Chủ nhật, 19/05/2024

Thơ "Tặng" một mảng thơ đặc sắc của Bác Hồ

Thứ hai, 18/05/2020

THANH THẢN

Cùng những bài thơ trong “Nhật ký trong tù”, những bài thơ viết ở Việt Bắc, những bài thơ chúc tết đồng bào mỗi dịp năm mới…Bác Hồ còn có một mảng thơ hết sức đặc sắc, đó là những bài thơ “tặng”…

Người ta có thể tặng, cho nhau nhiều thứ, như tiền bạc, tài sản…nói chung là vật chất… nhưng tặng nhau bằng tinh thần, như tặng bài thơ, bức tranh, bản nhạc…là một hình thức trang nhã, cao đẹp và trí tuệ nhất. Xưa nay đã có không ít những quà tặng tinh thần đó (tuy giá trị vật chất không cao) đã trở thành nổi tiếng, trở thành những tài sản chung của văn học nghệ thuật. Tất nhiên phải là người có tầm cỡ, có tài năng như nhà văn, nhà thơ, hoạ sỹ, nhạc sỹ…thì mới có được những món quà tinh thần đó để tặng bạn bè, người thân, kể cả đối phương, đối địch…

Hình ảnh làm việc của Chủ tịch Hồ Chí Minh       Nguồn TL: TTXVN

Đối tượng được Bác tặng thơ (hoặc gửi, hoặc hoạ…)  cũng rất phong phú, đa dạng. Có những người xa xôi, dù chưa được gặp nhưng đồng tâm, đồng cảm, đồng chí như Nê Ru (Thủ tướng Ấn Độ 1947 -1954) (“Ký Ni lỗ”). Có người là bạn Trung Hoa, đang hết lòng giúp đỡ cuộc kháng chiến chống Pháp của nhân dân ta, như Trần Canh (“Tặng đồng chí Trần Canh”), như Mao Trạch Đông  (Gửi “Mao Trạch Đông”). Có những người là quan lại chế độ cũ đã đi theo cách mạng, theo kháng chiến như Bùi Công (Tức cụ Bùi Bằng Đoàn (1889 - 1955), Thượng thư Bộ Tư pháp, thời Bảo Đại), như Võ Công (Tức cụ Võ Liêm Sơn (1888 - 1943)… Còn lại, phần nhiều là những bài thơ Bác viết tặng các tầng lớp nhân dân, các cơ quan đoàn thể, báo chí… Cũng có bài Bác tặng những người đối lập, đối thủ của cách mạng như Nguyễn Hải Thần, Thống chế Pê - Tanh….

Đối với những người là bạn, là đồng chí, Bác hết sức đồng cảm, chân thành và quý mến, như bài Bác tặng Thủ tướng Nê Ru: Khi tôi phấn đấu, anh hoạt động/ Anh phải vào lao, tôi ở tù/ Muôn dặm xa vời, chưa gặp mặt/ Không lời mà vẫn cảm thương nhau.(Hoàng Trung Thông dịch).

Khi được tin Mao Chủ tịch bơi trên sông Trường Giang, Bác rất vui. Mừng cho lãnh tụ khoẻ là cách mạng (Trung Hoa) còn được trông cậy. Bác chân thành chúc: Tôi ở Việt Nam lo đánh Mỹ/ Xin chúc Ngài “Vạn thọ vô cương”.(Phan Văn Các dịch )

Đối với một số quan lại cũ đi theo cách mạng, theo kháng chiến, Bác rất trân trọng, quý mến. Bác tặng thơ xuất phát từ những tình cảm chân thực, trân trọng. Bài Bác tặng cụ Bùi Bằng Đoàn là một bài thơ hay: Khán thư song điểu thê song hãn/ Phê trát xuân hoa chiếu nghiễn trì/ Tiệp báo tần lai lao thạch mã/ Tư công tức cảnh tặng ân thi.Nhà xuất bản Văn học dịch, 1975: Xem sách chim rừng vào cửa đậu/ Phê văn hoa núi ghé nghiên soi/ Tin vui thắng trận dồn chân ngựa/ Nhớ cụ thơ xuân tặng một bài.

