Chủ nhật, 19/05/2024

Hình ảnh người phụ nữ Ninh Bình qua ca dao

Thứ ba, 07/04/2020

BÙI HỒNG

Ca dao là khúc hát tâm tình của người bình dân được lưu truyền từ bao đời nay. Có thể nói, muốn biết tình cảm của nhân dân Việt Nam dồi dào, thắm thiết đến mức độ nào, rung động sâu sắc nhất về khía cạnh nào của cuộc đời, không thể không tìm hiểu và nghiên cứu ca dao.

Ca dao là biểu hiện độc đáo của văn hóa dân tộc, văn hóa địa phương. Nó vừa có nét chung, tính thống nhất của ca dao các địa phương trên đất nước, vừa có đặc điểm riêng của từng vùng miền cụ thể, nhất là những vùng miền văn hóa lớn. Những đặc điểm chung và riêng đó phản ánh tính thống nhất và tính đa dạng của văn hóa Việt Nam.

Trong dòng chảy của văn học dân gian Việt Nam, ca dao Ninh Bình luôn là mạch nguồn trong mát, nuôi dưỡng tâm hồn, rung động trái tim biết bao người con của Cố đô lịch sử. Ca dao Ninh Bình ra đời khá sớm, từ hàng chục thế kỉ trước, “mộc mạc, chất phác và dung dị như con người Ninh Bình”, “phản ánh đời sống, xã hội, thiên nhiên, đất nước, tình cảm và tâm hồn của người dân Ninh Bình” [1, 413]. Trong thế giới đó, ca dao lưu giữ những nỗi lòng của người phụ nữ bình dân xưa và nay, mang đến cho ta cái nhìn toàn diện về họ, trong bất cứ hoàn cảnh nào vẫn luôn ngời lên vẻ đẹp tâm hồn cao quý.

Ninh Bình là tỉnh nằm ở cực Nam đồng bằng Bắc bộ. Địa hình chia làm 3 vùng khá rõ: vùng đồi núi (Tam Điệp, Nho Quan) nổi tiếng là “ma thiêng nước độc”; khu vực đồng chiêm trũng như Gia Viễn, Yên Mô, Hoa Lư và một phần huyện Nho Quan, xưa kia bị ngập nước quanh năm, nơi “Sống ngâm da, chết ngâm xương”. Vùng đồng bằng cổ ven Tam Điệp, đồng bằng trẻ Yên Khánh, Kim Sơn đầy những muối mặn, bão lụt, hạn hán… 

Nét đặc trưng nổi bật về địa hình đó đã tác động sâu sắc đến đời sống cư dân Ninh Bình, đặc biệt là người phụ nữ. Có bao nhiêu nỗi khổ mà người phụ nữ nói chung, người phụ nữ Ninh Bình phải chịu đựng. Trước hết là nỗi lầm than cơ cực về đời sống vật chất:Em nay đi cấy đồng sâu/ Dưới chân đỉa cắn, trên đầu nắng chang/ Chàng ơi có thấu chăng chàng/ Một bát cơm vàng biết mấy công lênh”.

Ở những vùng đồi núi, bán sơn địa Tam Điệp, Nho Quan, ngoài việc trồng cấy, người phụ nữ còn phải đi làm nương rãy. Công việc đồng áng vất vả là thế, việc “khai sơn phá thạch” còn cực nhọc gấp trăm lần, có ngày phải vượt qua hàng chục cây số đường quèn để khai hoang, trồng trọt hoặc hái măng rau trên rừng:Một ngày ba mươi sáu bữa vượt quèn/ Còn đâu má phấn răng đen hỡi chàng?”.

Là lao động chính trong nhà, họ làm việc quần quật suốt ngày để nuôi mẹ già, con dại, nuôi chồng đi học để hy vọng mai sau có thể đề tên trên bảng vàng, rạng rỡ tổ tiên: “Ruộng đầm nước cả bùn sâu/ Suốt ngày cùng với con trâu cày bừa/ Việc làm chẳng quản nắng mưa/ Cơm ăn đắp đổi muối dưa qua ngày”.

Nỗi khổ lớn nhất, tần suất cao nhất vẫn là nỗi khổ tinh thần. Xã hội phong kiến phụ quyền tồn tại hàng nghìn năm với những quan niệm bất công, khe khắt, đẩy người phụ nữ xuống địa vị thấp kém nhất trong gia đình và ngoài xã hội.

