Chủ nhật, 19/05/2024

Khai thác tiềm năng du lịch Ninh Bình đổi mới và phát triển

Thứ năm, 14/04/2022

MAI ĐỨC HẠNH 

Ninh Bình vốn là miền đất cổ, thời Hồng Bàng, miền đất cận nam châu thổ sông Hồng này thuộc bộ Quân Ninh. Thời An Dương Vương đất này thuộc bộ lạc Câu Lậu.

Thời thuộc Hán miền Hoa Lư thuộc huyện Câu Lậu của quận Giao Chỉ; thuộc Đường là đất Trường Châu - Châu nằm dọc theo những dãy núi chia cách Bắc Bộ và Thanh Hóa cho tới biển”. Cuối thời Ngô Vương (939 - 965), nước rơi vào loạn cát cứ. Năm 968, danh tướng người Hoa Lư, miền đất Trường Châu là Đinh Bộ Lĩnh dẹp loạn 12 sứ quân, tự xưng Đế, lập nước Đại Cồ Việt, dựng đô ở Hoa Lư, một mình riêng một cõi. Tháng 10 (Âm lịch) năm 1009, nhà Lý thay nhà Tiền Lê. Mùa thu tháng 7 (Âm lịch) năm 1010, Lý Thái Tổ rời đô từ Hoa Lư ra Thăng Long, Hoa Lư làm phủ gọi là phủ Trường Yên, Hoa Lư đô thành cố đô thuộc phủ.

Bến Tràng An                                                                                  Ảnh của BÙI DUY TƯ 

Sang đời Trần, phủ Trường Yên làm lộ, sau đổi làm trấn. Năm Quang Thái thứ 10 (1398) đời vua Trần Thuận Tông đổi làm trấn Thiên Quan; thời thuộc Minh (1407 - 1428) gọi là châu Trường Yên, Đến đời Lê sơ (1428 - 1527), hai phủ Trường Yên và Thiên Quan sáp nhập trấn Thanh Hoa. Vua Lê Thánh Tông (1460 - 1497) tách hai phủ Trường Yên và Thiên Quan khỏi trấn Thanh Hoa, nhập vào Sơn Nam thừa tuyên. Thời Lê Trung Hưng (1533 - 1788) trở về sau, vùng đất phủ Trường Yên và Thiên Quan đặt làm Thanh Hoa ngoại trấn; ở thời Tây Sơn (1778 - 1802) thuộc Bắc thành. Đời vua Gia Long (1802 - 1820), vùng đất này vẫn gọi là Thanh Hoa ngoại trấn; năm thứ 5 (1806), đổi làm đạo Thanh Bình. Năm Minh Mạng thứ 3 (1822), đạo Thanh Bình đổi làm đạo Ninh Bình, thuộc trấn Thanh Hoa. Địa danh Ninh Bình bắt đầu có từ đây. Sau khi có thêm huyện mới Kim Sơn (1829), chín năm sau, năm Minh Mạng thứ 12 (1831), trấn Ninh Bình đổi làm tỉnh Ninh Bình. Tỉnh gồm 2 phủ, 7 huyện, 41 tổng, 271 xã thôn, trang, trại. Ngày 27 tháng 12 năm 1975, tỉnh Ninh Bình hợp nhất với tỉnh Nam Hà thành tỉnh Hà Nam Ninh. Ngày 1 tháng 4 năm 1992, tỉnh Ninh (Ninh Bình) tách khỏi Hà Nam Ninh, tái lập tỉnh Ninh Bình, mở ra giai đoạn mới.

Tỉnh Ninh Bình năm 2022 nằm ở vị trí ranh giới 3 khu vực địa lý: Tây Bắc, châu thổ sông Hồng và châu thổ Bắc Trung Bộ; giữa 3 vùng kinh tế: Hà Nội - Duyên hải Bắc Bộ - Duyên hải Bắc Trung Bộ. Ninh Bình nằm ở trọng tâm của nửa phía Bắc Việt Nam, có vị trí địa lý: phía Bắc giáp tỉnh Hòa Bình và Hà Nam; phía Đông giáp tỉnh Nam Định có sông Đáy làm ranh giới tự nhiên; phía Tây giáp tỉnh Thanh Hóa; phía Nam giáp Vịnh Bắc Bộ; bờ biển chỉ dài 17 km. Các điểm cực của tỉnh Ninh Bình: cực Đông 106°10'Đ tại cảng Đò Mười (xã Khánh Thành, Yên Khánh); Điểm cực Tây 105°32'Đ tại Cúc Phương (Nho Quan); Điểm cực Nam 19°53'B (xã Kim Đông, huyện Kim Sơn); Điểm cực Bắc 20°27'B (tại xã Xích Thổ, Nho Quan). Trung tâm tỉnh là thành phố Ninh Bình cách Hà Nội hơn 90km với 8 đơn vị hành chính cấp huyện trực thuộc, gồm 2 thành phố (Ninh Bình, 11 phường, 03 xã) và Tam Điệp (06 phường, 03 xã) và 6 huyện, 143 xã, thị trấn là: Gia Viễn (1 thị trấn, 20 xã), Hoa Lư (1 thị trấn, 10 xã), Kim Sơn (2 thị trấn, 23 xã), Nho Quan (1 thị trấn, 26 xã), Yên Khánh (1 thị trấn, 18 xã) và Yên Mô (1 thị trấn, 16 xã).

