyển dời kinh đô từ Hoa Lư về thành Đại La mà dùng những lời lẽ vô cùng bất công với hai triều đại võ công oanh liệt dựng nền thống nhất đất nước, độc lập dân tộc - nhà Đinh –Tiền Lê: “Thế mà nhà Đinh, nhà Lê lại theo lòng riêng, lơ là mệnh trời, không noi theo việc cũ nhà Thương, nhà Chu, yên ở quê quán, đến nỗi thế đại không dài, vận số ngắn ngủi, trăm họ hao tổn, muôn vật không nên. Trẫm rất xót thương…” (Chiếu dời đô). Chúng ta ca tụng việc Lý Công Uẩn dời đô từ Hoa Lư ra Đại La, nhưng không thể đồng tình với lời lẽ đánh giá hạ thấp vị trí chiến lược, vai trò của Hoa Lư trong nửa thế kỷ “Rồng vàng ẩn nơi hang động, chờ thời thế để bay lên”. Không có Hoa Lư, không thể có Thăng Long! Cũng tương tự như thế, ta suy ra, việc Lý Công Uẩn lên ngôi thay nhà Tiền Lê được sử sách ca ngợi hết lời, ngược lại, lại ra sức thóa mạ, bôi nhọ triều đế Long Đĩnh là điều không thể chấp nhận được của các nhà làm sử vì phục vụ cho mưu đồ chính trị triều mới lên nên sự kiện lịch sử đã bị “chính trị hóa” đến méo mó, lệch lạc thảm hại!

Lật lại bối cảnh lịch sử lúc bấy giờ, khi vua Lê Long Đĩnh mất, các triều thần thấy con vua còn quá nhỏ, chưa đủ năng lực và uy tín kế vị quân vương. Bởi thế, việc tôn phò Lý Công Uẩn, người nắm trong tay binh quyền có thế lực nghiêng ngả triều nội, lại được sư Vạn Hạnh dầy công trang bị khá chu toàn về mọi mặt và được mở đường bởi các sấm ký trước đó nhiều năm lên ngôi hoàng đế, có thể cũng là một yêu cầu khách quan và phù hợp với xu hướng, diễn biến của lịch sử đất nước, dân tộc lúc bấy giờ. Chỉ có điều là, đế Long Đĩnh thực sự bệnh hoạn mà chết hay như sách Đại Việt sử ký tục biên cho rằng Công Uẩn đã đầu độc Long Đĩnh để cướp ngôi? Các anh em ruột của đế Long Đĩnh lúc này còn khá nhiều, vẫn đang trấn ải ở các thái ấp đâu cả, sao không có phản ứng gì? Có lẽ các ông ấy đã buông xuôi hoặc bị khống chế (không chỉ lúc này mà cả từ khi Long Đĩnh lên ngôi cũng đã bị khống chế gắt gao, không xoay sở gì được) và buộc chấp nhận một thế lực mới đang lên, có sức xoay chuyển thời đại -nhà Lý - thắng thế, cướp đoạt ngai vàng!

2 - Công lao dựng nước và giữ nước của Lê Long Đĩnh theo sử sách

Sử sách cũ đã ghi lại những công lao không nhỏ của đế Lê Long Đĩnh trong hơn bốn năm trị vì đất nước như sau:

- Ông là người đầu tiên cho rước bộ kinh Phật Đại Tạng bằng chữ Hán về Việt Nam. Sách Cương mục chép: Sai Minh Đề sang cống… 1007, mùa xuân, sai em là Minh Sưởng sang nhà Tống đem tê trắng biếu và dâng biểu xin cửu kinh và kinh sách đại tạng. “Nhà Tống ưng thuận cho cả(13).