Và bài tặng cụ Võ Liêm Sơn, cũng rất cảm động, trân trọng và vui mừng: Ngàn dặm cụ tìm đến/ Một lời trăm cảm thông/ Thờ dân trọn đạo hiếu/ Thờ nước vẹn lòng trung/ Cụ đến tôi mừng rỡ/ Cụ đi tôi nhớ nhung/ Một câu xin tặng cụ/ “Kháng chiến ắt thành công”.

Đó là những bài thơ Bác viết bằng chữ Hán. Đối tượng ấy thì phải có hình thức ấy. Thế mới trang trọng, mới trí tuệ.

Đối với các tầng lớp nam, phụ, lão ấu…đồng bào ta thì Bác luôn thường xuyên quan tâm khuyên nhủ, dạy bảo chí tình, chí nghĩa và bài nào Bác cũng viết bằng tiếng Việt, mộc mạc, dễ hiểu, dễ nhớ. Bác cũng không quên nhắc đến nhiệm vụ của mỗi người và bổn phận đối với nước, với dân, với công cuộc kháng chiến. Bác luôn tin tưởng, hy vọng vào các tầng lớp nhân dân ta.

Bài “Tặng cháu Nông Thị Trưng” - 1944, Bác mong: Mong cháu ra công mà học tập/ Mai sau cháu giúp nước non nhà.

Bài tặng các cháu nhi đồng (10/4/1946), cũng vậy: Bác mong các cháu chăm ngoan/ Mai sau gìn giữ giang san Lạc Hồng/ Sao cho nổi tiếng Tiên Rồng/ Sao cho tỏ mặt nhi đồng Việt Nam.

Bài “Thư Trung thu gửi các cháu nhi đồng” ngày 25/9/1952, Bác khuyên nhủ cụ thể hơn: Tuổi nhỏ làm việc nhỏ/ Tuỳ theo sức của mình/ Đi tham gia kháng chiến/ Để gìn giữ hoà bình/ Các cháu hãy xứng đáng/ Cháu Bác Hồ Chí Minh.

Nghe lời Bác dạy, trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ của nhân dân ta đã có không ít các cháu nhi đồng tích cực, hăng hái đi tham gia kháng chiến “Tuổi nhỏ làm việc nhỏ” như giúp đỡ bộ đội, đi làm liên lạc, theo dõi phát hiện tình hình địch… Nhiều cháu đã dũng cảm hy sinh, tiêu biểu như Kim Đồng, Lê Văn Tám, các cháu đội du kích thiếu nhi Đình Bảng, Nguyễn Bá Ngọc… Đó thực sự là những tấm gương “Cháu ngoan Bác Hồ”… Nhiều tuổi nhỏ cũng đã đi vào sử sách, văn thơ, tên tuổi và chiến công còn sáng mãi nghìn thu sử vàng.

Đối với các bậc bô lão, Bác động viên các cụ phải là những tấm gương cho con cháu noi theo, phải tích cực tăng gia sản xuất và mọi việc của kháng chiến. Bác cũng luôn theo dõi và động viên kịp thời thành tích của các cụ.  Năm 1947, được tin có 3 cụ già ở Cao Bằng đã hăng hái tham gia đánh giặc cùng bộ đội, du kích làm cho địch không tiến lên được. Bác rất vui và tặng luôn các cụ những vần thơ rất mượt mà, hào sảng và hay: Tuổi cao chí khí càng cao/ Múa gươm, giết giặc ào ào gió thu/ Sẵn sàng tiêu diệt quân thù/ Tiếng thơm Việt Bắc ngàn thu lẫy lừng.

Bài thơ có những hình ảnh rất đẹp như “Múa gươm giết giặc” và giọng thơ cũng hết sức vui “chí khí càng cao”, “Tiếng thơm Việt Bắc ngàn thu lẫy lừng”… Có lẽ, lúc viết chúc các cụ như thế là Bác đã nghĩ ngay đến hình ảnh các bô lão khắp nơi kéo về dự “Hội nghị Diên Hồng” từ thời nhà Trần thuở trước. Đó chính là truyền thống “Tuổi cao chí khí càng cao” của đồng bào ta.