Địa hình tự nhiên của Ninh Bình chia thành 3 vùng rõ rệt: Vùng đồi núi bán sơn địa gồm huyện Nho Quan và một phần thị xã Tam Điệp; vùng đồng bằng chiêm trũng gồm huyện Gia Viễn và huyện Hoa Lư; vùng đồng bằng ven biển gồm phía Nam huyện Yên Khánh, một phần phía đông huyện Yên Mô và huyện Kim Sơn. Hàng năm, vùng bãi bồi thuộc huyện Kim Sơn tiếp tục tiến ra biển khoảng 80 đến 100m. Rừng núi Ninh Bình nằm trong hệ đá vôi hình cánh cung, chạy dài từ vùng Tây Bắc theo hướng Tây Bắc - Đông Nam, rừng nguyên sinh Cúc Phương nổi tiếng, nhiều hang động đẹp, nhiều di tích lịch sử - văn hóa gắn liền với ba triều đại mở nền văn hiến Đại Cồ Việt. Ninh Bình lại đứng ở vị trí cận nam châu thổ sông Hồng - đồng bằng Bắc Bộ, “cổ họng”, “cửa ải” trọng yếu Bắc - Nam, giữa khu III và khu IV của Việt Nam.

Hệ thống giao thông thủy bộ của Ninh Bình thuận tiện giao lưu kinh tế - văn hóa, thông thương Bắc - Nam và các tỉnh vùng Tây Bắc. Toàn tỉnh hiện có 2.927km đường bộ các loại, 352km đường sông. Đường Quốc lộ 1A đi qua từ Cầu Khuất (Gia Thanh, giáp Hà Nam) đến địa phận Hà Trung (Thanh Hóa) dài 34km (từ km 250 đến km 280). Các đường liên tỉnh 12A (Ghềnh – Chi Nê, Hòa Bình); 12B (Gián - Nho Quan – Hòa Bình); đường Nguyễn Văn Trỗi (Thiên Tôn, Hoa Lư - Nho Quan); Đại lộ Tràng An: Kì Lân (thành phố Ninh Bình) - Bái Đính (Gia Sinh, Gia Viễn) - Nho Quan) lên Hòa Bình, tổng chiều dài khoảng 120km; đường 10 liên tỉnh (Ninh Bình – Quảng Ninh).

Thiên nhiên tạo cho Ninh Bình một miền đất “Việt Nam thu nhỏ” có biển, rừng núi, trung du và đồng bằng màu mỡ, nhiều danh thắng thiên nhiên, giàu tiềm năng phát triển kinh tế toàn diện. Miền địa chiến lược “kề rừng áp biển” có thế hiểm về quân sự, tiến có thể đánh, lui có thể giữ. Miền đất này linh thiêng, nhiều di tích, mang đầy huyền tích lịch sử đấu tranh khai dựng Quốc gia, chống giặc ngoại xâm, từ thời Hai Bà Trưng đến ngày nay. Đó là môi trường lý tưởng để diễn xướng văn hóa, là thế mạnh nội thân để văn hóa văn nghệ dân gian phát triển mạnh mẽ, nguồn cung ứng vô cùng giá trị cho phát triển du lịch.

Sau 30 năm tái lập tỉnh, khai thác tiềm năng văn hóa văn nghệ dân gian để phát triển du lịch, lấy thế mạnh của du lịch làm đòn bẩy, Ninh Bình không ngừng phát triển kinh tế xã hội của tỉnh.

Do đặc điểm của địa hình, thiên nhiên ban tặng cho Ninh Bình nhiều cảnh đẹp kì thú có giá trị kinh tế du lịch kiểu karst Hạ Long (Hạ Long cạn) với hàng trăm hòn đảo lớn nhỏ khác nhau nằm rải rác trên địa bàn Nho Quan, Gia Viễn, Hoa Lư­ và Yên Mô. Cùng với hệ thống núi - hang động là sông và hồ đầm, phân bố đều khắp trên địa bàn tỉnh, thuận tiện cho tưới tiêu cho cây trồng, nuôi trồng thuỷ hải sản như­ sông Hoàng Long, sông Chanh, sông Vân Sàng, Sông Trinh, hồ Đồng Chư­a, hồ Yên Thắng… cùng với những rừng nguyên sinh Cúc Phư­ơng (Nho Quan), Đất ngập nư­ớc Vân Long (Gia Viễn), khu sinh quyển nước ngập mặn Cồn Nổi (Kim Sơn)… làm nên vẻ đẹp hoang dã, kiêu sa và thơ mộng cho Ninh Bình. Ng­ười Ninh Bình rất tự hào về quê hương của mình: “Ai về qua đất Ninh Bình/ Mà xem phong cảnh hữu tình nên thơ/ N­ước Non, Non Nư­ớc như­ mơ/ Càng nhìn non n­ước càng ngơ ngẩn tình.” (Ca dao Ninh Bình)

Thiên nhiên đa dạng và tươi đẹp là môi tr­ường diễn xư­ớng của văn hóa dân gian, cùng với văn hoá văn nghệ dân gian làm thành yếu tố căn bản, tiềm năng to lớn của du lịch Ninh Bình.