Kinh Đại tạng là một bộ sách vĩ đại, thu hút nhiều trí tuệ siêu việt của các cao tăng Trung Hoa biên soạn, dịch thuật suốt hơn 1.000 năm (từ thế kỷ thứ nhất đến cuối thế kỷ thứ 10, đời Tống Thái Tổ), in thành sách lần đầu tiên gồm 5.000 quyển. Riêng việc khắc bản in công phu phải mất đến hơn 12 năm mới xong. Bộ sách đó không chỉ là tổng vựng các kinh sách Phật giáo, mà còn hàm chứa rất nhiều lĩnh vực như triết học, lịch sử, văn học, nghệ thuật, thiên văn, toán học, y dược…Bởi thế, Lê Long Đĩnh là bậc đế vương có công đầu tiên đưa bộ tràng kinh Đại Tạng vào nước ta, người giáo hóa dân chúng bằng kinh bổn gốc, đầy đủ nhất, nhằm củng cố và phát triển Phật giáo, hướng đất nước, dân tộc tiếp tục theo giáo lý thâm hậu của đạo Thích. Tức là, ông đã noi theo các bậc đế vương tiền bối (Đinh Tiên Hoàng, Lê Đại Hành) đề cao Phật giáo là quốc giáo. Thế thì việc ông tàn độc với giới tăng lữ mà điển hình là đối với sư Quách Ngang có thể tin được như sử cũ chép không?

Sư Quách Ngang là ai? Theo sử cũ, ông là Tăng Thống từ thời Lê Đại Hành(14). Chúng ta biết rằng, Tăng Thống là chức quan đứng đầu trông coi phật giáo trong nước, được vua Đinh phong cho Ngô Chân Lưu từ năm 971. Tăng thống được tham dự triều chính. Thời Đinh Tiên Hoàng, Tăng Thống Ngô Chân Lưu và thời Lê Đại Hành, sư Vạn Hạnh còn là bậc cố vấn tối cao của triều đình trong chiến lược và sách lược giữ nước, dựng nước buổi đầu xây nền độc lập, thống nhất quốc gia. Kinh đô Hoa Lư dầy đặc các kiến trúc phật giáo, điển hình là cột kinh Nhất Trụ do vua Lê Đại Hành dựng vào năm 995, đến nay như vẫn hun đúc và tỏa khí thiêng hơn ngàn năm trên đất cố đô. Một chức quan lớn như thế của Quách Ngang mà bị đế Long Đĩnh cho róc mía trên đầu đến tóe máu như sử cũ ghi chép thì quả là chưa từng có trong lịch sử cổ kim. Thiền sư Quách Ngang phải chịu cực hình như thế, liệu có gì uẩn khúc bên trong không? Hay đây chỉ là do nhà chép sử đời sau (nhà Lý) ghi chép quá lên để đánh vào tâm can dân chúng khi quốc đạo là Phật giáo đang độc thịnh, dân chỉ độc tín thần, phật, nhằm hun đúc và cao hơn là kích hoạt lòng căm phẫn triều đại Long Đĩnh của Lý Công Uẩn, để tuyên truyền việc thay thế một bạo chúa như Long Đĩnh là thuận theo ý trời và hợp lòng dân? Song dù sao, đây cũng là sự bộc lộ mâu thuẫn giữa tăng ni phật giáo, nền tảng chỗ dựa chính trị của đế vương cuối đời Tiền Lê đã bắt đầu lung lay mạnh. Chẳng thế mà, sư Vạn Hạnh từng làm cố vấn cho Lê Hoàn, lại là tác giả đặt ra những bài sấm được truyền khắp chợ cùng quê lời tiên tri sự diệt vong của nhà Lê và sự hưng khởi của nhà Lý, để dân chúng tin vào điều nhà Lê diệt vong, nhà Lý khởi nghiệp là thiên định. Thời kỳ cuối Đinh và cuối Tiền Lê là thời kỳ “vỡ tổ” sấm ký. Trước đây từng có sấm ký nói về việc “Đỗ Thích giết hai Đinh, nhà  Lê xuất thánh minh”. Nay thì đến sấm trên thân cây gạo ở làng Cổ Pháp quê hương Lý Công Uẩn. Không chỉ có sấm ký mà nhiều truyện hoang đường loang ra dân chúng như  “Vua Lê ăn khế thấy hạt mận” cũng là điềm báo trước nhà Lý thay nhà Lê. Các nhà nghiên cứu cho rằng, sư Vạn Hạnh, dân gian truyền ngôn đây là cha sinh của Lý Công Uẩn, một bậc lão tăng, cao mưu, túc trí thời bấy giờ, là tác giả của các bài sấm ký, các truyền ngôn thiên định để chuẩn bị mặt trận tuyên truyền dẫn đường, tạo dư luận xã hội căm ghét triều Lê, mở đường cho nhà Lý lên trị vì. Truyện Lê Long Đĩnh róc mía trên đầu sư, tàn ác với kẻ phạm tội và tù binh như sử cũ viết, thiển nghĩ, cũng là phương pháp đại ngôn, mượn uy thần linh để huyễn dụ lòng người, trong khi xã hội còn mụ mỵ trong mê tín dị đoan. Chủ mưu là sư Vạn Hạnh, trực tiếp là Đào Cam Mộc đã khuyên Lý Công Uẩn cướp ngôi nhà Lê. “Nhân lòng oán ghét của tất cả các tầng lớp trong xã hội đối với nhà Lê, Lý Công Uẩn là Điện tiền chỉ huy sứ trông nom quân cận vệ, quyết định thực hiện âm mưu soán đoạt(15). Ông Đào Duy Anh dựa vào các bộ sử cũ ghi chép để bổ sung cho nhận định của mình: Năm 1009, vì nhiều bệnh tật nên Long Đĩnh chết non mới 24 tuổi(16). Nhiều bệnh là những bệnh gì? Chỉ thấy nói đến bệnh trĩ do tửu sắc quá độ mà sinh ra. Song, dưới ánh sáng của y học hiện đại ngày nay đã chứng minh rằng, giữa tửu sắc và bệnh trĩ không có liên quan với nhau, mà chỉ có liên quan đến miệng lưỡi các nhà sư, nhà nho đương thời đang ra sức cổ súy cho triều Lý lên thay!