Bài thơ “Tặng người tặng cam” 1946 của Bác là một bài thơ hay với nghệ thuật “chơi chữ”, nghệ thuật vận dụng ca dao, tục ngữ, thành ngữ rất nhuần nhuyễn, tài tình của Bác. Đó là gói cam của nữ sỹ Hằng Phương (phu nhân nhà văn Vũ Ngọc Phan, mẫu thân của cố họa sỹ Vũ Giáng Hương, nguyên Chủ tịch Hội Liên hiệp Văn học nghệ thuật Việt Nam) tặng Bác. Bác viết: Cảm ơn bà tặng gói cam/ Nhận thì không đặng, từ làm sao đây?/ Ăn quả nhớ kẻ trồng cây/ Phải chăng khổ tận tới ngày cam lai.

Ngoài ra cũng còn nhiều bài Bác viết tặng các cơ quan, đơn vị, các đoàn thể và báo chí…

Đặc biệt còn có 2 bài, Bác viết tặng những người là đối phương, đối lập như Nguyễn Hải Thần, Thống chế Pê - Tanh…

Nguyễn Hải Thần (1878 - 1954) cùng Vũ Hồng Khanh… lúc đó là những người cầm đầu đảng “Việt Nam cách mạng đồng minh hội” (1942), gọi tắt là “Việt cách” có tôn chỉ mục đích chống Pháp, cứu nước sau biến chất đối lập với Đảng ta (như Quốc dân Đảng). Khi thành lập Chính phủ lâm thời, 1945, Bác đã “mời” cho làm Phó Chủ tịch nước, nhưng rồi ông ta cũng bỏ nước chạy sang Trung Quốc và mất ở bên đó, năm 1959. Nguyễn Hải Thần có bài thơ thể hiện tính chất nhu nhược, thoái chí của mình nói với Bác như sau: “Gặp gỡ đường đời anh với tôi/ Đường đời gai góc phải chia đôi/ Đã sinh tai mắt, sinh đầu óc/ Há bỏ thân yêu, bỏ giống nòi./ Trách kẻ đưa thân vào miệng cọp/ Tôi đành ghé đít cưỡi đầu voi/ Tàn cờ mới biết tay cao thấp/ Há phải như ai, cá đớp mồi”.

Đối với những người như vậy thì Bác không thể khoan nhượng, không thể trân trọng, tao nhã khi tặng thơ. Dưới hình thức một bài thơ “Hoạ”, Bác họa lại bài của Nguyễn Hải Thần, đập lại rất thẳng thắn, mạnh mẽ: Gặp gỡ đường đời anh với tôi/ Hai vai gánh nặng cả hai vai/ Tuy riêng Nam Bắc, riêng bờ cõi/ Cùng một ông cha, một giống nòi./ Nhỡ bước đành cam thua nửa ngựa/ Thà hơn miệng thế nói mười voi/ Mấy lời trân trọng anh ghi nhớ/ Nước ngược buông câu khéo mất mồi. (Theo “Hồ Chí Minh, hợp tuyển thơ”, Nxb Hội Nhà văn - 2005, tr. 380).

Và bài “Tặng Thống chế Pê -Tanh” (Pháp) viết ngày 11/7/1942, Bác còn đập lại mạnh mẽ hơn, không chút nể nang, khoan nhượng: Vận mệnh Lang - Sa lúc chẳng lành/ Pê- Tanh lão tướng hoá hôi tanh/ Cúi đầu, quỳ gối hàng quân Đức/ Trợn mắt, nhăn mày chửi nước Anh/ Bán nước lại còn khoe cứu nước/ Ô danh mà muốn được thơm danh/ Già mà như chú, già thêm dại/ Tiếng xấu muôn đời nhuốc sử xanh.(Theo “Từ Bến Nhà Rồng đến Quảng trường Ba Đình” Nxb Lao Động, 2009, Tr.334).

Tuy là những bài thơ tặng (hoặc dưới hình thức gửi, họa) nhưng bài nào cũng đều thể hiện rất rõ tấm lòng yêu nước, thương dân và thái độ của Bác đối với từng đối tượng. Nhiều bài đã rất phổ biến, được nhân dân ta nâng niu, trân trọng và thuộc lòng. Đó quả là một mảng thơ đặc sắc của Bác. Hôm nay, đọc lại những vần thơ ấy, ta vẫn còn thấy in đậm tính lịch sử và giá trị nghệ thuật thi ca của thơ Bác …                                                                                                   

                                                                                                            Ninh Bình, 4/2019      

Bài viết khác