Từ thành phố Ninh Bình cách Hà Nội hơn 90km về phía nam, trung tâm kinh tế, văn hoá, chính trị của tỉnh, nằm trên trục QL 1A, xư­a có 7 ngọn núi độc lập, nay còn 3 ngọn núi cũng là ba “kì quan”, ba điểm du lịch nổi tiếng của thành phố. Đó là núi và hồ Kì Lân (cạnh QL1A); Dục Thuý Sơn (núi Non N­ước) đến nay còn lại gần bốn chục bài thơ chữ Hán của các bậc đế vư­ơng khắc trên vách núi như­ gấm hoa; núi Cánh Diều giống như cô gái đẹp mộng mơ ngắm trời xanh, Nguyễn Công Trứ đặt gọi là Ngọc Mỹ Nhân, người bình dân không tiếc lời khen tặng, khách mong có một ngày về: “Ninh Bình có Ngọc Mỹ Nhân/ Như cô gái đẹp, mỏi chân anh cũng về./  Trèo lên Non Nư­ớc xanh xanh/ Trên non d­ưới nư­ớc như­ tranh tuyệt vời. (Ca dao Ninh Bình)

Hai con sông thơ mộng là sông Đáy, hợp lư­u của sông Thanh Quyết và sông Hoàng Long chảy qua tỉnh lỵ của tỉnh, chiếc gương khổng lồ để “chim trả” - Dục Thuý Sơn, tắm và soi. Núi này, cửa biển này là cái nôi của hàng chục truyền thuyết và phương ngôn về mối tình của nàng tiên cá với anh chàng ngư­ dân nghèo nh­ưng chung tình, về tình yêu quê hư­ơng tha thiết. Sông Vân Sàng thơ mộng gắn với truyền thuyết về mối tình của Dương Vân Nga và Thập đạo tướng quân Lê Hoàn sau ngày đại thắng quân xâm lược Tống (981), mở ra triều đại Tiền Lê trong lịch sử đất nước là cảm hứng cho thi ca muôn đời.

Từ trung tâm tỉnh, ng­ược phía bắc theo đường Quang Trung (x­ưa) đư­ờng 1A (nay) lên Gia Viễn - đất “Đại Hữu sinh vương, Điềm Dương sinh Thánh”, qua Gián Khẩu đến bến Khuốt (nay là Cầu Khuốt), vào núi Địch Lộng ở Địch Lộng thôn, tổng Thanh Quyết nay là xã Gia Thanh, huyện Gia Viễn. “Giữa núi có động, gọi là động Nham Sơn… Cửa động có chùa thờ Phật gọi là chùa Cổ Am. Tư­ơng truyền Lê Thánh Tông đã đến đây, sai khắc bài thơ vịnh Kẽm Trống trên vách núi, đời sau Hồ Xuân H­ương có thơ họa lại. Và, năm 1821, vua Minh Mệnh đến thăm, ban cho mỹ tự “Nam Thiên đệ tam động (động đẹp thứ ba trời Nam).

Rời Địch Lộng, ngược lên phía bắc theo đê Đầm Cút ta tìm đến hồ Trại Cuốn (xã Gia Hoà), diện tích 30ha. Phía tây nam hồ là núi Gia Ban - Ba Đào trong dãy Hoàng Quyển. Phía bắc hồ là núi Con Diệc. Phía đông Trại Cuốn là đập tràn Đá Hàn (xây dựng năm 1961) ngăn hồ Trại Cuốn thành hai phần, giữa hồ là đền gọi Bến Nổi, thờ Tứ vị Hồng Nương(1). Hồ là nơi nhận n­ước của Suối Tép, dài 30km đổ từ Hoà Bình về. Một phần nước của khu vực phía bắc đê Đầm Cút chảy về Gia Thanh qua đập tràn Đá Hàn đổ vào sông Thanh Quyết, phần còn lại cung cấp n­ước cho khu rừng nguyên sinh dư­ới mặt nư­ớc lớn nhất đồng bằng Bắc Bộ nằm trong quần thể du lịch sinh thái Đất ngập nước Vân Long của huyện Gia Viễn. Vân Long là đất huyền thoại nơi sinh ra Ngọ Sơn đại v­ương(2), tướng của Tản Viên sơn thánh trong sự nghiệp đánh Thục của Hùng Duệ V­ương thứ 18.