Thế nhưng có phải đế Long Đĩnh nhiều bệnh tật, đặc biệt là bệnh trĩ nặng đến mức không thể ngồi thiết triều được mà phải nằm nên gọi là Ngọa Triều (Nằm chầu)? Ghi chép thế có mâu thuẫn không khi sử cũ lại chép đế Long Đĩnh vẫn cưỡi ngựa, mang gươm chinh phạt bốn phương trong nước đến 6 lần. Có lần xa xôi tận Nam Giới (Hà Tĩnh), biển to sóng lớn không đi được, vua lên bộ để trở về kinh đô Hoa Lư? Đế Long Đĩnh có phải là người hoang dâm, mê gái, tửu sắc quá độ không?

Theo sử cũ, Lê Long Đĩnh từ khi lên ngôi (1005) đến khi mất (1009), chỉ hơn 4 năm, ông đã 6 lần cưỡi ngựa đánh giặc trong khắp các địa bàn của Đại Cồ Việt, mà lần cuối cùng chỉ cách 2 tháng trước khi Ông mất. Chẳng lẽ hai tháng cuối ấy ông mới bị bệnh trĩ nặng đến nỗi không thể ngồi coi chầu được hay sao? Rồi chỉ hai tháng bị bệnh trĩ mà chết tức tưởi, nhanh hơn cả căn bệnh ung thư?

Nói như thế để chúng ta thấy rằng, cái chết tức tưởi của đế Long Đĩnh thật là đáng ngờ! Ấy là chưa nói, sử ghán cho ông cái bệnh trĩ mà cội nguồn căn bệnh là “tửu sắc, hoang dâm vô độ” mà ra nông nỗi không thể ngồi được mà phải năm thiết triều! Vậy 6 lần ông cưỡi ngựa đi đánh dẹp phản loạn khắp mọi nơi thì ông cũng phải “ngọa” trên lưng ngựa à? Thật là sự trớ trêu của những sự kiện lịch sử do người xưa chép lại, truyền đến ngàn năm nay vẫn cứ để cho không ít người ngộ nhận, cho là chính sử chép thì sai sao được? Song chúng ta quên rằng, chính sử Toàn thư chép: “Mùa đông, tháng 10, ngày Tân hợi, vua băng ở tẩm điện. Gọi là Ngọa Triều, vì có bệnh trĩ, nằm mà coi chầu. Sách dã sử chép: Vua say đắm tửu sắc, phát ra bệnh trĩ”(17). Sách chính sử mà ghi là “Sách dã sử chép…”, tức là, người chép sử ở đây cũng ngầm nói rằng, đế Long Đĩnh bị bệnh trĩ mà mất là điều chưa đủ căn cứ lịch sử, khó có thể tin được! Bởi, như khi nói về cái chết của Long Việt, người làm sử cũng cho là dã sử! Giờ nói về cái chết của Long Đĩnh do bệnh trĩ nặng mà chết cũng là dã sử! Không biết rõ, hoặc biết mà không dám nói lên sự thật thì người chép sử đổ cho là dã sử, là truyền ngôn, truyền thuyết! Tất cả những nguyên do, nguồn gốc của sự kiện lịch sử nói như vậy là không phải chính sử! Thế thì chúng ta với nhân sinh quan và phương pháp nghiên cứu macxit ngày nay, cần phải lật lại lịch sử, tìm ra sự chân thực và bản chất của lịch sử và nhân vật lịch sử! Chúng ta là hậu thế của Ngài, phải minh xác uẩn khúc lịch sử hơn ngàn năm nay cho Ngài! Không bênh vực, nhưng thái độ dứt khoát là không a tòng, không ê a theo dã sử hoang đường!