Khi còn sống với cha mẹ, người con gái phải sống trong “vòng kiềm toả” khắt khe của “gia phong”, của quy định về “Tam tòng, tứ đức”, trọng nam khinh nữ: “Nhất nam viết hữu, thập nữ viết vô” (một con trai là có, mười con gái vẫn là không). Việc hôn nhân hệ trọng của cả đời người, nhất là với người phụ nữ, phải hoàn toàn phụ thuộc vào sự sắp đặt của cha mẹ (Con không nghe lời cha mẹ, trăm đường con hư - Ca dao Việt), không được phép lựa chọn.

Quan niệm “Lương - Giáo bất đồng” trong hôn nhân cũng gây bao cảnh oan trái, nỗi đau đớn giày vò tâm can của những cô gái theo Đạo Thiên Chúa:Em như chiếc lá còn xanh/ Ngày tàn lá úa, phúc lành ở đâu?/ Em như một đóa hoa đào/ Mẹ cha muôn phước bắt vào nhà tu/ Trăm ngàn lạy Chúa Giê su/ Nhà tu đừng hóa nhà tù giam em”. (Ca dao Kim Sơn).

Khi lấy chồng, họ chịu trăm điều cay cực bởi quan niệm “xuất giá tòng phu”, lấy chồng là “làm ma nhà chồng”. Cảnh làm lẽ, làm dâu chẳng khác nào “làm thuê không công”, chịu sự đày đọa của nhà chồng (chồng, mẹ chồng, “bà cô bên chồng”…) khiến cho thân phận người phụ nữ nói chung, phụ nữ Ninh Bình nói riêng vốn yếu đuối, nhỏ nhoi lại càng tội nghiệp, đáng thương:Thân em đi lấy chồng chung/ Khác nào như cải bung xung chịu đòn/ Thân em như thể quả đa/ Gió lay rụng xuống người ta giày vò…”.

Người phụ nữ không phải không ý thức được giá trị thân phận mình, nhưng những phẩm chất ấy đâu được người đời thừa nhận, coi trọng. Trong tình cảnh đó, đa phần cam chịu cả đời, có người phản kháng thì chịu muôn vàn tiếng thị phi (trốn Chúa, lộn chồng).

Nhưng dù sống trong đau khổ, bất hạnh, người phụ nữ Ninh Bình vẫn ngời sáng những phẩm chất tốt đẹp. Trước hết là vẻ đẹp hình hài duyên dáng, mặn mà:Ninh Bình có Ngọc Mỹ Nhân/ Nhiều cô gái đẹp, mỏi chân anh về”.

Tâm hồn sáng trong, hiền dịu, lối ăn nói dịu dàng, thanh lịch, dễ thương của người phụ nữ có sức lôi cuốn, hấp dẫn đặc biệt:Chẳng thơm cũng thể hoa nhài/ Dẫu không thanh lịch cũng người Tràng An”

Hay:Thương sao cái tiếng ai mời/ Trong như hạt ngọc như lời chuông ngân xa, anh muốn đến gần/ Để anh thăm hỏi ân cần đôi câu”. (Dân ca Mường - Ninh Bình).

Không chỉ đẹp người và khéo léo trong giao tiếp, phụ nữ Ninh Bình còn đẹp nết và cái “nết” còn sức lôi cuốn, hấp dẫn hơn cả cái đẹp bên ngoài. Tiêu biểu hơn cả là vẻ đẹp thuần khiết, chất phác của người lao động tần tảo, cần mẫn, đảm đang, chịu thương chịu khó.

Dẫu phải đối mặt với muôn vàn khó khăn do thiên nhiên, thời tiết mang lại, cuộc sống vất vả, cùng cực, thiếu thốn trăm bề, người phụ nữ vẫn không hề bi quan, tiêu cực như kiểu:“Cây khô xuống nước cũng khô. Phận nghèo đi đến nơi mô cũng nghèo”(Ca dao Việt), mà luôn có ý thức vượt lên hoàn cảnh. 

Từ sự hiểu biết sâu sắc về đồng đất, khí hậu, thời tiết quê nhà, phụ nữ Ninh Bình xưa, ngoài việc cấy cày đã biết trồng thêm hoa màu, phát triển nền nông nghiệp đa canh, nuôi tằm, ươm tơ, dệt vải, đan lát,… nói chung là làm “bách nghệ” để mưu cầu no ấm. Lấy giá trị lao động làm nền tảng đạo đức, họ luôn tìm thấy niềm lạc quan trong công việc và niềm tin yêu vào cuộc sống.

Lời “tự bạch” chân thành, mộc mạc, giản dị của cô gái đồng chiêm:Em là con gái đồng chiêm/ Gieo mạ, cấy lúa lại thêm trồng màu/ Ươm tơ, dệt vải, nhuộm nâu/ May áo bền chắc theo trâu cày bừa”.