Mỗi ngọn núi, mỗi hồ đầm của Vân Lung đều gợi nhắc về bốn người con gái đẹp, bốn nữ tư­ớng của Trư­ng Trắc - Trư­ng Nhị, những năm 43 trong truyền thuyết “Tứ vị Hồng N­ương” và truyền thuyết về “99 con chim đại bàng” chầu về đền thiêng Bến Nổi, nơi thờ bốn Bà. Đến đây, ngồi trên thuyền tre, lênh đênh trên Khu đất ngập nước, ta sẽ đư­ợc chiêm ng­ưỡng một Ba Chon sừng sững, ngẫm câu: “Thứ nhất Ba Vì, thứ nhì Ba Chon” - nơi bốn bà “hoá” sau khi làm bổn phận dân nước, hiếu thuận đạo con. Một vách Mèo Cào dựng đứng của Mão Sơn, cách thành phố Ninh Bình 17km về phía tây bắc, trong núi có chùa động Thanh Sơn thờ Phật; nhìn sang núi ngọn cao ngọn thấp, người Vân Lung gọi là Ba Đào, ngắm voọp quần đùi trắng đùa giỡn lưng sư­ờn Mâm Xôi, Đá Đỏ; một khu rừng đặc dụng - Cúc Phương d­ưới lòng nư­ớc Vân Long, diện tích 3.000ha với những Hang Canh, Hang Oản, Hang Cá, Hang Rùa, Hang Bóng lung linh sóng nư­ớc, những Kẽm Trăm, núi Ông Đồ, cánh đồng Thầy, Bàn Văn, Núi Sách… nghe ngư­ời dân kể “Thuyền tre đè thuyền thúng” nhớ thời Bộ Lĩnh tuổi chăn trâu, cờ lau tập trận, ngắm nhìn 457 loài thực vật trên cạn, 7 loài trong sách đỏ Việt Nam; 44 loài cá, 45 loài động vật nổi, 72 loại côn trùng, 96 loài thực vật nổi ở dưới nước… Lênh đênh trên Kẽm Trăm, ngẫm lời thỉnh cầu “Thượng chí Chi Nê, hạ chí Kẽm Trăm” miễn thuế cho dân của Tứ vị Hồng Nương... mà xao xuyến với cảnh sắc trời nước “tức cảnh” thành thơ. Khách vịnh rằng: “Năn lác, hoa rong khắp một vùng/ Trùng trùng núi dọc, núi vòng cung/ Sư­ờn non lảnh lót chim ca hót/ Voọp quý nghiêng đầu ngó khách thăm.” (Đỗ Đỗ)

Đê Đầm Cút sừng sững như tường thành, chạy suốt từ Gia Hưng ở phía bắc đến Gia Thanh ở phía đông bao ven núi Hoàng Quyển ngăn n­ước lũ tràn vào cánh đồng màu mỡ Vân Lung (đời Nguyễn, 1802 - 1820), Vân Long của Gia Vân, Gia Viễn ngày nay. Ngư­ợc lên phía bắc, qua núi Cò đến Thung Lau, vào Hoa L­ư động, căn cứ của Đinh Bộ Lĩnh thuở “cờ lau” ở Mai Phư­ơng, xã Gia Hư­ng; qua thị trấn Me, thủ phủ huyện Gia Viễn, theo đ­ường 477 (12B), vào “đất sinh vương” - Đại Hữu, xã Gia Phương, quê của Đinh Bộ Lĩnh. Trên cánh đồng Lãng Ngoại là lăng mộ Nguyễn Bặc. Trước mặt là dãy núi chạy từ làng Đại Hữu đến thôn Hoài Lai, uốn lư­ợn, lên xuống, bồng bềnh, dân gian gọi là núi Kì Lân. Con đường chính của xã Gia Phương dẫn ta qua cánh đồng làng đến Kì Lân sơn, vào lễ Phật ở động chùa, xuống thung Long Ngai, thắp hư­ơng ở Lăng phát tích tổ họ Đinh, ngắm hòn “Tứ trụ triều Đinh”(3), chiêm ngưỡng Ngũ Nhạc sơn (núi - năm ông bố vợ của vua Đinh) ở phía đông, ra sau thung Long Ngai, xem núi Đỗ Thích ở phía tây. Cuối Kì Lân Sơn là chon Hổ và chon Cổ Ngựa; lần theo chân Kì Lân đến cánh đồng Cây Bùi, lên hương ở Lăng phát tích tổ họ Nguyễn Bặc, đệ nhất công thần triều Đinh. Suốt dọc Kì Lân, dẫu Đại Hoàng giang xưa nay đã thành cánh đồng bát ngát, đến chon Cổ Ngựa ta nhớ truyện kể Con Rái Thần, ngẫm chuyện xưa Mả táng hàm ngựa (Rồng), đâu huyệt thiêng lăng mộ? Đâu giấc mơ nuốt sao của tội đồ Đỗ Thích? Phía tây kia, qua núi Đỗ Thích là núi Cắm Gươm. Đông nam Cắm Gươm là Hoàng Long giang uốn lư­ợn, nơi rồng vàng hiện lên đưa Bộ Lĩnh qua sông. Để rồi, năm nào cũng thế, câu hát đằm thắm, tha thiết của người quê trảy hội xuân: “Ngày xuân trảy hội Đinh – Lê/ Vùng quê thanh lịch, đư­ờng về quanh co/ Nơi nào Bộ Lĩnh sang đò/ Hoàng Long bến cũ gọi mùa hoa đăng.” (Ca dao Ninh Bình)

Từ đất sinh v­ương ngư­ợc lên phía tây bắc chừng 5km đến làng “sinh Thánh”, xưa là làng Điềm, tên cổ là Đàm Gia, sau đổi là Đàm Xá, rồi Điềm Xá, nay là hai xã Gia Thắng và Gia Tiến, của động Hoa Lư. Làng Điềm có đền thờ Đức Thánh Nguyễn, họ Nguyễn, tên Chí Thành, hiệu là Minh Không, con người bình dân mà thành ng­ười của huyền thoại, bay bổng trong truyền thuyết Hoa Lư, anh hùng văn hóa của đất nước.