Đế Long Đĩnh là ông vua đặc biệt coi trọng và quan tâm đến việc cải cách chế độ hành chính của nhà nước Đại Cồ Việt. Ngay sau một năm lên ngôi, theo Cương mục, tháng 2 năm 1006, ông đã “đặt lại quan chế văn, võ và triều phục, đều theo như kiểu mẫu của nhà Tống”(18)… “… Ở trung ương thì có chức Tể tướng đứng đầu, cùng chức khu mật sứ cầm giữ binh quyền. Ở ngoài thì các lộ có chức An phủ sứ, các phủ châu có các chức Tri phủ, tri châu”(19). Nghĩa là bộ máy chính quyền từ trung ương đến địa phương được cải cách và củng cố. Rõ ràng từ thời Tiền Lê, nước ta đã chia ra các lộ, phủ, châu. Sử không chép các tên lộ, phủ, châu nên sau này một số nhà sử học cho là việc chia nước thành các lộ, phủ, châu chỉ được đặt ra từ nhà Lý!

Có nhiều ý kiến phê phán về việc chỉnh đốn triều chính của đế Long Đĩnh vì cho rằng ông “bắt chước” nhà Tống, điều đó là nhìn nhận, đánh giá một chiều. Phong kiến Trung Quốc đến đời Đường, Tống, pháp luật và chính thể đã ở mức hoàn thiện, văn hóa phát triển nhiều mặt rực rỡ. Ta bắt chước theo là theo “kiểu dáng” tức là hình thức tổ chức nhà nước chứ không phải áp dụng theo pháp luật cai trị của nhà Tống vào nước ta. Có thể đây cũng là đối sách ngoại giao khôn khéo, mềm dẻo theo các vị tiền bối “trong xưng đế, ngoài xưng vương” của đế Long Đĩnh làm cho vua Tống Chân Tông phải rất nể vì, trọng thị, nhằm giữ gìn độc lập chủ quyền của đất nước trước một đế chế Tống hùng mạnh nhất trong khu vực lúc bấy giờ.

Đế Long Đĩnh còn rất coi trọng phát triển kinh tế trong nước và mở mang giao thương, buôn bán với nhà Tống ở các tỉnh biên giới phía Bắc. Ông xin được đặt người coi việc tại chợ trao đổi hàng hóa ở Ung Châu, nhưng vua Tống chỉ cho mua bán, trao đổi hàng hóa tại Liêm Châu và trấn Như Hồng thôi. Thế kỷ thứ 11, không chỉ nước ta mà hầu khắp thế giới, kinh tế đều tự cấp, tự túc. Phải có một “tư duy kinh tế” vượt xa thời đại mới biết “xin đặt người coi việc tại chợ trao đổi hàng hóa ở Ung Châu”(20), tức là sâu trong nội địa Trung Quốc, việc đó giống như việc đặt Văn phòng đại diện thương mại ở nước ngoài của ta bây giờ.