Nhờ lòng kiên trì, bền bỉ, đôi bàn tay khéo léo của người phụ nữ mà bao làng nghề của tỉnh từ xa xưa đã nổi tiếng trong và ngoài nước, như: nghề thêu ren (Văn Lâm, Ninh Hải, Hoa Lư), nghề cói mỹ nghệ (Kim Sơn), đan cót (Vân Long, Gia Tân, Gia Viễn), nghề dệt chiếu (Bồng Hải, Khánh Thiện, Yên Khánh)…

Không chỉ cần cù, chịu thương chịu khó trong lao động, người phụ nữ Ninh Bình truyền thống còn là người vợ thuỷ chung, son sắt, hết lòng yêu thương và gánh vác công việc nhà chồng. Vẻ đẹp ấy như một hằng số bất biến ngàn đời, bao khổ đau, bất hạnh vẫn không thể làm lu mờ, như viên ngọc càng mài dũa càng toả sáng lấp lánh: Hỡi cô kéo vó trên đồng/ Cô đi lấy chồng, vó lại để không?/ Lấy chồng em vẫn vó vồng/ Được tôm được tép nuôi chồng nuôi con”.

Được “nuôi chồng nuôi con”, vun vén cho tổ ấm gia đình là thiên chức, đồng thời cũng là niềm vui, niềm hạnh phúc của người vợ, người mẹ từ bao đời nay. Đó là lời nhắn nhủ, là “lẽ sống” của người phụ nữ Ninh Bình truyền thống trọn nghĩa vẹn tình, dù trong bất cứ hoàn cảnh nào, họ cũng đồng cam cộng khổ cùng chồng chung lo phụng dưỡng cha mẹ, xây dựng gia đình đầm ấm:Kể chi trời rét đồng sâu/ Có chồng, có vợ rủ nhau đi bừa/ Bây giờ trời đã hồ trưa/ Chồng vác lấy bừa, vợ dắt lấy trâu/ Một đoàn chồng trước, vợ sau/ Trời rét mặc rét, đồng sâu mặc đồng…”

Trải qua bốn nghìn năm, hình ảnh người phụ nữ Việt Nam được xây dựng và lưu truyền trong nền văn học dân gian. Ca dao Ninh Bình cũng đã ghi nhận vai trò tích cực, khả năng và những cống hiến to lớn của người phụ nữ trong sự nghiệp giữ nước. Với tinh thần cần cù, sáng tạo, người phụ nữ lao động đã chăm lo đến công việc chung một cách tự giác.

Là hậu phương vững vàng cho tiền tuyến:Anh đi ra sức đánh Tây/ Ruộng để em cầy, thóc lúa em gieo”. (Ca dao Khánh Hải, Yên Khánh).

Trực tiếp tham gia chiến đấu chống giặc:Em là con gái Yên Mô/ Theo chồng đi đắp thành Hồ, Quảng Công/ Thành Hồ áp sát biển đông/ Vua sai đóng cọc, xích sông cản đường”.

Đặt trọn niềm tin vào Đảng, vào nhân dân và chính nghĩa:Anh đi diệt Mỹ gian lao/ Có em cổ vũ dạt dào chiến công”.

Đó là sự kết hợp hài hòa những phẩm chất truyền thống của phụ nữ Việt và phẩm chất anh hùng của người phụ nữ trong thời đại mới.

Ca dao là tiếng hát dân gian tâm tình đằm thắm, diễn tả đời sống, tư tưởng, tình cảm muôn màu muôn vẻ của người lao động sau luỹ tre làng. Trong thế giới đó, lắng sâu hơn cả vẫn là hình ảnh của những người phụ nữ.

Có thể nói, ca dao Việt nói chung, ca dao Ninh Bình nói riêng đã làm tròn sứ mệnh của nó trong việc lưu giữ những vẻ đẹp của người phụ nữ bình dân xưa, mang đến cho ta cái nhìn toàn diện về họ, trong khổ đau cũng như những vẻ đẹp tâm hồn ngời sáng đến vô ngần. 

 

B.H

---------

Tư liệu tham khảo:

[1]. Trương Đình Tưởng (Chủ biên), Địa chí Văn hóa dân gian Ninh Bình, Nxb Thế giới, 2004;  [2]. Trương Đình Tưởng, Ninh Bình qua ca dao, tục ngữ, thành ngữ và ca vè, Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam, 2014. 

Bài viết khác