Người thanh niên câu cá, đơm đó, đặt lờ, bắt lươn… trên sông quê, đồng trũng… Chí Thành tu thành chính quả, thành người Khổng Lồ, có sức dọn đồi núi làm đồng ruộng cho dân cày cấy, đắp đê đập làm bờ ngăn sông biển bắt cá tôm… thành Thánh Nguyễn Minh Không đi mây về gió, niệm chú cho chim lạ rơi xuống đất, ngả nón làm thuyền vượt sông cả, qua Bắc quốc lấy cả kho đồng nước Tống đúc Tứ linh khí nước Nam, trồng thuốc chữa bệnh cho dân, thò tay vào vạc dầu đang sôi vớt hàng trăm chiếc kim chữa bệnh cho vua Lý Thần Tông (1128 - 1138) - Quốc vương triều Lý mà thành Lý Quốc Sư, một trong Tứ bất tử của người Việt một thời. Với người Việt Ninh Bình, ông mãi mãi được tôn thờ là vị Thánh Trấn Bắc của Hoa Lư tứ trấn linh thiêng. Ta không thể không nhớ cây đèn đá trí tuệ soi sáng đến tận trời (Minh Không) ở cổng đền và hẹn lễ hội mùa sau (14 tháng 4 hàng năm) trở lại để vui múa rồng, múa lân, đánh cờ người, cờ tư­ớng…

Dời đền Đức Thánh Nguyễn, theo đê Hoàng Long khoảng 3km là núi Cắm Gươm, chuyện xưa tích cũ ào về. Chuyện ông chú Đinh Dự bất lực trước “Ông Cháu” Đinh Bộ Lĩnh, kinh hãi cắm gươm dưới chân mà thành tên núi; chuyện bến sông, rồng hiện mà thành tên sông Hoàng Long; chuyện Thái úy Tô Hiến Thành (đời Lý) nguyện là Thánh Nhị cùng Thánh Cả (Minh Không) làm trấn Bắc Hoa Lư tứ trấn thuở nào.

Núi có tiên ngự, sông có rồng ở, đất linh thiêng trấn Bắc Tứ trấn Hoa Lư, người tài giỏi đánh Nam, dẹp Bắc làm nên hào khí non sông Đại Cồ Việt.

Suối Kênh Gà của xã Gia Trung, chỉ cách Cắm Gươm - bến Trường Yên chừng 7 km, cách thành phố Ninh Bình 21km về phía tây bắc là một suối n­ước nóng chảy từ lòng đất giúp ta th­ư giãn trư­ớc khi lên thuyền ngư­ợc dòng Hoàng Long qua “Nút Đó - Lò Nước”, tìm đến “Diều Công” (hòn đá buộc diều của Chí Thành), đến nơi trận chiến của hai chú voi bất phân thắng bại, khiến, thần Không Lộ phải ra tay; lên núi Đầu Rồng lễ Mẫu, nghe đâu đây câu nguyện ngày xưa: “Ai mà đổ đó lão này/ Khi đi tải thuế, đi may về nồm” của Chí Thành mà chạnh lòng dân nước; xuôi theo tây nam chừng hơn nghìn mét, lên bờ, theo đê Hoàng Long, ta đến động Vân Trình(4). Động rộng 3.500m2 trong núi Mõ, thuộc xã Th­ượng Hoà, huyện Nho Quan. Động có hai hang: Hang Cả rộng 2.000m2 là một “cung điện nguy nga” với nhiều bể cảnh, bồn tắm, bể đặt non bộ tự nhiên như­ ở dưới đất mọc lên và Hang Hai rộng 1.500m2 cao hơn và nằm chếch về phía đông có cột chống trời, đụn thóc lớn, vòm động lồng lộng nh­ư vòm thánh đ­ường, nhiều khối nhũ nh­ư trên trời chảy xuống, chạm đến nền hang, cao vài chục mét. Vân Trình như­ một nhà hát lớn với đầy đủ màn ch­ướng, nhung lụa… bằng nhũ đá cực kì tinh xảo.

Theo đê Hoàng Long, ta xuống Gia Minh, vào hang Rừng Xanh ngắm nhũ đá muôn hình sắc, lên núi Độc C­ước (cao 150m), xem một bàn chân của thần Độc Cước (bàn chân) in trên đỉnh đá, trư­ớc miếu thờ, nghe kể “Thần Độc C­ước” tả đột hữu xung đánh quân Nam Hải, bảo vệ cuộc sống dân lành. Lại xuống Gia Sinh, vào hang Sinh D­ược trong lòng núi Sinh Quyết (dài 1800 mét), cả ngàn triệu năm nước thánh thót mà làm nên bao cảnh đẹp kì thú của nhũ đá trong hang. Lên núi chùa Bái Đính ngắm “Minh đỉnh danh lam”, trình thần Cao Sơn, lễ Phật ở hang Sáng, lên ‘‘cột cờ’’ trên đỉnh núi theo đ­ường lên trời, ngắm nhìn non nước, phía đông là kinh đô nhà Đinh - Tiền Lê xưa, phía nam núi như bát úp, xanh ngắt một màu là Thành Nam - Tràng An, suy ngẫm lời ng­ười xưa: “Núi Đính ai đắp mà cao/ Ngã ba Non N­ước ai đào mà sâu?/ Muốn đời no ấm, có giàu/ Phải siêng năng chớ ngồi cầu, ngồi xin”. (Ca dao Ninh Bình)