Đế Long Đĩnh là người đặc biệt coi trọng bang giao hữu hảo với nhà Tống, chính vì thế, khi các anh em ông tranh giành ngôi báu, sát phạt lẫn nhau, đã có đại thần trong triều Tống cho là cơ hội dâng sớ xin đánh chiếm Giao Châu thì vua Tống gạt phắt đi. Điều này, Cương mục chép rất rõ. Khi Lăng Sách tâu lên vua Tống rằng: “…Các con Nam Bình Vương đến phân tán, đóng giữ các trại, các sách, quan lại rời rạc chia lìa, nhân dân lo sợ. Vậy xin đem quân sang đánh dẹp….thủy bộ cùng tiến sang thì có thể lập tức bình định được…”… “Vua Tống cho rằng, họ Lê bấy lâu nay vẫn giữ lễ cống, nên không nỡ đem quân sang đánh, xuống chiếu bảo bọn Lăng Sách phải chiêu an vỗ về như cũ, cốt khiến cho yên…Nhà vua (tức đế Long Đĩnh) sợ, xin sai em sang cống”. Nhà vua lại dâng biểu xin áo giáp và mũ trụ trang sức bằng vàng, đều được vua Tống ưng cho”… Rõ ràng, về đối ngoại với nhà Tống, đế Long Đĩnh đã thành công, tránh được một cuộc xâm lăng cận kề, giữ yên được bờ cõi độc lập tự chủ với phương châm thời vua cha “thần phục giả hiệu, độc lập thực chất”.

Về giữ gìn an ninh, thống nhất đất nước, đế Long Đĩnh càng đặc biệt chú tâm. Bởi ngay từ thời vua cha Đại Hành còn trị vì, đất nước vẫn còn tồn tại tình trạng phân tán, cát cứ chưa dẹp bỏ được hoàn toàn. Vua cha đã dầy công đánh dẹp nhưng vẫn chưa ổn. Nay thay thế vua cha trị vì trăm họ, trong hơn 4 năm tại vị, đế Long Đĩnh đã đích thân cưỡi ngựa, cầm gươm đi đánh dẹp phản loạn tới 6 lần. Các bộ sử lớn đều ghi chép khá rõ ràng về việc đánh dẹp, giữ yên bờ cõi, thống nhất giang sơn của đế. Cương mục chép “Tháng 7, mùa thu. Nhà vua thân đi đánh châu Hoan Đường và châu Thạch Hà. Nhà vua đến sông Hoàn Giang, sai …đem hơn 5 nghìn quân sửa sang mở mang đường sá, từ sông Châu Giáp đến cửa Nam Giới. Nhà vua đi thuyền ra ngoài biển bỗng nhiên sóng gió sôi nổi, mây mưa mờ mịt, bèn sai quay thuyền trở lại, đi đường bộ trở về kinh đô”(21). Nếu một ông vua ốm yếu, bệnh hoạn phải nằm thiết triều thì có thể thân cầm quân đi đánh dẹp loạn tận Nam Giới (Hà Tĩnh), biển động lớn không đi thuyền được, đế đi đường bộ mà về? Rồi đế Long Đĩnh còn thân cầm quân đánh dẹp loạn Mán Cử Long (Thanh Hóa) và một số vùng khác ở phía bắc đất nước như Tuyên Quang, Hà Giang. Ấy là chưa nói, khi các vương là anh em ông nổi lên làm loạn, tranh giành ngôi báu, ông thân cưỡi ngựa đi đánh dẹp. Sách Cương mục chép “Nhà vua tự cầm quân đi đánh Ngự Bắc vương Long Ngận và Trung Quốc vương Long Kính (ở Phù Lan)… nhân tiện, đem quân đi đánh Ngự Man vương Long Đinh ở Phong Châu…Từ đấy về sau các vương và giặc cướp đều hàng phục cả(22). Qua những chiến công đánh dẹp các động, sách phản loạn, giữ yên đất nước và vỗ yên sự khởi loạn của các anh em ông, chứng tỏ, Lê Long Đĩnh cũng là một tài năng quân sự, là người nổi trội so với các vương của đế lúc bấy giờ. 

Lê Long Đĩnh còn quan tâm cho đắp đường, mở chợ. Cương mục chép: Kỷ Dậu, 1009, … “Đô đốc Kiểu Hành Hiến xin đào sông, đắp đường và lập đồn dựng mốc ở Ái Châu. Nhà vua nghe theo, xuống chiếu cho quân và dân châu ấy đào sông từ cửa ải Chi Long qua núi Đính Sơn đến sông Vũ Lũng”… “Nhà vua đi Ái Châu, đến sông Vũ Lũng. Tục truyền ai bơi lội qua sông Vũ Lũng thường hay bị hại, nhà vua sai đóng thuyền để chở người qua lại”. Đúng là vì kế sách “an dân vi bản” mà làm điều thiện, có lợi cho trăm họ là thế.