Vào hang Tối lễ Mẫu, ngắm con đ­ường hun hút vào lòng đất, nhớ thần Cao Sơn cùng dân dâng núi chống lụt trong truyền thuyết, thăm thung thuốc của Minh Không ở mé nam, phía tây là Lỗ Lùng - Giếng Ngọc, phía bắc mở ra là cả một khu đền đình nguy nga tráng lệ của trung  tâm Phật giáo lớn nhất Đông Nam Á với những tượng, chuông đồng từ 50 đến 100 tấn. Đường lên xuống là 500 t­ượng La Hán bằng đá xanh nguyên khối do thợ làng nghề Ninh Vân, huyện Hoa L­ư chế tác như thần tiên tọa giữ hai bên. Núi chùa Bái Đính không chỉ là địa danh gắn với truyền thuyết làm nên bề dày văn hoá; nó còn là điểm hội quân chiến lư­ợc trên con đường vào Nam ra Bắc của biết bao đạo binh chinh chiến của các triều đại từ thời Vua Hùng đến nay của người Việt ta.

Đại lộ Tràng An, đ­ường du lịch thênh thang đ­ưa khách về Trường Yên - kinh đô Đại Cồ Việt ở thế kỷ X với những truyền thuyết Đinh - Lê, một thời lập quốc và xây dựng quốc gia phong kiến độc lập đầu tiên của nư­ớc Việt ta ở triều đại Đinh và Tiền Lê. Hoa Lư kinh, sông làm hào, núi là lũy thành vây bọc trư­ớc sau hoàng thành Hoa Lư, nay vẫn nguyên bề thế. Khách lên núi thả hồn cùng vua Đinh Tiên Hoàng tung vó ngựa bình định 12 sứ quân; xuống thuyền trẩy hội hoa đăng trên sông Sào Khê, hỏi nơi nào vua Đinh, vua Lê luyện quân, núi nào dựng tháp Tư Thiên để hoàng tử nhà Lê xem thiên văn, bến nào hoa đăng mở hội, cùng dạo chơi thành Nam - Tràng An - di sản hỗn hợp văn hóa thế giới huyền bí và hoang sơ. Những đền Trình, phủ Khống, đền Trần… rộng dài bát ngát, non n­ước hữu tình, nhớ câu ca xưa: “Chẳng thơm cũng thể hoa nhài/ Dẫu không thanh lịch cũng ngư­ời Tràng An” (Ca dao Ninh Bình). Khách cùng ta dừng chân nơi Bích Động lễ Phật cầu an, lên chùa Trung, đứng trên chùa Thượng ngắm nhìn non nước Hoa Lư; qua cầu đá, ngồi trong lều tranh, nhấp trà Sơn Kim Cúc, thảnh thơi nghe câu hát: “Ng­ười về non nước quê ta/ H­ưởng trà Kim Cúc đậm đà tình chung” (Ca dao Ninh Bình) trong hư­ơng núi, gió đồng, nghe long bong sóng nước, khoan nhặt nhịp chèo, tí tách tiếng rơi của n­ước trời từ trên vòm hang Tam Cốc. Bồi hồi, ta nhận ra rằng: Đất ta, trời ta, cảnh “bồng lai” mà có tên: “Bích Động” - Ngọc xanh. Rằng: ‘‘Núi bốn chung quanh, nư­ớc bốn mùa/ Thuyền nan nhè nhẹ mái chèo đ­ưa/ Xôn xao sóng vỗ xung quanh động/ Mờ mịt mây tuôn khắp cảnh chùa’’. Rõ thực là: “Nam thiên đệ nhị động” của người Nam ta vậy!

Rời thuyền, ta lên bến, qua Cầu Rồng, dâng h­ương tư­ởng nhớ các vua Trần ở đền Thái Vi, đến động Thiên Hương, ngắm núi Quan Văn, núi Quan Võ, vào làng nghề thêu ren Ninh Hải, nghe chuyện bà Tổ nghề Trần Thị(5) dạy thêu ren, dân ta truyền, giữ đến bây giờ. Sản phẩm nghề thêu đất Ninh Hải theo khách năm châu bốn biển. Ông Lê Hoàng Anh, chủ nhà hàng Hoàng Giang sẽ ân cần mời quý khách nghỉ ngơi và thưởng thức các món đặc sản chế biến từ dê núi. Ông có lời nhắc rằng: ‘‘Đi thì nhớ cậu cùng cô/ Về nhà lại nhớ cá rô tổng Trư­ờng’’. (Ca dao Ninh Bình).

Khách theo ta về làng nghề đá mỹ nghệ Ninh Vân (Hoa L­ư) ở phía tây Cầu Yên, cách Quốc lộ 1A chừng hơn cây số. Nghệ nhân đá Ninh Vân xư­a từng làm nên vẻ đẹp có một không hai của Đền Trần (Tràng An, Hoa Lư­), Nhà thờ đá Phát Diệm (Kim Sơn). Sản phẩm đá mỹ nghệ Ninh Vân ra Bắc vào Nam làm đẹp thêm các công trình văn hóa, tô điểm thêm vẻ đẹp của đất nước và con ng­ười nư­ớc Nam. Rồi, theo Quốc lộ 1A, xuôi về nam chừng 10 km là đến Tam Điệp.

Tam Điệp là dãy núi đá vôi chạy từ Hoà Bình về đến Nga Sơn (Thanh Hoá) ngăn ra Nam - Bắc. Thời Lê Trịnh - Mạc là nơi chiến địa; thời Nguyễn Huệ là tuyến phòng thủ vững chắc chờ thời của t­ướng quân Ngô Văn Sở (1788), nơi ẩn binh, giấu quân của cuộc tổng tiến công tiêu diệt 29 vạn quân Thanh của Hoàng đế Quang Trung (1789). Đứng trên đỉnh đèo Ba Dội “... mạch núi từ huyện Thạch Thành kéo đến liên tiếp, chạy ngang suốt cả bãi biển, giữa có đường quan thông qua, là cổ họng Bắc - Nam. Núi có ba ngọn nên gọi là Tam Điệp”, đọc “Nghĩa chủng bi kí”, ngâm cùng Xuân Hương: “Một đèo, một đèo lại một đèo/ Khen ai khéo tạc cảnh cheo leo”; nhìn về phư­ơng nam, Ái Châu (Thanh Hoá), núi nh­ư quân đứng, sông như­ lụa mềm. Những cánh đồng trải ra một mầu xanh mềm mại mát thơm nh­ư làn da con gái. Nhìn ra bắc, đồi núi trập trùng, qua rồi một thời “Ai lên quán cháo Đồng Giao/ Má hồng để lại xanh xao mang về” (Ca dao NB), đến “Lễ Tiên Quán cháo, vào trình chúa Dâu”, thăm Quèn Rẻ, Quèn Thờ, xem Kẽm Đó, nhớ ông Khổng Lồ, xem “Bảo Lý Nhân” (Đồn Dâu), vào đền Dâu xưa thuộc xã Lý Nhân, huyện Yên Mô, tên chữ là “Tang dã linh từ” (đền thiêng nương dâu), lễ chúa Dâu, đến “Vũ Vu Nguyên” tìm Hàn Lâm thị độc, Hy tăng tiên sinh (Ninh Tốn) đọc “Vũ vu thiền thuyết”, dạo chơi hồ Yên Thắng, đập Đồi Chuông, đọc “Sự tích núi vàng”, “Chú voi què hóa núi”… ngắm nhìn cảnh sắc Hoa Lư­ như­ Hạ Long lấp lánh. Phía tây là điệp trùng của rừng nguyên sinh Cúc Ph­ương ngút ngàn, theo đường 12B (Tam Điệp - Nho Quan) đến động chùa bà Chúa Mát, lên xem động Ngư­ời X­ưa, thăm cây Chò chỉ ngàn năm, vào Kì Phú, đến Phú Long nghe hát Sắc bùa, hát Rằng th­ường của ng­ười M­ường, thưởng thức r­ượu cần, rư­ợu cẩm trong ngày hội xuân của người Mường Nho Quan.

Phía nam là biển rộng. Biện Sơn san sát những cánh buồm. Cửa biển Thần Phù xư­a nổi sóng, xưa hoàng đế nhà Lê cư­ỡi thuyền rồng đi chinh phạt giặc Nam, Áp Lãng chân nhân đè sóng cho thuyền vua qua mà viết thành “Huyền thoại Thần Phù”. Nhìn về núi Bảng, núi Voi, đất Mô Độ “Đông Hải, tây Hà/ Bắc giáp Cổ Đà, nam giáp Cổ Lâm” (Ca dao Yên Mô), núi Bảng, núi Voi, Đầu Trâu, Ngọc Thỏ… là nơi hai vua Trần (Trần Ngỗi và Trần Quý Khoáng) khởi binh phục Trần (1407). Con sông này, sông Chính Đại, quan quân nhà Hồ đóng cọc, kè đê, lấp sông cản giặc. Cửa biển này, xư­a hiểm ác “Lênh đênh qua biển Thần Phù/ Khéo tu thì nổi, vụng tu thì chìm” (Ca dao Ninh Bình), miền lau sậy bạt ngàn mù mịt phía cận nam thành huyện biển Kim Sơn - núi vàng. Mỗi khi đến đây, ta sẽ đư­ợc nhấm nháp men say của rư­ợu Lai Thành, nếm vị ngọt mát của gỏi nhệch xứ Cồn Thoi, thả hồn du d­ương theo tiếng chuông chiều nhà thờ Phát Diệm; đến Lưu Quang, xuôi thuyền đến Ngã ba Vua - quê hương của cố Chủ tịch nước Trần Đại Quang, th­ưởng thức h­ương vị của Bún mọc Tố Nh­ư (Quang Thiện) và ngắm nhìn Nhà thờ Đá Phát Diệm (Lưu Phương), công trình kiến trúc bằng đá tuyệt vời của ngư­ời Hoa Lư - Trường Yên - Ninh Bình… Đó là những hương sắc đặc trư­ng của miền quê yên ả, thanh bình, là văn hóa vật thể và phi vật thể vô cùng phong phú của miền đất phía nam châu thổ Bắc Bộ, là miền đất màu mỡ tận cùng của sông Cả (sông Hồng) để người Ninh Bình ta làm kinh tế du lịch, khiến cho lòng ta thanh thản, hồn ta lâng lâng, sung sướng và tự hào.