 Tháng 8, mùa thu, 1007, sứ Tống sang. Vua Tống phong nhà vua làm Giao Chỉ quận vương, lĩnh Tĩnh hải quân tiết độ sứ, cho tên là Chí trung(23). Chúng ta quan tâm đến danh xưng Chí Trung do vua Tống ban tặng này. Nếu đế Long Đĩnh là người bạo ngược, hoang dâm, ác như Kiệt, Trụ, không kế tục được sự nghiệp của vua cha để lại thì sao vua Tống có thể ban cho cái danh và các chức vị đầy hãnh diện đó? Cùng với những sử kiện do An Nam chí lược của Lê Tắc ghi chép, chúng ta có đầy đủ niềm tin rằng, đế Long Đĩnh xứng đáng được nhận các tước vị và danh xưng đó. Có nghĩa, Ngài không phải là một hoàng đế tàn bạo giữ ngôi hơn 4 năm, “làm việc càn dỡ, giết vua cướp ngôi, thích dâm đãng, tàn bạo” đến mức “trời sầu đất thảm” như các sử gia phong kiến đã luận diễn.

Cũng theo Toàn thư, đế Long Đĩnh mất ngày Tân Hợi, tháng 10, thì ngày Quý Sửu, Lý Công Uẩn tự lập làm vua. Cách nhau chỉ một ngày Nhâm Tý! Cuộc chính biến đổi thay triều đại không hề có máu đổ, chỉ diễn ra phút chốc, cách nhau một ngày trời khi vua trước vừa nằm xuống! Từ “cuộc chính biến ngọt ngào” này, không hề có máu đổ, liên tưởng đến chính biến từ nhà Đinh sang nhà Lê cuối năm 980, thấy quá chóng vánh, như được sắp đặt bởi một kế hoạch hoàn hảo! Kiến trúc sư trưởng cuộc chính biến này là đức cao tăng Vạn Hạnh, một bậc lão mưu đa kế quyền uy giới Phật giáo đương thời!

Vậy sự thật lịch sử ra sao, nếu nhìn theo một chiều hướng khác bằng những sử liệu khách quan, công bằng hơn, đặt đế Long Đĩnh vào bối cảnh lịch sử lúc bấy giờ, chúng ta thấy không ít nghi vấn cần làm sáng tỏ.

Vua Lê Long Đĩnh có phải là người giết anh trai ruột của mình để cướp ngôi không? Liệu một ông vua bạo ngược, róc mía trên đầu nhà sư từng giữ chức Tăng thống triều đình, lại có tư duy sai chính em ruột mình sang xin bộ kinh Đại Tạng và Cửu kinh về để phát triển phật giáo trong nước hay không? Vậy Ông là người bạo ngược hay là người đóng góp công lớn cho sự phát triển rực rỡ của phật giáo đương thời và cả giai đoạn về sau? Liệu một người sùng mộ đạo phật như vậy có tàn bạo, vô nhân tính như sử sách đã ghi chép không? Lại nữa, một ông vua suốt ngày ham chơi, không lo việc triều chính, lại có những chính sách nhằm ổn định thể chế chính trị, củng cố bộ máy nhà nước từ trung ương tới các địa phương, lại có tư duy kinh tế và coi trọng bang giao để giữ yên bờ cõi, phát triển đất nước.