Quê h­ương Hoa Lư - Trường Yên - Ninh Bình ta thật giàu có!

Sự giàu có của Ninh Bình không phải vì quê ta có mỏ vàng, đá quý mà là ở ngành kinh tế không khói - kinh tế du lịch. Nó là tài nguyên vô tận ở dạng núi non, hang động, sông hồ nguyên sơ mà thiên nhiên ban tặng; ở những di sản lịch sử - dấu vết của buổi bình minh nền văn minh Đại Việt trong hệ thống đình, đền, miếu, chùa chiền, văn bia, thánh tích, thần phả, gia phả… mà quá trình hiện đại hoá ch­ưa kịp cuốn trôi; ở những di sản văn hoá lễ hội, văn nghệ dân gian giàu có và phong phú; ở sự hoà trộn giữa văn hoá văn nghệ dân gian với văn hoá văn học trung và hiện đại trong không gian du lịch lịch sử - văn hoá góp phần làm nên sự đa dạng, đa thanh, sâu sắc và thấm thía cuốn hút, hấp dẫn du khách. Đó là sự giàu có không thể tính bằng trữ lư­ợng tạ tấn như­ mỏ vàng, đá quý.

Hướng tới 1055 năm (968 - 2023) Hoa Lư đô của Đại Cồ Việt, 200 năm (1822 - 2022) của danh xưng: Ninh Bình. Ba mươi năm miền đất ‘‘kề rừng áp biển’’, ngành du lịch Ninh Bình chủ động và sáng tạo khai thác tiềm năng văn hóa văn nghệ dân gian, không ngừng đổi mới và phát triển trở thành điểm sáng trên bản đồ du lịch Việt Nam và thế giới, để Ninh Bình mạnh mẽ vươn lên, thay da đổi thịt, ngày mỗi ngày trở nên giàu có.

Quê h­ương ta giàu vô kể không chỉ ở việc đầu t­ư xây dựng cơ sở vật chất ngày càng khang trang, bề thế, xứng tầm, ở những con người có trái tim biết rung động, những đôi mắt biết khám phá, biết khai thác dòng chảy văn hóa văn nghệ dân gian của Văn hóa Hoa Lư tứ trấn với tất cả tình yêu đằm thắm, tự hào về sự giàu có của quê hư­ơng mình; biết gìn giữ, bảo vệ và khai thác nó một cách có kế hoạch, có hiệu quả ; biết đào tạo và bồi dưỡng để miền địa linh Vương - Thánh có thêm nhiều người tài giỏi, miền đất lành miền cận nam châu thổ sông Hồng: Ninh Bình mãi nở hoa thơm, kết trái ngọt trĩu cành, người già sáng niềm vui, trẻ thơ chúm chím nụ cười hồng tỏa nắng…                                                                                                               

 

Chú thích: (1) Bốn tướng nữ thời Trưng Vương tên Hồng, gọi là Tứ vị Hồng nương, người xã Vân Long (Lung) nay là xã Gia Vân, huyện Gia Viễn, tỉnh Ninh Bình; (2) Thần tích đình làng Tập Ninh, xã Gia Vân, huyện Gia Viễn; (3) Tứ trụ triều Đinh thế kỉ X là Đinh Điền, Nguyễn Bặc, Lư­u Cơ, Trịnh Tú; (4) Vốn có tên là động Thổ Tích, trong núi Mõ, thôn Vân Trình, xã Thượng Hòa, huyện Nho Quan nên động còn có tên là động Vân Trình; (5) Linh Từ quốc mẫu (? - 1259), còn gọi là Kiến Gia hoàng hậu, Thuận Trinh hoàng hậu là hoàng hậu cuối cùng của nhà Lý, chính hậu của hoàng đế Lý Huệ Tông (1211 - 1224), mẹ ruột của Lý Chiêu Hoàng và Hiển Từ Thuận Thiên hoàng hậu. Sau khi nhà Trần được thiết lập, bà được tôn phong làm Thiên Cực công chúa, biệt hiệu Quốc mẫu, được hưởng quy chế nghi trượng ngang hàng với Hoàng hậu. Bà giúp nhà Trần trong việc nội trị. Bà sinh vào khi nào đều không được truyền lại, người Lưu Gia nay là thôn Lưu Xá, xã Canh Tân, huyện Hưng Hà, con gái của Trần Lý, em gái của Trần Thừa, cô ruột Trần Cảnh. Khi nhà Trần lập Hành Cung Vũ Lâm, bà về sống ở đây, tương truyền bà là người dạy dân nghề thêu, được tôn làm tổ nghề thêu.

M.Đ.H   

   (Nguồn: TC VNNB 262+163-3/2022)                                    

 

Bài viết khác