Ông Đào Duy Anh viết: “Sang đời Lê Long Đĩnh thì năm 1005, người Mường Cử Long lại nổi. Năm 1008, các bộ lạc người Thổ ở miền Tuyên Quang và Hà Giang cũng nổi lên. Long Đĩnh đều dẹp yên và bắt được nhiều chiến tù. Năm 1008, và năm 1010, Long Đĩnh lại thân chinh đánh dẹp một cuộc nổi dậy của nhân dân Hoan Châu”(24).Chúng ta lưu ý về thời gian: Có bộ sử ghi đế Long Đĩnh chết tháng 10 năm 1009. Ở đây, ông Đào Duy Anh chép năm 1010, Long Đĩnh còn thân đi đánh dẹp ở Hoan Châu (Nghệ An)? Vậy một ông vua không thể ngồi thiết triều được vì bạo bệnh, lại có thể cưỡi ngựa đánh giặc tới sáu lần được sao? Một ông vua hùng dũng, chinh phạt bắc nam, cơ thể cường tráng lại có thể là một con người trụy lạc, hoang dâm? Một sử kiện rất đáng chú ý là: Sách Cương mục chép: Năm 1008, “Minh Sưởng từ bên Tống về, dụ được nàng Tiêu Thị, người Tống, đem dâng, nhà vua cho vào cung làm cung nhân”(25). Đế Long Đĩnh phát bệnh không ngồi thiết triều được, thế mà ông vẫn cưỡi ngựa tung hoành dẹp loạn, giờ em trai là Minh Sưởng dâng một mỹ nữ người Tống, vào năm áp cuối đời rồi, ông vẫn cho vào cung làm cung nhân! Thế có nghĩa là thể trạng đế vẫn bình thường! sinh lực và sinh lý vẫn bình thường! Việc nói ông bệnh trĩ phải nằm thiết triều chỉ là hoang tin, nhằm bôi nhọ danh dự đế vương để che giấu động cơ chính trị của nhà Lý mà thôi.

Như vậy, bị đóng đinh trong tâm trí người Việt, đế Lê Long Đĩnh là vị vua tàn bạo nhất lịch sử, chẳng khác gì Kiệt, Trụ thời cổ đại Trung Hoa. Cuộc đời của đế đầy rẫy những bí ẩn, mâu thuẫn chồng chéo, chưa có lời giải đáp. Nay, tôi vụng dại, thiển học, thử mạnh dạn “ngược dòng lịch sử”, coi như một lời thắc mắc những tồn nghi trong lịch sử để cùng chiêm nghiệm.

Phải chăng đế Long Đĩnh chính là nạn nhân của những mưu toan chính trị của thế lực muốn thay đổi triều đại Tiền Lê bằng triều nhà Lý? Một triều đại muốn có tính chính danh trước nhân dân phải không ngừng hạ bệ, thóa mạ nhân cách của ông vua cuối triều đại trước. Vì vậy, phải chăng các sử thần thời Lý đã ra sức “dựng lên” những câu chuyện tha hóa, tàn độc, dâm đãng về ông?

Qua việc tìm hiểu về đế Long Đĩnh, chúng tôi sáng tỏ được rất nhiều điều. Trước khi đánh giá về một nhân vật lịch sử nào đó, ta cần tìm hiểu thông tin nhiều chiều từ những nguồn tư liệu khác nhau, phải có phương pháp nghiên cứu đa ngành, phải có tư duy độc lập và minh triết, từ đó mới đưa ra nhận định của mình. Chứ không phải cứ tiếp thu nguồn sử liệu một chiều, một cách mù quáng. Đế Long Đĩnh đã chịu đựng nỗi oan này trong suốt hơn 1000 năm lịch sử. Cần có những hội thảo lịch sử, nghiên cứu về đế nhiều hơn, tỉ mỉ hơn, để trả lại cho Ông danh tiếng, nhân phẩm và đặc biệt là sự tôn trọng. Điều này, cần đến những nhà sử học uyên bác, có đủ trình độ để lý giải phân tích, đưa ra những nhận định đúng đắn, khách quan. Không chỉ riêng đế Long Đĩnh mà còn nhiều nhân vật lịch sử khác nữa cũng cần thiết như vậy.

Hơn một ngàn năm qua, duy có một chút an ủi dành cho Ngài, chính nhân dân là người đánh giá lịch sử một cách công bằng nhất, đế vẫn được nhân dân thờ phụng trong đền thờ của đức vua cha Lê Đại Hành ở cố đô Hoa Lư, hưởng hương khói đời đời. Dân tộc ta thờ tự để đền đáp công huân của vị Hoàng đế thứ ba nhà Tiền Lê, đã ngàn năm có lẻ với bao ẩn ức và oan ức! Pho tượng gỗ tạc Ngài vào năm Hoằng Định thứ 12 (1612), (cùng tạc với pho tượng vua cha Lê Đại Hành), đủ thấy nhân dân ta đề cao công đức của Ngài, tôn vinh Ngài một cách trọng vọng, không hề bị ảnh hưởng của những dòng “sử chính thống” biên chép thiếu công minh, làm hại thanh danh, công huân của ngài với dân, với nước. Nhân dân là người làm nên lịch sử và là người phán xét lịch sử công bằng, minh bạch nhất!

3 - Đôi lời đề xuất và kiến nghị:

1- Cần có một cuộc hội thảo khoa học đánh giá cuộc đời và sự nghiệp của hoàng đế Lê Long Đĩnh để minh triết thêm sử sách dưới góc độ nghiên cứu của các học giả, các nhà khoa học thời đại 4.0.

2- Cần quan tâm đọc lại Cương mục trong “Lời cẩn án”: “Long Đĩnh giết anh mà tự lập, hoang dâm thành bệnh, nằm mà coi chầu, nhân gọi là Ngọa Triều. Sử cũ chép là “Ngọa triều hoàng đế”, có lẽ là theo tên gọi thời bấy giờ, chứ không phải là tên thụy. Chép vậy thật là trái thường quá lắm! Này, đã không có tên thụy thì cứ chép thẳng tên thực, đó là biến lệ của sử Cương mục (Trung Quốc). Nay đổi lại, chép là “Đế Long Đĩnh” để cho hợp với ý nghĩa và thể lệ của Cương mục dẫn trên”(26).

Từ những ghi chép trên của bộ sử Cương mục, chúng tôi kiến nghị: Cần sửa đổi biển danh vị của ngài dưới bệ tượng thờ ở đền vua Lê (xã Trường Yên, huyện Hoa Lư) là Hoàng đế Lê Long Đĩnh (1005-1009) thay vì Khai Minh Vương Lê Long Đĩnh. Hãy trả lại đế vị đích thực cho Ngài!

 

            Chú thích:

(1): Đại Việt sử ký toàn thư, T1, Nbx KHXH, Hà Nội, 1972, tr.180; (2): Đào Duy Anh: Lịch sử Việt Nam –Từ nguồn gốc đến thế kỷ XIX, Nxb KHXH, Hà Nội, 2011, tr184; (3): Lê Văn Siêu: Việt Nam văn minh sử, Nxb Văn học, cty Văn hóa Minh Trí – Nhà sách Văn Lang, Hà Nội, 2006. Sđd: tr.477; (4): Hoàng Cao Khải: Việt sử yếu, Nxb Nghệ An, Trung tâm văn hóa ngôn ngữ Đông Tây, 2007; tr.129; (5): Hoàng Cao Khải, Sđd, tr.129; (6): Hoàng Cao Khải, Sđd, tr.129; (7): Quốc sử quán triều Nguyễn: Khâm định Việt sử thông giám cương mục, T1, Nxb Giáo dục, Hà Nội, 1998, tr.271; (8): Xem Toàn thư, sđd, tr.187-188; (9): Đào Duy Anh, Sđd,184, 185/ Trần Trọng Kim: Việt Nam sử lược, Nxb Hà Nội, tr.94; (10): Đào Duy Anh, Sđd, tr.185; (11): Trần Trọng Kim: Việt Nam sử lược, Nxb Hà Nội, tr.94; (12): Trần Trọng Kim, Việt sử lược, Sđd, tr.95; (13): Cương mục, Sđd, tr.274; (14): Theo Việt sử lược thì ông còn có tên là Quách Kim; (15): Đào Duy Anh, Sđd, tr.185; (16): Đào Duy Anh, Sđd,184, 185; (17): Đại Việt sử ký Toàn thư, sđd, tr.185; (18): Cương mục, Sđd, tr.272; (19): Đào Duy Anh: Lịch sử Việt Nam, từ nguồn gốc đến TK XIV, Nxb KHXH Hà Nội, 2011, tr.182; (20): Đào Duy Anh: Sđd, tr.274; (21): Cương mục, Sđd, tr.278; (22): Toàn thư, Sđd, tr.181; (23): Toàn thư, Sđd, tr.275; (24): Đào Duy Anh, Sđd, tr.183-184; (25): Cương mục: Sđd, tr.279; (26): Cương mục, Sđd, tr.272.

 

(Viết Nhân kỷ niệm 1010 năm, ngày mất của

Hoàng đế Lê Long Đĩnh:1009-2019)

(Nguồn: TC VNNB 241+242+243)

 

Bài viết khác